“Loại sách lịch sử không chứa đựng chút dối trá nào cực kỳ buồn chán”. Đó là một câu danh ngôn của thi hào Pháp Anatole France. Ở nước ta, sự kiện 30/4/1975 lịch sử đã trải qua được gần nửa thế kỷ nhưng có một vấn đề, vốn tưởng là đơn giản, lại trở thành một đề tài tranh cãi hàng chục năm qua, có thể được xếp vào loại “lịch sử không hề buồn chán”. Đó là chuyện về vai trò của ông trung tá Bùi Văn Tùng và anh đại úy Phạm Xuân Thệ trong sự kiện Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, vốn lại bùng lên trong những ngày kỷ niệm 45 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước gần đây, sau những bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa và một số báo điện tử bênh vực ông Tùng. Điều đáng nói là nó kéo theo hệ lụy nghiêm trọng khi không ít người, bao gồm nhiều cựu chiến binh, dù chưa biết đúng sai thế nào đã vội tin vào đó và có thái độ không tốt đối với AHLLVT trung tướng Phạm Xuân Thệ.

Thiết nghĩ đây là một việc khá nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín các cá nhân nói riêng, QĐNDVN nói chung mà còn dẫn đến cái nhìn lệch lạc, suy diễn về những trang sử hào hùng của dân tộc, tôi đã cố gắng tìm hiểu rất nhiều tài liệu liên quan với mong muốn tìm rõ ngọn ngành câu chuyện này.

    SỰ KHỞI ĐẦU CỦA RẮC RỐI

    Mọi sự rắc rối bắt đầu từ năm 1985, đúng 10 năm sau sự kiện tại Dinh độc lập 30/4/1975, khi một bài báo của nhà báo Đào Văn Sử đăng trên báo QĐND, khẳng định rằng đại úy Phạm Xuân Thệ mới chính là người bắt giữ nội các Dương Văn Minh và đưa ra đài phát thanh để tuyên bố đầu hàng.

    Nội dung bài báo ghi chi tiết những sự việc từ hôm đơn vị của Phạm Xuân Thệ giải phóng căn cứ Nước Trong, Đồng Nai (27-4-1975) đến khi tiến vào Dinh Độc Lập, đặc biệt là từ thời điểm nhóm anh Thệ vào bắt nội các ngụy đến khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Lời kể của anh Thệ như sau:

    “Khi tôi cùng anh em cán bộ trung đoàn 66 bước tới cửa phòng khánh tiết thì toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn lục tục đứng dậy. Một người cao lớn, mặt vuông vức, đeo kính trắng, mặc quân phục màu rêu bước lên. Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh liền giới thiệu với tôi: “Báo cáo cấp chỉ huy, đây là ông Dương Văn Minh, tổng thống…”. Ông chỉ tay vào một người hơi thấp, trán cao, mặc com-lê đen, giới thiệu: “Đây là thủ tướng Vũ Văn Mẫu”. Ông Mẫu khẽ cúi đầu chào đáp lễ. Dương Văn Minh bước tới, nói thận trọng: “Chúng tôi biết Quân giải phóng tiến vào nội đô. Chúng tôi đang chờ Quân giải phóng vào để bàn giao!”. Nghe tới đó, tôi phản ứng rất tự nhiên, giọng kiên quyết: “Các ông đã bị bắt làm tù binh. Các ông phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chứ không có gì để bàn giao!”.

    Không khí trùng hẳn xuống. Trước thái độ kiên quyết của tôi, Dương Văn Minh bị bất ngờ, tỏ vẻ lúng túng, cúi đầu xuống. Tôi nói: “Các ông phải ra ngay Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng!”.
    Nghe bên ngòai vẫn còn tiếng súng nổ, binh lính địch đang cảnh hỗn quân hỗn quan nên Dương Văn Minh lộ rõ sự lo lắng, ngồi xuống ghế thở dài: “Xin cấp chỉ huy cho tuyên bố đầu hàng tại Dinh, ra ngòai phố lúc này không an tòan!”.
    – Sài Gòn đã giải phóng, chúng tôi bảo đảm an tòan cho các ông!

    Nghe tôi nói vậy, Vũ Văn Mẫu trao đổi nhỏ với Dương Văn Minh rồi đứng dậy nói: “Xin tuân lệnh cấp chỉ huy”.

    Thực lòng, lúc đó tôi không hiểu về kỹ thuật thu băng của đài, cứ tưởng phải ra tận đài phát thanh mới tuyên bố được! Chúng tôi yêu cầu Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đi theo ra ngòai. Các quan chức chính quyền Sài Gòn trong phòng nhốn nháo, xôn xao bàn tán…

    Khi bước xuống hết bậc cầu thang, Dương Văn Minh chỉ tay sang bên trái nói với tôi: “Mời các ông lên xe!”. Tôi nói: “Chúng tôi đã có xe!”. Dương Văn Minh đành theo chúng tôi lên xe Jeep. Tôi và Dương Văn Minh ngồi ghế trên. Phía sau là Vũ Văn Mẫu và các anh Phùng Bá Đam, Đinh Thái Quang… Xe chúng tôi chuyển bánh cũng là lúc xe tăng và các loại xe khác chở bộ đội ta từ các hướng đã dồn về khu vực trước cổng Dinh Độc Lập.

    Đến Đài phát thanh, các đồng chí Trương Quang Siều, tiểu đoàn trưởng và Hoàng Trọng Tình, chính trị viên tiểu đoàn 8, vui mừng chạy ra đón chúng tôi. Siều báo cáo tôi: “Tiểu đoàn 8 đã hòan thành nhiệm vụ, chiếm được Đài phát thanh Sài Gòn!”. Ngay sau đó các anh cùng chúng tôi dẫn Dương Văn Minh lên tầng 2 vào phòng thu. Các nhân viên của đài đã bỏ chạy. Đồng chí Tình yêu cầu người bảo vệ đài đi tìm nhân viên đến làm việc. Trong lúc chờ đợi, tôi tranh thủ trao đổi với các đồng chí đi cùng về nội dung bản tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Ngay sau đó một đồng chí bộ đội dáng người cao lớn, đội mũ cứng bước vào hỏi chúng tôi: “Các anh ở đâu, đơn vị nào?”. Tôi trả lời: “Tôi là Đại úy Phạm Xuân Thệ, Phó đòan Đông Sơn!” (Đông Sơn là biệt danh của trung đòan bộ binh 66). Đồng chí đó tự giới thiệu: “Tôi là Bùi Tùng, trung tá, chính ủy lữ đòan xe tăng 203. Tôi tưởng các anh là người của Quân đoàn nên tôi không tham gia. Tôi vào Dinh, biết Dương Văn Minh đã ra Đài phát thanh nên tôi đến đây luôn!”. Tôi nói: “May quá, bây giờ chúng ta cùng làm…” Thế là anh Tùng cùng chúng tôi thảo tiếp nội dung lời tuyên bố đầu hàng để Dương Văn Minh đọc. Vì tôi viết khó xem, ông Minh loay hoay đọc mãi không xuôi. Ông nói: “Cấp chỉ huy đọc lại cho tôi chép”. Đồng chí Đinh Thái Quang (trợ lý câu lạc bộ) đưa giấy bút cho ông Minh chép. Khi tôi đọc đến từ “tổng thống”, ông Minh dừng lại đề nghị: “Chỉ nên nói là đại tướng thôi, chức tổng thống tôi mới nhận từ ông Trần Văn Hương…”. Anh Tùng và chúng tôi không đồng ý. Anh Tùng nói: “Không được. Dù anh làm một ngày, một giờ cũng phải chịu trách nhiệm…”. Dương Văn Minh đành chấp nhận, tiếp tục viết. Viết xong, tôi cầm lên xem lại rồi đưa cho anh Tùng xem. Đến khi đồng chí Quang mở máy ghi âm để thu thì cuộn băng bị rối. Đồng chí Phùng Bá Đam tìm được một chiếc cặp có một số băng ghi âm đưa cho Quang. Nhưng ngay lúc đó một nhà báo người Đức đưa máy ghi âm ra cho chúng tôi mượn; rồi ông tự lắp băng, mở máy thu lời đầu hàng của Dương Văn Minh. Tôi nói:
    – Đề nghị anh Tùng chức vụ cao nhất ở đây thay mặt Quân giải phóng chấp nhận lời tuyên bố đầu hàng.
    Anh Tùng lấy bút ra viết nháp rồi đọc dõng dạc:
    – Tôi, Bùi Tùng, đại diện lực lượng Quân giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố, Thành phố Sài Gòn đã được hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi chấp nhận sự đầu hàng của Dương Văn Minh, tổng thống chính quyền Sài Gòn…
    Công việc ghi âm xong thì cũng là lúc đồng chí Tình đã đưa được các nhân viên Đài phát thanh đến mở máy làm việc, phát đi trên sóng lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Lúc đó là 11 giờ 30 phút.
    Khi chúng tôi yêu cầu Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, nhà báo Đậu Ngọc Đản (phóng viên thông tấn quân sự, sau này là Tổng biên tập Tạp chí Truyền hình Việt Nam) đã chụp hình. Tấm hình hiện nay còn lưu tại Bảo tàng Quân đội.
    Sau đó, chúng tôi lại đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu đi xe Jeep về Dinh Độc Lập.”

    Sau khi bài báo được đăng, đại diện lãnh đạo Quân đoàn 2 đã đến Tòa soạn báo QĐND gặp Tổng biên tập phản ứng, yêu cầu đính chính vì bài viết có nhiều chi tiết sai với cuốn lịch sử Quân đoàn, đồng thời còn kiến nghị cơ quan cấp trên xử lý phóng viên đưa thông tin sai với tư liệu lịch sử! Lý do: theo lịch sử quân đoàn và thông tin chính thống bấy giờ, việc chỉ huy bắt nội các ngụy và đưa ra đài phát thanh tuyên bố đầu hàng là dưới sự chỉ huy của trung tá Bùi Văn Tùng, chính ủy lữ đoàn tăng thiết giáp 203.

    Không lâu sau đó, Ban bí thư Trung ương đã cho điều tra về vụ việc này và đưa ra kết luận rằng bài viết đã đúng. Chính nhờ đó, trung tá Phạm Xuân Thệ được bổ sung vào đoàn đại biểu thanh niên Việt Nam dự Festival Thanh niên thế giới tại Mátxcơva 1985.

    Cũng cần nói thêm, trước khi vai trò của anh Thệ được “khám phá”, đã có một người khẳng định mình mới chính là người đầu tiên tiếp xúc nội các Dương Văn Minh (chứ không phải ông Bùi Văn Tùng như thông tin chính thống thời đó). Người đó chính là Bùi Tín, bấy giờ đã trở thành một phó tổng biên tập báo Nhân Dân. Điều này đã được một số tác giả nước ngoài tin tưởng và dẫn lại trong sách của họ, đáng kể như cuốn Vietnam: A history của Stanley Karnow (xuất bản năm 1983) và cuốn Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman (xuất bản năm 2007).Sau khi lưu vong, Bùi Tín vẫn thường xuyên khẳng định về vai trò này của mình cho đến tận khi chết, dù rằng những người nghiên cứu đã chỉ ra rằng đó chỉ là sự bịa đặt của ông ta.

    Cũng trong 1985 duyên nợ ấy, quyển sách 30 tháng 4, nhiều tác giả, được xuất bản, trong đó có hồi ký của ông Nguyễn Trần Thiết, người cùng Bùi Tín đến Dinh độc lập ngày 30/4/1975, lại kể rằng cái câu nổi tiếng “các ông không còn gì để bàn giao” là của Bùi Tín nói với Dương Văn Minh(!?).
    Từ câu chuyện trên, cũng có thể việc Ban bí thư nhanh chóng cho điều tra kỹ lưỡng về sự kiện này một phần là do có sự can dự của nhân tố mới Bùi Tín, một nhân vật quan trọng trong hệ thống chính trị – tuyên truyền bấy giờ. Và nhìn từ góc độ nào đó, mọi sự rắc rối đều đến từ giới báo chí chứ chẳng phải từ hai nhân vật chính kia.

    Trang 87 sách 30 tháng 4 ( xuất bản năm 1983), bài của Nguyễn Trần Thiết.

    NGƯỜI HÙNG “ĐỘC BÁ” MƯỜI NĂM

    Quay ngược trở lại thời kỳ sau 30/4/1975 đến trước khi bài báo của nhà báo QĐND Đào Văn Sử ra đời, vai trò của ông Bùi Tùng được khẳng định là người chỉ huy bắt giữ Dương Văn Minh, ông Thệ chỉ là tuân lệnh làm theo.

    Điều này cũng dễ hiểu khi đơn vị của ông Tùng (lữ đoàn 203) là đơn vị đầu tiên tiến vào dinh Độc Lập, treo cờ giải phóng trên nóc dinh, ông Tùng lại là người thay mặt QĐNDVN tuyên bố chấp nhận lời đầu hàng của Dương Văn Minh trực tiếp trên sóng phát. Về mặt hình thức thì ông Tùng là cấp chỉ huy khá cao cấp, lại là chính ủy (mang ý nghĩa chính trị), vóc dáng lại cao lớn (nhiều lời chứng sau này hay kể về ngoại hình của ông Tùng để củng cố cho vai trò chỉ huy của ông ấy). Mọi thứ đều cực kỳ hợp lý và thuận lợi cho “báo cáo” nên ông Tùng nhanh chóng được vinh danh trong lịch sử quân đoàn, lịch sử quân đội và lịch sử đất nước.

    Trong mười năm đó thì ông Thệ im lặng, các đồng đội trong nhóm của ông Thệ trực tiếp dẫn giải Dương Văn Minh ngày ấy cũng im lặng. Và theo lời nhà báo Đào Văn Sử thì ông Thệ chỉ kể với mình về những gì thực sự xảy ra trong buổi trưa lịch sử ấy như một lời tâm sự riêng tư (tôi đoán rằng có thể nhờ một chút hơi men) và năn nỉ không đưa lên báo vì “dễ bị mọi người coi là tranh công và có thể bị kỷ luật vì can tội nói trái với sự kiện lịch sử mà Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đòan đã kết luận bằng văn bản”. Lưu ý, thời điểm này (1985), ông Thệ chỉ là trung tá (ngang hàm với ông Tùng của 10 năm trước đó) và ông Sử còn là một phóng viên trẻ (30 tuổi) nhưng họ đã vượt qua nỗi sợ kỷ luật để làm rõ sự thật. Bởi đây không đơn giản chỉ là vấn đề “ai làm, ai không làm” mà là ảnh hưởng đến uy tín của cả một quân đoàn, của các lãnh đạo quan đoàn. Ông trung tá Phạm Xuân Thệ không chỉ phải chống lại ông Tùng mà còn là chống lại cả ban lãnh đạo quân đoàn khi đưa ra “kịch bản” khác với quyết định trước đó.

    Như vậy, chính ông Thệ là người chịu áp lực và rủi ro thời điểm đưa vụ việc ra ánh sáng chứ không phải để đến khi ông lên tướng rồi mới ung dung “lật kèo” như các ông kiểu Trần Đăng Khoa suy diễn. Cũng chính nhờ sự lên tiếng ấy của ông Thệ, của ông Sử, hàng loạt thông tin khác từ các nhân chứng mới được khai thác, chấm dứt tình trạng “anh hùng độc bá” của ông Tùng, để cuối cùng hình thành nên tình trạng “lưỡng long tranh châu” kéo dài hàng chục năm nay.

    ÔNG TÙNG CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI BẮT GIỮ NỘI CÁC DƯƠNG VĂN MINH?

    Năm 2005, tổ công tác của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (Viện LSQS VN) đã tập hợp được 24 bài báo viết về trung tá Bùi Văn Tùng ở Dinh Độc lập và Đài Phát thanh Sài Gòn. Trong đó hầu hết các tác giả ghi lời kể trực tiếp của Trung tá Tùng rằng khi ông cùng bộ đội tiến vào Dinh Độc Lập, nhìn biết ông là chỉ huy, Dương Văn Minh đã nói với ông: “Thưa ông, chúng tôi đang chờ các ông đến để bàn giao”. Trung tá Tùng đã nói: “Các ông chẳng còn gì để bàn giao, chỉ có đầu hàng không điều kiện. Ông phải ra ngay Đài Phát thanh để tuyên bố đầu hàng”. Ông Tùng cũng nêu việc ông và các cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 203 tổ chức đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu sang Đài phát thanh để đọc lời đầu hàng.

    Tuy nhiên, nếu đọc các bài báo hoặc xem các bộ phim tài liệu những năm gần đây về vụ việc này thì có thể thấy, ông Tùng hầu như không đề cập gì đến việc bắt giữ nội các Dương Văn Minh, dẫn giải ra đài phát thanh (như được kể trong giai đoạn “anh hùng độc bá” và một số sách báo trước đây) mà chỉ tập trung vào việc “đòi bản quyền” bản tuyên bố đầu hàng viết cho Dương Văn Minh.

    Như vậy, chỉ riêng điểm này thôi đã cho thấy không phải tất cả những gì ông Tùng nói ra đều là đúng, nếu không muốn nói là “sự thật cũ” đã bị co rút đi ít nhất là phân nửa!

    Vậy ông Tùng có mặt tại Dinh độc lập thời điểm trước khi Dương Văn Minh được đưa ra đài phát thanh không?

    Theo nhiều lời kể thì là có. Nhưng có thể ông Tùng đến sau đội ông Thệ và không tham gia vào việc bắt giữ và dẫn giải Dương Văn Minh, thậm chí không tiếp xúc với đội của ông Thệ và Dương Văn Minh. Điều này phù hợp với lời kể của ông Thệ rằng chỉ gặp ông Tùng tại đài phát thanh và ông Tùng bảo tưởng đội anh Thệ là của quân đoàn nên không tham gia và nó cũng giải thích vì sao không hề có một hình ảnh nào của ông Tùng tại dinh độc lập bấy giờ, kể cả trong đoạn phim dẫn giải Dương Văn Minh của Neil Davis, dù lúc đó tất cả các máy ảnh máy quay đều hướng về tâm điểm này.

    Vậy giả sử ông Tùng đến gặp ông Thệ sau khi ông Thệ bắt được nội các Dương Văn Minh thì ông Thệ có phải “không thể trèo lên đầu Bùi Tùng được, vì anh Tùng là cấp trên, là chỉ huy cao nhất, Trung tá, Chính uỷ lữ đoàn, còn anh Thệ mới chỉ là Đại uý, Trung đoàn phó, vị trí và cấp bậc cách xa anh Tùng lắm, nên anh Thệ không dám chơi chội” như lời ông nguyên thượng tá nhà thơ Trần Đăng Khoa nói không?

    Câu trả lời là Không!

    Ông Thệ tuy cấp bậc quân hàm nhỏ hơn ông Tùng nhưng ông Thệ là chỉ huy của một đơn vị khác (trung đoàn 66 thuộc sư đoàn 304), có nhiệm vụ riêng chứ không phải thuộc quyền chỉ huy của ông Tùng. Đơn vị của ông Thệ có nhiệm vụ phối hợp cùng lữ đoàn xe tăng của ông Tùng đánh chiếm Dinh Độc Lập và nên lưu ý, thông thường các đơn vị bộ binh (như của ông Thệ) mới là lực lượng chiếm lĩnh, làm chủ trận địa, địa bàn (xe tăng xung kích). Do đó, người có quyền ra lệnh cho ông Thệ trong trường hợp này phải là cấp chỉ huy trực tiếp (trung đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn) hoặc cấp trên ngành dọc (lãnh đạo sư đoàn 304, lãnh đạo quân đoàn 2…). Đấy là chưa kể đến lợi ích tập thể: chiến công của nhóm ông Thệ là của chung trung đoàn 66, sư đoàn 304, đâu thể dễ dàng chuyển giao cho một đơn vị khác (lữ đoàn 203) bởi dẫu cùng thuộc quân đoàn 2 nhưng họ là những đơn vị khác nhau, có truyền thống, có nhiệm vụ, vinh quang khác nhau (tất nhiên, đối với lãnh đạo quân đoàn 2 thì chiến công thuộc về đơn vị nào thuộc quân đoàn thì cũng là chiến công của quân đoàn cả). Do đó, cho dù ông Tùng có xuất hiện tại dinh, gặp nhóm ông Thệ thì cũng không thể ra lệnh cho ông Thệ kiểu “hãy để tù binh lại cho tôi” được. Và ngược lại, nếu ông Tùng bắt được nội các Dương Văn Minh trước ông Thệ thì lại càng chẳng thể xảy ra chuyện đưa đội hàng binh ấy cho đội ông Thệ áp giải đi đài phát thanh, còn mình lẽo đẽo theo sau.

    Một điều cần lưu ý nữa là trung đoàn 66 cũng chính là đơn vị có nhiệm vụ đánh chiếm đài phát thanh Sài Gòn (do tiểu đoàn 8 đảm nhiệm) nên ông Thệ biết được đài đã được chiếm giữ. Do đó, ông Thệ mới tự tin đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ra đài để tuyên bố đầu hàng.

    BẢN THẢO TUYÊN BỐ LỊCH SỬ HIỆN Ở ĐÂU?

    Trong buổi trưa lịch sử tại Đài phát thanh Sài Gòn ấy, có ba tuyên bố được đưa ra, bao gồm:

    1. Tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Dương Văn Minh, tổng thống ngụy
    2. Lời kêu gọi người dân, công viên chức trở lại sinh hoạt bình thường của Vũ Văn Mẫu, thủ tướng ngụy.
    3. Tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Đại diện Quân Giải phóng miền nam Việt Nam.

    Trong ba văn bản trên thì đã xác định rằng văn bản số 2 do ông Mẫu tự viết tự đọc, văn bản số 3 do ông Tùng tự viết tự đọc. Mâu thuẫn chỉ nằm ở văn bản số 1: ai đã viết lời đầu hàng cho ông Minh?
    Theo lời kể của ông Thệ thì đây là “tác phẩm” chung của ông Thệ, các đồng đội đi cùng và ông Tùng (đến sau). Các bản kết luận điều tra sau này (từ 1985) đều khẳng định nội dung tương tự. Tuy nhiên ông Tùng thì khẳng định ông ấy là “tác giả” duy nhất.

    Vậy thì, bản thảo đó nằm ở đâu?

    Theo ông Thệ thì “Bản thảo đó tôi đút vào túi áo. Khi xong việc ở đài phát thanh, quay về đơn vị để tắm rửa, giặt giũ, thay quân phục, tôi quên lấy bản thảo này ra nên đã mất luôn”.

    Còn ông Tùng thì bảo: “Do không ý thức được giá trị của nó, nên tôi đã vò bản thảo và đút vào túi quần. Sau đó, tôi đã trao lại cho cán bộ chính trị quân đoàn theo yêu cầu của họ”.

    Thế nhưng, thực tế thì không có một văn bản gốc nào cả! Hiện tại có ít nhất hai bản thảo chép lời tuyên bố đầu hàng của ông Minh trưng bày tại Bảo tàng quân đoàn 2 và Bảo tàng quân đội. Cả hai bản này đều là chữ ông Tùng nhưng đều là bản sao chép lại. Theo ông Bùi Văn Quyệt, nguyên phó phòng tổ chức quan đoàn 2, thì các bản này là của ông Tùng chép lại theo yêu cầu của lãnh đạo quân đoàn, do không có bản gốc.

    Ba bản thảo lưu truyền trên mạng.

    Những năm gần đây, ông Tùng cũng thường đưa ra một bản photo (ép plastic), không rõ là ông photo từ bản nào ra nhưng hỏi bản gốc thì không có. Lưu ý rằng, nếu thực sự có một bản gốc thì đó có thể sẽ là một bảo vật quốc gia (như đối với xe tăng 390 và 438). Và nếu ông Tùng đưa ra được bản gốc đó thì mọi sự tranh cãi sẽ chấm dứt và ông thậm chí lại được vinh dự hơn rất nhiều khi bản viết tay của mình lại trở thành bảo vật muôn đời.

    Ngay cả bản thảo lời chấp nhận đầu hàng của Dương Văn Minh, do chính ông Tùng viết và đọc, thì ông Hà Huy Đỉnh, trong lần đối chất với ông Tùng tại cuộc hội thảo do Viện lịch sử quân sự tổ chức (2005) cũng khẳng định: “Sau khi cầm tờ giấy đọc vào máy ghi âm, ông Tùng đã vo tròn và vứt nó vào góc tường. Với ý thức lịch sử, tôi vội nhặt nó lên và cho vào túi áo. Nhưng ông Tùng đã phát hiện ra và lấy lại tờ giấy và xé nát trước mặt chúng tôi”. Thật là khó hiểu!

    Tóm lại, theo lời của ông Thệ, trước sau như một, thì tờ giấy đã bị mất còn theo lời ông Tùng thì lại có nhiều ngoắt nghoéo nhưng điều quan trọng nhất là bản gốc đâu thì ông lại không đưa ra được.

    AI ĐÃ VIẾT LỜI TUYÊN BỐ ĐẦU HÀNG CHO DƯƠNG VĂN MINH?

    Như lời ông Thệ kể ở trên (từ năm 1985) thì ông Thệ và các đồng chí đi cùng đang soạn lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh thì ông Tùng tới nên mời ông Tùng cùng soạn thảo. Tức là ông Thệ không nhận đó là “tác phẩm” của riêng ông mà là của chung các cán bộ E66 cùng ông Tùng (lữ 203). Điều đặc biệt duy nhất là bản thảo do ông Thệ viết, và do chữ khó đọc, ông Minh không đọc được nên ông Thệ đọc lại cho ông Minh tự viết.

    Lời kể của ông Thệ thì được hầu hết nhân chứng thuộc trung đoàn 66 (là lực lượng chủ yếu có mặt tại đài phát thanh lúc đó) xác nhận khi được tổ công tác của Viện lịch sử quân sự phỏng vấn. Đặc biệt, thiếu tướng Hoàng Trọng Tình (nguyên chính trị viên tiểu đoàn 8, lực lượng chiếm giữ đài phát thanh bấy giờ) trong các bài trả lời phỏng vấn sau này cũng kể một câu chuyện giống như ông Thệ đã kể, thậm chí là chi tiết hơn:

    “Trong lúc chờ tổ trinh sát đi tìm nhân viên đài phát thanh thì anh Phạm Xuân Thệ cùng các trợ lý Phùng Bá Đam, Đinh Thái Quang, Nguyễn Văn Nhu thống nhất nội dung thảo lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện cho Dương Văn Minh. Anh Thệ là người chắp bút. Lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh được viết gần xong thì chúng tôi thấy một người cao lớn bước vào tự giới thiệu là Bùi Văn Tùng, chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203. Sau những lời chào hỏi, đồng chí Bùi Văn Tùng nói: “Vào dinh Độc Lập, tưởng các anh là người của quân đoàn thực hiện nhiệm vụ nên tôi không tham gia. Khi biết các anh là cán bộ Trung đoàn 66 đưa Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu sang đài phát thanh, tôi theo luôn”. Đồng chí Thệ phấn khởi mời đồng chí Tùng cùng điều hành nhiệm vụ.”.

    Đặc biệt, nếu quan sát kỹ bức ảnh chụp khi Dương Văn Minh chuẩn bị thu âm lời tuyên bố đầu hàng, bức ảnh duy nhất trong đài phát thanh thời khắc lịch sử ấy, ta có thể thấy nó gói ghém đúng câu chuyện được kể ở trên: Ông Thệ (ngoài cùng bên phải) tay cầm một tờ giấy nhỏ (phù hợp với việc soạn lời tuyên bố), ông Minh cũng cầm trên tay một tờ giấy (phù hợp với việc ông chép lại lời tuyên bố đầu hàng). Và trong bức ảnh cực kỳ quan trọng này cũng không có hình bóng ông Tùng đâu cả.

    Duong Văn Minh chuẩn bị thâu âm. Chú ý tay anh Thệ và ông Minh đều cầm mảnh giấy ghi chép. Danh tính nhân vật (từ trái qua phải: Ông Cả (quân báo E66), sinh viên phía sau ông Cả không rõ mặt; người quay lưng là ông Hà Thúc Huy – trưởng toán sinh viên, Borries Gallasch, Dương Văn Minh, ông Đam và ông Ước (bộ đội E66), ông Hà Huy Đỉnh, ông Nguyễn Hữu Thái, ông Phạm Xuân Thệ.

    Về phía ông Tùng thì không có nhân chứng nào là người của lữ đoàn 203 có mặt ở đài phát thanh nhưng ông lại được một số nhân chứng thuộc “lực lượng thứ ba” như ông Nguyễn Hữu Thái, Huỳnh Ngọc Chênh,.. ủng hộ. Những ông này thì không có chứng cứ gì đặc biệt mà cũng chỉ nói kiểu “tôi nhớ là…”. Cho đến hơn chục năm trước, thì một nhân chứng đặc biệt xuất hiện, đúng hơn là “di sản” của nhân chứng: cuốn sách Ho-Tschi-Minh-Stadt : die Stunde Null (Thành phố Hồ Chí Minh: giờ số không) của nhà báo Đức Börries Gallasch, phóng viên nước ngoài duy nhất có mặt tại Đài phát thanh bấy giờ). Theo bản dịch tiếng Việt của báo Tuổi trẻ thì Gallasch kể “Trong khi đó, Tùng đang dự thảo bài phát biểu đầu hàng của Minh trên một tờ giấy màu xanh”. Đây chính là cơ sở vững mạnh để một loạt bài báo, phóng sự sau này được làm để bênh vực ông Tùng, khẳng định sự thật lịch sử, theo tinh thần như Trần Đăng Khoa đã thốt lên: “đây mới là tư liệu đáng tin cậy nhất về sự kiện lịch sử này”.

    Thế nhưng liệu lời nói của một “ông Tây” có đúng là hoàn toàn khách quan, hoàn toàn chính xác?

    Thứ nhất, ông phóng viên Tây Đức này không hề biết tiếng Việt nên căn cứ vào đâu mà ông ta khẳng định tờ giấy đó là “bài phát biểu đầu hàng của Minh”?

    Thứ hai, cần phải biết khoảng thời gian diễn ra tại đài phát thanh là khá dài và lộn xộn, người gọi tìm kỹ thuật viên, người bàn thảo, người viết lách (ít nhất là có ông Mẫu cũng viết, ông Thệ cũng viết,..) thì làm sao ông Gallasch phân biệt được ông nào viết cái gì? Chả phải ông Tùng cũng tự viết bản tuyên bố chấp nhận đầu hàng đó sao?

    Và ông Gallasch đã “tập làm văn” như sau: “Một khoảnh khắc trôi qua, chúng tôi ngồi và không biết làm gì. Mẫu phe phẩy một quyển sách mỏng làm quạt, Minh và Tùng ngồi trên hai ghế đệm, tôi ngồi giữa hai người, trên một chiếc bàn nhỏ. Trong khi đó, Tùng đang dự thảo bài phát biểu đầu hàng của Minh trên một tờ giấy màu xanh. Vũ Văn Mẫu tỏ ra hài lòng, nét mặt ông ta hân hoan như đây chính là chiến công của cá nhân ông vậy”.

    Ở đây, có thể thấy, Gallasch đã “gộp” tất cả những khoảng khắc, diễn biến của việc viết lách của tất cả mọi người vào một thời điểm: ông Tùng đang viết bản tuyên bố chấp nhận đầu hàng (văn bản số 3). Lý do là tất cả mọi người, kể cả ông Mẫu là người viết lời kêu gọi sau tuyên bố của Dương Văn Minh, đều tỏ ra rảnh rỗi và thư giãn, điều chỉ có thể có được khi mục tiêu quan trọng nhất (lời tuyên bố đầu hàng của tổng thống ngụy) đã hoàn thành. Và cái tờ giấy màu xanh ấy đã bị ông Tùng “xé nát” như lời kể của ông Hà Huy Đỉnh.

    CHẤT LƯỢNG NHÂN CHỨNG

    Trong khi tất cả các nhân chứng của ông Thệ, là những cán bộ chiến sĩ E66 tham gia vào sự kiện lịch sử ấy, đều nhớ như in thời khắc lịch sử ấy và kiên định trong lời kể của mình (dù độc lập trên các báo hay trong các cuộc điều tra) thì các nhân chứng của ông Tùng tỏ ra không vững vàng lắm.

    1. Börries Gallasch: Ông này là nhân chứng “vững vàng” nhất, đơn giản vì những gì ông ấy viết ra là gần với thời điểm tranh cãi nhất và quan trọng là ông ấy chỉ có cơ hội “nói một lần”. Tuy nhiên, do trở ngại về ngôn ngữ nên những gì ông ấy nghe được thì phải thông qua lời người khác dịch lại. Chưa kể là về yếu tố “sáng tác” (cho người đọc phương Tây), Gallasch hoàn toàn có thể đã suy diễn, cá nhân hóa vấn đề theo góc nhìn của mình mà phân tích trên đây của tôi về việc viết lách là một ví dụ.
    Có thể kể thêm một số mâu thuẫn giữa lời kể trong sách của Gallasch với các nhân chứng khác như sau:

    – Kể về việc rời dinh Độc Lập ra Đài phát thanh, Gallasch viết: “chính ủy Tùng và một chiến sĩ nữa trèo lên chiếc xe Jeep thứ hai. Tôi đứng ngay cạnh đó, vừa bám chặt lấy ông ta, vừa năn nỉ bằng tiếng Pháp xin được đi theo và ông ta gật đầu. Đỉnh và tôi nhảy lên phía sau của xe Jeep; xe lăn bánh, chỉ có hai xe Jeep của chúng tôi chạy giữa một thành phố đang sôi sùng sục, nhưng dường như mọi lo sợ cũng bỗng nhiên biến mất”.

    Còn lúc rời Đài phát thanh về Dinh thì Gallasch viết: “Thì ra, để thưởng công, tôi được phép lái chiếc xe Jeep đưa chính ủy Tùng trở lại dinh tổng thống. Chúng tôi đi ra đường, tôi ngồi vào tay lái, chính ủy Tùng ngồi bên cạnh. Nhưng tôi không gặp may, tôi không nổ được máy, không biết nổ máy một xe Jeep như thế nào? Người lái xe của chính ủy vốn đã không thích thú gì để tôi làm thay chức năng của anh ta, dứt khoát từ chối chỉ dẫn cho tôi cách nổ máy. Trong khi đó, chính ủy Tùng cũng hết kiên nhẫn chờ thêm. Chúng tôi trèo lên một xe khác”.

    Thực tế thì sao? Ông Tùng không hề có xe Jeep nào cả, có thể ông đã đến dinh trên một chiếc xe tăng. Ngày hôm đó ông Tùng đi nhờ xe của ông Hà Huy Đỉnh. Chính trong cuộc hội thảo của Viện lịch sử quân sự năm 2005, ông Đỉnh cũng đã “đối chất” với ông Tùng về vấn đề này. Và suốt 45 năm qua, người ta cũng chả thể tìm được những chiến sĩ lữ 203 nào đi cùng với ông Tùng đến Đài phát thanh. Còn theo lời ông Gallasch thì chả lẽ ông chính ủy to như thế, chả lẽ lại không “điều khiển” được anh lính lái xe? Vậy thì làm sao yêu cầu ông trung đoàn phó đơn vị khác giao tù binh quan trọng bậc nhất cho mình như lời ông Trần Đăng Khoa đây?

    Ở chiều ngược lại, những người có mặt trên xe ông Thệ đều được làm rõ, thậm chí đến cả vị trí ngồi: ở hàng ghế đầu có ông Thệ ngồi bìa phải, ông Dương Văn Minh ngồi giữa, ông Đào Ngọc Vân lái xe. Hàng ghế sau có ông Phùng Bá Đam (trợ lý cán bộ trung đoàn), ông Vũ Văn Mẫu, ông Nguyễn Khắc Nhu (trợ lý tác chiến E66); hai bên thành xe là ông Bàng Nguyên Thất (chiến sĩ thông tin) và ông Nguyễn Huy Hoàng (chiến sĩ thông tin).

    – Kể về sự kiện xe tăng húc cổng dinh, Gallasch “văn” thế này: “Ba chiếc xe tăng với những lá cờ to quá khổ của Mặt trận Giải phóng đang lăn bánh tới cổng sắt hướng về khu vườn của dinh, súng bắn loạn xạ, trút đạn lên không trung. Những phát súng thể hiện niềm hân hoan, dàn giao hưởng của chiến thắng, phút giây của vinh quang! Chiếc xe tăng đầu tiên đã húc đổ cánh cổng, lăn bánh thẳng trên bãi cỏ nhằm chính hướng dinh lao tới, hai chiếc xe tăng còn lại vòng sang bên trái và bên phải, rồi cả ba xe tăng cùng dừng lại trước mặt tiền của dinh. Khoảng 20-30 xe tăng khác tiến vào theo. Tôi chạy ra ban công, chụp ảnh lia lịa. Thật là một khung cảnh ngoạn mục. Và rồi chỉ huy của chiếc xe tăng dẫn đầu, tay trái cầm súng, tay phải cầm cờ xông lên cầu thang, suýt xô ngã cả tôi”.

    Thực tế thì sao? Chỉ có 2 xe tăng 843 và 390 “dẫn đầu”, đúng hơn là 843 dẫn đầu nhưng bị mắc kẹt ở cổng, 390 vượt lên húc đổ cổng chính. Trong khi đó theo Gallasch thì cả 3 xe tăng đều suôn sẻ lao đến đậu ngay trước mặt dinh. Người cầm cờ lên cắm dinh Độc Lập là đại úy Thận, đại đội trưởng, là ở xe tăng 438, mắc kẹt tại cổng phụ nên ông ấy phải xuống xe, chạy băng qua khuôn viên rộng giữa cổng và dinh, chứ không phải như mô tả của Gallasch là ở xe tăng đầu tiên húc cổng (tức là 390), đậu ngay trước mặt dinh. Đại đội 4 của ông Thận tấn công vào dinh có khoảng chục chiếc xe tăng thôi nhưng Gallasch lại “văn” lên thành 20-30 chiếc.

    Đấy, chuyện ngay trước mắt hàng trăm người, hàng chục phóng viên báo ảnh các loại mà Gallasch kể có chính xác đâu? Ấy vậy mà những ông như Trần Đăng Khoa đã vội vơ vào mà hít hà: “Không tin ông này thì tin ai?”.

    Cũng về tác phẩm của Gallasch, khi được chuyển thể sang tiếng Việt lại chứa đựng những mâu thuẫn mới, không rõ hữu ý hay vô tình.

    Ví dụ như trong phần nói về sự xuất hiện của ông Tùng tại dinh Độc Lập, báo Tuổi Trẻ viết: Sự hoang mang chấm dứt khi người chỉ huy của quân giải phóng, chính ủy Bùi Văn Tùng xuất hiện”. Còn theo bản dịch của ông Trần Ngọc Quyên, Nguyên Tham tán Công sứ, Phó Đại sứ ĐSQ Việt Nam tại CHLB Đức, về sự kiện này như sau: Sự lộn xộn thực sự diễn ra khi tư lệnh Bộ chỉ huy tiếp nhận đầu hàng của chính phủ Cách mạng Lâm thời, chính ủy Bùi Văn Tùng tham gia vào kịch bản”. Cùng một sự việc, hai cách dịch trái ngược nhau!

    2. Nguyễn Hữu Thái:
    Ông Thái nguyên là Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn (1963-64), sau đi lính ngụy, lên đến chức đại úy nhưng bị chính quyền Thiệu nghi ngờ bắt giam. Tuy nhiên ông Thái quen biết ông Dương Văn Minh và thường được ông Minh giúp đỡ, kể cả việc yểm trợ ông Thái ra tranh cử quốc hội năm 1971.
    Ông Thái là đồng hương Đà Nẵng với ông Bùi Tùng, cùng với ông Kỳ Nhân (phóng viên AP lúc đấy), được báo chí gọi là bộ ba Đà Nẵng ở Dinh Độc Lập. Ông Thái khá thân với ông Tùng và thường xuyên trên “tuyến đầu” giúp bạn trong vụ “đòi công lý” này.
    Thế nên, trong các lời kể của ông Thái có thể thấy mất đi hoàn toàn sự khách quan, thường cố ý bỏ qua vai trò của ông Thệ và đề cao vai trò bản thân.

    Hãy xem một số lời kể của ông Thái dưới đây:

    – “Ông Thái cho biết sáng 30/4/1975, ông cùng với một số trí thức chuẩn bị lực lượng để chiếm Đài phát thanh Sài Gòn. Khi quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập, ông và những người có mặt tại đây đã giúp trung úy Bùi Quang Thận cắm cờ giải phóng lên nóc dinh” – Trích 45 năm trước, có một chương trình phát thanh lịch sử.

    – “Lúc này, quân giải phóng và anh em sinh viên đã chiếm giữ Đài phát thanh Sài Gòn nhưng không ai vận hành được máy móc. Sau mấy phút tìm kiếm, Nguyễn Hữu Thái tìm được Trần Văn Bảng, là kĩ thuật viên phát thanh và lập tức yêu cầu anh này cho đài hoạt động ngay.”. – Trích 45 năm trước, có một chương trình phát thanh lịch sử.

    – “Ông Thái mượn nhà báo Đức Borries Gallasch chiếc máy cassette để thu lời đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh và lời chấp nhận sự đầu hàng ấy của chính quyền cách mạng do Phó Chính ủy Bùi Văn Tùng viết”. – Trích 45 năm trước, có một chương trình phát thanh lịch sử.

    Nói chung là chỗ nào cũng có vai trò của ông Thái!

    Nhưng xem xét kỹ lưỡng thì thấy thế này:

    – Về việc chiếm đài phát thanh Sài Gòn, theo lời kể của thiếu tướng Hoàng Trọng Tình (chính ủy tiểu đoàn 8, E66 lúc đấy) thì do đại đội 5 thực hiện. Cùng với đó là đại đội 7 đánh chiếm Cục an ninh quân đội phía đối diện. Tại đây, một số tốp địch không chịu đầu hàng, ngoan cố chống cự nên một chiến sĩ đại đội 7 đã hi sinh. Có vẻ việc đánh chiếm khu vực này không đơn giản là reo hò và cắm cờ dành cho sinh viên như cách mà ông Thái kể.

    – Cũng thiếu tướng Hoàng Trọng Tình kể về việc tìm kiếm nhân viên kỹ thuật đài rằng phải nhờ ông già bảo vệ đi tìm, nhưng may có nhà báo Kỳ Nhân tới, dẫn đi vào cư xá Báo chí và đài phát thanh mới tìm được hai người. Vậy mà ông Thái nhoằng cái mấy phút đã tìm được một anh kỹ thuật viên và “lập tức yêu cầu anh này cho đài hoạt động ngay” cứ như thể ông ta là người nắm quyền chỉ huy ở chỗ đó.

    – Về chiếc máy thu âm của Gallasch thì trong sách của mình, ông này ghi là do ông Tùng mượn nhưng theo ông Thái thì ông Thái mới là người mượn.

    – Ông Thái kể là ông ta và ông Huỳnh Văn Tòng đã giúp ông Thận cắm cờ Giải phóng trên nóc dinh Độc Lập nhưng theo lời kể của ông Thận thì chỉ có một người dẫn ông Thận lên nóc dinh bằng thang máy. Và lời kể của ông Thận thì phù hợp với hồi ký của ông Lý Quí Chung rằng chính ông Chung là người đã đưa ông Thận vào thang máy, lên sân thượng để thay cờ.

    Vai trò của mình thì ông Thái đề cao (hay khoa trương) như thế nhưng vai trò của ông Thệ lại bị ông Thái “gạt bỏ” thẳng thừng.

    Trong bài “30-4-1975, Dương Văn Minh và tôi” – ông Thái kể “Phải ra ngay đài phát thanh, tôi tháp tùng xe của Chính ủy Bùi Văn Tùng cùng các nhà báo Tây Đức Von Boric Gallasch và Hà Huy Đĩnh đưa Tổng thống Dương Văn Minh, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu và Tổng trưởng Thông tin Lý Quý Chung ra đài phát thanh”.

    Rõ ràng là ông Minh, ông Mẫu được đội ông Thệ đưa đi, ông Thái chỉ “đi theo” (trên một xe khác) nhưng ông ta lại kể như thể mình là nhóm áp giải vậy.

    Khi ông Thái cho ra sách nói về ngày 30-4-1975, ông ta đã lấy tấm ảnh lịch sử chụp ở đài phát thanh Sài Gòn làm ảnh bìa nhưng lại … cắt cúp hết hình ảnh của ông Phạm Xuân Thệ!

    Vậy thử hỏi, những lời chứng, lời kể của ông Thái đáng tin được bao nhiêu?

    VỀ MỘT SỐ PHÓNG SỰ, SÁCH LÀM THEO HƯỚNG “NHÂN CHỨNG THỨ BA”

    Bộ phim tư liệu “Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975” của HTV9 làm năm 2006 là bộ phim đầu tiên dựa vào cuốn sách của Gallasch để khẳng định ông Tùng viết bản tuyên bố cho Dương Văn Minh. Do đó, tháng 6/2007, đoàn cán bộ Tổng cục chính trị đã đến làm việc với Thành ủy Tp.HCM về vấn đề này. Theo đại tá nhà báo Đào Văn Sử, khách mời trong buổi làm việc này, thì có nhiều đại biểu có trách nhiệm tham dự: Nhà sử học, PGS, Tiến sĩ Phan Xuân Biên, Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, nhà báo Huỳnh Văn Nam, Giám đốc Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng, PGS, TS. Trịnh Vương Hồng, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự; Đại tá, TS. Trần Ngọc Long, Tổng biên tập Tạp chí Lịch sử Quân sự và đại diện cục Chính trị Quân khu 7.
    Cuối cùng nhà báo Huỳnh Văn Nam, Giám đốc Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh đã phát biểu, nhận rõ sự thật lịch sử. Với thái độ khách quan, cầu thị, ông nói: Tôi rất tiếc là HTV đã đưa ra chiếu bộ phim này hơi vội vã. Nếu trước khi đưa công chiếu, chúng tôi tham khảo ý kiến các đồng chí thì tránh được sự sai lệch này.

    Từ đó đến nay, HTV đã ngưng không chiếu bộ phim này nữa nhưng vẫn còn những cơ quan báo chí hình như vẫn dựa theo các tư liệu cũ, nói không đúng sự kiện lịch sử và còn cố tình bình luận, gây hoài nghi, gợi ra vấn đề cán bộ quân đội ta tranh công, đổ lỗi…

    Một ấn phẩm đáng chú ý nữa là bộ sách “Lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1954 – 1975″. Để biên soạn phần về sự kiện 30/4/1975, hội đồng biên soạn đã tổ chức tọa đàm với “những người thuộc lực lượng thứ ba” năm 2006, tức là cùng thời điểm HTV làm bộ phim tư liệu “Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975” nói trên. Kết quả thì đã rõ, sau đó ban soạn thảo căn cứ hoàn toàn vào “tác phẩm” của Gallasch để đưa vào cuốn sử. Như vậy chắc hẳn là Tổng cục chính trị chỉ làm việc với HTV chứ chưa từng làm việc với ban soạn thảo bộ sách sử này (có lẽ vì bộ sách này đến 2011 mới phát hành).

    Điều đáng ngạc nhiên là trong phần nói về sự kiện tại Dinh Độc Lập, cuốn sử này viết:
    “Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh hướng dẫn các chỉ huy quân Giải phóng vào phòng họp, nơi Tổng thống Dương Văn Minh và Nội các Sài Gòn đang chờ “bàn giao”, gồm các trung tá Nguyễn Tân Tài, Bùi Văn Tùng, Lữ đoàn trưởng và Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203 thuộc Quân đoàn 2; Đại úy Phạm Xuân Thệ Trung đoàn phó Trung đoàn 66 và một số cán bộ chiến sĩ khác”.

    Theo thông tin này thì “đoàn cán bộ” của quân Giải phóng lúc đó là đi cùng nhau và bao gồm cả trung tá Nguyễn Tất Tài (không phải Tân Tài), lữ trưởng 203. Không rõ thông tin này ban soạn thảo dựa vào đâu nhưng theo lời kể của hầu hết các nhân chứng chủ chốt thì không có ông này thời điểm đó. Mà giả sử có một đoàn đầy đủ ban bệ như vậy cùng vào thì người chỉ huy cao nhất phải là ông lữ trưởng Nguyễn Tất Tài chứ không phải ông Bùi Văn Tùng. Và sự điều phối công việc (đưa Dương Văn Minh đi đài phát thanh) sẽ không thể như những gì đã xảy ra (như đã phân tích ở trên).

    Nói chung, đọc phần này của cuốn sách còn nhiều chi tiết khác “lọng cọng” so với lời kể của các nhân chứng của cả E66 và lữ đoàn 203 nhưng tôi sẽ không đi vào chi tiết nữa.

    LỜI KẾT

    Trong phạm vi bài viết và những dữ liệu nắm bắt được, người viết không có tham vọng khẳng định chính xác ai là người đã soạn thảo lời tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh mà chỉ phân tích để tìm ra kết quả hợp lý nhất giữa các nguồn dữ liệu ấy.

    Thật ra, nếu tiếp tục đào sâu thì còn thấy rất nhiều mâu thuẫn giữa các lời chứng, nhưng bài viết chỉ trình bày những vấn đề quan trọng nhất, những nhân chứng quan trọng nhất. Tuy nhiên qua đó đủ thấy, dù là “chứng” (hình ảnh) hay “cung” thì sự hợp lý đều thuộc về phía ông Thệ.

    Sự việc này đúng ra có thể “ra ngô ra khoai” từ 35 năm trước khi lãnh đạo quân đội nói chung và lãnh đạo quân đoàn 2 nói riêng đã điều tra và “chấp nhận” sự thực. Điều này không đơn giản chút nào vì lịch sử quân đoàn, lịch sử quân đội, báo cáo lãnh đạo Đảng và Nhà nước,… tất cả đã “hoàn hảo” trong suốt mười năm, bỗng dưng bị lật lại và chứng tỏ lãnh đạo quân đoàn đã sai người, sai việc.
    Tuy nhiên ông Tùng, nhiều khả năng là do sự “quân sư” của những người khác mà nhiệt tình nhất là ông Thái, đã không chấp nhận điều đó. Và sự việc lại cứ được “bới ra” bởi những người “nông nổi” như ông Trần Đăng Khoa, thậm chí con gái ông Tùng còn “kể lể” trên BBC Việt ngữ, một chuyên trang chống cộng mà hẳn một chính ủy thâm niên như ông Tùng phải rõ hơn ai hết.

    Dư luận, đặc biệt là dư luận CCB, nhiều người không tìm hiểu mà chỉ tin vào uy tín của những ông như Trần Đăng Khoa nên cũng tin luôn vào câu chuyện “Lý Thông tranh công” mà ông Khoa kể, để rồi mặc nhiên xúc phạm ông Thệ. Một số báo đài được nước cũng đu theo, đăng tin như đúng rồi mà không quan tâm đến việc “tiên phong” HTV đã từng “việt vị”. Một kịch bản đúng chất thời đại mạng xã hội: một ông trung tướng cậy quyền thế, cướp công của một ông đại tá già! Kẻ yếu thế luôn được bênh vực vô điều kiện, bất chấp sự thực như thế nào!

    Nhưng nếu lịch sử đúng như lời ông Thệ kể thì thử hỏi: ai đã bênh vực, đã thương cảm cho anh đại úy trẻ nửa thế kỷ trước khi chiến công của mình bị đặt vào tay người khác ở “cấp cao hơn anh rất nhiều”? Ai đã chia sẻ, cổ vũ anh trung tá Thệ của 35 năm trước đi tìm sự thật cho mình trước áp lực của các cấp lãnh đạo, của các đơn vị bạn?

    Cho nên, bản kết luận của Viện lịch sử quân sự rằng (1) ông Thệ là người bắt giữ Dương Văn Minh, (2) nhóm ông Thệ phối hợp cùng ông Tùng viết bản tuyên bố đầu hàng cho Dương Văn Minh và (3) ông Tùng tự viết, tự đọc tuyên bố chấp nhận đầu hàng của Dương Văn Minh, là một kết luận vừa hợp lý, vừa “đẹp” chứ chẳng hề là “chia xôi chia thịt giữa làng” như ông cựu thần đồng thơ mỉa mai.

    Đại tá nhà báo Đào Văn Sử kể rằng có đồng nghiệp chỉ trích ông có lỗi lớn nhất là đưa anh Phạm Xuân Thệ lên báo, khiến làng báo tốn bao giấy mực, chẳng đi đến đâu, chỉ thêm rắc rối! Có thể ông bạn đồng nghiệp đó chỉ nói vui thế thôi nhưng rắc rối thì lại là sự thật và ngày càng rắc rối nhờ sự hỗ trợ của mạng xã hội và những người không dám, hoặc không có khả năng đi đến tận cùng của sự thật. Và nếu như không có được một quyết định dứt khoát, công khai, thuyết phục của các cấp lãnh đạo liên quan thì sự rắc rối này sẽ còn mãi phát triển, như chuyện HTV từ bỏ “nhân chứng thứ ba” thì lại có VTV nhảy vào làm lại, lịch sử quân đội một đằng còn lịch sử Nam Bộ một nẻo,… Điều đó sẽ mãi là một cái ung nhọt đâm vào uy tín quân đội nhân dân Việt Nam nói chung, uy tín các chứng nhân lịch sử nói riêng.

    © Đạo Sĩ Chăn Gà

    😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍