Ngày 30/4/75, khi ta giải phóng Sài Gòn, Liên Xô (là nước duy nhất) không gửi điện mừng tới Trung ương Đảng ta mà chỉ gửi tới Mặt trận dân tộc giải phóng Việt Nam. Đó là thông tin của ông Lê Kiên Thành, con trai cố tổng bí thư Lê Duẩn, đăng trên facebook hôm ngay (10/7/2023). Theo ông Thành thì thông tin này được ông nghe từ cố phó thủ tướng Vũ Khoan, người vừa mới mất không lâu và từng là nhiều năm phiên dịch cho cố TBT Lê Duẩn. Bài đăng nhân ngày giỗ của cố TBT Lê Duẩn nhưng nội dung hàm ý, hoặc có thể dẫn dắt người đọc đến thông tin là Liên Xô đã cố gắng ngăn cản việc giải phóng miền Nam cho đến phút cuối cùng.

Một phần bài đăng của ông Lê Kiên Thành trên facebook

Vẫn biết vấn đề chính trị giai đoạn này là cực kỳ phức tạp, mọi thứ đều có thể xảy ra, tuy nhiên, đây là một việc quan trọng trong lịch sử, lại được phát biểu bởi con của một nhân vật lịch sử nên cũng gây ảnh hưởng nhiều đến dư luận dẫu chưa biết rõ đúng sai. Vì đây là câu chuyện của một người “nghe nói” từ một người đã khuất nên thực sự khó mà kiểm chứng được. May mà, vấn đề “điện mừng” giữa các lãnh đạo cao cấp nhất của 2 quốc gia trong thời điểm lịch sử quan trọng bậc nhất ấy thì không thể không được ghi nhận lại, nếu có. Và theo báo Nhân Dân số số 7668, 2 tháng năm 1975 thì ngày 1/5/1975, Tổng bí thư Ban chấp hành Trung Ương Đảng Cộng sản Liên Xô Brê-giơ-nhép đã gửi điện mừng giải phóng miền Nam đến TBT Lê Duẩn, tức bố ông Thành. Như vậy, rõ ràng thông tin ông Thành đưa ra không chính xác và có thể gây hệ lụy không tốt đến dư luận, nhất là từ vai trò của ông.

Trang bìa báo Nhân Dân số 7668 ngày 2/5/1975 có điện mừng của lãnh đạo Liên Xô & Trung Quốc
Chi tiết điện mừng của lãnh đạo Liên Xô & Trung Quốc

Để hình dung rõ hơn về bối cảnh bấy giờ, bần đạo mời các thí chủ tham khảo trích đoạn hồi ký dưới đây của Saplin Borit Nhicolaievich, nguyên Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam (1974-1986), chứ không phải đại sứ Shcherbakov (nhiệm kỳ 1964-1974) mà ông Thành cũng “nhầm” trong bài viết.

Tháng 1-1975 qua đi. Trên khắp Việt Nam hình như đang chuẩn bị chuyện gì đó, điều gì đó sắp xảy ra. Phía Việt Nam thông qua Bộ Ngoại giao thường xuyên thông báo cho chúng tôi tình hình miền nam Việt Nam… Tháng 1 và tháng 2-1975, trước cuộc tổng tiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam ở miền nam, cả ở Liên Xô, cả ở Mỹ chẳng ai biết kế hoạch cụ thể của Hà Nội, mặc dù Mỹ lo lắng hơn các nhà lãnh đạo Liên Xô… Tháng 2, Việt Nam bắt đầu thông báo cho tôi rõ ràng hơn về những kết quả ở miền nam… Chiến dịch giải phóng được giữ tuyệt mật. Cả Liên Xô lẫn Trung Quốc chẳng biết gì về chiến dịch này… Tháng 3, các sự kiện bắt đầu phát triển mỗi ngày một rầm rộ. Trong một buổi hội đàm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, ông nói với tôi: “Chúng tôi thấy hiện nay ở miền nam đang hình thành tình thế cách mạng, như Lê-nin đã nói, khi dưới không muốn, trên không thể sống như cũ được”… Tôi thông báo về Mát-xcơ-va, nhưng hình như Mát-xcơ-va không ngờ các sự kiện có thể phát triển nhanh như vậy, họ cho rằng tất cả chỉ là sự mở rộng các vùng giải phóng là cùng… Ngày 13-4, Đại sứ quán thông báo về Mát-xcơ-va, sắp tới Việt Nam có ý định tiến công Sài Gòn. Trong những lần hội kiến với tôi, các nhà lãnh đạo Việt Nam tuyên bố: Sài Gòn sẽ được giải phóng bất kỳ thời điểm nào, khi thấy hợp lý…

Ngày 21-4-1975, trong nước giao cho tôi một nhiệm vụ cấp bách, khá đặc biệt – thông báo ngay cho các nhà lãnh đạo cao nhất của nước Việt Nam DCCH là Tổng thống Pho đã gọi điện cho L.I.Brê-giơ-nhép yêu cầu Liên Xô cùng phối hợp hành động, tạm thời ngừng chiến ở miền nam Việt Nam để Mỹ và các quan chức thân cận với Mỹ di tản được an toàn…

Đại sứ quán nhận được thông báo vào ban đêm, lúc tôi đang ở vịnh Hạ Long cách Hà Nội 150 km… Chật vật mãi họ mới nối máy được cho tôi với Đại sứ quán ở Hà Nội. Tôi nghe thấy giọng lo lắng của Tham tán V.A.Cô-lốp-nhiacốp, trực sứ quán đêm hôm ấy. Ông báo tin Mát-xcơ-va gọi và tôi phải quay trở về Hà Nội ngay. Lúc ấy đã gần 3 giờ sáng… Chúng tôi đi suốt đêm, sáng sớm về tới Hà Nội… Thủ tướng Việt Nam tiếp tôi ngay và mới 9 giờ sáng tôi đã có mặt ở Phủ Chủ tịch… Sau khi chào hỏi, tôi trình bày với Thủ tướng nội dung bức công hàm của ban lãnh đạo Liên Xô. Trong khi tôi kể lại nội dung bức công hàm, Thủ tướng tỏ ra cảnh giác… Nhưng chỉ ít phút sau ông trở nên kín đáo. “Cá nhân tôi có thể trả lời ngay bức công hàm của Tổng thống Pho – Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói – Nhưng vì các nhà lãnh đạo Liên Xô và đích thân đồng chí L.I.Brê-giơ-nhép giao cho đồng chí nhiệm vụ thông báo, nên tôi phải báo cáo lại với Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Sáng ngày mai chúng tôi sẽ có câu trả lời”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho mời tôi đến xem bức công hàm đáp lại của phía Việt Nam không phải vào ngày 22 như đã hứa, mà lùi lại vào ngày 23. Tiếp tôi vẫn ở Phủ Chủ tịch, không nói lời mào đầu, Thủ tướng tuyên bố ngay rằng Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nghiên cứu rất kỹ thông tin nhận được và ủy quyền cho ông truyền đạt lại với Đại sứ Liên Xô để chuyển về Mát-xcơ-va ý kiến của ban lãnh đạo Việt Nam về vấn đề này. Nội dung công hàm đáp lại là Hà Nội đánh giá bức công hàm của Tổng thống Mỹ Pho như là một âm mưu nguy hiểm hòng tạo điều kiện để tiếp tục can thiệp sâu vào công việc của miền nam Việt Nam, hạ thấp ý nghĩa chiến thắng của Việt Nam…

Đọc xong bức công hàm trả lời, Thủ tướng đặt nó xuống và… nhấn mạnh… “Với Mỹ, chúng tôi một mặt vẫn tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi, mặt khác chúng tôi cố gắng tránh những gì có thể làm tổn thương Mỹ, tránh kích động tinh thần sô vanh ở Mỹ. Chúng tôi ủng hộ các cuộc gặp gỡ với các tổ chức tiến bộ Mỹ, thậm chí với một vài nghị sĩ Mỹ để phát triển quan hệ bình thường với Mỹ trên cơ sở họ nghiêm chỉnh thực hiện những điều khoản liên quan đến họ trong Hiệp định Pa-ri” – Thủ tướng bổ sung…

Ngày 26-4, trước khi giải phóng Sài Gòn, tôi lại nhận nhiệm vụ gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và thông báo cho Thủ tướng biết, qua Đại sứ Liên Xô ở Oa-sinh-tơn, đồng chí Brê-giơ-nhép cảnh báo cho Tổng thống Pho biết, ông phản đối tất cả những hành động của Mỹ có thể làm rắc rối thêm tình hình ở Đông Dương… Vào những ngày này, Oa-sinh-tơn, Mát-xcơ-va và Hà Nội liên tục liên lạc với nhau. Hầu như ngày nào điện báo cũng đến tới tấp, bắt đầu bằng các từ: “Hà Nội. Đại sứ Liên Xô. Hãy tới gặp đồng chí Lê Duẩn (hay Phạm Văn Đồng) – sao gửi Oa-sinh-tơn. Oa-sinh-tơn. Đại sứ Liên Xô. Hãy tới gặp Pho (hay Kít-xinh-giơ) – sao gửi Hà Nội”. Ngày 26-4, tôi gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng lần cuối trước khi giải phóng Sài Gòn… Thủ tướng Phạm Văn Đồng tuyên bố dứt khoát: “Chúng tôi chẳng có gì để thông báo với Mỹ cả, còn lời phát biểu của Tổng thống Pho không làm cho ai phải quan tâm, bởi vì không thể tin được ông ta”. Còn về những điều kiện thuận lợi để di tản những người Mỹ, chứ không phải người Việt Nam, thì những điều kiện ấy đang có và sẽ có…

Ngày 30-4-1975, trong Đại sứ quán Liên Xô có buổi chiếu phim thường kỳ cho quần chúng Việt Nam xem. Lần này phòng chiếu chật cứng người. Tất cả những người ngồi đây đều đang vô cùng phấn khởi. Mới có tin Sài Gòn đã được giải phóng. Vì giữ kỷ luật Đảng mà không ai trong số họ dám khẳng định điều ấy. Chúng tôi biết rõ ràng miền nam đã giành thắng lợi, cho nên cắt bớt buổi chiếu phim, tôi cùng với Tham tán công sứ E.P. Glad-nốp bước lên bục chúc mừng thắng lợi tất cả mọi người đang có mặt. Lời chúc mừng ngắn gọn của chúng tôi kết thúc bằng các từ: “Liên Xô – Việt Nam – muôn năm!” – có nghĩa là: “Tình hữu nghị Liên Xô – Việt Nam muôn năm!”. Cả phòng chiếu phim hô vang ba lần – “muôn năm, muôn năm, muôn năm”. Mọi người vô cùng hân hoan… Thực chất đó là lời chúc mừng chiến thắng đầu tiên của những người đại diện cho một cường quốc đối với nhân dân Việt Nam.

Sáng sớm ngày 1-5, khi tôi còn đang ở nhà riêng, trực ban sứ quán gọi điện cho tôi báo rằng Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời tôi gặp mặt vào lúc 9 giờ sáng… Bất ngờ trước khi xe lăn bánh, trưởng phòng chuyên viên gọi điện yêu cầu tôi chờ ít phút bởi vì có thông báo khẩn từ Mát-xcơ-va. Hóa ra đó là lời chúc mừng chiến thắng dưới dạng công hàm của L.I.Brê-giơ-nhép gửi cho đồng chí Lê Duẩn. Nhưng những dòng tái bút ở cuối bức công hàm làm tôi lúng túng. Đó là yêu cầu không đăng công khai lời chúc mừng này trên báo chí! Rõ ràng là một lần nữa Mát-xcơ-va không muốn chọc tức Mỹ. Cho nên công hàm được gửi theo con đường tổ chức Đảng, cầm bức công hàm, tôi lên xe tới Phủ Chủ tịch…

Thủ tướng kết luận: “Đồng chí là đại diện nước ngoài đầu tiên tôi thông báo về thắng lợi của chúng tôi theo sự ủy nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam”. Sau đó đến lượt tôi phát biểu rằng về phía mình tôi có nhiệm vụ chuyển bức công hàm của Tổng Bí thư L.I. Brê-giơ-nhép tới đồng chí Lê Duẩn với lời chúc mừng chiến thắng. Thủ tướng nói rất sôi nổi: “Chúng tôi vô cùng xúc động và xin gửi tới đồng chí L.I.Brê-giơ-nhép và các đồng chí lãnh đạo Liên Xô tất cả tình cảm và lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Việt Nam”.

“Đồng chí không hình dung nổi, – Thủ tướng nói tiếp – nhận bức công hàm của các đồng chí vào thời điểm này đối với chúng tôi quan trọng như thế nào đâu. Chúng tôi vừa nhận được điện chúc mừng thắng lợi của Chủ tịch Mao Trạch Đông…”. Ngày hôm sau cả hai bức điện chúc mừng đều được đăng trên các báo Việt Nam… Chiều tối ngày 1-5 tổ chức mít-tinh… Thủ tướng liệt kê tất cả các nước, các tổ chức, đoàn thể mà Việt Nam tỏ lòng cảm ơn vì đã ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam trong cuộc chiến tranh: Liên Xô và Trung Quốc, các nước anh em trong phe XHCN, các nước thế giới thứ ba, các tổ chức tiến bộ trên toàn thế giới. Khi nói tới Mỹ, Thủ tướng ngừng lại và nói đại ý: “Chúng tôi chẳng có gì mà phải chống lại Mỹ. Người có lỗi không phải là chúng tôi”. Thủ tướng dừng lại một lát, rồi bỗng nhiên, lúc đầu khe khẽ, rồi cười rất to, lôi cuốn cả phòng họp cũng cười theo…

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍