“Trung – Việt, khác nào môi với răng.
Nhớ rằng môi hở thì răng buốt,
Cứu Trung Quốc là tự cứu mình” 

Đây là một phần trong lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch viết trên Cứu vong nhật báo của Trung Quốc (1940), ủng hộ cuộc kháng chiến chống phát xít Nhật của nhân dân TQ mà sau này trở thành phương châm mang tính nguyên tắc cho quan hệ Việt – Trung. Chính TQ chứ không phải ai khác, là cái nôi đào tạo các lãnh tụ cách mạng VN, là “căn cứ địa” cho CM VN trước CMT8, là trường huấn luyện quân sự, là viện trợ chính cho kháng chiến chống Pháp, là nước đầu tiên trên thế giới công nhận VNDCCH, rồi cùng LX viện trợ chính cho KCCM.

Vậy điều gì đã dẫn đến một cuộc chiến “huynh đệ tương tàn”, “răng môi lẫn lộn” ngay sau “kỳ trăng mật” keo sơn gắn kết như vậy?

Người ta đã nói quá nhiều đến chuyện TQ đánh VN để “cướp nước” (sau khi đã bơm cả triệu tấn vũ khí cho “kẻ mà mình muốn cướp”..he..he..) hoặc “bán VN” để lấy lòng Mỹ nhưng chuyện có đơn giản như thế không? Theo thiển ý của bần đạo thì cuộc chiến này là kết quả tất yếu của hàng loạt những mâu thuẫn nội khối, những toan tính chính trị của các ông lớn và cách ứng xử từ phía VN.

Mâu thuẫn nội khối ở đây không phải là mâu thuẫn giữa VN & TQ mà là giữa TQ & LX, 2 gã khổng lồ của phe XHCN bởi một điều giản đơn: Một rừng không thể có 2 cọp. Sau thế chiến thứ 2, LX mặc nhiên là lãnh đạo tối cao của phong trào CS thế giới nhưng TQ với tố chất của một bá vương 5000 năm tuổi, cũng có lý tưởng của riêng mình nên đâu dễ gì ở dưới trướng người khác mãi được? Mặc dù là một nước lớn, đại diện đến 1/6 dân số thế giới, nhưng từ khi lập quốc (1949) đến 1971, Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa lại không có được tiếng nói trên trường quốc tế vì nội thì dưới trướng LX, ngoại thì bị Mỹ và phương Tây phong tỏa – tẩy chay, cái ghế trong Hội đồng Bảo An LHQ cho người TQ lại dành cho hòn đảo nhỏ Đài Loan.

Mâu thuẫn giữa LX và TQ trở nên trầm trọng từ giữa thập niên 1950, dưới thời của “Chủ nghĩa xét lại” Khrushchev, xoay quanh những bất đồng về vấn đề lý luận, đường lối chung của phong trào cộng sản quốc tế đã dẫn đến sư phân liệt thực sự của phong trào cộng sản thành hai phái. Từ “võ mồm”, mâu thuẫn giữa 2 ông lớn đã trở nên cao trào bằng những cuộc xung đột biên giới mà đỉnh điểm suýt trở thành cuộc chiến lớn năm 1969. Cùng với đó, sự can thiệp bằng quân sự của LX vào Tiệp Khắc năm 1968 khiến TQ cảm thấy bất an vì điều này biết đâu đó cũng có thể xảy ra với TQ.

Nhìn lại hoàn cảnh của mình, TQ “tá hỏa” ra khi mình đang bị kẹp giữa 2 “gọng kìm hợp tung”: Mỹ – Nhật – Hàn – khối SEATO và Liên Xô – 3 nước Đông Dương. Đấy là lúc những cái đầu ở Trung Nam Hải phải chạy hết công suất để tìm ra cách “phá thế” này. 

Điều đầu tiên họ làm là phá cái thế bị cô lập, bằng cách hòa giải với Mỹ. Nên nhớ, cho đến thời điểm 1971, quan hệ giữa 2 nước là thù địch, Mỹ thậm chí còn không công nhận nước CHND Trung Hoa mà chỉ công nhận Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) là đại diện người TQ. Tuy nhiên, sau chiến dịch Mậu Thân 1968, Mỹ đã tỏ ra mệt mỏi với cuộc chiến ở VN nói riêng và sự mở rộng ảnh hưởng ở châu Á nói chung, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Điều này khiến áp lực từ phía Mỹ đến TQ giảm đi.

Về phía Mỹ, việc bắt tay với TQ vừa phá vỡ mối liên minh ý thức hệ của 2 cự địch LX-TQ, vừa hy vọng giải bài toán ở Việt Nam nhờ TQ, nên tất nhiên, rất nhanh đổi mặt làm hòa. Ngay lập tức, Mỹ đá đít Đài Loan khỏi HĐBA LHQ để mời TQ ngồi vào. Tổng thống Mỹ Nixon, người đã từng đem Pepsi vào Liên Xô trong vai trò phó tổng thống Mỹ 13 năm trước, đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Trung Quốc. Tất nhiên, với phe XHCN lúc bấy giờ, hành động của TQ bị lên án là “phản bội” dù rằng Lãnh tụ LX Nikita Khrushchev thậm chí đã đến thăm Mỹ và đem vodka đổi lấy Pepsi từ 1959, còn với TQ, đây là cơ hội để họ bước ra vũ đài chính trị tối cao của thế giới, thoát khỏi cái bóng LX, nắm trong tay lá phiếu phủ quyết của HĐBA LHQ, nới lỏng móng vuốt 1 kẻ thù hùng mạnh nhất.

Tổng thống Nixon và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai trong chuyến thăm năm 1972 của Nixon tới Trung Quốc

 

Như vậy, “gọng kìm” hay “hợp tung” thứ nhất tạm thời được kiềm chế. Mặc dù mâu thuẫn giữa LX & TQ, 2 nhà viện trợ lớn nhất cho công cuộc kháng chiến của nước ta, đã có từ lâu nhưng nhờ ngoại giao khéo léo, thăng bằng giữa 2 nước (như ngày nay người ta gọi chiến lược ngoại giao giữa VN với Mỹ và TQ là “ngoại giao đi dây”), các lãnh đạo VN luôn duy trì được sự ủng hộ của cả 2. Ngay cả thời điểm căng thẳng nhất giữa 2 nước này, khi mọi quan hệ hợp tác 2 bên đều bị dẹp bỏ thì riêng hàng LX viện trợ cho VN vẫn được thông qua TQ. Như vậy, có thể thấy TQ rất coi trọng mối quan hệ với VN và điều họ lo ngại nhất là “đôi môi” Việt nói riêng và vùng Đông Dương nói chung sẽ thuộc về một kẻ thù của họ, trước là Mỹ nay là LX. Và có lẽ, “thái độ” của VN sau khi TQ bắt tay với Mỹ, đã khiến cho TQ cảm thấy nỗi lo ấy sắp thành hiện thực. Đặc biệt năm 1978, khi LX tuyên bố sẽ triển khai trên tuyến biên giới các hệ thống vũ khí mới, đồng thời VN – LX kí Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, cho LX thuê cảng Cam Ranh làm căn cứ hải quân cho hạm đội Thái Bình Dương thì TQ coi đây là một mối đe dọa trực tiếp đến nước này. Chưa kể đến việc cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam cũng trong năm này, ảnh hưởng nhiều tới người Hoa là thương nhân, nhà sản xuất, tiểu thủ công nghiệp… mà Trung Quốc coi là sự thách thức với chính sách bảo vệ Hoa kiều của họ.

Để phá thế “hợp tung” Xô – Việt – Cam – Lào này, TQ tăng cường viện trợ, tìm cách “liên hoành” với Campuchia của Polpot – Ieng Sary, vừa phá hoại sự liên minh giữa 3 nước Đông Dương, vừa tạo nên một quân cờ chiến lược quấy nhiễu phía nam Việt Nam. Do đó, cuộc chiến tranh biên giới như một quả bom không có người gỡ ngòi thì đến giờ phải nổ thôi.

Về cuộc chiến tranh này, ban đầu Bắc Kinh đã hạn chế nghiêm ngặt các mục tiêu, thời gian và phạm vi, nhằm tránh vượt hơn một cuộc xung đột biên giới giữa hai nước, cụ thể là dự định tiến hành chiến dịch quy mô nhỏ nhằm vào một trung đoàn bộ đội địa phương huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng của Việt Nam nằm sát đường biên giới với tỉnh Quảng Tây. Tuy nhiên, sau khi có tin Việt Nam sắp phản công tự vệ ở biên giới Tây Nam và tiến công Pol Pot ở Campuchia, thì giới lãnh đạo Bắc Kinh đã quyết tâm “chơi lớn” để gây ảnh hưởng đáng kể với VN và tình hình Đông Nam Á.

Đặc biệt với Đặng Tiểu Bình, ông ta đã nhìn ra những cơ hội và thách thức trong việc giải quyết mối quan hệ khó khăn với Việt Nam bằng giải pháp quân sự. Đó là:

1/ Tiếp tục ngăn chặn VN (cùng LX) hình thành thế liên minh 3 nước Đông Dương sau khi đánh đổ chế độ Polpot và đưa chế độ thân mình lên.

2/ Thách thức hay tạo ra phép thử đối với Liên Xô, xem LX có sẵn sàng để tạo ra một “CuBa ở phương Đông” hay không (tức LX biến VN thành căn cứ địa chống TQ từ phía Nam, như trường hợp Cuba đối với Mỹ)?

3/ Củng cố quyền lực chính trị của bản thân khi ông này vừa mới trở lại nắm quyền không lâu. Không có gì “hút quyền” nhanh hơn là một cuộc chiến! Quyền lực vững mạnh rồi thì cải cách, cải tổ mới có thể tiến hành bền vững được.

4/ Phơi bày bộ mặt rệu rã, lạc hậu của quân đội TQ, thanh lọc giới chóp bu quân sự, làm tiền đề cho cải tổ triệt để, hiện đại hóa quân đội (1 trong Bốn hiện đại hóa). Bấy giờ, ở ta cũng có ý kiến tự hào vì được trang bị vũ khí của Liên Xô và của Mỹ thu hồi được, hơn hẳn trang bị của quân đội Trung Quốc.

 

Nói tóm lại, nguyên nhân cốt lõi của cuộc chiến này là do sự toan tính địa chính trị của TQ đối với LX & Mỹ khi họ cảm thấy bị đe dọa bởi cường quốc khác chứ không phải vấn đề tranh chấp Việt – Trung hay “rửa mặt” cho Mỹ.

TQ đã từng bước bình thường hóa mối quan hệ với Mỹ trong suốt gần 8 năm (1971 – 1978), ngay cả trong lúc vẫn viện trợ cho VN đánh Mỹ, để chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/1/1979. Vậy thì cần gì phải “tâng công” với Mỹ như báo chí VN nói? Mà mục đích của TQ khi bắt tay với Mỹ là để thoát ra khỏi cái bóng của LX, tự thân vận động, tạo thành thế chân vạc chia ba thế giới, chấm dứt tình trạng lưỡng cực thời Chiến tranh lạnh. Tất nhiên, trên quan điểm ý thức hệ thời đó, người ta sẽ nói TQ là kẻ phản bội, bắt tay với đế quốc. Nhưng mà, chính VN khi vừa thoát ra khỏi cuộc chiến 30 năm tan xương nát thịt với Mỹ cũng đã ngay lập tức tìm cách để bình thường hóa quan hệ với họ đó sao? 

Vậy nếu như lịch sử có chữ “Nếu” thì chúng ta có tránh được cuộc chiến này không? Ta sẽ bàn đến trong một bài viết khác. 

2/2021

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍