Những ngày đầu năm tây cuối năm ta, bên cạnh cái bộn bề công việc riêng – chung cùng không khí chuẩn bị đón chào xuân Quý Tỵ, chúng ta lại thêm phần phấn khởi vì dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đang gõ cửa từng nhà kêu gọi sự đóng góp vào sự hoàn thiện của văn bản pháp lý tối cao này. Xét thấy đây là một sự kiện quan trọng và tốt đẹp của đất nước nhưng cũng là cơ hội cho đám cơ hội múa mép khoe môi nên Đôi mắt cũng đảo một vòng các diễn đàn, web blog xem tình hình thế nào. Y như dự đoán, đám tiểu nhân đắc ý không thể bỏ lỡ cơ hội mấy chục năm mới có một lần này để giương nanh giả, múa vuốt cùn ra khè thiên hạ. Từ đám “rận sĩ chấy thức đầu đàn” nơi hang ổ “Bô shit” với bản dự thảo nhái lại Hiến pháp Mỹ có bổ sung những gia vị “rận” đến “thằng hèn” Tô Hải cùng giọng điệu tận cùng đốn mạt, vô lương quen thuộc. Tất cả chúng như những sợi rác rưởi bên đường đang nhảy nhót, cố bấu víu vào bánh xe dân tộc đang chuyển mình về phía trước.

Thôi thì chúng ta hãy tạm gác đống rác ấy sang một bên để tập trung vào vấn đề hiện tại là dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, xem có thể đóng góp được gì với vai trò một công dân. Nhưng trước hết ta cần phải tìm hiểu rõ xem hiến pháp là gì và vai trò của nó trong đời sống chính trị- xã hội – kinh tế thì mới có thể đưa ra được những đóng góp đúng hướng, thiết thực được.

Xét về lịch sử, hiến pháp đã phôi thai từ cách đây gần 2400 năm tại Hy Lạp cổ đại với những ý tưởng về một thứ luật cao hơn luật lệ thông thường và các hình thức khác nhau của chính phủ lập hiến của các nhà triết học, khoa học mà tiêu biểu là Aristotle. Trải qua hàng nghìn năm chìm trong đêm dài trung cổ, bởi sự cai tri ngu dân của Giáo hội La Mã, chủ nghĩa hợp hiến và hiến pháp trỗi dậy mạnh mẽ từ cuối thế kỷ 18, bắt đầu bằng bản hiến pháp Hoa Kỳ, đến giữa thế kỷ 20 với phong trào nổi dậy giành độc lập của các thuộc địa của thực dân khu vực châu Á, châu Phi. Cho đến nay, bản hiến pháp Hoa Kỳ (17/9/1787) được nhiều người cho là bản hiến pháp thành văn đầu tiên của thế giới nhưng thực tế, danh vị ấy thuộc về hiến pháp của San Marino với hơn … 500 tuổi đời (08/10/1600).

Thời gian gần đây, khi bàn về Hiến pháp, người ta rất ưa chuộng cụm từ “khế ước xã hội” để chỉ ra rằng bản chất hiến pháp là một dạng “hợp đồng” của nhân dân với nhà nước nhằm giao quyền cho nhà nước thực hiện việc quản lý xã hội. Điều đó là đúng nhưng chưa hẳn là đầy đủ.

Vậy hiến pháp là gì ?

Theo từ điển bách khoa toàn thư mở Wikipedia thì: “Hiến pháp là một hệ thống quy đinh những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Nhiều hiến pháp cũng bảo đảm các quyền nhất định của nhân dân”.

Theo các từ điển tiếng Việt thì: Hiến pháp là luật cơ bản của nhà nước, xác định quyền và nghĩa vụ của công dân, tổ chức chính quyền.

Còn theo từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam: “hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước, do cơ quan đại diện và quyền lực nhà nước cao nhất ban hành hoặc sửa đổi theo một trình tự nghiêm ngặt; là văn bản có hiệu lực pháp lí cao nhất, có ý nghĩa chính trị – pháp lí lớn. Hiến pháp quy định những vấn đề cơ bản, quan trọng và quyết định của đời sống xã hội, như hình thức tổ chức nhà nước, cơ cấu và thẩm quyền của bộ máy nhà nước, trình tự hình thành các cơ quan nhà nước, chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước; quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; những nguyên tắc chung nhất thể hiện mục đích, xu hướng vận động của xã hội trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Các quy định của hiến pháp là những quy định xác lập, có giá trị xuất phát điểm; chúng điều chỉnh những quan hệ xã hội quan trọng nhất và đồng thời là cơ sở pháp luật cho tất cả các ngành luật nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật của một nước. Các văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp. Những văn bản trái với Hiến pháp bị xem là vi phạm Hiến pháp, phải bị xoá bỏ”.

Như vậy có thể thấy, hiến pháp mang trong nó hai sứ mệnh quan trọng là (1) thể hiện ý chí chung của xã hội và (2) tính pháp lý điều chỉnh những mối quan hệ cơ bản, chủ đạo trong xã hội.

Ý chí chung của xã hội là gì thì tùy thuộc vào nền tảng văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị… của mỗi quốc gia. Cái nền tảng ấy sẽ quyết định hiến pháp được xây dựng như thế nào. Lấy ví dụ ở nước cộng hòa Hồi giáo Iran, ý chí chung của xã hội là “phấn đấu tạo dựng các định chế văn hoá, xã hội, chính trị và kinh tế Iran theo các nguyên tắc cơ bản và quy ước đạo Hồi; nó phù hợp với tâm nguyện của cộng đồng Hồi giáo“. Tương tự vậy, các nước Hồi giáo khác như Afghanistan, Sudan, Pakistan,.. đều có bản hiến pháp thể hiện ý chí chung dựa trên nền tảng kinh Koran. Ở các nước Bắc Âu, nơi nền dân chủ được đánh giá cao nhất thế giới thì trong cái ý chí chung của xã hội vẫn cho phép sự trị vì của các vị vua – nữ hoàng, biểu tượng của nền quân chủ, hình thái đối lập với dân chủ.

Ở Việt Nam, trải qua gần 70 năm lập – giữ và xây dựng nhà nước hiện đại, ý chí chung của nhân dân được ghi nhận và biểu đạt theo từng giai đoạn lịch sử với 4 bản hiến pháp tương ứng như sau:

  • Hiến pháp 1946: bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ.
  • Hiến pháp 1959: củng cố miền Bắc, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục đấu tranh để hoà bình thống nhất nước nhà, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước.
  • Hiến pháp 1980: phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học – kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, trong đó cách mạng khoa học – kỹ thuật là then chốt; đẩy mạnh công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hoá mới, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa; xoá bỏ chế độ người bóc lột người, xoá bỏ nghèo nàn và lạc hậu; không ngừng đề cao cảnh giác, thường xuyên củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự xã hội; xây dựng thành công Tổ quốc Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
  • Hiến pháp 1992: Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ qúa độ lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam nguyện đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường xây dựng đất nước, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp, giành những thắng lợi to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Những mối quan hệ cơ bản, chủ đạo trong xã hội được hiến pháp điều chỉnh thường bao gồm: chế độ xã hội và chế độ nhà nước, vị trí pháp lý của con người, của công dân, vị trí của quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Ngoài những điểm chung và phổ biến nhất, mỗi một quốc gia sẽ xác định cho mình quan hệ xã hội nào là quan hệ mang tính nền tảng và cơ bản. Như vậy, một loại quan hệ được coi là nền tảng, là cơ bản và trở thành đối tượng điều chỉnh của Hiến pháp ở một quốc gia này, lại không được coi là cơ bản và nền tảng ở một quốc gia khác.

Những mối quan hệ xã hội đó được điều chỉnh bởi tính pháp lý tối cao của Hiến pháp bởi Hiến pháp là nền tảng pháp lý, căn cứ chủ đạo đối với việc ban hành toàn bộ các văn bản pháp lý khác của Nhà nước, là cơ sở định hướng hoạt động của tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội cũng như hành vi và ý thức pháp luật của công dân.

***

Hiến pháp Mỹ là một loại hiến pháp kiểu mẫu, được rất nhiều nhà nghiên cứu hiến pháp ca ngợi vì khả năng trường tồn, tính súc tích, rõ ràng trong việc phân quyền của nó. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa rằng đó là một bản hiến pháp hoàn hảo có thể áp dụng cho mọi quốc gia khác trên thế giới, như mơ tưởng của đám “rận sĩ – chấy thức” kia, và thực tế đang diễn ra như vậy. Bản hiến pháp của Hoa Kỳ trường tồn được là vì tính ổn định trong hệ thống chính trị của đất nước này (2 đảng Dân chủ – Cộng hòa thay nhau “múa” trên sân khấu chính trị như hai mặt bàn tay của 1 đảng phái duy nhất, đảng công ty đại tư bản). Bên cạnh đó, bản hiến pháp này có đối tượng điều chỉnh hẹp, chỉ bao gồm những vấn đề liên quan đến tổ chức quyền lực nhà nước. Cả bản hiến pháp chỉ có 7 điều khoản quy định về quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp và một vài điều về mối quan hệ giữa nhà nước trung ương và nhà nước ở địa phương. Tất nhiên, chúng phù hợp với cơ cấu tổ chức chính trị, với văn hóa và đặc trưng xã hội của nước Mỹ và chỉ là những điều cơ bản mà các bản hiến pháp sau này của các quốc gia khác đều thể hiện (dưới hình thức này hay hình thức khác) nên việc chúng trường tồn cũng là dễ hiểu. Ngoài ra, cần nên nhớ rằng các tiểu bang trong Hợp chúng quốc lại có hiến pháp cho riêng mình.
Vì vậy, hiến pháp Mỹ hay hiến pháp của bất kỳ quốc gia nào khác cũng chỉ là một “kênh” tham khảo không hơn không kém. Chỉ có những kẻ vọng ngoại và ngu dốt mới lấy nó làm kim chỉ nam, đem về xào xào nấu nấu để làm hiến pháp cho nước mình. Xã hội đã không thiếu gì những kẻ “đạo văn”, “đạo nhạc”, “đạo thơ:,.. giờ còn tòi ra thêm một lũ “đạo hiến” nữa!

10 tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ được coi là “tuyên ngôn nhân quyền” của nước Mỹ được thông qua năm 1791 nhưng sự thực phũ phàng là hơn 70 năm sau đó, năm 1865 chế độ nô lệ mới được bãi bỏ trên giấy tờ.

Vậy thì một bản hiến pháp tiến bộ thường bao gồm những nội dung gì ? Chúng ta có thể kể ra một số nội dung chủ đạo như sau:

  • Thứ nhất, Hiến pháp phải là văn bản khẳng định quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Trong dự thảo sửa đổi hiến pháp 1992, nội dung này quy định tại điều 2.
  • Thứ hai, hiến pháp phải quy định về sự tham gia của nhân dân vào các công việc nhà nước, như việc tham gia của nhân dân bầu cử ra các cơ quan nhà nước trung ương…, việc nhân dân tham gia vào kiểm tra, giám sát các hoạt động của các cơ quan nhà nước đã được nhân dân bầu ra.
  • Thứ ba, hiến pháp là bản văn xác định chế độ chính trị. Bởi lẽ, một chế độ chính trị phù hợp là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển của xã hội nói chung và của từng con người nói riêng, điều ngược lại sẽ là cơ sở cho việc kìm hãm sự phát triển xã hội.
  • Thứ tư, quy định về cách thức thành lập, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trung ương và mối quan hệ qua lại giữa chúng. Những cơ quan này thuộc ba ngành chính yếu: lập pháp, hành pháp và tư pháp.
  • Thứ năm, hiến pháp khẳng định chủ quyền quốc gia.
  • Thứ sáu, hiến pháp thể hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.
  • Thứ bảy, quy định về quy trình sửa đổi hiến pháp.

Tất nhiên, tùy vào điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia mà hiến pháp có thể thêm bớt một số nội dung khác nhau. Ngay cả việc xem xét phân loại các hiến pháp trên thế giới, người ta cũng đã tìm ra rất nhiều hình thái hiến pháp khác nhau thì làm sao tránh khỏi sự khác biệt giữa nội dung các hiến pháp này. Dưới đây là một số cách phân loại hiến pháp trên thế giới.

Theo giáo sư K.C. Wheare thì hiến pháp có thể chia thành các loại sau:

  1. Hiến pháp thành văn và Hiến pháp không thành văn: nếu các phần chính yếu của Hiến pháp được thể hiện trong một văn bản được thông qua hoặc ban hành vào một thời điểm cụ thể thì được gọi là Hiến pháp thành văn. Nếu không có một bản văn như vậy thì được gọi là Hiến pháp không thành văn. Hiện nay hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có bản hiến pháp thành văn ngoại trừ Vương quốc liên hiệp Anh và bắc Ireland, Israel và New Zealand.
  2. Hiến pháp cương tính và Hiến pháp nhu tính: Hiến pháp có thể sửa đổi dễ dàng là nhu tính còn khó sửa đổi là cương tính.
  3. Hiến pháp tối cao và Hiến pháp phụ thuộc: Hiến pháp tối cao là Hiến pháp của một quốc gia mà quyền lực lập pháp không bị giới hạn (quyền của liên bang). Ngược lại, Hiến pháp phụ thuộc là Hiến pháp của một quốc gia mà quyền lực đó bị giới hạn bởi một nhà cầm quyền cao hơn (Hiến pháp của các tiểu bang trong liên bang).
  4. Hiến pháp liên bang và Hiến pháp đơn nhất: Hiến pháp liên bang là Hiến pháp của các nước liên bang, còn Hiến pháp đơn nhất là Hiến pháp của các nước tổ chức theo hình thức đơn nhất.
  5. Hiến pháp phân quyền và Hiến pháp tập quyền: Hiến pháp phân quyền là Hiến pháp của các nước có phân chia quyền lực, và Hiến pháp tập quyền thì ngược lại.
  6. Hiến pháp cộng hoà và Hiến pháp quân chủ: Hiến pháp cộng hoà và Hiến pháp quân chủ được phân loại dựa trên tiêu chí phân loại chính thể cộng hoà hay quân chủ.

Theo cách phân loại này thì hiến pháp của Anh là hiến pháp “không thành văn, nhu tính, tối cao, đơn nhất, phân quyền (nhưng không hoàn toàn), quân chủ”; hiến pháp của Việt Nam là “Hiến pháp thành văn, nhu tính, tối cao, đơn nhất, tập quyền và cộng hoà” còn hiến pháp Mỹ là “thành văn, cương tính, tối cao, liên bang, phân quyền và cộng hòa”

Bên cạnh cách phân loại mang tính pháp lý này, người ta còn phân loại hiến pháp theo nội dung chính trị. Chẳng hạn như việc phân các Hiến pháp thành năm loại:

  1. Hiến pháp là một cơ cấu mềm của chính quyền;
  2. Hiến pháp là một bộ luật về nhà nước; 
  3. Hiến pháp là một tuyên ngôn cách mạng;
  4. Hiến pháp thiết lập nên các ý tưởng chính trị chưa trở thành hiện thực;
  5. Hiến pháp bao gồm nguồn gốc cổ xưa của quyền lực như Hiến pháp không thành văn.

Theo cách phân loại này thì Hiến pháp của Việt Nam được xếp vào loại thứ ba.
Ngoài ra, còn nhiều kiểu phân loại khác, chẳng hạn như:

  • Dựa vào nội dung hiến pháp để chia ra Hiến pháp cổ điển và hiến pháp hiện đại. Hiến pháp cổ điển là Hiến pháp được thông qua từ đời xa xưa nhưng vẫn có hiệu lực đến ngày nay bằng những chỉnh sửa, chuyển đổi, bổ sung. Đặc điểm cơ bản của chúng là chỉ tập trung vào việc phân chia quyền lực Nhà nước và chứa rất ít quy định về quyền dân chủ của nhân dân lao động. Ví dụ: Hiến pháp Mỹ, hiến pháp vương quốc Bỉ 1831,.. Hiến pháp hiện đại là những hiến pháp được thông qua sau thế chiến thứ 1 và thứ 2 với nội dung quy định cụ thể về quyền tự do, dân chủ của nhân dân.
  • Dựa vào bản chất chính trị để chia ra Hiến pháp tư bản chủ nghĩa và hiến pháp xã hội chủ nghĩa. Đặc điểm của Hiến pháp tư bản chủ nghĩa là tuyên bố bảo vệ quyền tư hữu về tư liệu sản xuất, quyền sở hữu tư nhân là thiêng liêng bất khả xâm phạm. Hiến pháp tư sản thường tập trung nói về 3 cơ quan quyền lực nhà nước trung ương – quốc hội, chính phủ và toà án theo xu hướng công nhận việc áp dụng học thuyết “Tam quyền phân lập”. Hiến pháp xã hội chủ nghĩa có những đặc điểm khác hiến pháp tư sản: áp dụng nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa, tất cả quyền lực nhà nước tập trung thống nhất vào tay Quốc hội; ghi nhận vai trò lãnh đạo của nhà nước, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản; đối tượng điều chỉnh rộng hơn và còn quy định các mối quan hệ khác liên quan đến việc tổ chức xã hội : chế độ kinh tế, văn hoá, an ninh quốc phòng, … đồng thời quy định nhiều mục tiêu phấn đấu của xã hội làm cho hiến pháp mang tính cương lĩnh …
Hiến pháp Nhật Bản năm 1946
được “thiết kế” bởi tướng Mỹ Mc Arthur
và bộ tham mưu của mình.

Nói tóm lại, Hiến pháp hay bất kỳ loại  hình chính trị, văn hóa – xã hội và thậm chí cả kỹ thuật công nghệ không phải là những thứ hoàn hảo đến mức có thể đem áp dụng nguyên mẫu cho tất cả các quốc gia, con người trên thế giới này. Đến như học thuyết về Chủ nghĩa cộng sản khi được áp dụng tại Liên Xô thì mang một hình thái khác, qua Trung Quốc lại khác, về Việt Nam lại khác chút nữa,.. Trong tự nhiên cũng vậy, người ta gọi là tính đa dạng của tự nhiên. Điều đó bắt nguồn từ tính tương thích (khoa học – kỹ thuật) hoặc thích nghi (tự nhiên – môi trường) của sự vật.

Như vậy, đối với việc sửa đổi hiến pháp hay bất cứ vấn đề quốc gia đại sự nào, mỗi người công dân cần đưa ra những ý kiến, biện pháp mang tính xây dựng vì lợi ích chung của dân tộc chứ không phải theo kiểu phá đám, “Chí Phèo” giống như đám “già đầu tối dạ” mà Đôi mắt đã đề cập trên kia. Thật ra, điều quan trọng nhất là làm sao để có biện pháp giám sát, cách thức vận hành cơ chế theo đúng tinh thần hiến pháp đề ra chứ không phải viết nên một bộ hiến pháp thật đẹp đẽ để đem trưng bày trong tủ kính.

Hot!

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍