Thông tin này được nhiều người trong đó có cả những người làm trong ngành giáo dục & đào tạo chia sẻ trên mạng xã hội với một thái độ chế giễu như thường lệ. Do đó, thiết nghĩ cần có một cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề này.
Không góp mặt chưa hẳn là do dở
Trước hết, cần phải nói rõ hơn thông tin về buổi gặp mặt này cũng như những người tham dự. Hội nghị Lindau, tổ chức lần đầu năm 1951, là nơi tập hợp các nhà khoa học, nhà kinh tế từng đoạt giải thưởng Nobel đến để nói chuyện, giao lưu với nhau và với các nhà khoa học trẻ. Các hội nghị tổ chức hàng năm theo từng lĩnh vực khoa học (Hóa học, Vật lý, Sinh lý học y khoa) và kinh tế (khoảng 2 – 3 năm / lần bắt đầu từ năm 2004). Như năm nay, có 2 hội nghị được tổ chức: Hội nghị về Sinh lý học & y khoa mà tác giả Việt Hùng đề cập trong bài viết, từ 29/6 – 4/7/2014 và Hội nghị về khoa học Kinh tế từ 19 – 23/8/2014. Để trở thành khách mời của hội nghị, các nhà khoa học trẻ phải đăng ký tại trang web của tổ chức và trải qua nhiều bước tuyển chọn sau đó. Một số tiêu chí cơ bản mà tổ chức này yêu cầu đối với các ứng viên là:
– Phải có những thành tích xuất sắc hay huy chương trong lĩnh vực khoa học của mình (You can account for excellent achievements, appraisements, and merits in your scientific career).
– Không quá 35 tuổi (You are not older than 35 years of age).
– Không có việc làm ổn định – tức là nhân sự chính thức trong thời hạn lâu dài đối với một đơn vị, công ty nào đó (You do not have a permanent professional working position.).
Tất nhiên, còn những điều kiện khác nữa nhưng tôi sẽ đề cập sau.
Như vậy, vấn đề ở đây không hoàn toàn là chuyện “thành tựu giáo dục của Việt Nam” hay chuyện ban tổ chức “có vấn đề” gì đó với các nhà khoa học trẻ của Việt Nam hay không. Đây là một hội nghị về lĩnh vực sinh lý học và y khoa nên các nhà khoa học trẻ được đề cập ở đây là những người nghiên cứu trong lĩnh vực này. Để trả lời cho câu hỏi vì sao không có người Việt Nam nào tham dự thì phải xem xét đến những điều sau:
1 – Có bao nhiêu người nghiên cứu trẻ của Việt Nam đạt 3 yêu cầu cơ bản kia của ban tổ chức? Thật khó mà tìm nhà nghiên cứu nào ở Việt Nam, dưới 35 tuổi mà chưa có công việc ổn định, phải không?
2 – Có bao nhiêu nhà khoa học trẻ của Việt Nam hội đủ 3 điều kiện cơ bản trên mà biết đến tổ chức này hay có hứng thú / sự tự tin / thời gian / điều kiện tài chính,… để đăng ký tham gia?
3 – Giả sử có một vài người có đủ 2 điều trên và tham gia đăng ký tham gia thì đâu phải họ nghiễm nhiên vượt qua được các vòng tuyển chọn tiếp theo để lọt vào số 600 người được tham gia?
4 – Thực trạng đúng như tác giả suy nghĩ là “hầu hết các học sinh Việt Nam ngày nay, cho dù học ở trong hay ngoài nước, đều học các ngành “thời thượng” để dễ xin việc sau này, rất ít người muốn làm nghiên cứu khoa học”?
Chính trong bài viết, tác giả cũng đã nói rằng “các nước nghèo hơn ta, thậm chí chưa bao giờ thấy họ có thành tích trong các giải thi Olympic quốc tế các môn khoa học cơ bản như toán, lý, hóa, sinh… như Việt Nam lại hiện diện ở nơi đây” và “Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đang phát triển trên thế giới đấu tranh rất hiệu quả với căn bệnh HIV/AIDS”. Tức là trình độ thực sự của nền khoa học / giáo dục nước nhà không phải được phản ánh trực tiếp, rõ ràng bởi sự có mặt hay không có mặt của các nhà khoa học trẻ Việt Nam.
Tính phi khoa học của nhiều người Việt…
Rất nhiều người Việt Nam, khi vớ được một thông tin không sáng sủa mấy về tình hình gì đó của đất nước, là y như rằng họ hể hả trì triết, mỉa mai như thể bà già chồng bẳn tính bắt được quả tang cô con dâu ăn vụng vậy. Họ đâu có biết rằng khi họ thể hiện thái độ đáng xấu hổ đó ra cũng chính là họ khoe ra sự thiếu hiểu biết, thiếu khoa học của mình (nhưng lại thích “phán” về khoa học!).
Tôi lấy một ví dụ là một nhận xét dưới đây cho một bài đăng trên facebook về đề tài này, được nhiều người hưởng ứng (Like):
Tại sao tôi nói họ thiếu khoa học ư? Là bởi vì họ chỉ cho những gì tồn tại trong bộ não của họ (tức nhận thức của họ) là chân lý, còn lại những thứ họ không hiểu, họ thấy lạ lẫm,… thì đều là trò hề đối với họ. Đó là một tinh thần thiếu khoa học, dĩ nhiên, kéo theo thiếu hiểu biết.
Chuyện về cái băng-rôn này đã “gây xôn xao dư luận (mạng ảo)” từ cách đây 1 năm (dịp 20/11/2013) và được một số báo mạng đăng tải. Điều buồn cười là một số tờ báo mới hôm trước đăng bài giới thiệu câu ngạn ngữ này, bữa sau lại đăng bài “xôn xao”. Ví dụ: trang Báo Mới ngày 12/11/2013 đăng bài “40 câu danh ngôn hay về thầy cô cho báo tường ngày 20/11”, trong đó có nhắc đến câu “Thầy giáo là đường tinh, học sinh là đường đã lọc” được cho là một câu ngạn ngữ Ba Tư nhưng đến 20/11/2013 lại “Băng rôn mừng 20/11 khó hiểu gây xôn xao Facebook” (!!!). Tôi nghĩ những người làm băng-rôn này cũng dựa chính vào thông tin của các báo mạng đăng tải vì họ thấy đó là một câu ngạn ngữ lạ, ấn tượng. Vậy là sự thiếu khoa học, thiếu hiểu biết truyền từ báo chí sang người đọc, được đưa vào thực tế, rồi lại truyền lên trên báo chí và các mạng xã hội, ngạo nghễ leo lên “tường nhà” (Facebook) và trong các câu chuyện châm biếm của không ít người đứng trong hàng ngũ “tinh hoa” của xã hội! Nói tóm lại là tự đem nhau ra làm trò cười cho thiên hạ!
Tuy nhiên, theo sách Bộ sưu tập các châm ngôn, tục ngữ trong tiếng Ba Tư và Hindu (A Collection of Proberbs And Proverbial Phrases, in the Persian and Hindoostanee Languages) của Thomas Roebuck, Horace Hayman Wilson (1894) thì câu ngạn ngữ “Thầy giáo là đường tinh, học sinh là đường đã lọc” là của người Hindu. Nguyên văn tiếng Anh là: The master was but Goor (molasses) the disciple is sugar. Trong sách cũng còn nhiều câu tục ngữ liên quan đến “đường”, cho thấy rằng đây là một món quen thuộc trong ẩm thực của người Ba Tư và Hindu.
Gook – mật đường |
và tính phi khoa học của đài truyền hình quốc gia Việt Nam
Sự thiếu “khoa học tính” của rất đông người Việt có thể có nguồn gốc từ những nét văn hóa làng xã nhưng ngày nay lại được các “lều báo”, báo mạng vô tình cổ vũ, khuếch trương. Đáng ngại hơn nữa, mới đây đài truyền hình quốc gia VTV cũng tham gia vào “thị trường ngu hóa nhân dân” này bằng chương trình “Chuyển động 24h” (CĐ24h), một chương trình đang manh nha trở thành một kênh truyền hình riêng với tiêu chí “cạnh tranh với các báo mạng về những thông tin trên mạng xã hội được người dân quan tâm nhất”. Truyền đạt thông tin một cách khoa học, hiểu biết, có trách nhiệm là phải thẩm định nguồn gốc, sự chính xác của thông tin, bên cạnh đó còn phải đánh giá những tác động của thông tin đối với cộng đồng. Những điều đó không thể có được bằng cách làm tin chộp giựt (chưa nói đến việc xào nấu, bịa đặt,..) của báo mạng trước giờ và của CĐ24h ngày nay. Và thực tế đã chỉ ra nhiều trường hợp CĐ24h đã đưa những thông tin không chính xác mà nếu có dịp tôi sẽ đề cập trong các bài viết khác.
Ngay cả việc “đâm đầu” vào cái phân khúc thị trường bát nháo và nhung nhúc báo mạng của VTV cũng thể hiện một sự thiếu khoa học, thiếu lương tri làm báo. Ai thường xuyên theo dõi “báo mạng” cũng biết họ nổi tiếng về những thông tin “lá cải” như “cướp – hiếp -giết”, tức là đó chính là những điều mà “người dân quan tâm nhất” trên mạng. Một đài truyền hình quốc gia mà đặt ra “tiêu chí” cạnh tranh “lá cải” với thể loại rác thông tin như thế thì có khác chi một tiểu thư cành vàng lá ngọc “kém miếng khó chịu” về khoản khoe thân với mấy cô gái đứng đường? Vậy nếu “người dân quan tâm nhất” đến việc “bán thân” đó của VTV thì CĐ24h sẽ đưa tin kiểu gì?
Một hệ quả nho nhỏ của việc “cạnh tranh với báo mạng” |
“Khoa học tính” của người Việt
Người Việt mình không phải là không thích nghiên cứu khoa học nhưng phạm vi nghiên cứu thường nằm trong những lĩnh vực thiết thực của môi trường sản xuất, làm việc hàng ngày chứ không ở tầm “cao siêu” như các nhà khoa học ở các nước phát triển. Điều này có nguyên nhân của nó, như là đặc tính của nền văn minh lúa nước (định canh định cư, không có nhu cầu chinh phục thiên nhiên nhiều), thiếu nền tảng học thuyết khoa học,… Nói nôm na là người Việt thiên về nghiên cứu cải tiến, gần gũi thực tiễn với đặc thù riêng và cũng có nhiều thành công. Ngay trong lĩnh vực y khoa, cũng có nhiều bác sỹ, nhà phát minh Việt và gốc Việt nổi danh thế giới về sáng tạo như Hồ Đắc Di (chuyên nghiên cứu về phẫu thuật), Tôn Thất Tùng (nổi danh với “phương pháp mổ gan khô” hay “phương pháp Tôn Thất Tùng), Đặng Văn Ngữ (chuyên về sốt rét – ký sinh trùng, chế tạo thành công Penicillin tại chiến khu Việt Bắc), Trần Đông A (được kỷ lục Guiness ghi danh sau khi mổ tách thành công cặp song sinh dính liền Việt – Đức), Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nhiều công trình nghiên cứu về sức khỏe sinh sản, phụ nữ và trẻ em), Bùi Minh Đức (phương pháp mổ tai nội soi), Nguyễn Hữu Xương (phát minh máy quang tuyến mang tên ông – “Xuong’s X-Ray Machine”) … Nhiều chuyên ngành y khoa của Việt Nam hiện nay được đánh giá là “ngang tầm thế giới” như: vi phẫu thuật, phẫu thuật cấy ghép,… mà chi phí thì rẻ hơn nhiều các nước trong khu vực. Hay như mới đây, một khoa học trẻ người Việt Nam, anh Lê Viết Quốc (32 tuổi) được tạp chí MIT Technology Review, một trong những tạp chí công nghệ lâu đời nhất nước Mỹ, bình chọn vào danh sách 35 nhà sáng tạo hàng đầu thế giới dưới 35 tuổi của năm 2014.
Tất nhiên, để vươn lên một tầm cao mới, nền khoa học còn cần rất nhiều sự thay đổi tích cực đến từ nhiều phía như sự phát triển của kinh tế (đặc biệt trong ngành công nghệ sản xuất và kỹ thuật chế tạo, CNTT), quy chế quản lý, môi trường nghiên cứu, sự hòa nhập với nền khoa học quốc tế,… Đó là một chặng đường dài, dài như quá trình đẩy lùi sự phi khoa học trong tư duy của số đông người Việt, miếng mồi béo bở của những kẻ kinh doanh rác rưởi thông tin. Dẫu là lâu dài nhưng nếu mỗi người chịu khó suy nghĩ một cách có trách nhiệm khi tiếp nhận thông tin thì mọi việc lại khá là đơn giản. Lấy ví dụ như trong trường hợp “hội nghị Lindau” này, tác giả bài báo và những vị độc giả, nhất là các vị lãnh đạo, quản lý trong ngành giáo dục – đào tạo, khoa học kỹ thuật,… chịu khó tìm hiểu đến nơi đến chốn sẽ thấy rằng có rất nhiều điều có ích hơn là chỉ ngồi “buồn bã” hay mỉa mai. Chẳng hạn, theo quy định của hội này, nếu ứng viên nào cảm thấy đủ 3 điều kiện cơ bản thì liên hệ với các đối tác của hội tại nước mình để đăng ký (bước 2). Hiện tại, trong danh sách các đối tác nghiên cứu khoa học tự nhiên của hội trên toàn cầu hiện nay dường như chưa có tên một cơ quan, tổ chức nào của Việt Nam cả. Với vị trí của mình, các vị có thể giới thiệu, đề xuất cho các cơ quan khoa học, các trường ĐH hay Viện nghiên cứu tìm cách kết giao với tổ chức này, để từ đó hình thành cầu nối giữa các nhà khoa học trẻ Việt Nam với giới hàn lâm quốc tế. Khoa học, xét cho cùng, cũng đơn giản là nỗ lực giải mã các hiện tượng làm mình trăn trở mà thôi.
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍