Ý kiến của tôi được đăng trên báo QĐND số 19471 – Chủ nhật ngày 21/6/2015 |
Từ lâu, ở phương Tây, người ta coi báo chí là “quyền lực thứ tư”, bên cạnh 3 “quyền lực truyền thống” là “Lập pháp”, “Hành pháp” và “Tư pháp”. Cả trăm năm trước, Lê-nin cũng đã cho rằng: “Cái mà chúng ta nhất thiết phải có lúc này là một tờ báo chính trị. Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị… Không có tờ báo thì không thể tiến hành hệ thống tuyên truyền, cổ động có nguyên tắc và toàn diện…”. Còn Hồ Chủ Tịch, ngay từ rất sớm, khi sang Pháp tìm đường cứu nước, cũng đã nhận thức rằng báo chí là một thứ vũ khí đắc lực cho cách mạng. Ngay trên đất Pháp, Người xuất bản Báo Le Paria (Người cùng khổ) – 1922 và 3 năm sau đó, tại Trung Quốc, Người sáng lập báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam.
Tờ báo Thanh Niên do Hồ Chủ tịch sáng lập năm 1925. |
Sơ lược qua những điều này để thấy rằng, từ rất lâu rồi, báo chí đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong xã hội, không chỉ như một kênh phân phối thông tin mà còn thực sự là một thứ quyền lực đáng nể. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, mà chúng ta vẫn quen gọi là “thời đại thông tin”, vai trò của báo chí ngày càng lan tỏa, không chỉ về bề rộng xã hội mà còn len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống, không chỉ gói gọn trong cách loại hình báo chí truyền thống (báo in, báo hình, báo tiếng) mà đã trở thành một thứ truyền thông đa phương tiện, không chỉ nằm trong tay những tổ chức – cá nhân chuyên nghiệp mà còn phổ cập hóa đến từng cá nhân trong xã hội dưới hình thức các mạng xã hội, blog, web,… Điều đó khiến cho ngành báo trở nên thay đổi một cách toàn diện và phát triển mạnh mẽ. Theo bộ TTTT thì tính đến tháng 12/2014, Việt Nam có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm; 67 đài phát thanh, truyền hình (2 đài quốc gia, 1 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 đài cấp tỉnh). Trong lĩnh vực thông tin điện tử, có 90 báo, tạp chí điện tử, 215 trang thông tin điện tử tổng hợp. Cả nước có gần 18.000 nhà báo đã được cấp thẻ. Nhưng đáng tiếc rằng, sự phát triển về lượng đó không đồng nghĩa với sự phát triển về chất. Trong sự cạnh tranh gay gắt của thị trường cũng như chịu ảnh hưởng bởi trào lưu “lá cải” ngoại nhập, vòng đời của các sản phẩm báo chí trở nên vô cùng ngắn ngủi, dẫn đến sự “lên ngôi” của các loại tin tức giật gân, các thủ đoạn câu khách và những “thợ tin”, “thợ báo” vừa yếu tay nghề, vừa thiếu lương tâm nghề nghiệp. Để rồi những độc giả nghiêm túc dường như bị khát tin giữa một biển thông tin, khát bài viết giữa một đại dương báo chí.
Rất may mắn là trong tình cảnh “nhiễu nhương” của báo chí Việt Nam bây giờ, các tờ báo chính thống như Nhân dân, Quân đội nhân dân vẫn giữ vững được tiêu chí hoạt động, sứ mệnh cách mạng của mình. Mở các trang báo này ra, người đọc sẽ không bao giờ phải xốn mắt, bực bội vì những “tít” bài giật gân, thổi phồng hoặc các hình ảnh, các thông tin quảng cáo không đúng mực. Chất lượng các bài viết được trau truốt, nội dung nghiêm túc: về chính trị thì truyền đạt trong sáng những thông tin chính trị trong nước cũng như đường lối, chính sách của Đảng CSVN, của Nhà nước & chính phủ; về quốc tế thì giữ được tính khách quan và có những nhận định sâu sắc trong đánh giá, nhìn nhận các sự kiện cũng như thể hiện được chính sách ngoại giao của Việt Nam, đặc biệt là giữ được sự tỉnh táo trong bối cảnh phức tạp ở Biển Đông; về xã hội thì nhìn nhận mang tính xây dựng, nhân văn.
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, chính vì cách làm việc nghiêm túc như vậy nên đối với một bộ phận xã hội, đặc biệt là những người bên ngoài bộ máy nhà nước – quân đội, các tờ báo chính thống này là “giáo điều”, là “lỗi thời”, là “xa rời thực tế”. Và thực tế thì rõ ràng báo Nhân dân, báo QĐND dường như vắng bóng trên các sạp báo trên phố, các giỏ báo tại gia đình, quán nước, công ty,… Xét theo nhiệm vụ “nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm” như lời Bác Hồ dạy thì phải chăng các báo, đặc biệt là báo Nhân dân – tiếng nói của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam – đã bỏ trống một mảng lớn trên mặt trận tuyên truyền? Các báo Nhân dân, QĐND đã có một lịch sử vẻ vang trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ và xây dựng tổ quốc cũng như có chỗ đứng quan trọng trong lòng nhân dân suốt hơn nửa thế kỷ qua thì ngày nay, đội ngũ kế thừa cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc duy trì và phát triển hình ảnh, truyền thống ấy.
Năm 1962, tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, Bác Hồ đã căn dặn “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Năm 1965, trong điện mừng Hội Nhà báo Á Phi, Bác nhấn mạnh: “Đối với những người viết báo chúng ta, cái bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng để động viên quần chúng đoàn kết…”. “Báo chí, ngòi bút” là vũ khí của cách mạng thì đồng thời cũng là vũ khí của phản cách mạng, của thế lực thù địch nếu như để lọt vào tay chúng. Năm 1994, nhà văn Boldarev đã nói về tình cảnh Liên Xô sau khi “giao vũ khí” cho phe chống CNXH rằng: “Trong sáu năm, báo chí đã thực hiện được mục tiêu mà quân đội châu Âu có trang bị tinh nhuệ nhất cũng không thể thực hiện được khi xâm lược nước ta bằng lửa và kiếm vào những năm 40. Quân đội đó có thiết bị kỹ thuật hàng đầu nhưng thiếu một thứ. Đó là hàng triệu ấn phẩm mang vi trùng”. Là một người quan tâm đến các vấn đề lịch sử – chính trị, tôi thấy rằng trong thời gian vừa qua, có nhiều người làm báo, bài báo không rõ vô tình hay cố ý, đã và đang “mang vi trùng”, cố gắng đổi trắng thay đen, làm lệch lạc các sự kiện lịch sử, kín đáo phủ định cách mạng giải phóng dân tộc, phủ định CNXH cũng như tư tưởng Mác-Lênin,… Về mặt xã hội, họ chỉ chú trọng đăng tin tiêu cực, khuếch đại các vấn đề xã hội,.. vừa để câu khách vừa để hướng người đọc đến cái nhìn bi quan đối với cuộc sống. Về mặt quốc tế, họ ra sức dẫn dắt dư luận đến mục tiêu “bài Trung – lánh Nga – khi Triều”, kích động tư tưởng dân tộc cực đoan. Những bài viết như vậy trùng trùng lớp lớp, kết hợp các thông tin nhiễu loạn trên internet trở thành một màn sương mù dày đặc bao phủ, đầu độc người dân. Tư tưởng người dân dao động. Tư tưởng của không ít đảng viên ĐCSVN và cán bộ nhà nước cũng dao động. Vậy thì, có thể hiểu nó có tác động tiêu cực thế nào đối với giới trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước, những người kế thừa sự nghiệp cách mạng XHCN của các lớp cha anh. Một minh chứng cho sự tác hại của việc bất ổn về tư tưởng trong thời đại truyền thông xã hội chính là sự kiện “mùa xuân Ả-rập” đã tàn phá các đất nước Trung Đông như Libya, Sirya, Tunisia, Ai Cập,.. những năm vừa qua.
Thiết nghĩ, với vai trò là các tờ báo chính thống, các lá cờ đầu trên mặt trận tư tưởng, báo Nhân dân và báo QĐND cần thiết phải chủ động hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa trong việc chiếm lĩnh lại “trận địa” đang để ngỏ cho đối phương xâu xé. Những năm gần đây, tôi rất ấn tượng với mục “Bình luận – Phê phán” trên báo Nhân dân và “Chống diễn biến hòa bình” trên báo QĐND, đã có nhiều bài viết đấu tranh trực diện và quyết liệt đối với những thông tin sai trái, xuyên tạc, những cá nhân – tổ chức chống phá nhà nước trên mặt trận tư tưởng. Nhưng như vậy liệu đã đủ chưa? Làm sao để nhân rộng nhiều hơn nữa những bài viết như thế và phổ biến được đến đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là giới trẻ? Quan trọng hơn, làm sao để người đọc chủ động quan tâm và tiếp thu nội dung những bài viết đó? Làm sao để các tờ báo chính thống, nghiêm túc như Nhân dân, QĐND thực sự trở thành tờ báo của mọi nhà, mọi người? Tôi cho rằng mỗi nhà báo có tâm huyết với sự nghiệp báo chí nước nhà đều có thể tự tìm ra giải pháp riêng của mình.
Hoặc chúng ta cũng có thể tìm thấy lời khuyên từ các vị lãnh tụ đi trước như dưới đây:
“Chúng ta rất ít dùng những tấm gương cụ thể, sinh động, lấy trong mọi lĩnh vực của đời sống, để giáo dục quần chúng, mà đây lại là nhiệm vụ chính của báo chí trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta rất ít chú ý đến đời sống thường ngày trong công xưởng, nông thôn và bộ đội, là những nơi mà đời sống mới được xây dựng mạnh hơn mọi nơi khác, mà chúng ta phải chú ý hơn mọi nơi khác, phải tuyên dương, phải phê bình công khai, công kích những tật xấu, hô hào học tập cái tốt.
Hãy bớt bàn suông tán nhảm về chính trị. Hãy bớt những nghị luận kiểu trí thức đi. Hãy gần gũi đời sống hơn nữa. Hãy chú ý nhiều hơn nữa xem trong công việc thường ngày của họ, quần chúng công nông đã thực tế sáng tạo cái mới như thế nào. Hãy kiểm nghiệm kỹ hơn xem cái mới đó đã có tính chất cộng sản chủ nghĩa đến mức độ nào.” – Lê-nin (trích “Bàn về tính chất báo chí của chúng ta” – báo “Sự thật” số 202, ngày 20/9/1918).
Hay như lời chủ tịch Hồ Chí Minh là báo chí phải hướng về “đại đa số dân chúng”, phải mang “tính quần chúng và tinh thần chiến đấu”; người làm báo phải luôn tâm niệm “Vì ai mình viết? Viết cho ai, viết để làm gì?”; văn phong thì cần “giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát…”.
Nói tóm lại, nhiệm vụ của báo chí cách mạng chân chính là phải tự đổi mới, sáng tạo, tìm cách phù hợp, thích nghi trong tình hình mới, môi trường mới, đặng nghe được tiếng lòng của dân, nói đúng tiếng lòng của dân để từ đó “tuyên truyền, huấn luyện, giáo dục, tổ chức dân chúng…” đi theo đúng mục tiêu mà Đảng CSVN đã định hướng một cách hiệu quả. Cần lắm những nhà báo đích thực, những người có tâm và tầm để phát triển nền báo chí nước nhà một cách đúng đắn, vững mạnh như nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong video dưới đây.
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍