Dư luận đang ì xèo về cái gọi là Thư ngỏ của 61 đảng viên CSVN. Nội dung chủ yếu là yêu cầu cấp bách “chuyển đổi thể chế từ toàn trị sang dân chủ”“thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc”. Lý do là “tổ quốc đang lâm nguy đồng thời đứng trước cơ hội lớn để thay đổi”. Trong bối cảnh thế giới và nội tình đất nước hiện nay, việc xảy ra như thế không là chuyện lạ. Có điều là vận mệnh một dân tộc không thể như con súc sắc nằm trong cái bát úp dưới bàn tay ma của một tên cầm cái vây quanh là lũ chim mồi.
Ảnh minh họa: Một số nhà “rận sĩ chấy thức” tiêu biểu.

Thực sự trong 61 người ký tên, duy chỉ một lão thần Nguyễn Trọng Vĩnh xứng đáng với danh xưng lão thành cách mạng vì lão công là lớp người nằm gai nếm mật–khai sơn phá thạch, làm nên Cách mạng tháng Tám: “Dân ta đã đánh đổ xiềng xích thực dân hàng trăm năm, dựng nền độc lập và đánh đổ chế độ quân chủ hàng mấy mươi thế kỷ, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa” (Tuyên ngôn độc lập). Lão công lại có thâm niên đại sứ lâu nhất tại Trung Quốc vào thời điểm họ đã lật ngửa lá bài trong quan hệ với Việt Nam, hẳn nhiên lão công biết nhiều điều để góp ý với lớp lãnh đạo hậu sinh tìm ra đối sách với người láng giềng có truyền thống tiền hậu bất nhất với các lân bang. Tuy nhiên xin lão phu cẩn trọng trong mối quan hệ chính trị với hàng con cháu thời nay. Chỉ cần có lão công chống gậy đi đầu và họ kéo nhau theo… Xong việc họ sẽ gạt người sang lề! Xem ra cách hành xử của vị “anh cả” Võ Nguyên Giáp đã như tấm gương lớn của các bậc lão thành cách mạng.

Trong số 60 đảng viên còn lại, đa phần được Đảng cho học hành chu đáo, lại được giao cho làm những “đầy tớ trung thành” quan trọng của nhân dân. Trong mấy mươi năm được quyền ăn, quyền nói, quyền gói, quyền mở… các vị đã làm được những gì trong khi các “ông bà chủ” làm đổ mồ hôi sôi nước mắt mà vẫn phải xiết chặt cái dây lưng buộc bụng, đóng góp đủ thứ vào cái thùng ngân khố khổng lồ không đáy, trong đó khoản chi tiêu công có phần để lo cho các vị đang biến thành món nợ quốc gia nặng nề?! Chuyện kể ông Khơrútsốp sau khi lên nắm quyền hành, lúc nào đăng đàn cũng không tiếc lời bôi nhọ phỉ báng “người cha tinh thần” Stalin? Một lần ông ta đang thao thao diễn thuyết, dưới khán phòng có người chất vấn: “Đồng chí khi ấy đã làm gì?”. Ông ta dõng dạc: “Ai vừa hỏi đấy, xin mời lên đây!”. Đáp lại là sự im lặng nặng nề! Ông trọc từng có lần tháo giầy đập thình thình lên bàn trước diễn đàn Liên hiệp quốc đắc thắng lớn giọng rằng: “Khi đó tôi cũng như đồng chí vừa hỏi đó!”. Một lũ vị kỷ đớn hèn như vậy cố kết với nhau thì Đảng nào không tan? liên bang nào không rã? Bây giờ Khơrutsốp đã thành tội đồ lịch sử thời Nga xô viết và hình ảnh Stalin hiện dần lên tối sáng rõ ràng! Những người cộng sản Việt Nam thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, giữa cơn bão giông lịch sử vẫn hướng tới điều chân–thiện–mỹ trong lý tưởng của mình.

Sáu mươi ông bà kia khoe nhiều tuổi đảng, lắm công lao, nhận nhiều trọng trách, lớn tiếng kêu gào “tổ quốc đang lâm nguy” với mục đích gì? Phải chăng các vị vừa dọa kẻ non gan vừa kích động bọn người quá khích? Đúng là xã hội có rối ren chớ nếu tổ quốc lâm nguy thật thì trong số bấy nhiêu người liệu còn mấy ai kề vai sát cánh chung sức chung lòng với bà con quê hương giữ nước? Các vị không ngây thơ gì để hiểu rằng qui luật quản lý xã hội thời chiến khác hẳn thời bình. Như hồi tháng 5 vừa qua, khi Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển nước ta làm biển Đông và lòng người Việt Nam cùng dậy sóng. Nhà cầm quyền để nhân dân tự do thể hiện tình cảm yêu nước bằng những cuộc biểu tình tự phát. Nào ngờ nhiều đám đông không kiểm soát nổi biến thành những vụ cướp phá manh động gần như là bạo loạn khiến các nhà đầu tư hoảng hốt, nhiều cơ sở sản xuất bị đình trệ, công nhân thì không có việc làm mà nhà nước lại tốn kém để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư yên tâm phục hồi sản xuất. Một số kẻ nông nổi quen thói quậy phá tham lam dại dột phải ngồi tù trong khi những kẻ cầm đầu giấu mặt kịp thời thu mình lại nghe động tĩnh… Lúc tình hình lắng dịu chúng lại bày ra trò khác. Người thực lòng có tâm với nước biết ứng xử hợp lẽ mọi lúc mọi nơi.

Bằng những lời dụ ngọt mê hoặc lòng người: “Tổ quốc ta đang đứng trước cơ hội lớn để thay đổi!”. Cơ hội đó là gì? Phải chăng là cơ hội để “thoát Trung”? Và quay qua “ôm chân người Mỹ”? Tình hình thế giới biến động tưởng như khó hiểu. Chỉ một đêm ngủ dậy bạn chợt biến thành thù và thù thành bạn! Sự vận động của thế giới đa cực là như thế! Nhưng cái tình nghĩa ấy xây dựng trên cơ sở nào? Lại là sự xin-cho sau khi ngã giá và ai đó tự biến thành một loại tay sai kiểu mới?!

Trong quan hệ với Trung Quốc, đảng CSVN đã “thoát Trung” không chỉ một lần. Sau CMT8, với Hiệp định sơ bộ 6/3/1946, Cụ Hồ chấp nhận cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc thay thế cho 200.000 quân Tàu Tưởng rút về nước. Trước sự nghi ngờ của nhiều người, Cụ giải thích với Quốc hội rằng: “Các vị quên lịch sử đất nước ta rồi sao? Nếu quân Tưởng ở lại thì chúng sẽ ở lại hàng ngàn năm!”. Hơn 10 năm sau, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của ta đang rất cần sự chi viện toàn diện nhưng Cụ Hồ đã kịp đẩy lùi về bên kia biên giới hàng chục vạn binh lính và lực lượng công nhân Trung Quốc đang rầm rập kéo sang với lời từ chối khéo: “Nợ tiền bạc chúng tôi còn có thể trả nhưng nợ xương máu thì không bao giờ trả được!”. Cụ biết tỏng Tàu “đen”, Tàu “đỏ” đều một lòng dạ như nhau. Nếu không “thoát Trung” sao ta đã “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” mặc dù người đồng chí chỉ chấp nhận chi viện cho ta “đánh ở cấp trung đội” thôi! Sau năm 1975, nếu không “thoát Trung” thì sao ta dẹp được bọn đồ tể Khmer đỏ, cứu dân tộc Campuchia khỏi nạn diệt chủng? Và sau đó nếu không “thoát Trung” làm sao ta rũ bỏ được cuộc chiến tranh biên giới ác độc dai dẳng ở cả hai đầu đất nước giữa lúc cuộc cấm vận khốc liệt đồng thời với chính sách cô lập hóa Việt Nam của người Mỹ như một sự tiếp tay hữu hiệu? Sau cuộc chiến tranh xâm phạm biên giới phía Bắc, hiến pháp nước CHXHCNVN xác định: “Trung Quốc là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất”! Nhưng sau khi hai bên “bình thường hóa quan hệ” thì phải gác lại một bên. Tuy nhiên trong mỗi tình thế khác nhau, tầm cỡ lãnh đạo khác nhau, ta có những hớ hênh vì lơ là cảnh giác hoặc bị gài thế đành bị động chấp nhận những thiệt thòi mất mát đớn đau! Nhưng “thoát Trung” không có nghĩa là “bài Trung”, cũng như đánh Pháp mà không bài Pháp, đánh Mỹ mà không bài Mỹ. Thái độ bài ngoại rất xa lạ với tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng là một trong những nguyên nhân đưa đến thắng lợi của CMVN. Bởi vị trí địa lý đặc biệt mà sự tác động qua lại giữa hai bên về nhiều mặt luôn hàm chứa sự lợi hại cả hai chiều. Với các quốc gia lớn mạnh như Mỹ, khối Eurozone, Nga, Nhật đều thèm khát một thị trường tiêu thụ vô tận chiếm hơn 1/6 nhân loại được coi như đối tác thúc đẩy sự phát triển thiết thân của họ. Có điều là từ các cấp lãnh đạo địa phương đến trung ương của ta phải tự nâng tầm vóc của mình lên để khỏi bị thua thiệt và lép vế. Phải chấp nhận thực tế là còn lâu ta mới qua mặt được người láng giềng vĩ đại này. Tuy nhiên ta hoàn toàn không sợ bởi qua lịch sử từ cổ đại, trung đại tới cận đại và hiện đại, họ đã biết “thần vũ” của người Đại Việt. Nhưng “tránh voi chẳng xấu mặt nào” là sách lược đối nhân xử thế ông bà ta truyền lại.

“Thoát Trung” mà các vị nêu ra phải chăng đồng nghĩa với việc vận động một phong trào hãy ngả hẳn theo người Mỹ mà nòng cốt là những người “dân chủ” và các vị không cần giấu mặt?! Với tinh thần “lấy ân trả oán” chúng ta những muốn làm “tiêu vong” món nợ máu xương của tất thảy mọi kẻ thù lịch sử mà người Việt Nam luôn thấm thía rằng món nợ của người phương Bắc chồng chất lên gấp nhiều lần món nợ của người phương Tây. Các vị đều là chứng nhân của một thời kỳ oanh liệt mà gay go nhất của CMVN thì làm sao không hiểu chính quyền Sài gòn trước đây là con đẻ của CNĐQ Mỹ. Ngô Đình Diệm không ngại ngần tuyên bố: “Biên giới Hoa kỳ kéo dài tới vĩ tuyến 17”. Thế rồi không vừa ý chủ, mấy anh em ông Diệm bị chết thảm thương sau 9 năm hương lửa mặn nồng! Nguyễn Văn Thiệu cũng do người Mỹ giở đủ bùa phép dựng lên. Sau 8 năm tỏ ra vô dụng và giữa cơn nước lụt thuyền ai nấy lạo, xô chó xuống dòng nước xiết, thầy tớ bỏ nhau! Sau cuộc “ngoại giao bóng bàn”, quân của Mao đánh chiếm quần đảo Hoàng sa dễ dàng như lên đảo không người trước mũi hạm đội VII khổng lồ án binh bất động! Đó là tiếng kèn báo tử cho đội quân tay sai hàng triệu người còn nguyên các phiên chế chiến đấu với các phương tiện chiến tranh tối tân hiện đại mà chỉ một trận tổng tiến công lịch sử của quân GPMNVN chưa đầy hai tháng đã như “cơn gió to quét sạch lá khô”, bày đàn chim muông tan tác! Đến phút chót, viên Tổng Thống tay sai nghẹn ngào uất ức thốt lên: “Các ông là một đồng minh vô nhân đạo với những hành động vô nhân đạo” thì đã muộn rồi! Thân phận của viên Thủ tướng Campuchia Sirik Matak còn bi thảm hơn. Trước khi nhận cái chết trước họng súng của quân Khmer đỏ, ông ta mới nhìn rõ ra thực chất của nền dân chủ Mỹ: “Chúng tôi cần sự bảo vệ của các ông nhưng các ông đã từ chối! Tôi chỉ mắc mỗi sai lầm là đã tin tưởng các ông!”. Cũng bằng chính sách ngoại giao kiểu Mỹ, chợt cái đùng, người bạn tình suốt 25 năm là đảo quốc Đài Loan bị tung hê khỏi cái ghế thường trực Hội đồng bảo an LHQ và thay ngay vào đó là kẻ đại thù Trung Hoa lục địa! Giờ thì ai cũng biết sự việc ấy xảy ra sau cái bắt tay ngầm cùng hạ gục đối thủ Liên Xô!

Trong thế giới đa cực hiện nay, mọi sự thay đổi đảo điên không ai lường trước được. Tinh thần “bác ái” bị khuất lấp bởi tinh thần thực dụng: “Lợi ích quốc gia là tối thượng”! Sự liên kết của cộng đồng thế giới chỉ có tác dụng cảnh báo răn đe! Các mối liên minh vụ lợi không bền vững. ASEAN chỉ là nơi bàn đàm của những người hàng xóm quyền lợi và chí hướng khác nhau. Vai trò của Liên hiệp quốc bị hạn chế bởi những nhóm quốc gia không cùng lợi ích. Các nước lớn vừa hợp tác vừa kiềm chế lẫn nhau. Các cuộc chiến tranh liên tiếp xảy ra đây đó không ai kiềm chế được. Mỗi quốc gia muốn tồn tại vững vàng càng phải nêu cao ý chí tự lực tự cường.

Điều cốt tử cần thấu hiểu là nhân dân ta làm nên chiến thắng mọi cuộc xâm lược từ xưa đến nay đều trước hết: “Tự ta, ta phải dốc lòng, gắng trí khắc phục gian nan, nhân dân bốn cõi một nhà, tướng sỹ một lòng phụ tử” (Bình Ngô đại cáo). Đành rằng mọi sự thành trong thế giới ngày nay không thể thiếu sự đồng tình và giúp đỡ của những người yêu chuộng hòa bình và công lý gần xa, ngay cả ở quốc gia đang gây tai họa cho ta. Một nước nhỏ mà dựa vào sức mạnh bên này để chống lại bên kia có khác chi hành động tự sát? Nhiều tấm gương nhãn tiền ta đều thấy cả. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang biến những nước nhỏ thành bãi chiến trường và người dân thành đội quân xung kích trước những cục mồi nhỏ nhoi hoặc là ảo vọng về sự phồn vinh từ những nước lớn ban cho. Chưa ai biết được tương lai của một nước Ucraine vốn có nguồn tài nguyên và sự phát triển đáng kể ở châu Âu sẽ thế nào. Nhưng trước mắt đang là thảm họa cho những người dân lương thiện hiền hòa ở đấy. Dù rất khiêm nhường vẫn không thể phủ nhận chính sách ngoại giao đa phương đa diện của nhà nước Việt Nam đang tỏ ra hữu hiệu.

Các vị đều là đảng viên kỳ cựu kêu gọi – mà thực chất là đưa ra yêu sách “chuyển đổi cơ chế từ toàn trị sang dân chủ”, được hiểu là từ bỏ sự lãnh đạo của đảng CSVN và từ bỏ con đường XHCN. Chưa cần nói đến ý thức tổ chức kỷ luật của đảng viên, có vị định cư ở nước ngoài rồi vẫn ký tên vào!
Hãy nhìn vào lịch sử 69 năm cầm quyền, đảng CSVN có hai lần đứng trước nguy cơ bị tiếm quyền lãnh đạo. Đó là:

– Vào thời kỳ đầu dựng nền cộng hòa dân chủ: Nguy cơ chiến tranh là không thể tránh khỏi, ta chủ động hòa hoãn thêm từng ngày để xây dựng lực lượng trong thế trơ trọi cô đơn. Tuy nhiên người tốt, xấu lộ diện rõ ràng, ai ai cũng rõ. Lúc ấy số lượng đảng viên cả nước chỉ có năm ngàn trên tổng số dân khoảng hai chục triệu. Nhưng sự tận tụy và đức hy sinh đặt lợi ích “Tổ quốc trên hết” nhân dân đều biết. Lúc cần Đảng dám tự giải tán và rút ra khỏi Quốc hội, dành chỗ cho người của các đảng phái tranh nhau ngôi vị. Nhưng ai chính, ai tà đã rõ ra. Mãi sáu năm sau khi những kẻ hoạt đầu đào tẩu thậm chí chạy sang làm tay sai cho giặc, chẳng còn ai tranh quyền đứng ở hàng đầu cứu nước, đảng CS mới ra công khai trực tiếp lãnh đạo CMVN. Một điều vô cùng quan trọng là Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng sự từng trải trong đấu tranh với vốn kiến thức cao thâm đã thể hiện tài năng ứng phó trước những biến cố lớn lao cùng với lòng nhân ái, đức cần–kiệm–liêm–chính–chí công vô tư và tính khiêm nhường đã cảm hóa thuyết phục được mọi tầng lớp nhân dân từ những bậc sỹ phu chí sỹ, học giả uyên bác tới tầng lớp bình dân, đã trở thành linh hồn và ngọn cờ của phong trào yêu nước. Cùng với đội ngũ kế cận là những người có học có tài thực sự, một lòng tâm huyết với sự nghiệp độc lập, hạnh phúc cho tổ quốc và nhân dân. Lý tưởng của người cộng sản là vì nước vì dân qua lời Cụ Hồ: “Nếu không giải phóng được dân tộc thì làm sao giải phóng được giai cấp” bằng hình ảnh sinh động “con đỉa hai vòi”. Đó là nét độc đáo và dũng cảm của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc nhưng không hợp với sách lược của QTCS lúc bấy giờ: “Trước mắt cần phải hy sinh quyền lợi dân tộc và giai cấp để tập trung bảo vệ thành trì cách mạng”! Cuối cùng là Hồ Chí Minh đúng và là người dẫn đường đi tới đích. Bạn bè quốc tế kính nể một nhà cách mạng chân chính và dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi nhớ công lao của Người.

– Từ đầu thế kỷ XXI đến nay: là thời kỳ khủng hoảng của CNXH diễn ra gay gắt. Với sự sụp đổ của hệ thống XHCN thế giới, còn lại là sự liên minh lỏng lẻo của mấy nước mang danh XNCN dù là “lý tưởng tương thông” nhưng “ý chí bất tương đồng” bởi mỗi nước có một màu sắc dân tộc văn hóa khác nhau nên không thể có sự thống nhất thậm chí là có lúc đối kháng với nhau. Trên nền tảng đó mà đòi hỏi tìm ngay ra một mô hình XHCN cụ thể là điều không thực tế. Khoảng cuối những năm 1970, hồi sinh thời ông Brêgiơnep từng tuyên bố “Liên xô đã giải quyết tốt các vấn đề dân tộc và hoàn thiện nền tảng của CNXH, bắt đầu bước vào thời kỳ xây dựng CNCS”. Thế rồi chỉ 10 năm sau, một liên bang vĩ đại sụp đổ! Thế giới lưỡng cực thành đơn cực rồi đa cực! Bỏ qua tính thỏa mãn chủ quan duy ý chí của những nhà lãnh đạo cực đoan quan liêu, vẫn không thể phủ nhận hoàn toàn sự tốt đẹp của một xã hội không có người bóc lột người do những người cộng sản dựng lên từ phần đất phía Đông châu Âu lạc hậu. Ivan Deranvin, đã sống phần lớn cuộc đời với tư cách của một công dân Liên Xô hồi tưởng: “Điều đầu tiên hiện lên trong đầu: đó là một cuộc sống vô tư và tươi sáng. Không phải là thiên đường, mà gần gũi với mọi con người chúng ta. Bạn không phải lo thất nghiệp và bần cùng” (Đông La: Tống Văn Công và Trần Xuân Bách). TT Nga Putin, người đã đưa nước Nga thoát khỏi thảm họa thời hậu xô viết tâm sự: “Nói tới chế độ xô viết mà không luyến tiếc là người không có trái tim. Nhưng muốn quay lại thời đó là người không có cái đầu”. Không ít trong số các vị từng được đào tạo từ Liên Xô đã có mặt trong các cuộc gặp gỡ thân tình với Putin và Métvêđép khi các ông sang thăm Việt Nam hẳn không quên sự xúc động chân tình không thể so sánh được với sự gặp gỡ các nguyên thủ quốc gia nhiều nước khác. Bản chất của một xã hội cũng như con người, không phụ thuộc vào cái tên. Tranh biện mãi lúc này không bao giờ kết thúc!

Cái đích mà chúng ta đi đến là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, hòa bình, ổn định, trong tình hữu nghị với các quốc gia dân tộc trên toàn thế giới. Chúng ta đã lãnh đủ hậu quả tai hại của những ý nghĩ ngô nghê như: đốt cháy giai đoạn, đi trước đón đầu… Nhìn vào sự chuyển mình của xã hội mấy năm nay người bi quan cũng không thể không nhìn ra những đổi thay theo chiều tích cực. Nhưng lẽ ra phải có những bước tiến dài hơn. Số đảng viên ĐCSVN hiện nay có tới gần bốn triệu trên tổng số hơn 90 triệu dân nhưng điều đáng buồn là tính chiến đấu của Đảng cách mạng bị phân tán bởi những lợi ích cỏn con cục bộ. Đặc biệt là không ít đảng viên có chức quyền từ cơ sở tới trung ương quá yếu kém cả về năng lực lãnh đạo và phẩm chất đạo đức, xa rời quần chúng. Nắm người có tóc chứ không ai nắm kẻ trọc đầu! Đấy là điều gây bức xúc và là nỗi bất bình trong toàn xã hội. Xét trong chiều dài lịch sử, chưa bao giờ chúng ta có một tổ quốc Việt Nam thống nhất toàn vẹn từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau với gần 100 triệu con người đầy lòng tự tin và ý thức đầy đủ về tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường và cũng chưa bao giờ nước ta có một tư thế chững chạc đàng hoàng trước cộng đồng thế giới như hiện nay. Các vị đưa ra lời kêu gọi “tổ quốc lâm nguy” chỉ để hù dọa và kích động lòng người với ý đồ phá rối. Không ai dám đoán trước điều gì. Nhưng dù chiến tranh xảy ra ta đã có sự chuẩn bị sẵn sàng và không bị cô lập đơn phương. Nếu kẻ nào đó có cuồng vọng tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam chớp nhoáng hãy nhớ chuyện “ngựa tái ông”! Biết rằng sự thỏa mãn là tự đào huyệt chôn mình. Nhưng dựa vào những yếu kém trì trệ nhất thời để làm rùm beng lên thậm chí lôi kéo thành bè phái phá hoại một đảng có truyền thống yêu nước khởi từ “như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ / không quê hương sương gió tơi bời”, trải 85 năm phấn đấu kiên cường, cùng toàn dân dựng nước, hưng nghiệp lớn, đưa một dân tộc “từ hai bàn tay trắng đứng lên dựng nền độc lập, cao bằng người nào thấp thua ai” là sự biểu hiện rằng tất cả chữ nghĩa học được các ông bà đã đổ xuống sông biển hết cả rồi!

Tuy nhiên lúc này với Đảng cầm quyền, có hai điều quan trọng trong rất nhiều điều cấp bách cần chấn chỉnh:

– Một là: Công tác tổ chức xây dựng Đảng, đào tạo lại một hệ thống cán bộ mới thật sự có đức có tài và có bản lĩnh. Phải phát huy quyền dân chủ trong Đảng trước đã. Bởi sinh hoạt dân chủ không là điều dễ với cả hai bên đối tác. “Cán bộ quyết định hết thảy”. Biết vậy mà bao lâu nay Đảng chỉ nói mà không làm được? Bởi vì chức quyền đã thành cái bả vinh hoa cám dỗ không cưỡng được! Thông báo về Hội nghị lần thứ 6 (khóa XI) của BCHTWĐCSVN đã thẳng thắn nhận khuyết điểm: “Chưa ngăn chặn, khắc phục được tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phai nhạt về lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, chạy theo danh lợi tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”, kể cả “một số đồng chí UVBCT, BBT có lúc, có việc còn có biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống của bản thân và gia đình, nói không đi đôi với làm, đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bản thân các đồng chí đó, đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng”. Tự chỉ trích thế là quá đủ đối với một đảng cầm quyền. Nhưng chuyển biến chậm rì bởi hai năm qua rồi mới chỉ làm được mấy việc cỏn con và các nhóm lợi ích dường như chuyển động theo chiều ngược lại! Lãnh đạo đang tỏ ra lúng túng trong việc xử lý những đảng viên phạm khuyết điểm sai lầm.

– Thứ hai là: Trong cải cách kinh tế, phải tạo mọi điều kiện cho người dân giúp nhau có việc làm để sống. Tìm mọi cách để người nông dân gắn với ruộng vườn. Các xí nghiệp vừa và nhỏ cần được vay vốn nhà nước không gặp khó khăn bởi những thủ tục rườm rà. Mối quan hệ chủ thợ phải được minh định rõ ràng. Tổ chức công đoàn phải xứng đáng là đại diện và gắn bó với lợi ích của những người lao động, Không cấm đoán người nghèo buôn bán nhỏ để họ không bị dồn vào ngõ cụt. Hạn chế tối đa những khoản đầu tư công không mang lợi ích thiết thực mà tốn kém. Với các xí nghiệp lớn phải có lộ trình cổ phần hóa thực chất là tư hữu hóa được tiến hành thận trọng công minh. Làm vội vàng như ở Nga thì người dân như bị cướp không tài sản bấy lâu nằm trong tay nhà nước và tạo nên một lớp maphia mới như nấm sau mưa và chính nó sẽ khống chế điều tiết nền kinh tế quốc dân mà nhà nước không điều khiển nổi. Lúc đó Đảng càng khó tồn tại hơn cả lúc này.

Kết luận:
Xã hội nào cũng tiềm ẩn những mầm bất ổn. Khi có sự suy thoái của giới cầm quyền nó lại rộ lên. Liệu pháp chữa trị không thể bằng những việc làm trấn áp bởi mọi đối tượng đều có chỗ dựa ở các thế lực bên trong lẫn bên ngoài. Vấn đề chủ yếu quan trọng là đảng cầm quyền phải kịp thời làm trong sạch hóa chính mình. Sự suy thoái của Đảng cầm quyền bao giờ cũng diễn ra trước hết chủ yếu ở số người cầm đầu lũng đoạn, thao túng toàn bộ sinh hoạt Đảng. Tấm gương Liên Xô kéo dài liên tục ba thập kỷ 1960, 1970, 1980 từ Khơrutxốp tới Goocbachốp rồi Ensin đã nói lên đầy đủ. Niềm tin của nhân dân với đảng cầm quyền không phụ thuộc vào một lý tưởng mơ hồ và những lời thuyết giảng đạo lý viển vông. Họ tin vào một nhà nước có chế độ pháp trị chân chính mọi sự đều minh bạch, công bằng và một xã hội thật sự dân chủ để người dân được nói lên nguyện vọng bức thiết của mình.
Những người tử tế không bao giờ “mượn gió bẻ măng” tàn phá vườn nhà như những ai “ăn xổi ở thì”.

Trí Nhân
Tuần báo Văn nghệ TPHCM
Số 318 Thứ năm ngày 11 tháng 9 năm 2014
——–
XEM CÁI GỌI LÀ “THƯ NGỎ” ĐÓ BÊN DƯỚI

Thư Ngỏ

Ngày 28 tháng 07 năm 2014

Kính gửi: Ban Chấp hành Trung ương và toàn thể đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ nhiều năm nay, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo mô hình xô-viết, được coi là dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin. Công cuộc đổi mới gần ba nươi năm qua nhằm sửa chữa sai lầm về đường lối kinh tế nhưng chưa triệt để, trong khi vẫn giữ nguyên thể chế độc đảng toàn trị kìm hãm tự do, dân chủ và chia rẽ dân tộc. Đường lối sai cùng với bộ máy cầm quyền quan liêu, tha hóa tạo điều kiện cho sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính gắn với tệ tham nhũng, đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi mưu đồ đặt nước ta vào vị thế lệ thuộc, phục vụ lợi ích của Trung Quốc. Sau Hội nghị Thành Đô năm 1990 đến nay,Việt Nam đã có nhiều nhân nhượng trong quan hệ với Trung Quốc, phải trả giá đắt và càng nhân nhượng, Trung Quốc càng lấn tới. Gần đây, trong bối cảnh quốc tế phức tạp, Trung Quốc có nhiều hành vi leo thang mới trong mưu đồ xâm lược và bá chiếm Biển Đông, coi Việt Nam là mắt xích yếu nhất cần khuất phục trước tiên. Thực tế bóc trần cái gọi là “cùng chung ý thức hệ xã hội chủ nghĩa” chỉ là sự ngộ nhận và “4 tốt, 16 chữ” chỉ là để che đậy dã tâm bành trướng. Cho đến nay, thế lực bành trướng Trung Quốc đã đi được những bước quan trọng trong mưu đồ biến Việt Nam thành “chư hầu kiểu mới” của họ.

Thực trạng đau lòng này phơi bày sự yếu kém cả về trách nhiệm và năng lực của lãnh đạo đảng và nhà nước trong thời gian qua.

Toàn thể ĐCSVN, trong đó có chúng tôi, phải chịu trách nhiệm trước dân tộc về tình hình nói trên và phải góp phần tích cực khắc phục những sai lầm đã gây ra; trong đó phần trách nhiệm chủ yếu và trước hết thuộc về Ban Chấp hành Trung ương và Bộ chính trị.

Vì vậy chúng tôi, những người ký tên dưới đây, thấy cần bày tỏ suy nghĩ của những đảng viên ĐCSVN trung thành với tâm nguyện vì nước vì dân khi vào Đảng với mấy yêu cầu chính dưới đây:

1. Trước tình thế hiểm nghèo của đất nước, với trách nhiệm và vị thế của mình, ĐCSVN tự giác và chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa. Ngay từ bây giờ, cần thảo luận thẳng thắn và dân chủ trong toàn Đảng và trong cả nước về tình hình mọi mặt của đất nước và những thách thức trước bước đi mới rất trắng trợn của Trung Quốc bá chiếm Biển Đông, vạch ra con đường chuyển đổi cơ cấu kinh tế lạc hậu và lệ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc hiện nay, xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền thật sự dân chủ. Chỉ có như vậy mới phát huy được sức mạnh trí tuệ, tinh thần và vật chất của dân tộc Việt Nam, tăng cường được đoàn kết, hòa hợp dân tộc và tranh thủ được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân loại tiến bộ, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển và bảo vệ đất nước.

Quan điểm nêu trên cần được thấu suốt và thực hiện ngay trong việc chuẩn bị và tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XII với các đại biểu được bầu chọn thật sự dân chủ, đáp ứng được yêu cầu chính trị của đại hội. Đó là trách nhiệm của các tổ chức đảng các cấp và của từng đảng viên có tinh thần yêu nước. Đồng thời, kỳ bầu cử Quốc hội sắp tới phải thật sự dân chủ, tạo lập một Quốc hội chuyên nghiệp, xứng đáng đại diện cho dân, đáp ứng yêu cầu lập pháp chuyển đổi thể chế chính trị.

Việc cần làm ngay để thể hiện sự thực tâm chuyển đổi thể chế chính trị, tạo niềm tin trong dân là các cơ quan công quyền chấm dứt các hành động sách nhiễu, trấn áp, quy kết tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước, đối với các tổ chức xã hội dân sự mới thành lập, trả tự do cho những người đã và đang bị kết án hình sự chỉ vì công khai bày tỏ quan điểm chính trị của mình.

2. Lãnh đạo đảng và nhà nước thống nhất nhận định về mưu đồ và hành động của thế lực bành trướng Trung Quốc đối với nước ta, từ bỏ những nhận thức mơ hồ, ảo tưởng; và có đối sách trước mắt và lâu dài bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ trong mọi tình huống, thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc, xây dựng quan hệ láng giềng hòa thuận, hợp tác bình đẳng, vun đắp tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Là người chủ đất nước, nhân dân có quyền được biết và phải được biết sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và những điều quan trọng đã ký kết với Trung Quốc như thỏa thuận Thành Đô năm 1990, thỏa thuận về hoạch định biên giới trên đất liền và vịnh Bắc Bộ, những thỏa thuận về kinh tế v.v…

Việc cần thiết và cấp bách hiện nay là phải nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhằm phát huy thế mạnh chính nghĩa của nước ta. Đồng thời, Việt Nam cần chủ động cùng với các nước ven Biển Đông thỏa thuận giải quyết những vướng mắc về chủ quyền trên biển với các đảo, bãi đá; củng cố sự đoàn kết, thống nhất của các nước ASEAN, trước hết là giữa các quốc gia ven biển, trong cuộc đấu tranh chống mọi hành động bành trướng của Trung Quốc muốn độc chiếm vùng biển này thành ao nhà của mình.

Quan điểm “không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba” là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi.

Tổ quốc đang lâm nguy đồng thời đứng trước cơ hội lớn để thay đổi! Trách nhiệm của các đảng viên yêu nước là phải cùng toàn dân nắm lấy thời cơ này, vượt qua thách thức, mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển và bảo vệ đất nước.

Bỏ lỡ cơ hội này là có tội với dân tộc!

DANH SÁCH CÁC ĐẢNG VIÊN KÝ THƯ NGỎ GỬI BCH TW

VÀ TOÀN THỂ ĐẢNG VIÊN ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

______________________

1. Nguyễn Trọng Vĩnh, vào Đảng năm 1939, Thiếu tướng, nguyên Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành trung ương Đảng khóa III, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, Hà Nội.
2. Đào Xuân Sâm, vào Đảng năm 1946, nguyên Trưởng khoa Quản lý kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
3. Trần Đức Nguyên, vào Đảng năm 1946, nguyên Trưởng ban Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
4. Nguyễn Văn Tuyến, vào Đảng năm 1946, Đại tá, Cựu chiến binh, Hà Nội.
5. Lê Duy Mật, vào Đảng năm 1947, Thiếu tướng, nguyên Tư lệnh phó, kiêm Tham mưu trưởng Quân khu II, Chỉ huy trưởng Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang 1979 – 1988, Hà Nội.
6. Tạ Đình Du (Cao Sơn), vào Đảng năm 1948, Đại tá, Cựu chiến binh, Hà Nội.
7. Vũ Quốc Tuấn, vào Đảng năm 1948, nguyên Trợ lý Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội.
8. Nguyễn Hữu Côn, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Cựu chiến binh, nguyên Tham mưu trưởng Hậu cần Quân đoàn 2, Hà Nội.
9. Hoàng Hiển, vào Đảng năm 1949, nguyên Trung tá Hải quân, Hà Nội.
10. Đỗ Gia Khoa, vào Đảng năm 1949, nguyên cán bộ cơ quan Bộ Công an và Tổng cục Hải Quan, Hà Nội.
11. Hà Tuân Trung, vào Đảng năm 1949, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Tổng biên tập tạp chí Kiểm tra, Hà Nội.
12. Nguyễn Thị Ngọc Toản, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Giáo sư, Cựu Chiến binh, nguyên Chủ nhiệm khoa, Quân Y viện 108, Hà Nội.
13. Phạm Xuân Phương, vào Đảng năm 1949, Đại tá, Cựu chiến binh, nguyên chuyên viên Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hà Nội.
14. Tô Hòa, vào Đảng năm 1950, nguyên Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng.
15. Võ Văn Hiếu, vào Đảng năm 1950, nguyên cán bộ thuộc Ban Tuyên huấn trung ương Cục Miền Nam.
16. Hoàng Tụy, vào Đảng năm 1950, Giáo sư Toán học, Hà Nội.
17. Huỳnh Thúc Tấn, vào Đảng năm 1951, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Hà Nội.
18. Tạ Đình Thính, vào Đảng năm 1951, nguyên Vụ trưởng Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội.
19. Nguyên Ngọc, vào Đảng năm 1956, Nhà văn, nguyên Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Hội An.
20. Tương Lai, vào Đảng năm 1959, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, TP. Hồ Chí Minh.
21. Nguyễn Khắc Mai, vào Đảng năm 1959, Giám đốc Trung tâm Minh Triết, Hà Nội.
22. Đào Công Tiến, vào Đảng năm 1960, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh.
23. Vũ Linh, vào Đảng năm 1962, nguyên Chủ nhiệm chương trình PIN mặt trời, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hà Nội.
24. Nguyễn Kiến Phước, vào Đảng năm 1962, nguyên Ủy viên Ban Biên tập báo Nhân Dân, TP. Hồ Chí Minh.
25. Nguyễn Thị Ngọc Trai, vào Đảng năm 1963, nhà báo, nhà văn, nguyên Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, Hà Nội
26. Võ Văn Thôn, vào Đảng năm 1965, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
27. Nguyễn Trung, vào Đảng năm 1965, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Hà Nội.
28. Huỳnh Kim Báu, vào Đảng năm 1965, nguyên Tổng thư ký‎ Hội Trí thức yêu nước TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
29. Hạ Đình Nguyên, vào Đảng năm 1965, nguyên Chủ tịch Ủy ban phối hợp hành động Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh.
30. Nguyễn Văn Ly (Tư Kết), vào Đảng năm 1966, nguyên thư k‎ý của Bí thư Thành ủy Mai Chí Thọ, nguyên Phó bí thư Đảng ủy Sở Văn hóa -Thông tin TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh
31. Lê Công Giàu, vào Đảng năm 1966, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại, đầu tư TP. Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
32. Kha Lương Ngãi, vào Đảng năm 1966, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, TP. Hồ Chí Minh.
33. Tô Nhuận Vỹ, vào Đảng năm 1967, nhà văn, nguyên Bí thư Đảng Đoàn kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên – Huế, Tổng biên tập tạp chí Sông Hương, nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế, TP. Huế.
34. Phạm Đức Nguyên, vào Đảng năm 1968, Phó Giáo sư Tiến sĩ ngành Xây dựng, 46 tuổi đảng, Hà Nội.
35. Bùi Đức Lại, vào Đảng năm 1968, nguyên Vụ trưởng, chuyên gia cao cấp bậc II, Ban Tổ chức trung ương Đảng, Hà Nội.
36. Lữ Phương, vào Đảng năm 1968, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn Hóa Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam, TP. Hồ Chí Minh.
37. Nguyễn Lê Thu An, vào Đảng năm 1969, cựu tù chính trị Côn Đảo, TP. Hồ Chí Minh.
38. Nguyễn Đăng Quang, vào Đảng năm 1969, Đại tá công an, đã nghỉ hưu, Hà Nội.
39. Trần Văn Long, vào Đảng năm 1970, nguyên Phó Bí thư Thành đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, TP. Hồ Chí Minh.
40. Nguyễn Thị Kim Chi, vào Đảng năm 1971, Nghệ sĩ ưu tú, Đạo diễn điện ảnh, Hà Nội.
41. Huỳnh Tấn Mẫm, vào Đảng năm 1971, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn trước 1975, nguyên đại biểu Quốc hội khóa 6, nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên, TP. Hồ Chí Minh.
42. Võ Thị Ngọc Lan, vào Đảng năm 1972, nguyên cán bộ công an TP. Hồ Chí Minh.
43. Hà Quang Vinh, vào Đảng năm 1972, cán bộ hưu trí, TP. Hồ Chí Minh.
44. Nguyễn Đắc Xuân, vào Đảng năm 1973, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Trưởng Đại diện báo Lao Động tại khu vực Miền Trung – Tây Nguyên, TP. Huế.
45. Lê Đăng Doanh, vào Đảng năm 1974, Tiến sĩ Kinh tế học, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
46. Chu Hảo, vào Đảng năm 1974, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Hà Nội.
47. Nguyễn Xuân Hoa, vào Đảng năm 1974, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế, TP. Huế.
48. Nguyễn Vi Khải, vào Đảng năm 1974, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, 40 tuổi đảng, Hà Nội.
49. Cao Lập, vào Đảng năm 1974, nguyên Bí thư Đảng ủy ngành Văn hóa -Thông tin TP. Hồ Chí Minh.
50. Lê Thân, vào Đảng năm 1975, cựu tù chính trị Côn Đảo, nguyên Tổng Giám đốc Liên doanh SG-Riversite, TP. Hồ Chí Minh.
51. Ngô Minh, vào Đảng năm 1975, nhà báo, nhà văn, TP. Huế.
52. Trần Kinh Nghị, vào Đảng năm 1976, cán bộ Ngoại giao về hưu, Hà Nội.
53. Hồ An, vào Đảng năm 1979, nhà báo, TP. Hồ Chí Minh.
54. Đoàn Văn Phương, vào Đảng năm 1979, nguyên chiến sĩ thuộc Ban Giao lưu trung ương Cục, TP. Hồ Chí Minh.
55. Hồ Uy Liêm, vào Đảng năm 1980, nguyên Quyền Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hà Nội.
56. Trần Đình Sử, vào Đảng năm 1986, Giáo sư Tiến sĩ Ngữ văn, Hà Nội.
57. Lê Văn Luyến, vào Đảng năm 1987, nguyên cán bộ thuộc Ban Tuyên huấn trung ương Cục Miền Nam, TP. Hồ Chí Minh.
58. Nguyễn Gia Hảo, vào Đảng năm 1988, nguyên thành viên Tổ tư vấn của Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, Hà Nội.
59. Phạm Chi Lan, vào Đảng năm 1989, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội.
60. Đào Tiến Thi, vào Đảng năm 1991, Thạc sĩ, Ủy viên Ban chấp hành Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hà Nội
61. Nguyễn Nguyên Bình, vào Đảng năm 1996, Trung tá, cựu chiến binh, Hà Nội.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍