PHẦN HAI NHỮNG NGƯỜI TIỄU PHỈ
Tin phỉ nổi ở Đồng Văn tới tấp bay về Hà Giang, Thái Nguyên và Hà Nội. Bộ Chính trị họp, ra chỉ thị về vụ này, Khu tự trị Việt Bắc, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, tỉnh ủy Hà Giang mở chiến dịch tiễu phỉ.
Các cán bộ có kinh nghiệm tiễu phỉ lâu năm được cử lên Đồng Văn.
Tư lệnh trưởng “Đông Tây tập đoàn tiễu phỉ” kiêm Phó chính ủy Quân khu Việt Bắc – đại tá Lê Đình Thiệp và một số cán bộ khu lên Hà Giang cùng với tỉnh ủy mở chiến dịch.
Bên cạnh lực lượng quân sự, các cán bộ công an được cử lên Đồng Văn, Giám đốc Công an khu Việt Bắc Lê Đình Thảo, trinh sát Trần Tấn Nghĩa và một số cán bộ khác về Hà Giang. Đến nơi, đồng chí Thảo họp với tỉnh ủy, nhận định âm mưu của địch. Một đoàn cán bộ gồm đồng chí Thảo, đồng chí Xã (bí thư tỉnh ủy), Vù Mi Kẻ (chủ tịch Đồng Văn), Trần Tấn Nghĩa… lên Phó Bảng. Lúc này phỉ đang canh giữ Cổng Trời, không thể qua được, đoàn phải đi từ Thanh Thủy, theo đường Vân Nam vòng về Phó Bảng.
Chuyến đi thật là vất vả gian nan. Đi đến nửa đường, dốc quá, ngựa không thể đi được. Mọi người đành bỏ lại đi bộ.
Trèo đèo, lội suối, đoàn đã đến Pả Pú.
Bạn đón tiếp nồng hậu. Những chiếc nệm êm ả, những bữa ăn thịnh soạn dành cho đoàn.
Đồng chí bí thư đảng ủy đại công xã Pả Pú khuyên đoàn nên ở lại nghỉ ngơi cho lại sức rồi hãy đi. Nhưng, ai ai cũng muốn mau mau đến Phó Bảng để bắt tay vào công việc. Đồng bào bị phỉ giết chóc, o ép đang chờ đợi. Vì thế, ngày hôm sau, anh em lại lên đường về Phó Bảng.
Đồng chí Thảo chọn căn nhà của phòng tài chính huyện làm nơi họp hành, trao đổi công việc hàng ngày.
Trung đoàn 246 chuyên tiễu phỉ ở vùng biên giới do đồng chí Việt Hưng làm trung đoàn trưởng, Tiến Minh làm tham mưu trưởng đang tập luyện ở Tuyên Quang, cũng được lệnh, nhanh chóng lên đường.
Về đến Quản Bạ, thấy việc điều đình không đạt kết quả, phải dùng lực lượng quân sự quét địch, đồng chí Việt Hưng vội cho quân lên. Không thể đi qua Cổng Trời, trung đoàn đi đường Du Già, Đường Thượng về Yên Minh.
Vừa đi vừa mở đường, ba hôm sau, ngày 27 tháng 12 các chiến sĩ đã tới Yên Minh.
Tờ mờ sáng hôm sau, ngày 28 tháng 12 phỉ từ bốn ngả kéo đến. Một mũi từ Na Khê, Bạch Đích chọc sang; một mũi từ Cắn Tỷ đánh lên; một mũi từ Mậu Duệ tiến vào; một mũi từ Phó Bảng tràn xuống.
Tiếng tù và, tiếng loa rộ lên lộn xộn, ầm ĩ. Phỉ dồn dân đi đầu, vai họ mang quẩy tấu, tay cầm dao rừng, xẻng cuốc. Đi sau là bọn phỉ mang đủ các loại súng: Liên thanh, súng trường, súng kíp.
Trong phố vắng tanh. Nhà nhà đóng cửa. Nhân dân nghe chuyện chúng cướp phá ở Lũng Phìn, mổ bụng moi gan cán bộ… nên hốt hoảng sợ hãi, lo lắng không biết tính mệnh mình sẽ ra sao.
Được lệnh của Trung đoàn trưởng Việt Hưng, Tham mưu trưởng Tiến Minh cho các chiến sĩ triển khai đội hình, chốt ở hai nơi: một ở trong đồn Yên Minh, một ở cạnh cầu chặn đường tiến công của địch.
Phỉ hò la, ào ào tiến vào phía cầu, định phá mậu dịch, kho thóc. Tiếng súng liên hồi, tiếng ngựa hí, tiếng tù và lộn xộn. Trong bọn phỉ, người ta thấy có tên thày mo, chân nhảy cẫng lên, tay bắt quyết, miệng hò hét gọi mưa gió.
– Đợi chúng vào gần mới bắn! – Tiến Minh ra lệnh.
Hai khẩu trung liên được chuyển đến chặn mũi tiến của phỉ vào phía cầu. Những khẩu súng cối sẵn sàng nhả đạn.
Phỉ ào ào tiến. Dân vẫn bị lùa đi trước.
– Thưa đồng chí! Để bảo vệ nhân dân, ta phải chừa dân ra, chỉ nhằm phỉ bắn thôi. Xin ý kiến đồng chí! – Tiến Minh lo lắng hỏi?
Trung đoàn trưởng Việt Hưng hạ ống nhòm:
– Đúng! Chỉ nhằm phỉ bắn thôi.
Hai khẩu liên thanh quay nòng, hướng về phía phỉ đi sau.
– Bắn!
Đạn từ hai nòng trung liên phụt ra, quét vào bọn phỉ. Nhiều tên ngã gục. Ngựa ngã lăn, bọn phỉ gào lên khủng khiếp.
– Đạn nó có mắt, đạn nó có mắt!
Một tên phỉ kêu lên, quay lưng chạy. Những tên khác sợ hãi ùa theo. Cứ thế, chúng đạp lên nhau chạy ngược lại. Tên chỉ huy Vàng Quáng Ly bị trúng đạn, ngã lăn xuống ngựa. Những người dân hoảng hốt, tụ lại phía bên kia suối chắp tay vái trời.
Tiếng súng im. Bọn phỉ ào ào chạy trốn. Mấy khắc sau, không còn một bóng người. Chỉ còn lại những con ngựa đang giãy chết. Xác mấy tên phỉ co quắp. Những chiếc quẩy tấu của dân bỏ lại lổng chổng.
Dẹp tan phỉ ở Yên Minh, thừa thắng, trung đoàn tiến lên giải phóng Cổng Trời.
*
– Cần phải có người lọt vào vùng Cắn Tỷ điều tra tình hình địch ở Cổng Trời, đồng chí thấy có thể đưa ai đi?
Tiến Minh hỏi chủ tịch huyện Vù Mí Kẻ.
Vù Mí Kẻ ngẫm nghĩ hồi lâu, bấm tay dự kiến từng người, cuối cùng đề nghị:
– Chỉ có đồng chí Lương Huy Đỉnh. Đồng chí ấy là y tá lâu năm ở đây, đã từng chữa thuốc cho dân, cả những tên đang làm phỉ. Nhiều người quen mặt. Tuy là người Tày nhưng đồng chí biết tiếng Mèo. Có thể vào được.
Y tá Lương Huy Đỉnh đeo ba lô thuốc đầy, hăng hái lên đường.
Lúc này, dân trong vùng chạy phỉ, phải ngủ rừng, nằm bụi nhiều, bệnh sốt rét và kiết lỵ phát sinh. Nhà nào cũng có người ốm. Thấy thầy thuốc quen thuộc đến, họ mừng, gặp rất đông. Anh vừa chữa thuốc, vừa men dần đến phía Cổng Trời.
Đã đến hõm Cắn Tỷ. Đỉnh vào một nhà dân nằm nhờ. Cả đêm anh không sao ngủ được. Chốc chốc, tiếng súng của bọn gác Cổng Trời bắn lại nổ vang, phá tan bầu không khí yên tĩnh.
Sáng hôm sau, anh đang ngồi trên giường thì một tên phỉ chĩa súng ập vào:
– Mày là Cộng sản vào đây thám thính phải không?
– Không, tao là thầy thuốc đi chữa bệnh cho dân thôi!
Cả bọn vui mừng:
– A, may quá, ông Giàng Sè Sấu, đại đội trưởng của chúng tao đang ốm, mày đến chữa xem có khỏi không. Nếu khỏi thì thôi, nếu không khỏi thì đúng mày là do thám rồi! Đi nào!
Đây là một dịp điều tra tình hình địch. Đỉnh đi theo chúng luôn.
Đến gần Cổng Trời, một tốp phỉ đang ngồi đun nước. Chúng vẫy tay bảo tên phỉ đưa Đỉnh lại. Một tên hỏi:
– Tao hỏi cán bộ này, tại sao Chính phủ lại bắt hết người khôn của chúng ta đi để người ngu ở lại?
Biết bọn phỉ không ưa ngọt nhạt, Đỉnh gắt gỏng giải thích:
– Cách mạng bắt người khôn à? Chúng mày có thấy những đứa bị bắt toàn là đặc vụ Tưởng, bọn làm hại dân Mèo ta, đúng không nào?
Mấy tên nhìn nhau. Một tên khác lại hỏi:
– Tại sao Cách mạng không cho chúng tao trồng thuốc phiện, không cho đánh bạc? nói là tự trị, sao lại làm thế?
– Lập khu tự trị không phải là để làm cái lạc hậu, cái xấu mãi, mà để đưa đời sống chúng mày lên kịp với miền xuôi. Cứ đánh bạc, thuốc phiện, nghèo đói mãi thôi!
– Tại sao Cách mạng lại bắt chúng tao lên xã hội chủ nghĩa? Trước kia Việt Hưng bảo chúng tao chỉ đánh thằng Tây thôi mà!
– Lên xã hội chủ nghĩa để chúng mày no cái bụng, ấm cái da chứ ai bắt!
Không vặn hỏi được nữa, tên chỉ huy nói:
– Không nói nhiều. Người Mèo không biết nói, chỉ biết làm. Bắt thằng này lại, giết đi!
Đỉnh bình tĩnh nói:
– Tao đi chữa bệnh cho ông Sấu đấy, để tao đi chữa xong, khi về chúng mày có giết hãy giết!
Nói rồi anh quay sang tên dẫn đường. Tên kia gật đầu. Một tên khác cũng nói chen vào:
– Nó nói đúng đấy, đừng giết nó!
Tên chỉ huy miễn cưỡng để cho Đỉnh đi.
Phỉ dẫn Đỉnh đến nhà Sè Sấu. Anh khám bệnh, biết hắn bị kiết lỵ nặng.
Mấy ngày liền ở nhà Sấu, anh khám bệnh, tiêm thuốc chăm chỉ. Dần dần tên Sấu có cảm tình với anh. Ngày ngày, cùng làm việc với anh có vợ Sè Sấu. Bà là một người phụ nữ Mèo hiền lành. Sấu rất thương và nể vợ. Người cán bộ thầy thuốc hiền lành, tận tình nên được bà chủ quý, nói cho nghe nhiều điều về phỉ.
Mấy ngày sau, Sấu đỡ bệnh, bảo vợ giết gà mời Đỉnh uống rượu. Trong bữa, ngà ngà say, Sấu không giữ ý, nói bô bô với Đỉnh tình hình bọn chúng.
Một buổi, đang trò chuyện với Sè Sấu, Đỉnh thấy từ ngoài đi vào một tiểu đội phỉ. Tên tiểu đội trưởng nói với Sè Sấu:
– Thưa đại đội trưởng, ông Lình ra lệnh bắt tên này, nó về do thám và điều tra tình hình quân ta!
Sấu im lặng, không trả lời. Đỉnh nghe loáng thoáng thấy hai tên phỉ nói khẽ với nhau bằng tiếng Mèo: “Thằng này ghê thật dám vào tận đây, lừa chúng ta đây!”
Vợ Sè Sấu hỏi bọn phỉ:
– Nó là thầy thuốc, sao chúng mày bảo nó do thám?
– Nó vờ chữa bệnh thôi, nó đi do thám đấy!
– Không phải, nó vừa chữa cho ông Sấu khỏi bệnh mà!
Nói xong, vợ Sấu cầm ba lô của Đỉnh cất vào buồng, tỏ ý không cho bọn phỉ dẫn anh đi.
– Ai ra lệnh cho chúng mày bắt tao? – Đỉnh hỏi tên tiểu đội trưởng.
– Đại đội trưởng của tao!
Đỉnh nhìn Sấu:
– Ông Sấu ở đây, tao chỉ biết ông Sấu, không biết ai hết! Tao là thầy thuốc, chỉ biết chữa bệnh không biết việc quân sự.
Tên Sấu bực tức nói:
– Nó là thầy thuốc, nó chữa bệnh cho người Mèo ta, cho tao. Tao là Đại đội trưởng ở đây, chúng mày không có quyền bắt nó.
Bọn phỉ rủ nhau đi, trước khi đi còn dọa Đỉnh:
– Chúng tao sẽ xin lệnh ông Cáo!
Đêm ấy, Đỉnh nằm lại nhà Sè Sấu. Anh không dám đắp chăn, sợ ngủ lịm đi, không kịp đối phó khi có biến. Sáng hôm sau, vợ Sấu làm bánh dày, gói cho Đỉnh ba chiếc to, rồi sai một tên phỉ dẫn anh đến cửa rừng.
Trên dường đi, anh rẽ vào một ngôi nhà bên đường, uống nước. Trong nhà chỉ còn một người què. Hỏi tên phỉ, anh được biết, đó là tên phỉ Phàn Chỉn Sử. Sử có người anh ruột là Phàn Chỉn Sài, đại đội trưởng phỉ. Mấy hôm nay Sài hay về nhà, than vãn với Sử là vợ con chúng chạy vào rừng bị đói, bệnh tật nhiều, Sài chán nản, không hăng hái đánh nhau như trước. Đỉnh đưa Sử một ít thuốc để Sài đem vào rừng chữa cho vợ, con Sài rồi anh ra đi.
Ra đến cửa rừng, tên phỉ nói với anh:
– Từ chỗ này, hết đứa gác đường rồi, cán bộ đi đi!
Anh đi được một đoạn, bỗng nghe tiếng khèn phía sau nổi lên buồn buồn. Anh núp vào trong bụi, nhìn lại. Tên phỉ vừa dẫn anh đang ngồi trên mô đá thổi khèn. Có lẽ hắn nhớ nhà. Tiếng khèn đang nổi lên thì một tốp phỉ đi lại. Tên chỉ huy quát:
– Mày thổi “Tiếng hát mồ côi” à? Buồn quá! Làm bọn tao nhủn lòng, không được thổi nữa!
Tiếng khèn im bặt. Rừng yên tĩnh.
*
Đỉnh về ven rừng gặp Tiến Minh. Có thêm hai cán bộ công an: Bùi Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ chính trị và Vũ Đức Lạc, trinh sát của Ty Công an.
Sau khi nghe Đỉnh báo cáo lại tình hình, Bùi Hùng và Tiến Minh phác ngay một kế hoạch mới. Đêm ấy, một số chiến sĩ quân báo được phái đi. Sáng hôm sau, Phàn Chỉn Sử bị dẫn ngay đến gặp các đồng chí chỉ huy.
Nhận ra Đỉnh, Sử hoàn hồn, nhìn anh cầu khẩn.
– Bây giờ Cách mạng lên rồi, những người theo phỉ như anh, thành thật khai báo, lấy công chuộc tội, sẽ được khoan hồng? Anh cho chúng tôi biết số phỉ ở đây? – Bùi Hùng hỏi.
– Nhưng tôi có theo phỉ đâu?
– Anh không theo phỉ, sao khi máy bay qua, anh lại vẫy khăn trắng?
Sử trố mắt ngạc nhiên. Ồ, sao nó biết mình vẫy khăn trắng nhỉ? Im lặng một hồi hắn nói:
– Sao ông biết?
Bùi Hùng trả lời:
– Tôi là chỉ huy ở đây, có chuyện gì của các anh tôi biết cả! Thế các anh vẫy khăn trắng định chỉ cho máy bay ném bom giết chúng tôi à?
– Không, khi đi cụ Hoàng dặn, sẽ có máy bay của Mỹ – Diệm đưa cụ lên, tiếp tế lương thực, thuốc men cho chúng tôi. Thấy máy bay, tôi tưởng máy bay của cụ, tôi vẫy. Thế ra ông ngồi trên máy bay ông thấy tôi vẫy khăn à?
– Phải!
– Bây giờ tôi biết làm gì?
– Phàn Chỉn Sài có muốn quay về với Chính phủ không?
Sử băn khoăn, lúc sau mới nói:
– Nó chán phỉ rồi nhưng không biết có hàng hay không?
Bùi Hùng vừa chỉ trên giấy ra hiệu, vừa dặn:
– Anh về bảo Sài ra cánh rừng Pờ Cha Lủng, chỗ cây sồi, chúng tôi sẽ gặp.
Sử nhận lời ra đi. Đỉnh đưa thêm cho Sử ít thuốc.
Sử vào rừng, gặp Sài, gọi riêng ra một nơi bàn bạc. Nghe tin Sử bị bắt, Sài lo lắm. Sài đoán là thế nào em mình cũng bị mổ bụng, moi gan. Hắn chờ cái tin đau đớn của em. Đến khi Sử về, hắn cứ tưởng như là ma hiện:
– Sao quân Cộng sản nó không giết mày à?
– Không, chúng không giết, còn cho ăn uống tử tế! Cho thuốc về chữa cho bố mẹ, vợ con!
– Lực lượng chúng như thế nào?
– Ú, lực lượng nó lớn lắm, nhiều súng to. Máy bay hôm nọ bay, ta tưởng của cụ Hoàng. Không phải, của Cách mạng chúng nó đấy!
– Thế à?
– Chúng sắp đánh lên đây. Bọn ta ra hàng thì được khoan hồng, không thì chết hết!
– Liệu ra hàng chúng có tha không? Hay lại mổ bụng, moi gan như ta đã làm với chúng!
– Không, tao gặp chúng tao biết, chúng không ác như chúng ta đâu mà. Tên chỉ huy bảo tao, mày về với nó, nó sẽ tha ngay!
Sài suy nghĩ căng thẳng. Những viên thuốc Sử mang cho vợ con hắn, những cân gạo bộ đội cho khiến hắn tin lời của em trai. Nó bảo Sử:
– Mày nói chúng đến gặp tao.
*
Bùi Hùng giao cho Lạc vào Pờ Cha Lủng gặp Sài.
Lạc bước đi trong rừng vắng, suy nghĩ miên man. Anh không ngờ mình trở thành một chiến sĩ trinh sát nhanh đến thế.
Lạc quê ở Vĩnh Phú. Năm 16 tuổi, anh từ biệt bố và em lên Hà Giang. Anh trở thành một đội viên “Công an xung phong”, sau làm Trưởng đồn cảnh sát Vĩnh Tuy (Hà Giang).
Ở cái phố bé nhỏ, vắng vẻ này, Lạc gắn bó với anh em và bà con ở đây.
Các chiến sĩ cũng như “ông trưởng đồn” nghèo, trợ cấp chỉ đủ chi tiền gạo. Bà con lúc thì cho mớ rau, lúc thì cho bát canh.
Ngay như chuyện anh lấy vợ, cũng nhờ bà con, anh em gây dựng cho.
Ở đồn lâu, biết nhiều cô gái trong phố, nhưng anh vừa cả thẹn, vừa giữ kẽ, ưng thầm trong bụng mà không dám nói.
Một hôm, anh Đức – Trưởng ty công an – xuống Vĩnh Tuy thăm Lạc và anh em. Nghe hỏi đến chuyện vợ con của mình, Lạc chỉ gãi tai nói chưa có gì. Anh Đức liền dẫn Lạc đi thăm nhà một người quen, có cô cháu gái chưa chồng, để Lạc làm quen. Cô gái người đẫy đà, trắng trẻo. Khi về đến đồn anh Đức hỏi:
– Có thích cô ấy không?
Lạc biết cô gái mồ côi cha mẹ, quê ở Thái Bình, lên đây ở với người cô. Cô chăm chỉ, nết na.
Nghe anh Đức hỏi, Lạc ưng nhưng ngượng, ngập ngừng:
– Cô ấy béo quá!
Anh Đức cười:
– Béo thế tốt chứ. Con cái vào “ngót” đi là vừa. Cứ thích người thanh thanh, đẹp mắt ngay rồi sau này khổ. Cậu lấy cô ấy thì hợp lắm. Cậu ở đây, thân một mình, quê thì xa. Cô ấy cũng thế. Cùng xa quê hương, cùng con nhà nghèo, thương nhau, còn gì bằng!
Lạc im lặng. Anh Đức thay mặt cơ quan đến hỏi cô gái cho Lạc. Rồi cơ quan đứng ra tổ chức đám cưới. Đám cưới đơn giản, bà con ở phố lo cả…
Hai người ăn ở với nhau, bây giờ đã ba mặt con. Thằng Hồng 5 tuổi, thằng Hải 3 tuổi, thằng Sơn 1 tuổi.
Chẳng may cho anh, thằng Sơn bị lở mặt. Chạy chữa thuốc thang thế nào cũng không khỏi, anh phải mang con về Hà Nội chữa ở bệnh viện Việt Đức.
Cách đây năm hôm, anh còn ngồi ở bệnh viện. Bên anh, thằng Sơn mặt lở, bôi thuốc mỡ, đang thiêm thiếp ngủ. Chị Lạc ngồi bên cạnh, tay phẩy quạt đuổi ruồi cho con.
Bỗng từ ngoài cửa phòng, một chị y tá khoác áo bờ-lu trắng đi vào, tay cầm tờ giấy: – Có điện của Ty Công an Hà Giang gửi anh Lạc đây!
Lạc cầm điện, mấy dòng chữ ngắn ngủi: “Về nhận công tác mới ngay!” Chị Lạc nhìn chồng, lo lắng:
– Có chuyện gì thế nhà?
– Điện gọi tôi về nhận công tác mới. Nhà ở lại với con, tôi về!
Anh Lạc cấp tốc đáp ô tô về Hà Giang. Về đến ty, anh được biết, phỉ nổi ở Đồng Văn. Ty cần cán bộ trinh sát. Anh bàn giao đồn cảnh sát cho người khác, về phòng “Bảo vệ chính trị”, lên tiễu phỉ.
Công tác trinh sát thật là mới mẻ đối với anh.
Từ ngày vào công an, anh chưa qua một lớp huấn luyện nào. Về nghiệp vụ trinh sát, anh càng không được học tập. Biết anh lo lắng điều đó, anh Đức động viên:
– Vừa làm vừa học, những người có kinh nghiệm sẽ giúp đỡ cậu, không lo. Anh em trinh sát ty ta toàn thế cả thôi. Có ai học hành đến nơi đến chốn đâu!
Lạc khoác ba-lô, đi bộ lên đây…
Lạc vẫn bước đi, thận trọng quan sát xung quanh, đề phòng phỉ phục kích bắn mình.
Đã đến nơi hẹn, anh thấy Phàn Chỉn Sài đang ngồi dưới một cây sồi, chờ đợi. Sau khi giải thích chính sách khoan hồng, anh hỏi:
– Đại đội anh có bao nhiêu người?
– Hơn 50 đứa!
– Bây giờ anh về khuyên những người trong đại đội, đem súng ra hàng. Chính phủ sẽ khoan hồng cho các anh. Nếu sợ bọn chỉ huy biết, anh cứ mang súng ra để ở đây, rồi tìm cách trốn tránh không đi làm phỉ nữa.
Sài về họp đại đội, khuyên đồng bọn hàng. Nghe đại đội trưởng khuyên, chúng nghe theo.
Hai hôm sau, Sài và bọn phỉ vác súng ra nộp, hứa không đánh lại cách mạng.
Sau đó, Lạc lại nói với Sài:
– Anh làm như thế là tốt. Cách mạng sẽ thưởng công cho anh. Giờ chúng tôi muốn nhờ anh dẫn người, ban đêm lên Cổng Trời, được không?
Sài nhận lời. Một tổ quân báo của Trung đoàn 246 do Hồ Văn Linh làm tổ trưởng được cử vào Cổng Trời.
Nửa đêm, khi bọn phỉ chúi vào hang, nằm bên đống lửa ngủ gà ngủ gật, có một tốp người mặc quần áo tả-pú đen, đội mũ nồi, theo Phàn Chỉn Sài đi về phía Cổng Trời.
Họ đi băng trong đêm, bước qua những đống tuyết giá lạnh. Mỗi khi qua trạm gác, Sài cất giọng: “Tao, Chỉn Sài đây!” là bọn gác im bặt.
Các anh trèo lên một đỉnh núi cao, nằm chờ trời sáng. Ẩn kín trong lùm cây, họ hướng ống nhòm về phía Cổng Trời. Địa hình Cổng Trời, cách bố phòng, phân chia quân của phỉ được ghi lại. Chờ đến đêm, Linh và anh em theo Chỉn Sài thoát khỏi khu vực phỉ về đơn vị. Ngày hôm sau, sa bàn Cổng Trời được dựng lên. Không có đất dẻo đắp sa bàn, anh em dựng bằng bột ngô.
Ban chỉ huy Trung đoàn 246 họp bàn. Tham mưu Trưởng Tiến Minh đề nghị:
– Bây giờ, nếu ta đem toàn bộ lực lượng tấn công mặt chính diện của Cổng Trời thì khó thắng được địch. Vì chúng có địa thế thuận lợi. Từ trong lô cốt, chúng bắn, kéo dàn đá đổ xuống rất nguy hiểm. Ta phải dùng nghi binh.
Một mặt, ta dùng hai mũi tiến quân: một theo dốc Cắn Tỷ lên cổng phía nam; một theo dốc Pa Pao lên cổng phía bắc. Trong khi đó, ta dùng lực lượng lớn chọc sườn phía đông. Bọn địch lo đánh hai phía chính sẽ bỏ hở phía sườn. Nhân đó, ta tiến lên.
Việt Hưng gật gù tán thành. Các chiến sĩ lặng lẽ lên đường.
Theo đúng phương án tác chiến, hai mũi chính thọc lên.
Giữa trưa, hai mũi chính phát hỏa. Bọn phỉ dồn hết lực lượng về hai cổng bắc và nam. Trong khi đó mũi chọc sườn từ phía đông tiến lên. Chúng không đề phòng. Ba khẩu ĐKZ của ta bắc ngay chân núi.
Quân ta từ hai phía cổng kêu gọi mãi, chúng không chịu hàng. Lệnh bắn pháo phát ra. Những quả ĐKZ từ dưới chân núi phía đông vọt lên, bám vào thành cổng phía nam, nổ vang. Sức nóng ghê gớm thiêu đốt chúng. Một tên phỉ nằm cạnh thành bị thiêu cháy. Những tên khác sợ hãi thét lên:
– Ú, cách mạng nó có súng thần rồi!
Cánh quân của ta từ sườn phía đông xông lên. Phỉ hò nhau chạy tán loạn về phía tây. Quân ta tiếp tục truy kích. Ở một chân núi, phỉ nấp sau bức tường đá xếp sẵn, bắn lại. Trung liên của ta xối xả quét vào phía địch, nhưng bị bức tường đá chặn lại.
– Nếu ta không giải quyết xong, tối đến, chúng từ Na Khê kéo sang đánh úp thì rất nguy hiểm!
– Tiến Minh nhận định.
Lệnh bắn súng cối được ban ra. Từng loạt đạn cối vồng lên dọn đường. Một mũi quân ta vòng qua sau núi đánh tập hậu. Bọn địch bị hất ra khỏi bức thành đá, kéo nhau chạy vào rừng sâu.
Vàng Chỉn Cáo thấy mặt trận Cổng Trời bị vỡ, cổng đã mở, liền rút vào Bát Đại Sơn, tìm đường liên lạc với Vàng Chúng Dình.
*
Sau 11 ngày đêm tấn công, không chiếm được phố Đồng Văn, Vàng Chúng Dình uất lắm. Giữa lúc đó, Tiểu đoàn 2 Trung đoàn 246 cùng Đại đội 10 tỉnh đội do Ngô Chí Việt chỉ huy kéo đến. Núng thế, Vàng Chúng Dình bỏ Đồng Văn, chạy về Ma Sồ.
Đến Ma Sồ, Chúng Dình nói với các tướng phỉ:
– Đây là nơi hiểm yếu, thuận lợi. Từ đây ta có thể giữ được dinh của Lão quan. Gần kho vũ khí, chuyên chở dễ dàng. Gần biên giới, ta có thể rút sang Trung Hoa một cách nhanh chóng. Vì thế, tôi quyết định trấn ở đây, các ngài thấy thế nào?
Bọn tướng phỉ đồng thanh tán thành. Vàng Chúng Dình tụ quân ở đây. Hôm sau, các cánh phỉ từ Lũng Phìn, Mèo Vạc cũng kéo về. Bọn chúng xếp đá làm lỗ châu mai, chặt cây làm chướng ngại vật, đóng ở các hang, chống cự.
Ngày 17 tháng Chạp Kỷ Hợi (25-1-1960), Trung đoàn 246 kết hợp với đại đội cơ động công an vũ trang tỉnh được lệnh tấn công Ma Sồ.
Trời rét, xung quanh các chiến sĩ, tuyết phủ trắng xóa. Hiệu lệnh phát ra, nhưng súng cứ im. Mọi người biết trời lạnh quá, dầu súng đóng băng, không bắn được, liền vội vàng đốt lửa, hơ cho dầu chảy ra.
Suốt ba ngày quần đi quần lại với phỉ, thương vong nhiều nhưng vẫn chưa chiếm được trận
địa.
Bọn phỉ nấp trong hang, sau các bức tường, qua các lỗ châu mai bắn ta rất chính xác. Chúng ẩn hiện như ma. Đạn súng cối ta bắn lên giắt vào khe đá, nổ rất ít.
Bánh chưng gói lâu đã thiu. Mỗi người bị thương lại phải 3, 4 người khiêng vác đi. Tình hình rất căng thẳng. 30 Tết rồi. Cái rét làm cho các chiến sĩ nhức nhối như kim châm. Nhiều người ốm, nhưng các chiến sĩ vẫn bám chắc vị trí.
Mai Xuân Hùng đang dẫn tiểu đội đến Ma Sồ thì gặp Trung úy công an nhân dân vũ trang Hoàng Tầm và Chuẩn úy Viên Ngọc Phương cũng đang tìm cách tấn công Ma Sồ.
Vừa trông thấy Phương, Hùng ngạc nhiên reo lên:
– Ồ, cậu về lúc nào thế?
Phương là chiến sĩ người Tày, đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ở Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang đã gần một năm nay. Vừa mãn khóa, Phương được về nhà nghỉ ăn tết. Sau Tết, anh sẽ trở về đơn vị. Chưa kịp ăn Tết thì anh được tin phỉ nổi ở Đồng Văn. Sốt ruột quá, anh liền khoác ba lô đi thẳng về đơn vị. Anh em đang đi tiễu phỉ, anh xin đi theo.
Nghe Hùng hỏi, Phương cười:
– Mình về được vài hôm nay!
Ba người lay hoay muốn tìm hiểu địa hình Ma Sồ nhưng không biết hỏi ai. Giữa lúc đó, một dân quân Mèo tên là Vàng biết địa hình. Các anh về nhà Vàng, lấy bột ngô đắp sa bàn. Sa bàn đắp xong, Vàng lại xin dẫn các anh đi chiếm trận địa. Phỉ chiếm ba gò cao. Các anh phải tấn công chiếm lại. Lệnh thống nhất 12 giờ đêm phát hỏa.
11 giờ đêm, đơn vị đến chân gò. Anh em nín thở chờ đợi.
Lệnh phát hỏa ban ra. Các chiến sĩ đồng loạt nổ súng, chiếm dần hai đồi. Sau nhiều lần dũng cảm xông lên tấn công địch, bỗng thấy nhiều bóng đen bò đến, Phương chờ địch đến gần mới nổ súng. Hùng nhìn hấy ánh lửa từ chỗ Phương lóe lên liền hô:
– Nằm xuống, Phương!
Phương vẫn mải mê bắn. Một tiếng súng “poọc” nổ. Tiếng kêu “ối” từ hỏa điểm Phương phát
ra.
Phương bắn tiếp một băng thì ngã xuống.
Hoàng Tầm, một mặt cho người đem xác Phương về phía sau, một mặt chỉ huy anh em tiến lên chiếm đồi thứ ba.
Một thành núi cao chặn đứng các chiến sĩ. Làm thế nào đây?
– Đổ gạo, lấy bao làm dây, leo lên! – Lệnh chỉ huy phát ra.
Vàng trèo lên trước, buộc đầu dây vào gốc cây, kéo các chiến sĩ. Anh em lần lượt vượt lên. Địch không ngờ các chiến sĩ ta lên được phía đó. Anh em dùng lựu đạn quét chúng.
Đúng mồng một tết, các chiến sĩ quét toàn bộ phỉ ra khỏi Ma Sồ.
Sáng mồng hai, anh em vào một bản Mèo. Đồng bào đón các chiến sĩ, rưng rưng nước mắt.
Một bà hỏi:
– Các con có đông không?
Hùng thưa:
– Thưa mẹ! Nhiều lắm, nửa trăm người!
Bà mang bánh chưng và xôi của bản cho các chiến sĩ.
Mồng 3 Tết, các chiến sĩ về đến Đồng Văn. Bà con trong phố vui mừng.
Nga đón Hùng về nhà ăn tết. Nỗi lo lắng thấp thỏm trong cô qua đi, nhường chỗ cho sự hồi hộp, niềm sung sướng khi đón người yêu vừa thắng trận trở về.
Hùng uống vội chén rượu, ăn khúc bánh rồi về đồn, cùng anh em chôn cất Phương.
Đám ma Phương được tổ chức đơn giản nhưng đầy tình thương nhớ của mọi người. Mộ anh nằm trên mảnh đất bằng phẳng, cao ráo, dưới hàng thông núi cao vút. Anh yên nghỉ đời đời trong lòng bà con dân tộc Tày, Mèo ở vùng xa xôi này.
Khác hẳn với mộ Cắm Sìn, không ai vun đắp, sửa sang, trâu bò giẫm nát dần, mộ Phương được đắp to, sửa sang sạch sẽ, hương khói quanh năm.
*
Vàng Chúng Dình tập hợp các tướng phỉ còn lại, nói:
– Ta tập hợp đại quân chiến đấu với Cộng sản không có lợi, sẽ bị tiêu hao nặng. Bây giờ ta phải chia quân về các nơi, chiến đấu du kích với chúng, chờ viện binh và mộ thêm quân. Có thời cơ sẽ tấn công chúng sau.
Các tướng gật gù tán thành. Chúng Dình chỉ tay trên tấm bản đồ:
– Tôi phân công như sau:
Ngài Giàng Vạn Sùng đóng ở Lũng Cú.
Ngài Lý Nhè Lùng ở Sơn Vĩ. Ngài Vàng Vạn Ly ở Vần Chải. Ngài Giàng Sè Páo ở Phú Lúng…
Tôi sẽ đóng ở hang Chà Mần chỉ huy chung. Khi nào cần thiết tôi sẽ mời các ngài về bàn định.
Giàng Vạn Sùng kéo phỉ về Lũng Cú. Trên đường rút, Lồ Chúng Tính bàn:
– Thưa chủ tướng, bây giờ quân Cộng sản lớn mạnh, ta khó bề chống cự được, hay là ta hàng chúng đi, may ra thoát chết. Đánh chúng lâu, thế nào ta cũng thua. Khi đã thua thì tính mệnh cũng chẳng còn, lúc đó sợ hối không kịp!
– Không được. Hàng là hạ sách, là tự sát.
Phỉ lo lắng, hoang mang, Sùng phóng ngựa lên phía trước nói lớn:
– Hỡi các chiến sĩ giải phóng Đồng Văn! Cách mạng như cỏ gianh, ta như gỗ lim; Cách mạng như trận mưa rào, ta như núi đá. Cỏ gianh cháy một loáng là hết, gỗ lim vẫn đứng sừng sững. Mưa rào ào qua một loáng là hết, núi đá vẫn đứng trơ trơ. Ta rút về đây, chống với quân Cộng sản lâu dài. Chờ thời cơ tổng tấn công! Các chiến sĩ hãy hăng hái lên!
Đoàn phỉ im lặng tiến. Phía sau có tiếng súng nổ. Sùng hỏi Sùng Mí Dúng:
– Đứa nào dẫn bộ đội đuổi theo ta đấy?
Dúng thưa:
– Thưa chủ tướng, nghe nói thằng Ngô Chí Việt dẫn Đại đội 10 của tỉnh vào đây!
Giàng Vạn Sùng mắm môi:
– À, thằng Việt. Trước kia nó là con nuôi cụ Hoàng. Ta là anh rể nó. Nó bỏ nhà đi theo Cộng sản. Giờ nó lại dẫn quân về đánh cha, anh. Nó không còn coi ta ra gì nữa à? Để ta cho nó biết tay!
Sùng phân phỉ bám vào các hang sâu, rừng rậm, chặn quân Ngô Chí Việt. Mấy đợt tấn công liền, Ngô Chí Việt không tiến vào được Lũng Cú.
Một tên phỉ bị bắt ở Ma Sồ, được thả về Lũng Cú, tìm gặp Giàng Vạn Sùng, rập đầu thưa:
– Thưa chủ tướng, tôi chẳng may bị bắt ở Ma Sồ. Bọn Cộng sản không đánh đập gì cả, cho ăn uống tử tế, sau đó chúng cho tôi gặp ông Lâm, Song. Ông Song gửi thư cho ngài, dặn ngài xem xong phải đốt đi ngay.
Giàng Vạn Sùng xem thư. Trong thư Song nói, bằng giá nào cũng phải lên gặp ông ta. Hắn sẽ bảo đảm tính mạng cho Sùng.
Giàng Vạn Sùng lên ngựa, lấy năm tên phỉ võ nghệ cao cường hộ vệ. Hắn dặn Mí Dúng, Chúng Tính chỉ huy phỉ, cố giữ Lũng Cú rồi ra đi. Trên đường về Phó Bảng, Sùng không khỏi băn khoăn: “Liệu Song có giữ đúng lời hứa, trung thành với ông, bênh vực và chỉ huy ngầm phỉ hay đã thay lòng đổi dạ, bỏ rơi chúng rồi”?
Lên đến Phó Bảng, Sùng vào ngay ngôi “Nhà trắng” gặp Song, trong lòng lo lắng.
*
Ngôi nhà trắng.
Chí Song ngả mình trên chiếc xa-lông bọc gấm, nhìn qua cửa kính ra chợ Phó Bảng. Chợ không một bóng người. Từ hôm nổi phỉ đến nay, không ai dám đến họp cả. Dãy hàng vắng tanh, trên tường nhà trẻ con vẽ nhằng nhịt. Phân bò, phân ngựa phủ đen trên nền.
Trông cảnh vật tiêu điều, bất giác Song nhớ đến những ngày vinh quang xưa của mình, khi còn những toán buôn lớn, ngựa hàng đoàn. Mỗi đoàn có một lá cờ thêu chữ “Trần”, chữ “Trương”… thồ đủ mọi thứ hàng từ các vùng Vân Nam, Quảng Tây sang.
Hắn nhớ đến những dãy tài sỉu với những cô gái người Hoa đẹp như tranh tố nữ, đứng xóc bài, và những đêm ân ái kéo dài.
Hắn nhớ những ngày được Hoàng cho thu thuế chợ nuôi lính Mèo, tha hồ cướp bóc, thu hàng hóa của dân, ăn uống thả cửa những món cao lương mỹ vị.
Bây giờ thì khác hẳn. Hắn không còn được tự do hoành hành như trước nữa.
Tuy nhiên, nhờ những thủ đoạn gian ngoan, xảo quyệt, hắn vẫn giữ được cương vị cao.
Sau hòa bình lập lại, biết là không thể kéo được bánh xe lịch sử, không thể giữ mãi “vương quốc Đồng Văn” như chế độ nô lệ thời trung cổ, cũng như Hoàng, hắn vờ đi theo Chính phủ, trung thành với Cách mạng. Vì là một Tiểu đoàn trưởng người Mèo, lại khéo bày tỏ lòng “trung thành” của mình, hắn được làm Ủy viên ủy ban khu. Bám chắc vào địa vị đó, hắn lợi dụng mọi cơ hội để tiến thân, khéo che đậy ý thức phản động bên trong, tiếp tục kích động dân Mèo.
Đối với cán bộ cấp trên, hắn thường xuyên nịnh nọt. Lấy cớ là luôn luôn quan tâm đến đời sống dân Mèo, hắn xin gặp, nói là để “trình bày những vấn đề cấp thiết về dân tình Đồng Văn”, nhưng thực ra để xin xỏ việc này, việc khác có lợi cho bản thân.
Hắn thường xuyên về Đồng Văn. Vào dịp Tết, hắn ở nhà đến tháng ba, tháng tư, gọi là “kết hợp công tác, thăm hỏi nhân dân, ba cùng với bà con Mèo”.
Về địa phương, hắn cho người tổ chức ngay những buổi “nói chuyện thời sự”. Trong những lúc thao thao bất tuyệt về tình hình thế giới và trong nước, hắn nói huyên thuyên, vô tội vạ, bốc lên thì: “nước ta sản xuất được cả bom nguyên tử, tên lửa, máy bay”. Khi xẹp hơi thì lại than phiền
“nước ta lạc hậu quá, không biết bao giờ mới lên được chủ nghĩa xã hội”. Có lần hắn tuyên bố: “Đồng Văn ta sắp được trồng thuốc phiện. Trung ương nói chính quyền địa phương cấm trồng thuốc phiện là sai”.
Để tỏ ra mình là quan trọng, thân cận với các đồng chí cán bộ cao cấp, khi nói chuyện, không bao giờ hắn nói: “đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Võ Nguyên Giáp” mà lúc nào cũng “anh Tô, anh Văn”: “Tôi vừa được gặp anh Tô. Tôi vừa được anh Văn gọi vào chỉ thị”…
Hắn còn là tên đạo đức giả. Hai thứ hắn đam mê không thể từ bỏ được là rượu và gái. Hình như đó là thứ bệnh thâm căn cố đế trong người. Mỗi lần về đến Đồng Văn, hắn tìm ngay đến những nhân tình cũ, kín đáo ái ân. Hết con đặc vụ Sần Sử Phán, hắn lại quyến rũ những cô gái trẻ, xinh đẹp.
Nhiều cô gái bị lợi dụng, không dứt được ra khỏi quyền lực của hắn. Thỉnh thoảng hắn làm thơ. Hắn nói với những cán bộ thân cận:
– Tên Nông Quốc Chấn làm thơ Tày, tên Bàn Tài Đoàn làm thơ Dao đều có tiếng. Tôi giỏi hơn chúng nó, lại không làm được thơ Mèo hay, hay sao?
Thơ hắn dở òm nhưng cứ tự cho là hay. May sao hắn không làm giám đốc Sở văn hóa. Nếu làm, hắn đã bắt in thơ hắn rồi.
Ấy thế, nhưng mỗi khi nói chuyện cho các cán bộ dân tộc ít người, cho các nhân viên trong cơ quan, cho các dân quân và dân chúng Mèo ở Đồng Văn, hắn thường vỗ ngực tự khoe là “con người đạo đức cách mạng sáng ngời”. Hắn hô hào:
– Là cán bộ cách mạng phải:
“Phú quý bất năng dâm, Bần tiện bất năng di, Uy vũ bất năng khuất”.
Tức là: Giàu sang không cám dỗ, Nghèo hèn không thể làm thay đổi, Vũ lực không thể khuất phục.
Nhiều người không nhìn rõ bản chất, coi Song như một tấm gương. Có người khẳng định hắn là “một ngôi sao sáng của dân tộc Mèo”.
Lần này trở lại Đồng Văn, hắn lại cố sức che đậy dã tâm, lợi dụng vai trò của mình để liên lạc và chỉ huy phỉ. Mã Chính Lâm xưa nay tuy coi khinh hắn về đạo đức và tài năng, ghét hắn là
tên cơ hội, nhưng không hề biết hắn là tên chỉ huy ngầm bọn phỉ. Có việc Lâm vẫn trao đổi với hắn, xin ý kiến “cán bộ ủy ban khu”…
Song đang suy nghĩ cách đối phó và những điều cần căn dặn các tướng phỉ, bọn chân tay thì người cán bộ khu đi theo hắn, thưa:
– Thưa thủ trưởng, Giàng Vạn Sùng xin gặp!
Song ra lệnh mời Sùng lên. Người đi theo ở nhà dưới. Hắn chuyện trò với Sùng. Lúc này, Sùng vẫn chưa hiểu, hỏi:
– Chú vẫn không hiểu, tại sao Mã Chính Lâm gọi chú hàng mà cháu lại đồng tình, cho gọi về?
Song cười, xích lại gần Sùng, khẽ nói:
– Chú có dũng mà không có mưu. Cháu cũng là người chỉ huy mà lại muốn ta thất bại hay sao? Tình thế nó oái ăm bắt ta phải tạm thời ẩn mình. Mục đích của ta trước sau như một, nhưng phải thủ đoạn. Cháu vẫn thích một câu nói của một triết gia Trung Hoa cổ: Mục đích là quan trọng, còn thủ đoạn đạt đến mục đích có tàn bạo cũng không kể. Cháu nói điều đó là để khuyên chú việc sắp đến.
– Thế cháu định bảo chú làm như thế nào?
– Theo cháu, và đây cũng là ý kiến của ông, thằng Lâm cũng không ngờ được, chú phải giả vờ đem quân ta đánh lại quân ta. Nghĩa là chú chia cánh quân của chú ra làm hai phe. Một phe chú chỉ huy, còn một phe Mí Dúng chỉ huy. Chú đem quân đánh Dúng. Như thế Cộng sản sẽ cho chú là đánh phỉ, có công. Chúng sẽ lấy công của chú xóa tội cho chú. Trên này, cháu sẽ nói là chú có lòng theo Chính phủ, không muốn làm phản đã lâu, nhưng do bọn Dúng, mà chú phải theo thôi.
– Nhưng trước kia chú sai Mí Dúng giết Mí Sính, Mí Chú. Dúng lại biết hết kế hoạch của chú, nó tố cáo thì sao?
– Thế thì chú khử Dúng đi, như thế vừa che được tội lỗi của chú, vừa nói đó là chú thực lòng về với Cách mạng.
Vạn Sùng cho Song cao tay. Sùng còn một băn khoăn:
– Ở trận Ma Sồ, Tính khuyên chú đầu hàng, chú không nghe nó, giờ khuyên nó cùng mình hàng quân Chính phủ, sợ nó không nghe?
Song cho Sùng mất tinh thần, gắt:
– Chú vạch cho nó thấy kế của mình, ắt nó sẽ nghe. Nếu nó không nghe, khử nốt nó đi, Cộng sản càng tin chú!
Sùng hỏi Song:
– Bây giờ bọn Văn, Quả, Chiu, Lù thế nào?
Song vui vẻ giải thích:
Mã Học Văn vẫn là người chỉ huy chung. Văn ẩn rất khéo, chưa thấy bọn Cộng sản đụng chạm gì đến. Lợi dụng là ủy viên mặt trận huyện, lại có con là huyện đội trưởng, Văn vẫn đi lại được. Thế của Văn lớn, uy tín nhiều trong dân Mèo nên Cộng sản chưa dám làm gì. Có thể bọn chúng không nghi ngờ gì Văn. Thằng Lâm biết cha thế nhưng đời nào dám tố cáo cha.
Quả cũng thế, sau hôm họp với chúng ta, hắn nằm im, có lẽ sợ, cũng có thể hắn xem tình hình thế nào? Hắn thì chú còn lạ gì, vốn hai mặt, từ trước đến giờ chuyên tráo trở. Cháu đã khuyên ông nhà trị tội Quả nhiều lần, nhưng ông nhà thương bà, nể hắn là anh rể nên tha thứ. Nó vẫn thù ông nhà chuyện định xử cái tội ăn cắp thuốc phiện của nó ngày nào. Ông nhà đi, cháu lo nó phản. Từ hôm lên đây đến giờ, sợ để nó ở Sà Phìn, sẽ bị bọn Cộng sản lôi kéo, vin vào cớ nó thông thuộc Đồng Văn, có thể giúp cháu nhiều việc, cháu đã điều nó về ở đây bên cháu. Được động viên, tinh thần nó đã kha khá. Nhưng cháu vẫn lo. Chúng túm được thằng già này thì chúng ta lôi thôi to.
Thằng Lù thì rất khó hiểu. Cháu biết là nó vẫn theo mình, nhưng nó lại tỏ ra rất tích cực với Cộng sản, đánh ta cũng ra trò. Cháu chưa tiện hỏi, có lẽ nó rất kín đó thôi!
Sùng Mí Chiu cũng khôn ngoan. Biết là trước kia mình có tội, làm mật vụ cho Pháp, chỉ ho he là sẽ bị bắt ngay, nên nằm im. Chú ấy giàu, còn giấu được nhiều vàng, thuốc phiện, nếu bọn công an, bộ đội định bắt, chú dùng tiền, gái mua chuộc, tất nhiên sẽ thoát thôi. Bọn Cộng sản cũng là người, làm sao không sa vào lưới của Chiu được? Chú cứ yên tâm.
Nghe Song nói, Vạn Sùng phấn khởi hẳn lên. Hắn ra huyện đội gặp Mã Chính Lâm. Mã Chính Lâm đón Sùng, bực tức hỏi:
– Anh định đánh Chính phủ đến bao giờ?
Vạn Sùng trịch thượng:
– Còn sức còn đánh!
– Tôi nói thật, các anh không chống cự được với quân Chính phủ đâu? Quân anh có bao nhiêu, hàng nghìn tên là cùng chứ gì? Quân cách mạng đông như cây rừng, trang bị tối tân, các anh làm sao mà thắng được.
Vạn Sùng im lặng. Lời dặn của Song làm hắn trấn tĩnh. Hắn muốn cãi nhau với Lâm, tuy cũng là tướng Hoàng trước kia nhưng còn là đàn em, sinh sau đẻ muộn, công lao chưa bằng mà dám dạy khôn hắn ư?
– Anh về gọi toàn bộ bọn trong tay anh ra hàng Chính phủ đi. Chính phủ sẽ khoan hồng cho các anh. Nếu không, sau này hối không kịp đâu.
Ngay lúc đó, Sùng Vạn Lù từ Sà Phìn lên gặp Lâm. Từ hôm nổi phỉ đến giờ, Lù vẫn đóng vai xã đội trưởng Sà Phìn dẫn dân quân đi tiễu phỉ. Được dịp, Lù hùa theo cốt lấy lòng và che mắt Lâm:
– Các anh nên hàng đi. Sức mấy mà đòi chống lại quân cách mạng!
Không hiểu ý Lù, Sùng trừng mắt nhìn. Nỗi bực tức ứ lên cổ. A, thằng này thật đạo đức giả, tráo trở. Nó cũng làm phỉ, một tên chỉ huy phỉ như mình, nó cũng họp bàn nhận nhiệm vụ ông Hoàng rành rành. Thế mà bây giờ nó lên mặt dạy khôn mình, thằng chó đểu! Nó định mang cái tài võ biền của nó ra phục dịch bọn Cộng sản thật ư? Nếu như ở trước hàng quân của ta, ta đã cho một viên đạn, chừa cái tính tráo trở, dạy đời đi. Nhưng ở đây… Sùng nén giận nói với Lù:
– Anh không phải dạy tôi, tôi làm gì tôi khắc biết!
Lù mỉm cười, nhủ thầm: Đúng là thằng “hữu dũng vô mưu”. Sùng nhận lời, nói với Lâm:
– Được, tôi sẽ theo các anh, đi đánh phỉ với các anh. Nhưng rồi các anh có khoan hồng thật cho tôi không?
Lâm thành thật nói:
– Tôi đã hứa, sẽ bảo đảm tính mạng cho anh!
Giàng Vạn Sùng lên ngựa, cùng bọn hộ vệ phóng về Lũng Cú. Về đến nơi, Sùng bàn bạc với Mí Dính. Mí Dính sẵn sàng làm theo cha. Nhân Chúng Tính cùng một lực lượng phỉ khá lớn đang đóng ở vùng biên giới, Vạn Sùng gọi Mí Dúng đến, ra lệnh:
– Bọn Cộng sản mạnh, chúng ta hàng chúng rồi. Bây giờ ta cử mày đi đánh diệt bọn Chúng Tính. Mày đi đi!
Vạn Sùng đã trù tính, nếu Dúng đi, Sùng sẽ cho quân phục kích giết chết. Nếu không đi, đó là cớ diệt Dúng. Còn Dúng nghĩ, mình đã giết Sính, Chú, về hàng, không biết tính mạng thế nào; mà cánh Chúng Tính mạnh, đánh sao nổi. Dúng liền thưa:
– Chủ tướng nghĩ lại xem, hàng Cộng sản, đánh Chúng Tính không có lợi?
Sùng hô lớn:
– Tên này chống lại lệnh ta. Quân bay, bắt nó xử tội cho ta!
Dúng bị tước súng và trói giật cánh khuỷu, treo lên một cành cây. Mí Dính giương súng bắn liền ba phát.
Xử Dúng xong, Sùng quay lại phía hàng phỉ, nói lớn:
– Tao muốn chúng mày khỏi đổ xương máu nên đã hàng quân Cách mạng rồi. Tên này không nghe ta, ta phải xử. Giờ ta tiến quân đi gọi Lồ Chúng Tính. Đứa nào không nghe theo ta, sẽ chết như tên này!
Sùng và Dính dẫn phỉ đến Xí Mần Khan gặp Chúng Tính.
*
Đồng chí Thảo cùng Nghĩa, Đăng, Kim, Lạc họp bàn.
Đồng chí nói:
– Cánh phỉ mạnh nhất hiện nay là bọn Giàng Vạn Sùng. Chúng còn đông, ở địa thế hiểm trở, xa xôi. Ta phải làm tan rã chúng.
Anh em sôi nổi bàn bạc. Nhiều ý kiến khác nhau.
Đăng cho phải dùng lực lượng quân sự lớn tấn công. Lạc cho phải “điệu hổ ly sơn” tức là nhử chúng ra khỏi nơi hiểm yếu để tiêu diệt.
Đồng chí Thảo lắc đầu, chậm rãi:
– Muốn làm tan rã một cánh phỉ như bọn Sùng mà dùng lực lượng quân sự thì không ổn. Ta phải “dùng độc trị độc”, tức là dùng phỉ diệt phỉ.
Mọi người chưa hiểu kế hoạch cụ thể. Ông nói tiếp:
– Cơ sở cho biết, Giàng Vạn Sùng vừa giết Mí Dúng để bịt đầu mối, đánh lừa ta. Bọn còn lại rất hoang mang. Ta phải cho ngay cơ sở đến gặp các tay chân của Sùng, khoét sâu mâu thuẫn giữa chúng, để chúng làm suy yếu lẫn nhau. Sau đó ta tìm thời cơ lôi kéo, thu phục chúng.
Kim, Lạc nhận nhiệm vụ về Lũng Cú đánh người vào sào huyệt Lồ Chúng Tính…
Nghe tin liên lạc về báo, Vạn Sùng đã hàng Lâm, giết Mí Dúng, định tiêu diệt mình, Chúng Tính tập hợp phỉ, vạch mặt phản bội và tàn ác của Sùng, hô hào số phỉ của mình kiên quyết chống lại Sùng. Tính dàn phỉ ở một khe núi chờ Sùng đến sẽ giao chiến.
Vừa kéo quân đến nơi, Vạn Sùng cùng Mí Dính cưỡi ngựa đứng trước hàng phỉ, nói lớn:
– Ta đã hàng quân Cách mạng rồi. Chúng mày theo lệnh ta, hàng đi thôi.
Lồ Chúng Tính phi ngựa lên một nơi cao, nói vọng sang:
– Thằng Giàng Vạn Sùng tàn ác kia! Trước kia mày tổ chức chúng tao đi đánh quân Chính phủ. Lúc đánh Đồng Văn thì mày chỉ huy chúng tao. Khi thua ở Ma Sồ, chúng tao định hàng thì mày không cho. Mày lại giết Mí Dúng của chúng ta, là bộ hạ thân cận của mày. Bây giờ mày gọi chúng tao hàng để giết chúng tao, che đậy tội ác của mày. Chúng ta thề sống mái với mày!
Nói xong, Tính hô phỉ tràn lên đánh nhau với bọn Sùng.
Hai bên giao chiến kịch liệt. Nhiều tên phỉ bị trúng đạn ngã lăn xuống vực. Số còn lại đều xơ
xác.
Đang chỉ huy phỉ chiến đấu với Tính, nghe một tiếng ối, ở bên cạnh, Sùng quay lại. Mí Dính vừa trúng đạn, gục xuống mặt đá, ngực áo thấm máu.
Vạn Sùng cúi xuống ôm xác con:
– Mí Dính, con ơi!
Mí Dính gượng mở mắt, mệt mỏi nhìn cha, thở hắt ra:
– Cha, cha, con chết…
Dính hấp hối. Trước mặt hắn bỗng hiện lên bóng Thào Thị Chúa với chén thuốc độc, chập chờn, chập chờn. Chúa nâng chén thuốc hất vào hắn. Hắn giật mình, đau nhói rồi lịm đi.
Gàng Vạn Sùng trân trân nhìn xác con, đôi mắt mọi ngày vẫn hằn lên những tia máu, giờ đây dại ra, đờ đẫn.
Trong chốc lát, dường như hắn quên hết tiếng súng đạn bên người. Cuộc đời hắn từ khi còn tay trắng cho đến khi được Hoàng tin cẩn, từ đỉnh cao của chiến công đến đáy cùng của thất bại như chiếc đèn kéo quân hiện ra trước mắt. Những vụ trả thù, những chiếc đầu lâu bị hắn chặt máu chảy ròng ròng, hình ảnh Mí Sính, Mí Chú, Mí Dúng chết trước mặt hắn cứ hiện ra, gào thét. Bao nhiêu năm hắn mang hết sức lực bảo vệ Hoàng, giờ hắn đến bước đường cùng thế này đây. Hắn úp mặt xuống ngực con, nói như nói với người còn sống:
– Con ơi! Vì đâu mà nhà ta tan nát, con chết thế này? Con ơi! Ông Hoàng, ông đẩy cha con ta đến nỗi này, con ơi!
Sùng đang định sai bọn phỉ xếp đá vùi xác con, nhưng vừa đứng lên chưa kịp gọi phỉ thì quân của Lồ Chúng Tính ập đến.
– Chúng bay không cho tao chôn con tao à?
Mắt hắn lại đỏ những tia máu. Sùng giương súng, quét như điên. Quân Tính sợ hãi lùi lại.
Sùng giơ súng lên trời, bắn ba phát từ biệt con theo phong tục người Mèo. Bọn Tính lại ập đến đông gấp bội. Không thể chôn được, Sùng đặt xác con vào khe đá, nhảy lên yên ngựa, quay lại bắn một hồi rồi nhằm biên giới chạy miết.
Hắn đi, đi mãi, đến khi dừng ngựa, thấy mình đứng trước khu nghĩa địa, âm u, lạnh lẽo. Những nấm mồ xếp bằng đá lô nhô, những cánh phướn bằng giấy đu đưa theo chiều gió. Ánh nắng quái đỏ như máu chảy trên những cánh phướn trắng xơ xác.
Sùng lặng lẽ xuống ngựa. Trời sập tối. Gió lạnh thổi qua hun hút.
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍