Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn - Đạo Sĩ Chăn Gà

Cuối năm 1959, đầu năm 1960, sau thời kỳ khôi phục và cải tạo kinh tế, nhân dân ta bước vào công cuộc hợp tác hóa, đẩy mạnh cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa lên một bước mới thì ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, bọn phản động thuộc tầng lớp trên trong dân tộc người Mèo, cấu kết với bọn đặc vụ Tưởng đã nổi loạn. Dựa vào chiêu bài “tự trị”, bọn chúng toan giành lại địa vị chính trị, tách chính quyền khỏi sụ lãnh đạo của Đảng và Chính phủ ta, tiếp tục áp bức bóc lột nhân dân trong toàn huyện.

Chúng đã lôi kéo hàng vạn người dân Mèo, Tày, Lô Lố,.. (trong đó có 20 ủy viên Ủy ban xã, 9 xã đội trưởng, 3 công an xã, 34 ủy viên hội đồng nhân dân,…) nổi lên ở 16 xã, giết hàng trăm cán bộ và nhân dân, cướp phá các cửa hàng mậu dịch, làng bản. Chúng có những hành vi vô cùng dã man, mất hết nhân tính: mổ bụng, ăn gan, rán mỡ, uống máu người…

15 năm sau, nhà văn Ngôn Vĩnh, lúc đó thuộc Phòng Sáng tác văn nghệ Bộ Công An được phân công viết về sự kiện này. Ông đã lên Đồng Văn “nằm vùng” suốt 6 tháng, tiếp cận với những tài liệu và chứng nhân của giai đoạn này mà theo ông là ” rất đa dạng, phong phú và rất kỳ lạ” với “những cuộc đời, những số phận éo le không thể tưởng tượng nổi”.

Sau đó, về đến Hà Nội, nhà văn Ngôn Vĩnh viết liên tục trong vòng 6 tháng tại trụ sở Bộ Công an, 15 Trần Bình Trọng. Nằm bàn để viết, ăn bếp ăn tập thể, có những thời điểm, cần khung cảnh ban đêm, ông đóng hết cửa, dán báo xung quanh chụp đèn để tạo khung cảnh ban đêm để lấy cảm hứng. Khi hoàn thành bản thảo, nhà văn Ngôn Vĩnh gửi để nhà văn Lê Tri Kỷ góp ý. Sau khi có ý kiến góp ý, ông tiếp tục lên Đồng Văn và hoàn thiện tác phẩm, mất 2 năm mới hoàn thành cuốn tiểu thuyết.

“Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn” được in và phát hành nội bộ (Bộ Công an) vào năm 1977. Khi cuốn sách được xuất bản công khai (năm 1985) đã đổi tên là “Bên kia cổng trời” với một số điều chỉnh nhỏ. Vì sự tế nhị về chính trị cũng như chính sách Đoàn kết dân tộc, một số “nhân vật chính” của vụ bạo loạn năm 1959-1960 trong cuốn sách đã được đổi tên, như: “Vua Mèo” Hoàng Chí Trung chính là lấy nguyên mẫu từ Vương Chí Sình.

Với mong muốn tìm hiểu về “bản gốc”, bần đạo đã cất công tìm bằng được cuốn sách “phát hành nội bộ” năm 1977 để đọc và số hóa, giới thiệu đến các thí chủ. Mời các thí chủ tải ebook ở các đường liên kết dưới đây hoặc đọc trực tiếp trên web daosichanga.com.

Danh sách các chương

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍

Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn