Trong bài viết phân tích về khủng hoảng kinh tế của của ông Vũ Quang Việt, một chuyên gia về thống kê, đăng trên tạp chí Thời Đại Mới số 27 tháng 3 năm 2013 có một đoạn ở trang 2 và 3 như sau:

Karl Marx trong tư bản luận xuất bản trong thời kỳ 1867-1894 cho rằng khủng hoảng có nguyên nhân nội tại trong hệ thống tư bản chủ nghĩa. Thặng dư lao động là do bóc lột công nhân, đẩy tư bản đến việc dùng máy thay người, do đó không còn chỗ để bóc lột, lợi nhuận sẽ giảm và đưa đến khủng hoảng. Nguyên nhân Marx đưa ra rõ ràng là sai vì ngày nay dù tư bản vẫn dùng máy thay người nhưng lợi nhuận lại tăng vì lợi nhuận của tư bản phát triển phần lớn không đi từ bóc lột lao động mà đi từ sản phẩm tri thức (và sẵn sàng biến tri thức thành tư bản để cùng chia lợi nhuận) dù qua phát triển đẩy lao động tay chân vào thất nghiệp hoặc vào hoạt động dịch vụ không cần tri thức.

Xem phần chú thích thì được biết ông Vũ Quang Việt tham khảo cuốn Crisis Economics của Nouriel Roubin và Stephen Mihm trong nhận xét về các lý thuyết khủng hoảng, do không có cuốn sách đó trong tay nên tạm thời chưa biết đây là quan điểm của ông Việt hay được trích dẫn từ cuốn sách đã nêu.

Nhưng cần phải nói là đoạn được trích dẫn cho thấy người viết nó hoàn toàn hiểu sai hoàn toàn về kinh tế chính trị học của Marx.

Thứ nhất, lý thuyết của Marx trình bày về sự bóc lột giá trị thặng dư chứ không phải lao động thặng dư, cái được gọi là lao động thặng dư là mục tiêu bóc lột của thời phong kiến, khi đó nông dân phải làm việc không công một số ngày nhất định trong năm cho lãnh chúa.

Thứ hai, việc bóc lột giá trị thặng dư không thúc đẩy nhà tư bản (chứ không phải tư bản vì tư bản là quan hệ sản xuất, không phải là người) đến việc buộc phải sử dụng máy móc thay người. Như Marx đã lập luận trong chương 13 quyển 3 bộ “Tư Bản”, việc nâng cao cấu tạo hữu cơ tức là sử dụng nhiều tư liệu sản xuất (không chỉ máy móc mà còn cả nguyên vật liệu) hơn so với lao động là xu hướng tất yếu thể hiện sự tiến bộ sức sản xuất xã hội, nhà tư bản buộc phải tuân theo xu hướng ấy. Một điều cần nhắc nữa là tác giả hiểu sai hoàn toàn về vấn đề giảm số lượng lao động một cách tuyệt đối. Theo Marx giá trị của máy móc nguyên vật liệu sẽ tăng lên so với tiền lương, còn số lượng lao động tuyệt đối có thể tăng lên, giảm xuống hoặc giữ nguyên. Ví dụ một nhà tư bản có một cái máy trị giá 10 triệu đồng và 2 triệu đồng để thuê nhân công thì khi nhà tư bản đầu tư tăng giá trị máy móc lên gấp đôi, số tiền thuê nhân công sẽ không tăng thêm tương ứng là 2 triệu đồng mà có thể chỉ là 1 triệu đồng thôi. Với 20 triệu tiền máy và 3 triệu tiền thuê nhân công thì số lượng nhân công nhà tư bản thuê còn tùy thuộc vào mức tiền lương cho mỗi nhân công nữa, nếu tiền công được giữ nguyên thì số lượng công nhân sẽ tăng gấp rưỡi nhưng nếu tiền công tăng gấp rưỡi thì số nhân công được thuê sẽ không tăng thêm. Lập luận là dùng máy móc thay thế nhân công thì sẽ đến lúc không còn nhân công để bóc lột nữa để phản bác Marx chỉ là sự hiểu sai Marx.

Thứ ba, Marx đã chứng minh rất rõ trong chương viết về xu hướng giảm sút của tỷ suất lợi nhuận bình quân ở quyển 3 bộ “Tư Bản” là khi sử dụng nhiều tư liệu sản xuất hơn so với lao động thì thứ bị giảm sút là tỷ suất lợi nhuận bình quân, trong khi khối lượng lợi nhuận vẫn tăng lên. Lập luận trong đoạn trích hoàn toàn không phải là của Marx.

Thứ tư, lý thuyết của Marx không có gì sai khi ngày nay máy móc được sử dụng thay cho người mà khối lượng lợi nhuận vẫn tăng, bởi vì chính Marx cũng đã lập luận như vậy. Tỷ suất lợi nhuận bình quân suy giảm mới là tai họa của chủ nghĩa tư bản. Khủng hoảng là do tỷ suất lợi nhuận bình quân giảm sút chứ không phải là do khối lượng lợi nhuận giảm sút như tác giả gán cho Marx.

Thứ năm, tác giả đã đưa quan niệm lợi nhuận là không chỉ do lao động mà phần lớn do sản phẩm tri thức tạo ra. Nhưng cách nói này cũng sai nốt, vì các nhà kinh tế học tư sản từ hàng trăm năm nay đã cố gắng chứng minh rằng tri thức tạo ra lợi nhuận, hay lợi nhuận là sản phẩm của tri thức, nói sản phẩm tri thức tạo ra lợi nhuận thì thật vô nghĩa. Mặt khác, khi cả lao động và tri thức cùng tạo ra lợi nhuận mà tri thức có thể được biến thành tư bản để cùng thu lợi nhuận thì lao động cũng có thể biến thành tư bản để cùng chia sẻ lợi nhuận. Người công nhân sẽ tự thuê bản thân mình thay vì làm việc cho nhà tư bản.

Thứ sáu, Marx khẳng định lao động tạo ra giá trị, nhưng lao động đó không phải là lao động cụ thể như chân tay hay trí óc mà là lao động trừu tượng, tức là sự tiêu hao sinh lực của con người. Gán cho Marx cái quan niệm chỉ có lao động chân tay mới tạo ra giá trị để phủ nhận bằng quan niệm lao động trí óc mới tạo ra giá trị lớn hơn chính là xuyên tạc Marx.

Hiện nay phong trào nghiên cứu kinh tế chính trị Marxist rất phát triển ở các nước phương Tây. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế Mỹ năm 2008 đã có rất nhiều các nhà nghiên cứu kinh tế chính trị Marxist như Fred Moseley, Andrew Kliman, Deepankar Basu, Micheal Thomas, Guigliemo Carchedi sử dụng lý thuyết của Marx để giải thích khủng hoảng kinh tế rất thành công, một trong những tác phẩm đáng chú ý là cuốn “The Failure of Capital Production” xuất bản năm 2009 của giáo sư người Mỹ Andrew Kliman. Nhưng có lẽ chưa có nhiều người Việt được tiếp cận với những thành tựu trên. Còn về phía phản bác lý thuyết khủng hoảng của Marx thì đã có hàng sa số các lập luận kể từ Ladislaus von Bortkiewiecz tới định lý của Nobuo Okshio đã được giới học giả phương Tây bàn thảo rộng rãi trong suốt nửa thế kỷ, phần lớn sự phản bác Marx về sau này đều dựa trên các lập luận đó, song có lẽ những người phản bác Marx ở Việt Nam cũng không hề biết tới.

(C) Cu nỡm xóm liều

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍