Lời người viết: Từ ngày 24/6/2011 đến ngày 4/7/2011 chúng tôi có duyên lành được tham dự Pháp hội dành cho Tăng Ni và Phật tử VN lần đầu tiên được tổ chức tại Dharamsala, Ấn độ, trú xứ của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, nhà lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng, biểu tượng sống của đất nước, văn hóa và Phật giáo Tây tạng. Ký sự này thay cho lời tri ân vì một đại nhân duyên thù tháng này.
Nhân duyên quá khứ
Mười hai năm về trước, khi mẹ tôi qua đời, tôi được một người bạn tặng cho quyển sách “ Sống hạnh phúc, chết bình an “ ( the joy of living and dying in peace ) do Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, nhà lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây Tạng viết. Cuốn sách đã an ủi tôi rất nhiều.
Tôi cũng đọc đâu đó những tư liệu về cuộc đời của Ngài, Ngài có kể khi mẹ Ngài mất, Ngài đã tụng hàng trăm ngàn lần câu thần chú “ Om Mani Padme Hum “. Theo Phật giáo Tây tạng, câu thần chú này, còn gọi là “ lục tự đại minh chân ngôn “, tiêu biểu cho Tâm từ bi và ân sủng của các chư Phật, Bồ Tát đặc biệt là Bồ Tát Quán Thế Âm, vị Phật của lòng bi mẫn, bảo hộ cho đất nước và nhân dân Tây Tạng. Người Tây Tạng xem Đức Đạt Lai Lạt Ma là Bồ tát Quán Thế Âm thị hiện trong cuộc đời này.
Khi tụng thần chú này sẽ tịnh hóa được nghiệp chướng nhiều đời nhiều kiếp, người sống được bình an, phúc lạc, người chết được siêu thoát về cõi an lành.
Khi tôi mất mẹ, “tôi như mất cả bầu trời “, lòng hoang mang không biết mẹ tôi chết rồi bà sẽ đi đâu. Trong vũ trụ bao la có đến tam thiên thế giới mẹ tôi ở cõi nào, có an lành không, có hạnh phúc không ? Trong tôi thôi thúc một lời giải đáp và muốn tự mình tìm thấy lời giải đáp đó, dựa trên một niềm tin có cơ sở chứng nghiệm bằng chính bản thân tôi.
Tôi quyết định đi Tây tạng, nơi mọi tín ngưỡng gần như tuyệt đối của dân tộc này là đạo Phật. Đối với sự luân hồi và tái sinh của con người họ không chỉ giải thích trên lý thuyết mà còn được thể hiện và chứng nghiệm bằng người thật việc thật. Đó là sự hóa thân của các vị Panchen Lama ( Ban thiền Lạt ma ) và Dalai Lama ( tạm dịch Đại dương của trí tuệ ).
Chỉ 5 tháng sau ngày mẹ tôi mất, tháng 6 năm 1999, tôi đặt chân đến Lhasa thủ đô của xứ sở nằm chót vót trong mây, được gọi là “ nóc nhà của thế giới “, một trong thánh địa của Phật giáo Đại thừa, mảnh đất tỉnh lặng và tinh khiết, nơi giao hòa tuyệt diệu giữa Trí tuệ và lòng Từ bi.
Cung điện Potala, thành phố Lhasa, Tibet |
Quả thật Tây tạng là đất nước của các thần chú linh thiêng, người ta nói trẻ con nước Anh biết bơi trước khi biết đi thì trẻ con Tây tạng biết đọc thần chú trước khi biết nói. Đọc thần chú “ Om Mani Peme Hung “ ( theo âm Tạng ) và quay bánh xe pháp luân là nghi thức “ tịnh nghiệp “ của người Tây Tạng và hình ảnh này cũng thấy nhiều ở các tu viện, đền đài ở Dharamsala, Ấn độ.
Trong thời gian ở Tây tạng, chúng tôi có đến thành phố Shigatze, thủ phủ của tỉnh Tsang, lãnh địa truyền thống của các Panchen Lama ( Ban thiền Lạt ma), là các vị Thầy, giáo thọ của các Dalai Lama. Chúng tôi đi theo con đường thông thương với Ấn độ mở từ thế kỷ thứ 5, vượt qua 2 ngọn đèo Kambala và Karola cao hơn 5000 mét, ngắm nhìn con sông Yarlung Tsanpo là con sông cao nhất thế giới, như một dãy lụa bạc ở phía Bắc và màu nước trong xanh như ngọc bích của hồ Yamdrok còn gọi là hồ Chư Thiên, theo truyền thuyết là một trong ba hồ linh thiêng ở Tây tạng.
Hồ Yamdrok ( Hồ Chư Thiên ) cao 4,441m , Tây Tạng |
Con đường thật cheo leo hiểm trở, không khí loãng, áp suất thấp làm ai cũng mệt mõi, phải thở bằng bình oxy nhỏ mang theo đề phòng có thể bị chóng mặt, ngất xĩu bất ngờ.
Tuy nhiên, trước thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp và biết khó có thể nhìn thấy lần thứ hai trong đời, chúng tôi lục đục xuống xe, tản bộ trên con đường đèo dốc đá cheo leo, cảm nhận sự bình an thanh khiết đến vô cùng.
Tôi nhặt một hòn đá màu đen, trơn láng nằm trên bãi cát sỏi khô cằn, cạnh hai bông hoa màu vàng hiếm hoi, làm vật kỷ niệm về một chuyến đi thật bất ngờ và kỳ diệu.
Thật vậy, chuyến đi đã làm thay đổi cuộc đời tôi, đưa tôi trở về truyền thống tâm linh của gia đình là đạo Phật. Tôi như một đứa trẻ ham chơi, lạc lối nay tìm được con đường trở về nhà, ngôi nhà tâm linh của chính mình, tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình qua những lời dạy của đức Phật, của Ngài Tenzin Gyatso Dalai Lama.
“We are visitors on this planet. We are here for ninety or one hundred years at the very most. During that period, we must try to do something good, something useful,with our lives. If you contribute to other’s happiness, you will find the true goal, the true meaning of life.”
(Chúng ta là nhữngngười khách viếng thăm hành tinh này. Chúng ta ở đây chin mươi năm, nhiều nhất một trăm năm. Trong khoảng thời gian ấy, chúng ta phải cố gắng thực hiện điều gì đó tốt đẹp,lợi ích cho chính cuộc sống chúng ta. Và nếu các bạn góp phần mang lại hạnh phúc cho người khác,các bạn sẽ tìm thấy mục tiêu đích thực, ý nghĩa đích thực của cuộc đời). The teachings of Dalai Lama
Tôi đã mang hòn đá “ hữu duyên “ từ Tây Tạng về VN và gìn giữ nó suốt 12 năm qua, tâm nguyện một ngày nào đó, gặp được Ngài Đạt Lai Lạt Ma, tôi sẽ cúng dường Ngài kỷ vật đơn sơ đến từ quê hương huyết thống của Ngài. Đối với tôi ở một ý nghĩa tâm linh nào đó, hòn đá không phải là vật vô tri vô giác:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi đất bổng hóa tâm hồn (Thơ Chế Lan Viên)
Ước nguyện của tôi đã thành hiện thực.Tôi đã được gặp Ngài Đạt Lai Lạt Ma bằng xương bằng thịt. Dharamsala thành phố miền cực Bắc Ấn độ, trú xứ của Ngài lần đầu tiên chào đón Tăng Ni và Phật tử VN tham dự Pháp Hội do Ngài chủ lễ.
Thật là một đại nhân duyên thù thắng chưa từng có.
Dharamsala- phố núi đầy sương
Dharamsala, thành phố nằm ở miền Đông bắc Ấn độ, thuộc tiểu bang Himachal Pradesh.Tên Dharamsala có nghĩa là “ nơi nghỉ “ ( rest house ) cho những người hành hương tâm linh.
Sau biến cố năm 1959, Tây Tạng bị Trung Quốc xâm chiếm hoàn toàn. Dharamsala là món quà mà vị Thủ tướng đầu tiên của Ấn độ Jawaharlal Nehru đã tặng cho vị lãnh đạo tinh thần của nhân dân Tây tạng, khi Ngài và hơn 80 ngàn người dân Tây Tạng rời bỏ quê hương.
Nằm trong thung lũng Kangra thuộc ngọn núi Dhanladha của dãy Hy Mã lạp Sơn có độ cao gần 1,800 mét, Dharamsala được chia làm hai khu vực Kotwali Bazar và các vùng phụ cận gọi là Hạ Dharamsala, khu vực thứ hai là thị trấn Mcleod Ganj gọi là Thượng Dharamsala, nơi hầu hết là người Tây Tạng sinh sống, dân số khoảng trên 8.000 người.
Hừng đông ở thung lũng Kangra |
Dharamsala được bao bọc bởi những rừng thông và tùng Hy Mã Lạp Sơn, mọc cao vút, mạnh mẽ, có nhiều thắng cảnh thiên nhiên như hồ, thác, thích hợp cho người thích leo núi, đi bộ trong rừng, và càng nổi tiếng, tấp nập hơn vào mùa hè, vì đây là nơi “trốn “ nóng tuyệt vời.
Khi chiếc phi cơ ATR của hãng hàng không Kingfisher đưa đoàn đáp xuống phi trường Kangra, một cơn mưa rào đã chào đón chúng tôi, báo hiệu mùa hè sắp đi qua và mùa mưa ở Dharasalam bắt đầu. Chiếc khăn trắng Kata chúc phúc từ các vị Lạt Ma và Ban tổ chức choàng trên vai mọi người mang lại cảm giác thân thiện, tươi mát đến ngỡ ngàng : “ Ôi, Dharamsala đây rồi sao “.
Từng chiếc xe taxi nội địa đưa hành khách và hành lý vượt qua những con đường đèo hẹp, thật hẹp với những khúc quanh “ gắt “ đến nổi người cứ nghiêng ngã theo từng đoạn đường trong khi các bác lái xe thì tỉnh bơ.
Đến Ấn độ muốn hiểu về người Ấn sống và làm việc như thế nào, phải hiểu ba tính cách đặc trưng của họ : chịu đựng, suy tư và chờ đợi.
Thật vậy, chúng tôi có kinh nghiệm ngồi chờ các nhân viên khách sạn 4 sao La Suite ở New Delhi loay hoay tính toán, ghi chép, phát hành chỉ đúng có mấy cái hóa đơn tiền phòng cho khách mà mất hơn một giờ đồng hồ.
Đến Ấn Độ là có cơ hội bằng vàng thực tập và “ gia cố “ thêm tính chịu đựng và kiên nhẫn. Nếu bạn muốn cái gì cũng nhanh vì thời giờ là tiền bạc, thì không có ở xứ Ấn độ này, nhất là ở Dharasalam.
Dharamsala là thành phố núi thuộc rặng Hy mã lạp sơn, khí hậu mát mẻ trong lành, mùa hè là nơi nghỉ mát lý tưởng cho du khách địa phương. Từ khi Dharamsala trở thành thủ đô của người dân Tây Tạng lưu vong, thì đây là địa điểm hành hương, tu tập nổi tiếng, nhất là những ai tín mộ hoặc muốn tìm hiểu về Phật giáo Tây Tạng và Mật Tông Kim Cang Thừa.
Nơi đây có nhiều tu viện, đền đài mang dấu ấn đặc sắc của văn hóa, kiến trúc, phong cách tu tập và đời sống của người Tây Tạng. Họ ra đi mang theo quê hương, cái “ hồn “ của một dân tộc chọn đạo Phật là quốc giáo.
Thiền viện Tushita nằm trong rừng tùng Hymalayya |
Họ hiểu biết sâu sắc sự vô thường, nên mất hay còn, không làm họ đánh mất đi sự bình thản, chân chất, giản dị thể hiện trên nét mặt ở các tu sỹ Tây Tạng và cả người dân buôn bán trên phố.
“Sư khách lạ đi lên đi xuống” |
Nơi đây phố nhỏ, nhà nhỏ, không có lể đường cho người đi bộ, đường xe chạy và thềm nhà sát nhau. Người và xe chen chúc nhau trên con đường chỉ rộng khoảng 4 mét, vậy mà không có tai nạn, cải vã,chen lấn, ai cũng nhường nhau. Các bác tài thì rất “tùy duyên”, quan sát thấy có vẻ phải chờ lâu, tự động mở cửa cho chúng tôi xuống xe thư giản cái thân tứ đại “ kham nhẫn “ cũng nhiều, hoặc chỉ cho chúng tôi vào ngắm nghía các cửa hàng chỉ cách vài bước chân. Chúng tôi mua quà lưu niệm hay chụp được những bức ảnh độc đáo đường phố Mcleod Ganj ( Thượng Dharamsalam ) ở những khoảnh khắc “tùy duyên” rất dễ thương ấy.
Cũng chính các bác tài, người “ độ “ chúng tôi lên đèo xuống dốc trong những ngày ở Dharamsala là hình ảnh chân thực về tính cách im lặng suy tư, trầm tĩnh của người Ấn Độ. ( Phương pháp định tâm, tập trung tư tưởng hay còn gọi là thiền định ( samatha ) có nguồn gốc từ Ấn độ ).
Coi chừng va nhau ! Không sao, toàn tay lái “xịn” |
Các bác này quả là những lái xe bậc thầy về sự khéo léo và chánh niệm : không nói chuyện, không để nhạc trên xe, không “lầu bầu” khi gặp tắc đường, hoặc gặp một tay lái khác qua mặt trái phép, và chắn chắn không uống bia rượu, có lẽ vì giới luật và loại nước uống có cồn ở đây vốn hiếm và đắt.
Người Ấn độ dù theo bất cứ tôn giáo nào họ ăn chay là chính. Các hiệu ăn thuần túy món ăn Tây Tạng đa phần cũng là thức ăn chay. Lang thang như một du khách “ ba lô “ trên khu trung tâm, chúng tôi chợt khám phá món cà ry và soup rau nấm kiểu Tây Tạng ở Dharamsala ngon cực kỳ.
Nhà hàng đẹp và ngon nhất Dharamsala (có lẽ) |
Tiệm ăn này rất dỡ và rất dơ |
Chúng tôi may mắn ở một khách sạn cho phép sử dụng nhà bếp của họ, chỉ trả một chút ít chi phí tiền gaz. Muốn có một bửa cơm hương vị quê nhà có thể tìm thấy ở Dharamsala đủ loại rau củ, đậu hạt, trái cây tươi, trồng ở vườn nhà không bón phân hóa học, trông thì èo uột, nhỏ bé nhưng đảm bảo sạch, an toàn.
Dharamsala thời tiết thay đổi như một cô gái đẹp và khó tính, vừa rực rỡ bởi những tia nắng vàng cuối ngày hứa hẹn chụp được những bức ảnh hoàng hôn tuyệt đẹp ở thung lũng Kangra thì sương mù bổng đổ ập xuống.Chúng tôi xuống phố trong sương mù lãng đãng, lạnh và thi vị như lời của một bài hát tả về vùng cao nguyên Pleiku ở quê nhà.
“Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi không xa, nên phố tình thân“.
Dharamsala đúng là phố núi đầy sương, nhưng cũng thật là thân quen dù chỉ mới đến có mấy ngày. Ở đây “ đi dăm bước đã về chốn cũ “, từ khách sạn, thả bộ xuống hai con dốc là đến tu viện Namgyal, nơi diễn ra Pháp hội.
Phố núi cao phố núi đầy sương |
Tuy lần đầu tiên tổ chức cho Tăng Ni và Phật tử đến từ VN khoảng 500 người, nhưng Pháp hội đã thu hút cả người Tây Tạng, Ấn Độ, du khách nước ngoài và các tu sỹ Tây Tạng đến từ các tu viện lân cận, con số chính thức có lẽ gần 5000 người. Người, xe lên xuống nhộn nhịp trên những con đường chật hẹp. thỉnh thoảng bị “tắc” bởi các chú bò, ngựa, lừa, cả chó giống Tây Tạng to, cao lông xù như một gấu con. Sau khi thả các chất thải vô tư trên đường, các chú chỉ đủng đỉnh nép vào lề khi có tiếng còi xe, và chúng tôi đi bộ cũng phải rất “ chánh niệm “ nhìn ở dưới chân nếu không thì…
Ấn Độ là một đất nước giữa giàu và nghèo, văn minh và lạc hậu, hiện đại và thô sơ, sạch sẽ và dơ bẩn là những hình ảnh đối lập, chênh lệch rõ rệt được thấy từ mọi ngóc ngách ở đường phố, nhà cửa, cách sống và con người.
Trước Hotel, người nghèo không nhà |
Ấn độ là nơi xuất phát một trong bốn nền văn minh cổ đại của nhân loại. Văn minh sông Hằng có trên 5000 năm, là nơi hội tụ những tôn giáo lớn, những trào lưu tư tưởng, văn học, thi ca, nghệ thuật, mỹ thuật và cả khoa học. Những đóng góp của nền văn minh sông Hằng nói chung, Ấn độ nói riêng cho sự phát triển và tiến bộ của loài người đến nay có thể nói là đặc sắc và vĩ đại.
Ấn độ cũng là quốc gia duy nhất mở rộng vòng tay hào hiệp đón tiếp người anh em Tây tạng trong khổ đau ách nạn.
Dharamsala chính là món quà của tình thương và sự đồng cảm cao quý nhất.
Vì một đất nước độc lập, tự do
Một buổi chiều trên đường từ tu viện Namgyal về khách sạn, chúng tôi gặp một đoàn biểu tình khá đông gồm các tu sỹ Tây tạng với pháp phục màu đỏ( rất đặc biệt không lẫn vào đâu), người Ấn độ, Tây Tạng và các du khách châu Á, châu Âu. Họ ôm ảnh Ngài Đạt Lai Lạt Ma, giương các biều ngữ “ Freedom for Tibet “, Support Tibet forever “, “ Save Tibet “… tay cầm những ngọn nến hòa bình tiến về tu viện.
Cả thế giới đều biết đến cuộc xâm lăng tàn bạo của quân đội Trung quốc, kéo dài từ năm 1950 đến năm 1959, họ đã chiếm hoàn toàn Tây tạng, một nước láng giềng có chủ quyền. Chưa kể năm 1962,họ cũng đã tiếp tục gây hấn với Ấn độ bằng một cuộc chiến tranh biên giới với 20,000 quân vượt dãy Hy Mã Lạp Sơn đổ bộ vào một cao nguyên có tên là Aksai Chin thuộc Ấn độ mà Trung Quốc nhất định tranh cãi đó là lãnh thổ của mình.
Sau biến cố 1959, nhà lãnh đạo chính trị và tinh thần của Tây tạng là Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 đã rời quê hương cùng với hơn 80,000 người dân Tây Tạng và hiện nay có hơn 1 triệu rưởi người Tây tạng đang sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Hơn 50 năm qua người Tây tạng sống ở Trung quốc và nước ngoài không ngừng tranh đấu cho một quốc gia Tây tạng tư do, gìn giữ phát huy văn hóa Tây tạng, Phật giáo Tây tạng, ngôn ngữ, lối sống Tây tạng
Những giá trị văn hóa và tâm linh quý báu ấy, chính quyền Trung quốc muốn bôi xóa, đồng hóa, tiêu diệt, đó là sự nguy hiểm mà Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã cảnh báo nhiều năm nay.
Chúng tôi đến thăm Viện Bảo Tàng Tibet ở Dharamsala, không thể cầm được nước mắt khi xem những chứng tích, hình ảnh, câu chuyện về cuộc chiến tranh vệ quốc, cuộc trường chinh đi tìm tự do đầy gian nan, đẫm máu và nước mắt của người Tây tạng.
Đài tưởng niệm liệt sỹ Tây Tạng |
Người Tây Tạng quen sống với thiên nhiên khắc nghiệt của gió, nắng và tuyết. Hàng bao thế kỷ đã qua, băng qua núi cao, vực sâu là cuộc hành trình không mõi mệt đã hình thành lịch sử và tính cách kham nhẫn của Người Tây tạng.
Họ thường chọn mùa đông để vượt qua dãy Himalaya đến biên giới hai quốc gia láng giềng là Nepal và Ấn độ. Họ chịu lạnh rất giỏi nên tuyết rơi, sông hồ đóng băng lại là “thiên thời”, giúp họ đi lại dễ dàng hơn là phải đối mặt, chịu đựng với những cơn bão cát ở sa mạc vào mùa hè.
Có những cuộc vượt biên không thành, họ bị tra tấn, đánh đập, cầm tù, sát hại. Đây là câu chuyện về một nhà báo nước ngoài phỏng vấn một tu sỹ Tây tạng sau khi vị này trải qua nhiều lần bị bắt, tra tấn, vượt qua bao hiểm nguy, gian khổ cuối cùng đã đặt chân đến Nepal.
Nhà báo : Trong cuộc hành trình đầy hiểm nguy,gian khổ đến gần cái chết như vậy, ông có sợ không, và điều gì làm ông lo sợ nhất ? (hỏi )
Có, tôi có sợ và điều làm tôi lo sợ nhất là đánh mất lòng từ bi đối với những người đã sát hại tôi, đồng bào tôi. (trả lời)
“ Nỗi lo sợ đánh mất lòng từ bi đối với kẻ thù “
Bạn nghĩ sao về câu trả lời từ một trong những người con của đất nước Tây tạng lưu vong đã đi qua bao nhiêu “tầng địa ngục” mà không đánh mất đi lòng thương người, không mất đi cái mà ta thường nói “ Nhân chi sơ tính bản thiện “?
Lịch sử của các quốc gia thường tồn tại trên quy luật : mạnh được yếu thua.
Tây Tạng bây giờ không còn là một quốc gia độc lập có chủ quyền, mà chỉ là một tỉnh, một khu tự trị của Trung quốc. Người Tây tạng đã thực sự mất quê hương.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma không còn ở trên quê hương huyết thống của Ngài,nhưng quê hương tâm linh của Ngài đã rộng mở rất nhiều. Vạn pháp do Tâm. Những bước chân của Ngài và các đệ tử của Ngài đã đến với hơn 40 quốc gia để cảnh báo về đất nước Tây tạng đang bị đồng hóa, tiêu diệt một cách tinh vi và trên hết là để truyền bá đạo Phật. Giống như con chim bay trong bầu trời bao la trên đôi cánh Từ bi và Trí tuệ, Ngài đến với tất cả những ai dù là theo Phật giáo, khác hoặc không theo tôn giáo nào, đồng cảm với Ngài qua tuyên ngôn bất hủ : ” Tôn giáo của tôi chính là lòng Từ Bi “.
Xin cho phép tôi được nói thêm về tôn giáo của Ngài, đó cũng là tôn giáo của Sự Thật.
Thánh Tăng giữa đời thường
Đêm trước ngày diễn ra Pháp hội, Dharamsala mưa tầm tả, gió thổi mạnh, như có bão rớt, chúng tôi lo lắng không biết thời tiết kéo dài như thế này có ảnh hưởng đến Pháp hội không ? Vậy mà sáng hôm sau chỉ còn những hạt mưa bụi lất phất, trời dần dần quang đãng. Mọi người nói vui, đêm qua trời mưa gió, mây đen vần vũ chắc là chư Thiên, Long thần, Hộ pháp cũng đến nghe pháp. Các Ngài “hô phong hoán vũ” để mừng cơn mưa Pháp mà chúng tôi sắp được nghe từ một vị “ Thánh tăng giữa đời thường “.
Trên đường đến dự Pháp hội |
Nếu có ai hỏi tôi : Bạn có cảm xúc như thế nào khi được diện kiến một con người nổi tiếng và vĩ đại như Ngài Đạt Lai Lạt Ma, một Thánh tăng giữa đời thường, thành tựu một ước nguyện mà bạn đã ấp ủ trong 12 năm qua ? Tôi chỉ có thể trả lời bằng hai chữ “ tuyệt vời “.
Vâng, tuyệt vời như người mẹ đã khuất của tôi, trong giấc mơ bổng hiện về đặt bàn tay ấm áp trên đầu tôi với nụ cười của một vị Bồ Tát.
Thật vậy, ấn tượng đầu tiên của tôi khi trông thấy Ngài là nụ cười thật hiền hậu, cử chỉ khoáng đạt, thân thiện và đôi mắt tinh anh ẩn sau cặp kính trắng. Sau khi chào hỏi đại chúng, thực hiện các nghi lễ dâng hương, tán thán Phật và nhận sự cúng dường bài Tâm Kinh Bát Nhã của Tăng Ni Phật tử VN và Tây Tạng, Ngài bước lên pháp tòa, chắp tay xá đại chúng với nụ cười thật hoan hỷ, bắt đầu buổi giảng pháp ngày thứ nhất.
Lời nói đầu tiên là Ngài rất vui và vinh dự được đón tiếp đoàn Tăng Ni Phật tử VN lần đầu tiên đến trú xứ của Ngài. Ngài đã từng đặt chân đến hơn 40 quốc gia trên thế giới như Mỹ, Úc, Pháp v..v Ngài cảm nhận dù sống ở nơi đâu, người VN cũng dành cho đất nước Tây tạng của Ngài sự cảm thông và ủng hộ. Dân tộc VN cũng có truyền thống Phật giáo lâu đời, và Phật tử VN rất tín tâm với Phật pháp. Ngài cũng rất vui khi được biết Tâm Kinh Bát Nhã được đọc, tụng nhiều ở VN giống như ở Tây tạng.
Chánh điện Tsuglag Khang và pháp tòa |
Ngài Đạt Lai Lạt Ma đăng đàn thuyết pháp |
Rồi Ngài hỏi thăm đại chúng ngủ có ngon không ? Dharamsala là một vùng núi cao, có bị “ lạ nước “ có bị đau bụng không ? Thật chân tình, giản dị và ấm áp biết bao.
Ngài nói tiếng Tạng, người thông dịch sang tiếng Việt là sư cô Nhật Hạnh một Ni sinh đang theo học Kim Cang Thừa tại Dharamsala đảm nhiệm.
Đại chúng bị cuốn hút bởi khả năng biện tài của Ngài, khúc triết nhưng không thiếu sự khôi hài, bằng những dẫn dụ nhẹ nhàng, hóm hỉnh Ngài kể : “ Có người hỏi tôi ở Tây Tạng có nhiều phái : mũ vàng, mũ đỏ, mũ trắng v..v tại sao như vậy ? Tôi trả lời : “ Đức Phật không có đội mũ “.
(Đại chúng cười ồ).
Ngài khuyên mọi người đến với đạo Phật, theo Ngài không phải chỉ có niềm tin mà cần có sự hiểu biết về giáo pháp, cần phải học hỏi và thực hành. Điều này rất quan trọng, bởi đạo Phật cốt lõi là đạo của trí tuệ, là đạo của sự thật.
Ngài nói đại ý là chúng ta sống trong thế kỷ 21, nhiều phát minh khoa học tiên tiến ra đời, là thời đại của internet, mọi thông tin, kiến thức có thể tìm thấy rất phong phú, rất nhanh, hãy lợi dụng những phương tiện hiện đại đó để trau dồi sự hiểu biết về Phật pháp và hãy thực hành Bồ tát đạo, làm lợi ích cho mình và cho người khác. Mỗi người hãy là một vị Bồ Tát, một vị Phật, một Thượng đế, một đấng Sáng tạo của chính mình.
HT Giác Toàn ( VN ) thay mặt thính chúng ngỏ lời tri ân Ngài và chư Tăng Tây Tạng |
Chúng tôi rất cảm động vì đây là những lời nhắn nhủ tinh túy, tràn đầy lòng từ bi Ngài đã dành cho chúng tôi, những người con của đức Phật đến từ một đất nước còn nghèo, thường xuyên bị thiên tai địch họa, đang đứng trước nhiều thách thức trong việc xây dựng một xã hội công bằng, đạo đức một cuộc sống hạnh phúc, an vui cho tất cả mọi người.
Theo nghi lễ Tây tạng, giữa các buổi giảng pháp là lễ cúng dường trà. Các vị tu sỹ Tây tạng cầm bình trà sữa và những chiếc bánh làm bằng bột mì có vị ngọt rót và mời tất cả mọi người trong chánh điện và cả bên ngoài.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma cũng ăn bánh uống trà như chúng tôi, cười sảng khoái, thân thiện và giản dị, sự giản dị tự nhiên xuất phát từ cái tâm phóng khoáng “ tứ hải giai huynh đệ “ và Ngài cũng rất tinh tế, sau khi uống trà nóng xong, Ngài bảo một vị Tăng trẻ điều chỉnh lại quạt máy trong chánh điện cho mọi người mát mẻ hơn, tắt đèn cho mọi người bớt chói vì bên ngoài nắng đã lên.
Chúng tôi cảm nhận mỗi cử chỉ, mỗi hành động, mỗi lời nói và ngay cả sự im lặng của một vị Đạo sư đều là bài pháp vi diệu. Trong đạo Phật gọi là “Thân giáo”.
Chương trình thuyết pháp được tiếp nối bằng phần thính chúng đặt câu hỏi nêu thắc mắc với Ngài. Cũng với phong cách giản dị, Ngài rời pháp tòa, ngồi trên một chiếc ghế thấp để gần với thính chúng hơn, thỉnh thoảng Ngài nói bằng tiếng Anh.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma cùng với HT Giác Toàn ( Việt Nam ) trong buổi vấn đáp thân mật |
Có một câu hỏi “ngoại điễn“ rất hay đặt ra cho Ngài: thính chúng muốn biết Ngài có chuẩn bị sự tái sinh của Ngài không ?, Ngài sẽ trở thành một Lạt Ma của Tây tạng hay không ?.
Chúng tôi thật bất ngờ, Ngài trả lời theo cách ẩn dụ thật khéo léo. Ngài nói đến quê hương Tây tạng Ngài đã ly biệt, đến vai trò chính trị Ngài đã từ bỏ, đến sự phát triển của Phật giáo và Ngài tin rằng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhất là ở phương Tây, vì vậy Ngài có tái sinh không và tái sinh ở đâu, Ngài trả lời với nụ cười : “ No answer “.
Hai ngày trôi qua, pháp hội kết thúc bằng lễ Cầu Trường Thọ cho Ngài.
Được cúng dường chụp ảnh kỷ niệm với Ngài là vinh dự và hạnh phúc hiếm có, nên ai cũng muốn đứng thật lâu, nhưng rồi cũng phải đãnh lễ tạm biệt Ngài, có người với nụ cười rạng rỡ, có người với đôi mắt đỏ hoe.
Nhưng đột nhiên tất cả đều vỡ òa trong vui mừng khi Ban tổ chức thông báo về một tin bất ngờ, một đặc ân hy hữu chưa từng có : Ngài Đạt Lai Lạt Ma lần đầu tiên cho phép Tăng Ni Phật tử VN đến viếng và đãnh lễ nhục thân của Vị Thánh Sư, Giáo Thọ của Ngài : Ling Rinpoche thứ 6.
Nhục thân Thánh Sư được thờ trong một biệt điện nằm trên một ngọn đồi bao bọc bởi những cây thông, cây tùng cổ thụ, tịnh thất đơn sơ của Ngài Đạt Lai Lạt Ma cũng nằm ẩn khuất gần đó, nối tiếp bằng những khoảnh sân vườn trồng nhiều bonsai và hoa, thật nhiều hoa.
Ở đây, Ngài sinh hoạt như một tu sỹ bình thường, như Ngài thường nói : Tôi chỉ là một tu sỹ Phật giáo bình thường, không hơn không kém ( I am just a simple Buddhist monk, no more no less ).
Vào trú xứ của Ngài, an ninh rất nghiêm nhặt, kiểm tra hai vật bất ly thân là hộ chiếu, thẻ an ninh đi lại trong Dharamsala, khám xét người vào các khu vực đặc biệt là chuyện bình thường và bắt buộc. Hành lý to hay nhỏ kể cả điện thoại máy ảnh, máy quay phim đều phải bỏ lại bên ngoài.
Chúng tôi chắp tay im lặng bước vào căn phòng đầu tiên, nơi trưng bày các bức tranh (thanka) đặc trưng mỹ thuật Tây Tạng, các tượng Phật bằng vàng bạc, ngọc quý, các pháp khí đủ loại, kích cỡ khác nhau được chạm trổ rất tinh xão, rât đẹp, đúng là quốc bảo của đất nước Tây Tạng.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma |
Phòng kế tiếp là nơi thờ Thánh Sư. Chiêm bái nhục thân Thánh Sư xả báo thân trong tư thế tĩnh tọa kiết già, chúng tôi quỳ xuống đãnh lễ với niềm xúc động vô cùng : đây là vị Thầy đã khai tâm mở trí cho Ngài Đạt Lai Lạt Ma và Ngài Đạt Lai Lạt Ma, trong sự ngưỡng mộ và kính trọng của Phật tử của những người khác tôn giáo hoặc không tôn giáo khắp nơi trên thế giới, Ngài chính là sự tiếp nối xứng đáng và rạng rỡ nhất.
Đãnh lễ Thánh Sư, chúng tôi càng chiêm nghiệm sâu sắc giáo lý luân hồi của đạo Phật. Riêng Phật giáo Tây tạng đã chứng minh sự tái sinh bằng hóa thân của các vị Lạt Ma, đây là điểm đặc sắc nhất của Phật giáo nước này.
Chúng ta đã từng chết đi, sống lại nhiều đời, nhiều kiếp, vì thế chết không phải là điều đáng sợ, và sống là có cơ hội tu tập, thành tựu công đức vì lợi ích cho tất cả chúng sanh.
Ngài Đạt Lai Lạt Ma đã và đang thành tựu công đức vô lượng như thế.
Xin đãnh lễ Ngài với lòng tôn kính và tri ân vô hạn.
Viết tại Dharamsala- Saigon
Mùa Vu Lan – 2011
Phùng Kim Yến
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍
Cám ơn bác Lee… Từ từ em ngâm cứu, chắc đến khi về hưu cũng đọc xong được :))
Nếu có thời gian, Tùng nên tìm hiểu sâu hơn về đạo Phật đi, hay lắm đó!
Dân kỹ thuật thì nên bắt đầu từ khoa học kỹ thuật mà vào, đọc Nguyễn Tường Bách, Trịnh Xuân Thuận, Matthieu Ricard, Fritjof Capra …trước.
Cô PKY trước làm về Du lịch có khác, được đi nhiều nơi, biết nhiều điều, thích nhỉ? (h)