PHẦN MỘT: NHỮNG KẺ PHẢN LOẠN

CHƯƠNG 1

Lên hết dốc Pa-pao, Mã Học Văn dừng ngựa. Đó là một người có dáng tầm thước, mặt xương xương, gò má cao, mắt tròn vàng, khoác chiếc áo ca-pốt màu cứt ngựa, hai hàng khuy đồng sáng loáng, đeo khẩu súng “Khai phong” bao gỗ nhẵn bóng, màu vàng óng. Chiếc mũ cát két dạ đen, lưỡi trai phẳng lì, che trước trán.

Văn đưa mắt nhìn khoảng rừng núi trùng điệp, gật gật đầu. Chiếc mũ đập vào chùm lá xỏa phía trước. Nét mặt khắc khổ, biểu lộ sức chịu đựng bền bỉ trong xông pha chinh chiến.

Trước mắt Văn, một con đường độc đạo, rộng chỉ đủ một hàng ngựa đi, ngoằn nghèo như con rắn, trườn dần từ đỉnh núi xuống hõm Cắn Tỷ. Một bên đường là vách đá dựng thành vại, một bên là vực thẳm sâu hun hút. Những con ngựa đi qua trượt chân ngã, chết còn để lại những bộ xương khô khốc.

Trời đang tiết tháng tư. Rừng cây xung quanh xanh biếc. Trên những đỉnh núi cao, nhọn hoắt như mũi mác, những làn sương màu trắng đục lờ lững quấn quanh như những chiếc khăn voan mềm mại, mờ ảo.

Ngắm cảnh rừng núi xong, Văn dắt ngựa, lững thững đi lên phía Cổng Trời. Một bức thành đá dày chắn ngang đường, hai bên tựa vào vách núi đá, chỉ để chừa một khuôn cửa đủ người ngựa lọt qua. Cánh cửa gỗ lim dầy chằn chặn, đen bóng, đóng kín. Hai bên là những lỗ châu mai, như những con mắt đen bí hiểm nhìn ra phía trước.

Đây là cửa ngõ phía nam của vùng Đồng Văn, một cửa ải án ngữ mọi cuộc tấn công của đối phương. Từ Hà Giang lên Đồng Văn phải qua cửa ải này. Một trung đội giữ Cổng Trời thì hàng trung đoàn địch cũng không vượt qua được. Trước kia, Cổng Trời chỉ là một khe núi tự nhiên, nhưng khi chiếm được Đồng Văn, Pháp liền cho làm cổng và một cong đường một ngựa qua đây. Nguyên chỉ làm được đoạn đường Cắn Tỷ và xây Cổng Trời, bốn trăm dân công Mèo đã bỏ xác.

Văn vừa bước đến trước cổng, cánh cửa lim treo từ từ rút lên. Một tên lính Mèo đầu đội mũ nồi, mình mặc quần áo tả-pú đen, dầy như mo nang, chân quấn xà cạp, đi hài xảo, hấp tấp chạy ra đón cương ngựa trong tay Văn, dắt vào cổng.

Văn bước vào trong thành. Mùi ẩm mốc của tường đá, mùi hăng hắc của cây rừng, mùi mồ hôi người nồng mặn, mùi phân ngựa, mùi rượu bắp cay xè quyện vào nhau, xộc lên mũi thành cảm giác khó chịu, ngột ngạt. Cũng may mà trên đỉnh núi cao này, trời quanh năm lạnh, nếu không, những mùi kia làm người ta nghẹt thở.

Ngay lúc đó, một thanh niên trên hai mươi tuổi, bước tới, thân hình cao, mặt dài, mũi khoằm như mỏ diều hâu, mắt tròn lồi, môi đỏ và mỏng, lông mày xếch, mình khoác một chiếc áo va rơi màu tím, đầu đội mũ cát két da, cổ đeo ba kiềng bạc loảng xoảng, hai bên hông đeo hai khẩu súng lục: một khẩu “Pạc hoọc Mô-de”, một khẩu “Brô-ninh ca-na-đa”; Sau lưng còn khoác thêm khẩu súng săn. Đó chính là Mã Chính Minh, con trai cả của Mã Học Văn. Minh là một tướng trẻ nhưng dạn dày chinh chiến. Ngay từ năm mười sáu tuổi, Minh đã theo cha đi trấn ải các nơi hiểm yếu. Nhiều tướng thán phục tính gan dạ của Minh. Minh có đặc điểm là hay bắn địch bằng súng săn ở cự ly gần, vừa làm cho địch bất ngờ, vừa hạ sát được nhiều địch một lúc. Vừa qua, nhận lệnh Hoàng đi canh giữ Cổng Trời, Văn cho con đi theo.

Minh cung kính chắp hai tay trước ngực chào rồi đón cha vào lô-cốt.

Những tên lính Mèo chạy đi chạy lại, hối hả dọn dẹp nền lô-cốt bừa bộn. Chúng trải tấm da thú trên nền đá lạnh lẽo, lễ mễ khiêng ra một vò rượu, một chảo thịt bò đang bốc khói, mùi thơm bay ra ngào ngạt. Bọn lính mang những chiếc bát sành to, đặt trên chiếc bàn gỗ lim đen bóng.

Học Văn tháo khẩu “Khai phong” treo lên tường, quay sang phía Chính Minh đang khúm núm đứng bên cạnh:

– Con ngồi xuống đây, hôm nay cha họp các vị chỉ huy mặt trận Cổng Trời, bàn định việc đánh bọn giặc Nhật, giữ cửa ải này.

Chính Minh ngồi xuống bên cạnh cha, dè dặt hỏi:

– Cha không cho thằng Mã Chính Lâm đi theo à?

Học Văn chậm rãi:

– Nó còn bé, để nó dồn tâm trí vào việc học hành, cho đi trận mạc, ngựa non háu đá, nó mê đi bỏ cả học hành.

Chính Minh khẽ lắc đầu:

– Người Mèo ta sinh ra với cây súng, lớn lên, sống chết với cây súng. Thằng Lâm nó vốn ham thích súng đạn, bắn giỏi, võ nghệ cừ, sao cha lại ngăn cản nó? Thầy số đã bảo sau này nó sẽ thành tướng tài.

Học Văn nhìn con:

– Cái lý người Mèo ta là thế, nhưng cha và con ở đây, chưa đủ hay sao?

– Con muốn con trai cả nhà ta đều cầm súng?

– Ừ! Trước sau rồi nó cũng cầm súng thôi!

Hai cha con đang mải chuyện, từ ngoài thành có tiếng ngựa hí. Mấy khắc sau, một người nhỏ, thấp, dáng nhanh nhẹn, đầu chít khăn, mình khoác chéo những băng đạn đi vào. Đó là Vàng Chỉn Cáo, vừa là Tổng giáp(1) vừa là tướng cai quản cả vùng Quản Bạ, Cắn Tỷ này.

Cáo cung kính chào Văn. Văn bình thản hỏi:

– Ngài bố trí trận địa thế nào rồi?

– Thưa tướng quân – Vàng Chỉn Cáo trình bày – Tôi đã cho lính dõng và dân bắc một dàn đá lớn ở phía Nam, cạnh hõm Cắn Tỷ. Hai trung đội phục kích dọc theo hai bên đường, còn lực lượng chính tập trung ở Cổng Trời này:

– Tình hình quân địch thế nào rồi, trình bày cho ta biết.

– Dạ, theo tin của thám tử cho biết, hiện chúng đang đóng ở phố Tráng Kìm, đốt hết nhà ở phố. Ngày mai chúng có thể tấn công ta. Tôi đã cho lính chuẩn bị đầy đủ. Có nhiều người dân tiếp tế lương thực, dùng súng kíp đêm đêm tập kích làm bọn giặc lùn khiếp sợ!

Mã Học Văn cùng Cáo họp bàn.

Rượu thịt xong, Văn, Minh, Cáo ra trước cổng thành, quan sát địa thế. Văn đến từng ụ súng, từng lỗ châu mai, trèo lên các dàn đá trên sườn núi, khích lệ quân sĩ.

Đêm ấy, Văn không ngủ, căng óc nghĩ mưu kế giữ Cổng Trời, thực hiện lời Hoàng dặn.

Bên ngoài, trời tối đen, rừng im lặng. Chốc chốc, tiếng cú mèo rúc, tiếng hổ gầm vang, tiếng vượn hú hòa thành âm thanh man dại, heo hút.

*

Trên phố Tráng Kìm, quân Nhật bắt đầu thu dọn lều vải. Cả hai bộ phận khinh kỵ và bộ binh chuẩn bị lên đường hành quân về phía Cổng Trời.

Mở đầu là đội khinh kỵ binh quần ngựa xung quanh phố. Bụi bay mù. Tiếng vó ngựa rộn rập gõ trên mặt đá tóe lửa. Tiếp sau là đại đội bộ binh bước chân rầm rập. Bụi bay mù. Tiếng người ngựa rộn rã. Những tràng pháo thị uy nổ liên hồi.

Tên chỉ huy ngực đeo ống nhòm, ngang hông đeo khẩu súng ngắn nhỏ xíu (người ta bảo là để tự sát khi thất trận), phóng ngựa vượt lên trước, mặt đầy vẻ tự đắc. Đây là một đội quân thiện chiến. Với một trung đội, chúng đã chiếm Lạng Sơn, Đồng Mỏ. Với một đại đội chúng đã từng chiếm Hải Phòng một cách dễ dàng. Vó ngựa chúng đã từng nện trên miền rừng núi Thái Lan, Cao Miên; gót giầy chúng đã từng dẫm trên đất Mã Lai.

Lần này, tiến lên mảnh đất xa lạ này, hắn tin chắc rằng sẽ chiến thắng dễ dàng.

Nhưng càng tiến quân, những nỗi mệt nhọc càng đè chĩu lên chúng. Lối đi hẹp, quá dốc, làm cho những con ngựa Cao Ly mệt nhoài. Dốc đá cao, có chỗ dựng đứng, làm cho đôi chân bó trong những đôi ghệt da mỏi nhừ. Cái nắng như rang cộng với những trận mưa đột ngột ào đến làm cho chúng thở dốc, mệt mỏi.

Lên đến gốc cây đa, đội quân mệt mỏi dừng lại. Lúc này, chúng thấy khát cháy cổ. Chúng xục xạo tìm kiếm, nhưng xung quanh chỉ có đá khô cứng, bới không ra giọt nước. Một chiếc dù phủ trên cây làm vọng gác. Tên chỉ huy trèo lên chĩa ống nhòm về phía Cổng Trời quan sát.

Mã Học Văn đang nằm bên bàn đèn cùng con hút thuốc thì Vàng Chỉn Cáo vào báo cáo:

– Thưa tướng quân, giặc đã đến rồi

Tuyệt đối tin tưởng ở sức mình, Văn mỉm cười:

– Biết rồi!

Văn trèo lên lô cốt, hướng ống nhòm về phía địch. Trước mặt, đoàn quân Nhật đang chậm chạp tiến bước. Những tên lính Nhật lăm lăm súng trong tay, cố trèo lên. Nhiều tên chân đã khập khiễng. Mồ hôi thấm ướt đẫm áo, nhễ nhại trên mặt.

Chờ chúng lọt vào thế trận, Văn mới dõng dạc ra lệnh:

– Dàn đá!

Một phát súng hiệu nổ ròn. Tự dưng, những tảng đá to như những con trâu ầm ầm từ trên đỉnh dốc lao thẳng xuống đám quân Nhật. Bụi cuốn mù mịt. Đất rung chuyển. Quân Nhật không kịp trở tay. Những tảng đá cứ thế nghiền nát gọn toán quân đi đầu. Tên chỉ huy vội vã cho quân rút về gốc đa chờ đợi.

Sau khi cho những tốp quân nhỏ đi dò đường, biết địch quân đã hết đá lăn, quân Nhật ồ ạt tấn công.

Mã Chính Minh ra cửa thành chỉ huy lính Mèo chiến đấu.

Trên các lỗ châu mai, hai khẩu liên thanh bắc chéo cánh sẻ; những khẩu súng trường, súng săn và cả súng kíp chìa ra tua tủa như lông nhím. Những vò rượu lớn được khênh đến chân thành. Quân lính vục bát uống, mặt mũi đỏ gay, hoa súng hò hét, chửi rủa bọn giặc lùn. Đó là thói quen

của người Mèo. Ngay từ khi mới lọt lòng mẹ, người ta đã quệt rượu vào môi đứa bé, và thế là nó lớn lên với rượu.

Một thầy cúng được đưa đến, mình mặc bộ quần áo có dán bùa lòe loẹt. Hắn nhảy nhảy múa múa, hai tay chắp trước ngực, giậm chân, bắt quyết, gọi thần, gọi ma một hồi, đoạn cầm ống thẻ bằng nứa xóc xóc, Một que thẻ chồi lên rơi xuống đất. Tên thầy cúng cầm lấy xem rồi nói với Chính Minh:

– Thưa tráng sĩ, quân ta lại sẽ thắng!

Quân Nhật vẫn tiến. Một tiếng tù và nổi lên. Tất cả các cỡ súng từ trong các lỗ châu mai nổ ran. Lửa lóe. Khói bay mù mịt. Quân Nhật chết lăn xuống vực như sung rụng.

Sau hai đợt tấn công, không chiếm được Cổng Trời, quân Nhật đành lui về Cắn Tỷ, chờ thời cơ mở những đợt tấn công mới.

Lính Mèo reo hò, mở cổng thành nhảy múa, uống rượu, hút thuốc phiện mừng chiến thắng. Một con bò được dắt đến. Một tên lính hoa đại dao chọc tiết bò. Dòng máu phun ra đỏ tươi. Bọn lính xúm lại, vũm tay hứng máu, húp xùm xụp, cười khoái chí.

Văn, Minh, Cáo lững thững ra khỏi cổng thành, nhìn xác quân Nhật ngổn ngang hai bên đường, gật gù đắc ý.

Văn ra lệnh cho lính Mèo vừa ăn mừng, vừa củng cố trận địa. Một dàn đá mới được xếp cao. Đạn dược thồ thêm đày ắp kho. Rượu và thuốc phiện được chở đến. Mấy vọng tiêu được dựng thêm. Một lũy đá được xếp ngay phía trước, cách Cổng Trời vài chục mét.

Bọn lính còng lưng khiêng vác, quét dọn xung quanh thành, kéo xác giặc lại thành đống, chất đá lấp kín.

Hai ngày sau, trận địa vẫn im tiếng súng. Bọn Nhật nằm im ở Cắn Tỷ, không thấy xuất quân. Văn lại mở tiệc khao quân.
Cuộc vui đang giữa chừng, những tên lính Mèo say rượu đang múa hát, đánh bạc thì từ dóc Pa-Pao, một tên lính cưỡi ngựa, tay cầm hỏa bài phi đến như bay. Tên lính dừng ngựa, hộc tốc vào thành, đến trước mặt Mã Học Văn, trình hỏa bài thưa:

– Thưa tướng quân, có mật thư!

Tên lính đưa chiếc ống gỗ sơn son cho Văn. Văn mở ống, rút ra một phong thư, đưa cho Minh:

Minh đọc một lượt, bỗng sắc mặt thay đổi, đỏ lựng lên, hai tay run run:

– Thưa cha, lệnh mật của cụ Hoàng, bảo cha phải mở Cổng Trời!

– Sao, con đọc ta nghe?

Nghe xong lệnh, Văn tái mặt, đập tay xuống chiếc bàn lim:

– Mở Cổng Trời, mở Cổng Trời? Lạ thật! Cho quân Nhật vào Đồng Văn? Không thể hiểu nổi! Cha phải về Sà-Phìn hỏi cụ Hoàng xem sao. Chưa thể thi hành lệnh này được. Con cùng Vàng Chỉn Cáo chờ ở đây, khi nào có lệnh cha mới được mở. Hễ bọn giặc lên, cứ đánh!

Mã Học Văn lên ngựa, dặn dò quân sĩ canh giữ Cổng Trời rồi phóng đi. Minh giữ dây cương, ghìm cha lại:
– Thưa cha! Cụ Hoàng đã ra lệnh mà cha không tuân, con sợ sẽ mắc trọng tội, thất sủng với cụ, cụ sẽ ra lệnh chém đầu cha. Bao nhiêu tướng lĩnh đã chết dưới lưỡi kiếm của cụ rồi!

Văn ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói với con:

– Cha đã nghĩ đến điều đó, nhưng cũng cần phải thấu hiểu ngọn ngành thì mới thi hành được! Làm người tôi trung, chính trực, không thể mù quáng làm theo lệnh mà không biết thiệt hơn, phải trái. Là người họ Mã, con phải nhớ kỹ điều đó!

Văn nói xong, quay ngựa phóng đi. Minh nhìn bóng cha khuất dần vào hàng cây rậm rạp bên đường, lòng đầy lo lắng.

*

Mã Học Văn phi như bay trên đường. Tiếng vó ngựa giòn giã.

Về đến phố Yên Minh, Văn vào trạm thay ngựa, rồi lại tiếp tục lên đường.

Chiều hôm ấy, Văn đến Phố Cáo. Một thung lũng hiện ra. Cánh rừng thuốc phiện trải dài trước mắt. Những cánh hoa tím lung linh trước gió. Đàn ong bay đi bay lại. Xa xa, núi đá cao vút dẫm ánh nắng hoàng hôn, gieo vào lòng Văn cảnh hùng tráng và cô tịch.

Hết rừng thuốc phiện là những nương bắp. Những cây bắp to, mập mạp, lá múa trong nắng.

Những người đàn bà, lưng dịu quẩy tấu củi, thân hình gầy guộc, quần áo rách tả tơi, đang leo dốc về bản. Những đàn bò cổ đeo mõ lộc cộc trên đường.

Đã bắt đầu lên dốc Thảm Mạ. Văn xuống ngựa, thắt chặt thắng đái, tu thêm hơi rượu, thận trọng leo dốc.

Sáng hôm sau, Văn đã đến thung lũng Sà-Phìn. Một dinh thự nguy nga nằm dưới thung lũng xanh rờn.

Những hàng thông cao vút, thẳng đứng mọc thành vòng tròn bao quanh những nếp nhà đồ sộ, mái ngói đỏ tươi.

Từ ngoài đi vào, phải qua một cổng đá. Khỏi cổng, những bậc đá dẫn vào tiền dinh. Trước tiền dinh, bức đại tự sơn son, có hàng chữ thếp vàng “Biên chinh khả phong”(1). Hai bên là một đôi câu đối khắc vào đá. Một đôi kỳ lân đá chầu trước cổng.

Vào trong, ta gặp sân tiền dinh, làm bằng những phiến đá rộng. Những cột nhà của dinh thự được đặt trên chân đá đẽo hình lục lăng, chạm trổ tinh vi.

Ở trung dinh, ta bắt gặp một hòn non bộ, một chuồng gấu bằng sắt to như gian nhà. Những con gấu đen trũi lừng lững đi lại trong chuồng.

Cạnh dinh, người ta còn xây một bể chứa nước làm bằng đá, nước đủ cung cấp cho một tiểu đoàn dùng hàng tháng.

Những người già kể lại rằng, ngày trước, khi được phong làm bang tá, cha của Hoàng Chí Trung là Hoàng Chí Đạo, đã thuê một thày địa lý nổi tiếng người Trung Quốc đi khắp cả vùng Đồng Văn mênh mông này, xem đất lập “kinh đô” cho đất nước Đồng Văn. Thày địa lý trèo đèo lội suối, đi lang thang hết cánh rừng này đến cánh rừng khác, triền núi này đến triền núi khác, từ Quản Bạ đến Lũng Cú, từ Bát-Đại-Sơn đến vùng Sơn-Vĩ, cuối cùng dừng lại ở đất Sà-Phìn này. Thày nói với Hoàng Chí Đạo:

– Thưa ngài, đây là một mảnh đất có địa thế tuyệt hảo. Giữa thung lũng, một vùng đất nổi lên hình mai rùa, đó là thần Kim Quy. Nếu dựng cơ nghiệp trên đó, sự nghiệp ngài sẽ vững chãi đời đời. Thưa ngài, phía trước mặt, hai ngọn núi kia, đó là hai mâm xôi. Hai mâm xôi ấy nuôi sống con cháu ngài muôn đời. Còn kia, phía sau là bức trường thành vòng cung sẽ ôm lấy dinh thự. Dựa lưng vào đó, không bao giờ họ Hoàng bị sụp đổ.

Hoàng Chí Đạo thưởng công cho thầy rất hậu rồi cho người đi chiêu tập các thợ giỏi từ khắp đất Đồng Văn, những thợ giỏi nổi tiếng từ bên Tàu sang bắt tay vào xây dựng dinh thự.

Những tấm đá nặng hàng chục tấn, không hiểu những người thợ, những người phu làm thế nào mà đưa được về để đẽo gọt thành những cột đèn, những chân cột, những tấm lát sân. Những cây thông đá hàng hai ba người ôm được xẻ ra làm cột, làm cửa.

Làm dinh đã tốn công, đến khi xây hai lô cốt bằng đá và một bức tường dày hàng thước bao kín xung quanh dinh thự còn tốn công tốn sức hơn nhiều. Người ta đồn rằng, dinh thự xây trong 3 năm, số phu tới hàng ngàn người. Hàng ngàn người dân vì cung cấp bắp, thuốc phiện, rượu để xây dinh thự đã kiệt quệ phải chết đói.

Sau khi khánh thành dinh thự, Hoàng Chí Đạo cho mời các tay thợ đến. Ngài ân cần cám ơn và thưởng cho mỗi người 2 lạng vàng, 2 lạng thuốc phiện. Những người thợ cúi rạp mình cảm ơn lòng nhân hậu của ngài bang tá. Ngài còn không quên cho ngựa thồ thêm rượu, bắp cho những người thợ mang về nuôi vợ con.

Đoàn thợ vui mừng kéo nhau ra về, vừa đi vừa hát nghêu ngao những bài sơn ca.

Đến một hẻm núi, đoàn thợ bỗng nhiên nghe tiếng vó ngựa rộn vang, rồi một đoàn lính Mèo tủa ra, chặn đường:

– Chúng mày bỏ hết vàng, thuốc phiện ra đây!

Đám thợ sợ hãi trả hết số vàng, thuốc phiện, mong thoát thân. Nhưng khi thu đủ số hàng xong, đám lính xông vào chém giết không còn sót một người nào, chúng đem xác đám thợ ném xuống một hang sâu, rồi mang vàng, thuốc phiện về trao lại cho Hoàng Chí Đạo. Đạo vui mừng vì kế độc đã làm xong, vừa thu hồi đủ tiền bạc, vừa giữ kín những bí mật thiết kế dinh thự…

Đúng như lời thày địa lý nói, từ đó, Hoàng ngày một bành trướng, trở thành dòng họ lớn nhất ở đất Đồng Văn, tiền bạc như nước. Hoàng thiết lập triều đình với đủ các loại văn võ bá quan…

Mã Học Văn đi vào cổng. Một người nhỏ nhắn, trắng trẻo, trông như thư sinh, đội chiếc mũ cát két sụp trước mặt đang ngồi trong cổng, tay cầm một cái vòi cao su to bằng ngón tay cái, cho vào mồm rít rít. Chiếc vòi cao su luồn qua khe tường dẫn vào một dọc tẩu. Trong đó một tên lính Mèo đang tiêm thuốc phiện. Mỗi lần tiêm xong, tên lính lại giật giật cái dọc tẩu. Nhận được hiệu, người nhỏ nhắn bên ngoài lại đưa vòi cao su vào mồm rít mạnh. Hơi thuốc phiện từ trong dọc tẩu, theo ống cao su tuôn vào mồm làm hắn khoan khoái. Đó là Thào Sè Na, đội trưởng, chỉ huy đội cấm vệ của dinh Sà Phìn. Tất cả những ai muốn vào dinh đều phải qua sự kiểm soát của Na. Để tiện việc quan sát, canh gác, Na không nằm bên bàn đèn hút thuốc như mọi người mà thiết kế riêng bộ bàn đèn với chiếc vòi cao su độc đáo.

Thoáng trông thấy bóng Mã Học Văn, Thào Sè Na vội vã chạy ra, cung kính chào rồi tự tay dắt con ngựa hồng vào tàu.

Học Văn đi qua ba lần cổng vào trong dinh. Sùng Vạn Lù, võ sĩ bảo vệ Hoàng, ra vái chào Văn rồi thưa:

– Lão quan vừa mới tiếp ngài Cắm Sìn, sứ giả của quân đội Nhật, xin mời tướng quân vào!

Văn được để nguyên vũ khí, vào hậu dinh. Một cảnh tượng lộng lẫy hiện ra trước mắt. Trên tường, cạnh những bức gấm thêu, treo bức ảnh lớn. Ảnh chụp Hoàng Chí Đạo đang đi cùng hàng với toàn quyền Pa-ski-ê và vua Khải Định khi cắt băng khánh thành cầu Pôn-đu-me(1) ở Hà Nội. Đạo mặc áo gấm, đầu đội mũ cánh chuồn, ngực đeo mề đay “Bắc đầu bội tinh”. Phía tường bên kia, những bức tranh bằng gấm thêu tranh mai, lan, cúc, trúc. Trên tường, một thanh gươm bọc trong vỏ sơn son thiếp vàng…

Ở gian bên, trên sập gụ chân quỳ khảm trai, bày một bộ bàn đèn sang trọng, dọc tẩu bịt đầu rồng bằng bạc sáng loáng, xe bằng gỗ mun đen bóng, có chỉ vàng uốn quanh. Khay cũng bằng gỗ mun đen, khảm hai câu đối xà cừ. Trên khay, một chiếc đèn bầu pha lê trong suốt đựng dầu lạc vàng sánh. Chiếc bấc trắng ngoi trên ống muống được giữ bằng đồng tiền bạc. Ngọn lửa trắng hình búp nhọn thẳng đứng. Que nạo, que tiêm bằng inox. Một con dao cạo nhỏ hai lưỡi. Một tượng nhỏ “Quan Công phi ngựa trên cầu” bằng đồng đen.

Bên cạnh khay là bộ trà với chiếc ấm giỏ tích nhỏ đan bằng mây sơn dầu, bốn chén hạt mít bịt bạc.

Sập trải chăn len màu xanh. Một chiếc gối cao phủ gấm xanh, thêu con chim đại bàng đang bay lượn quanh đỉnh núi cao.

Bên bàn đèn có hai người đang nằm. Một người có nước da hơi xanh, cái mũi nhỏ không cân đối với đôi tai to. Đôi mắt xếch dưới đôi lông mày xếch, hơi nheo nheo trước ánh sáng mặt trời. Đường gân xanh ở thái dương giật giật. Sau mấy hơi thuốc phiện đôi mắt đó có vẻ tinh ranh. Trán hằn nếp nhăn, bộ mặt đanh, nghiêm, toát ra vẻ uy quyền. Người đó mặc chiếc áo va-rơi dạ đen Mông Tự, quần tây ga-ba-đin Mỹ vàng. Đôi tất len bó đôi chân. Mái tóc xanh cắt ngắn. Một bộ ria đen chạy trên mép. Đó là Hoàng Chí Trung. (Mọi người thường gọi là Hoàng). Bên cạnh một người phụ nữ Kinh lai Hoa, có thân hình tròn lẳn, mái tóc quăn làn sóng tự nhiên, cái mũi dọc dừa thanh tú, đôi mắt xanh biếc, da trắng, gò má chín hồng. Người đó có vẻ đẹp sắc sảo, rừng rực như thiêu đốt. Đó là người vợ ba của Hoàng, tên Trương Thị Mỹ Thuận. Mụ tiêm thuốc cả hai tay rất cừ. Những ngón tay vê thuốc uyển chuyển.

Trông thấy Mã Học Văn, Hoàng ngừng rít thuốc, khẽ nhổm dậy, hai tay nâng dọc tẩu, nói giọng sang sảng, tiếng Mèo pha tiếng Pháp:

– Xin chào Mờ-xi-ơ ! Mời lão tướng! Hút thuốc xong ta sẽ nói chuyện!

Không muốn cắt đứt bữa thuốc của Hoàng, Học Văn trở về góc phòng, ngồi vào bộ ghế sa lông lót gấm, đặt chân lên tấm da hổ trải trên nền nhà gỗ đánh véc-ni bóng. Tiếng Hoàng rít thuốc ro ro, khói thuốc bay ra tỏa mùi thơm ngào ngạt, say say. Hình ảnh Hoàng chập chờn, chập chờn sau khói thuốc, đưa Văn vào những suy tưởng mung lung. Mảnh đất Đồng Văn với những dòng họ, những con người thoáng chạy trước mắt Văn như những hình trên đèn kéo quân…

*

Hồi “Thái Bình Thiên quốc”(1), sau khi thất bại trong việc đánh lại quân Thanh, ba tướng của Thái Bình Thiên quốc là Ngô Côn, Hà Quốc Tường, Hoàng Sùng Anh dẫn một số quân sang trốn ở Đồng Văn. Người ta gọi số quân này là quân Cờ Vàng.

Hoàng Tổng Đề, một tộc trưởng người Mèo, lãnh đạo dân Đồng Văn đánh quân Cờ Vàng.
Hai bên đang kịch chiến thì quân Pháp tiến lên đánh Đồng Văn.

Trước tình thế đó, coi quân Pháp là nguy hiểm hơn, Tổng Đề cho sứ giả sang thương thuyết với Hoàng Sùng Anh, liên hiệp với quân Cờ Vàng, đánh Pháp. Sùng Anh nhận lời. Hai bên hợp quân đánh Pháp kịch liệt. Pháp không chiếm được Đồng Văn.

Pháp mua chuộc các tù trưởng người Mán, người Mèo làm phản. Quân Cờ Vàng thua, Hoàng Sùng Anh bị bắt và bị giết. Pháp chiếm được phía nam Hà Giang. Quân của Tổng Đề rút về giữ núi Cắn Tỷ. Đã nhiều lần cho quân đánh lên nhưng không vượt qua được khỏi Cắn Tỷ, Pháp nghĩ mưu dùng nội phản.

Một bộ hạ Tổng Đề là Hoàng Tứ Hình phản bội chủ, phản bội người Mèo, đưa quân Pháp từ phía Bảo Lạc đánh vào sườn phía đông Đồng Văn. Tổng Đề thua. Pháp chiếm Đồng Văn, phong Hoàng Tứ Hình làm Chánh tổng. Năm 1900, một số sĩ phu yêu nước lãnh đạo các dân tộc ở rừng núi Bắc Bộ khởi nghĩa chống Pháp. Thất bại, những người này chạy lên Đồng Văn, gây cơ sở hoạt động. Tứ Hình dẫn quân Pháp tiêu diệt những người này. Thắng lợi Hình được Pháp phong làm bang tá, cai quản đất Đồng Văn. Mười năm sau, một nông dân Mèo là Sùng Mí Chảng, không chịu được cảnh áp bức, lãnh đạo dân Mèo khởi nghĩa chống Pháp và Hình. Lúc này, Hình đã già, sức yếu, liền cho con là Hoàng Chí Đạo chỉ huy lính dõng Mèo, cùng lính Pháp dẹp khởi nghĩa của Chảng. Nghĩa quân yếu dần và thất bại. Sùng Mí Chảng bị Đạo bắt. Đạo được Pháp thưởng mề đay “Bắc đẩu bội tinh”, phong làm bang tá, thay bố cai quản đất Đồng Văn.

Lên làm bang tá, Hoàng Chí Đạo cho xây dinh thự Sà Phìn, gả con gái là Hoàng Thị Chính cho Dương Thụ Nghĩa, một thổ ty lớn cai quản đất Mèo Vạc, rồi cùng Dương tiêu diệt dần các thổ ty nhỏ, phát huy thanh thế và áp bức dân Mèo đến tận xương tủy. Đạo còn truy tìm những bộ hạ của Sùng Mí Chảng, chu di tam tộc. Một bộ hạ tin cẩn của Sùng Mí Chảng là Vàng Sấy Hòa chạy sang Tầu làm ăn sinh sống, chờ thời cơ trả thù.

Năm 1940, Hoàng Chí Đạo già, sắp về hưu, phải chọn một trong ba con trai thay mình làm bang tá cai quản đất Đồng Văn. Thế là giữa ba anh em có những âm mưu ngấm ngầm hại nhau, tranh giành “ngôi báu”.

Về danh chính ngôn thuận, người con cả là Hoàng Xu Đô sẽ được thay cha. Nhưng Đô tính tình không giảo quyệt bằng người con thứ hai là Hoàng Chí Trung.

Năm 20 tuổi, Trung đã học thông tiếng Pháp, làm thông ngôn cho quan hai Vác-Xen chỉ huy đồn Phó Bảng. Vì khéo tâng bốc, ca ngợi, nịnh nọt Vác-xen, hắn được Vác-xen nhận làm con nuôi.

Lúc này hắn thấy chỉ có dựa vào bố nuôi mới hòng làm lung lạc bố đẻ, đánh bại anh. Hắn dùng món tiền lớn đút lót bố nuôi. Y như rằng, tên Vác – Xen liền cho gọi Chí Đạo lên đồn, tuyên bố dứt khoát là người Pháp chỉ công nhận chức bang tá của họ Hoàng nếu như chức đó về tay Hoàng Chí Trung. Thế là, Trung nghiễm nhiên thay bố làm bang tá.

Lên làm bang tá rồi, nhưng hắn vẫn lo. Biết đâu, anh và em trai chả liên kết với nhau ám hại mình. Nghĩ thế, với quyền hành trong tay, hắn liền cử Hoàng Xu Đô sang Mèo Vạc mở sòng bạc, và làm sứ giả của Hoàng bên họ Dương. Nhất cử lưỡng tiện: vừa dùng Đô làm do thám, thăm dò lực lượng, sẵn sàng tính kế tiêu diệt Dương, vừa nhờ bàn tay kẻ thù khử Đô khi cần thiết.

Còn đứa em trai là Hoàng Sinh Chủ, hắn tìm kế ám hại. Một dịp may đã đến. Sinh Chủ bị ốm. Trung cho gọi một tên thày lang châm cứu giỏi đến. Sau khi đuổi tất cả mọi người ra khỏi phòng, hắn khẽ nói với người thầy lang:

– Ta nói với ngươi một chuyện bí mật này, nếu ngươi để lộ ra, ta sẽ chém đầu ngay lập tức. Thằng Chủ ốm nặng, ta muốn nhờ bàn tay ngươi khử nó đi một cách êm thấm. Ngươi hãy vì ta mà làm việc này. Ta hậu tạ.

Tên lang tái mặt, lúc lâu mới dám thưa:

– Ác giả ác báo. Nếu ta làm nó chết đi, rồi xuống âm phủ nó sẽ oán cả ngài lẫn tôi! Chi bằng ngài cho phép tôi làm cho nó câm điếc dốt nát, nó chẳng có chí để cướp ngôi báu của ngài!

Trung gật đầu. Thế là khi châm cứu chữa bệnh cho Chủ, tên lang đã tìm huyệt hiểm châm, làm cho Chủ bị câm và điếc.

Dẹp yên được các mối đe dọa tiếm quyền trong gia đình, Hoàng bắt tay vào thu phục các tướng lĩnh, các tổng giáp, mã phài có tài và thế lực, thực hành một chính sách gia đình trị rất chặt chẽ. Các con rể hắn đều trấn ngự nơi hiểm yếu! Giàng Vạn Sùng ở Lũng Cú, Cù Máo Kẻ ở Phố Cáo, Sùng Mí Chiu ở Sà Phìn.

Sau con rể, người mà Hoàng tin cậy đầu tiên là Mã Học Văn. Tuy là khác họ, nhưng Văn là tay giang hồ mã thượng, đã từng làm tướng chỉ huy quân từ lâu năm, dưới “triều” Hoàng Chí Đạo. Trước khi làm tướng cho Đạo, Văn trấn ngự cả vùng Sủng Là, nhiều phen đánh quân Tàu trắng và phỉ vùng biên giới này. Vì dòng dõi họ Mã không được Pháp trọng dụng, lại không ăn ý với châu đoàn Nguyễn Toại, có lần Văn dã bị Pháp bỏ tù ở Hà Giang, nên Văn không được làm bang tá. Biết tài chinh chiến của Văn, Hoàng thu phục, coi Văn như phó vương, tổng chỉ huy quân đội của mình. Văn có hai con trai. Muốn con đời đời nối nghiệp mình chỉ huy quân Hoàng, Văn cho mỗi con học một thứ: Mã Chính Minh theo Nho học, Mã Chính Lâm theo Tây học. Ngay từ bé, Minh, Lâm đã được trau dồi quân sự, binh đao.

Các tướng khác, mỗi người một cách, đều được Hoàng thu phục.

Sùng Vạn Lù, võ nghệ cừ, được phong làm vệ sĩ, chỉ huy đội quân cận vệ, suốt ngày đêm túc trực bên Hoàng, bảo vệ Hoàng. Hầu Vạn Quả lãnh việc ngoại giao. Sùng Mí Chiu lãnh việc kinh tế. Giàng Vạn Sùng, chỉ huy mặt trận phía bắc ở Lũng Cú. Vàng Chỉn Cáo chỉ huy mặt trận phía nam, trấn ải ở Cổng Trời. Thào Sè Na chỉ huy quân cấm vệ dinh Sà Phìn. Các tổng giáp Giàng Sè Páo, Vàng Vạn Ly đều được Hoàng trọng dụng, cai quản các địa phương.

Hoàng ra sức củng cố quân dội. Năm nghìn quân thường trực được trang bị súng ống đầy đủ. Năm nghìn quân dõng ở các địa phương được chia ruộng đất, hàng vạn dân Mèo tự trang bị súng trường, súng kíp, tự do mua súng đạn bảo vệ làng bản của mình.

Nhật đảo chính Pháp. Quân Pháp ở Đồng Văn phải rút đi sang Trung Quốc, liền giao toàn bộ vũ khí và các đồn dọc biên giới cho Hoàng. Hoàng có thêm súng trang bị cho quân đội và lính dõng của mình.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍

Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn