Nay một bạn viết lại mới gởi cho tôi bài viết của ông Tô Văn Trường: Buon-gian-vui-khi-doc-bai-cua-gs-nguyen-uv-bo-chinh-tri-le-xuan-tung đăng trên trang của bà kimdung, phản bác bài của GS Lê Xuân Tùng: Phai-chang-kinh-te-tu-nhan-la-nen-tang-cua-nen-kinh-te-quoc-dan?, đăng trên dantri.com.vn.
***
Thú thực đến giờ tôi chưa biết Tô Văn Trường là ai còn chủ trang Kim Dung (Kỳ Duyên) thì không còn lạ.
Kỳ Duyên chuyên viết trên trang TuanVietNam thuộc VietNamNet. Kỳ Duyên thường viết về những tệ nạn và yếu kém của chế độ nhưng không phải với tinh thần xây dựng mà là phản bác, lật đổ. Chính vậy Kỳ Duyên hay sưu tập và cho đăng loại bài như Thảm hoạ của một ý thức hệ (trên FB Nguyễn Tuấn) với cái nhìn bậy bạ, xuyên tạc lịch sử. Chỉ những kẻ cho sự xâm lược là chính nghĩa mới viết như thế này:
“Tính từ ngày vài người Việt du nhập cái chủ nghĩa không tưởng đó vào nước ta đến nay đã hơn 80 năm. Trong suốt thời gian dài đó, cái chủ nghĩa được du nhập vào đã làm đảo lộn cuộc sống và thay đổi biết bao giá trị văn hoá. Nó làm cho một dân tộc thống nhất thành hai dân tộc chia rẽ, và đánh nhau suốt 20 năm trời, gây mất mát cho hơn 3 triệu người, để rồi sau cùng là một đất nước nghèo nàn và lạc hậu nhất nhì thế giới”.
Có cái lạ là VietNamNet là trang báo điện tử lớn nhất thuộc Bộ TT &TT nhưng lại sử dụng những người như Kỳ Duyên. Còn nhớ trên TuanVietNam Kỳ Duyên từng hung hãn công kích ông nghị Phước khi ông này phê phán Dương Trung Quốc: “Không chỉ vô văn hóa, ngông cuồng, hợm hĩnh, mà còn xằng bậy”. Tôi đã viết: “nói ông Phước “ngông cuồng, xằng bậy” thì chính tác giả Kỳ Duyên này mới đúng là “ngông cuồng, xằng bậy”! Người ta chỉ ngông cuồng, xằng bậy khi làm sai. Nhưng ông Phước phản bác ông Quốc không sai”. Vì ý cái ông nghị Quốc một người mà tôi cho là “nhà sử học mà dốt sử” luôn sai, luôn thiểu số, thậm chí là độc nhất trên diễn đàn quốc hội. Khi Nhạc sĩ Phạm Duy chết, Kỳ Duyên viết một bài cho những tháng năm theo kháng chiến của ông là “quãng tối”. Khi Phạm Duy quay lưng lại với cách mạng để “Lánh Bắc vô Nam”, rồi năm 1975 ông rời nước tránh “quỷ dữ”. Nhưng rồi cuối đời muốn “lá rụng về cội”, người nhạc sĩ già đã dũng cảm xóa bỏ mặc cảm, quay lại xứ sở như một sự sám hối và đất mẹ có đâu không dang rộng vòng tay đón một đứa con tài năng biết “quay đầu là bờ”. Phạm Duy tâm sự với Nguyễn Đắc Xuân, bạn tâm giao, là “quá khiếp” hận thù ở Mỹ và thấy “sướng hơn” khi về VN (theo BBC). Vậy mà Kỳ Duyên viết: “Và cho dù, có ấm nồng miền viễn xứ, thì nước Việt, cuối cùng vẫn là sự chọn lựa của người nhạc sĩ”!
Cũng vì là một người như thế Kỳ Duyên mới cho đăng bài trên của Tô Văn Trường.
***
TS. Tô Văn Trường |
Theo motthegioi, Tô Văn Trường là TS, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam. Trong bài viết nói trên ông Trường đã trình bầy cái “cảm giác của tôi” khi đọc bài của GS Lê Xuân Tùng, một Giáo sư Kinh tế Chính trị, nguyên Bí thư Thành Ủy Hà Nội, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác Tư tưởng – Văn hóa và Khoa giáo Trung ương, là:
“-“Tôi buồn” vì sự thủ cựu, bảo thủ đến cực điểm của GS. LXT. Ông Tùng viết ra những điều mà người đời hay nói “xưa như trái đất”. Tôi buồn hơn, sự bảo thủ này không chỉ của GS. LXT mà thực tiễn cho thấy không ít nhà lãnh đạo cao cấp hiện nay cũng chưa thoát ra được.
-“Tôi giận” vì một người có học hàm cao và vị thế lớn như GS. LXT lại nhắm mắt nói bừa những điều sai sự thật, quá xa với cuộc sống diễn ra trên đất nước ta trong 30 năm đổi mới vừa qua. Tôi giận hơn, khi tìm hiểu hệ thống văn kiện tóm tắt đưa xuống đại hội đảng các cấp cũng có tình hình tương tự.
-“Tôi vui” vì GS. LXT đã “dũng cảm” phơi bày quan điểm bảo thủ, lạc hậu của mình để mọi người có dịp tranh luận công khai mà không bị “trừng trị””.
Bởi Tô Văn Trường “không tin” Gs Lê Xuân Tùng và “ê kíp” của ông “sai lầm một cách chân thành. Họ không thể không biết điều sơ đẳng: “Thực tiễn là thước đo duy nhất đúng của chân lý”. Chỉ cần nhìn vào thực tế trên thế giới mấy chục năm qua thì sẽ thấy vì sao Tây Đức hơn Đông Đức, Đài Loan hơn Đại lục, Hàn Quốc hơn Bắc Triều Tiên…, vì sao Thành trì của CNXH là Liên Xô lại sụp đổ cái rụp như thể đó là một ngôi nhà xây trên cát! Vì sao Việt nam tụt hậu thê thảm so với các nước”.
***
Về cái chuyện “vì sao Thành trì của CNXH là Liên Xô lại sụp đổ cái rụp như thể đó là một ngôi nhà xây trên cát! Vì sao Việt nam tụt hậu thê thảm so với các nước”, Tô Văn Trường cũng chỉ nhai lại cái ý trong Thư ngỏ gửi BCH Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng CSVN của các cựu quan chức, trí thức là đảng viên ĐCSVN, từng đề nghị giải tán Đảng, với những “gương mặt thân quen” sau:
Nguyễn Trọng Vĩnh, Thiếu tướng; Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ; Lê Duy Mật, Thiếu tướng, Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang 1979 – 1988; Vũ Quốc Tuấn, nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Hoàng Tụy, Giáo sư Toán học; Nguyên Ngọc, Nhà văn, nguyên Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam; Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học; Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam; Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ tại Thái Lan; Tô Nhuận Vỹ, nhà văn, nguyên Bí thư Đảng Đoàn kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế; Bùi Đức Lại, nguyên Vụ trưởng, Ban Tổ chức trung ương Đảng, Hà Nội; Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975; Lê Đăng Doanh, Tiến sĩ Kinh tế học, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ; Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội; Trần Đình Sử, Giáo sư Tiến sĩ Ngữ văn, Hà Nội; Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ; v.v…
Cụ thể họ viết: “Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin”. Câu chữ thì khác nhưng ý tứ thì hoàn toàn như của Tô Văn Trường ở trên.
Tôi đã viết, cái nhìn của các vị trên và Tô Văn Trường là một cái nhìn ấu trĩ của thời chiến tranh lạnh. Nếu nước ta đã và sẽ còn yếu kém thì không phải do đi theo Chủ nghĩa Mác Lê Nin mà đơn giản là do trình độ mọi mặt của chúng ta còn yếu kém. Thời nay, cần phải coi Chủ nghĩa Mác như một học thuyết chính trị, một khoa học về sự phát triển, cần phải hiểu đúng, vận dụng đúng thì mới có được thành công cũng như mọi lý thuyết khoa học vậy. Cũng như giả sử ta không thể sản xuất được bom nguyên tử thì do trình độ của ta chứ không phải do công thức lừng danh E=mc2 của Einstein trong Thuyết Tương đối hẹp là sai! Còn chuyện Liên Xô tan vỡ cần phải hiểu cho đúng. Sự tan vỡ không phải do LX đi theo Chủ nghĩa Mác-Lê Nin mà ngược lại chính là do sự phản bội Chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Thực tế, Liên Xô chỉ có theo Chủ nghĩa – Mác Lê Nin, từ một đất nước cồng kềnh, lạc hậu hơn nhiều so với phương Tây, đã phát triển, có sức mạnh chiến thắng bọn phát-xít, trở thành siêu cường, đối trọng được với Mỹ! Stalin từng nói: “Chúng ta lạc hậu hơn các nước tiên tiến 50 năm đến 100 năm, chúng ta phải chạy hết khoảng cách này trong 10 năm, hoặc chúng ta làm được điều này, hoặc chúng ta bị người ta đánh ngã”. Tiếc là đất nước Liên Xô đã thay đổi nhưng bản chất con người không thay đổi theo. Những cán bộ Xô Viết vẫn mang nguyên trong mình dòng máu quan lại, phong kiến, nghĩa là thượng tầng kiến trúc không thay đổi kịp theo hạ tầng cơ sở. Chính mâu thuẫn đó đã dẫn tới sự tan vỡ!
***
Tô Văn Trường viết: “Họ không thể không biết điều sơ đẳng: “Thực tiễn là thước đo duy nhất đúng của chân lý”. Chỉ cần nhìn vào thực tế trên thế giới mấy chục năm qua thì sẽ thấy vì sao Tây Đức hơn Đông Đức, Đài Loan hơn Đại lục, Hàn Quốc hơn Bắc Triều Tiên”. Viết vậy, Tô Văn Trường chứng tỏ mình chỉ như một con vẹt, có cái nhìn của “dân đen”, không phải do da đen mà vì vô học nên đầu óc đen tối, chỉ nhìn thấy hiện tượng mà không thấy bản chất, một cái nhìn thô thiển chứ không phải biện chứng của một nhà lý luận.
Trước hết, cần phải thấy chuyện giầu, nghèo trên thế giới vốn đã có từ lâu vì trình độ các nước khác nhau. Thêm nữa, Chủ nghĩa Thực dân lại đi xâm lược, bóc lột và nô dịch dân thuộc địa nên càng giầu hơn. Mặt trời từng không lặn trên Đế quốc Anh và Pháp cũng coi xứ Đông Dương là bãi hoang mầu mỡ cần khai thác, coi dân bản xứ chỉ là dân mọi, cần khai hóa để thành những kẻ hầu và người lao động. Nhưng rồi chính quá trình “thực dân” lại tranh giành, xâu xé lẫn nhau. Cuộc Đại chiến thế giới thứ Nhất thực chất là chiến tranh phân chia lại thị trường giữa một bên là Đức, Áo, Hung với một bên là Anh, Pháp, Nga, Mỹ. Kết quả là Đức thua và còn bị trói chặt bằng Hiệp ước Véc-xây. Rồi chính sự phục thù của Đức đã làm nên Đại chiến thế giới thứ Hai. Liên-xô cùng phe đồng minh đã chặn đứng được thảm họa đó; và chính sự chiến thắng chủ nghĩa phát-xít đã sinh ra hệ thống các nước XHCN trở thành đối trọng với hệ thống TBCN. Thế là trong quá trình “thích nghi để tồn tại”, các nước tư bản đã tự thay đổi, một hành động mà tôi gọi là “tự sát” những tính chất xấu xa. Wikipedia viết: “Lý tưởng của chủ nghĩa cộng sản là đối trọng để chủ nghĩa tư bản trở nên tốt đẹp hơn để được xã hội loài người chấp nhận”.
Thứ hai, sự chênh lệch giầu, nghèo giữa hai phía Tây Âu – Đông Âu cũng có nguyên nhân từ Kế hoạch Marshall của Mỹ nhằm phục hồi và chiếm ưu thế cho các nước Tây Âu, đẩy lui Chủ nghĩa Cộng sản, gọi theo tên của Ngoại trưởng Mỹ George Marshall, người đã khởi xướng và có sự đóng góp của William L. Clayton và George F. Kennan.
Nhưng muốn thực hiện được kế hoạch đó, Mỹ phải có lực. Mỹ chính là cường quốc duy nhất mà cơ sở hạ tầng không bị thiệt hại bởi chiến tranh. Mỹ cũng có số lượng dự trữ vàng lớn và nền sản xuất tiên tiến. Những năm chiến tranh, Mỹ sản xuất hàng hóa phục vụ cho đồng minh mang lại thời kỳ phát triển kinh tế mạnh nhất trong lịch sử. Sau chiến tranh, các nước suy kiệt, Mỹ lại chuyển sang sản xuất hàng tiêu dùng. Nền kinh tế Mỹ phụ thuộc vào xuất khẩu nên viện trợ từ Kế hoạch Marshall vừa giúp châu Âu đồng thời cũng có lợi cho Mỹ.
Riêng với Đức, 1946, tránh Đức phục thù, Hội đồng kiểm soát Đồng Minh áp đặt Kế hoạch “Định mức công nghiệp Đức” để ngăn nước Đức “ngóc đầu” dậy. Nhưng Mỹ ngày càng tỏ ra lo lắng trước sự gia tăng ảnh hưởng của Chủ nghĩa Cộng sản tại Đức, cũng như nền kinh tế Châu Âu không thể phục hồi mà không có nền công nghiệp Đức. Nền kinh tế Đức từ lâu đã là nền móng của châu Âu. Sự thay đổi tư tưởng xảy ra từ cuộc Đại suy thoái, Chính sách kinh tế mới được thiết lập, cần thiết phải có tự do mậu dịch và một nền kinh tế châu Âu thống nhất. Vì vậy, chính sách áp dụng cho nước Đức đã hoàn toàn bị đảo ngược.
Kế hoạch Marshall, theo The Marshall Plan Fifty Years Later, Mỹ viện trợ cho 16 nước 12,721 tỷ USD, Anh nhiều nhất 3,297 tỷ, Pháp 2,296 tỷ, Đức thứ 3 1,448 tỷ. Cần phải biết tiền hồi đó có giá hơn, càng quý hơn sau bối cảnh chiến tranh tan hoang, với trình độ khoa học công nghệ có sẵn, sự viện trợ của Mỹ sẽ là động lực rất mạnh giúp cho Đức và các nước Tây Âu phục hồi nhanh chóng và phát triển, rồi chiếm ưu thế so với Đông Âu.
***
Còn nếu so sánh với VN, một nước phong kiến nô lệ, nền sản xuất tiểu nông; sau chiến tranh 1975, cả hai miền Bắc, Nam bị cắt viện trợ; chiến tranh biên giới hai đầu đất nước; còn bị bao vây, cấm vận; chúng ta vẫn đứng vững, còn phát triển đến như hôm nay, thì dù bây giờ còn nhiều yếu kém, vẫn phải thấy như có phép mầu; chứ có đâu lại nhìn ngược một các thô thiển như Tô Văn Trường với câu hỏi “Vì sao Việt nam tụt hậu thê thảm so với các nước”?!
Tô Văn Trường dẫn chứng: “Trong các văn kiện chính thức, chúng ta thường chỉ đánh giá một chiều rằng Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế thuộc nhóm nước cao nhất thế giới, coi đó là thành tựu “có ý nghĩa lịch sử”. Nhưng thực chất, nếu xem xét kỹ về số tuyệt đối, mà điều đó mới là quan trọng nhất thì Việt Nam tụt hậu ngày càng xa hơn so với bình quân chung của thế giới và các nước trong khu vực… Chẳng hạn, năm 1990, GDP bình quân đầu người của Thái Lan là 1508 USD và VN là 98 USD, cách nhau 1410 USD. Đến năm 2013 lần lượt là 5674 USD và 1908 USD, cách nhau 3766 USD, tức khoảng cách doãng ra gấp 2,67 lần, sau 23 năm. So với hầu hết các nước trong khu vực đều thấy có tình hình tương tự”.
Đây là cách so sánh của một thằng trẻ con bởi với cái nhìn biện chứng của một nhà tư tưởng, một nhà lý luận, sự so sánh phải căn căn cứ vào thực tế phát triển, vào hoàn cảnh mỗi nước, từ đó mới thấy khoảng cách của Thái Lan so với ta giảm từ: 15,4 lần (1508/ 98) xuống còn 2,97 lần (5674/ 1908)!
Cũng phải thấy trị số của thu nhập bình quân đầu người chỉ có giá trị tương đối vì giá cả và chi phí cho cuộc sống rất khác nhau ở mỗi nước. Chỉ lấy một ví dụ: cô em vợ tôi ở Mỹ trả thuế nhà 240 triệu một năm trong khi nhà tôi chỉ mất có 80.000đ, tất nhiên nhà nó to hơn nhưng không hơn đến 3000 lần! Con tôi thuê một căn phòng khoảng 16 triệu tháng, con bạn tôi ở Đan Mạch thuê căn hộ nhỏ 30 triệu tháng mà ở VN thì sẽ ít hơn rất nhiều!
Tô Văn Trường cho GS Lê Xuân Tùng “thủ cựu, bảo thủ đến cực điểm” vì Tô Văn Trường cho ông “cố tìm cách (kể cả bịa chuyện) để chống lại “những quan điểm xa lạ” để bảo vệ một trong những quan điểm chính thống của đảng cầm quyền đã được ghi vào Cương lĩnh và Hiến pháp sau đây: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, “Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”; “sau 30 năm đổi mới mọi người… vẫn còn loay hoay bàn vấn đề “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì? Một đường lối như vậy làm sao bắt mọi người phải thừa nhận là đúng, bắt mọi người phải nói theo và làm theo”. Từ đó Tô Văn Trường kết luận: “Đảng ta vẫn cố bám lấy những mặt sai, lỗi thời của chủ nghĩa Mác – Lênin”; “Trong khi đó chủ nghĩa Mác-Lênin ngày càng được nhiều học giả chân chính và thực tiễn chứng minh là một học thuyết chưa hoàn chỉnh có rất nhiều sai lầm, khuyết tật đặc biệt là trong những nguyên lý xây dựng chủ nghĩa xã hội”; “Cho nên, Đảng ta “lấy chủ nghĩa Mác – Lênin … làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động…” (Cương lĩnh 2011) là rất sai lầm”!
Viết vậy thực chất Tô Văn Trường không hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin là gì, nền kinh tế trên thế giới là gì, nền Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN ở ta là gì, và thực trạng nền kinh tế của ta, nên đã có cái nhìn sai lầm, méo mó so với thực tế, quy tất cả do Chủ nghĩa Mác-Lê nin vì có thái độ thù địch với chủ nghĩa Mác – Lê nin.
Tô Văn Trường không nên nhắm mắt phán bừa về Chủ nghĩa Mác mà cần phải biết vẫn có những cuộc bình chọn nhà tư tưởng ở ngay các nước tư bản phát triển mà Marx đứng đầu. Nhà tỷ phú đầu cơ chứng khoán George Soros viết: “Marx và Engels đã cho một phân tích rất tốt về hệ thống tư bản cách đây 150 năm” (Marx and Engels gave a very good analysis of the capitalist system 150 years ago); một ông chủ ngân hàng đầu tư Mỹ nói: “Marx có cái nhìn chính xác nhất về chủ nghĩa tư bản”, và “càng hoạt động lâu ở Wall Street thì tôi càng đoán chắc rằng Marx có lý”.
So với thời Chủ nghĩa Tư bản hoang dã mà Mác chứng kiến, mức sống của người dân ở các nước tư bản hàng đầu ngày nay đã tăng lên rất nhiều, nhưng vẫn còn nguyên đó sự bất công trong hưởng thụ thành quả lao động. Nước Mỹ, một đất nước có những cá nhân giàu bằng cả những quốc gia, nhưng hiện nay, theo VietNam.net: “Cục điều tra dân số Mỹ cho biết, họ ước tính có 47,4 triệu người Mỹ hiện sống trong bần cùng”. Tỷ phú Bill Gate cũng thấy tính bất hợp lý của CNTB, đã viết: “Phúc lợi không giành cho tất cả mọi người. Có 1 tỉ người trên hành tinh của chúng ta sống ở mức dưới 1 đô la mỗi ngày”. Phong trào biểu tình “Chiếm Phố Wall” của những người tự xưng “đại diện cho 99%” dân lao động từng lan rộng chống lại 1% giới tư bản tài chính và các chính trị gia, chống lại cái cơ chế xã hội “của 1%, do 1% và vì 1%” của Mỹ và thế giới tư bản nói chung. Nhà làm phim Michael Moore, một người biểu tình, đã nói: “Đó là hệ thống tàn ác… hệ thống được dựng lên để 1% những người giàu nhất nhận 40% chiếc bánh”.
***
Trước hết, cần phải hiểu nền Kinh tế thị trường là nền kinh tế vận hành theo quy luật cung cầu, giá cả tăng giảm theo số lượng hàng hóa và nhu cầu khách hàng. Nếu lượng cầu hàng hóa cao hơn lượng cung thì giá cả sẽ tăng lên và ngược lại.
Trong Thương Mại Quốc tế người ta cần xem xét tính chất thị trường của một nền kinh tế vì liên quan đến chuyện bán phá giá và trợ cấp, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của hàng hóa. Trong Nghị định thư gia nhập WTO của Trung Quốc và Việt Nam có điều khoản về kinh tế phi thị trường, cả hai sẽ phải chịu phương pháp điều tra riêng, bất lợi hơn so với các thành viên khác trong các vụ việc liên quan đến bán phá giá và chống trợ cấp.
Nền Kinh tế thị trường có nhược điểm vì chạy theo lợi nhuận nên sẽ sinh ra sự mất cân bằng, dẫn đến khủng hoảng thiếu hoặc thừa, sự phân bổ nguồn lực chênh lệch. Giá cả hàng hóa trong các lĩnh vực và doanh nghiệp có khả năng độc quyền cao không bị điều chỉnh bởi cung cầu. Vì vậy trong thực tế hiện nay, không có một nền kinh tế thị trường hoàn toàn, mà là nền Kinh tế Hỗn hợp.
Ngay nền Kinh tế Mỹ, một nền kinh tế mạnh nhất thế giới, cũng là một nền kinh tế hỗn hợp, nơi mà các công ty, các tập đoàn lớn và các công ty tư nhân là những thành phần chính của nền kinh tế.
Theo Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 2/2001: “chủ nghĩa tư bản thuần túy như Mác mô tả đã từng tồn tại thì nó cũng biến dạng từ lâu khi các chính phủ ở Mỹ và nhiều quốc gia khác can thiệp vào nền kinh tế của họ nhằm hạn chế sự tập trung quyền lực và giải quyết nhiều vấn đề xã hội liên quan đến lợi ích thương mại mang tính cá nhân không bị kiểm soát. Do vậy, nền kinh tế Mỹ có lẽ tốt hơn được mô tả như một nền kinh tế “hỗn hợp”, trong đó chính phủ đóng một vai trò quan trọng cùng với doanh nghiệp tư nhân”.
Các doanh nghiệp tư nhân tạo ra phần lớn hàng hóa và dịch vụ, và gần hai phần ba tổng sản lượng kinh tế của quốc gia là dành cho tiêu dùng cá nhân (một phần ba còn lại được mua bởi chính phủ và doanh nghiệp). Người Mỹ tin rằng khi các nguồn lực kinh tế được giải phóng, cung và cầu sẽ xác định giá cả của hàng hóa và dịch vụ. Đến lượt nó, giá cả sẽ mách bảo các doanh nghiệp nên sản xuất cái gì, tuân theo đúng quy luật của nền kinh tế thị trường. Nhưng Người Mỹ cũng tin rằng một số lĩnh vực do nhà nước đảm nhận sẽ tốt hơn tư nhân, như quốc phòng, an ninh , các hoạt động về tư pháp, giáo dục, giao thông, thống kê xã hội. Chính phủ cũng thường được yêu cầu can thiệp vào nền kinh tế để điều tiết các nhà “độc quyền tự nhiên”, và sử dụng luật chống độc quyền để kiểm soát hoặc ngăn chặn các tổ hợp kinh doanh trở nên quá mạnh đến mức chúng có thể chế ngự các lực lượng thị trường. Chính phủ cũng giải quyết những vấn đề nằm ngoài phạm vi thị trường như phúc lợi và trợ cấp thất nghiệp, trợ giúp người gặp rủi ro, chi phí chăm sóc y tế cho người già, việc hạn chế sự ô nhiễm môi trường và đóng vai trò đầu tàu trong việc khám phá vũ trụ, một ngành có chi phí quá cao đối với bất kỳ doanh nghiệp tư nhân nào.
Để giữ ổn định và tăng trưởng, chính phủ Mỹ cũng định hướng nhịp điệu chung của hoạt động kinh tế, giữ mức việc làm cao và ổn định giá cả. Bằng việc điều chỉnh chi tiêu và thuế suất (chính sách tài khoá) hoặc điều khiển mức cung tiền và kiểm soát việc sử dụng tín dụng (chính sách tiền tệ), chính phủ có thể làm giảm hoặc thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế – trong quá trình đó tác động đến mức giá cả và việc làm. Chính phủ tìm cách ngăn cản các nhà độc quyền như ngành dịch vụ điện để tránh tăng giá vượt quá mức bảo đảm cho họ thu được lợi nhuận hợp lý. Chính phủ đã trang bị một hệ thống phức tạp để bình ổn giá cả cho hàng hóa nông nghiệp, bởi nó có xu hướng dao động bất thường khi cung cầu thay đổi nhanh chóng. Chính phủ cũng cung cấp nhiều loại hình trợ giúp cho các doanh nghiệp và cá nhân, đưa ra các khoản vay với lãi suất thấp và trợ giúp kỹ thuật cho những doanh nghiệp nhỏ, và cho sinh viên vay tiền để học đại học và cao đẳng.
Như vậy xem chừng nền kinh tế Mỹ cũng có nhiều nét tương đồng với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở ta, mà vì ấu trĩ và dị ứng với Chủ nghĩa Mác-Lê nin, Tô Văn Trường đã hung hãn công kích GS Lê Xuân Tùng cũng như Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp của nước ta.
***
Trong quá trình nghiên cứu tổng kết thực tiễn, kế thừa và tiếp thu những thành quả lý luận, dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội 12 đã nêu ra định nghĩa mới về khái niệm kinh tế thị trường định hướng XHCN:
“Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.
Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và công cụ, chính sách để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế – xã hội”.
Về khái niệm “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, Tô Văn Trường viết: “sau 30 năm đổi mới mọi người, kể cả các nhà khoa học lớn của đất nước vẫn còn loay hoay bàn vấn đề “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là gì? Một đường lối như vậy làm sao bắt mọi người phải thừa nhận là đúng, bắt mọi người phải nói theo và làm theo; Ngay Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng thẳng thắn đánh giá: “Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”!”
Nếu đúng ông Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói vậy thì cả Tô Văn Trường và Bùi Quang Vinh cần phải hiểu, cũng theo chính Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (tháng 2/2001): “Nước Mỹ được coi là có một nền kinh tế hỗn hợp, bởi vì cả doanh nghiệp sở hữu tư nhân và chính phủ đều đóng những vai trò quan trọng. Quả thực, một số trong những cuộc tranh luận kéo dài nhất của lịch sử kinh tế Mỹ tập trung vào vai trò tương đối của các khu vực nhà nước và tư nhân”.
Với nền kinh tế Mỹ mà còn có những “cuộc tranh luận kéo dài nhất của lịch sử” thì với Việt Nam nền kinh tế còn non trẻ, điều hành một nền kinh tế có một sự kết hợp giữa công và tư, giữa sự điều tiết của nhà nước với tính tự do của thị trường, có lúng túng, va vấp và tranh cãi là điều tất nhiên. Trình độ lãnh đạo một nền kinh tế chỉ có thể dần tích lũy qua sự từng trải để rút ra những kinh nghiệm và bài học bổ ích, không ai có thể nói mình giỏi ngay được.
Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, Tô Văn trường viết:
“Nhưng điều rất đáng buồn là đảng đã thụt lùi khi ghi vào Cương lĩnh: “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu,[…]. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. […]. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.
Đoạn trích từ Cương lĩnh trên đây đã nói lên rõ ràng rằng chính Đảng cầm quyền chứ không phải ai khác chủ trương và cổ súy cho việc phân biệt đối xử đối với các thành phần kinh tế. GS. LXT còn bảo hoàng hơn vua khi bịa ra rằng có thế lực thù địch nào đó muốn “kinh tế tư nhân là nền tảng của nền kinh tế quốc dân?”. Xin thưa với GS. LXT là mọi người, kể cả các nhà khoa học chỉ muốn đảng thực hiện chủ trương các thành phần kinh tế “bình đẳng trước pháp luật” như đã hứa thôi!”
Về điều này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển trong bản tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân 2015 nói:
“Trong bối cảnh đó, đóng góp vào GDP của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng liên tục từ 15,6% năm 2005 lên xấp xỉ 20% năm 2013. Năm 2014 chưa có số liệu nhưng chắc chắn cao hơn.
Cũng vậy, giá trị sản xuất công nghiệp cũng tăng liên tục từ 2005 đến nay, năm 2013 đã chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp cả nước. Còn trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2014, khối FDI chiếm gần 68%. Với xu thế này, quan điểm kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo – mà không ít người không đồng tình – thì trên thực tế cũng không phải vậy”.
Việc lấy con số thống kê như ông Tuyển và suy nghĩ như Tô Văn Trường để đánh giá vai trò của kinh tế nhà nước theo tôi là chưa thỏa đáng, mới nhìn vỏ ngoài hiện tượng chứ chưa hiểu bản chất vấn đề.
Tôi đã một lần viết:
“Giống như quyền sở hữu đất đai thuộc về nhà nước thì kinh tế nhà nước đương nhiên phải là chủ đạo.
Để giành lại chủ quyền đất nước, mỗi tấc đất đã phải thấm bao mồ hôi của nhân dân và bao máu của các anh hùng liệt sĩ. Nếu việc sở hữu tư nhân đất đai được hiến định thì người có tiền hoàn toàn có thể chiếm giữ được những vị trí chiến lược, những nơi hiểm yếu. Mà lực lượng chống phá đất nước nếu cần thì sẽ không thiếu tiền. Mặt khác, đất đai thuộc sở hữu toàn dân cũng là bản chất của chế độ XHCN. Vì vậy chúng ta cần phân biệt, quyền sử dụng đất của người dân có giá trị kinh tế như quyền sở hữu, nhưng về mặt chính trị thì quyền sử dụng khác quyền sở hữu. Tức nhà nước nếu cần đất cho những việc lớn vì lợi ích của cộng đồng, vì an ninh quốc gia thì nhà nước phải có quyền. Trong sự lộn xộn về đất đai thời gian qua thì cái cần phải làm chính là cần phải minh bạch và công bằng trong việc thu hồi đất của dân vì lợi ích chung.
Tương tự, dân ta cũng phải đổ bao mồ hôi và máu để giành lại tài nguyên, khoáng sản. Vì vậy như đất đai, tài nguyên và khoáng sản cũng phải thuộc sở hữu toàn dân, tức thuộc kinh tế nhà nước. Bên cạnh đó, những lĩnh vực, ngành nghề trọng yếu, xương sống của nền kinh tế cũng phải thuộc kinh tế nhà nước. Chỉ như vậy đất nước mới có sức mạnh và giữ được sự ổn định. Vấn đề ở đây là, dù như vậy, mọi thành phần kinh tế lại phải bình đẳng, tất cả đều phải tuân theo pháp luật. Lợi nhuận của kinh tế nhà nước cũng phải thuộc về toàn dân. Vì vậy cần phải hoàn chỉnh cơ chế giám sát để minh bạch hóa đầu vào đầu ra của các doanh nghiệp nhà nước, tránh hình thành các vương quốc độc lập, rồi thành ung nhọt của nền kinh tế, khi đổ bể thì xã hội mới biết và phải gánh hậu quả, như Vinalines của Dương Chí Dũng chẳng hạn”.
Bản chất kinh tế nhà nước chủ đạo là vậy. Nếu cho lĩnh vực nào làm nhiều tiền hơn là chủ đạo thì chỉ là tư duy của cái dạ dầy thôi. Còn với tư duy của đầu óc thì thấy ăn uống để sống quả quan trọng, nhưng khi đất nước mất ổn định thì người ta không thể ngồi yên mà ăn đâu!
***
Tóm lại về lý luận, cả GS Lê Xuân Tùng và Cương lĩnh của Đảng, Hiến pháp của nhà nước là quá hay rồi. Nói vậy không phải do tôi nể ông GS là cựu Ủy viên BCT mà hoàn toàn là khách quan vì với GS Nguyễn Đức Bình, cũng là Ủy viên BCT, còn là lớp trước GS Lê Xuân Tùng, tôi đã viết bài đường đi và đích đến phản biện quan điểm của ông về chuyện đảng viên làm kinh tế tư nhân. Nhưng nếu ai nói xã hội ta hiện tại là tốt đẹp nhất, nền kinh tế vận hành đúng nhất thì chắc chắn bị thần kinh, vì đến các nhà lãnh đạo cao nhất như TBT Nguyễn Phú Trọng cũng cảnh báo chế độ đứng trước “nguy cơ tồn vong”, Chủ tịch Trương Tấn Sang cũng nói “đụng đâu vướng đó”. Có tình trạng như vậy đơn giản là vì trình độ trong mọi lĩnh vực ở ta còn kém, kể cả trình độ quản trị xã hội, đã dần tạo ra cái “lỗi hệ thống” mà giờ khó sửa ngay được. Mà cái lỗi ấy trong nền kinh tế chắc chắn có sự “góp công” lớn của các vị cựu quan chức, đảng viên, từng viết lá thư “lật Đảng” nói ở đầu bài viết: Trần Đức Nguyên, nguyên Trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ; Vũ Quốc Tuấn, nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt; Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học; Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam; Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ tại Thái Lan, trợ lý TT Võ Văn Kiệt; Lê Đăng Doanh, Tiến sĩ Kinh tế học, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ; Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội; Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ v.v… và kể cả Tô Văn Trường, cũng là một tiến sĩ và từng giữ chức không hề nhỏ và không kém quan trọng: Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam. Tình trạng ngập lụt và hạn hán của miền Nam hiện nay chắc chắn có “công sức” của ông viện trưởng, có phải tại ông lo nghiên cứu lý luận quá mà chểnh mảng với chuyên môn của mình chăng?
***
Trong thời đại dân chủ, trước thực trạng của đất nước hiện tại rất cần những ý kiến tâm huyết, có trách nhiệm đóng góp. Đặc biệt với những vấn đề cao siêu, trừu tượng, phức tạp rất cần ý kiến của những bậc có trí cao tâm sáng phân tích. Tiếc là có không ít những người trí thấp, tâm tối lại cơ hội chính trị nên đã gây rối không ít. Cứ như Nguyên Ngọc đổi mới văn chương, Huệ Chi nghiên cứu vật lý, Mạnh Hảo nghiên cứu Triết học,…, đến nay lại có thêm Văn Trường nghiên cứu kinh tế xã hội nữa thì đúng là … “bỏ mẹ” cái đất nước VN mình thật!
Còn tôi cũng đã mạnh dạn “hiến kế” không ít lần. Tôi từng viết chúng ta đã sai khi lặp lại những bước đi mà trong kháng chiến đã dẫn cách mạng nước ta đến thắng lợi. Chúng ta vẫn dùng các khẩu hiệu cũ, kêu gọi mọi người quên mình vì dân vì nước. Nhưng thời chiến tranh không có gì để tranh nhau, trước vấn đề còn mất, sống chết, tất cả mọi mặt của cuộc sống đều trở thành nhỏ bé, người ta rất dễ quên mình vì nghĩa lớn, nhiều lãnh tụ có phẩm chất thánh nhân, nhiều chiến sĩ có phẩm chất anh hùng là điều hoàn toàn có thực. Cuộc sống trong hòa bình ngược lại. Trước cái chết con người mạnh mẽ bao nhiêu thì trước sức mạnh vật chất con người lại yếu đuối bấy nhiêu! Cần phải nhớ lại lời dạy của Mác “Vật chất quyết định ý thức”. Cần phải xây dựng thiết chế xã hội dựa trên cái phần yếu kém, tham lam, xấu xa của con người . Vậy cái cần làm trước hết là làm sao biến tất cả những đồng tiền “đen” thành đồng lương chân chính giúp quan chức của đảng có thể thực hiện thoải mái trách nhiệm của mình mà không phải gồng mình ép xác như những ông thánh mới có thể thực hiện được. Cần phải phân biệt đạo đức xã hội khác với đạo đức trong đạo giáo và sách luân lý. Phải có biện pháp sao đó để người ta không cần phải tham nhũng cũng sống tốt và có muốn tham nhũng cũng không được!
Còn cơ chế Kinh tế Thị trường định hướng XHCN là tốt. Nhưng triển khai trong thực tế còn nhiều khiếm khuyết. Chính nó đã sinh ra tình trạng “công tư” nhập nhằng, tạo điều kiện cho các “nhóm lợi ích” lợi dụng để làm kinh tế thị trường, dùng vốn và nguồn lực của nhà nước không phải định hướng XHCN cho xã hội mà là tích lũy TBCN cho cá nhân mình! Dùng vốn công làm kinh tế tư. Chính điều này đã dẫn đến thực trạng mà chính TBT Nguyễn Phú Trọng đã nói là trong Đảng đã có người giầu, người nghèo! Nhưng cũng phải thấy nước Mỹ giầu mạnh là thế vẫn không xóa bỏ được sự chênh lệch ấy.
Xin kết bài này bằng bằng một “tư tưởng” thú vị của Đông Tuyền, một bạn còn rất trẻ, đúng bằng tuổi thằng con trai tôi, là HÃY ĐỔI “NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA” THÀNH “ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG”. Anh bạn lấy ví dụ khi lùa đàn trâu ra đồng, với bản năng của trâu sẽ đi tìm những đám cỏ non, có con sẽ ăn lúa của người, có con sẽ tách đoàn, dẫm lên mồ mả người đã khuất, lại có con đến kỳ “động đực”. Đó chính là Nền Kinh Tế Thị Trường của chúng ta. Khi ấy người chăn trâu phải dùng roi mà đánh để đàn trâu đi theo đúng hành trình, đến đúng bãi cỏ lớn đầy hoa thơm cỏ lạ, cái này chính là Định Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa. Điều một người chăn trâu ao ước, đó là có những bức rào nơi ruộng lúa, trên đường đi, quanh mồ mả… như thế anh ta sẽ nhẹ nhàng hơn trong việc chăn trâu. Vì thế xây dựng Nền KTTT rồi chạy theo để Định hướng XHCN thì rất mệt, nhưng Định hướng XHCN rồi xây dựng nền KTTT thì ổn hơn nhiều. Cũng như quy hoạch khu dân cư, KTTT quy hoạch hết sân chơi của các em, rồi nhân dân kiện cáo mới đi “định hướng xã hội chủ nghĩa” sẽ mệt, còn ngay từ đầu, tuyệt đối cấm quy hoạch những sân chơi ấy, thì mọi chuyện tốt hơn nhiều!
16-7-2015
ĐÔNG LA
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍