Có thể đọc được những phê phán này trong đoạn văn của một Bloger: “Trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đều là lạc hậu, thủ cựu, giáo điều. Hồ Chí Minh lựa chọn con đường cách mạng giành độc lập, sau đó đứng về phe XHCN và tiến lên CNXH là sai lầm, không những không dẫn đất nước đến phồn vinh mà còn khiến cả đất nước phải trả giá quá đắt cho độc lập. Nhiều nước khác vẫn giành được độc lập, ngày càng phồn vinh mà không phải trả cái giá đắt như vậy”.
Một Bloger khác viết: “Theo chủ nghĩa xã hội, tức là phải theo chủ nghĩa Mác-Lênin mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị nhân dân thế giới từ bỏ từ lâu. Ngay quê hương sinh ra Mác và chủ nghĩa Mác đã không còn theo Mác nữa, chỉ coi Mác là một “danh nhân” mà thôi. Còn tại quê hương Lênin, thì chủ nghĩa Lênin cũng đã bị nhân dân đưa vào lịch sử… Trong khi tiến vào thế kỷ XXI, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã và đang xây dựng một chế độ mới tự do dân chủ thực chất hơn, không theo chủ nghĩa xã hội cũng không theo chủ nghĩa tư bản, thậm chí chủ nghĩa dân tộc cũng không theo nữa. Họ có con đường riêng của họ và ngay trên quê hương “Chủ nghĩa Lênin” người ta cũng đang xây dựng một Liên bang Nga hùng cường, không theo chủ thuyết Mác-Lênin nào cả…”.
Sau đây xin nêu mấy căn cứ để trao đổi lại với các ý kiến trên.
1. Để đánh giá về tính đúng đắn của một lý luận, một học thuyết trước hết phải xem xét cơ sở phương pháp luận, phương pháp nghiên cứu, cùng những dữ liệu mà nó dựa vào có bảo đảm tính khoa học, khách quan, đáng tin cậy không?
Lý luận nào cũng đặt cho mình mục tiêu trước hết là phản ánh đúng về thế giới khách quan, về đối tượng nghiên cứu. Song tùy theo góc nhìn, phương pháp tiếp cận, phương pháp quan sát, thu thập dữ liệu, khái quát… mà đạt được độ chính xác khác nhau, nói cách khác là đạt được mức độ chân lý khác nhau.
Chủ nghĩa Mác ngay từ đầu đã coi trọng phương pháp luận nhận thức và coi đó là nền tảng để xem xét thế giới nói chung và các đối tượng nghiên cứu cụ thể nói riêng. Điều này đã được Mác ý thức xây dựng từ những năm tuổi trẻ và đạt được thành quả nhờ tiếp thu có phê phán triết học cổ điển Đức, đặc biệt là triết học Hêghen. Chủ nghĩa duy vật biện chứng (hay gọi là phép biện chứng duy vật) mà Mác đạt được chính là phương pháp luận nhận thức cho phép nhận thức thế giới nói chung, các đối tượng nghiên cứu cụ thể nói riêng trong sự vận động có quy luật của nó. Nhờ vậy, Mác đi tới chủ nghĩa duy vật lịch sử như là lý luận về quy luật tổng quát của sự phát triển lịch sử loài người. Lênin đã đánh giá chủ nghĩa duy vật lịch sử là một trong hai phát hiện vĩ đại mà Mác đã tạo ra và đóng góp vào sự phát triển nhận thức của nhân loại.
Vận dụng phương pháp luận đó và dựa vào phương pháp nghiên cứu thực chứng với những con số chính xác của khoa kinh tế (được đăng tải công khai trên sách báo đương thời), với sự phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu… rất lôgíc, Mác đã hoàn thành bộ Tư bản, một công trình nghiên cứu đồ sộ, toàn diện, sâu sắc về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Cũng với tinh thần đó, Lênin đã viết nên tác phẩm Sự phát triển chủ nghĩa tư bản ở Nga như một công trình kinh tế học xuất sắc. Chính các nhà nghiên cứu kinh tế đương thời cũng phải thừa nhận phương pháp nghiên cứu của các ông là khoa học, đáng tin cậy.
Với phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu thích hợp cho các lĩnh vực khác như chính trị, lịch sử… các ông đã trở thành mẫu mực về sự khách quan trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội. Những số liệu, bằng chứng mà các ông dựa vào đều là những số liệu được các nhà khoa học có uy tín trước hoặc đương thời công bố, thí dụ Mác dựa vào các sự kiện lịch sử vừa xảy ra không lâu ở Pháp để viết tác phẩm Đấu tranh giai cấp ở Pháp, Ăngghen đã dựa vào nghiên cứu của Moocgan về dân tộc học để viết nên Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước, dựa vào thành tựu hiện đại của sinh vật học, y học, vật lý học… để viết nên Biện chứng của tự nhiên.
Nếu so với những điều này thì ý kiến “phê phán” trên kia quả là hồ đồ.
2. Phải thấy giá trị nhận thức của nó trong sự so sánh với các lý luận trước và cùng thời, xem nó có đem lại nhận thức mới, phản ánh được quy luật khách quan của hiện thực không, có khả năng trở thành cơ sở lý luận để nhận thức tương lai hoặc những vấn đề tương tự không?
Về điều này, có thể thấy giá trị nhận thức của các công trình nghiên cứu của các nhà kinh điển là:
a) Đem lại nhận thức mới hơn về quy luật chung của sự phát triển thế giới tự nhiên, xã hội và con người.
Trước Mác, các lý luận triết học đã đặt ra mục đích này. Trải qua hàng nghìn năm phát triển từ cổ đại cho đến Mác, các nhà khoa học, các nhà triết học thuộc các trường phái khác nhau đã đóng góp cho nhân loại những tri thức vô cùng quý báu, có giá trị đến tận ngày nay. Hêghen là một trong những nhà triết học vĩ đại nhất, để lại một dấu mốc hết sức lớn lao trong sự phát triển tư tưởng triết học của nhân loại, đó là phép biện chứng. Triết học của ông đã phác họa quy luật phát triển chung của thế giới từ tự nhiên vô cơ đến hữu cơ và tinh thần con người. Song một phần do chủ quan, một phần không vượt qua được hạn chế khách quan của tri thức khoa học tới lúc đó, ông vẫn dừng lại ở quan điểm duy tâm mà với điều này, về mặt xã hội, con người không thể tiến lên phía trước, vượt qua những thủ cựu, lạc hậu của chính mình. Ngược lại Phơbách và một số người khác có thể đã tiếp cận đến chủ nghĩa duy vật, song chưa đầy đủ, nhất là trong giải thích động lực của phát triển lịch sử loài người. Mác là người đánh giá đúng đắn thành tựu của Hêghen và Phơ bách và với cái nhìn duy vật, biện chứng, Mác khắc phục được khuyết điểm của triết học duy vật ở Phơbách, cũng như duy tâm của Hêghen, hình thành lý luận duy vật lịch sử của mình.
Tiếp theo Mác, trong các tác phẩm của mình, Ăngghen và sau này Lênin đã có những định nghĩa, những lý giải sâu sắc đóng góp thực sự vào sự phát triển nhận thức về các quy luật trong nhiều lĩnh vực như sinh vật học, vật lý học, dân tộc học…
Những thành tựu trong nghiên cứu thế giới tự nhiên ở thế kỷ XX chứng tỏ rằng quan điểm duy vật biện chứng là đúng đắn và người nào dù có ý thức hay không có ý thức, dù có là người mác xít hay không nhưng tuân theo quan điểm này đều và sẽ đạt được bước tiến trong nhận thức thế giới tự nhiên vô cùng, vô tận và luôn vận động, biến đổi không ngừng. Cũng như vậy, người ta sẽ hiểu được động lực thực sự của sự phát triển lịch sử loài người. Đó chính là ý nghĩa thế giới quan và phương pháp luận tích cực của triết học Mác-Lênin.
b) Phát triển khoa học kinh tế.
Các nhà kinh tế với tinh thần khoa học, khách quan cùng thời và sau này đã thừa nhận Mác là người đã mô tả sâu sắc nhất về kinh tế tư bản chủ nghĩa, về bản chất và xu hướng phát triển toàn cầu của nó, mà cho đến nay dù có biến đổi rất nhiều song vẫn là phương thức sản xuất thống trị toàn thế giới. Lý luận của Mác không mâu thuẫn với những lý thuyết kinh tế hiện đại ở thế kỷ XX. Ngược lại các lý thuyết kinh tế này cũng không phủ nhận được giá trị cốt lõi của lý luận kinh tế chính trị Mác-Lênin. Người ta vẫn cần lý luận kinh tế chính trị mácxít như công cụ nhận thức về những mối quan hệ nền tảng của kinh tế thế giới hiện đại, về những quy luật kinh tế hiện đại, nhưng để có những chính sách kinh tế thích hợp cả về vi mô và vĩ mô cũng cần được trang bị thêm những lý luận kinh tế hiện đại. Đó là những điều không hề mâu thuẫn nhau.
c) Phát triển khoa học chính trị.
Mác, Ăngghen và sau này là Lênin, bằng phân tích lịch sử chính trị và thực tiễn đấu tranh chính trị thế giới đã vạch ra những quy luật của đời sống chính trị và hình thành nên cái có thể gọi là Chính trị học mácxít. Các ông rất hiểu chính trị là lĩnh vực vô cùng phức tạp, dường như là sản phẩm của cá nhân – kẻ cầm quyền nhưng khác với rất nhiều người, các ông cho rằng nó có quy luật chứ không phải hoàn toàn vô trật tự hoặc tùy thuộc ý chí chủ quan của con người. Mặc dù các sự kiện chính trị không thể phân tích như các con số kinh tế, quy luật của chính trị cũng không như kinh tế, và do đó nghiên cứu chính trị khác với nghiên cứu kinh tế, song Lênin vẫn cho rằng: “chính trị có lôgic khách quan của nó”. Các ông đã chỉ ra những quy luật, hay những tính quy luật phổ biến của đời sống chính trị trên cơ sở phân tích, khái quát từ các sự kiện lịch sử của các quốc gia dân tộc từ cổ đại tới hiện đại (thế kỷ XIX và XX). Những điều được đúc rút, hay những quy luật được phát hiện ra cho đến nay vẫn đang tồn tại, đang hiển hiện. Thí dụ lý luận của các ông về quyền lực chính trị, nguồn gốc, bản chất, cơ sở của nó… hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay. Có thể nói, lý luận của Mác-Lênin về chính trị đã đóng góp rất lớn trong sự phát triển chính trị học với tư cách một ngành khoa học xã hội.
Nhìn một cách tổng quát, có nhiều điều so với thực tiễn của thời đại ngày nay, lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn đúng. Điều quan trọng để khẳng định lý luận còn hợp thời hay không chính là ở chỗ phải nhận thức đúng bản chất của thời đại ngày nay. Cả những người phê phán và bảo vệ chủ nghĩa Mác-Lênin đều có ý thức về điều này. Song sự khác biệt là ở chỗ, có người chỉ nắm bắt được sự thay đổi mang tính hiện tượng của thời đại, có người nắm bắt được tầng bản chất của nó. Loại thứ nhất sẽ đi đến kết luận chủ nghĩa Mác-Lênin (dù đúng đắn trong thời đại TBCN công nghiệp) đã lỗi thời, không còn đúng trong thời đại xã hội hậu công nghiệp ngày nay. Do vậy, những gì các ông nêu lên như những giải pháp giải quyết các vấn đề của phương thức sản xuất TBCN sẽ không còn thích hợp cho việc giải quyết các vấn đề ngày nay. Trong số những người này có cả những người đã từng là cộng sản.
Quả là thế giới ngày nay có nhiều biến đổi to lớn so với 100 năm trước đây. Nhưng những năm gần đây, trước sự khủng hoảng của mô hình kinh tế tân tự do TBCN, ngay cả ở phương Tây, đã có một xu hướng quay lại với lý luận của Mác, hy vọng tìm xem trong đó lời giải cho những vấn đề hiện đại.
Eagleton là một trong những người như vậy. Vị giáo sư của trường Đại học tổng hợp Landcaste – trong cuốn sách Tại sao Mác đúng, xuất bản tại Mỹ năm 2011 và gây tiếng vang lớn, thừa nhận rằng thực tiễn hiện nay dù có rất nhiều điều thay đổi so với thời của Mác, chẳng hạn dường như đã không còn vấn đề đấu tranh giai cấp trong đời sống xã hội phương Tây, là tiến bộ của bình đẳng, tự do, phúc lợi, là sự hình thành những thể chế toàn cầu… Song, về mặt bản chất của phương thức sản xuất đang thống trị thì đó vẫn là TBCN. Động lực của nó vẫn là lợi nhuận, hậu quả của nó vẫn là sự phân cực giàu nghèo dựa trên bóc lột giữa tư bản và làm thuê (chỉ khác về hình thức, phạm vi). Chiến tranh, xung đột giữa các quốc gia, các thế lực kinh tế cũ và mới vẫn tiềm ẩn, dù có thể không phải là chiến tranh thế giới… Từ việc nhìn nhận bản chất và thời đại toàn cầu hóa ngày nay, ông khẳng định Mác đã đúng và vẫn còn đúng.
3. Phải thấy giá trị thực tiễn của lý luận, xem nó đã cung cấp giải pháp gì để giải quyết các vấn đề thực tiễn mà loài người nói chung, dân tộc, đất nước nói riêng đặt ra, có đáp ứng nhu cầu giải phóng con người và tiến bộ xã hội hay không?
Phải khẳng định rằng, không một học thuyết nào đã trở thành động lực cho các phong trào giải phóng xã hội, giải phóng con người mạnh mẽ trong hơn 150 năm qua như học thuyết Mác. Nếu chủ nghĩa tự do hình thành từ thế kỷ XVII, XVIII đã được giai cấp tư sản dùng làm ngọn cờ lý luận đấu tranh với chế độ phong kiến và làm nên Cách mạng Anh, Pháp, Mỹ, thì trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản chín muồi và khủng hoảng những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, lý luận của Mác-Lênin có khả năng khoa học để lật đổ giai cấp thống trị cũ, tức là giai cấp tư sản. Đấy chính là khía cạnh cách mạng của học thuyết, bắt nguồn từ tính khoa học của nó, hay nói cách khác chính ý nghĩa lý luận của nó đã đem lại ý nghĩa thực tiễn cho nó. Không phải là sự căm ghét cá nhân của Mác với xã hội TBCN, không phải là tham vọng cá nhân muốn lật đổ một trật tự hiện thời, mà chính là từ nghiên cứu khoa học đi đến kết luận mang tính cách mạng. Chính là từ tổng kết thực tiễn chính trị nhân loại, rút ra những quy luật phổ biến của sự ra đời một xã hội mới (chẳng hạn sự thay thế tất yếu của các xã hội bằng cách mạng bạo lực, là chuyên chính của giai cấp tiến bộ nhất đối với lực lượng phản động…) đã cung cấp giải pháp và con đường giải phóng của các giai cấp và dân tộc bị áp bức trong thời đại đế quốc chủ nghĩa. Vì vậy, học thuyết Mác có sức lan tỏa và trở thành ngọn cờ lý luận cho các lực lượng cách mạng ở các dân tộc bị áp bức, nhất là ở châu Á, Phi, Mỹ Latinh đấu tranh giành độc lập trong thế kỷ XX.
Việc chủ nghĩa Mác không thắng lợi trước tại các nước TBCN mạnh nhất ở châu Mỹ, châu Âu cũng là điều dễ hiểu (mặc dù chính Mác, Ăngghen cũng tiên đoán sẽ thắng lợi trước ở các nước tiên tiến như Mỹ, Anh). Lịch sử đã chứng minh những tư tưởng tiến bộ của giai cấp tư sản có trước ở Pháp, Anh, nhưng tư tưởng đó lại thắng lợi trước ở Mỹ với Tuyên ngôn độc lập 1776. Còn ở Pháp phải đến 1789 mới có cách mạng và phải sau 1871 nền cộng hòa tư sản mới thắng lợi hoàn toàn, ở Anh cho tới nay vẫn còn chế độ Quân chủ lập hiến.
Với tinh thần cách mạng của mình, không có gì lạ ở khắp nơi, đặc biệt ở các nước TBCN phát triển nhất, những kẻ bảo vệ cho trật tự cũ, quyền lực cũ, luôn phản bác và căm ghét lý luận của các các ông, ngăn cản sự thắng thế của lý luận này. Giáo sư Tery Eagleton đã viết: “Không thể có người chiến sĩ kiên trung nào vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ, hoà bình thế giới, chống chủ nghĩa phátxít và độc lập cho các nước thuộc địa như phong trào chính trị mà công trình của Mác đã sản sinh ra.
Và cũng chưa từng có nhà tư tưởng nào bị lắm hiềm khích đến như vậy!”.
Không những thế, chính lý luận của Mác-Lênin, chính thực tiễn phát triển của các nước XHCN như Liên Xô, Đông Âu trước kia cũng đem lại những gợi ý cho các lý luận gia và chính phủ tư sản trong việc đề ra các giải pháp hoàn thiện chủ nghĩa tư bản, khỏa lấp những khuyết điểm cố hữu của nó về thể chế, về những hậu quả xã hội và tự nhiên mà nó gây ra. Với những nguồn lực có được từ sự phát triển toàn cầu, từ sự khai thác các quốc gia kém phát triển, các nước phương Tây ở thế kỷ XXI đã tạo nên bộ mặt phồn vinh, nhân đạo hơn rất nhiều so với thế kỷ XX và trước đó, tạo nên “sức sống” của chủ nghĩa tư bản.
4. Không thể đồng nhất sự sụp đổ của Liên xô, Đông Âu với sự thất bại của chủ nghĩa Mác-Lênin với tư cách là một học thuyết để đi đến phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lê nin, lại càng không thể vì thế phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh
Sự sụp đổ của Liên xô (sau 70 năm phát triển) quả thực đã giáng một đòn nặng vào chủ nghĩa Mác-Lênin.
Sự sụp đổ này là một ví dụ sinh động cho thấy sự phát triển của lịch sử dù rất đúng quy luật song không hề thẳng tắp mà hết sức quanh co, thậm chí có những bước thụt lùi. Sở dĩ như vậy bởi nó luôn đi kèm với xung đột giai cấp, với cách mạng và phản cách mạng. Sự ra đời, phát triển của chế độ tư bản chủ nghĩa cũng như vậy. Nếu tính từ cách mạng tư sản Hà Lan đầu thế kỷ XVI tới cách mạng Anh hoàn thành (1680) là gần 200 năm, tới khi hình thành nhà nước Mỹ độc lập (1776) và nhà nước tư sản Pháp ra đời (1789) mất trên dưới 300 năm. Riêng nước Pháp mặc dù được coi là cách mạng tư sản triệt để, song cũng mất thêm gần 100 năm, cho tới sau khi Công xã Pari (1871) thất bại, mới là một quốc gia tư sản hoàn toàn.
Sự sụp đổ của CNXH ở Liên xô, Đông Âu, có những nguyên nhân khách quan và tác nhân bên ngoài, song có nguyên nhân chủ quan của những người cộng sản cầm quyền. Đó vừa là sự giáo điều, vừa là sự lợi dụng, mạo danh, cố tình hoặc vô ý xuyên tạc, làm sai lệch bản chất của học thuyết Mác trên nhiều vấn đề, trong đó có những vấn đề như dân chủ và chuyên chính, nhà nước và đảng cầm quyền, giai cấp, dân tộc và cá nhân… Chủ nghĩa Mác-Lênin và CNXH đã bị mất uy tín nghiêm trọng chính bởi những người lãnh đạo các đảng cộng sản ở các nước. Không thể đổ lỗi hoàn toàn những thất bại đó cho chủ nghĩa Mác-Lênin. Ngược lại phải vạch ra rất nhiều điều về sự không trung thành của những người tự gọi là môn đệ của các ông. Bản tính cá nhân, vị kỷ (chưa gột rửa hết) của những người cộng sản sau này khiến họ thường lạm dụng, lợi dụng tinh thần cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin, bỏ qua bản chất khoa học của nó khiến đường lối, chính sách của các đảng cộng sản cầm quyền sai lầm, kéo lùi sự phát triển của các nước XHCN.
5. Hồ Chí Minh là tấm gương về sự trung thành đầy sáng tạo đối với chủ nghĩa Mác-Lênin. Không thể tách rời Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin, song cũng không thể đồng nhất Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin.
Không có chủ nghĩa Mác-Lênin, thì không có Hồ Chí Minh. Song bên cạnh chủ nghĩa Mác-Lênin còn những nhân tố tư tưởng khác tạo nên Hồ Chí Minh. Đó là tinh hoa văn hóa chính trị phương Đông và phương Tây, truyền thống đoàn kết, yêu nước Việt Nam.
Mục đích giải phóng cho nhân dân, đất nước khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân đế quốc đã dẫn Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác-Lênin. Không phải chỉ Hồ Chí Minh mà chính các nhà yêu nước Việt Nam (ví dụ Phan Bội Châu) sau những tìm tòi, tin tưởng, đi theo và thất bại đã thừa nhận không có con đường nào, dù là dưới ngọn cờ phong kiến, ngọn cờ tư sản, hay ngọn cờ nông dân; dù bằng bạo lực (như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học) hay hoà bình (như Phan Chu Trinh) có thể đạt được kết quả. Lý luận của Mác-Lênin đã chỉ ra con đường mới, lực lượng mới, mục tiêu mới cho cách mạng giải phóng Việt Nam. Hồ Chí Minh nhận ra, không có lý luận nào có khả năng dẫn dắt cách mạng giải phóng dân tộc bằng chủ nghĩa Mác-Lênin. Người nói “chỉ có chủ nghĩa Lênin là chủ nghĩa chân chính nhất, vững chắc nhất”. Song, Người cũng hiểu bất kỳ lý luận nào, dù là đầy đủ nhất, hoàn bị nhất, cũng không thể là vạn năng, bao quát hết mọi không gian, thời gian. Chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như vậy, mới “chủ yếu là châu Âu, chưa phải toàn thế giới” như nhận định của Nguyễn Ái Quốc.
Không thể nói sự lựa chọn của Hồ Chí Minh khiến dân tộc phải trải qua các cuộc chiến tranh lâu dài, ác liệt. Ngược lại chính sự tàn bạo và ngoan cố của chủ nghĩa thực dân buộc Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam phải chọn con đường cách mạng bạo lực, chọn cuộc đấu tranh vũ trang để giành độc lập. Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc và nhiều người yêu nước khác từ 1919 đã gửi tới Chính phủ Pháp “Thỉnh nguyện thư” yêu cầu cải cách chế độ chính trị – xã hội ở Đông Dương nhưng thất bại. Cũng chính sự ngoan cố của các thế lực diều hâu trong Chính phủ Pháp những năm 1945, 1946 buộc người Việt Nam phải cầm vũ khí chống lại sự xâm lăng lần thứ hai của đế quốc Pháp trong suốt 9 năm ròng. Cũng chính bản chất đế quốc, chống cộng của Chính phủ Mỹ ngay từ năm 1945-1946 và những năm 50-60 nhằm chia cắt đất nước Việt Nam, ngăn cản sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam buộc người Việt Nam phải tiến hành chiến tranh giải phóng và thống nhất đất nước suốt 20 năm. Cái giá xương máu mà dân tộc phải trả là điều Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam không mong muốn nhưng không có con đường nào khác. Chính các nhà sử học khách quan của cả Pháp và Mỹ sau này (ví dụ cuốn sách Vì sao Việt nam của Pati) đều phải thừa nhận lẽ phải, thiện chí hòa bình thuộc về Hồ Chí Minh và chính phủ các nước này đã “bỏ lỡ những cơ hội hòa bình” và ngoại giao mà Chính phủ Hồ Chí Minh đã đưa ra.
Hồ Chí Minh đã tiếp thu và vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin vào xác định con đường cách mạng Việt Nam. Song, ngay từ năm 1930, Người đã có nhiều sáng tạo, không giáo điều, dập khuôn, máy móc, mà luôn đứng vững trên thực tiễn và truyền thống lịch sử Việt Nam mà xác định chiến lược và sách lược cách mạng thích hợp. Những sáng tạo của Người về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH, giữa dân tộc và giai cấp, giữa đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, giữa chiến tranh và khởi nghĩa, giữa bạo lực và hòa bình… đã được thắng lợi của cách mạng chứng minh là đúng đắn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Chủ nghĩa Mác-Lênin được vận dụng vào Việt Nam từ ngày Nguyễn Ái Quốc trở về nước mang sắc thái đặc biệt, một sắc thái Việt Nam, kể cả về mục tiêu, hình thức tổ chức, cũng như biện pháp đấu tranh. Nó đã hòa đồng với truyền thống dân tộc. Tất cả đều thấm đượm tư tưởng yêu nước, thương dân Hồ Chí Minh” (1).
Cũng như Lênin tìm cách phát triển lý luận Mác vào xây dựng CNXH ở Liên Xô trong những năm đầu thập kỷ 20 thế kỷ XX, Hồ Chí Minh cũng trăn trở tìm tòi con đường xây dựng CNXH trong điều kiện của nước Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu. Song sự nghiệp này còn dang dở khi Người ra đi.
Sau khi thống nhất đất nước, trong bối cảnh quốc tế những năm 70-80, Đảng ta đã mắc sai lầm giáo điều về lý luận, dập khuôn, máy móc trong vận dụng kinh nghiệm của các nước đi trước, đồng thời nôn nóng, chủ quan trong xác định đường lối, chủ trương, chính sách phát triển đất nước. Không thể nói những sai lầm, khuyết điểm trong sự nghiệp xây dựng CNXH những năm đó ở Việt Nam là do đi theo tư tưởng và sự lựa chọn con đường cách mạng của Hồ Chí Minh, ngược lại chính là do xa rời tư tưởng Hồ Chí Minh.
Khắc phục những sai lầm đó, từ 1986 Đảng ta thực hiện đường lối đổi mới. Gần 30 năm thực hiện đường lối đó, Đảng ta tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin trên tinh thần vận dụng sáng tạo, không giáo điều, đồng thời ngày càng thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh trong mọi chủ trương, chính sách phát triển đất nước nên thu được những thành tựu mang tính lịch sử, ngày càng có vị thế to lớn trên trường quốc tế. Những khó khăn gần đây của nước ta về kinh tế, một mặt do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới do đất nước ta đã hội nhập sâu với quốc tế, mặt khác do sai lầm và thiếu kinh nghiệm trong điều hành kinh tế vĩ mô, chứ không phải do chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh kìm hãm. Cũng không vì sự kiên định đó của chúng ta mà các nước trên thế giới kể cả các nước siêu cường, không hợp tác toàn diện, thậm chí nâng tầm đối tác chiến lược với nước ta.
6. Trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, mỗi dân tộc có thể và cần giữ được bản sắc của mình, kể cả bản sắc văn hóa chính trị trong quá trình phát triển. Việt Nam có thể và cần làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành bản sắc văn hóa tinh thần của mình.
Nhiều nước châu Âu, châu Mỹ, và châu Á (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo, Malaixia…) đã và đang như vậy. Trung Quốc vẫn tuyên bố trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và đang trở thành một thế lực kinh tế, chính trị hàng đầu thế giới. Ở Việt Nam, qua nhiều chục năm, chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng chính trị. Lý luận của chủ nghĩa Mác là cơ sở phương pháp luận để Đảng ta nhận thức thế giới và định hướng trong việc đề ra mọi chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa và có những thành tựu không thể phủ nhận.
Trên con đường phát triển ngày nay, một mặt chúng ta có thể và cần phải trung thành với nền tảng tư tưởng đó theo phương châm của Hồ Chí Minh, đó là nắm cái tinh thần khoa học, thực tiễn của lý luận chứ không phải tuân theo từng câu chữ của Mác, Lênin, Hồ Chí Minh. Phải thực sự thấm nhuần phương pháp luận nhận thức duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, thấm nhuần quan điểm khoa học, thực tiễn để nhận thức thế giới và đất nước, đề ra đường lối, chủ trương, chính sách thích hợp trên mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội…
Mặt khác, có thể và cần phải tiếp thu những thành tựu lý luận khác, ngoài mác xít, làm rõ những điểm “mờ” mà do điều kiện khách quan, chủ nghĩa Mác-Lênin chưa có điều kiện làm rõ, đặc biệt là những giải pháp ngăn ngừa sự lạm dụng, lợi dụng, hoặc xuyên tạc, cắt xén lý luận vì mục đích cá nhân, lợi ích nhóm. Trong thực tế, điều này đã xảy ra ở các nước XHCN trước kia. Nếu như còn sống và chứng kiến những sự cắt xén, lạm dụng, lợi dụng các quan điểm tư tưởng của mình nhằm lợi ích vị kỷ và thỏa mãn quyền lực của những môn đệ của chủ nghĩa Mác, hẳn các nhà kinh điển cũng phải tự đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của các ông và các ông sẽ phải bổ sung lý luận nhằm phòng ngừa, ngăn chặn sự lạm dụng, lợi dụng đó.
Nhìn vào thực tiễn phát triển đất nước của các quốc gia đã xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin trong những năm gần đây hoặc ngược lại, “trung thành” cực đoan mà thực chất là lợi dụng, lạm dụng một cách chủ quan, phi khoa học và thực tế, người ta đều thấy những hậu quả tiêu cực. Có những nơi trở thành thành trì của sự thủ cựu, cô lập với thế giới. Ngược lại có nơi đang trở thành cái đuôi của các nước phương Tây.
Hoàng Công
___________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2013
(1) Võ Nguyên Giáp: Tổng tập hồi ký, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.376.
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍