Chắc hẳn những ai quan tâm đến Bác Hồ đều có nghe nói đến cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” của tác giả Trần Dân Tiên. Cuốn sách được xuất bản lần đầu cách đây 65 năm nhưng đến nay vẫn là đề tài gây tranh cãi. Tranh cãi không phải vì nội dung cuốn sách mà vì người viết bí ẩn Trần Dân Tiên. Một cuốn sách nổi tiếng về một con người vĩ đại nhưng lại không có ai đứng ra nhận là tác giả! Bức sương mờ bao quanh tác phẩm này cùng với thời gian vô tình lại “đồng lõa” cho lũ đê hèn thêu dệt lên những điều ngu xuẩn để bôi nhọ hình ảnh Bác. Tất nhiên với cái đầu óc sâu bọ thì chúng không tài nào hiểu được các vĩ nhân nên chỉ xúm xít vào việc cố chứng minh tác giả Trần Dân Tiên chính là Bác Hồ để từ đó huyễn hoặc nhau bằng cái lý lẽ trẻ con rằng Bác Hồ tự viết sách để khen mình nên là “đạo đức giả”!

Thật nực cười cho một lũ đã ngu si mà còn xấu xa! Thử hỏi trên thế gian này có biết bao nhiêu kẻ có chút xíu tiếng tăm mà cũng ra hồi ký này, tự sự nọ để bán kiếm tiền? Thậm chí, những người đó còn không có khả năng để tự viết mà phải thuê người khác viết thay cho mình. Vậy thì đối với một vĩ nhân đã góp phần thay đổi bản đồ thế giới trong thế kỷ 20, chuyện viết hồi ký không phải là cho cá nhân mình mà còn là mong mỏi của đông đảo nhân loại. Bởi đó là một tư liệu quý giá, một phần lịch sử – điều mà “lũ ngợm có óc không dùng để phân tích mà để tích phân” không thể nào hiểu nổi. Nhưng sự thực có được như mong mỏi của đông đảo nhân loại tiến bộ hay không thì chúng ta phải tìm hiểu kỹ càng, logic chứ không thể hóng hớt nghe chỗ này, chỗ kia loáng thoáng mà tin được.

Trước khi viết bài này, tôi đã đăng trên blog Đôi Mắt 2 cuốn sách nhỏ, được coi là những “hồi ký” duy nhất về quãng đời hoạt động cách mạng trước khi về nước (1941) của Bác Hồ được xuất bản khi Bác còn sống: Vừa đi đường vừa kể chuyệnNhững mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. Tôi tin chắc rằng đại đa số những kẻ đang lải nhải chuyện “Bác Hồ tự viết sách khen mình” đều chưa từng đọc qua 2 cuốn sách này mà chỉ nhai lại cái lý lẽ rẻ rách của một số “nhà”, “chòi” hay “lều” nào đó, vì não chúng chỉ có chức năng như những cái đĩa CD, ghi âm và phát lại, chứ tuyệt đối không dùng để tư duy. Ở chiều ngược lại, những người yêu quý Bác, tin tưởng tuyệt đối vào nhân cách và đạo đức cách mạng Hồ Chí Minh, thì lại không thèm đếm xỉa đến những lời lẽ bẩn thỉu đó, xem đó như một thứ bệnh dịch cần phải tránh xa chứ cũng không cần tìm hiểu rõ ngọn ngành. Theo thời gian, điều đó vô hình chung làm cho sự việc càng thêm mơ hồ, thuận lợi cho chiến thuật “Tăng Sâm giết người” của lũ người hạ tiện kia.

Vậy Trần Dân Tiên có phải là một bút danh của Hồ Chí Minh?

Trên trang mạng Wikipedia hiện đang khẳng định Trần Dân Tiên là một trong những bút danh của Bác Hồ (dùng một lần duy nhất cho cuốn sách này). Lý do các thành viên trang web này đưa ra là dựa vào một số nguồn như sau:

Nguồn khẳng định
Báo Nghệ An điện tử (của Đảng bộ tỉnh Nghệ An):
…Thời gian Bác ở nước Pháp từ năm 1919 đến năm 1923, cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên (một bút danh của Bác) cho biết: “Thường thường, ông chỉ làm việc nửa ngày; làm buổi sáng để kiếm tiền, còn buổi chiều đi đến thư viện”…

Nhà nghiên cứu Hà Minh Đức trong Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh:
…Đáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào, của bạn bè trên thế giới, Hồ Chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch…;

Cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, nhân vật bất đồng chính kiến người Việt là Bùi Tín trả lời phỏng vấn Đài Á châu Tự do,
…Nhân dân, tờ báo của Đảng cộng sản, nói rõ là ông Hồ trong cuộc đời đã dùng đến hơn 30 bí danh khác nhau, trong đó có bí danh Trần Dân Tiên, và khẳng định rõ rằng cuốn “Những mẩu chuyện về đời sống của chủ tịch HCM” là do chính ông Hồ viết ra…

Học giả Mỹ William J. Duiker, trong tác phẩm Ho Chi Minh: A Life:
…The other, Nhung mau chuyen ve doi hoat dong cua Ho Chu tich, by the fictitious historian Tran Dan Tien, was written by Ho in the late 1940s and has been translated into several foreign languages…
Tạm dịch: Còn tác phẩm kia, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, của nhà sử học tưởng tượng Trần Dân Tiên, được ông Hồ viết vào cuối thập kỷ 1940 và đã được dịch sang nhiều thứ tiếng khác.

Học giả Pháp Pierre Brocheux, trong tiểu sử Ho Chi Minh: A Biography:

Học giả Mỹ Sophie Quinn-Judge, trong tác phẩm Ho Chi Minh: The Missing Years:
…Although the author’s name is given as Tran Dan Tien, it is believed, in fact, to be an autobiography…
Tạm dịch: Mặc dù tên tác giả là Trần Dân Tiên, nhưng người ta tin rằng thực ra nó là tự truyện…

Nguồn được tạm hiểu

Một bài viết trên tạp chí Cộng sản Điện tử (cơ quan lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam) có câu như sau, từ đó người đọc có thể hiểu rằng Trần Dân Tiên cũng là Hồ Chí Minh:
…Còn nhớ những quan điểm rất rộng mở của Trần Dân Tiên-Hồ Chí Minh: “Khổng Tử, Giê-su, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải có cùng một điểm chung đó sao….);

Xem qua những “nguồn” trên, tôi chẳng thấy một chút gì thuyết phục để khẳng định Trần Dân Tiên là một bút danh của Hồ Chủ tịch. Nguồn bài viết của báo Nghệ An và Tạp chí cộng sản đã bị gỡ bỏ, có thể do những người có trách nhiệm phát hiện ra sự thiếu căn cứ của việc gán ghép này. Bài của ông học giả Pháp đã được các thành viên Wikipedia gỡ ra vì “tham số không rõ”. Bài của Duiker và Sophie thì không biết có phải tham khảo từ nguồn của ông Hà Minh Đức hay không mà phán luôn như thể đó là sự thật hiển nhiên. Bội Tín thì không thèm chấp vì đến cái việc gần nhất là sự kiện 30/04/1975 mà lão còn xuyên tạc và nhận vơ công lao của mình nữa là… Như vậy chỉ còn nguồn của ông Hà Minh Đức là cần xem xét vì có vẻ như đây là nguồn gốc của tất cả các “nguồn nhánh” kể trên. Trong “Tác phẩm văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, Nxb Khoa học Xã hội (Hà Nội, 1985), trang 132, ông Hà Minh Đức viết rằng:
“…Đáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào, và của bạn bè trên thế giới, Hồ Chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch…”.
Ông Hà Minh Đức chú thích rằng thông tin này ông lấy từ cuốn “Những sự kiện lịch sử đảng”, NXB Sự thật, năm 1976, tập 1, trang 672. Hầu hết mọi người sẽ cho rằng đây là nguồn tin “chính thống” nên chắc hẳn là chính xác. Nực cười ở chỗ đám người âm mưu giật đổ tượng đài Hồ Chí Minh vớ được mẩu thông tin này thì như thể mèo mù vớ được cá rán, tru tréo rằng: ĐCSVN đã phải “thú nhận” sự thật về Hồ Chí Minh. Cho dù đó là một thông tin chính xác thì cũng chẳng có lý do gì cho cái lũ thần kinh chính trị ấy mừng đến vậy vì sách ra đường đường chính chính, tận từ 1976, chắc chắn chẳng phải do “sợ” cái “sự nghiệp dân chủ” của chúng. Thời điểm đó có lẽ không ít kẻ trong số này còn chưa dám chừa mặt ra đường vì đang xấu hổ bởi hành vi tụt quần áo giữa đường để chạy trốn cho nhanh trước đà tiến công của Việt cộng.

Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn

Vậy thông tin của ông Hà Minh Đức dựa vào có chính xác hay không?
Tôi cho rằng KHÔNG vì những lý do sau:
– Cuốn “Những sự kiện lịch sử đảng” chỉ là một trong số rất nhiều sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam có thông tin liên quan đến việc này. Trong rất nhiều cuốn thuộc dạng chuyên sâu hơn về CT Hồ Chí Minh được xuất bản sau này như Hồ Chí Minh toàn tập, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử,… không có thông tin nào khẳng định Bác Hồ chính là tác giả Trần Dân Tiên. Rất có thể các tác giả của cuốn “Những sự kiện lịch sử đảng” do thiếu thông tin đã ngộ nhận về điều đó.
– Lý do “đáp lại tình cảm mong muốn của đồng bào, và của bạn bè trên thế giới” mà cuốn “Những sự kiện lịch sử đảng” đưa ra chỉ là một giả thiết trong rất nhiều giả thiết khác chứ không phải là một cơ sở chính xác để khẳng định “Hồ Chủ tịch với bút danh Trần Dân Tiên đã viết tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. Cơ sở chính xác phải là: bản thảo, nhân chứng, vật chứng,…

Thật ra không chỉ cuốn sách này có giả thiết như vậy. Mới đây, Sách Hiếm có đăng bài “Về Vấn Đề Dùng Bút Danh “Trần Dân Tiên” Của Cụ Hồ” của tác giả Trần Khuê– Ng. Thị Thanh Xuân, trong đó cho rằng: “Trong khi mọi người chưa biết Hồ Chí Minh là ai thì Cụ buộc phải viết “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” để tự giới thiệu mình”“Phải công bằng và xác nhận rằng cụ Hồ đã kể toàn sự thật. Vì đơn giản là tất cả những nhân vật mà Cụ đã tiếp xúc có ít nhiều liên quan đến đời hoạt động của Cụ không một ai phê phán cụ Hồ đã bịa đặt một chi tiết nào; và mấy chục năm qua ngay cả những người đã ra rả chê trách Cụ ký bút danh Trần Dân Tiên cũng không nêu được một chi tiết nào sai sự thật và họ cũng chẳng bao giờ dám bàn về nội dung cuốn sách, chỉ một mực nhẩn mạnh: ký bút danh để tự viết về mình như thế là thiếu khiêm tốn kém đạo đức, lừa dối nhân dân”. Cùng chung ý tưởng này là tác giả Ngô Tự Lập với bài viết “Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh, hay là Luận về vĩ nhân”: “Tôi là một trong không nhiều người hâm mộ Hồ Chí Minh nhưng lại tin rằng Trần Dân Tiên là Hồ Chí Minh. Hơn thế nữa, chính vì hâm mộ Hồ Chí Minh mà tôi tin như vậy”“không thể coi “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” là cuốn sách của một kẻ háo danh. Hồ Chí Minh quá nổi tiếng, sự nghiệp của ông quá sáng chói, ông không cần có thêm một cuốn sách để trở thành nổi tiếng. Và giả sử Hồ Chí Minh cần một cuốn sách như thế, chỉ cần ông đánh tiếng, chắc chắn sẽ có rất nhiều nhà văn tài giỏi và nổi tiếng sẵn sàng viết nó ra, không chỉ vì ngưỡng mộ, mà có thể còn vì vụ lợi”.

Tất cả các ý kiến ở trên đây đều có cái lý của nó, nhưng quan trọng nhất là chứng tỏ một điều: chẳng hề có một dấu vết vật chất nào chứng tỏ Trần Dân Tiên là Hồ Chí Minh cả! Tất cả đều là suy diễn.

Sở dĩ tôi giới thiệu với các bạn cả 2 cuốn sách cùng thể loại Vừa đi đường vừa kể chuyện (Sách 1) và Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (Sách 2) là để có cơ sở so sánh giữa một cuốn đã được xác nhận là của Bác Hồ (đầy đủ bản thảo) và 1 cuốn “bơ vơ”.
Đọc qua 2 cuốn này thì không ít người sẽ nhận định giống như tác giả Ngô Tự Lập: “Hai cuốn sách “Những mẩu chuyện trong đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” và “Vừa đi đường vừa kể chuyện” giống nhau một cách kỳ lạ, không chỉ về đề tài, ngôn ngữ, phong cách, mà cả về bút pháp và thậm chí là về dung lượng”.
Thực tế thì nếu tìm hiểu kỹ chúng ta sẽ thấy nhiều điểm khác nhau giữa 2 tác phẩm này.

Một số điểm khác nhau cơ bản giữa 2 tác phẩm

Về văn phong: Có lẽ do sự giống nhau giữa đề tài, sự kiện và lối hành văn với những câu ngắn khiến cho người đọc rất dễ ngộ nhận là 2 tác phẩm cùng một người viết. Tuy nhiên, cùng là “những mẩu chuyện”, trong sách 1 luôn có những đoạn văn liên kết để tạo sự hợp lý của một quá trình kể chuyện trong khi trong sách 2 thực sự là những mẩu chuyện rời rạc. Trong phần 1 của sách 2 còn có sự chuyển tiếp mềm mại, cụ thể giữa các nguồn tin (một vị trí thức ở Sài Gòn, ông Mai ở Hải Phòng, ông Dân ở Nha Trang, ông Bốn, ông Nam) trong khi ở các phần tiếp theo thì mơ hồ rằng “một người quen ông Nguyễn ở Pa–ri đã cho chúng tôi nhiều tài liệu rất quý báu” hay “một người bạn Pháp”, rồi “chúng tôi lại mất mối một lần nữa” nhưng câu chuyện vẫn tiếp tục! Trong sách 1, tác giả tự tin mô tả về nhân dạng của nhân vật, về phong cảnh – văn hóa địa phương trong khi sách 2 không làm được điều đó: “Quan thượng thư, đầu sói như quả bưởi, một mắt mang kính trắng, “uy phong lầm lẫm” ngồi chễm chệ bên một cái bàn rất rộng và chất đầy giấy tờ”. Trong sách 1 khi nói về những khó khăn đã trải qua, Bác sử dụng những ngôn từ mang tính trào lộng; khi nói về mình Bác rất khiêm tốn chứ tuyệt nhiên sử dụng những từ mang tính suy tôn như sách 2. Đức tính khiêm tốn của Bác đã được ghi nhận bởi tất cả những người đã được tiếp xúc với Bác chứ không phải chỉ là cách hành văn. Mà thực tế thì “khiêm tốn” là đức tính “mặc định” của tất cả các vĩ nhân bởi lẽ không khiêm tốn thì làm sao mà học hỏi được để trở thành vĩ đại! Trong cuốn 1, Bác thường chèn các câu ca dao, tục ngữ vào (đây là phong cách của Bác, có thể bắt gặp trong nhiều tác phẩm khác) trong khi cuốn 2 không có. Bác Hồ là một người yêu thiên nhiên và có khả năng thơ phú nên trong tác phẩm của Bác thường có những đoạn tả cảnh rất hay: “Ở vùng này, lúc hoàng hôn và lúc tảng sáng, phong cảnh rất nên thơ. Gió rừng thổi vi vu làm cho các cành cây đu đưa một cách nhẹ nhàng yểu điệu. Mặt trời chênh chênh rọi xuống, biến ức triệu giọt sương trên lá cây ngọn cỏ thành những hạt ngọc nhấp nháy, lung linh. Những con suối trong vắt chảy róc rách, hoạ vần với giọng ca líu lo của hàng nghìn, hàng vạn chim rừng. Nhiều khi ngửi thấy mùi thơm của hoa và nhựa cây từ xa bay đến, phảng phất và nhẹ nhàng. Trên trời xanh biếc có vài đám mây trắng đủng đỉnh bay, giống hệt những chiếc thuyền buồm khoan thai lướt trên mặt biển. Bên ven rừng, hàng vạn con bướm nho nhỏ vàng vàng bay phấp phới như muốn thi đua với khách đi đường. Như để làm cho phong cảnh thiên nhiên càng thêm màu, thêm vẻ, mấy chú bé cưỡi trên lưng những con trâu béo núc na núc ních, em thì hò hát, em thì giở sách chăm chú ôn lại bài học tối hôm qua. Khó mà nói đó là bài thơ trong bức vẽ, hay là bức vẽ trong bài thơ”. Cuốn 2 thì không có được điều đó.

Về dữ liệu: Sách 1 là do Bác viết ra nên chắc chắn các dữ liệu phải đúng với quá trình hoạt động của Bác trong khi sách 2 là thứ cóp nhặt, chắp vá nên bị “tam sao thất bổn” dù tác giả đã cố gắng sắp xếp mọi thứ theo dòng chảy thời gian:

– Tác phẩm “Con rồng tre” được Bác viết năm 1922 nhưng lại được sắp xếp sau cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp (in bản đầu tiên năm 1925 trên tờ báo Imprékor của Quốc tế Cộng sản, khi Bác ở Trung Quốc). Cả 2 đều được đưa vào thời kỳ Bác đang “tập tành viết báo” ở Pháp (1917 – 1923).

– Sự kiện Bác tới Thụy Sỹ, Italia, Đức: Cuốn 2 kể rằng “Ông Nguyễn vào cả Hội “Du lịch”, một hội đưa người ta đi thăm nước Pháp và những nước lân cận với giá tiền rất rẻ. Nhờ vậy mà ông Nguyễn đi thăm nhiều nơi ở Pháp, ở Ý, ở Thuỵ Sĩ, ở Đức và cả Toà thánh Va–ti–căng” trong thời kỳ đầu hoạt động của Bác ở Pháp (1917 – 1923). Nhưng thực tế giống như Bác đã kể trong cuốn 1: Bác tới Thụy Sỹ và Italia sau khi “được phái đi dự cuộc hội nghị quốc tế “chống chiến tranh đế quốc” ở Bơ-rúc-xen, thủ đô nước Bỉ” (12/1927). Những mô tả về Đức trong cuốn 2 là tương ứng với quá trình Bác tới Liên Xô lần đầu (1923), ngang qua lãnh thổ Đức trong cuốn 1.

– Câu chuyện của Bác tại Italia: Cuốn 2 viết “Thấy ông Nguyễn là một người ngoại quốc, một vệ binh viện bảo tàng đến gần ông Nguyễn, cẩn thận nhìn chung quanh không có ai, rồi chỉ tay vào bó gậy – tượng trưng phát xít, ở đâu cũng có – và làm bộ bẻ gẫy bó gậy rồi lấy chân giậm lên, để tỏ ý căm thù phát xít”. Chuyện này hơi bị vô lý. Giả sử như anh chàng hiến binh này có căm ghét chế độ đến cỡ nào cũng chẳng thể bỗng dưng biểu lộ thái độ đó chỉ vì “thấy ông Nguyễn là một người ngoại quốc”! Khu tham quan du lịch thì có biết cơ man nào là “người ngoại quốc”, mà “người ngoại quốc” cũng đâu có nghĩa họ là “phe mình”! Câu chuyện thực tế được Bác “đính chính” trong cuốn 1 như sau: Bác chào ông cụ già gác tháp và hỏi bằng tiếng Ý: “Sao cụ, đời sống thế nào?”. Nhìn trước nhìn sau không có ai, ông cụ thở dài và nói: “Ôi khổ lắm ông ạ. Biết bao giờ sẽ chấm dứt chế độ này…!”.

– Sự kiện Bác tới Liên Xô lần đầu: Trong sách 2 kể thì Bác tới Lê–nin-gờ-rát (tức Saint Petersburg) 2 ngày sau khi Lenin qua đời (tức ngày 23/01/1924). Nhưng trong sách 1, Bác kể lại là khi Bác tới Liên Xô để dự Đại hội 5 Quốc tế cộng sản thì “Đại hội Quốc tế Cộng sản hoãn chưa khai, vì Lê–nin còn ốm nặng”. Điều này phù hợp với những phát hiện sau này: Bác tới Liên Xô lần đầu từ 6/1923, ở Saint Petersburg và 2 tháng sau đó tới Moscow.

– Tên vị luật sư cãi cho Bác tại “Hội đồng nhà vua” được nêu chính xác trong sách 1 là “luật sư Nô-oen Pơ-rít( Nowell Pritt) ở Luân Đôn” trong khi sách 2 viết là “luật sư Xít-ta-pho Cơ-ríp (Stafford Crips) (là một đảng viên xã hội sau làm Bộ trưởng ngoại giao Anh)”.

– Khẩu phần ăn của Bác khi bị giam tại Hương Cảng: trong sách 1 là “Mỗi tuần được ăn MỘT bữa tiệc: một phần cơm trắng cùng vài miếng thịt bò.” còn sách 2 là “Mỗi tuần HAI lần, chúng cho ông ăn thịt bò, cơm trắng”.

– Số nhà tù Bác phải trải qua khi bị bắt bởi Quốc dân Đảng Trung Quốc là: “Sau khi bị chúng trói giải đi suốt 18 nhà lao, từ trại giam này đến trại giam khác, chúng đưa Bác về giam ở Liễu Châu” trong sách 1 và “Cụ đã trải qua gần ba mươi nhà tù xã và huyện. Cuối cùng Cụ đến Quế Lâm…Từ Quế Lâm người ta giải Cụ đi Liễu Châu, giam vào nhà giam quân sự.”

Về cách gọi tên người – địa danh:
– Tên vị luật sư Loseby đã bào chữa cho Bác tại Hương Cảng: Lô-dơ-bi (sách 1) và Lô-dơ-bai (sách 2). Cách gọi tên ông luật sư của Bác là đúng với thực tế.

– Tên trùm phát xít Ý Mussolini: Mút-xô-li-ni (sách 1) và Mút–xô–lội–ni (sách 2).

– Tên địa danh (sách 1 / sách 2): Bá Linh / Béclin ; Mốt–cu / Mạc–tư–khoa ; 

– Nhân vật Lý tại nhà tù Hương Cảng: Bác gọi là “anh Lý” trong khi sách 2 gọi “Già Lý”. Có thể thấy Bác gọi tên nhân vật này dựa trên tuổi tác, xưng hô khi ở cùng anh ta còn Trần Dân Tiên gọi theo cách mà được nghe kể lại. Một chi tiết nữa là Bác nói rõ “Anh Lý bị án 7 năm tù (không rõ vì sao)” nhưng Trần Dân Tiên lại kể một câu chuyện rất rõ ràng về nhân vật này: Già Lý làm chúa một dãy núi có gia đình và một đội quân nhỏ chặn khách qua đường và bắt nộp tiền mãi lộ…

– Sách 2 gọi ông Albert Sarraut là Bộ trưởng bộ thuộc địa còn trong sách 1, Bác gọi là “quan thượng thư thuộc địa” (có vẻ châm biếm). Cũng về đoạn đối thoại giữa ông này và Bác, ông “bộ trưởng” nói “nước Pháp sẽ không tha thứ những người nào từ Pa–ri đến Mạc–tư-khoa, từ Mạc–tư–khoa đến Quảng Châu và từ Quảng Châu đến Đông Dương” còn “quan thượng thư” nói “Từ Nga họ liên lạc với Quảng Đông. Vừa từ Quảng Đông họ liên lạc với Việt Nam”.

Như vậy, dù chưa “ngâm cứu” kỹ 2 tác phẩm này, tôi có thể thấy được nhiều sự khác biệt giữa chúng đến nỗi thật khó mà tin được 2 cuốn sách này cùng được viết ra bởi một người. Phải chăng Bác Hồ khi biết về quyển sách nói về quãng đời hoạt động của mình nên đã viết một cuốn khác với chủ đề tương tự để “hiệu đính” lại cho cuốn kia?

Một số nguyên nhân khác để Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh

– Khoảng thời gian từ 1945 đến 1948 là thời kỳ cực kỳ cam go đối với vận mệnh của nhà nước non trẻ Việt Nam dân chủ cộng hòa: chiến đấu cùng một lúc với 3 tên giặc: đói, dốt và ngoại xâm trong bối cảnh “đơn thương độc mã”, thiếu thốn đủ đường về kinh tế, lương thực, trang thiết bị quân sự, kinh nghiệm chiến đấu,.. mà không hề có sự trợ giúp quốc tế nào. Đó không phải là lúc thích hợp và cũng chẳng thể có thời gian để viết về mình đối với bất kỳ người lãnh đạo nào huống hồ một lãnh tụ đã được cả thế giới ngả mình kính phục.

– Viết về mình không phải là thói quen của những người nổi tiếng ở Việt Nam bấy giờ nhưng cho dù nếu Bác muốn điều đó thì cũng có vô vàn ký giả, nhà văn, nhà báo nổi tiếng sẵn sàng “chầu chực” để được là người chấp bút. Rốt cuộc là chẳng có ai làm được điều đó, cho dù sau năm 1954, tên tuổi Bác đã gắn liền vào tên nước Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Rất nhiều nhà báo, nhà văn quốc tế đã gặp Bác nhưng tất cả thu hoạch chỉ là những cuộc phỏng vấn về tình hình đất nước, chính sách của Việt Nam bấy giờ.

– Chẳng có lý do gì với quỹ thời gian hạn hẹp của mình, Bác phải viết đến 2 cuốn sách có nội dung, chủ đề tương tự nhau mà giữa 2 cuốn lại có những thông tin khác nhau.

– Nếu Bác Hồ viết cuốn “Những mẩu chuyện…” thì chẳng có lý do gì bản thảo (hoặc những gì còn sót lại của nó) lại không được những người có trách nhiệm lưu giữ lại (như cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện”) vì bất cứ thứ gì liên quan đến Bác từ bấy giờ đã là vô giá. Chẳng lẽ Bác tự viết, tự in, tự phát hành (dù chung quanh là đội ngũ cán bộ chiến sỹ bảo vệ ngày đêm)!?

– Mặc dù Nguyễn Hải Thần đã bỏ đất nước để theo quân Tưởng nhưng Bác Hồ cũng rất bao dung đối với ông này chứ không “vạch mặt” như trong cuốn “Những mẩu chuyện …”. PGS. Song Thành trong bài Khoan dung, nhân ái Hồ Chí Minh biểu tượng của vǎn hoá hoà bình Việt Nam đã cho biết: “Chúng ta đều biết sự khoan dung của Hồ Chí Minh đối với Nguyễn Hải Thần khi ông ta từ bỏ nhiệm vụ, chạy theo quân Tưởng, sang Quảng Châu sinh sống, ngày càng lâm vào hoàn cảnh khốn đốn. Sau hoà bình l.ập lại bạn hỏi ta định xử trí với ông ta như thế nào? Với tấm lòng khơan dung, độ lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị với Thủ tướng Chu Ân Lai tru cấp cho ông ta mỗi tháng 100 nhân dân tệ cho đến cuối đời. Số tiền đó sẽ lấy từ khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc giúp nhân dân ta khôi phục kinh tế sau chiến tranh”.

– Mặc dù cuốn sách được cho rằng ra đời từ năm 1948 nhưng có vẻ như người ta chưa tìm thấy một bản tiếng Việt nào in thời điểm đó mà bản in đầu tiên lại là bản tiếng Hoa với tựa đề “Hồ Chí Minh truyện”, do Trương Niệm Thức dịch, xuất bản tại Thượng Hải tháng 06/1949. Bản in tiếng Việt (chính thức) đầu tiên dường như là của NXB Văn Nghệ, Hà Nội 1955. Như vậy, nếu Bác Hồ là tác giả của cuốn sách này, với mong muốn “giới thiệu mình với nhân dân” thì thật vô lý khi cuốn sách không được in tại Việt Nam mà lại là một bản tiếng Hoa ở Trung Quốc. Điều đó phù hợp với giả thiết tác giả phải “giấu” Hồ Chủ tịch khi in cuốn sách này vì không muốn làm trái ý Người.

– Nếu Hồ Chủ tịch là tác giả hoặc là người “đứng sau” tác phẩm này thì thật vô lý nếu phải mất đến hơn 2 năm để viết xong cuốn sách mỏng như vậy, trong khi mục đích là để “giới thiệu Hồ Chí Minh với nhân dân” (như giả thiết của nhiều người), nhất là thời điểm cần kíp cho nhu cầu này phải là trước 2/9/1945 (trước khi Bác ra mắt quốc dân đồng bào) đến cuối 1946 (khi Bác ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến – 20/12/1946).

Vậy Trần Dân Tiên là ai?

Đọc qua nhiều bài viết về tác giả Trần Dân Tiên và cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, tôi lấy làm lạ khi thấy ai cũng đóng khung Trần Dân Tiên trong vai trò “một nhà báo” (kể cả bài viết mới đây của “nhà sử học” Dương Trung Quốc). Có lẽ họ cho rằng ông Trần Dân Tiên đến gặp Bác để “liên hệ viết bài” nên chắc hẳn phải là phóng viên. Rồi chuyện ông Trần Dân Tiên được “duyệt gặp” nhanh đến thế nên phải là một “nhà báo nổi tiếng”. Cứ suy diễn kiểu đó thì đọc đến đoạn tác giả đi tìm các nhân chứng để viết bài, nhiều người sẽ cho rằng ông này là một “phóng viên điều tra nổi tiếng”!? Và từ những suy diễn kiểu đó, họ lại tự hỏi “nổi tiếng sao chẳng ai biết đó là ai?”…v.v… Trong khi thực tế thì trong cả cuốn sách, chẳng có chỗ nào tác giả nói mình là “nhà báo” cả!

Thật ra đại từ “tôi” chỉ được tác giả sử dụng trong vai trò người kể chuyện ở phần 1 (phần tìm phỏng vấn các nhân vật trong nước). Ở những câu chuyện sau, tác giả lại trở thành “chúng tôi”. Ở phần 1 chúng ta thấy rằng câu chuyện được dẫn dắt liền lạc, logic với nhau nhưng các phần sau giống như chỉ được ghép vào một cách khô khan, không thể hiện một chút gì về quá trình đi tìm hiểu của tác giả. Rõ ràng ở đây có một sự chuyển biến từ ý tưởng ban đầu của một cá nhân thành một tác phẩm của một tập thể. Một cuốn sách mỏng như thế mà mất đến hơn hai năm để hoàn thành và được cập nhật thông tin đến cuối năm 1947 thì đương nhiên thời gian đi nhặt nhạnh thông tin chiếm chủ yếu.

“Tôi” là ai?

Ngay trong phần mở đầu của cuốn sách, tác giả đã giới thiệu cho người đọc biết “tôi là ai”.

Ngày mồng 2 tháng 9 năm 1945, lần đầu tiên tôi trông thấy Hồ Chủ tịch. Đó là một ngày lịch sử. Ngày hôm ấy, đứng trước rất đông quần chúng hoan hô nhiệt liệt, Hồ Chủ tịch trang nghiêm đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Ngày thứ hai tôi viết thư xin phép được gặp Hồ Chủ tịch. Ngay chiều hôm ấy, tôi rất sung sướng nhận được thư trả lời của Hồ Chủ tịch viết như thế này:
“Ngày mai 7 giờ 30 mời chú đến”
Ký tên: HỒ CHÍ MINH

……..

Sáng ngày mồng 4 tháng 9, 7 giờ 25, tôi đến dinh Chủ tịch.

……..

Trước hết, Người hỏi thăm sức khỏe của thầy mẹ tôi và sau mới nói: “Tôi có thể giúp chú việc gì nào?”. Tôi nói rõ mục đích của tôi. Chủ tịch chú ý nghe. Sau khi tôi nói xong. Người cười và đáp:

“Tiểu sử. Đấy là một ý kiến hay. Nhưng hiện nay còn nhiều việc cần thiết hơn. Rất nhiều đồng bào đang đói khổ. Sau tám mươi năm nô lệ, nước ta bị tàn phá, bây giờ chúng ta phải xây dựng lại. Chúng ta nên làm những công việc hết sức cần kíp đi đã! Còn tiểu sử của tôi… thong thả sẽ nói đến!”

Tôi thấy hầu hết các “nhà nghiên cứu” chỉ chăm chăm tập trung vào những chuyện như: tại sao “nhà báo nổi tiếng không ai biết” này lại dễ dàng được gặp Bác thế? tại sao thư đi nhanh thế? Trong khi đó, tác giả đã ghi rõ ngày, giờ mình được gặp Bác Hồ thì chẳng ai trong số các “nhà nghiên cứu” kia đi tìm hiểu rằng ngày đó, giờ đó có những ai được gặp Bác. Việc gặp gỡ vị lãnh tụ vĩ đại, trong một thời khắc lịch sử chưa từng có như vậy đâu phải là việc khơi khơi như chúng ta: nhắn tin 1 phát, cà phê cà pháo quán nọ quán kia? Sẽ có hàng trăm, hàng ngàn cá nhân, đoàn thể muốn được gặp Người. Và thực tế, Bác đã ra thông báo “về việc tiếp chuyện đại biểu các đoàn thể” như sau:

Từ nǎm nay, tôi sẽ rất vui lòng tiếp chuyện các đại biểu của các đoàn thể, như:

Các báo Việt và Tàu, Hoa kiều,

Vǎn hoá giới, Công chức,

Công giáo, Phật giáo,

Công hội, Nông hội,

Thương giới, Phụ nữ,

Thanh niên, Nhi đồng,

vân vân. Xin chú ý:

1. Gửi thơ nói trước, để tôi sắp thì giờ, rồi trả lời cho bà con, như vậy thì khỏi phải chờ đợi mất công.

2. Mỗi đoàn đại biểu, xin chớ quá 10 vị.

3. Mỗi lần tiếp chuyện, xin chớ quá 1 tiếng đồng hồ.

Hà Nội, ngày 3 tháng 9 nǎm 1945
Hồ Chí Minh kính

Như vậy là phải có tài liệu ghi lại việc Bác “sắp thì giờ” để đón tiếp khách và có danh sách những người vào gặp Bác. Đó là điều bình thường ở tất cả những nơi quan trọng huống chi là Phủ Chủ tịch. Vậy những ai được tiếp chuyện Bác trong ngày 4/9/1945?
Có 2 người được nhắc đến nhiều nhất trong các tài liệu mà tôi tìm thấy là: Hoàng thân Xu-pha-nu-vông (chủ tịch đầu tiên nước CHDCND Lào) và Giáo sư Đặng Thai Mai (bộ trưởng bộ giáo dục thứ 2 của VNDCCH). Cả 2 ông đều lần đầu gặp Bác Hồ trong ngày 4/9/1945.
Chuyện về mối quan hệ giữa Bác Hồ và hoàng thân Xu-pha-nu-vông trong thời gian này được phu nhân Viêng Khăm Kỳ Nam (bà là người Việt) kể lại trong hồi ký như sau:

“Nhà tôi đi rồi, tôi rất đỗi lo lắng, không biết Hoàng thân ra Hà Nội rồi sẽ ăn ở vào đâu.

Trong thâm tâm lúc đó, tôi không muốn chồng tôi ngồi chung xe với ông vua vừa bị phế truất.

Mấy hôm sau, tôi ra đến Hà Nội tìm mấy nơi đoán là chồng tôi sẽ lưu lại, nhưng không thấy. Ông Bảo Đại thì được Cụ Hồ dành cho một biệt thự ở số 51 đường Gambetta (nay là trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Trung ương – 51 Trần Hưng Đạo). Còn ông Hoàng Xu-pha-nu-vông thì ở đâu? May sao những người đón tiếp đã đưa tôi tới Bắc Bộ phủ, nơi đây là dinh thống sứ Bắc Kỳ cũ của Pháp. Lọt thỏm vào tòa dinh thự rộng thênh thang với tâm trạng hoang mang, tôi tự ngắm lại mình xem xống áo đã tươm tất chưa để ra mắt Cụ Chủ tịch và gặp lại chồng. Vào phòng khách không có ai, phòng làm việc vắng vẻ. Người hướng dẫn đưa tôi xuống thẳng nhà bếp thì thấy Cụ Hồ với ông Hoàng thân đang ngồi ăn cơm trong bếp. Về làm dâu Hoàng gia ngót bảy năm, vợ chồng tôi chưa bao giờ được phép dùng cơm ngay trong bếp. Thấy tôi, cả hai người cùng buông đũa, mời tôi ngồi xuống ghế và bảo:

– Cô ăn cơm luôn.

Tôi nhìn liễn cơm gạo lức chưa chà kỹ nên màu cơm hồng hồng, thức ăn thì muối mè, dưa chua, tương. Cụ Hồ hỏi thăm sức khỏe những ngày đi đường của tôi, hỏi thăm gia đình tôi và nhìn tôi với đôi mắt trìu mến. Người nói:

– Cô ăn đi – rồi gọi người giúp việc bảo – Chú vào lấy hộ tôi lọ ruốc bông ra mời bà Hoàng. Vừa cho ruốc bông ra đĩa, vừa gắp bỏ vào bát của tôi và bát ông Hoàng, Cụ nói:

– Món này là của đồng bào Hà Nội vừa gửi vào cho tôi.

Cơm nước xong, ông Hoàng đưa tôi về chỗ nghỉ. Tôi thấy trong căn phòng ngủ rộng mênh mông có cái giường rộng hơn 4m2. Đây là loại giường nệm của Pháp nhưng vẫn phẳng phiu, trắng tinh như chưa hề có ai đặt lưng. Giữa sàn nhà là một chiếc chiếu rộng và một cái gối mây. Cái gối dài chừng hơn một mét, đan bằng những sợi dây căng như dây đàn. Tôi hỏi nhà tôi mấy hôm nay nằm ngủ ở phòng nào. Ông Hoàng chỉ vào chiếc chiếu giữa nền nhà và nói:

– Ngủ ở đây. Anh và Cụ Chủ tịch gối chung cái gối mây này”

Tất nhiên, dù thân thiết với Bác đến vậy, vị “học trò” ngoại quốc của Bác không thể là tác giả của cuốn sách “Những mẩu chuyện…” được.

“Ứng viên thứ 2“, giáo sư Đặng Thai Mai trong “Kỷ niệm về những lần gặp Bác Hồ”, in trong cuốn hồi ký Bác Hồ sống mãi với chúng ta, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, trang 25-26, kể rằng:

Mấy hôm sau tôi được vào gặp Bác. Hôm đó là ngày 4-9-1945. Tôi đến gặp Bác ở phòng khách của Bắc Bộ phủ. Trong phòng có bàn làm việc và một bộ xa-lông. Tôi đi vào, kính cẩn và rón rén. Bác nhanh nhẹn bước ra, tươi cười bảo tôi lại ngồi ở bộ xa-lông. Bác nói:
– Bác bận lắm, chỉ gặp chú được một lát thôi.
Khi uống nước, Bác hỏi thăm chuyện gia đình, chuyện ông nội tôi bị đi tù, đến những năm cuối đời mới được tha; chuyện ông tôi ở Côn Lôn về được bao lâu? Bà nội tôi mất năm nào?…
Sau đó, Bác kể chuyện chú tôi là ông Đặng Thúc Hứa, lúc bấy giờ gọi là ông Hai Cày (ở bên Xiêm). Bác nói với tôi:
Chú yếu lắm, phải lo mà chữa bệnh. Khỏe rồi ra giúp nước.
Tôi chào Bác ra về. Chiều hôm đó có rất nhiều nhà văn đến gặp tôi và hỏi:
– Anh gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảm tưởng đầu tiên của anh như thế nào?
Tôi trả lời:
– Khó mà nói được cảm tưởng của mình, nếu như chỉ dùng một chữ để tóm tắt cảm giác của tôi thì phải dùng một chữ Pháp “Humain”, có nghĩa theo quan niệm của tôi “Một con người rất thấu con người, thương người. Mục đích làm việc là làm thế nào cho con người được sung sướng hơn”.

Như vậy, chúng ta thấy bối cảnh của cuộc gặp gỡ này giống hệt mô tả trong cuốn sách “những mẩu chuyện…”: Bác Hồ gọi Đặng Thai Mai là “chú”; cuộc gặp gỡ diễn ra vào buổi sáng ngày 4/9/1945; Bác Hồ hỏi thăm về gia đình Đặng Thai Mai; cuộc gặp diễn ra trong thời gian ngắn;
Tất nhiên để gặp gỡ Bác Hồ một cách gấp rút trong thời điểm quan trọng như thế thì phải có mối liên hệ mật thiết nào đó giữa tác giả và Bác hoặc những người thân cận của Bác chứ đâu thể khơi khơi là anh ký giả (dù nổi tiếng) xin vào phỏng vấn Bác như “các nhà nghiên cứu” suy luận được. Đặng Thai Mai có tất cả những điều kiện đó:
– Ông là bạn thân thiết của nhiều học giả, nhân sỹ nổi tiếng bấy giờ, trong đó có Võ Nguyên Giáp. Ông đã cùng với các bạn là Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, Võ Nguyên Giáp… lập ra Trường tư thục Thăng Long (1935) và Hội truyền bá chữ Quốc ngữ (1936). Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này còn là con rể của GS Đặng Thai Mai. Ông cũng là bạn thân, đồng hương với Hồ Tùng Mậu, người giới thiệu ông vào Đảng Cộng sản sau này.
– Ông là người con của một gia đình nhiều đời chống Pháp, lại là đồng hương với Hồ Chủ Tịch. Theo lẽ thường, giữa những người có cùng chí hướng mà lại cùng quê, chắc chắn có những mối quan hệ chặt chẽ giữa 2 gia đình. Bản thân chú của GS Đặng Thai Mai là ông Đặng Thúc Hứa cũng cùng hoạt động với Bác Hồ khi Bác ở Thái Lan.
– Dù trước đó chưa gặp trực tiếp Bác Hồ nhưng GS Đặng Thai Mai đã được sắp xếp là một trong những thành viên của chính phủ lâm thời: Ngày 7/9/1945, Bộ trưởng bộ nội vụ Võ Nguyên Giáp ký sắc lệnh số 15, sắc lệnh số 16 quy định việc thành lập Thanh tra học vụ trong đó ông Đặng Thai Mai được cử làm Tổng thanh tra học vụ bậc trung học. Trong sách, câu trả lời của Bác Hồ với đề nghị của tác giả là “Sau tám mươi năm nô lệ, nước ta bị tàn phá, bây giờ chúng ta phải xây dựng lại. Chúng ta nên làm những công việc hết sức cần kíp đi đã!” có thể hiểu tác giả là một phần của “chúng ta”, tham gia quá trình “xây dựng lại” đó.

Ngoài ra, Đặng Thai Mai cũng là người có mặt ở quảng trường Ba Đình trong ngày 2/9/1945 lịch sử. Trong bài “Hà Nội ngày quốc khánh đầu tiên”, thiếu tướng – nhà văn Hồ Phương cho biết:

Bên dưới lễ đài, trong khối trí thức có nhiều tiếng xì xầm đầy xúc động. Ông Bùi Kỷ lúc đó 48 tuổi, một Giáo sư lớn, Nhà nghiên cứu văn học hàng đầu toàn quốc ghé tai ông Đặng Thai Mai, một nhà trí thức, Giáo sư, Nhà lý luận phê bình văn học nổi tiếng, nói: “Thật tuyệt, Cụ đã dụng ý mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của nước mình bằng trích hai câu bất hủ của tuyên ngôn Mỹ và Pháp, cho thấy Cụ Hồ luôn đặt sự nghiệp Cách mạng Việt Nam ta gắn liền với thời đại…”. Ông Đặng Thai Mai đồng ý và nói thêm: “Với trích ấy, Cụ Hồ còn muốn nói rõ: Cuộc cách mạng của chúng ta cũng là bước tiếp những gì là vĩ đại và nhân đạo mà thế giới đã làm, đồng thời Cụ cũng tỏ rõ cách mạng của chúng ta cũng là một cột mốc cho sự phát triển lịch sử giải phóng con người…”.

Chưa hết, vẫn trong bài “Kỷ niệm về những lần gặp Bác Hồ”, GS Đặng Thai Mai kể rằng:

Khoảng tháng 4 hay tháng 5-1946, Đảng ta mua một tòa nhà của một bác sĩ người Pháp, tên là Ma-xi-a. Ngôi biệt thự này lúc bấy giờ gọi là Liên Trang. Gia đình tôi được dọn về đây ở. Thường thường vào các buổi chiều thứ 7, Bác hay về đây nghỉ. Đây cũng là nơi thỉnh thoảng Bác họp cùng với các đồng chí Trung ương Đảng và tiếp khách. Có hôm Bác gọi tôi cùng đi xe từ Bắc Bộ phủ về Liên Trang. Trên đường đi, tôi hỏi Bác về một vài câu chuyện trong thời gian Bác chưa sang Pháp, Bác chỉ cười và nói:
– Chú định điều tra lý lịch của mình phải không?

Rõ ràng, GS Đặng Thai Mai đã đặt vấn đề về “hồi ký” của Bác Hồ trước đó!
Xâu chuỗi các sự kiện trên lại, chúng ta thấy rằng “nghi can số 1” cho nhân vật “tôi” phần đầu cuốn sách chính là giáo sư Đặng Thai Mai.

Khi tìm tài liệu để viết bài này, tôi bắt gặp một bài viết của thành viên Vaputin, diễn đàn Trái tim Việt Nam online, có cùng cách suy luận như tôi. Trong topic “Giai thoại về Trần Dân Tiên” của Vaputin có khá nhiều tài liệu liên quan đến đề tài này cũng như mối quan hệ giữa GS Đặng Thai Mai và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đặc biệt, Vaputin cho biết tại Bảo tàng cách mạng Việt Nam Hà Nội, đang lưu trữ sáu cuốn sổ tay khổ giấy học trò, ngoài bìa ghi Sổ tiếp khách, ghi chép lịch tiếp khách hàng ngày của Hồ Chủ tịch từ ngày 4/9/1945 đến tháng 3/1946, trong đó cuốn số 1 có đề cập đến việc GS Đặng Thai Mai tới gặp Bác rất sớm ngày 4/9. Bạn nào có điều kiện thì nên tới bảo tàng để tham khảo hiện vật này. Nếu được thì rất mong các bạn sẽ chụp lại ảnh và gửi cho tôi xin 1 tấm.

“Chúng tôi” là ai?

Cuối cuốn sách “Những mẩu chuyện…” tác giả đã viết rằng:

Địa bàn hoạt động của Hồ Chủ tịch bao la, trong nước có, ngoài nước có. Thường lại phải hoạt động bí mật, khi ẩn, khi hiện rất khó theo dõi, mà Hồ Chủ tịch thì ít muốn nói về mình. Chúng tôi phải công phu bắt mối người này sang người khác. Chúng tôi phải dựa vào một số các đồng chí thường được gần gũi Hồ Chủ tịch. Các đồng chí này thỉnh thoảng, tình cờ trong những giờ nghỉ ngơi sau công tác hay trong những lúc đi đường được nghe Hồ Chủ tịch kể cho ít mẩu chuyện trong đời hoạt động của Người. Trên cơ sở đó, chúng tôi mạnh dạn viết ra tập sách nhỏ này thuật lại vài chuyện về Hồ Chủ tịch cho đến ngày Toàn quốc kháng chiến. Chuyện của Hồ Chủ tịch trong và sau thời kỳ kháng chiến mong nhiều anh chị em chúng ta sẽ tiếp tục viết thêm.

Điều này là hoàn toàn phù hợp với tiến độ hoàn thành của quyển sách. Trong bối cảnh chiến tranh, phương tiện vận chuyển thô sơ bấy giờ, các nguồn tin của tác giả chỉ có thể tới từ:
– Những người thường túc trực cạnh Bác, cụ thể là đội ngũ thư ký, bảo vệ, công vụ.
– Các đồng chí hoạt động lâu năm cùng với Bác. Nhưng đội ngũ này chủ yếu biết về thời gian Bác ở Trung Quốc và khi về nước (1941) chứ không biết nhiều về thời Bác bên châu Âu.
– Các trí thức Việt Kiều ở Pháp đã theo Bác về Việt Nam kháng chiến (GS Trần Đại Nghĩa, GS Trần Hữu Tước, Kỹ sư nhà giáo Võ Quý Huân, anh em kỹ sư Võ Đình Quỳnh – Võ Đình Bông,…) mang theo những câu chuyện về Bác từ cộng đồng Việt kiều yêu nước tại Pháp.
– Những nhà hoạt động nước ngoài (nguồn này có lẽ ít vì tình hình lịch sử bấy giờ)
– Nguồn từ mật thám Pháp

Trong cuốn Nguyễn Ái Quốc tại Paris (1917-1923) của tác giả Thu Trang, bà Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh, cháu ngoại cụ Phan Châu Trinh, cựu đại sứ Việt Nam tại Italia) cho biết:
Chiều ngày 2 tháng 3 năm 1993, tôi đã được gặp ông Vũ Kỳ là thư ký riêng của Bác từ Cách mạng tháng Tám đến ngày Bác qua đời và đã cùng một số người quanh Bác là đồng tác giả cuốn “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” với bút danh Trần Dân Tiên”
Thông tin này phù hợp với phần cuối của cuốn sách và phân tích ở trên của tôi.

Như vậy, có thể hình dung toàn bộ sự việc thế này: ông Đặng Thai Mai sau khi được nghe nói nhiều về Hồ Chủ Tịch, được chứng kiến Bác đọc tuyên ngôn độc lập nên đã nảy sinh ý định tìm hiểu về quá trình hoạt động cách mạng của Người trước CMT8 (ý định này có thể của cá nhân ông, cũng có thể của các nhân sỹ – trí thức bạn bè ông). Tận dụng mối quan hệ của mình, ông tới diện kiến Bác ngay trong sáng 04/09/1945. Trong câu chuyện, ông có đề cập về vấn đề “hồi ký” đối với Bác nhưng không được đáp ứng. Không từ bỏ ý định, ông và một số bạn bè đã chủ động tìm hiểu từ các nhân chứng (phần 1) nhưng nguồn này nhanh chóng bị cạn kiệt. Vì là một thành viên chính phủ, lại có mối quan hệ mật thiết với nhiều đồng chí, học trò thân cận của Bác nên ông đã thổ lộ ý định của mình đối với các vị này và được hưởng ứng nhiệt tình (đây là lẽ đương nhiên vì tìm hiểu về những điều chung quanh Bác, thần tượng của nhân dân và các dân tộc bị áp bức bấy giờ, là nhu cầu bức thiết của mỗi người dân đất Việt. Ngay trong thời đại bây giờ, việc các fan “lụy” thần tượng thể thao, nghệ thuật còn kinh khủng đến vậy huống chi là một dân tộc đang dưới đáy của vực sâu tăm tối, được Người “kéo” lên). Vì Bác không đồng ý viết về mình nên các đồng tác giả phải cóp nhặt thông tin từ mọi nguồn có thể để tổng hợp thành cuốn sách này. Nhưng khi viết xong, các tác giả lại sợ Bác phật lòng nên không dám đem in trong vùng kiểm soát của chính phủ kháng chiến, dẫn đến việc bản in đầu tiên lại là bản tiếng Hoa, phát hành tại Thượng Hải.

Tại sao bí mật không được “bật mí”?

Tất nhiên lý do chính xác thì chỉ những người trong cuộc mới trả lời cụ thể được. Đứng trên góc độ suy luận thì tôi cho rằng một số nguyên nhân sau đây có thể hợp lý:
– Vì đây là một việc làm trái với mong muốn của Hồ Chủ tịch, Người mà các tác giả rất mực tôn kính, nên các vị này không hề “thoải mái” nếu phải nói ra “lỗi lầm” của mình. Cũng có thể giữa nhóm tác giả có lời thề nguyện với nhau sẽ giữ kín bí mật này.
– Nhiều người cùng góp tay tạo nên tác phẩm này nhưng người chấp bút là GS Đặng Thai Mai. Vì giáo sư không nhận mình làm tác giả nên các vị khác cũng chẳng có lý do gì để làm điều đó.
– Khi Bác Hồ biết đến cuốn sách này, Người đã biết ngay ai là tác giả của nó. Để “đáp lời” và cũng để “hiệu đính” lại một số thông tin trong cuốn này, Bác đã viết “Vừa đi đường vừa kể chuyện”. Các tác giả nhận được “thông điệp” đó, tất nhiên đã thỏa sở nguyện rồi nên cũng chẳng để ý đến cuốn sách của mình nữa.
– Thời điểm từ khi cuốn sách ra đời đến trước thời đại Công nghệ thông tin, đất nước ta có vô vàn khó khăn cần giải quyết, Cuốn sách về cơ bản là phản ánh đúng các sự kiện lịch sử, không vướng phải tranh chấp pháp lý về quyền tác giả, không có những tranh cãi đáng kể chung quanh nội dung cuốn sách,… nên nhu cầu làm rõ tác giả là ai cùng không được đặt nặng. Đến nay hầu hết những người liên quan đến cuốn sách này như GS Đặng Thai Mai, ông Vũ Kỳ đều đã khuất núi. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân Đặng Bích Hà có thể là “người trong cuộc” nhưng cũng chẳng có lý do gì quan trọng để nói về vấn đề này.

☼☼☼

Tôi viết bài này nhân dịp kỷ niệm 123 năm ngày sinh nhật Bác. Thời gian không nhiều, điều kiện về tài liệu không dư dả nên cũng không thể tìm hiểu kỹ hơn được nữa. Nhưng với những gì trình bày ở trên, rất hy vọng rằng bài viết này sẽ chấm dứt chủ đề gây tranh cãi hàng chục năm nay, chí ít là khẳng định được “Trần Dân Tiên không phải là một bút danh của Bác Hồ”. Các bạn đọc nếu có điều kiện tìm hiểu thêm chắc chắn sẽ phát hiện thêm nhiều điều củng cố cho giả thiết của tôi. Rất mong khi đó, các bạn sẽ cập nhật thông tin cho tôi.
Trong quá trình tham khảo tài liệu, tôi cũng phát hiện ra trang Wikipedia có một số thông tin không hợp lý lắm. Một trong số đó là “Thời kỳ ở Liên Xô lần thứ nhất” của Bác. Thông tin trên trang web này dựa theo trang web The NewYork times mà cho rằng Bác tới Liên Xô lần đầu năm 1922 để dự đại hội IV, Quốc tế Cộng sản. Thực tế thì trong sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” Bác kể tới Liên Xô để dự đại hội V. Điều này cũng được chứng thực bởi nhà Việt Nam học Ev-ghê-nhi Kô-bê-lev: Tôi đã viết rất kỹ sự kiện này trong cuốn sách của tôi về Hồ Chí Minh: đó là ngày 30/6/1923 Người đã đến Pêt’rôgrad rồi từ đó, 2 tháng sau thì Người đến Mat-xcơ-va.
Vậy mong bạn nào là thành viên của trang Wikipedia thì kiến nghị sửa đổi lại điều này cũng như việc đặt Trần Dân Tiên trong danh mục những bút danh của Hồ Chủ tịch.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍