“Tài viết lách của ông dĩ nhiên là số dzách, nhưng tên ông thì ngày nay bỗng dưng người ta mới khám phá ra trong tác phẩm Đèn Cù.

Trần Đĩnh vẫn giữ nguyên cái đức của người viết báo, là nói sự thật, kể những chuyện thật. Đọc tới đâu người ta cũng cảm thấy: Đây là những chuyện thật, sự thật được bày ra, sự thật ròng, như thịt xương còn sống, tàu lá còn xanh, như gỗ mộc không sơn phết. Những suy tư, thao thức của tác giả được trình bày riêng, bên ngoài lời kể các sự kiện. Người viết không thêm thắt tình cảm, suy tư, phê phán, như thêm mắm muối, tiêu, hành, vào cho món ăn thêm mùi vị. ”.
(Tụng ca 1, Ngô Nhân Dụng)

“Tố tiếc gì chẳng ra cái đếch
Chuyện đầu cua tai ếch khó nghe
Thôi cho giải tán, đi về!”.

(Nhà thơ Tú Mỡ bình luận)

Trần Đĩnh


————-

Lần đầu, tôi đã đọc một mạch Đèn Cù qua bản PDF lưu hành miễn phí qua internet và đã thấy, thật sự Không cần thiết phải nhiều lời về “tác phẩm” này.
Tuy nhiên, sau khi đọc lần thứ hai qua 8 kỳ đăng tải trên trang Google.Tienlang, nhận thấy “tác phẩm Đèn Cù” của Trần Đĩnh, với bút pháp gian trá, hạ lưu, đê tiện, có thể gây tác hại, như một liều thuốc bả, đối với những bạn đọc vì lý do nào đó, chỉ đọc Đèn cù về mặt văn bản văn học mà không quan tâm, hoặc không nắm vững bối cảnh lịch sử của những câu chuyện rác rưởi mà Ngô Nhân Dụng tung hô là “thâm cung bí sử” trong Đèn cù.
Vì thế, đành mất thời gian vạch trần chân tướng “nhà báo”, “nhà văn”, và con người “phản chiến” Trần Đĩnh, thông qua chính một vài câu chuyện, sự kiện được Trần Đĩnh đề cập trong Đèn cù. Hy vọng, bài viết này sẽ như một liều thuốc giải hữu ích đối với những bạn đọc vừa đề cập ở trên.
Do bản Đèn cù do G.tienlang đăng tải không đánh số trang, nên các trích dẫn sẽ được ghi chú theo chương, hơi bất tiện cho bạn đọc khi đối chiếu, mong được sự thông cảm. (Khi nào có điều kiện sửa lại, sẽ dẫn theo trang).

Kỳ 1: Phương pháp “làm báo” của Trần Đĩnh qua Đèn Cù

Tác giả tự nhận mình là nhà báo tài năng, viết có “thần”, có “khí”, đã từng viết hàng trăm bài báo, nhưng, trong Đèn Cù, thì Trần Đĩnh chỉ kể cụ thể về quá trình và “thủ pháp sáng tạo” đối với ba bài báo, một về bầu cử, một về tình quân dân và một về Cải cách ruộng đất.
Qua các chi tiết về ba bài báo này, ta có thể hiểu phương pháp “tác nghiệp” của “nhà báo” Trần Đĩnh như thế nào.

Ngay trong chương 1, tác giả kể lại về 2 bài báo mà mình đã viết, như sau:
Bài báo thứ nhất là bài thuật lại sự kiện cuộc bầu cử hội đồng nhân dân xã.
“Không biết bầu cử cụ thể nào, tôi bịa. Nhưng bài báo đặc biệt sinh động, chân thực. Có cả cô gái Tày reo a lúi! trên đầu đẳng nhà sàn. Với tôi lúc ấy a lúi (ớ kìa) là thán ngữ đáng yêu nhất. Ai nói a lúi đều là con gái mặt hoa da ngọc”.

Bài báo thứ hai mà Trần Đĩnh viết, là về tình quân dân.
“Lại tôi. Tôi dựng ra một vùng chiêm trũng giáp vùng địch bị lụt, mùa màng ngập trắng, lúa sắp mọc mầm. Thì bộ đội về. Kỳ tích xuất hiện. Trắng đồng, sạch đồn”.

Đến bài báo thứ ba, về đề tài Cải cách ruộng đất, được kể lại ở chương 5. Không dấu vẻ tự hào, hai lần Trần Đĩnh nhấn mạnh rằng bài báo này là phát pháo mở đầu cuộc cải cách ruộng đất và khai hỏa cải cách ruộng đất, thì:
“Để có phát pháo mở đầu cuộc cải cách ruộng đất, Trường Chinh chỉ thị báo Nhân Dân tường thuật vụ đấu Nguyễn Thị Năm – Cát Hanh Long. Tôi nhận nhiệm vụ. Trường Chinh nói phân công tôi vì cần một bài báo viết nổi bật lên khung cảnh sôi sục, sinh động của cuộc đấu tố để ca ngợi sức mạnh của bần cố nông được phát động, còn tội ác thì tôi cứ theo tài liệu, cáo trạng của đội. Tôi nói tôi không dự đấu tố thì anh bảo tôi khai thác Văn, người cấp dưỡng theo anh tới tận Đồng Bẩm và đã chứng kiến các buổi đấu tố. Sở dĩ báo chí không dự đấu là vì giữ bí mật, ngại Đồng Bẩm cách Hà Nội có vài chục cây số đường chim bay, Pháp có thể nhảy dù xuống đó. Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt.
Thế là tôi viết bài khai hỏa cải cách ruộng đất theo sự pha phách thêm nếm khó lòng tránh khỏi của người cấp dưỡng đáng yêu của tổng bí thư”.

Những chữ in đậm, gạch dưới chính là thủ pháp viết báo “số dzach” của “nhà báo” Trần Đĩnh, như Trần Đĩnh tự thú.
Đi sâu hơn một chút, bạn đọc có thể thấy chỉ trong một đoạn văn ngắn nêu trên đã có một loạt những sự vô lý mà Trần Đĩnh “phịa” trắng trợn:

– Vì Đồng Bẩm gần Hà Nội nên sợ lộ bí mật, sợ Pháp nhảy dù. Nên Trần Đĩnh (báo chí) không dự các buổi đấu tố. Thế mà Trường Chinh vẫn bảo Đĩnh viết bài?

– Trong khi đó thì “cấp dưỡng Văn” lại đi dự và nhờ đó Trần Đĩnh mới “pha phách thêm nếm” để có bài báo “khai hỏa”? “Cấp dưỡng Văn” sao không lo việc “dưa muối tương cà” lại đi dự đấu tố?

– Đã sợ Pháp nhảy dù bắt cóc đến mức “báo chí” không dám đi dự thì sự kiện “Cụ Hồ bịt râu đến dự một buổi và Trường Chinh thì đeo kính râm suốt”, nếu có thật như Trần Đĩnh rêu rao, được giới “dư luận viên” chống Cộng coi là một phát hiện mới và tán thưởng ầm ĩ, thì sinh mệnh của linh hồn kháng chiến là các ông Chủ tịch nước và Tổng bí thư hẳn phải không quan trọng bằng an toàn của anh cu “nhà báo” Trần Đĩnh? (Viết đến đây, tôi bỗng liên hệ với một chi tiết trong “tác phẩm Trăn trối” và phát hiện ra, đối với lãnh tụ kháng chiến, thì sự nguy hiểm của cụ Thảo triết gia (cụ phải đứng cách xa lãnh tụ 3m) hóa ra còn cao hơn cả đại đội lính dù Pháp).

– Và, cuối cùng, nếu “báo chí không dự” thì ông nhà báo Tiêu Lang nào đó ở đâu ra kể lại tỉ mỷ vụ bắn, rồi mua quan tài, rồi mai táng địa chủ Năm một cách ghê rợn…cho tác giả, như Trần Đĩnh viết sau đó mấy trang?

Đến đây, tưởng cũng nên nhắc một chút, việc Trần Đĩnh ba xạo về chuyện bí danh, bút danh làm báo. Tất nhiên, khái niệm bí danh và bút danh là khác nhau, nhưng đối với một “nhà báo chuyên nghiệp” như Trần Đĩnh, thì đâu là ranh giới giữa bút danh và bí danh (?).
Chương 1, Trần Đĩnh khoe “chả hiểu sao tôi dứt khoát không bí bầu gì cho mình cái danh nào cả”.
Thậm chí còn viết thư về khoe với mẹ, về việc không bí danh, đồng thời được ở bên cạnh các lãnh tụ cho nên bà cụ mới viết thư động viên “Mẹ rất yêu cái tên Trần Đĩnh cộc. Con được vinh dự ở bên các vì sao sáng, con phải chịu khó, ngoan, vâng lời…”

Chả biết “dứt khoát” được bao lâu, thế nhưng cũng chính “Trần Đĩnh cộc” cho biết, vì mê cô X, nên từng lấy bút danh Hoàng X để viết báo. Rồi ngay ở bài báo “Khai hỏa Cải cách ruộng đất” thì lại “bài báo này tôi ký một tên ú ớ không còn nhớ và sau đó cũng không mó đến nó bao giờ. Chẳng hiểu vì sao”.

Đấy là chưa nói đến việc viết thư về vùng địch khoe mình ở chung với các vì sao sáng (Chủ tịch nước, Tổng bí thư) cũng là một chuyện sẽ bị nghiêm cấm ở nơi gọi là An Toàn khu (ATK).
Như vậy, với cách làm báo “sáng tạo” như trên, có thể tạm kết luận:
Bịa, dựng, pha phách thêm nếm và cộng thêm phét lác, đó là phương pháp viết báo của Trần Đĩnh, không chỉ có từ thời “văn hào” còn ở ATK mà, rõ ràng, giờ đây, phương pháp này đã lại được tận dụng triệt để ngay trong “tác phẩm” Đèn Cù.
——
© Thiên Lý

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍