Việc Quốc hội lấy trưng cầu dân ý, lúc đầu tôi cũng như mọi người, thấy hay hay vì có vẻ như dân đen như mình được “tăng giá”. Nhưng rồi trong quá trình góp ý cho hiến pháp, người dân thì âm thầm còn đám “lật pháp” thì làm đủ chiêu, đủ trò tung hỏa mù khắp nơi. Ngẫm lại thì thấy thực ra đa số người dân đâu có quan tâm đến những vấn đề “cao siêu” như Hiến pháp, làm luật bởi lẽ đó không phải là chuyên môn của họ. Người dân đã bầu ra các vị ĐBQH là để thay họ làm điều đó, miễn sao tốt cho cuộc sống người dân, tốt cho đất nước. Ấy vậy mà bây giờ người ta lại vận động cho việc “toàn dân phúc quyết” các vấn đề của Hiến pháp, của đất nước. Nghe qua thì rất hấp dẫn, tương lai ngời sáng (như lời gạ gẫm của mấy chú bán hàng đa cấp vậy) nhưng nghĩ kỹ thì có gì đó không ổn. Trên thế giới này, kể cả các siêu cường, có nước nào làm điều đó? Không. Bởi lẽ “sống đông không phải là chân lý”! Một đoàn tàu thì chỉ có 1 đầu kéo thôi chứ làm sao tất cả các toa đều gắn động cơ tự chạy được? Nhìn qua Thái Lan, chỉ vì vài gói mì gói của các nhà tư bản, dân chúng sẵn sàng xuống đường biểu tình, đánh nhau gây biết bao tổn hại cho đất nước. Chủ trương, chính sách đúng có lúc như loài cây ngắn ngày, nhưng cũng có khi như loại cây ăn trái dài ngày, không có tầm nhìn chiến lược thì đâu thể thấy. Đại đa số người dân thì làm sao có được tầm nhìn như thế? Các tầng lớp lãnh đạo, đại biểu quốc hội là thành phần ưu tú của xã hội nhưng lại chỉ chiếm thiểu số. Nếu họ đưa ra một chủ trương đúng đắn mà đa số người dân, ở mức trí lực thấp hơn, không hiểu được thì lại “xôi hỏng bỏng không”. Đó là thứ dân chủ quá trớn, dân chủ cào bằng giá trị. Chưa kể, với tiềm lực tài chính khổng lồ của các thế lực chống phá, các lá phiếu của người dân sẽ dễ dàng bị chi phối để tự tay mình đào hố chôn những điều tốt đẹp cho mình, cho đất nước. Cùng quan điểm như vậy, giới thiệu với các bạn bài viết dưới đây.

Dương Trung Quốc đòi quyền phúc quyết cho dân – Tác giả: Đông La
Cũng trong bài Hiến pháp ‘treo’ đến bao giờ? trên VNnet, Dương Trung Quốc nói:
“Tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất ta phải giải quyết là tình trạng “treo” Hiến pháp… Trong các bản Hiến pháp đã đề cập rất nhiều vấn đề liên quan đến quyền của người dân, trong đó có quyền dân thể hiện quyền phúc quyết của mình. Vậy nhưng ta vẫn cứ treo suốt 68 năm qua… Thứ nhất, quyền tự do hội họp và biểu tình … Thứ hai là quyền lập hội… Thứ ba là trưng cầu dân ý, vấn đề phổ quát của toàn thế giới … Nhưng cho đến giờ vẫn chưa có công cụ ấy. Vậy người dân thể hiện ý nguyện của mình ở diễn đàn nào, định lượng như thế nào? Không có. Bất kỳ lúc nào ta cũng nói đến chuyện ý kiến nhân dân, nhưng toàn là chuyện nhân danh cả thôi.

Nói như vậy “Nghị Quốc” lại huyên thuyên, sai thực tế rồi! Nước ta ngoài Mặt trận Tổ quốc, còn có biết bao hội đoàn. Như về chính trị xã hội có Hội Nông dân, Công đoàn, Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh Niên, Đội Thiếu niên Tiền phong. Lĩnh vực sáng tạo, truyền thông có Hội Nhà Văn, Hội Nhà báo, Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật. Các ngành nghề cũng có biết bao hiệp hội, từ giày da, thủy sản, xây dựng,… đến Hội chim, cá, cây kiểng, Hội câu cá v.v… (cả Hội sử học của ông DTQ nữa – NTT).
Xem chừng chỉ còn thiếu Hội Phản động, Hội Chống đối, Hội Quấy rối là chưa có quyền được lập mà thôi! Khi nói “toàn là chuyện nhân danh cả thôi”, Dương Trung Quốc đã xổ toẹt hoàn toàn tính dân chủ trong xã hội VN hiện tại.

Về quyền Phúc quyết của người dân xuất phát từ nền dân chủ trực tiếp.
Thuật ngữ kinh điển là dân chủ thuần túy (pure democracy). Các công dân trực tiếp bỏ phiếu thông qua nhiều luật, trực tiếp bầu ra Hội đồng lập pháp. Qua Trưng cầu dân ý nhân dân có quyền bỏ phiếu phủ quyết sự ban hành luật cũng như có quyền bãi nhiệm những người đã được bầu ra.
Còn trong nền dân chủ đại nghị, những đại biểu được bầu ra theo định kỳ, được trao quyền tối cao và được tự do thi hành chức trách.
Theo Wiki., lịch sử dân chủ bắt đầu từ La Mã cổ đại khoảng năm 449 TCN. Dân chủ trực tiếp được áp dụng cho một quy mô nhỏ. Dân chủ Athen, vào lúc cao trào, có khoảng 30.000 cử tri (chỉ các công dân nam trưởng thành tự do). Với phạm vi lớn thì khó thực hiện dân chủ trực tiếp. Ngày nay, với hỗ trợ của Internet, thì có thể.

Thụy Sĩ là một nước nhỏ, diện tích trên 41.000 km², dân số hơn 7 triệu, có điều kiện và là ví dụ điển hình nhất đã thực hiện một nền dân chủ trực tiếp.

Mặt tốt của nền dân chủ trực tiếp là chống độc quyền, chống tham nhũng và thiếu minh bạch. Ở nền dân chủ trực tiếp, các đảng chính trị không thực sự có quyền, bởi vì người dân có quyền có quan điểm riêng.
Còn mặt xấu của dân chủ trực tiếp là ở tính thực tế và hiệu quả. Việc quyết định các vấn đề quan trọng trong nhân dân bằng cách trưng cầu dân ý trực tiếp thường chậm chạp và tốn kém. Ở Thụy Sĩ, trong suốt 120 năm qua, có hơn 240 lần quyền đề xướng luật lệ được đưa ra trưng cầu dân ý. Nhân dân chỉ chấp nhận khoảng 10% số đề xướng đó. Việc lặp lại những vấn đề thông thường và không quan trọng gây ra sự thờ ơ trong công chúng, còn những vấn đề quan trọng thì lại vượt tầm hiểu biết của họ. Đặc biệt với trình độ chính trị hạn chế, quần chúng rất dễ bị cuốn vào những lời lẽ thuyết phục mang tính mị dân.

Với nước Mỹ, dân chủ trực tiếp đã bị những người lập bản Hiến pháp phản đối mạnh mẽ. Họ nhận thấy sự nguy hiểm trong việc nhóm đa số sẽ áp đặt nguyện vọng của họ lên nhóm thiểu số. Nên họ đã đưa ra một nền dân chủ đại nghị với hình thức một nền cộng hòa lập hiến. Theo Hiến pháp Mỹ, người dân bầu ra đại cử tri và chỉ có đại cử tri đoàn mới có quyền bầu chọn tổng thống trực tiếp. Số phiếu đại cử tri là 538, bằng tổng số Thượng nghị sĩ (100) cộng với tổng số Hạ nghị sĩ (435) và 3 người thuộc Đặc khu Columbia. Một ứng viên giành được tối thiểu 270 phiếu là thành Tổng thống Mỹ.

Trong bài DÂN CHỦ LÀ GÌ, một Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 9/1998 đã ÐỊNH NGHĨA DÂN CHỦ:
“Những người Aten cổ đại, những người lập ra thể chế dân chủ đầu tiên, đã thực hiện kiểu dân chủ trực tiếp với một hội đồng bao gồm số lượng thành viên từ 5.000 đến 6.000 người- có thể đây là số lượng tối đa để có thể tập hợp được ở một địa điểm và thực hiện sự dân chủ trực tiếp.
Xã hội hiện đại, với quy mô và tính phức tạp của nó, ít có cơ hội cho dân chủ trực tiếp. Ngày nay, dù là đối với một thị trấn 50.000 người hay một đất nước trên 50 triệu người, hình thức dân chủ phổ biến nhất là hình thức dân chủ đại diện trong đó công dân bầu ra các công chức là những người đưa ra các quyết định chính trị, xây dựng pháp luật và quản lý các chương trình vì lợi ích công cộng”.
Như vậy, dựa trên cơ sở nào ông Dương Trung Quốc nói: “trưng cầu dân ý”“vấn đề phổ quát của toàn thế giới”!

Với nước ta dân chủ trực tiếp không phải là điều lạ. 1946, Bác Hồ đã duyệt bản Hiến pháp của nước VN mới có ý: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo” theo đúng nguyên lý của một thể chế dân chủ cộng hòa.
Cùng với việc giải tán Đảng rồi hoạt động với tên khác, việc đưa ra bản Hiếp pháp như thế không chỉ thể hiện bản chất của một xã hội mới mà còn là sách lược ngoại giao để thế giới dễ dàng công nhận một nhà nước VN mới. Còn trong thực tế chiến tranh sau đó, một nền dân chủ trực tiếp không thể thực hiện được ở nước ta. Tất cả những sự kiện trọng đại như Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến lược Giải phóng miền Nam, Chiến dịch Mậu Thân 1968, Chiến dịch chống không kích Hà Nội 12 ngày đêm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, rồi hành trình Đổi mới sau giải phóng, v.v… chúng ta liệu có thể thực hiện được phúc quyết toàn dân, và nếu làm được vậy, liệu có tốt hơn như lịch sử đã diễn ra?

Nước ta hiện tại khoảng 70% nông dân, rồi công nhân, tiểu thương. Vì thế số lượng người có trình độ thấp lớn hơn thành phần trí thức rất nhiều. Mà trí thức nước ta trong những ngày hôm nay y như bị đột biến gen bởi cái chủ nghĩa cơ hội lại nảy ra một nhóm nhỏ, cái nòi trí thức vừa dốt, vừa ác. Mà khi phúc quyết, kết quả sẽ thuộc về đa số. Như vậy kết quả phúc quyết tùy thuộc vào sự lựa chọn của những người có trình độ thấp liệu có đúng, có tốt? Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, với những vấn đề hệ trọng, đám đông không phải chỗ đi tìm chân lý. Với Triết học Mác cũng nói rõ sức mạnh quần chúng là động lực của cách mạng nhưng hướng đi như thế nào thì quần chúng lại phải được dẫn dắt bởi trí tuệ của các nhà lãnh đạo cùng tầng lớp tinh hoa của xã hội. Vậy thực hiện phúc quyết toàn dân có phải là điều hệ trọng nhất mà xã hội VN đang thiếu?

Vừa rồi, chuyện bầu bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, chỉ trong nội bộ BCH Trung ương mà quyền phúc quyết cũng bộc lộ điểm yếu của nó. Trong bài ‘Quan trọng là chọn nhân sự có đúng hay không‘ – VietNamNet, trong buổi TBT Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ cử tri của Quận ba Đình, ông Lâm Thắng (phường Thanh Công) băn khoăn: “161 ủy viên Trung ương còn lại không ai đủ tiêu chuẩn để bầu vào Bộ Chính trị hay sao?”. TBT Nguyễn Phú Trọng cũng thừa nhận sự không hài lòng về kết quả đó:
“So với yêu cầu về số lựợng thì chưa đạt, cái đó TƯ cũng không hài lòng. Nhưng cơ chế bầu của chúng ta là phải có số dư, trong không khí dân chủ này phải có số dư. Bây giờ đang nói là chọn cán bộ không nên chỉ có độc diễn, phải có nhiều số dư để có sự lựa chọn. Thế là đôi khi lại bị phân tán. Phải tôn trọng các ý kiến đưa ra”.
Với một phạm vi rất nhỏ và rất tương đồng là Ban Chấp hành Trung ương mà còn bị “phân tán” thì với phạm vi cả nước mấy chục triệu người (đủ tư cách), với đủ các thành phần, trình độ và nhân cách khác nhau thì sẽ “phân tán” đến đâu?!

Vậy mà không chỉ Dương Trung Quốc, cũng theo Vietnam.net: “Góp ý dự thảo Hiến pháp sửa đổi chiều 16/11, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đề xuất phải khẳng định quyền phúc quyết của dân với Hiến pháp”. Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường: “Tôi trân trọng đề nghị QH, UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp và cơ quan hữu quan hãy tin tưởng vào sự lựa chọn, phúc quyết của nhân dân. Nếu được như vậy thì bản Hiến pháp này sẽ đi vào lịch sử”.
Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), quyền phúc quyết là người dân có quyền quyết định cuối cùng về những vấn đề trọng đại của đất nước. Nó khác với việc nhà nước đứng ra lấy ý kiến nhân dân để đi đến quyết định của mình như trưng cầu ý dân.

☺☻☺

Tóm lại, dân chủ trực tiếp thể hiện được những nguyện vọng, ý chí của nhân dân, nhưng nếu trình độ và trách nhiệm công dân thấp, nguyện vọng đó sẽ bị định hướng lệch lạc. Còn dân chủ đại diện, ý chí, nguyện vọng của nhân dân lại tuỳ thuộc vào tài đức người đại diện. Do đó, cần phải kết hợp cả dân chủ trực tiếp lẫn dân chủ đại diện mới thực hiện được tốt nhất quyền làm chủ của nhân dân.

Phúc quyết hay không? Phúc quyết cái gì và như thế nào? Tất cả phải căn cứ vào thực tế, phù hợp hay không phù hợp, phải trả lời được câu hỏi kết quả phúc quyết theo hướng xấu thì phải làm thế nào? Còn không cái gì cũng cứ phúc quyết, coi phúc quyết toàn dân là chuẩn mực tìm ra chân lý sẽ trở thành những tín đồ của một thứ chủ nghĩa giáo điều mới, giáo điều dân chủ, như từng có những tín đồ giáo điều của Chủ nghĩa Mác, từng gây ra những hậu quả trầm trọng. Lúc ấy thực hiện dân chủ thì lại thành hại dân! Còn cái bọn nhân danh dân chủ chỉ vì tham vọng của cá nhân và băng nhóm thì chỉ là trò mị dân mà thôi!

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍