Như đã trình bày trong các phần trước, tuy chính phủ Mỹ chưa giải mật và cho công bố tất cả các văn kiện chính trị trong lịch sử thời kỳ Chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là giai đoạn Mỹ – Trung bắt tay chống Việt – Xô, nhất là những chuyến đi đêm và những thông tin, văn kiện liên quan trực tiếp đến hải chiến Hoàng Sa, nhưng căn cứ trên các cơ sở hợp lý sau đây thì chúng ta có thể nhận định rằng Mỹ chính là thủ phạm phía sau đã tặng món quà Hoàng Sa cho Trung Quốc, và sử dụng món lễ vật này để thắt chặt quan hệ với “người bạn mới”, và đồng thời mượn tay người “bằng hữu mới” này để chống phá, quấy rối, hay ít nhất kiềm chế Liên Xô, trong bối cảnh chiến tranh lạnh tranh bá giữa hai thế lực siêu cường Xô – Mỹ.

Chu Ân Lai và Richard Nixon tại Trung Quốc


Có những “tay trong” nghe lệnh Mỹ “bán độ” cho Trung Quốc?
Ngoài nghi vấn mà nhiều người, nhiều nguồn đã nêu ra ở các kỳ trước, dưới đây là danh sách tóm lược các cơ sở nghi vấn:

– Làm sao Mỹ có thể tặng Hoàng Sa cho Trung Quốc? …. Năm 1974, một phần miền Nam Việt Nam, bao gồm Sài Gòn và Hoàng Sa, về mặt quyền lực, mức độ ảnh hưởng, cả về chính trị, quân sự, kinh tế, và cả văn hóa, thực tế đang là một thuộc địa kiểu mới của Hoa Kỳ. Không có thực binh chiến đấu Mỹ mặc đồng phục trực tiếp chiến đấu không có nghĩa ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu là độc lập với Mỹ, như đã chứng minh ở các phần trên. Như vậy, Mỹ đủ điều kiện và khả năng tặng Hoàng Sa cho Trung Quốc.

Ngụy Sài Gòn như quá nhiều nguồn tin và dẫn chứng đã chỉ ra, nó không thể sống nếu không có Mỹ, như trước đây nó đã không hình thành nếu không có Pháp. Làm thế nào khi sự sống của ông hoàn toàn phụ thuộc 100% vào tay một thằng khác, nó trả tiền cho ông, nó nuôi ông ăn, nó chưa buông ông ra mà chỉ nới lỏng giảm viện trợ một chút là ông đã lao đao xanh mặt đứng không vững, rồi sau đó sụp đổ, mà ông có thể giữ nghiêm mặt bảo rằng ông là một “quốc gia độc lập”, “nhà nước độc lập”? Nếu ông thật sự nghĩ, thật sự tin như vậy thì chỉ có thể là ông đã mắc phải triệu chứng rối loạn nhân cách tránh né (avoidant personality disorder-AvPD), né tránh sự thật khách quan.

Bây giờ Mỹ thử biếu Trường Sa của một nước Việt Nam độc lập cho Trung Quốc thử xem? Liệu có biếu được không? Trường Sa có mất không? Ngày nay Mỹ muốn biếu Trường Sa cho Trung Quốc cũng không thể biếu được. Đó là sự khác nhau dễ thấy nhất giữa một quần đảo của một quốc gia độc lập và một quần đảo thuộc địa.

– Mỹ tặng Hoàng Sa cho Trung Quốc để làm gì? …. Bối cảnh thế giới lúc bấy giờ đang là cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô và quan hệ Trung – Xô đang chia rẽ sâu sắc. Mỹ tranh đua với Liên Xô địa vị siêu cường chủ đạo của thế giới. Trung Quốc thì ganh đua với Liên Xô địa vị đàn anh đứng đầu cộng đồng các nước XHCN.

Từ nhu cầu lợi ích và toan tính chiến lược của mỗi bên, Trung – Mỹ từ năm 1972 đã xích lại gần nhau, quan hệ như bằng hữu, tăng cường chống Liên Xô, đồng thời Trung Quốc cũng bắt đầu có dấu hiệu phản bội sau lưng Việt Nam.

Ở một trọng điểm nhỏ hơn, bối cảnh khu vực Đông Dương lúc bấy giờ đang là cuộc chiến tranh nóng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Mặc dù thực binh chiến đấu mặc quân phục không còn trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, nhưng các sĩ quan và quân nhân Mỹ khoác thường phục và khoác áo “tùy viên quân sự” vẫn còn đó. Vùng tạm chiếm ở miền Nam vẫn đầy người Mỹ. Mỹ vẫn nuôi dưỡng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn.

Trên thực tế, đây là giai đoạn họ cố gắng gặt hái thành quả của chiến lược Phi Mỹ hóa – Việt Nam hóa chiến tranh. Nghĩa là “thay màu da trên xác chết”…. Tôi không đánh nữa mà tôi phân công cho anh đánh. Tôi không quản lý nữa mà anh làm CEO, làm giám đốc quản lý cho tôi. Tôi cung cấp tiền bạc và các trang bị cần thiết cho anh.

Với 2 mâu thuẫn chiến lược tầm lớn và nhỏ, ở tầm chiến lược toàn cầu và chiến lược khu vực, chống Việt Nam và Liên Xô, chống lại những quyền độc lập, tự quyết, thống nhất, hòa bình của Việt Nam, và chống lại tầm ảnh hưởng phát triển của Liên Xô trên trường quốc tế, Hoa Kỳ mặc nhiên có 2 lợi ích lớn lúc này.

Đó là 1. Chống Việt Nam, Mỹ vẫn còn nuôi dưỡng và chỉ đạo chính quyền bù nhìn, mọi việc của ngụy quyền đều phụ thuộc 100% vào ý chí Mỹ, như vậy cho thấy họ không hề bỏ rơi cuộc chiến. Chính phủ Mỹ trong thời gian 1973-1975 luôn luôn tìm đủ mọi cách vận động, thuyết phục Lưỡng viện Mỹ tăng cường viện trợ cho Nguyễn Văn Thiệu. Nói cách khác, Mỹ vẫn chưa chịu thua trong cuộc Chiến tranh Việt Nam.

2. Chống Liên Xô, đây không hẳn là một cuộc chiến tranh ý thức hệ, mà chủ yếu là một cuộc chiến tranh giành lợi ích, quyền lực, và địa vị bá chủ thế giới, tranh đua và so găng quyền lực mềm (soft power) trên thế giới.

Và trong cái nền tảng đó, vào thời đó, Mỹ vẫn có chính sách nhất quán chống CNXH, chống cộng sản, việc bắt tay, nhượng bộ, hay làm lành chỉ là chiến thuật tạm thời, nhằm phục vụ cho các chiến lược lớn.

Do đó, Mỹ cũng thừa cơ muốn chia rẽ quan hệ Việt – Trung và quan hệ Trung – Xô, chia rẽ khối XHCN châu Á. Vận động và mượn tay Trung Quốc vừa phản Việt Nam vừa chống Liên Xô. Lúc đó tình hình chiến trường Việt Nam đang không thuận lợi cho Mỹ. Còn Hoàng Sa thì ở quá xa đất liền VN. Hoàng Sa lúc này là vô dụng đối với Mỹ.

Bà Monique Chemillier-Gendreau, nữ giáo sư thạc sĩ ngành công pháp và chính trị học của trường Đại học Paris VII – Denis Diderot của Pháp, trong sách Sovereignty over the Paracel and Spratly Islands (Chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa) do Springer xuất bản năm 2000, đã ghi nhận vào ngày 14/1/1974 ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố về chủ quyền “của họ” trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa…. Động thái này xảy ra chỉ 3 ngày sau khi Ngoại trưởng Henry Kissinger của Mỹ rời khỏi Trung Quốc vào ngày 11/1/1974.

Như vậy, Mỹ cần mối quan hệ với Trung Quốc, để thực hiện các chiến lược đó, Hoàng Sa là một lễ vật rẻ mạt dành cho Trung Quốc để đổi lấy các lợi ích chiến lược nói trên. Xét theo lợi ích Mỹ thì đó chính là động cơ của Mỹ.

– Mỹ làm cách nào tặng Hoàng Sa cho Trung Quốc? Câu trả lời là: “Hải chiến Hoàng Sa”. Nếu đặt giả thuyết Mỹ đúng là muốn tặng Hoàng Sa cho Trung Quốc, thì “hải chiến Hoàng Sa” chính là phương án thực hiện. Giả thuyết này đưa chúng ta tới câu hỏi: Trong hải chiến Hoàng Sa có những dấu hiệu nghi vấn nào?

Và dưới đây là những nghi vấn mà các nhân chứng đã phát hiện:

1 – Tàu HQ-5 của hải quân Sài Gòn bắn vào tàu đồng đội HQ-16. Trung tá Lê Văn Thự, thuyền trưởng tàu HQ-16, kể lại trong bài hồi ức “Sự thật về trận hải chiến Hoàng Sa” trên báo Thời Luận, Los Angeles: “Bắn vào tàu Viên đạn vẫn còn tốc độ di chuyển, xướt qua một góc máy điện, xuyên đứt tay Trung sĩ điện khí Xuân kế đó rồi chui vào kho điện khí ở một góc hầm máy và nằm ở đó. May là viên đạn không nổ, chứ nổ thì HQ-16 chìm tại chỗ! Lấy được viên đạn ra, toán tháo gỡ đạn dược ngạc nhiên cho biết rằng viên đạn “made in USA” và cỡ 127 ly. Sau này truy ra mới biết là đạn do HQ-5 bắn.”

Họ bắn “lầm” nhưng lại “bắn lầm” rất “khôn”, bắn vào tàu ông Lê Văn Thự là người thật thà nhất, nếu ông còn sống thì ông sẽ phanh phui ra nhiều chi tiết rất khó nghe, và tàu của ông bị bắn thật, may mắn đạn không nổ, ông còn sống đến nay và đúng là đã phanh phui ra nhiều khuất tất phía sau sự kiện hải chiến Hoàng Sa này.

2 – Một cuộc hải chiến kỳ quái. Trong hồi ức của mình, ông Lê Văn Thự nói rõ mặc dù 4 tàu của hải quân Sài Gòn lúc đó được đặt dưới sự chỉ huy của đại tá Hà Văn Ngạc, tuy nhiên, ông Thự chỉ tiếp nhận duy nhất lệnh đổ bộ người nhái của ông Ngạc lên đảo Quang Hoà. Từ đó cho đến khi kết thúc trận chiến, ông Thự không nhận được bất kỳ một lệnh nào của ông Ngạc, đồng thời, trong tường thuật của ông cũng thể hiện chỉ có 2 tàu HQ-10 và HQ-16 tác chiến, không có sự hỗ trợ của HQ-4 và HQ-5.

Bên cạnh đó, trong bài viết thứ nhất của mình, ông Thự khẳng định: “Sự thật HQ-4 và HQ-5 chẳng bị trầy một mảnh sơn nào cả. Cả Hải quân đều biết. Vì thế cho nên chỉ một mình HQ-16 được tiếp đón ở Sài Gòn và gắn huy chương chứ không có Đại tá Ngạc hay HQ-4 và HQ-5”. Trong bài viết thứ hai, ông tái khẳng định: “Trong khi HQ16 di chuyển ra vào lòng chảo quần đảo Hoàng Sa trong 2 ngày đó, tôi không thấy HQ4, HQ5 trong tầm nhìn của tôi…. Tôi không biết hoạt động của HQ4, HQ5 nhưng tôi biết chắc là họ không tham chiến vì họ ở rất xa trận chiến. Đó là sự thật.” Như vậy vai trò của 2 tàu HQ-4 và HQ-5 trong trận chiến này là gì?

Ông Thự cho biết trận hải chiến này chỉ có 2 tàu thuộc Phân đội II và 3 trong 4 tàu của Trung Quốc tham chiến. Tàu Nhật Tảo HQ-10 chỉ bị thiệt hại nhẹ (đám cháy nhỏ ở khu vực buồng chỉ huy có thể dập bằng bình CO2 nhưng không có ai dập) lại bị đánh chìm.

Với số lượng tàu và vũ khí, hỏa lực áp đảo 3 tàu Trung Quốc tham chiến (các tàu HQ-5, HQ-10, HQ-16 đều có vũ khí mạnh hơn 3 tàu của Trung Quốc, tàu HQ-4 các súng đều sử dụng bằng điện, tốc độ bắn nhanh, radar có tầm xa, vận tốc chiến hạm cao). Tàu HQ-4 là phù hợp cho tác chiến trên biển nhất. Nhưng HQ-4 lại không tham chiến, HQ-5 thì lại bắn vào HQ-16, bên cạnh đó, ông Thự nghi ngờ là hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 có thể bị trúng đạn do tàu đồng đội HQ-5 bắn vào. Như vậy, với khoảng cách khá xa giữa các tàu tham chiến lý do nào HQ-5 lại “bắn lạc” vào đồng bạn?

Ông Thự viết nguyên văn trong bài hồi ức “Sự thật về trận hải chiến Hoàng Sa”: “Trận chiến Hoàng Sa rất giản dị, chẳng có chiến thuật gì rắc rối, phức tạp cả. Tôi chỉ khai thác sơ hở của ba chiến hạm Trung cộng tập trung một chỗ trong lòng chảo để tấn công. Nếu thủy thủ đoàn HQ-16 và HQ-10 có kinh nghiệm tác xạ, HQ-16 không bị trúng đạn của HQ-5 và Hạm trưởng HQ-10 không bị thương thì chắc chắn ba tàu Trung cộng phải bị đánh chìm. Tôi còn nghi vấn về Hạm trưởng HQ-10 bị thương là do đạn thời chỉnh của Trung cộng hay của HQ-5, HQ-4?”

Xin lưu ý tuy tàu hộ tống Nhật Tảo HQ-10 là tàu yếu nhất hạm đội, không phù hợp lắm cho hải chiến (3 tàu kia là tàu khu trục), nhưng vẫn to lớn gấp đôi những tàu Trung Quốc tham chiến. Về hỏa lực thì Nhật Tảo HQ-10 không hề kém các tàu mạnh nhất của hải quân Trung Quốc, nhất là các tàu Trung Quốc tham chiến, và vượt trội lớp Project 122bis – mã tên NATO Kronshtadt class của hải quân Trung Quốc. Chỉ riêng đám pháo liên thanh 40mm của nó đã có thể áp đảo nhóm tàu rà mìn và tàu cá vũ trang của Trung Quốc.

Cựu sĩ quan tác chiến điện tử của quân đội Sài Gòn Đỗ Văn Thọ cho biết “HQ-10 đã bị hỏng máy, gặp nhiều trở ngại kỹ thuật, mà còn không chịu thay thế”, đây cũng chính là hiện tượng mà trung úy Hồ Hải gọi là “cử tàu què ra trận”.

Theo hạm trưởng Lê Văn Thự quan sát thì Trung Quốc không có súng đại liên và máy truyền tin đơn vị. Theo ông, điều này cho thấy là Trung Quốc đã biết trước là sẽ không có thể xảy ra sự kháng cự đáng kể nào từ phía Sài Gòn. Ông cho biết hải quân Sài Gòn đã bị áp đảo và kháng cự yếu ớt, ngoài ra Trung Quốc chỉ sử dụng một lực lượng vừa đủ để đoạt lấy Hoàng Sa. Trong khi đó, HQ-4 là tối tân nhất, các súng đều sử dụng bằng điện, tốc độ bắn nhanh, radar có tầm xa, vận tốc chiến hạm cao. Nhưng HQ-4 lại không xung trận.

Ông còn cho biết trước khi hải chiến Hoàng Sa xảy ra thì Sở Phòng vệ Duyên Hải của hải quân Sài Gòn tại Đà Nẵng có loại tàu PT chuyên đi bắn phá miền Bắc VN, là loại chiến hạm thích hợp nhất cho trận chiến Hoàng Sa. Nhưng Hoa Kỳ đã thu hồi lại loại tàu này khi họ rút quân khỏi Việt Nam năm 1973, trước ngày trận chiến Hoàng Sa xảy ra vào tháng 1 năm 1974.

Như vậy, 2 tàu HQ-4, HQ-5 sau khi bắn vô hiệu hóa (đáng lẽ đã chìm) tàu HQ-16 và đã bỏ chạy để lại tàu hộ tống yếu nhất HQ-10 mà trung úy Hồ Hải gọi là “tàu què” (do đang bị hỏng chưa được sửa) cho Trung Quốc “thắng”. Và điều đáng nghi ngờ nữa là quân đội Sài Gòn để lại tàu HQ-10, chẳng những là tàu yếu nhất, nhỏ nhất trong 4 tàu, vốn lại còn đang hỏng, mà nó còn là một tàu hộ tống (hộ tống hạm), không thích hợp để đánh trận như 3 tàu kia (khu trục hạm).

“Hội Bạch Đằng” ở San Jose tự sưu tầm tài liệu và thực hiện một DVD ngắn nói về trận hải chiến Hoàng Sa với sự trợ giúp của cựu tư lệnh hải quân Sài Gòn Trần Văn Chơn, đã cho biết thông tin 1 trong các chiến hạm tham chiến đã gặp trở ngại tác xạ sau phát súng đại bác đầu tiên.

3 – Theo nhà báo Bill Hayton của BBC Tiếng Anh, tác giả quyển sách Vietnam: Rising Dragon (Việt Nam: Rồng đang lên) xuất bản năm 2010, thì sau khi Trung Quốc đổ bộ trước vào đảo Quang Hòa, thì một mật tin “kỳ quặc” đã được gởi cho đại tá Hà Văn Ngạc từ Đà Nẵng: “Tái chiếm” đảo Quang Hòa một cách “hòa bình”.

Và ngay tại thời điểm mà tình hình Hoàng Sa đang nóng nhất và đang bị Trung Quốc đe dọa căng thẳng nhất, thì hai “lãnh đạo” tối cao của hải quân Sài Gòn, đề đốc Trần Văn Chơn và phó tướng của ông ta đều biến mất, mất tích.

Ông Trần Văn Chơn đi cùng đô đốc Hoa Kỳ Thomas H. Moorer

4 – Nguyên tắc chỉ huy hỗn loạn kỳ lạ chưa bao giờ thấy. Ông Vũ Hữu San là trung tá, thuyền trưởng HQ-4, mà lại chỉ huy ông đại tá Hà Văn Ngạc, mà lại là theo chỉ thị của ông Ngạc. Tức là ông Ngạc chỉ thị cho ông San chỉ huy mình!

Thông thường trong quân đội Sài Gòn hay bất kỳ quân đội nào trên trái đất, người chỉ huy cao nhất sẽ thực hiện toàn bộ việc chỉ huy các tàu trong hạm đội trên soái hạm. Như vậy, theo nguyên tắc thì HQ-5 sẽ đóng vai trò soái hạm và ông Ngạc sẽ thực hiện chỉ huy tác chiến đối với các tàu khác. Phải chăng, ông Ngạc “đã biết trước điều gì đó” nên đã giao nhiệm vụ cho ông San nhằm đổ trách nhiệm cho ông này nếu sự việc đó xảy ra?

5 – Quá trình tác chiến “loạn xà ngầu”, nghiệp dư, tài tử đến không ngờ, tựa như diễn hài: Không có nhiệm vụ rõ ràng, không có kế hoạch hành quân, không có phương án liên lạc, không chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ và thực phẩm, không có cứu thương đi kèm, không họp rút kinh nghiệm sau trận chiến.

Trung úy Hồ Hải, sĩ quan truyền tin ở Bộ tư lệnh hành quân của hải quân Sài Gòn đã cho biết những thông tin sau: Có rất nhiều vấn đề về công tác nhân sự đến không tin nổi. Chọn chỉ huy không thể kém hơn. Đưa tàu cũ ra trận (dù vẫn hơn tàu Trung Quốc), trong đó có 1 tàu đang bị hỏng chưa được sửa (hộ tống hạm HQ-10). Đưa những người không biết cả vị trí, kế hoạch hành quân, không biết kế hoạch vận chuyển, không biết cân bằng tàu, hệ thống chỉ huy bị rối loạn như cái chợ, phí phạm sinh mệnh binh sĩ vô ích, thậm chí viên chỉ huy không biết chỉ huy bắn súng lớn trên tàu. Nghĩa là công tác nhân sự, chọn người, đưa người ra Hoàng Sa có vấn đề một cách khó hiểu. Công tác nhân sự mờ ám và điên rồ như vậy chưa hề thấy trong các chiến dịch khác trong Chiến tranh Việt Nam.

Phải chăng, việc đưa 2 tàu kia ra thực hiện nhiệm vụ nhằm một mục đích khác? Những người trong Bộ tư lệnh hải quân ngụy và đại tá Ngạc đã biết trước kết quả của trận đấu, thậm chí, sẵn sàng thí quân hy sinh HQ-10 và HQ-16 với một mục tiêu nào đó? Trong bài viết “Biển Đông dậy sóng” trên báo Thông Luận, tác giả Trần Bình Nam cũng đề cập: “Đại tá Ngạc biết có một cái gì đó sau lưng trận đánh nên ông đã dè dặt trong đôi lời trước khi viết rằng ông chỉ ‘tường thuật trung thực những chi tiết theo khía cạnh của một người chỉ huy chiến thuật’.”

Cái gì sau lưng đó, về sau được ông Trần Bình Nam nói ra cho hạm trưởng Lê Văn Thự, mà ông đã ghi lại trong bài viết của mình: “Đó là chuyến công du Trung quốc ngày 10 tháng 11 năm 1973 của ông Henry Kissinger mà nội dung ghi lại trong cuốn hồi ký chính trị “Years of Upheaval” và được ông Trần Bình Nam trích ra trong bài viết của ông ta. Đại khái là Hoa Kỳ bắt tay với Trung cộng để chống lại Nga sô và qua một vài câu dẫn chứng, ông Trần Bình Nam kết luận có lẽ có sự thoả thuận giữa Mao, Chu và Kissinger để Trung quốc chiếm quần đảo Paracels của Việt Nam cộng hòa. Ông Trần Bình Nam viết : ‘Một tháng sau khi ông Kissinger rời Bắc Kinh, hải quân Trung quốc lén lút đổ bộ quân lên chiếm một số đảo trong quần đảo Paracels và vân vân…”.

Tại một đoạn khác, ông Thự viết: “Sau trận chiến, Bộ Tư Lệnh Hải Quân hay ít nữa là Bộ Tư Lệnh Hạm đội cần có một buổi hội gồm các cấp chỉ huy các đơn vị tham dự trận chiến để mỗi người trình bầy những hoạt động của đơn vị mình, nói lên những nhận xét để rút kinh nghiệm học hỏi, cùng những đề nghị nếu được áp dụng thì trận chiến sẽ có kết qủa tốt hơn để mọi người cùng thảo luận. Đằng này mọi chuyện đều cho trôi xuôi luôn.”

6 – Sau trận chiến, HQ-4 và HQ-5 chạy sang Philippines chứ không quay trở ngược lại Việt Nam. Đến nay không hề có một giải thích thỏa đáng nào cho các hành động lạ lùng này. Chỉ có tàu HQ-16 của ông Thự trở về với thương tích trông thấy. Sau khi bài hồi ức của ông Thự được đăng tải, nhiều người nghi ngờ rằng 2 chiếc tàu kia chạy sang Phillipines với lý do “sửa chữa tàu” là nhằm mục đích che giấu việc họ không bị một vết đạn nào, để rồi sau đó dễ bề hiệp đồng dối trá.

7 – Dối trá và bắt ép mọi người phải hiệp đồng dối trá theo. Sau khi các tướng tá, sĩ quan, quân nhân quay về thì liên tục các sĩ quan chiến tranh chính trị và an ninh quân đội quấy rầy, xách nhiễu, hạch hỏi nặng nhẹ, vặn hỏi đã nói gì, làm gì, vì sao trả lời phỏng vấn thế này mà không trả lời thế kia, “chỉnh” và can thiệp vào các cuộc phỏng vấn của các nhân chứng tham chiến trong cuộc với các truyền thông báo chí trong và ngoài nước. Trung tá Lê Văn Thự khẳng định Bộ tư lệnh hành quân đã cố tình che giấu sự thật.

Sau khoảng 15-20 phút “chiến đấu”, hai tàu của Trung Quốc có hư hại nhẹ. Nhưng sau đó báo chí truyền thông tâm lý chiến ngụy tuyên truyền rằng hải quân Sài Gòn đã bắn chìm được 2 tàu Trung Quốc và ngăn cản thành công hạm đội Trung Quốc “mạnh hơn gấp bội”. Theo nhà báo Bill Hayton của BBC Tiếng Anh: “Đánh giá một cách khách quan, trận chiến là một thảm họa, tuy nhiên những lính quay trở về được chào đón như những người hùng. Truyền thông Nam Việt Nam được kể lại rằng đội tàu VNCH đã làm chìm hai tàu và ngăn cản được hạm đội Trung Quốc lớn hơn nhiều lần. Trận chiến được thêu dệt ly kì như huyền thoại vào đúng dịp Tết. Nhưng trên thực tế, đó lại là một thảm họa.”

8 – Sau trận hải chiến, thủy thủ hộ tống hạm HQ-10 (tàu bị chìm) trôi dạt trên Biển Đông yêu cầu các chiến hạm Hoa Kỳ của hạm đội 7 gần đó vớt nhưng hạm đội 7 đã làm ngơ. Xin lưu ý hải quân Mỹ lâu nay muốn giữ danh dự nước lớn của mình nên chưa bao giờ có thông tin gì về việc họ làm ngơ không cứu người, vì đây là vấn đề nhân đạo cơ bản nhất. Ngay cả công dân một nước vô can, hay một nước thù địch, hay thậm chí cả cướp biển họ cũng cứu để lấy tiếng. Thì không có lý do chính đáng gì để mà họ làm ngơ tàn bạo vô nhân đạo đến mức làm ngơ không cứu vớt những anh lính “đồng minh” đang có nguy cơ chết đuối.

Điều này không chỉ là cho thấy rằng họ hoàn toàn không để ngụy vào trong mắt, không coi ngụy ra gì, mà có lẽ cho thấy một vấn đề gì đó lớn hơn. Phải chăng kế hoạch và dự tính của Mỹ là tất cả mọi người trên tàu HQ-10 đều phải chết hết, họ đinh ninh rằng theo kế hoạch thì tàu HQ-10 phải là không ai còn sống sót. Nên khi Hạm đội 7 thấy những người còn sống sót của tàu HQ-10, họ phân vân, lúng túng, không biết nên xử thế nào, cho nên đã bỏ mặc làm ngơ?

Cựu phi công không quân Sài Gòn Nguyễn Thành Trung khi kể về kế hoạch dùng máy bay oanh tạc tái chiếm Hoàng Sa cũng nói: “Hạm đội 7 của Mỹ trên biển không cứu các hạm đội của đồng minh Việt Nam Cộng hoà bị bắn chìm và bị thương trên đảo. Dường như vì lợi ích của mình, các quốc gia lớn có quyền mặc cả và thương lượng bất chấp sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia khác.”

9 – Chính phủ Mỹ luôn tuyên truyền rằng “VNCH là một quốc gia” và Mỹ là “đồng minh thân thiết nhất của VNCH” nhưng trong sự kiện này Bộ ngoại giao Mỹ lại im lặng, không phản đối Trung Quốc, không tuyên bố rằng Hoàng Sa là “của VNCH”, và đến nay Mỹ vẫn chưa lần nào lên tiếng thừa nhận rằng TQ đã dùng vũ lực thụ đắc lãnh thổ.

10 – Đưa biệt kích lên giữ đảo, nhưng không hề chuẩn bị lương thực, đạn dược, không có biện pháp tiếp tế để đảm bảo bám trụ lâu dài. Khi hải quân ngụy rút lui đã bỏ mặc đồng đội trên đảo, khiến họ phải vượt biển bằng bè, và có người đã chết trên biển vì khát nước.

11 – Trong hồi ức “Sự thật về trận hải chiến Hoàng Sa” trên báo Thời Luận ở Los Angeles, hạm trưởng Lê Văn Thự nói thẳng, nguyên văn: “Đánh chiếu lệ, nửa nạc nửa mỡ, xem đồng đội như vật hy sinh, thì cái đó không phải là chuyện công khai.”

12 – Tưởng Giới Thạch đã để cho hạm đội được đi qua eo biển Đài Loan một cách suôn sẻ, giành được thời cơ thuận lợi cho cuộc cưỡng chiếm Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc giải thích rằng Tưởng làm vậy là bởi “đại nghĩa dân tộc”. Nhưng có lẽ Đài Loan làm vậy là có sự tác động, vận động, ảnh hưởng của Mỹ. Nếu Tưởng mà biết “đại nghĩa dân tộc” thì đã không có chuyện nghị hòa với phát xít Nhật để truy quét cộng sản Trung Hoa. Đã không làm ra nhiều chuyện ác, đã không có chính biến Thượng Hải và các cuộc khủng bố trắng. Và ông ta đã không bị người Trung Quốc chửi bới cho đến nay, bao gồm cả những nạn nhân của Cách mạng văn hóa vốn căm thù Mao Trạch Đông.

13 – Sau một chuyến “đi đêm”, ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger rời Trung Quốc vào ngày 11/1/1974, thì ngay sau đó ngoại trưởng Trung Quốc tuyên bố về chủ quyền “của họ” trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào ngày 14/1/1974.

14 – Nhiều người, nhiều nguồn trong cuộc từ mọi bên, Trung Quốc, Mỹ, ngụy đều nói úp mở lấp lửng hoặc thật thà nêu nghi vấn về nghi vấn “bàn tay Mỹ” này.

15 – Bỏ chạy quá nhanh. Tên “chỉ huy” bỏ chạy đến cả không liên lạc với các đơn vị tham chiến. Không tiếp tế, tăng viện. Hạ lệnh triệt thoái quá sớm. Bày ra kế hoạch chiếm lại Hoàng Sa chỉ để hủy bỏ sau đó. Mỹ-ngụy trói tay trói chân ngụy quân và không quân Sài Gòn. Không quân được trang bị lớn thứ ba thế giới không được phát huy sở trường, ngồi nhìn suốt trong và sau trận chiến.

Nếu không quân Sài Gòn xuất kích, khả năng chiến thắng – theo quan sát và nhận định chuyên môn quân sự của đại tá Nguyễn Thành Trung, cựu phi công không quân Sài Gòn – là 100%. Ông cũng cho biết là chiến dịch tái chiếm Hoàng Sa bị Nguyễn Văn Thiệu hủy bỏ vì người Mỹ không cho phép.

16 – Người “bắn lầm” và bỏ chạy, trung tá Phạm Trọng Quỳnh im hơi lặng tiếng 40 năm nay. Dù ai mời mọc đến thế nào cũng nhất quyết không hé răng nói một lời, kể cả đối với các chiến hữu đồng đội cũ. Đến nỗi xin họ để cho mình được yên mà cũng phải nhờ đến bạn thân ra mặt nói dùm.

17 – Có một “cố vấn” người Mỹ với lai lịch mờ ám và hành tung mờ ám khó hiểu, sớm không đến muộn không đến, lại xuất hiện ở Hoàng Sa đúng vào thời điểm và địa điểm đó. Khi đến HS như đã biết trước chuyện gì xảy ra, vội vã lên đảo chứ không ở trên chiếc tàu mà sau này sẽ xảy ra chiến sự và bị đồng đội “bắn lầm”. Sau đó được Trung Quốc đối xử tử tế đặc biệt và trao trả tự do rất nhanh.

18 – Làm những hành động gây phương hại cho chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Sau hải chiến, chính quyền Sài Gòn chờ gần 1 tháng mới tuyên cáo chủ quyền, nhưng trong bản tuyên bố lại chỉ nói về chủ quyền “của VNCH”, không nói gì về chủ quyền “của Việt Nam”, vốn có thể tạo ra sự thuận lợi cho công tác tranh đấu chủ quyền của VN trong tương lai, như chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam đã khẳng định chủ quyền “của Việt Nam” trong bản tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc 1 ngày sau trận hải chiến Hoàng Sa.

oOo

Nói chung, có quá nhiều động thái đáng ngờ, từ nhiều người khác nhau trong ngụy quân, ngụy quyền. Một vài chuyện thì còn nói được là tình cờ, trùng hợp, ngẫu nhiên. Nhưng khi quá nhiều dấu hiệu, quá nhiều chuyện “tình cờ”, “trùng hợp”, “ngẫu nhiên” cùng hướng về một kết luận, thì những chuyện đó không còn là ngẫu nhiên nữa.

(còn tiếp)

Thiếu Long

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍