Việc Trung Quốc là quốc gia hỗ trợ hàng đầu cho Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thì ai cũng biết rồi, nhưng cụ thể như thế nào thì cho đến nay nhiều người còn chưa rõ. Hầu hết người Việt đều mơ hồ rằng Trung Quốc chỉ hỗ trợ vũ khí, lương thực hoặc hỗ trợ về người thì chỉ dừng lại ở việc công binh.

Thực tế thì con số về sự hỗ trợ của Trung Quốc cho cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp dường như chưa được ghi nhận rõ ràng, có lẽ vì hoàn cảnh lúc bấy giờ. Chúng ta chỉ biết được là Cách mạng VN có sự gắn bó mật thiết với Cách mạng Trung Quốc đến mức mà Trung Quốc từng là nơi huấn luyện đào tạo các lãnh đạo Cách mạng VN cả về chính trị, quân sự ngay từ thời ĐCS Việt Nam còn chưa ra đời cho đến chiến thắng Điện Biên Phủ.

Còn về nguồn chi viện cho cuộc Kháng chiến chống Mỹ trong suốt 20 năm (1955-1975), theo nghiên cứu của các tác giả ở Viện lịch sử Quân sự thì Trung Quốc cũng là quốc gia đứng đầu (tính theo số tấn hàng hóa). Vậy còn chi viện về người thì sao?

Theo công bố chính thức của Trung Quốc thì trong 8 năm, kể từ khi Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam (1965 – 1973) thì Trung Quốc đã điều động tổng cộng hơn 320.000 binh sĩ thuộc các quân chủng phòng không, công binh, đường sắt, rà phá bom mìn và hậu cần, v.v. để thực hiện các nhiệm vụ phòng không, xây dựng, rà phá bom mìn và đảm bảo hậu cần ở miền Bắc Việt Nam.

Con số này được công bố chính thức bởi chính quyền Trung Quốc từ năm 1989 theo báo Reuters.

Theo một bài viết nhân dịp 30/4 năm ngoái (2022) của Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc, kể về một số cựu Chí nguyện quân ở chiến trường Việt Nam có thông tin rằng: “Trong 8 năm viện trợ Việt Nam chống Mỹ từ  năm 1965 đến 1973, hơn 4.000 cán bộ và chiến sĩ bị thương và hơn 1.400 chiến sĩ Trung Quốc đã anh dũng hy sinh trên đất Việt Nam. Chỉ tính riêng từ năm 1970 đến năm 1972, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam hơn 300 xe tăng, còn cung cấp thiết bị đồng bộ đường ống dẫn dầu dài 3.000 km, 80.000 áo chống đạn. Theo thống kê, vật tư quân sự Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam bao gồm: súng, pháo, ô tô, xe tăng, máy bay, tàu chiến, đạn dược, quân phục, dầu mỏ, lương thực… trị giá khoảng 4,26 tỷ nhân dân tệ, có thể trang bị cho hơn 2 triệu binh sỹ Việt Nam. Đã thực hiện cam kết của Chủ tịch Mao Trạch Đông đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh: Người và vật tư đều sẵn sàng dành cho Việt Nam”.

Ông Dương Cảnh Khoa, cán bộ về hưu thuộc Phòng Kỹ thuật của Đài Phát thanh – Truyền hình Trung ương Trung Quốc, là một cựu Chí nguyện quân thuộc lực lượng phòng không, người đã được trao tặng Huy chương Đoàn kết chiến thắng giặc Mỹ của thủ tướng Phạm Văn Đồng, cho biết: “Lúc đó, Trung Quốc chỉ mỗi sư đoàn chúng tôi có pháo phòng không 160, những vũ khí tốt nhất vốn được sử dụng để bảo vệ thủ đô Bắc Kinh, cuối cùng đều được vận chuyển đến Việt Nam để chống Mỹ”. Ông Dương Cảnh Khoa đã 2 lần tình nguyện sang Việt Nam chiến đấu (1966, 1967), có lúc chiến thắng cũng có lúc thua, kỷ niệm đau thương nhất trong sâu thẳm ký ức của ông Dương Cảnh Khoa là 30 – 40 đồng đội thân thiết nhất của ông hy sinh tại Việt Nam. Còn tính cả lực lượng pháo phòng không của ông Dương Cảnh Khoa, có 280 chiến sĩ hy sinh và 1.166 cán bộ và chiến sĩ bị thương.

Xin mượn những lời tâm sự của ông Khoa khi kể lại những năm tháng huy hoàng viện trợ Việt Nam chống Mỹ để làm lời kết: “Những năm tháng viện trợ Việt Nam mặc dù rất vất vả, nhưng chúng tôi luôn thấy vui và hạnh phúc. Vì lợi ích của Tổ quốc và nghĩa vụ quốc tế, chúng tôi đã không chùn bước, tôi nghĩ đó là điều đáng làm. Nhưng chiến tranh quá tàn khốc, khổ nhất là những chiến sĩ và người dân chúng ta, vì vậy chúng ta phải trân trọng hòa bình và hữu nghị, bảo vệ cuộc sống vốn không dễ gì có được.”

Dưới đây là một số hình ảnh về giai đoạn Chí nguyện quân Trung Quốc giúp đỡ Việt Nam:

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍