Giàng Vạn Sùng cùng Hầu Vạn Quả cho ngựa chạy nước kiệu dọc theo con đường biên giới. Chiếc khăn nhiễu Tam Giang quấn nhiều vòng trên đầu. Mắt đỏ những tia máu dưới đôi lông mày lưỡi mác. Trông Sùng đằng đằng sát khí.

Ánh hoàng hôn le lói chiếu xuống mặt sông Nho Quế. Dòng sông uốn ngoằn ngoèo, trườn qua các hẽm núi, hắt lên ánh sáng đỏ nâu, lấp loáng. Dãy núi cao kéo dài đen lại như bức thành. Những đỉnh núi nhọn hoắt như những mũi mác đâm vào bầu trời tím sẫm. Một rừng cây dày đặc kéo dài sau sườn núi dốc, làm thành vệt xanh sẫm.

Bên kia sông là đất Tàu rồi. Nhìn những đỉnh núi, những cánh rừng trùng điệp, Sùng bỗng suy nghĩ về mảnh đất Lũng Cú, nơi tận cùng phía bắc của đất nước này.

Sùng được nghe các cụ già kể rằng, ngày xưa, người Tày khai khẩn mảnh đất Lũng Cú này, làm ăn rất phát đạt, giàu có. Người Lồ Lố ở Mu Ngao (Trung Quốc) vượt sông Nho Quế sang săn bắn. Họ đem gừng vùi xuống đất. Mùa săn bắn năm sau, gừng mọc tốt um. Biết đất tốt, người Lô Lố nghĩ mưu chiếm đất Lũng Cú.

Nhiều đứa trẻ người Tày ở Lũng Cú tự dưng bị mất tích. Những thày bói người Lô Lố được cử sang Lũng Cú.

Không hiểu nguyên nhân con cái của mình mất tích, người Tày nhờ thày bói xem. Thày bói người Lô Lố gieo quẻ nói rằng, người Tày có nhiều cung tên, giáo mác phạm vào long thần thổ địa, các thần nổi giận bắt hết trẻ con. Phải đốt hết cung tên, gươm giáo thì trẻ con mới không bị bắt nữa.

Người Tày làm theo lời thày bói dạy, chất cung tên, giáo mác thành đống đốt đi. Khi người Tày không còn vũ khí, người Lô Lố đem quân sang đánh. Không chống cự nổi, người Tày thua. Người Lô Lố chiếm Lũng Cú.

Ít lâu sau, người Mèo di cư từ Vân Nam xuống Lũng Cú trú ngụ làm ăn. Người Lô Lố áp bức, đánh đập người Mèo rất tàn bạo. Không chịu nổi, người Mèo theo Sùng Chí Đà vùng lên chống lại. Thắng lợi, người Mèo cử người của mình làm Tổng binh cai quản đất Lũng Cú. Người Lô Lố chạy về Mu Ngao (Trung Quốc).

Người Mèo ở được ít lâu thì nạn châu chấu nổi lên làm mất mùa màng. Người Lô Lố lại cho thày bói sang nói người Mèo không biết cúng trời nên có nạn châu chấu. Nếu cho người Lô Lố ở chung, họ cúng trời, sẽ hết hạn này. Người mèo nhận lời. Người Lô Lố di cư sang ở với người Mèo.

Thế là Lũng Cú có ba dân tộc chính: Tày, Mèo, Lô Lố.

Pháp chiếm Đồng Văn, cử một đội dõng họ Lương, người Tày, đến cai trị Lũng Cú.

Đoàn Trưởng Nhị, người Trung Quốc từ Vân Nam mang quân vào đánh Lũng Cú. Lương đội dõng bị thua, bị Pháp cách chức. Lương Huy Bảo lên thay làm Tổng giáp ở Lũng Cú.

Giàng Sè Cha, một canh điền của Lương Huy Bảo, là người Mèo, không phục chủ, tập họp dân Mèo, định nổi lên đánh lại.

Bố Bảo chết, chôn ở Lũng Cú. Tự dưng xác bị đào lên, chặt mất đầu, chỉ còn thân vất trên ruộng.

Bảo cho là Sè Cha làm việc đó, bắt Cha giao cho Pháp. Sè Cha bị Pháp tra tấn, đòi tiền chuộc.
Không có tiền chuộc, Sè Cha chết trong tù.

Giàng Vạn Sùng – con Giàng Sè Cha – là người khỏe mạnh, tinh khôn, ngay từ bé đã rèn luyện võ nghệ, lại làm thợ rèn, rèn đúc vũ khí giỏi. Sùng đứng lên chiêu tập người Mèo nổi lên đánh Huy Bảo trả thù cho cha.

Người Mèo bị Bảo áp bức, căm tức, theo Sùng, đánh Bảo, rất mãnh liệt. Bảo thua, chạy về phố Đồng Văn.

Giàng Vạn Sùng được bầu làm người chỉ huy, cai quản Lũng Cú.

Lên chức chỉ huy rồi, Sùng trở thành người tàn ác, phản bội dân Mèo, cướp ruộng đất về tay mình.

Gia đình Vàng Chú Sâu có nhiều nương tốt. Sùng bắt Sâu nộp nương cho mình. Sâu tập họp tay chân đánh lại, bị Sùng chặt đầu, cắm cọc, bêu giữa chợ, làm gương cho kẻ khác. Sâu chết đi, để lại đứa con trai nhỏ là Vàng Mí Sính. Sính nuôi chí trả thù cho cha.

Hoàng thấy Sùng chiếm được Lũng Cú, có quyền lực, muốn thâu phục Sùng trấn ải phía bắc Đồng Văn, liền gả con gái là Hoàng Thị May cho Sùng, phong Sùng làm Tổng giáp Lũng Cú, kiêm tướng trấn ải phía bắc.

Từ ngày làm con rể và tướng của Hoàng, Sùng đem hết thủ đoạn, mưu mẹo, giữ vững mảnh đất Lũng Cú, thành một chúa tể ở nơi đầu sóng ngọn gió này.
Sùng đã nhiều lần đánh bại quân Tàu Trắng và bọn phỉ Trung Quốc tràn vào Lũng Cú… Giờ đây, nhận lệnh của Hoàng, Sùng đem quân đến bờ sông Nho Quế chờ lệnh nghênh chiến
với quân Dương. Nhớ lại câu chuyện người Lô Lố lừa người Tày và người Mèo, Sùng ngày đêm canh gác, không rời trận địa.

Ngắm nghía địa thế xong, Giàng Vạn Sùng chỉ tay về phía trước, quay sang phía Hầu Vạn
Quả:

– Được lệnh, ta sẽ tiến quân theo phía kia, bác thấy thế nào?

Hầu Vạn Quả nhìn theo tay Sùng, ngập ngừng:

– Chuyện binh đao, toàn quyền cháu quyết định. Khi nào cần đến ba tấc lưỡi, bác xin xuất
trận!

Giàng Vạn Sùng ngẫm nghĩ một hồi rồi cùng Quả về bản doanh.

Trên một thung lũng rộng, lính Mèo cắm trại san sát. Những chiếc lều vải màu đất. Những lá cờ sặc sỡ có thêu chữ “Hoàng”, những cành phướn dài bay lòa xòa theo chiều gió. Tiếng ngựa hí vang. Những vò rượu đầy ắp, những chảo thịt bò bốc khói. Ánh hoàng hôn đổ xuống soi rõ những bộ mặt lính Mèo đỏ gay. Súng máy, súng trường, súng gióp 5, gióp 3 được tháo từ Mả Páo(1) xuống, dựng ngổn ngang.

Một hồi tù và lảnh lót vang lên. Quân lính tập họp.

Giàng Vạn Sùng đứng trước hàng quân, cất giọng ra lệnh binh lính nghiêm mật đề phòng địch quân đánh úp cướp trại.

Bỗng từ xa tiến lại một đội quân, cờ xí ngợp trời, đi đầu là một lão tướng, cưỡi con ngựa hồng; phía sau là một tướng trẻ, cưỡi con ngựa bạch, oai phong lẫm lẫm. Nhận ra cha con Mã Học Văn, Sùng vui mừng vượt lên nghênh tiếp.

– Xin chào tướng quân! Sao tướng quân lại dẫn quân lên đây? Cổng Trời ai trấn ngự?

Mã Học Văn lạnh lùng trả lời, biểu lộ nỗi buồn:

– Quân Nhật cho Cắm Sìn lên điều đình với Lão Quan. Lão Quan ưng thuận cho chúng vào Đồng Văn để tập trung binh lực đánh Mèo Vạc. Tôi lên đây cùng ngài đánh quân họ Dương

– À, ra thế!

Sùng đưa Văn về bản doanh. Văn vào một chiếc lều lợp da thú xung quanh có quân lính canh gác nghiêm ngặt, nghỉ đêm cùng Hầu Vạn Quả. Sùng ra trước hàng quân, chuẩn bị binh mã cho cuộc xuất quân sang đất họ Dương hôm sau.

*

Đêm đã khuya, ngoài trời tối đen, thỉnh thoảng vọng về tiếng thú rừng hoang dại, tiếng gió gào trên đỉnh núi, tiếng nước sông Nho Quế chảy ào ào. Mã Học Văn trằn trọc không sao ngủ được. Hầu Vạn Quả sau một giấc ngủ choàng dậy, vẫn thấy Văn trở mình, liền hỏi:

– Tướng quân ngẫm nghĩ gì mà cứ trằn trọc mãi thế?

Văn mệt nhọc trả lời:

– Lão Quan lệnh mở Cổng Trời, tôi phải tuân lệnh nhưng vẫn thấy lo ngại. Không thi hành lệnh là bất trung mà tuân lệnh thì bờ cõi rồi sẽ ra sao?

Hầu Vạn Quả cười thầm, trước sự trung thành một cách mù quáng, không thức thời của Văn, trước sự suy nghĩ thẳng thắn, tôn sùng Hoàng một chiều của Văn.

Là người họ Hầu, cũng như họ Mã, không cùng dòng họ với Hoàng, ngay từ đầu khi làm bầy tôi cho Hoàng, Quả đã suy nghĩ về vai trò của mình. Tuy gần Hoàng hơn Văn về máu thịt (Quả là anh rể Hoàng) nhưng Quả suy nghĩ khác Văn. Là người đi Tầu nhiều, lại luôn được cử làm sứ giả sang liên lạc với các họ ở Mèo Vạc, Yên Minh, Quả thấy không thể đem hết tâm trí phục vụ cho Hoàng mà trước hết phải nghĩ đến lợi cho mình. Ai có lợi thì Quả theo, dù đó là chủ mình hay kẻ thù của chủ. Mỗi lần được cử sang Tầu, sang Mèo Vạc, Quả nghĩ ngay đến những món lợi do chuyến đi đem lại. Nào là chịu nhân nhượng một vài điều kiện không có lợi cho Hoàng để đối phương đút lót, hậu tạ mình. Nào là bàn cách buôn lậu giữa hai “vương quốc”. Tất cả những điều đó, Quả làm rất khéo léo, đến nỗi Hoàng cũng không hề nghi ngờ, vẫn tin cẩn Quả.

Đối với vợ, Quả thấy đó là cái máy cào của cải nhà Hoàng về cho mình. Quả tận dụng vợ trong những mánh khóe bòn rút họ Hoàng. Thấy tiền bạc, Quả lao theo không từ những hành động tàn bạo.

Quả có một người con nuôi tên là Hầu Mí Cảy.

Một hôm, được vợ báo cho biết Hoàng giấu 100 lạng thuốc phiện ở căn hầm dưới nhà, chưa cho vào kho, Hầu Vạn Quả gọi Mí Cảy vào buồng riêng, thân mật nói:

– Cảy con, con biết đấy, từ ngày nhận con làm con nuôi, ta coi con như con đẻ, cho con lấy họ Hầu, tin cậy con. Từ đó ta chưa nhờ vả con việc gì lớn cả, có đúng không?

– Dạ, con mang ơn cha!

– Đến nay ta muốn nhờ con một việc, không biết con có sẵn lòng làm cho cha không?

– Dạ, việc gì con cũng có thể làm để đền đáp công lao nuôi dạy của cha!

Quả mang ra sơ đồ căn hầm của Hoàng, chỉ và căn dặn:

– Đây, 100 lạng thuốc phiện của Hoàng để ở đây, đêm nay con hãy vào lấy cho ta!

Mí Cảy lo lắng:

– Con lọt sao được hai lần cổng, nhất là cổng Thào Sè Na gác?

– Cứ yên tâm, ta đã nghĩ đến điều đó rồi. Tối nay con cứ đến cửa, mẹ con (chỉ vợ Quả), đang ở đó thăm Hoàng, sẽ ra mở cửa và dẫn con vào.

Đêm đó Mí Cảy cùng vợ Quả lấy xong 100 lạng thuốc phiện mang về nộp cho Quả.

Ngày hôm sau, thấy mất thuốc phiện, Hoàng bực mình lắm, giao cho Sùng Vạn Lù, Thào Sè Na truy tìm, nếu phát hiện ra kẻ gian sẽ chém đầu.

Quả lo lắng, gọi Cảy đến, giao thuốc phiện cho Cảy mang giấu vào một hang kín.

Mấy ngày liền nghe ngóng, Quả biết Sùng Vạn Lù nghi cho Mí Cảy, vì đêm qua Cảy lọt vào dinh. Thào Sè Na nghi cho vợ Quả. Nhưng sợ vợ Quả là chị Hoàng, chẳng may bà ta nổi giận, năn nỉ với em, Hoàng nể chị chém đầu mình, Na, Lù né tránh vợ chồng Quả, xoáy mũi điều tra vào Mí Cảy.

Quả biết rằng nếu phát hiện ra Quả lấy, bất chấp cả tình anh em, Hoàng sẵn sàng chém đầu Quả trước quần thần, nêu gương cho kẻ khác. Hắn cùng vợ bàn bạc tìm kế thoát thân. Quả nghĩ ngay đến Cảy. Hắn nói với vợ:

– Chỉ còn cách khử thằng Cảy đi, bịt đầu mối thôi!

Vợ Quả, với tính nhút nhát và thương người của đàn bà, lo lắng:

– Nó là con nuôi, nó vì ta mà làm, ta giết nó thì nhẫn tâm quá! Con ma, thánh thần không dung tha cho ta.

Quả nổi nóng:

– Mình không giết nó, nó bị bắt, khai ra, mình chết. Ma quái, thần thánh chưa thấy đâu, lưỡi gươm kề cổ, còn danh tiếng của bà, của tôi, phải làm thôi!

Thế là Quả sai Giàng Ly Páo giết Cảy.

Páo vác súng vào hang, nơi Cảy cất giấu thuốc phiện. Páo bắn Cảy chết ngay bên đống thuốc phiện, Máu thấm đỏ cái bao bọc thuốc. Páo được Quả thưởng cho 5 lạng thuốc. Mất đối tượng truy tìm, Quả còn giấu thuốc, nhưng vì sợ vợ Quả, nên Na, Lù không dám khai với Hoàng.

Quả có số thuốc, có tiền sống ung dung. Từ đó, hắn càng đắc ý, củng cố quan niệm sống của mình: trung thành với một người là dại dột, máy móc và không hợp lẽ đời…

Chờ Văn hút xong một điếu thuốc phiện, Quả quay sang, chậm rãi:

– Việc gì mà tướng quân phải cả nghĩ? Ai thì cũng nghĩ những mối lợi cho mình cả. Ông Hoàng cũng thế thôi. Hòa Nhật, diệt Dương là kế hay của ông ấy. Còn ta, cái gì lợi thì ta làm, việc gì mà cả nghĩ! Sự đời là thế!

– Nhưng tôi thấy có nhiều uẩn khúc, một đằng là ngoại bang, một đằng là nước láng giềng, cùng dân tộc Mèo ta!

– Chỉ huy quân ngoài biên ải, tôi không dám bì với tướng quân, nhưng chuyện nội vụ Sà Phìn, có nhiều điều tướng quân chưa tỏ tường bằng tôi. Tôi khuyên tướng quân không nên nghĩ nhiều, mệt óc, việc ta ta cứ làm! Sự đời là thế mà!

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍

Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn