Nhưng rồi qua một thời gian, có người đặt lại vấn đề: Nguồn tin xuất phát từ đâu? Việc lựa chọn nhằm mục đích gì? Người viết chỉ đưa tin mà không nói rõ và không đưa ra những tư liệu cụ thể. Cho đến nay chưa có ai giải đáp được những vấn đề nêu trên. Gần đây, trên đài Truyền hình trong mục KCT lại có khán thính giả đặt câu hỏi về vấn đề này và Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng chưa có tài liệu để trả lời. Người ta cho rằng có lẽ vì “quá tự hào” dân tộc nên người viết đã tung ra một bản tin như vậy chăng? Có người còn gọi đó là “tin hành lang”.
Năm 1985 tôi cùng Đoàn Nghệ thuật Việt Nam sang biểu diễn tại Liên Xô (cũ) tại nhà hát Bônsôi Têat trong chương trình “Ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên Xô”, một người bạn gái Nga mà tôi quen trong thời kỳ sang thực tập ở Liên Xô trước đây tên là Lêpêsinxkaia đã lên tặng một bó hoa rất đẹp và nói: “Mừng ngày Văn hóa Việt Nam tại Liên Xô thành công rực rỡ, mừng tin mới báo chí vừa đăng: Hai dân tộc chúng ta đã có những vị tướng soái kiệt xuất thế giới”. Tôi ngỡ ngàng không hiểu hết ý nhưng không tiện hỏi vì đang đứng giữa sân khấu chào khán giả.
Trong một cuộc trà đàm, Giáo sư TSKH Khái Vinh, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội, người đã từng bảo vệ luận án Phó tiến sĩ rồi Tiến sĩ ở Đức đã nói: “Tôi cũng đã được đọc tin này trên báo Đức trong thời gian đó”.
Kết quả bình chọn 10 danh tướng. |
Những năm gần đây, nhân tham gia trong Hội đồng biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều tư liệu của Bách khoa toàn thư các nước: Pháp, Ý, Hoa Kỳ đặc biệt là Encyclopedia Britannica (Bách khoa toàn thư Anh Quốc) tôi đã thu thập được một số tài liệu, xin trình bày để bạn đọc tham khảo.
Encyclopedia Britannica (EB) là một trong những bách khoa thư đồ sộ nhất thế giới gồm 30 volumes (tập), trong khi Encyclopedico Italiano của Ý có 15 volumes, Grand dictionaire universel de Piere Larousmé của Pháp có 15 volumes + 2 volumes bổ sung, EB cũng là Bách khoa toàn thư xuất bản trọn bộ sớm nhất: 1768 -1771 (The Encyclopedia America của Hoa Kỳ 1829).
EB không chỉ do những nhân vật nổi tiếng của Viện Hàn lâm London và Edinburg (Thủ đô của Scotland) biên soạn mà còn do các học giả tên tuổi ở các trường Đại học Chicago của Hoa Kỳ, Toronto của Canada, Tokyo của Nhật Bản và Đại học Quốc gia Úc tham gia biên soạn và hiệu đính, do đó rất có uy tín trên thế giới, đã được xuất bản ở London và cả ở Chicago, Auckland, Geneva, Milano, Paris, Roma, Seoul, Sydney, Tokyo, Toronto.
Đến năm 1973 EB được tái bản lần thứ 14. Trong lần tái bản này, tuy đã được biên soạn rất công phu nhưng vẫn còn có một số vấn đề cần khắc phục trong đó có vấn đề danh nhân quân sự. Cũng trong bản in lần thứ 14 này, nếu tra cứu mục từ Napoléon thì thấy viết quá kỹ luỡng ở volume XVI ( ký hiệu tại thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh: Z 238), từ trang 2 đến trang 10 gồm 1.400 dòng, 14.000 từ với 2 bức ảnh lớn chụp lại 2 bức tranh ở Bảo tàng Versailles và Bảo tàng Malmaison; trong lúc đó ở mục từ Kutuzov, tên vị thống soái tài năng Nga, người đã bẻ gãy mộng bá chủ thế giới của người hùng nước Pháp Napoléon lại chỉ vẻn vẹn chưa đầy 50 dòng, không có ảnh (volume XIII, trang 519).
Như vậy là việc biên soạn chưa hoàn thiện, thiếu cân đối. Vì vậy hội đồng biên soạn EB đã bổ sung những khuyết nhược điểm để tái bản lần thứ 15 và lấy tên là The new Encyclopedia Britannica (TNEB) (Tân Bách khoa toàn thư Anh quốc). TNBE ra đời năm 1983 có thêm những vị tướng soái kiệt xuất trước đây chưa hề có, trong đó có Trần Hưng Đạo và Võ Nguyên Giáp.
Thiết nghĩ danh tướng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã 3 lần đại thắng quân Nguyên Mông (trong TNEB chỉ nêu có 2 lần), một đạo quân xâm lược hung hãn nhất của thời đại với đội kỵ binh hùng hậu có tài phi ngựa mã khoái (như tên bay) và tài bắn cung xuất quỷ nhập thần đã từng khuất phục Đại Trung Hoa và giày xéo trên khắp lục địa châu Âu, châu Á. Trần Hưng Đạo xứng đáng là một vị tướng kiệt xuất của thế giới. Mục từ Trần Hưng Đạo được in ở volumes X, trang 88, có 38 dòng, 270 từ (ký hiệu TVKHTH thành phố: Z 256) .
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh vá Bộ Chính trị, đã chỉ huy quân và dân Việt Nam đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ hùng mạnh Pháp, Mỹ, đập tan chiến tranh xâm lược của thực dân cũ và mới, làm bùng lên phong traò giải phóng dân tộc khắp thế giới; đã làm cho 7 vị tướng Pháp: Leclere, Valluy, Blaizot, Carpentier, De Lattre de Tassigny, Raoul Salan, Henri Navarre và 4 vị tướng Mỹ: Harkin, Westmorland, Abraham, Owen phải thất bại, cuốn cờ về nước. “Tướng Giáp xứng đáng là vị tướng xuất sắc có một vị trí trong lịch sử thế giới”, như ký giả nổi tiếng người Mỹ D.S.Marshall viết (International Military and Defense Encyclopedia, 1993. volume 3. NXB Brasseys Mỹ).
Mục từ Võ Nguyên Giáp được in ở volume X, trang 493 -494 có 70 dòng, 490 từ (ký hiệu tại TVKHTH thành phố: Z 256).
– Điều đáng chú ý, riêng khi viết về 2 vị tướng Việt Nam TNEB đã nhấn mạnh đến tính nhân dân trong các chiến công oanh liệt chống ngoại xâm.
– Trần Hưng Đạo đã được “sự ủng hộ của toàn thể các tầng lớp nhân dân” (support of all classes)
Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những chiến tích lừng lẫy, có tác động lớn vượt ra ngoài phạm vi của một quốc gia, đã đươc chọn vào danh sách những vị tướng soái kiệt xuất thế giới in trong TNEB, một bách khoa toàn thư rất có uy tín, đã và đang được xuất bản ở 11 trung tâm văn hóa lớn của thế giới là niềm tự hào của dân tộc ta, niềm vinh quang cho Tổ quốc Việt Nam.
Xin dịch hai mục từ Võ Nguyên Giáp và Trần Hưng Đạo trong TNEB dưới đây để bạn đọc tham khảo:
Là con của nhà nho có nhiệt tâm chống thực dân Pháp trở thành một thanh niên đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam Ông theo học ở trường Cao đẳng (TNEB nhầm đúng ra là Quốc học Huế) mà trước đó Hồ Chí Minh – lãnh tụ Cộng sản đã học. Cho tới năm 1926, ông tham gia Tân Việt Cách Mạng Đảng. Đảng cách mạng của thanh niên Việt Nam. Năm 1930, tích cực tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, ông bị mật thám Pháp bắt và kết án tù 3 năm, nhưng đã được trả tự do chỉ sau vài tháng.
Ông tiếp tục theo học trường Albert Sarraut ở Hà Nội và được nhận học vị cử nhân luật. Tiếp đó, ông dạy sử tại trường Thăng Long, nơi đây ông truyền bá cho nhiều giáo sư và học sinh quan điểm chính trị của mình. Năm 1938 ông kết hôn với Minh Thái và cùng nhau hoạt động trong Đảng Cộng sản Đông Dương. Đến năm 1939 Đảng bị cấm, ông chạy sang Trung Quốc còn vợ ông cùng với người chị bị cảnh sát Pháp bắt. Người chị vợ ông bị tử hình, còn vợ ông bị kết tù chung thân, sau giảm xuống 15 năm, nhưng bà đã chết trong ngục sau 3 năm bị giam cầm .
Năm 1941, liên kết với Chu Văn Tấn, một lãnh tụ du kích nguời Thổ (một dân tộc thiểu số ở Bắc Việt Nam), Võ Nguyên Giáp hy vọng xây dựng một đội quân chống Pháp và ủng hộ những mục tiêu chính trị của Việt Minh, chính phủ Việt Nam độc lập của Hồ Chí Minh. Cùng với Hồ Chí Minh, tháng 8 năm 1945 Võ Nguyên Giáp tiến quân về Hà Nội và đến tháng 9 Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của Việt Nam với Võ Nguyên Giáp ở cương vị Bộ trưởng Nội vụ và Tổng chỉ huy quân đội…
Ông nổi lên như một nhà chiến lược và chiến thuật quân sự mang lại chiến thắng quyết định ở Điện Biên Phủ tháng 5 năm 1954 đưa đến sự cáo chung của chủ nghĩa thực dân.
Khi đất nước bị chia cắt vào tháng 7, ông trở thành Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang ở Bắc Việt Nam. Ông đã lãnh đạo các lực lượng quân sự của Bắc Việt Nam đánh thắng cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, đuổi quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam năm 1975. Năm 1976, hai miền nước Việt Nam thống nhất, ông lại là phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng. Ông còn là ủy viên chính thức Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, là tác giả sách “Chiến tranh nhân dân, Quân đội nhân dân”, một tác phẩm viết về chiến tranh du kích trên cơ sở kinh nghiệm bản thân ông.
* Trần Hưng Đạo, họ tên là Trần Quốc Tuấn, được phong là Hưng Đạo Vương (năm 1300), một gương mặt gần như huyền thoại của lịch sử Việt Nam, nhà chiến lược quân sự xuất sắc đã đánh thắng quân Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn, và là người anh hùng dân tộc trong nền văn hóa Việt Nam ngày nay.
Vương triều Đại Việt bị quân Mông Cổ tiến công lần thứ nhất năm 1253. Khi Thành Cát Tư Hãn đòi tiến quân qua đồng bằng sông Hồng để đánh chiếm nước Trung Hoa từ hướng Nam, trong lời Hịch tướng sĩ đầy xúc động, tướng quân Trần Hưng Đạo đã kêu gọi quân đội đánh đuổi xâm lược vì sự thống nhất của Tổ quốc, ông ban bố cuốn Binh thư yếu lược, một cẩm nang về nghệ thuật quân sự. Trong lời tựa, ông phác ra tư tuởng Nho giáo về tinh thần trung quân, ái quốc và nghĩa vụ hy sinh chiến đấu thiêng liêng gần như là một bổn phận tín ngưỡng.
Sau một số trận thắng không quyết định, Hưng Đạo dụ hạm đội của quân Mông vào cửa sông Bạch Đằng năm 1288. Các chiến thuyền của Thành Cát Tư Hãn đã bị những cọc bịt sắt của quân nhà Trần cắm dưới mặt nước xé toạc và nhấn chìm, phỏng theo cách đánh của Ngô Quyền, một nhà quân sự lỗi lạc trước đó, năm 939.
Theo một số nguồn tư liệu, chiến dịch của Trần Hưng Đạo giành được thắng lợi là nhờ có sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Ông đã có công lớn trong việc truyền bá tư tưởng yêu nước trong nhân dân Việt Nam. Chính vì thế mà ông trở thành biểu tượng của Phong trào kháng chiến ở thế kỷ XX, bắt đầu từ cuộc kháng chiến chống Pháp.
(Dịch theo bản tiếng Anh trong TNEB Volume X, tái bản lần thứ 15)
Mục từ Võ Nguyên Giáp và Trần Hưng Đạo trong The New Encyclopedia Britannica |
Để kết thúc bài viết này, riêng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngoài việc khẳng định tên ông được ghi trong Tân Bách khoa toàn thư Anh, là một trong những vị tướng kiệt xuất trên thế giới, để bổ sung một số ý kiến trên, xin trích lời đánh giá vào cuối thế kỷ XX của nhà sử học quân sự Mỹ có tên tuổi Cecil B Currey, người đã viết ba tác phẩm về cuộc chiến tranh ở Việt Nam: Tự hủy diệt (1981), Người Mỹ không thầm lặng (1988), Chiến thắng bằng mọi giá (1997), người đã tiếp xúc với các nhà quân sự Mỹ lừng danh từng là đối thủ của Tướng Giáp:
“Bề ngoài lạnh lùng của ông (Võ Nguyên Giáp) che đậy một khí chất dữ dội khiến người Pháp mô tả ông là một ngọn núi lửa phủ tuyết.
… Ông không chỉ trở thành một huyền thoại mà còn là một trong những vị tướng tài năng nhất về chiến tranh nhân dân và là một trong những thiên tài quân sự lớn nhất của tất cả các thời đại.
… Nếu Clausewits – chiến lược gia quân sự bậc thầy của nước Phổ – sống lại chắc hẳn phải kính cẩn cúi chào vị tướng này” (Sách: Chiến thắng bằng mọi giá. Chương 23: Đánh giá Cecil B Currey, NXB Brasseys Mỹ năm 1997.
© Nghệ sĩ ưu tú Minh Hiến
Bài viết này là di cảo của nghệ sĩ ưu tú Minh Hiến (tức Nguyễn Phước Bửu Hiến, 1930-2004), nguyên giám đốc nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, được phu nhân của ông là nhà giáo Dương Bích Hồng, gửi cho báo Petrotimes.
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍