Bọn phỉ vẫn ráo riết hoạt động. Ban ngày chúng rút vào rừng sâu, ban đêm kéo ra cướp phá, giết người, cướp của, cắt đầu cán bộ.

Một số tên về bản, ban ngày cày bừa làm ăn, ban đêm vác súng đi đốt phá. Có tên khi đi làm, giấu súng ở bờ nương, cán bộ đi qua là bắn.

Một bộ đội vào nhà dân. Thấy người đàn ông đang ngồi nướng sắn, anh thăm hỏi rồi đi. Anh vừa ra đến sân, tên đàn ông – vốn là một tên phỉ – vác dao chạy theo chém chết.

Có lần, cánh quân của ta đang đi lùng phỉ, bỗng thấy một đám dân quân, súng ống đầy đủ. Anh em chào hỏi hồ hởi, thân mật. Anh em vừa đi khỏi, súng phía sau quạt vào lưng. Té ra đám người vừa đi qua là phỉ, giả làm dân quân.

Lại có lần, một đơn vị bộ đội đang truy phỉ, gặp đám đàn bà váy áo gọn gàng đi ngược lại. Bộ đội nhường đường mải miết đi. Súng lại quạt sau lưng các chiến sĩ. Thì ra đám phỉ mặc giả phụ nữ vừa qua trước mặt các anh.

Chúng ẩn hiện như ma. Tiếng súng ngày đêm nổ vang. Có nhiều trận, hàng tiểu đoàn của ta vây một khu rừng đánh rất mạnh. Khi im tiếng súng, tiểu đoàn tràn vào thì cả khu rừng không còn bóng tên nào.

Có những đơn vị truy quét quanh đi quẩn lại hàng tháng trời mà không phát hiện ra dấu vết chúng. Rồi, bỗng nhiên chúng lại xuất hiện đánh úp ta.

Cứ như thế, hàng năm trời, những tên trùm sỏ vẫn ẩn kín trong rừng sâu, cho chân tay đốt phá khắp nơi mà ta không trừ được.

Sư đoàn Giải phóng quân Trung Quốc sang giúp ta ngày ngày quét Bát Đại Sơn và vùng biên giới. Có đơn vị dùng súng phun lửa phun vào các hang. Nhiều tên phỉ lẩn trốn vẫn hoạt động. Bị quét nơi này, chúng nổi nơi khác, rất mau lẹ.

Làm thế nào để quét được hết chúng? Đó là nỗi lo lắng chung của lực lượng tiễu phỉ. Một buổi sáng, đồng chí Thiệp họp bàn với đồng chí Thảo và Nghĩa. Đồng chí Thiệp nói:

– Lực lượng quân đội đã quét phỉ khỏi những mặt trận chính: Cổng Trời, Đồng Văn, Ma Sồ. Chúng kéo về các nơi hiểm yếu, nhùng nhằng với ta. Đánh mãi mà không trốc tận gốc chúng, thế mới bực chứ! Bây giờ, trách nhiệm các anh là chính, công an phải là lực lượng chủ công.

Đồng chí Thảo nhìn vào tập hồ sơ trước mặt:

– Thưa anh, lực lượng quân sự và quần chúng vẫn… Đồng chí Thiệp ngắt lời:
– Tôi biết rồi. Nhưng mà, tôi nghiệm rằng, bọn phỉ ở đâu cũng thế, hễ cứ còn tên cầm đầu là chúng còn chống mình. Chúng tin theo bọn chỉ huy ghê lắm. Cứ tóm được thằng chỉ huy là lập tức chúng chịu giải tán. Muốn tóm thằng chỉ huy mà kéo quân đi, có hàng sư đoàn cũng không ăn thua. Biết nó ở đâu, ai báo cho mình nơi nó ở. Rừng sâu, núi thẳm, trời mà biết được. Phải nhờ đến con mắt trinh sát của các anh thôi. Tất nhiên là tôi vẫn cho quân đội phối hợp chặt chẽ với các anh, quần chúng vẫn giúp các anh chứ!

Đồng chí Thảo vui vẻ nhận nhiệm vụ.

Giao cho người nào đây? Đồng chí nghĩ ngay đến Nghĩa.

Bao nhiêu năm công tác với Nghĩa, đồng chí biết rằng anh có nhiều khả năng hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này. Quê anh ở Quảng Bình. Ngày còn bé anh học trường “Viễn Đông” ở Ba Son. Sau khi học xong anh làm việc ở “Hàng hải viễn đông” của Pháp. Lúc này tên Toàn quyền vốn là thủy sư đô đốc chỉ lấy cánh hàng hải về làm ở phủ toàn quyền. Anh được lấy về phủ toàn quyền. Thấy anh khỏe, có thân hình lực lưỡng, thể thao giỏi, chúng cho anh học cao đẳng thể dục thể thao về tập luyện cho các nhân viên của phủ, Pháp đánh nhau với Xiêm, anh bị động viên vào hải quân của Pháp. Thế là, cuộc đời lênh đênh sóng nước đến với anh. Đời lính thủy tạo cho anh tính quả cảm. Những chặng đường qua đại dương sóng cả, nay đây mai đó, có ngày nay không có ngày mai, khiến anh thích sống như người hiệp sĩ, phiêu lưu.

Mặt khác, qua các nước, anh thấy rõ nỗi cực nhục của người dân nô lệ, của người lính đánh thuê. Khi Nhật đảo chính Pháp, anh bỏ ngay hạm đội về Hà Nội. Ở đây, anh được đồng chí Lê Đình Thiệp – lúc đó là một cán bộ bí mật – giác ngộ, đưa anh vào “Thanh niên cứu quốc”.

Cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng công an được thành lập, anh chuyển vào Sở Công an Bắc bộ, làm đội trưởng “Đội trinh sát đặc biệt”.

Đây là thời kỳ trứng nước của chính quyền, thời kỳ nước sôi lửa bỏng của cách mạng. Là một thanh niên trẻ, giác ngộ và đầy nhiệt tình, anh lao vào cuộc chiến đấu một mất một còn với bọn Quốc dân đảng, bọn Tàu Tưởng và mật thám Pháp.

Hàng trăm tên Việt gian, Quốc dân đảng, mật thám khét tiếng gian ác, nguy hiểm bị anh bắt. Anh xông vào những vụ truy bắt vô cùng nguy hiểm, cái chết treo trên đầu sợi tóc, để bảo vệ chính quyền non trẻ, ghi những chiến công oanh liệt đầu tiên của ngành công an thời trứng nước.

Anh bắt sống tên Phan Kích Nam trong vụ Ôn Như Hầu; tên Nghiêm Xuân Tri, một tên Đại Việt nguy hiểm, chặn tay khi hắn chuẩn bị ám sát đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Võ Nguyên Giáp…

Sau toàn quốc kháng chiến, ra chiến khu, nhìn lại tập “Sự vụ lệnh” được giao đi bắt và diệt trừ những tên bán nước nguy hiểm, trong thời kỳ 45-46, anh thấy có hơn 300 bản. Trong đó anh thực hiện hầu hết số vụ được giao.

Ở chiến khu, anh được giao làm quận trưởng “Quận đặc biệt” bảo vệ chiến khu. Sau đó anh về làm trinh sát phòng Bảo vệ chính trị của Khu công an Việt Bắc.

Suốt trong thời gian làm trinh sát, anh được phân công theo dõi Hà Giang. Năm 1947, anh được cử lên đây tìm hiểu tình hình. Anh đã bước đầu tìm hiểu chế độ thổ ty.

Năm 1952, anh là người hỏi cung Phờ-răng-xoa và số biệt kích nhẩy dù xuống Mèo Vạc, bị ta tóm gọn.

Năm 1954, anh lên Đồng Văn, giải quyết 3000 hàng phỉ ở biên giới. Thời gian này, anh có dịp tìm hiểu kỹ bọn thổ ty, biết được bộ mặt thật của chúng. Sau đó anh hỏi cung Dương Mí Sàng và biết được phần nào âm mưu, tội ác của những tên cầm đầu các địa phương ở Đồng Văn.

*

Hoàng Trọng Kim và Vũ Đức Lạc đang phủ phục trên tấm phản. Trước mặt các anh là mấy quyển vở, một lọ mực. Các anh đang học văn hóa. Ngày đầu lên Đồng Văn, ngoài những giờ phút theo dõi địch, những khi ở trong rừng sâu chờ đợi, các anh không biết làm gì, chỉ quây vào ván tổ tôm giải sầu. Nhưng từ hôm anh Thảo, anh Nghĩa lên, gặp được những người có trình độ văn hóa, hoạt động trinh sát lâu năm, các anh nghĩ ngay đến việc học văn hóa, nghiệp vụ.

Lúi húi làm mấy bài tính, cộng cộng trừ trừ một lúc, Lạc trêu Kim:

– Học cái món này, có dễ khó hơn học món chữ nho, thần chú của ông nhiều nhỉ?

Kim cười hiền lành, biết bạn chế nghề hồi còn trẻ của mình đây. Kim ngẩn người một lúc không tìm được điểm yếu của “đối phương” để tấn công.

Lạc cười hể hả, thấy vui vì lâu nay các anh đã bỏ dần những thời gian rỗi, lãng phí để làm việc bổ ích. Muốn được học tập bạn về nghiệp vụ trinh sát, tiễu phỉ, Lạc đề nghị:

– Này, ông kể cho mình nghe chuyện bắt thằng Tráng Xéo Khún ở Hoàng Xu Phì đi, nghe nói kỳ công lắm phải không?

Kim vui vẻ kể. Kỷ niệm những ngày tiễu phỉ Hoàng Xu Phì sống lại trong anh.

Sau hòa bình lập lại, Kim đang làm trưởng đồn Khâu Vai thì đùng một cái, cũng như Lạc bây giờ, ty gọi anh về, phân công làm trinh sát, lên Hoàng Xu Phì tiễu phỉ. Cũng may mà mấy năm ở vùng Đồng Văn, anh biết được phần nào tâm lý, phong tục của người dân tộc. Khổ một nỗi, ở Đồng Văn tiếp xúc với người Mèo, người Tày. Còn phỉ ở Hoàng Xu Phì lại là bọn người Nùng.

Tháng 7-1954, ta vừa giải phóng Hoàng Xu Phì, bọn chúng nổi phỉ ở 14 xã, nắm lại chính quyền ở đó. Số phỉ lên tới 3.000 tên.

Khu cho Trung đoàn 165, Trung đoàn 148 và trung đoàn bộ đội địa phương lên, đánh từ tháng 7 đến tháng 9 thì giải quyết xong các toán tập trung. Tiến Minh, Tham mưu trưởng Trung đoàn 148(1), chỉ huy trung đoàn bắt được Tả Chín Củi, tổng chỉ huy bọn phỉ ở đây. Tên phó tư lệnh Tráng Xéo Khún cùng các tên chỉ huy khác: Tả Séo Sần, Tả Séo Vu… vẫn chưa bị bắt. Bộ đội truy lùng khắp nơi, nhưng không phát hiện được chúng.

Chúng lẩn lút hoạt động mãi đến năm 1957 ta vẫn không tóm được. Kim, Nghiêm, Bạ được cử lên Hoàng Xu Phì.
Khún cùng chân tay hoạt động kín đáo, bí mật. Kim lấy danh nghĩa là phái viên của tỉnh, mở hai lớp giáo dục tuyên truyền chính sách khoan hồng và một lớp cơ sở bí mật.

Trong số tay chân của Khún có tên Lý Séo Hòa người Mèo. Kim được biết Lý Séo Hòa đang oán Khún. Hòa có hai con gái: đứa lớn 17 tuổi, đứa bé 15 tuổi. Khún lấy thế là chỉ huy bắt Hòa giao đứa con lớn cho hắn. Được chị, nhưng Khún vẫn ăn nằm với cô em. Biết chuyện, Hòa căm tức nhưng sợ Khún, ấm ức trong bụng, không dám nói ra. Qua cơ sở, biết được điều đó, Kim tìm đến Hòa, khơi gợi và nhờ Hòa giúp mình bắt Khún. Đang căm tức Khún, có người muốn diệt Khún, Hòa nhận lời ngay.

Một hôm, Hòa cho biết Khún sẽ đi qua con đường mòn sau quả đồi. Kim quyết định sẽ gặp Khún.

Trời nhập nhoạng tối, Kim thấy thấp thoáng bóng Khún qua đồi. Hòa đón đường nói:

– Ông Kim, cán bộ tỉnh muốn gặp ông!

Khún giật mình, lên đạn hai khẩu súng, rồi hỏi Hòa:

– Có bộ đội vây không?

– Không, chỉ có một mình ông ta thôi!

Khún gật đầu.

Kim từ từ đi đến gặp Khún. Khún hỏi trước:
– Ông muốn bắt tôi à?

Kim bình tĩnh, thản nhiên trả lời:

– Không, tôi muốn nói chuyện với ông. Ông không tin thì cầm lấy súng đây.

Nói xong, Kim rút khẩu súng ngắn trong túi đưa cho hắn. Khún tin là Kim có thiện chí. Lúc đó, Kim mới nói rõ chính sách khoan hồng, hứa bảo toàn tính mạng và quyền lợi cho hắn. Khún về suy nghĩ.

Mấy tháng sau, hắn hẹn ra hàng. Đúng hẹn, Khún đưa cả gia đình gồm hai người vợ Mèo chính thức, bố vợ, hàng chục anh, em ra hàng. Ta cấp ruộng, trâu bò cho Khún làm ăn. Hắn hứa sẽ khuyên Tả Séo Sần ra hàng.

Ở được ít lâu, Khún xin đi gọi Sần, Kim chấp thuận. Hắn đi biệt tăm biệt tích, hai tháng không về. Một hôm, hắn giết Sần và Vu trong một hang sâu, rồi nhắn tin muốn gặp riêng Kim ở nơi bí mật. Anh em lo, có thể hắn bắt cóc hoặc giết Kim. Nhưng Kim vẫn đi gặp hắn. Đúng giờ hẹn, Kim đến gặp, hắn nói là Sần, Vu không chịu hàng. Hắn xin được trang bị súng, được đi lại tự do, mua ngựa. Kim hứa sẽ trả lời sau.

Trở lại rừng, hắn tập hợp tay chân, chuẩn bị men rượu, mổ lợn. Mồng năm tết, hắn sẽ mời Kim, Nghiêm đến uống rượu, bắt rồi nổi loạn.

Không thể kêu gọi được nữa rồi, Kim quyết định phải bắt hắn, dập tắt cuộc nổi loạn này.

Một mặt, Kim tung tin cho Khún biết ta sẵn sàng cho hắn súng, ngựa, đi lại tự do. Kim vận động nhân dân cứ cung cấp gạo cho hắn chuẩn bị làm lễ lớn. Kim, Nghiêm sẽ đến gặp. Trong khi đó Kim bố trí người phục kích xung quanh nơi sẽ gặp hắn.

Đúng ngày hẹn, Khún về. Bọn chân tay cùng 70 tên phỉ núp quanh ngôi nhà sẵn sàng bắt các
anh.

Khún vào nhà. Kim, Nghiêm bất ngờ giơ súng chĩa vào ngực. Các chiến sĩ ập vào bắt luôn.
Ngay khi đó, bộ đội tiến đến chia nhau canh gác các ngả. 70 tên phỉ không dám hành động… Kể đến đây, Kim dừng lại nói với Lạc:
– Sau này thế nào, chắc cậu biết rồi. Kết thúc cuối cùng thật là đáng tiếc. Khi chúng mình giải hắn từ nơi bắt về địa điểm tập trung, thì một cán bộ, ở đây mình không tiện nói tên, có lẽ bực vì suốt bốn năm trời, bao nhiêu lực lượng càn quét mà không tóm được, liền chỉ vào mặt hắn quát: “Tiên sư mày, mày trốn làm các ông tìm mãi. Giờ thì mày chết nhớ!”. Từ lúc đó, tên Khún sợ quá. Thế là, khi đi ngang đường núi, hắn lăn ngay xuống dốc rồi chạy miết. Không thể đuổi kịp, anh em dẫn giải liền nổ súng, kết liễu đời hắn. Khi báo cáo về cái chết của Khún, mình đành nhận tất cả khuyết điểm không dám nói đến người cán bộ đã dọa Khún, vì nói ra, mình nhẹ khuyết điểm một phần nhưng lại tội cho đồng chí cán bộ đó. Từ đó một mình mình chịu nỗi uẩn khúc không nói với ai cả. Hôm nay nói để chúng ta cùng rút kinh nghiệm cho cuộc chiến đấu mới này thôi.

Lạc gật gù:

– Nếu không có chuyện cuối xẩy ra, dẫn được Khún về thì tuyệt. Nó chết, uổng quá! Kinh nghiệm xương máu thật. Dù sao, anh em cũng thông cảm, cảm phục cậu!

Hai người vừa chuyện trò đến đây, thì Nghĩa bước vào, vui vẻ:

– Thế nào, các cậu học thuộc bài chưa?

Kim cười nói:

– Chúng tôi học thuộc rồi, khó quá. Bắt phỉ khó thật nhưng còn không đau đầu bằng chuyện học hành, con số con siếc này!

Lạc nói chêm vào:

– Khó thì khó, chúng tôi cũng cố học. Lâu nay ở cái đất “u tì quốc” này, chỉ biết làm thôi, làm gì có thì giờ, lại chả biết học hành ở đâu. Xong chuyến này, tôi phải xin ty cho đi một lớp bổ túc mới được.

Nghĩa đồng tình:

– Phải học, sau này ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, sử dụng máy móc hiện đại trong công tác công an, không học thì làm thế nào? Nhưng tạm gác chuyện học hành, trở lại công tác hiện nay đã. Mời các cậu lên gặp anh Thảo.

Ba người lên phòng anh Thảo. Từ hôm nổi phỉ, phòng tài chính mang hết hồ sơ, tiền nong vào trong đồn Phó Bảng, nhà trở nên hoang vắng. Người ta bố trí cho anh Thảo và Nghĩa ở chung. Ngày ngày anh mặc bộ quần áo nâu, cắm cúi làm việc, ai cũng tưởng đó là nhân viên phòng tài chính, không biết đó là người chỉ huy các chiến sĩ trinh sát đang âm thầm chiến đấu với bọn phản động nguy hiểm ở đây.

Nhà làm theo kiểu người Hoa, trên có gác hai kín đáo.

Kim và Lạc bước vào. Anh Thảo ngước đôi mắt hiền từ, tươi cười chào đón, hỏi han sức khỏe các anh. Giữa lúc đó, Phạm Minh Đăng cũng đến. Sau một thời gian làm Trưởng đồn công an Phó Bảng, anh được bầu vào huyện ủy. Hiện nay anh là Thường trực huyện ủy kiêm Trưởng công an huyện.

Sau mấy câu chuyện hàn huyên, anh Thảo nói:

– Đảng đoàn Bộ điện cho biết, hiện nay có mấy vấn đề cần giải quyết: trước hết, tên chỉ huy toàn bộ bọn chúng là ai? Có ý kiến cho là Hoàng ném đá giấu tay. Ta cần phải có bằng chứng cụ thể. Từ đó, ngăn chặn bọn chúng, có tài liệu để báo cáo với cấp ủy, tách Song, Ân khỏi địa bàn. Vì ta chưa có chứng cớ cụ thể, lại cần tranh thủ nên bọn chúng vẫn hoạt động được. Thứ hai là, những tên phỉ bị bắt cho biết, tên Vàng Chúng Dình, tổng tư lệnh, hiện còn đang chỉ huy phỉ chuẩn bị tấn công ta. Làm thế nào tìm ra tung tích hắn, lọt vào tận hang ổ bắt hắn. Thứ ba là, tên Tưởng Vô Thức trước kia là thiếu tướng Tưởng, sau hồi giải phóng biên giới, hắn chạy sang ta, cải tên

họ, sinh cơ lập nghiệp, sống trà trộn trong số dân Mèo ở Đồng Văn này. Ta nghi hắn là một trong những tên chỉ huy, cần phải tìm ra hắn. Do đó tôi phân công:

– Đồng chí Phạm Minh Đăng cùng các chiến sĩ công an huyện đi phát động quần chúng, để họ khuyên bảo chồng, con đã theo phỉ trở về làm ăn. Qua đó, phát hiện ra đầu mối những tên trên.

Đồng chí Nghĩa cùng đồng chí Kim đi tìm tung tích tên Vàng Chúng Dình. Đồng chí Lạc đi tìm tên Tưởng Vô Thức.
Đối với người trinh sát, điều quan trọng là nắm được tâm lý đối tượng, từ đó dũng cảm, mưu trí, kiên trì tấn công làm tan rã chúng. Các đồng chí nhớ lấy.

Sau một hồi bàn bạc, mọi người vui vẻ nhận nhiệm vụ.

*

Nghĩa im lặng suy nghĩ. Cái bóng to lớn của anh in trên tường đất nâu sẫm. Mặt anh dầy dạn, trầm lặng. Trên bàn chồng hồ sơ xếp cao. Hồ sơ ghi bằng đủ thứ giấy, có thứ bằng giấy bồi, lâu ngày chữ chỉ còn lờ mờ. Mấy ngày liền anh vùi đầu trong tập hồ sơ, say sưa đọc đọc, ghi ghi. Anh lật từng trang các tập “Tập đoàn phản động Đồng Văn”, “Tình hình các thổ ty”. “Sưu tra chính trị xã”…

Lần lượt, quá khứ những nhân vật quan trọng, những tên đứng đầu mảnh đất Đồng Văn này hiện lên trước mắt anh: Hoàng Chí Trung Chí Ân, Trần Thị Síu, Mỹ Thuận, Hoàng Chí Song, Chỉn Cáo, Giàng Vạn Sùng, Mã Học Văn, Mã Chính Minh… Cần phải chọn một tên làm cơ sở để đi vào. Nhưng bắt đầu từ tên nào đây? Hoàng, Síu, Thuận, Song thì không ổn rồi. Đó là những tên cầm đầu sống mái với ta, không bao giờ chúng chịu hé cho ta một ánh sáng.

Hay Ân? Nghĩa biết, Ân không cùng huyết thống với Hoàng, từ Mèo Vạc sang, có khả năng tố cáo Hoàng, nói rõ cho ta biết sự thật, tung tích Dình. Nhưng Ân vốn được Hoàng tin cậy, lại luôn luôn hai mặt, bao nhiêu năm đi với ta nhưng vẫn cố bám lấy quyền lợi, chống đối ta, lại là tên gian giảo. Nó có khả năng phản lại ta. Quyền lợi hắn gắn với Hoàng hơn ta.

Mã Học Văn? Nghĩa lắc đầu. Tuy anh chưa biết là Văn thay Hoàng chỉ huy chung, nhưng biết hắn là người trung thành rất mực với Hoàng. Gia đình Văn lại giàu có. Hắn bảo vệ Hoàng, đồng thời bảo vệ quyền lợi của mình. Bố hắn vừa mới chết vì ức với chính quyền ta, khó đi với ta.

Những tên trên lần lượt bị gạt ra khỏi danh sách xây dựng cơ sở của Nghĩa. Chỉ còn lại 3 tên: Sùng Mí Chiu, Hầu Vạn Quả, Mã Chính Minh là còn le lói chút ánh sáng.

Sau khi nghe Nghĩa báo cáo, anh Thảo hỏi Kim:

– Hồi ở Khâu Vai, cậu có nghe chuyện thằng Sùng Mí Chiu và Hầu Vạn Quả bị Dương bắt không? Chúng xử như thế nào?

– Tôi có nghe bà con nói, thằng Hầu Vạn Quả giả vờ bị bắt thôi, vì nó có mâu thuẫn với Hoàng?

– Thế sao sau nó lại về?

– Thằng cha này gió chiều nào, che chiều ấy, đâu có lợi là nó theo thôi! Thằng Diu Số cử nó về dàn hòa với Hoàng.

– Thế còn thằng Sùng Mí Chiu?

– Thằng này thì bị bắt thật. Nhưng nhờ đút lót nhiều tiền nên thoát. Thằng này nhiều tiền, lúc nào cũng đưa tiền ra giẫy.

Thế là một con đường mòn hiện ra trước mắt anh Thảo. Anh hỏi thăm thêm Phạm Minh Đăng. Đăng cũng cho anh biết quá khứ của Chiu, Quả. Anh quyết định: trước khi tìm cơ sở đi vào Vàng Chúng Dình, phải bắt tên dễ khai thác nhất, từ đó mới có thể khống chế và lôi kéo được chúng. Anh gặp Nghĩa, Kim, Lạc bàn bạc. Anh nói:

kia

– Tên Quả là một đầu mối quan trọng. Cần bắt và khai thác ngay! Từ tên này ta sẽ tìm ra bọn

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍

Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn