Kỳ 2: Thủ pháp “truyện Tôi” của Trần Đĩnh trong Đèn Cù

“Trần Đĩnh gọi cuốn sách này là “truyện Tôi” … Truyện Tôi là một loại văn xuôi mới, do Trần Đĩnh tạo ra”.
(Tụng ca 2, của ai không nhớ)

“Cave kể chuyện
Thằng nghiện trình bày”
(Phong dao mới)
————–

Trong chương 1, Trần Đĩnh kể chuyện Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt bị ong đốt, khá sinh động, cứ như chính mình là người trong cuộc:
“Trong khi trên đường sang Bắc Sơn, nơi đã được Văn Cao cho sắc chàm pha màu gió, buồn tình, bọn Phan Kế An bắn súng cao su phá tổ ong rừng và cả đoàn của Thường vụ Trung ương chạy Tây liền bị ong rừng đuổi đánh. Lê Văn Lương – trưởng ban đảng vụ kiêm công việc như thường trực Ban bí thư bây giờ – chui đầu vào một bao tải thoát nạn phần nào. Hoàng Quốc Việt bị nặng nhất. Ông cứ vừa thúc ngựa tế vừa tế đứa nào mất dạy, vô kỷ luật… và ong theo luồng gió hút cứ nhè ông”.


Đọc thêm vài đoạn nữa, thì độc giả mới ngớ người ra, vì hóa ra, phải mấy năm sau, Trần Đĩnh, bây giờ mới biết mặt Hoàng Quốc Việt:
“Chợt có tiếng vó ngựa trước mặt. Thép Mới đánh nhoáng đã rúc vào bụi mua ven đường đầy sương long lanh. Một người cưỡi ngựa đi tới, mắt đen quăng quắc nhìn tôi đứng đực ngó lại ông vì tôi mải để ý đến bộ ria mép chải chuốt đen ánh, hệt một vật trang sức trên mặt. Ngựa khuất, Thép Mới ở trong bụi mua chui ra: – Xừ Hoàng Quốc Việt… Tổ sư chụp mũ. Hắc lắm. Tao gọi cái điếu cày là ba-dô-ca mà xừ đến đâu cũng đem ra nhiếc: “Giai cấp công nhân đổ máu với nước mắt ra mới chế được thứ vũ khí lợi hại thế mà có người ví là cái điếu cày!”.

Vậy thì cái đoạn ong đốt sinh động ở trên, nếu có, thì chỉ là nghe người khác kể lại, mà đọc đi đọc lại cũng chẳng biết ai kể. Cách viết ấy không thể gọi là “truyện Tôi, một thể loại văn xuôi mới” được mà phải gọi đích danh là “thủ pháp ăn không nói có, thủ pháp vô tuyến truyền mồm”.

Vả lại, ngay cả đến những chi tiết tưởng rằng Trần Đĩnh thực sự chứng kiến thì cũng thiếu tính chính xác, ví dụ câu trước câu sau trong đoạn này thì không biết cụ chủ nhà thả đàn dê vào đêm hay sớm:
“Một sáng Trường Chinh họp kiểm điểm báo với chúng tôi ở dưới ngôi nhà sàn toà soạn. (Đêm đêm, đó là bãi thả dê của cụ chủ nhà người Tày. Sớm nào chúng tôi cũng nằm sấp trên sàn thò đầu nhìn cụ chủ mở cửa thả dê ra rừng. Bốn năm chục con dê toàn cái chen nhau lao ra. Nhưng tới cửa con nào con nấy đều bị con dê đực chặn lại phủ nhay nháy mấy cái, việc mà chúng tôi đùa là “điểm đít” thay cho điểm tâm)”.

Phần cuối sách, Trần Đĩnh có chống chế, rằng cuốn sách này “gồm nhiều chuyện, kể cả những điều tôi đọc …cũng không nhằm nghiên cứu”“ xin bạn đọc thứ lỗi nếu có những thiếu sót bình diện thông tin”.

Đồng ý là cuốn sách, nếu có những thiếu sót về mặt thông tin, tức là do thiếu chính xác từ nguồn trích dẫn, hay do sai sót chủ quan trong khâu xử lý thông tin thì cũng có thể châm chước bỏ qua, nhưng vấn đề người đọc đòi hỏi ở đây là tính lương thiện của người viết.

Nếu thực sự như Trần Đĩnh tự nhận, từng “viết tiểu sử” cho Cụ Hồ, viết hồi ký cho Tổng bí thư Trường Chinh, Phạm Hùng, Lê Văn Lương … thậm chí đến Lê Đức Thọ cũng vì mến tài mà phải “cầu cạnh”, thì hẳn là người ta sẽ tìm ra trong Đèn Cù tính khoa học, hàm lượng thông tin về lịch sử. Hoặc chí ít cũng phải có những thông tin đáng tin cậy về các sự kiện và các cá nhân liên quan.
Nhưng đọc hết Đèn Cù, chỉ thấy Trần Đĩnh “kể chuyện Tôi”, gắn vào những chuyện sinh hoạt vớ vẩn tầm phào, cũng chẳng đáng gọi là “thâm cung bí sử” của những “ngôi sao”. “Thâm cung bí sử” chỉ là cái cớ để show hàng của Trần Đĩnh dưới mắt đám dân chủ giả cầy và vong nô hải ngoại, đằng sau đó là việc đề cao cái Tôi – Trần Đĩnh bằng cách hạ các “ngôi sao” xuống thấp, nhìn ngắm nghe ngóng theo kiểu “một góc nhìn khác ”, thấp kém và bỉ ổi.

Như dân gian thường nói, “đỉa đeo chân hạc”, ở Đèn Cù, thân phận Trần Đĩnh thuộc hàng thuộc hạ, đã đành, nhưng “con đỉa” Trần Đĩnh lại có xu hướng coi “Hạc” cũng là đồng hạng với mình.
Nhặt ra đây vài ví dụ về những “chuyện thâm cung bí sử” của Trần Đĩnh, (xin không trích nguyên văn để giữ vệ sinh trong một bài viết nghiêm túc):

Nhòm qua ống quần: thấy Cụ Hồ cũng có một đám nâu nâu hay hồng hồng ở vùng ấy ...
(Thú thật tôi không hiểu sao “văn hào” Trần Đĩnh lại đưa chi tiết này vào “truyện Tôi”. Chuyện “Cụ cũng như mọi người” thì ai chả biết, phải chăng duy nhất chỉ có Trần Đĩnh mới được hân hạnh “thực mục sở thị”, nên đó trở thành một niềm“vinh dự” đặc biệt hay sao? Ngô Nhân Dụng khen là “tài viết lách của ông dĩ nhiên là số dzach”, có lẽ là do đoạn này).

Nghe qua chuồng xí: (Tổng bí thư) Trường Chinh hỏi ý kiến (thư ký) Lê Đạt về bài Trần Văn Giàu viết về nhất nguyên, nhị nguyên trong triết học...

Nhòm qua màn ngủ, thấy “văn hóa” của linh mục T nổi cao, nhưng mà qua con mắt Nguyễn Hữu Đang

Ngóng ra suối, thấy Tố Hữu giặt quần đùi, ca cẩm với Kim Lân về Xuân Diệu

Đứng với Nguyễn Tuân, thấy Tô Hoài đấm hụt phi công Mỹ… để “bày tỏ lập trường”, xong lại phân trần với Trần Đĩnh.

Trong những chi tiết, sự kiện tù mù kể trên và còn ở nhiều chỗ khác, để ý kỹ Trần Đĩnh thường viết ra theo cái cách để người đọc ngầm hiểu dường như luôn có người thứ ba, như là một nhân chứng.
Một đoạn trong chương 1, được đám “dư luận viên chống Cộng” hâm mộ đến phát cuồng, cho rằng “như một quả bom sự thật”, có tính “giải thiêng”. Đó là đoạn bịa đặt bỉ ổi và bẩn thỉu dưới đây, mà tôi đành phải trích nguyên văn, vì muốn trình bày chiêu thức Trần Đĩnh đánh bả người đọc như thế nào.
“Một dạo Phan Kế An ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ. Một chiều về sớm hơn, An nói: “À, cái Z tự nhiên mang ba lô, chăn chiếu đến chỗ Ông Cụ, tớ được xua về sớm. Vài tháng sau, An lại về muộn. Hỏi vì sao thì An nói không thấy Z. đến nữa. “Chắc máy Cụ yếu!”, giải đáp thuần túy sinh học. Không tính đến sở thích, gu của cụ”.

“Một chiều về sớm hơn, An nói….. À,….”, với vài dòng chữ mà Trần Đĩnh lửng lơ nói dối không chút ngượng như trên, hẳn là bạn đọc sẽ tưởng tượng ra Trần Đĩnh là người đích thân chứng kiến “Phan Kế An ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ”, rồi có cả một buổi chiều An bỗng bị “xua về sớm”, An gặp và Trần Đĩnh thắc mắc nên Phan Kế An mới “À” và giải thích với Trần Đĩnh, rằng vì thế … vì thế…
Sự thực thì sao???
Ngay câu mở đầu Đèn Cù, Trần Đĩnh đã cho biết: “Tôi đến ATêKa, an toàn khu (ATK) để làm báo Sự Thật đầu 1949”.
Chỗ khác, Trần Đĩnh cũng nhấn mạnh, năm Trần Đĩnh nhập ATK là 19 tuổi (sinh năm 1930), sửa thẻ nhà báo thành 23 tuổi.
Thế còn họa sĩ Phan Kế An vẽ Cụ Hồ vào thời điểm nào?
Phan Kế An, được Trường Chinh phân công vẽ Cụ Hồ ở ATK vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 năm 1948, các bức vẽ được họa sĩ ghi rõ thời điểm hoàn thành là tháng 11/1948, (xem ảnh). Khi đó, Trần Đĩnh còn ở đẩu ở đâu, mãi mấy tháng sau mới đặt chân vào ATK. Thế thì thử hỏi Trần Đĩnh có phép thần thông nào vượt không gian và ngược thời gian, để thấy An “ngày ngày đến vẽ Cụ Hồ”, rồi bỗng một buổi chiều gặp An “bị xua về sớm”, rồi lại có cả đến “vài tháng sau, An lại về muộn” ???
Trong khi chính ông Phan Kế An thuật lại trên các báo, thời gian làm việc (ký họa) bên Cụ Hồ lúc ấy là liên tục trong hơn hai tuần hoặc ba tuần là chấm dứt, thế thì bới đâu ra cái gọi là “vài tháng sau, An lại (đi vẽ Cụ Hồ và) về muộn”.
Có thể nghe họa sỹ Phan Kế An kể lại về công việc vẽ Cụ Hồ bằng cách gõ mấy chữ “Phan Kế An vẽ Bác” vào google và chọn lựa, ví dụ tôi đã chọn ngẫu nhiên ở đây, hoặc ở đây, và được hai bức tranh sau:

Tranh Phan Kế An vẽ Cụ Hồ tại Việt Bắc, trên các bức tranh còn ghi rõ thời điểm hoàn thành là tháng 11/1948, khi mà Trần Đĩnh chưa hề đặt chân đến ATK.

Ngay cả khi được BBC mớm hỏi về tính chân thực và căn cứ của các “thâm cung bí sử” kiểu này, Trần Đĩnh buộc phải trả lời ú ớ:
“Tôi sống lúc ấy thì tôi biết chứ, ví dụ như chuyện Cụ có những cái này, cái nọ thì bạn bè tôi nói, thì biết thôi. Chứ còn bây giờ nói lại thì thực là khó”.

Nói Trần Đĩnh viết để “hạ bệ thần tượng” cũng đúng, nhưng ở một góc độ khác, lại thấy Trần Đĩnh thèm khát ngang tầm với các “ngôi sao”, nhưng vì không thể so về mặt sáng và tầm cao nên đành “soi” các mặt tối và thấp để so. Rằng, quý vị thấy chưa, các vị ấy cũng là người thường như Trần Đĩnh – Tôi cả thôi.
Vâng, đúng vậy, ai cũng biết, “các ngôi sao” xung quanh Trần Đĩnh cũng là những người thường cả. Nhưng chính vì họ cũng là người thường nên ta mới lại càng thấy sự nghiệp mà họ tạo dựng ra càng trở nên lớn lao, vĩ đại. Tiếc rằng “văn hào” Trần Đĩnh và các nhà “giải thiêng” khác đã không hiểu hay không muốn hiểu điều đó.

Chẳng riêng với những “ngôi sao”, mà cả với kẻ “đồng chí hướng” bây giờ như Bùi Tín, “văn hào” Trần Đĩnh cũng không bỏ lỡ cơ hội bịa tạc và xỏ xiên và cả khinh bỉ:

Chương 38 Đèn Cù, có chi tiết “đại tá” Bùi Tín vào dinh Độc Lập, không chỉ “tiếp nhận đầu hàng” (như ngài nói khoác sau này) mà còn hèn hạ “tranh thủ” nhòm tủ lạnh của kẻ thù:
“Xem đến đoạn Bùi Tín vào Dinh Độc Lập mở tủ lạnh xem “chúng nó” ăn những gì, tôi không đọc nữa. Kiểm kê sự ăn uống của tư sản, địa chủ vốn nằm quen thuộc trong cẩm nang phát động quần chúng căm thù bọn bóc lột. Tức là bấm vào cái huyệt ghen ăn tức ở”.

Thực ra, Trần Đĩnh đã bịa ra cái chuyện Bùi Tín “mở tủ lạnh”. Muốn xem và viết “chúng nó ăn gì” thì Bùi Tín chỉ cần chép lại từ bản thực đơn sót lại của bữa ăn cuối trong phòng ăn tổng thống, (bản thực đơn này nay vẫn còn đang được trưng bày tại dinh Thống nhất như một vật chứng lịch sử hiếm hoi).

Hoặc, Trần Đĩnh xỏ xiên thói “nâng bi” (mà lại là “nâng bi” một cách “khoái lạc”) của Bùi Tín như ở chương 37: “Lễ vừa tan, tôi lẻn vội ra hồ Gươm, không cùng cả cơ quan chụp ảnh với Lê Duẩn. (Hôm sau, xem bức ảnh Lê Duẩn chụp với báo đảng to gần hết cả trang nhất. Nhà báo tên tuổi Th. T. ngả hẳn người vào vai Lê Duẩn, cười khoái lạc, tay ôm một quyển to tổ bố – chắc là một cụ kinh điển Mác-xít nào anh vừa vào thư viện mượn ra làm đạo cụ diễn show – tôi cả quyết thế vì chả lẽ đến để toàn tâm toàn ý nghe Tổng bí thư mà lại vẫn kè kè đèo theo một khối sách nặng đến nửa ký?).

Ấy, đọc Đèn Cù, nghe Trần Đĩnh chửi trên đầu trên cổ thế mà Bùi Tín, tức “cựu nhà báo tên tuổi Thành Tín” vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt để rồi bốc thơm “bồi bút” Trần Đĩnh trên VOA và BBC rằng “Đèn cù là trái bom vào sự thật che đậy”.

Tôi nghĩ, nếu ông Bùi Tín nếu còn biết trọng danh dự, cho dù chỉ ở mức độ bằng cái móng tay, thì cũng nên có lời cải chính, chỉ rõ “Đại tá” Bùi Tín hôm nay, “nhân vật lịch sử”, từng là “sĩ quan cao cấp nhất” có mặt tại Dinh Độc lập là để “tiếp nhận đầu hàng” của chính thể Việt Nam Cộng hòa, chứ không phải để “mở tủ lạnh ở Dinh Độc lập”… và “nhà báo tiếng tăm Th.T” ngày xưa cũng không ôm “một cụ kinh điển Mác-xít to tổ bố” để làm “đạo cụ diễn show” trước mặt Tổng bí thư Lê Duẩn. Rất tiếc là Bùi Tín đã thừa nhận những sự việc trên là có thật thông qua lời bình“Đèn cù là trái bom vào sự thật che đậy”. Thảm hại thay cho thân phận đổi màu của chú kỳ nhông cắc ké đến hồi mạt vận.

Về mặt gắn kết giữa sự kiện và thời điểm thì “văn hào” Trần Đĩnh quả là “bậc thầy” của sự ba vạ, tức là bạ đâu quăng bom đó, liệt kê không hết:
Ví dụ, ở nhiều chỗ trong Đèn Cù, các câu hò vè mà “nhà văn” Trần Đĩnh thu nhập được do “quần chúng lao động” và cả trẻ con dạy dỗ, hầu hết bị Trần Đĩnh cho đi tàu suốt, ngược về quá khứ.

Về ngày chết của thi sĩ Vũ Hoàng Chương: “Gần năm rưỡi sau, tôi được giấy phép vào …khoảng một tuần sau, bố tôi đi chơi về khẽ bảo tôi: Vũ Hoàng Chương vừa mới chết…”.(chương 38)
Thật ra Vũ Hoàng Chương chết ngày 6/9/1976, tức trước khi tác giả được phép vào miền Nam (11/1976) ít nhất hai tháng (một năm rưỡi sau ngày 30/4/1975).

Tệ nhất là đoạn này, nếu đã có ai đó khen “văn” Trần Đĩnh rất có “thần”, thì tôi cũng đồng ý, nhưng “thần” ở đây phải hiểu là “tâm thần”, vì chỉ trong một câu, “bút thần” của Trần Đĩnh đảo lộn cả trình tự “nhân quả”:
Trích, chương 25 : “…Nếu như đầu những năm 1990, Lê Giản không nói cho tôi biết Lê Đức Thọ đã ra lệnh thủ tiêu mười mấy cán bộ đảng viên Trung Quốc, chắc có nhiều khả năng tôi sẽ viết hồi ký cho Lê Đức Thọ”.
Theo Đèn Cù, ta biết thời điểm mà có nhiều khả năng tôi sẽ viết hồi ký cho Lê Đức Thọ lại diễn ra cách năm 1990 khoảng 20 năm về trước.

Hay chi tiết trong chương 7, nói về Công hàm Phạm Văn Đồng, thì cũng lại “thần kinh” nốt, vì đến trẻ con bây giờ cũng biết và gọi đó là Công hàm 1958, trong Đèn Cù được Trần Đĩnh kể lại rất chi li qua miệng Lê Thúc Hoạch, xong lại gắn vào thời điểm Thép Mới tháp tùng Cụ Hồ đi thăm 10 nước XHCN (1956) và “Niên học 1955-56 trôi đi bức bối (với tôi vì bị cấm yêu)“.

Không phải là không có những chỗ, những đoạn Trần Đĩnh viết hay, gây xúc động với người đọc. Nhưng đó chỉ là trên bề mặt chữ nghĩa, còn phía dưới những chỗ, những đoạn ấy không ai có thể biết một cách chắc chắn nó chân thực đến mức nào hay là bịa đặt hoàn toàn. Vì toàn bộ phần còn lại nếu người đọc có đủ kiến văn để lắp ráp xâu chuỗi các sự kiện, thì sẽ thấy rõ Trần Đĩnh như kẻ “ăn vụng chuyên nghiệp” nhưng khoản “chùi mép” lại cũng vụng nốt.
Như vậy, ta lại thấy thủ pháp “văn Tôi”, “truyện Tôi” trong Đèn Cù, là thủ pháp đánh bả, trộn nháo nhào các sự kiện (thật và giả), thời gian, người kể và nhân chứng. Điều này tuy có thừa kế nhưng cũng có khác biệt ít nhiều so với các “tác phẩm” thể loại “giải thiêng” khác của các “tiền bối” như Bùi Tín hay Osin.

Trong dãy “tác phẩm giải thiêng”, Đèn Cù đứng ở vị trí cuối

 ——-
© Thiên Lý

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍