Đối với Phật giáo tôi coi như một hệ thống triết học chứ không xem là một tôn giáo. Do đó tôi khá dị ứng với việc lên chùa cầu nguyện những nhu cầu cá nhân như vật chất, thành đạt, sức khỏe,… Tết đầu tiên của tôi tại TPHCM, 20 năm về trước, tôi theo một ông anh đi chùa Vĩnh Nghiêm. Những thứ đập vào mắt tôi làm trái ngược hẳn những gì tôi vẫn thường nghĩ về một ngôi chùa: người, người, rất nhiều người, như thể ở đây đang diễn ra một lễ hội chứ chẳng phải là chốn linh thiêng; từ cổng chùa đến bậc thềm, các đệ tử cái bang la liệt; trong điện, người người xếp thành những hàng lộn xộn, kẻ sau rút hương của người trước, cắm hương của mình vào, xì xụp khấn vái, lẩm bẩm, xuýt xoa; sân sau chùa là một “núi” chân hương, đại đa số đều chưa cháy được một nửa,… Từ đó tôi cạch, không tới chùa nữa! Tôi cho rằng người ta đang làm trái những gì triết lý nhà Phật nói đến. Tôi cho rằng đó là sự mê tín, u mê chứ chẳng phải là mộ đạo. Nhưng tại sao các nhà chùa, các tăng ni, những người hơn ai hết phải hiểu về triết lý Phật giáo lại chấp nhận điều đó? Đó là một câu hỏi mà tôi chỉ được giải đáp khi đọc bài viết dưới đây của HT. Thích Trí Quảng, giải thích về việc phân hóa Phật pháp thành các loại Mật tông, Tịnh độ tông, Thiền tông.
Khi Đức Phật tại thế, trong 5 năm tìm đạo, Ngài quan sát thấy các tôn giáo đương thời bày ra nhiều phương cách tu có tính cách mê tín, huyễn hoặc như tự hành hạ thân xác hay chủ trương hưởng thụ khoái lạc cùng cực, hoặc giết hại súc vật v.v… để cúng tế, cầu khẩn Thượng đế che chở, ban phước, và sau khi chết, mong được trở về làm con dân phục vụ cho Thượng đế.
Tất cả hiểu biết và hành xử sai lầm của hàng ngoại đạo bấy giờ là một đề tài lớn cho Đức Phật suy gẫm. Ngài suy tư đến cao độ, gọi là nhập thiền định, thấy được đáp số của vấn đề sanh tử, hiện hữu, chuyển biến đổi thay của muôn loài trong vũ trụ. Nói khác, Đức Phật đắc đạo, đạt đến đỉnh cao giác ngộ, thấy biết muôn sự muôn vật đúng như thật.
Từ đó, Ngài bắt đầu giáo hóa độ sanh, dạy người tu tập thiền quán để đạt hiểu biết đúng đắn, sống tự tại, an vui trong hiện đời và trong kiếp tương lai. ng dụng lời Phật dạy, phần lớn đệ tử Ngài đắc A La Hán, giải thoát được phần vật chất và thức uẩn.
Quan sát người tu ở dạng thể nghiệm lời Phật dạy trong cuộc sống, được thành quả giác ngộ như vậy, chúng ta thấy rõ đạo Phật chưa hề có chút biểu hiện nào của tôn giáo.
Tuy nhiên, vì có giáo chủ là Đức Thích Ca và tổ chức giáo đoàn gồm những vị đức hạnh, vượt trội hơn các tôn giáo khác, cũng như Ngài có truyền bá tư tưởng, người nghe theo được lợi lạc, sanh niềm tôn kính Phật và Thánh chúng. Vì vậy, Phật giáo được coi như một tôn giáo, mặc dù Đức Phật chưa bao giờ xác định lời Ngài dạy là một tôn giáo cần phải tuân thủ; và cũng chưa bao giờ Phật chủ trương thờ phụng, cúng bái Ngài hay bất cứ cái gì.
Nhưng sau khi Đức Phật nhập diệt, các vị Tổ sư tiếp nối, thể hiện những tư tưởng và việc làm cao quý trong cuộc sống. Điều này tác động cho người tu ở thời kỳ Phật giáo phát triển hình dung ra mối quan hệ mật thiết, vô hình giữa Phật và chư vị thừa kế. Với lòng hoài vọng kính ngưỡng, họ bắt đầu tạc tượng Phật và Thánh chúng để tôn thờ, lễ lạy. Khởi điểm từ đây, Phật giáo mang màu sắc tôn giáo.
Trong thời kỳ này, các sư tụng niệm, lễ bái, cầu nguyện, tức thể hiện hình thức tín ngưỡng giống như các tôn giáo khác. Tuy nhiên, điều khác biệt chính yếu của Phật giáo là hành giả không hề phó thác vận mạng cho đấng sáng tạo hay thần linh, nhưng biết kết hợp việc cầu nguyện, lễ bái với công phu tu hành.
Thể nghiệm pháp này, tu sĩ Phật giáo Mật tông chuyên trì chú, cầu nguyện, nhờ lực siêu nhiên tác động qua con người thực. Khi kết hợp được với lực siêu nhiên, tức giữa hành giả và thiên nhiên hòa nhập thành một, tạo thành lực bất tư nghì, mà Mật tông tiêu biểu bằng đồ hình tổng thể Mạn Đà La. Mặc dù cầu nương vào lực tam mật gia trì, nhưng hành giả Mật tông cũng phải tự tịnh hóa bản thân, đạt đến chứng đắc vô ngã vị tha, mới có thể sử dụng được toàn lực của tổng thể Mạn Đà La. Thực tế cho thấy các tu sĩ Mật tông ở Tây Tạng thành tựu pháp, tạo được khả năng vượt hơn con người bình thường như đi trong hư không, đi trên nước dễ như đi trên đất liền hoặc nằm trên tuyết vẫn khỏe mạnh v.v… Đó là sự phát triển của Phật giáo Mật tông thể hiện rõ nét tính thần bí của tôn giáo.
Bên cạnh sự phát triển pháp tu mang đậm màu sắc thần bí của Mật tông, lại nảy sanh ý tưởng của những người kém cỏi hơn, không có khả năng kết hợp lực cá nhân và tổng thể. Họ cảm thấy thân phận bé nhỏ, cần nương tựa vào một lực khác để tồn tại, thăng hoa. Từ đó, hình thành pháp môn Tịnh độ, hành giả hướng tâm cầu nguyện Đức Phật A Di Đà ở thế giới Tây phương Cực lạc, cũng cảm nhận an lành, quên đi oi bức của cuộc đời. Tất nhiên, gá tâm đến thế giới khác để cầu nguyện như vậy đã đi khá xa giáo lý chính thống của Đức Phật.
Khi tư tưởng của Tịnh độ tông không được chấp nhận nữa, chúng ta thấy phát sanh chủ trương quan sát ngược lại thời nguyên thủy, xem Đức Phật làm gì. Hiển nhiên, ai cũng biết Đức Phật do tu tập thiền định, khai mở tâm trí, thấy rõ chân lý và sử dụng phương tiện đưa người đến chân lý một cách toàn bích. Nhận thức sâu sắc điều đó dẫn đến sự ra đời của tông phái Thiền.
Thiền tông không trì chú hay sử dụng lực siêu nhiên như Mật tông và cũng không cầu tha lực như Tịnh độ tông. Hành giả cố tìm lại thời Phật tại thế tu tập và hành đạo như thế nào, đạt kết quả ra sao, để rồi suy tư và ứng dụng giáo lý nguyên thủy vào cuộc sống, ngõ hầu minh tâm, kiến tánh, trở thành thánh thiện, minh triết ngay trên cuộc đời này. Trên nền tảng ấy, hành giả không quan tâm đến cúng kính, lễ bái, nhưng đặt nặng vấn đề tham khảo công án hay thể nghiệm cuộc sống như Phật.
Tóm lại, kết hợp ba dạng thức tu của Mật tông, Tịnh độ tông và Thiền tông, chúng ta thấy được Thường Tịch Quang chơn cảnh. Nói khác, chúng ta hành thiền, lắng yên suy nghĩ xem thế giới mầu nhiệm Tịnh độ như thế nào, thế giới do lực siêu nhiên tác động như thế nào, và mang đối chiếu với cuộc sống của Phật cùng Thánh chúng để tự vạch cho mình cách hành xử trên lộ trình tu Bồ Tát đạo. Dần dần, chúng ta cũng đắc đạo, nhận ra được chân lý mà Phật và Thánh chúng đã chứng ngộ.
Trên bước đường tu, đối với chúng ta, Thường Tịch Quang chơn cảnh là thế giới quan lý tưởng với hiện hữu của Phật, Bồ Tát và Thánh chúng. Vì vậy, chúng ta không bao giờ rời bỏ thế giới đó. Làm thế nào để trực nhận bản tâm thanh tịnh của chính mình và hài hòa được với thế giới lý tưởng ấy, để trở lại thực tế hàng phục được mọi chướng ngại của thế giới Ta bà, khai tri kiến Phật cho chúng hữu tình ngay trên cuộc đời này.
Phật giáo là tôn giáo hay không phải là tôn giáo, thiết nghĩ chẳng có gì quan trọng. Làm sống dậy hình ảnh cao quý của Đức Từ Tôn, thể hiện cuộc sống thánh thiện như Ngài, mang tình thương, hiểu biết, an lạc, giải thoát cho mọi loài. Đó mới chính là những gì Đức Phật truyền trao cho hàng đệ tử và là chất liệu vô giá nối kết mạng mạch Phật giáo trường tồn hơn 25 thế kỷ./.
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍
Phật pháp nhà em mới ngâm cứu gần đây thôi bác Du Đãng ạ. Có thể sau này sẽ tới chùa, khi cảm thấy cần thiết. Tuy nhiên, chắc chắn phải là những ngôi chùa thực sự yên tĩnh, thanh tịnh 🙂
@ Du Đãng: Nick của bạn "gồ ghề" thế mà sao tâm của bạn lại thiện thế.Hay nhỉ.Bài này làm tôi nhớ đến một người quen, GS Nguyễn Văn Tuấn, ông có nói một câu mà tôi rất tâm đắc :" Tôi là người vô thần mang đạo Phật ". Thật trúng ý tôi quá.
<< Đối với Phật giáo tôi coi như một hệ thống triết học chứ không xem là một tôn giáo. Do đó tôi khá dị ứng với việc lên chùa cầu nguyện những nhu cầu cá nhân như vật chất, thành đạt, sức khỏe,… Tết đầu tiên của tôi tại TPHCM, 20 năm về trước, tôi theo một ông anh đi chùa Vĩnh Nghiêm. Những thứ đập vào mắt tôi làm trái ngược hẳn những gì tôi vẫn thường nghĩ về một ngôi chùa: người, người, rất nhiều người, như thể ở đây đang diễn ra một lễ hội chứ chẳng phải là chốn linh thiêng; từ cổng chùa đến bậc thềm, các đệ tử cái bang la liệt; trong điện, người người xếp thành những hàng lộn xộn, kẻ sau rút hương của người trước, cắm hương của mình vào, xì xụp khấn vái, lẩm bẩm, xuýt xoa; sân sau chùa là một "núi" chân hương, đại đa số đều chưa cháy được một nửa,… Từ đó tôi cạch, không tới chùa nữa! >>
Sao lại vị người ta là nhưng việc trái mắt mà bỏ qua lợi ích của việc đến chùa ?
Đến chùa gần gũi với hiền tăng là việc tốt thứ nhất.
Đến chùa lạy Phật (hay là lạy chính mình) để hạ cái tôi cá nhân xuống.
Đến chùa tụng kinh để nhớ sâu lời Phật dạy.
Đến chùa niệm Phật để nhở nhắc lòng bi khai mở tâm trí.
Đến chùa để thấy lòng nhẹ nhàng thanh thản.