Trong khi ấy, bên Mèo Vạc, họ Dương cũng động binh. Dương Thụ Nghĩa (tên Mèo là Giàng Xu Dì) là một họ lớn nhất Mèo Vạc. Trước kia, Dương Thụ Nghĩa cũng được Pháp phong làm Tổng giáp Mèo Vạc, chuẩn bị phong làm Bang tá. Nhưng sau khi thấy Hoàng thanh thế lớn hơn, lại ở xa Cao Bằng, khó với tay hơn, Pháp liền phong Bang tá cho Hoàng. Dương giữ nguyên chức Tổng giáp. Vùng phía Bắc này chia thành 7 xã: Quản Bạ, Phú Lúng, Sủng Là, Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Sà Phìn. Hoàng chiếm 6 xã gọi là “lục xã” Dương có một xã Mèo Vạc. Lòng tham vô đáy, Hoàng muốn thôn tính nốt Mèo Vạc.
Dương ức lắm. Từ đó hai họ đều bành trướng thế lực, lăm le tiêu diệt lẫn nhau.
Để có thời gian yên ổn chiêu mộ tướng tài, quân tốt, hai bên bắt tay giao hảo với nhau. Dương Thụ Nghĩa cầu hôn xin làm “phò mã” Chí Đạo. Chí Đạo liền gả con gái là Hoàng Thị Chính cho Nghĩa, vừa xoa dịu hiềm khích bề ngoài, vừa dùng con làm nội ứng, lung lạc Nghĩa, thu thập binh tình họ Dương. Sau đó, Hoàng còn cử thêm Hoàng Xú Đô sang mở sòng bạc và cầu hôn lại họ Dương.
Dương Thụ Nghĩa gả em gái cho Xú Đô làm vợ hai. Thế là hai người thành hai anh em chéo cánh sẻ: Xú Đô là anh vợ Nghĩa, Nghĩa là anh vợ Xú Đô.
Bên ngoài hai bên kết thân, tình máu mủ, tưởng như hai họ sẽ ăn đời ở kiếp với nhau. Hàng năm, hai bên vẫn cử sứ giả mang báu vật cống nộp cho nhau. Những ngày giỗ Hoàng Tú Hình, Nghĩa cử người mang lễ vật – Nghĩa sợ sang bị ám hại – sang góp giỗ. Nhưng bên trong, chỉ chờ thời cơ tiêu diệt nhau.
Mối thâm thù càng tăng lên khi Xú Đô chết. Đô chết, số ruộng, của hồi môn của vợ Đô còn lại, Hoàng, Dương đều muốn chiếm. Thụ Nghĩa nói, đó là số ruộng của em mình, Đô chết, mình phải chiếm lại. Hoàng nói Đô là anh mình, quyền sở hữu phải thuộc về họ Hoàng.
Hoàng muốn cất quân sang Mèo Vạc, nhưng thấy mình chưa mạnh, quân Dương thế thủ, thông thuộc địa thế, muốn tấn công thắng lợi, lực lượng Hoàng phải gấp ba, binh lương phải nhiều. Vì thế Hoàng vẫn tỏ ra có thiện chí, “nhường” số ruộng đó cho Dương, chờ thời cơ.
Pháp rút khỏi Đồng Văn, để lại nhiều vũ khí cho Hoàng. Hoàng thấy lực lượng đã mạnh hơn hẳn Dương, toan cất quân sang Mèo Vạc, nhưng mụ Síu khuyên nên tìm cái cớ để tranh thủ lòng dân. Hoàng nghe lời, bãi binh, ngày đêm luyện tập binh sĩ chờ tìm cớ.
Thế rồi dịp may đã đến. Tự dưng Hoàng Thị Chính ăn lá ngón tự tử. Người thì bảo Dương Thụ Nghĩa có nhiều vợ, hắt hủi làm Chính ức. Người thì bảo vì ghét Hoàng, muốn gây sự với Hoàng, Thụ Nghĩa xỉ vả vợ. Người ta chỉ thấy rằng Thụ Nghĩa không để xác Chính trong nhà mà để ngoài cửa, không làm ma to cho vợ tỏ ý khinh ghét họ Hoàng.
Tin đó bay về Sà Phìn, Hoàng tức tốc tập họp quân định ngày động binh sang hỏi tội em rể. Dương cũng sai người sang Quảng Tây cầu viện quân Tàu Trắng.
Dương Thụ Nghĩa có ba con trai: Dương Trung Nhân (tên Mèo là Giàng Mí Nô), Dương Mí Chính và Dương Mí Sàng. Mí Chính bị cha ghét đuổi đi ở riêng, còn Trung Nhân và Mí Sàng cùng Nghĩa xây dựng cơ đồ, bàn luận chính sự. Thụ Nghĩa sai con trai thứ ba là Dương Mí Sàng mang thuốc phiện, vàng nén sang Quế Lâm gặp Vòoong Diu Số, tỉnh trưởng Quảng Tây.
Lính canh vào báo có Mí Sàng sang cầu viện. Diu Số triệu các tướng thân tín vào bàn bạc. Vi Cao Chấn, Lương Cảnh Xuân, Vũ Phụng Tường – các tướng chỉ huy vùng biên giới Quảng Tây – Đồng Văn – được vào dinh tổng trưởng.
Diu Số nhìn các tướng một lượt, động viên chí khí rồi nói:
– Họ Dương đã cho người sang cầu cứu ta. Tình nghĩa bang giao, họ lại là nước yếu nhỏ, ta phải cứu họ, xứng đáng là đại quốc!
Vi Cao Chấn băn khoăn, đánh bạo hỏi:
– Thưa ngài Tỉnh trưởng! Tôi mạn phép được nói một điều thất thố: Từ trước đến nay ta vẫn giúp Hoàng; hai bên vẫn giao hảo với nhau, hàng năm, Hoàng vẫn mang cống vật nạp cho ta, giờ ta giúp Dương, tôi e không tiện!
Vũ Phụng Tường, Lương Cảnh Xuân cười mỉm. Diu Số gật gù giải thích:
– Lâu nay họ Hoàng quy thuận ta. Đúng thế! Nhưng bên nào có lợi hơn thì ta giúp. Ta cứ buộc đuôi ngựa cho nó đá nhau. Chỉ có lợi cho ta thôi. Đối với các nước lân bang, phải thế thì biên cương mới giữ được! Đường lối ngoại giao của ta là thế!
Diu Số cười tự đắc!
Đoàn quân Tàu trắng mặc quần rộng ống, dưới quấn xà cạp, đội mũ quả dưa, trên đính sao trắng, gầy gò ốm yếu, lốc nhốc kéo vào vùng biên giới. Đi đầu là một phường bát âm. Tiếng nạo bạt loảng xoảng, tiếng nhị, hồ ồ ề, buồn thảm như sẩm kêu đường. Tiếp theo là đoàn lính mang súng trường dài lê thê, súng cối nặng nề, mệt nhọc bước đi. Chỉ thấy cờ xí là nhiều. Những chùm cờ đủ màu sắc, thêu chữ “Vòong” đỏ chói, xen lẫn với màu vàng khè, lật phật kéo đi.
Đến biên giới, Vi, Lương, Vũ cho quân hạ trại, họp bàn. Tướng Vi nói:
– Ta chưa biết quân Dương, quân Hoàng mạnh yếu ra sao? Các chiến tướng thấy nên thế nào?
Lương tướng quân hăng hái:
– Ta mang tiếng là quân của đại quốc sang tiểu quốc, phải tỏ rõ chí khí, tinh thần nghĩa hiệp của ta, đặng mang tiếng thơm về cho Tổ quốc. Theo tại hạ thì ta nên xuất quân trước, đem hết tinh binh, quét địch quân một trận, tỏ rõ thanh thế cho họ Hoàng vỡ mật!
Vi tướng quân cả cười mà rằng:
– Đấy là một ý, Vũ tướng quân thấy thế nào? Vũ Phụng Tường ôn tồn thưa:
– Thưa chủ soái và Lương tướng quân, theo thiển kiến đệ thì làm như thế là thất sách. Ta chưa biết binh lực họ Hoàng thế nào. Nếu ta xuất quân trước, đánh được thì chỉ lợi cho họ Dương, thù oán họ Hoàng và ta càng khơi sâu, mất những món lợi lớn. Mà rồi trách nhiệm đè lên đầu ta. Họ Hoàng quấy rối biên giới, ta trấn ải ở đây phải chịu gánh nặng. Nếu ta đánh thua thì còn gì là thanh danh. Chi bằng ta cứ ở phía sau, hò hét làm uy cho quân Dương đánh trước. Nếu Dương thắng ta ùa theo, nếu Dương thua, ta rút quân, rồi nói cho họ Hoàng biết ta đem quân đến đây là để giữ biên giới của ta chứ không phải để giúp Dương. Nhất cử lưỡng tiện!
Vi Cao Chấn vỗ đùi:
– Thật là cao kiến!
Lương tướng quân bực, toan đập bàn mắng lại Vũ tướng quân, nhưng thấy Vi chủ soái khen, lại thấy hợp lẽ phải, tránh được giao tranh có thể động đến tính mạng của mình, nên nén giận, tuân theo.
Theo đúng kế hoạch đã bàn định, quân Tàu Trắng chỉ dàn trận ra oai, hò hét ầm ĩ phía sau chờ quân Dương đánh trước. Ngay khi đó, Dương Thụ Nghĩa cắt đặt quân tướng, động binh.
Dương Trung Nhân làm tổng tư lệnh chỉ huy quân đội, Dương Mí Sàng, Ma Chu Páo, Vàng Dúng Mỉ chỉ huy ba cánh quân bố trí chiến địa dọc theo sông Nho Quế, chờ địch.
Nhận tin của thám tử phi báo quân Tàu Trắng và quân Dương đã đến biên giới, Mã Học Văn họp các tướng bàn định. Hầu Vạn Quả được cử làm sứ giả, bí mật sang bản doanh Vi Cao Chấn điều đình. Quả phô trương thanh thế quân Hoàng, biếu Chấn vàng nén, thuốc phiện. Chấn nhận lời sẽ án binh bất động, không tham chiến giúp Dương.
Sáng hôm sau, trời mới tờ mờ, sương mù còn bao phủ trên thung lũng, các triền núi, quân Hoàng đã bí mật vượt sông, kéo sang tấn công quân Dương.
Sau ba ngày huyết chiến, quân Dương núng thế phải rút về chân núi Mã Pí Lèng, xây thành đắp lũy chống cự. Quân Tàu trắng thấy quân Dương thua, liền nhổ trại rút về.
Dương Thụ Nghĩa thấy tình thế nguy ngập, liền mang thêm vàng bạc, thuốc phiện cử sứ giả sang nhờ Diu Số cứu vớt, dàn hòa với Hoàng. Diu Số cho người gặp Hầu Vạn Quả đàm phán. Hai bên đàm luận hồi lâu, cuối cùng Diu Số bắt Dương nhận bồi thường đất cho Hoàng, Hoàng ngừng cuộc tiến công.
Mã Học Văn, Giàng Vạn Sùng mở tiệc khao quân rồi kéo về Sà Phìn báo tin chiến thắng.
Hoàng thẫn thờ đi đi lại lại trong hậu cung. Lúc lúc đứng sững lại, dí dí chân trên tấm thảm nhung trải trên sàn gỗ. Trên sập, mụ Síu hút thuốc bào bằng điếu can dài, thỉnh thoảng ngước nhìn Hoàng đang nổi giận.
Hoàng dừng lại bên bức tường, đấm bàn tay khô khốc trên mặt đá nhẵn bóng, làm rung chuyển bức ảnh Hoàng Chí Đạo.
– Bọn người Kinh các người miệng thì ngọt nhưng bụng thì đắng! Lừa lọc như con rắn độc!
Mụ Síu không tỏ ra bực bội, hết sức nhẹ nhàng:
– Ông nên bớt giận làm lành, chắc ông lại nghe người ta dèm pha, nói xấu nó thôi. Ông còn lạ gì ở cái dinh thự này, thiếu gì kẻ ghen ghét muốn hại mẹ con tôi!
– Hừ, chính mắt ta trông thấy, chính mắt ta! Chúng đú đởn với nhau. Ta sẽ giết, giết tên Cao Ly dâm đãng và con Tầu lai phản bội!
Người mẹ vợ tưng hửng, hơi bối rối, nhưng lập tức trấn tĩnh được ngay, khẽ gật gù, húng hắng như ho khan:
– Giả dụ như có chuyện đó thật thì… bây giờ ông nên ngẫm kỹ xem sao. Tôi thiển nghĩ, những người đàn bà đi ngoại tình là do người chồng… Ông ngẫm xem, ông đáng tuổi ông nó, còn nó thì non tơ, phây phây. Được cái nọ, mất cái kia, âu cũng là luật bù trừ của tạo hóa. Ông gieo gió thì ông gặp bão. Trước kia ông cưỡng bức, lừa nó cả cuộc đời, chứ nó mới lừa ông một tí chứ mấy!
Ngừng lại, uống cốc nước nho tươi, thấy Hoàng im lặng lắng nghe, mụ tiếp:
– Ông nên bình tâm nghĩ lại, một câu nhịn chín câu lành. Ông mà giết chúng thì hỏng hết đại nghiệp. Ai cho ông được độc quyền buôn bán vải, muối, dầu hỏa ở cái đất Đồng Văn này? Ai phong ông làm Tri Châu? Ai đuổi thằng Tây ở cái đất Đồng Văn này cho ông tự do thu thuế dân Mèo? Người Nhật có quân đội hùng mạnh, súng ống tối tân như thế, giờ đã đóng quân trên đất này, ông đuổi làm sao được họ? Người Pháp mạnh như thế còn thua nữa là ông? Ông giết ông ta, mà chưa chắc ông giết hay người ta giết ông? Mọi người biết chuyện, cười ông ta một thì cười ông mười. Ông làm vua mà còn để vợ như thế, rồi các tổng giáp, mã phài, các tướng lính, quân sĩ còn nghe theo ông nữa không?
Mụ nhón tay lấy điếu thuốc lá “con cú” châm lửa hút. Hoàng nằm xuống bên bàn đèn rít liền mấy điếu cho lại sức, nhìn tượng Quan Công, nhăn nhó, đau đớn.
– Người Nhật người ta khôn khéo lắm. Ông giết người của họ, họ vu cho ông là làm phản, gì mà họ chả làm cỏ cái đất Đồng Văn này? Họ dại gì mà chẳng giúp họ Dương? Cái cơ nghiệp của ông sẽ ra sao đây? Liệu ông có vui lòng nhìn Dương Thụ Nghĩa kéo quân sang đuổi ông khỏi nơi này?
Ông cậy ông có tiền rừng bạc bể, quyền hành. Những thứ đó đối với chúng tôi chẳng nghĩa lý gì đâu. Ông ràng buộc trăm họ, chứ làm sao ràng buộc được chúng tôi? Ông làm to chuyện,
chúng nó dắt nhau đi. Chúng tôi coi ngai vàng của ông như ghế gỗ. Tôi phải theo con tôi, tôi đi, rồi ai khuya sớm tính mưu, bàn kế với ông?
Hoàng nghe nói, không biết cãi vào đâu. Toàn những lý lẽ xác đáng quá, phù hợp với suy nghĩ của Hoàng quá. Hắn chỉ biết nuốt nước bọt, nén cơn ghen nghèn nghẹn trong lòng.
Giữa lúc ấy, Thào Sè Na chạy vào chắp hai tay trước ngực:
– Thưa lão quan! Mã Học Văn về báo tin thắng trận!
Hoàng nhìn mụ Síu rồi quay về phía Na, ra lệnh:
– Bảo Mã tướng quân chờ ta ở trung dinh!
Thào Sè Na ra đi. Mụ Síu nhìn Hoàng sau làn khói thuốc lá:
– Chà! Danh tiếng ông sẽ tràn đi như nước lũ. Cứ đà này, chẳng mấy chốc toàn bộ thiên hạ về tay ông, giang sơn thu về một mối… Chẳng phải vì bênh con tôi khuyên ông thế, mà vì tình xưa nghĩa cũ. Tôi xin ông, có chuyện gì nên bàn bạc với già này?
Mụ Síu đi đến bàn đèn, quàng tay qua người Hoàng, vuốt ve, an ủi thêm mấy câu rồi lẹp kẹp đi ra. Hoàng gục đầu xuống chiếc gối thêu chim đại bàng. Hình ảnh Cắm Sìn và Mỹ Thuận ôm nhau, và hình ảnh đoàn quân chiến thắng cứ chập chờn, chập chờn diễu qua trước mắt. Hoàng muốn vùng dậy, ra lệnh cho Sùng Vạn Lù lôi hai đứa gian phu dâm phụ chém đầu cho hả giận, nhưng hắn lại run sợ trước thân hình lực lưỡng, cây kiếm dài quét đất của Cắm Sìn, và bên tai cứ văng vẳng lời bà mẹ vợ biết nhìn ra trông rộng: “Thiên hạ sẽ thu về một mối”.
Cái tin bà Ba, Cắm Sìn ăn nằm với nhau rồi cũng lan ra trong dinh. Mọi người bàn tán xì xào. Hoàng ra lệnh: “bà Hoàng không có chuyện xấu, kẻ nào bịa đặt bôi nhọ thanh danh bà sẽ bị chém đầu”. Những người trong dinh sợ hãi không dám bàn tán nữa.
Hoàng cố quên đi những chuyện uất ức trong lòng, mời Cắm Sìn cùng các tướng họp bàn, củng cố và mở mang bờ cõi, chia quân giữ đất Đồng Văn.
Giữa sảnh đường, có đầy đủ các tướng lĩnh, Hoàng tuyên bố: “Cắm Sìn sẽ là quân sư cho ta, toàn quyền chỉ huy các tướng lĩnh ta!”
Sau một hồi nói thao thao bất tuyệt, cố phô trương thanh thế lực lượng hùng hậu của quân đội Nhật, khoe khoang tài chỉ huy quân sự của mình, Cắm Sìn trình bày kế hoạch bố phòng Đồng Văn, cử các tướng đóng giữ các đồn biên giới.
*
Sau khi phiên chế các đội quân, Cắm Sìn bước vào huấn luyện. Với kinh nghiệm xây dựng đội quân phát xít, Cắm Sìn cố gò đội quân ô hợp, vô tổ chức, thích uống rượu và ve gái hơn là tập luyện này vào quy tắc nhà binh như quân đội Thiên Hoàng.
Nhiều tên lính bị phạt rất nặng. Đứa thì bị dìm trong bể nước giữa trời rét. Đứa thì bị quỳ trên đá sỏi. Chúng căm tức và chửi ngầm tên Cao Ly.
Mấy tháng sau, Cắm Sìn đã rèn cho quân Hoàng một quân kỷ khắc nghiệt, một tinh thần hiếu chiến và phát xít khác thường.
Chúng hống hách, ngày ngày ra phố, vào bản đập phá hạch sách dân chúng. Từng đoàn lính rủ nhau ra chợ ăn quỵt, uống rượu, đánh nhau chí mạng.
Dân chúng thấy lính của Hoàng, sợ hãi, chạy như chạy giặc.
Trong lớp huấn luyện, Cắm Sìn đặc biệt chú ý đến một tiểu tướng trẻ là Hoàng Chí Song. Năm đó, Song mới hai mươi tuổi, to béo, mắt một mí, má phị, tóc luôn chải lệch, thường mặc quần áo dạ Trung Quốc, đi giày cao cổ. Song luôn tỏ ra là con nhà trâm anh thế phiệt. Đó là cháu gọi Hoàng là “ông chú”.
Khi đi sang Mèo Vạc mở sòng bạc, thăm dò lực lượng họ Dương, thấy tình hình nguy hiểm như ngàn cân treo sợi tóc, Hoàng Xu Đô gửi lại đứa con trai duy nhất của mình là Hoàng Chúng Dịp cho Hoàng. Lớn lên, Dịp được chú lấy cho một người vợ tên là Sùng Thị Hỷ. Hai vợ chồng Dịp sinh được một con trai là Hoàng Chí Song.
Chẳng bao lâu, Dịp bị chết. Không muốn cháu dâu của mình lọt vào tay kẻ khác, mang đi số của hồi môn khá lớn, Hoàng cho con là Hoàng Đình Phủ lấy người chị dâu Sùng Thị Hỷ này. Chí Song thành con Phủ. Vừa là cháu gọi Hoàng là ông chú, vừa là con của Phủ, Chí Song gắn bó mật thiết với Hoàng, được Hoàng quý. Phủ, Công lần lượt chết. Cái “ngai vàng” của Hoàng chờ đợi Chí Song.
Được Hoàng chiều chuộng cho học ở Hà Nội, Hà Giang, Đồng Văn, ngay từ bé, Song đã tỏ ra trịch thượng, hống hách, khinh miệt mọi người.
Song thu hút được nhiều bạn bè, toàn các vương tôn anh hùng, các tiểu tráng sĩ. Khi chơi với bạn, Song đóng một bộ mặt giả rất tuyệt. Trong bụng ghét cay ghét đắng, muốn xỏ bạn nhưng ngoài mặt cứ vui vẻ, tâng bốc bạn lên mây xanh.
Cũng ngay từ 15, 16 tuổi, Song đã là tên si tình, hám gái và dâm đãng. Hắn thường lừa đảo các cô gái người Hoa, con các tổng giáp, mã phài.
Một buổi, sau khi huấn luyện ở quân trường Sà Phìn về, Sìn gặp Mỹ Thuận khen:
– Song sau này sẽ thành một chỉ huy tài ba của lão già. Nó có nhiều khả năng khiếu quân sự
lắm!
Thuận vốn ghét đứa cháu trai của Hoàng, bĩu môi:
– Tài cán gì thằng nhãi ấy, chỉ được cái hung hãn, suốt ngày uống rượu và ve gái!
Sìn cười nhạt phản đối người yêu:
– Tất cả những kẻ làm tướng phải hung hãn như thế! Anh sẽ huấn luyện cho nó thành một chỉ huy theo đúng kiểu các sĩ quan quân đội Thiên Hoàng.
Thuận mếch lòng, dè bỉu:
– Đấy rồi anh xem, anh sẽ nuôi ong tay áo. Tin chắc rồi nó sẽ thành tên phản chủ, phản anh cho mà xem!
Giữa lúc đó, Chí Song dắt tay một thanh niên trạc tuổi hắn đi qua. Khác với Song thấp lùn, to béo, người thanh niên này cao, ria mép lớt phớt, mũi dọc dừa, mắt sắc sảo.
Song chỉ người bạn, giới thiệu với Sìn, đôi mắt híp nhấp nháy:
– Đây là bạn Hoàng Chí Ân, vừa bỏ Mèo Vạc chạy sang ta!
Mỹ Thuận cùng Cắm Sìn dẫn Song, Ân vào thăm mụ Síu. Síu pha cà phê cho ba người uống, rồi hỏi Ân:
– Vì sao cháu bỏ nhà chạy sang đây? Dương Thụ Nghĩa là bác cháu kia mà?
Ân nói giọng đầy uất ức:
– Cháu không thể chịu được cái nhà họ Dương khốn nạn ấy!
Nói rồi, Ân kể cho mọi người nghe vì sao hắn bỏ Mèo Vạc sang Đồng Văn.
*
Một người Mèo Trung Quốc tên Vàng Sính Và di cư sang Mèo Vạc làm ăn sinh sống. Sính Và sinh được hai con trai là Vàng Dúng Sình và Vàng Dúng Sà thì người vợ chết. Sính Và lấy em gái Dương Thụ Nghĩa làm vợ hai. Người vợ này sinh được hai con: một trai là Vàng Giàng Đáo và một gái là Vàng Thị Mai.
Năm 1933, Sính Và được Pháp phong làm Tổng giáp cai quản Mèo Vạc. Lúc này Nghĩa chưa có chức vụ gì, muốn tranh chức Tổng giáp của em rể. Như con hổ rình mồi, Nghĩa chờ thời cơ ám hại Và, giành lấy chức Tổng giáp và ruộng đất.
Dúng Sà là một người phá gia chi tử, chuyên đánh cắp vàng bạc và thuốc phiện của gia đình, đi uống rượu, đánh bạc. Sính Và dạy bảo con mãi không được liền sai Dúng Sình đem em đi chôn sống. Biết chuyện, Thụ Nghĩa liền tung ngay tay chân đi rình mò. Tìm ra nơi chôn xác Dúng Sà, Nghĩa phát đơn tố giác lên quan Pháp, đồng thời dâng lễ nhờ tên quan này phong chức Tổng giáp cho mình.
Vin vào tội giết người của cha con Sính Và, muốn gia ơn cho Thụ Nghĩa, tên quan Pháp liền bắt Sính Và về giam ở tỉnh. Bị hành hạ, đánh đập tàn ác, Sính Và chết trong nhà giam.
Tên quan Pháp đưa ngay Thụ Nghĩa lên làm Tổng giáp Mèo Vạc thay Sính Và.
Thụ Nghĩa có chức có quyền trong tay liền cướp hết ruộng đất nhà Sính Và. Cửa nhà sa sút, Dúng Sình ôm mối thù Nghĩa. Sình thấy rằng chỉ có cách đăng lính cho Pháp mới có uy quyền, thời cơ trả thù.
Đăng lính xong, Dúng Sình xin ngay về trấn ải biên giới Mèo Vạc, gần quê hương để có dịp trả thù. Thỉnh thoảng, Dúng Sình lại dẫn lính khố xanh về hạch sách, mắng chửi, xỉ nhục Nghĩa.
Thụ Nghĩa ức lắm nhưng không làm gì được Sình. Nhân cơ hội Sình đi đánh nhau ở xa, Thụ Nghĩa cho con trai là Dương Trung Nhân đến cưỡng hiếp vợ Sình. Vợ Sình không chịu được nhục nhã liền uống lá ngón tự tử.
Dúng Sình trở về nhà, biết chuyện, dẫn lính khố xanh về phá nhà Nghĩa và kiện Nhân.
Quan Pháp lại được dịp moi tiền cả hai bên. Nghĩa, Nhân phải đem bạc già đút lót quan Pháp, thoát tù nhưng gia tài khánh kiệt.
Chờ cho Dúng Sình đổi đi xa, Trung Nhân đem lính dõng đến nhà Dúng Sình, cướp hết của cải, phá tan nhà cửa, đưa cô ruột (vợ Sính Và) và em là Vàng Giàng Đáo về nuôi, đổi họ em là Giàng Vạn Đáo (Giàng tức là Dương), lấy vợ cho Đáo.
Dúng Sình về thăm nhà, lặng người trước nhà cửa bị phá tan hoang liền cho người nhắn Giàng Đáo gặp mình, nói:
– Cha sinh được ba anh em trai ta. Anh thứ hai coi như người bỏ đi, còn anh và em. Tuy anh em khác mẹ nhưng cũng dòng máu họ Vàng của cha. Vì cha con thằng Dương mà cha phải chết trong tù, chị phải tự tử, nhà cửa tan nát. Anh giờ đã yếu, sức kiệt, không trả thù được cho cha, anh muốn em nghĩ đến mối thù này. Em đừng vì họ hàng đằng mẹ mà quên thù. Em hãy sang ở với ông Hoàng. Họ cũng thù Dương. May nhờ bàn tay họ mà trả thù được cho cha.
– Nhưng Dương đã lấy vợ cho em ở đây rồi. Vợ em là em Ma Chu Páo đó!
Dúng Sình thở dài:
– Chả lẽ vì vợ mà em quên thù cha hay sao?
Nghe anh than thở, nhớ đến thù cha, Giàng Đáo quyết thực hiện lời anh. Một đêm mưa, Giàng Đáo bỏ nhà Dương, bỏ mẹ và vợ lại Mèo Vạc, chỉ mặc một bộ quần áo lót chạy sang Sà Phìn, xin vào ở với Hoàng, chờ dịp về giết bác ngoại.
Được Giàng Đáo thông thuộc địa thế Mèo Vạc, lại mang mối thù sâu với họ Dương, Hoàng mừng lắm, nhận ngay làm cháu nuôi, đổi họ tên thành Hoàng Chí Ân, cho kết nghĩa anh em với Song, chờ dịp dùng bàn tay của Ân tiêu diệt họ Dương, mở mang bờ cõi cho cái đất Đồng Văn này.
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍