Nhân việc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA vừa đồng ý cho Nhật Bản xả nước thải phóng xạ của nhà máy Fukushima ra đại dương, bần đạo lại nhớ vụ “Sự cố môi trường Formosa” cách đây hơn 7 năm.
Sự kiện khiến báo chí và mạng xã hội rần rần kéo theo các vụ biểu tình “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch” khắp các tỉnh thành, đặc biệt là khu giáo dân ở Nghệ An – Hà Tĩnh, trong khi tất cả số lượng cá chết mà chúng ta thấy được trên truyền thông chưa bằng 1 góc số cá chết ở kênh Nhiêu Lộc sau 1 cơn mưa đầu mùa! Những ai có tìm hiểu về tình hình hồi đó đều hiểu rằng, vấn đề môi trường chỉ là cái cớ của những động cơ chính trị của những thế lực chống phá, nhân danh “xã hội dân sự” mà thôi.

Một hình ảnh tiêu biểu về “thảm họa môi trường” của Formosa 2016

Hồi đó Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã đề nghị thuê 1 đơn vị quốc tế độc lập về khảo sát đánh giá thực trạng tình hình, mọi chi phí sẽ do FHS chi trả. Tuy nhiên không hiểu sao sau đó FHS lại nhanh chóng xuống nước, chấp thuận yêu cầu của chính quyền VN mà trả khoản đền bù 500 triệu USD mà không cần làm rõ trắng đen nữa.

Bấy giờ bần đạo cho rằng đó là động thái “hình thức” để chính quyền & FHS giải quyết nhanh chóng khủng hoảng truyền thông cũng như vấn đề an ninh chính trị xã hội đang nóng bấy giờ. Sau này tìm hiểu thì thấy FHS đã chi tiền thật!
Lý do của việc họ nhanh chóng chấp thuận “điều đình” vậy là vì:

(1) FMS lúc đó đã đầu tư 10 tỷ USD vào dự án. Dự án đang trong quá trình xây dựng, hợp đồng với hàng trăm nhà thầu. Nếu dự án bị ngưng vì tranh chấp, dẫn đến đền bù hợp đồng, đình đốn dự án,.. Thiệt hại rất lớn.

(2) Hàng ngàn cán bộ công nhân viên đã được FHS tuyển mộ và đưa đi đào tạo khắp nơi trên thế giới trước đó. Nếu dự án bị đình đốn, nhân viên không có việc phải đi tìm việc khác và cho đến khi dự án trở lại hoạt động thì FHS sẽ tốn rất nhiều chi phí, công sức để tuyển dụng, đào tạo lại.

(3) Chi phí cơ hội. Dự án FHS đã tính đến thời điểm chiếm lĩnh thị trường bấy giờ, nếu bị đình đốn sẽ ảnh hưởng đến thời cơ.

Đây không phải lần đầu tiên dự án FHS phải gánh chịu sự tổn thất vì yếu tố chính trị tại VN. Năm 2014, khi sự kiện giàn khoan hải dương HD981 của Trung Quốc ở Hoàng Sa diễn ra, FHS, dù là một doanh nghiệp Đài Loan, cũng bị những người quá khích xông vào đập phá nhà xưởng khiến nhà máy phải ngừng sản xuất, gây thiệt hại lớn.

Có lẽ vì vậy, sau đó Formosa đã hủy bỏ kế hoạch đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu trị giá 15 tỷ USD ở Vũng Áng (tại vị trí mà nay Vingroup đã lấy để xây dựng nhà máy pin) mà chuyển hướng đầu tư sang nước khác.

FHS không chỉ giúp phát triển kinh tế địa phương mà còn làm công tác xã hội đối với địa phương!

Để thấy tầm quan trọng của Formosa đối với kinh tế tại Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung thì cần biết mỗi năm Formosa đóng góp đến 50 – 60% nguồn thu ngân sách cho tỉnh sở tại, giúp biến vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” nổi tiếng nghèo Hà Tĩnh gia nhập CLB thu ngân sách 10.000 tỷ ngay từ khi nhà máy mới đi vào hoạt động năm 2015.

Câu hỏi đặt ra là để làm sao những doanh nghiệp như vậy có thể tiếp tục ổn định, yên tâm kinh doanh, đầu tư và phát triển ở Việt Nam mà không phải chịu ảnh hưởng bởi những vấn đề “ngoài luồng” như từng đã?!

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍