Dưới đây xin giới thiệu với các bạn bản dịch một “tài liệu do Bộ Lục Quân Hoa Kỳ, Văn Phòng Phụ Tá Tham Mưu Trưởng Đặc Trách Tình Báo đúc kết và phổ biến vào tháng 12 năm 1974”. Bản dịch này được thực hiện bởi ông Thềm Sơn Hà và đăng trên http://hqvnch.net.
Lời mở đầu
Tài liệu này do Bộ Lục Quân Hoa Kỳ, Văn Phòng Phụ Tá Tham Mưu Trưởng Đặc Trách Tình Báo đúc kết và phổ biến vào tháng 12 năm 1974.
Tài liệu dựa trên báo cáo của ông Gerald E.Kosh phối hợp với các tin tình báo đã được Hoa Kỳ thu thập được trong khoảng vài tháng trước ngày Trung Cộng cưởng chiếm Hoàng Sa.
Người dịch thân kính gởi lời cám ơn đến niên trưởng Nguyễn Hải (K10/SQHQ/NT) đã ưu ái góp ý và tu sửa cũng như cám ơn nhiệt tình của đệ nhị Hải sư Bùi Văn Tẩu (K17) đã đến tận Thư viện Lục quân Hoa Kỳ để lấy ra tài liệu này.
I. Lời Giới Thiệu
Bài tường trình này nêu lên những điểm chính yếu của cuộc hành quân tấn công đổ bộ vào ngày 20 tháng 1 năm 1974 bởi lực lượng Trung Cộng (TC) lên 2 đảo nhỏ do Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) phòng thủ trong nhóm Nguyệt Thiềm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Phần đầu của bản báo cáo trình bày những quan sát trong cuộc hành quân rất là tường tận của một nhân chứng duy nhất đầy đủ khả năng.
Phần thứ nhì định giá vài khía cạnh chính yếu của nguồn tin, đối chiếu lại các dử kiện Hoa Kỳ sẳn có và đưa ra những nhận định tổng quát về sự hiệu quả của lực lượng TC tham dự vào cuộc hành quân.
1) Nguồn gốc:
Gerald E.Kosh là viên chức Hoa Kỳ liên lạc với Vùng Chiến Thuật trực thuộc cơ quan DAO Saigon, chính ông đã quan sát cuộc đổ bộ của TC lên đảo Hoàng Sa và Cam Tuyền, ông đã bị bắt trên đảo Hoàng Sa vào ngày 20 tháng 1 năm 1974. Ông Kosh là cựu Sĩ quan Bộ binh, đã phục vụ 2 năm ở Việt Nam, tại đây Ông đã học được rất nhiều kinh nghiệm tác chiến khi chỉ huy toán thám sát. Ông đã qua các khóa huấn luyện về Lực lượng Đặc biệt, Nhảy dù và Biệt động quân, thêm vào đó là kinh nghiệm chiến trường, sự quen thuộc với các loại vũ khí cở nhỏ của TC và sự đánh giá đúng mức khi viết báo cáo về Tình báo, ông Kosh được xem là người duy nhất có khả năng như là một quan sát viên về chiến thuật và quân cụ và Ông đã đưa ra những nhận xét rất có giá trị.
Sự chính xác trong cách mô tả chi tiết về hình thể của đảo Hoàng Sa đã được xác nhận và khả năng ký ức của ông được xem là hoàn hảo.
2) Bối cảnh.
– Ngày 11 tháng 1 năm 1974, TC tái xác nhận chủ quyền đã có từ lâu trên các nhóm quần đảo trong vùng Biển Đông (South China Sea) trong số này có quần đảo Hoàng Sa mà từ giữa thập niên 1950 đã được chiếm giử bởi TC (Nhóm Tuyên Đức) và VNCH (Nhóm Nguyệt Thiềm) (xem hình 1)
– Trong 9 ngày tiếp theo đó, TC đã thực hiện cuộc hành quân phối hợp với mục đích chiếm đoạt các đảo dưới sự kiểm soát của VNCH. Sau trận hải chiến vào khoảng giữa sáng ngày 19 tháng 1, những chiến hạm VNCH đã hoạt động trong nhóm Nguyệt Thiềm từ ngày 14 tháng 1, triệt thoái ra khỏi vùng, kể từ sau đó các chiến hạm TC đã hiện diện một cách liên tục và hoạt động tự do trong nhóm Nguyệt Thiềm.
– Ngày 20 tháng 1, các thành phần của Lực lượng Bộ binh và Hải quân TC đã phối hợp thực hiện những cuộc hành quân đổ bộ thật chu đáo tấn công lực lượng yếu kém của VNCH trên ba đảo Cam Tuyền, Hoàng Sa và Vĩnh Lạc trong Nhóm Nguyệt Thiềm. Như vậy TC đã nới rộng sự kiểm soát trong toàn thể quần đảo Hoàng Sa.
II. Những sự Quan Sát của nguồn tài liệu.
1) Cuộc tấn cộng lên đảo Cam Tuyền:
Đảo Cam Tuyền là một đảo nhỏ (500m X 700m), cây cỏ vừa phải, bao quanh bởi một bãi cát rộng từ 20m đến 50m và bãi đá ngầm kéo dài từ hướng Tây Bắc độ sâu 2fathoms ( 1fathom=1,83m=6feet) đến hướng Đông có độ sâu 1fathom (xem đính kèm số 2). Đảo được bảo vệ bởi một toán 14 hải kích VNCH (1) đưa lên đảo trong ngày 18 tháng 1. Họ trang bị súng M.16, vài khẩu súng phóng lựu M.203 cở 40 ly và lựu đạn cầm tay. Đơn vị đồn trú nhỏ này không chuẩn bị các vị trí phòng thủ.
– Lúc 09.00 giờ (giờ địa phương) ngày 20 tháng 1, hai chiến hạm Tuần duyên (CHTD) thuộc loạì Shanghai của Hải quân TC đến cách đảo Cam Tuyền 400m về hướng Đông Nam và ngừng lại ở vị trí này. Ngay tiếp theo đó, một chiến hạm lớn hơn không xác định được loại nào (CH.X) tiến vào vị trí phía Tây Nam đảo (xem hình 2)
– Lúc 10.00 giờ, ba chiến hạm bắt đầu tác xạ lên đảo Cam Tuyền. CHTD tác xạ hình như là đại bác 37ly trước mủi và sau lái và CH.X tác xạ bằng loại súng lớn giống như loại đại bác 105 ly nòng ngắn của Mỹ (Lời người dịch: Đây có lẽ là loại đại bác 100ly thì đúng hơn vì chiến hạm TC không trang bị loại 105ly).
Hai CHTD đã phối hợp nhau chia đảo ra thành từng khu vực tác xạ cho mỗi chiến hạm và mỗi loại súng. Đại bác 37ly trước mủi và sau lái thay phiên nhau bắn từng loạt từ 3 đến 5 phát.
Nhận thấy những loạt đạn đầu tiên rớt trên mặt biển về hướng Bắc của đảo Cam Tuyến. CH.X đã điều chỉnh bắn quét khắp đảo đều đặn, tuy nhiên không biết rỏ được nhịp độ tác xạ.
Toán Hải kích bố trí ngay bờ bụi rậm ở hướng Đông của đảo đã báo cáo qua máy truyền tin về toán phòng thủ trên đảo Hoàng Sa là họ bị thiệt hại một người chết và 3 người bị thương qua những đợt pháo kích của chiến hạm TC. (2)
– Lúc 10 giờ 30 sáng, 2 tàu đánh cá tiến vào hướng Đông và giử lấy vị trí cách bãi đá ngầm khoảng 250m về hướng Đông Đông Bắc đảo nằm ngoài vùng tác xạ của các khẩu 37ly. Loại tàu này đã được nhận dạng là loại tàu đánh cá NanYu. Có ít nhất là một chiếc (số 407) và có thể cả 2 chiếc đã hiện diện trong lần đụng độ đầu tiên vào ngày 17 tháng 1. Trong ngày hôm đó, Kosh đã thấy tàu đánh cá số 407 cố tình ép chiến hạm VNCH là HQ4 (Khu trục hạm Trần Khánh Dư) vào vùng đá ngầm. Tuy nhiên vào lúc bấy giờ, chiếc tàu TC có vẻ như là một tàu đánh cá được điều khiển bởi một thủy thủ đoàn có bình thường mặc đồ xanh loại tập thể dục (sweatsuit) và đội nón rơm. Điều thật ngộ nghỉnh là trong lúc tàu đang có hành động khiêu khích, một vài nhân viên vẫn dùng cần câu bằng tre và quăng dây câu xuống nước.
Trong khoảng thời gian từ 14 đến 20 tháng 1, không thấy có chiếc tàu đánh cá nào có mang theo lưới cá, lúc ban đầu Kosh đã xem chúng như là một loại tàu đánh cá vì chúng không có vẻ giống như chiến hạm.
– Khoảng ngắn sau khi 2 chiếc tàu đánh cá tiến vào, một lực lượng hơn 100 lính TC xuất hiện trên boong của mội chiếc và bắt đầu nhanh nhẹn chuyển xuống nước những chiếc bè cao su màu đen (xem đính kèm 3). Trong quân phục tiêu chuẩn của bộ binh TC (xem hình 4), họ quăng mỗi lần 2 chiếc bè ở phía sau lái hữu hạm chiếc 407, xong kéo chúng về phía trước đúng vào vị trí cạnh bên 2 thang dây, có từ 6 đến 8 lính TC leo từ mỗi thang dây xuống bè (xem hình 5). Khi bè chứa đủ người, họ chèo lên hướng Bắc của chiếc 407. Nơi đây họ lập nên một đội hình gồm 30 bè. Do vị trí của 2 tàu đánh cá nên chỉ quan sát được có hữu hạm của chiếc 407, tuy nhiên qua sự mau lẹ trong sự họp thành đội hình cơ bản đủ để ông Kosh suy luận là cách thức đưa bè và người khỏi tàu đã được sử dụng cả 2 bên mạn tàu với 8 bè được đưa xuống ở mỗi bên.
– Lính TC điều hành việc hạ bè và đưa người xuống một cách nhanh chóng và hiệu quả chứng tỏ là thao tác này đã được tập dượt kỹ càng. Thêm vào đó, họ chèo bè rất nhịp nhàng và giữ đúng đội hình.
– Lực lượng tấn công tổng cộng từ 200 đến 240 người trên 30 bè. Khi chiếc bè dẫn đầu của toán bè theo đội hình mũi giáo vừa qua khỏi cạnh đá ngầm, một trái hỏa pháo màu đỏ được bắn lên từ CH.X ra hiệu cho tất cả các khẩu hải pháo ngưng tác xạ. Đồng thời, lằn đạn xanh chỉ đường trên đám bụi cây chứng tỏ là lính TC đã khởi sự bắn áp đảo bằng súng nhỏ. Toán Hải kích đã bắn trả qua những loạt đạn rơi xuống nước gần những chiếc bè nhưng không thấy chiến hạm TC đáp lại bằng hải pháo yểm trợ. Lực lượng tấn công vẫn giữ vững đội hình chặt chẻ cho đến khi hầu hết các bè đã vượt qua khỏi vùng đá ngầm, sau đó các bè ở phía sau đổ bộ dài theo phía Đông Bắc đảo Cam Tuyền. (xem hình 6). Lính TC lội lên bờ trong những vùng nước cạn và tiến ngay vào trong mà không cần kéo bè lên bãi cát. Không có sự tổn thất nào được ghi nhận về phía TC.
Khi những người lính TC đầu tiên tiến vào bờ, hai CHTD di chuyển về hướng đảo Hoàng Sa.
2) Tấn công lên đảo Hoàng Sa.
Nằm cách 2 hải lý về hướng Đông Bắc của đảo Cam Tuyền, đảo Hoàng Sa là một đảo nhỏ (400m X 800m). Trên đảo có 7 cơ sở cố định, một trong số này được VNCH (cho đến ngày 20 tháng 1) dùng làm Đài khí tượng. Đảo có rất nhiều đường mòn, cây cỏ mọc từ lưa thưa cho đến tương đối rậm rạp và một bãi cát rộng từ 20m đến 30m. Bãi đá ngầm bao quanh đảo sâu từ 1fathom đến 2 fathoms và rộng từ 300m đến 900m.
Vào ngày 20 tháng 1, trong số 48 quân nhân VNCH phòng thủ đảo chỉ có 20 lính địa Phương Quân là trang bị vũ khí (súng trường M16), không có sẳn vị trí hay kế hoạch phòng thủ.
– Lúc 11.00 giờ, hai CHTD vào vị trí cách hướng Nam đảo 400m. CH.X di chuyển lên hướng Bắc nhưng vẫn còn nằm về hướng Tây đảo Cam Tuyền để tránh khỏi bị nhận dạng (xem hình 7).
– Lúc 11.30 giờ, các chiến hạm TC bắt đầu pháo kích lên đảo Hoàng Sa theo đúng như cách thức đã tấn công đảo Cam Tuyền. Tác dụng của những viên đạn bắn ra từ CH.X lại một lần nữa cho thấy là của loại đại bác 105ly. Một điều hơi lạ là mặc dù chiến hạm TC bắn dọn đường liên tục với mức độ vừa phải trong gần một tiếng đồng hồ nhưng đã không gây ra tổn thất nhân mạng nào về phía VNCH cũng như không có một cơ sở nào bị hư hại. Hai chiếc tàu đánh cá loại NanYu chưa từng xuất hiện từ trước, tiến vào vị trí cạnh bãi đá ngầm cách đảo 600m về hướng Tây Nam (xem hình 7).
– Lúc 12.30 giờ, chấm dứt đợt tác xạ dọn đường, cuộc đổ bộ tấn công lên đảo Hoàng Sa bắt đầu. Mặc dù Kosh không quan sát được những diễn tiến hạ bè và người cùng cách thức đổ bộ lên đảo nhưng chắc là cũng giống hệt như cách thức tấn công lên đảo Cam Tuyền. Lực lượng tấn công được ước tính khoảng 2 đại đội chỉ chạm trán với tràng đạn M16 lẻ tẻ từ lính phòng thủ.
Sự củng cố đảo Hoàng Sa đã được thi hành rất có hệ thống và rất nhịp nhàng. Lực lượng tấn công lục soát khắp nơi trên đảo, có điều nhận thấy rõ ràng là họ dùng các đặc điểm về địa thế có thể nhận dạng được để chia khu vực cho từng trung đội. Trong những vùng đã được phân chia, những nhóm gồm từ 5 đến 8 người lục soát những khu vực được giao phó, họ hay dừng lại để bắn thăm dò trước khi vào lục soát những nơi rậm rạp.
Các toán kiểm soát nội bộ hay liên lạc với nhau bằng thủ và khẩu lịnh, và họ thường dùng thủ lịnh. Trong tất cả các trường hợp được quan sát, các chỉ thị đã được thi hành lập tức và chính xác. Cùng lúc với sự lục soát, một lực lượng gồm 2 trung đội đã củng cố và bảo đảm khu vực được dựng lên để dùng làm Bộ Chỉ Huy (BCH)Trung Cộng. Mỗi tòa nhà được giải tỏa bằng lựu đạn tay và được lục soát rất có hệ thống.
Kosh đã bị bắt bởi một toán 7 người và được đưa vô khu vực BCH chung với những tù nhân khác.
– Khoảng 13.30 giờ, khi đã nắm chắc đảo và kiểm nhận tất cả quân nhân VNCH, lực lượng tấn công đã đào các hầm trú ẩn cá nhân quanh đảo sát cạnh phía bên trong bụi rậm.
Sự củng cố sau cùng đã được hoàn tất thật nhanh và không có sơ hở nào rõ rệt. Lực lượng tấn công đã được kiểm soát rất chặt chẻ, rất có kỷ luật và được huấn luyện kỹ. Ông Kosh cho biết là sự chính xác và hiệu nghiệm của cuộc tấn công sẽ không đạt được nếu không có những cuộc tập dượt đi sâu vào chi tiết và sự hiểu biết tường tận về sự bố trí hình thể của đảo Hoàng Sa.
3) Những quan sát đặc biệt khác.
Ông Kosh cũng đã nhấn mạnh đến những khía cạnh sau đây của cuộc hành quân.
– Không quân yểm trợ chiến thuật. Có vài nguồn tin công khai lên tiếng cho là cuộc hành quân đổ bộ của TC đã được yểm trợ bởi những cuộc oanh kích chiến thuật, tuy nhiên ông Kosh cho là không có những cuộc oanh kích nào để yểm trợ cho quân TC hay VNCH. Vì khoảng cách giữa 5 đảo của nhóm Nguyệt Thiềm tương đối ngắn, Kosh có thể phát giác được sự yểm trợ của loại phi cơ có khả năng tác chiến cao ở bất cứ nơi nào trong nhóm Nguyệt Thiềm.
– Quân phục: Sĩ quan và binh sĩ mặc quân phục tiêu chuẩn quân đội Cộng Sản Trung Hoa. Tất cả quân lính của lực lượng đổ bộ đội nón mềm, thắt lưng có khóa thắt bằng bạc trơn và mang giày bố xanh olive. Kosh có thể nhận biết được cấp sĩ quan bởi nón họ đội có chóp cao, áo có 4 túi và mang súng lục. Điều đặc biệt nhất trong phần mô tả của Kosh là tất cả quân phục đều đồng một màu (không có đấu vết bạc màu) và hoàn toàn mới toanh.
– Vũ khí và dụng cụ: Mỗi sĩ quan thuộc lực lượng tấn công chỉ mang theo một khẩu súng lục loại 51 hay 54 đựng trong bao súng ngắn màu nâu nằm trên dây thắt lưng và được giữ chặt bởi một sợi dây xéo ngang ngực vòng qua vai bên trái.
Những người lính mang súng trường loại 56 hoặc súng Carbin với số lính mang súng Carbin nhiều hơn súng trường. Mỗi người lính còn mang loại thắt lưng như mạng lưới có gắn 2 bi-đông nước, 4 lựu đạn loại dài, 1 bao nhỏ và một dao găm dài loại dùng cho các toán Biệt kích (xem hình 9). Điều lạ nhất của loại dao này là bao đựng dao lại không được dùng để giữ chặt cán dao, con dao để một cách lỏng lẻo trong bao. Những người lính trang bị loại súng trường tấn công còn mang trên ngực loại dụng cụ như mạng lưới dùng để chứa 4 băng đạn, mỗi băng 30 viên. Họ không có đeo túi hay ba-lô trong lúc tấn công, tuy nhiên khi củng cố vị trí lần cuối cùng, toán 25 người mang 3 ba-lô loại lớn được cài chặt chẻ có dạng giống nhau, từ bờ biển đến mặt phía Bắc của đảo. Mỗi ba-lô được trét một lớp bóng có lẽ là để chống thấm nước.
Trong lúc đổ bộ và củng cố vị trí không thấy súng đại liên hay là loại súng cộng đồng hoặc nghe tiếng súng cùng loại. Vào khoảng xế trưa ngày 20 tháng 1, có toán người mang lên bờ 3 khẩu súng cối 60ly, 3 khẩu súng không giật 57ly và có thể có thêm 3 khẩu súng phóng lựu (RPG), họ mang mỗi thứ một khẩu đặt vào các vị trí ở hướng Tây, Bắc và Đông của đảo.
– Toán chỉ huy Trung Cộng: Khoảng xế trưa ngày 20 tháng 1, một toán chỉ huy rất để nhận dạng có mặt trên đảo Hoàng Sa. Những người thuộc toán chỉ huy gồm có 7 người mặc quân phục rất là vừa vặn màu xám, không túi theo kiểu đồng phục của Mao Trạch Đông, vớ màu đen trơn, giày da màu nâu, một người trong nhóm mặc quần dài màu xanh đậm, áo lạnh màu xám mặc bên trong áo trắng tay dài kiểu thông thường và mang giày màu đen, một số sĩ quan mặc quân phục quân đội TC, không có ai trong nhóm mang theo vũ khí. Tất cả những người có mặt tỏ vẻ tôn kính đối với một người đặc biệt trong nhóm mặc quân phục màu xám có 2 sĩ quan theo sau mang cặp sách loại đựng giấy tờ màu xám đậm. Những người mặc quân phục xám rỏ ràng lớn tuổi hơn (khoảng 50 hoặc 60 tuổi) những người mặc quân phục quân đội TC.
Toán chỉ huy được bổ sung bởi 2 nhân viên vô tuyến không mang vũ khí và 2 người lính kèn, tất cả mặc quân phục. Có khoảng 2 trung đội giữ an ninh cho toán người này và cho cả khu vực được dùng làm BCH.
– Dụng cụ truyền tin: Ông Kosh tin là lực lượng tấn công không có mang theo máy truyền tin. Tuy nhiên sau khi bị bắt, ông thấy 2 máy truyền tin Type 63 ở cùng vị trí khoảng giữa BCH. Mỗi máy có bộ ống nghe vòng qua đầu, 1 micro cầm tay và 1 antenne lá lúa cao khoảng 6ft, không có một nguồn cung cấp điện nào được dùng với máy truyền tin này. Sau khi đã củng cố xong, 1 cột antenne lớn (được giữ chặt bởi 2 sợi dây cáp) tương tự như loại RC-292 của Mỹ được dựng lên cạnh bên căn nhà từng là nơi trú đóng của lính VNCH.
Một máy phát điện cở lớn được 6 người gánh bằng một đòn gánh dài đem đặt trong một cái lều kế bên và một loại dây cáp cở 1/4 inch đã được nối liền từ máy phát điện vào trong tòa nhà.
Vào xế trưa ngày 20, 2 máy truyền tin loại Type 63 đã được đưa vào bên trong BCH. Thêm vào đó, TC còn thiết trí 1 antenne thật dài không rỏ dài đến bao nhiêu và họ đang tìm cách đặt cho đúng hướng trên mái nhà.
– Đối xử với tù binh: Lúc ban đầu, một số nhỏ tù binh bị trói tay bằng những sợi dây nhỏ, nhưng đến khi củng cố xong, tất cả tù binh đều được thong thả. Tập trung cạnh bên BCH, 48 tù binh được canh chừng bởi khoảng từ 35 đến 40 lính TC mang súng trên vai. Mỗi tù binh được cho uống nước và được mời hút thuốc lá. Họ không được nói chuyện, sĩ quan và binh sĩ không bị tách rời. Sau khi kiểm soát thẻ căn cước của từng người, những đồ dùng cá nhân được giữ lại và mang vào BCH để lục soát. Sau đó TC trả lại các đồ dùng cá nhân không liên quan đến quân sự (kể cả tiền bạc). Nhiếp ảnh viên TC xử dụng loại máy hình Leica chụp rất nhiều hình tất cả tù binh, có vài bức hình chụp cả nhóm tù binh chung với nhóm BCH.TC.
– Khẩu phần: Khoảng 5 giờ chiều, nhà ăn được dựng lên trong khu vực đã được thiết trí với 2 vạc nấu ăn lớn (cao 2ft, đường kính 3ft), một số nồi nấu bằng sắt và 5 bao vải chứa gạo (khoảng 50lbs mỗi bao), sau đó 6 người vào trong nhà ăn và mỗi người khiêng đi 2 nồi cơm bằng sắt.
Lính VNCH bị Trung Quốc bắt tại Hoàng Sa |
III. Lượng Định
1) Huấn luyện và tập dượt cho cuộc hành quân.
– Cuộc hành quân tấn công đổ bộ do TC thực hiện trong ngày 20 tháng 1 rất là hoàn hảo. Nghiên cứu kỹ mỗi giai đoạn của cuộc đổ bộ tấn công cho thấy việc soạn thảo kế hoạch thật kỹ lưỡng và những cuộc thực tập thật cần thiết để TC có thể tung ra cuộc hành quân với sự hữu hiệu đã thấy.
– Với mục đích phân tách, cuộc tấn công đổ bộ được chia ra làm 3 giai đoạn rỏ rệt. Giai đoạn đầu đòi hỏi việc xử dụng hải pháo để sửa soạn cho các khu vực lựa chọn. Giai đoạn hai gồm việc đưa bè xuống nước và đưa người xuống bè, các bè họp vào thành lập đội hình tấn công và sự di chuyển đội hình vào bãi đổ bộ. Giai đoạn ba hoàn tất việc tê liệt hóa các toán chống cự và củng cố các mục tiêu.
– Sự thi hành giai đoạn một tuy không phức tạp đã cần đến sự điều hợp chặt chẻ giữa 3 chiến hạm TC thực hiện việc tác xạ mở đường và lực lượng tấn công. Các khu vực, mục tiêu và khoảng thời gian tác xạ phải được định rỏ và dự tính trước. Loại và thời điểm các tín hiệu ra dấu ngưng tác xạ phải cần được phối hợp. Trong khi sự huấn luyện đặc biệt cho cách thức kiểm soát việc tác xạ không cần thiết lắm nhưng 3 chiến hạm TC có lẻ đã phối hợp và thực tập kỹ lưỡng những phương thức này.
– Hiện tại không có một đơn vị nào của TC được gọi là ‘đã được huấn luyện về hành quân đổ bộ’. Trên thực tế từ các cuộc hành quân thủy bộ của thập niên 1950, không có tin tức khả tin cho thấy là TC có tổ chức huấn luyện cho loại hành quân này. Việc đưa bè xuống nước, đưa người xuống bè và sự hợp thành đội hình và duy trì đội hình tấn công một cách chặt chẻ là những công việc đòi hỏi kinh nghiệm. Để thi hành những phương thức này với sự chính xác và tự tin như lực lượng tấn công đã chứng tỏ trong giai đoạn hai, đơn vị bộ binh và thủy thủ của các tàu đưa người xuống nước đã phải huấn luyện và tập dượt chung thật nhuần nhuyễn.
– Hầu hết các đơn vị bộ binh TC đều có khả năng cô lập hóa và củng cố mục tiêu như là đảo Hoàng Sa hay đảo Cam Tuyền, tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt của đảo Hoàng Sa, đơn vị bô binh được chọn lựa đã chứng tỏ sự phối hợp chặt chẻ giữa các đơn vị trực thuộc như là việc họ xử dụng rất an toàn phương pháp bắn thăm dò trong lúc càn quét khắp đảo. Sự chấp nhận xử dụng phương pháp hữu hiệu nhưng có thể nguy hiểm, cùng với hậu quả rất đáng ca ngợi qua sự càn quết và củng cố đã được thi hành trong giai đoạn ba là dấu hiệu rõ ràng cho thấy những cuộc tập dượt kỹ càng đã được chuẩn bị cho cuộc hành quân này. Thêm vào đó, khả năng của lực lượng tấn công khai dụng những đặc điểm về địa thế của đảo để phân chia khu vực trách nhiệm cho từng đơn vị, chứng tỏ TC đã biết rõ từ trước địa thế của đảo Hoàng Sa và đã tập dượt cho mục tiêu rõ ràng.
– Có bằng chứng cho thấy sớm nhất là vào khoảng trung tuần tháng 12 – và có thể trước đó vào khoảng tháng 9 – TC đã tích cực huấn luyện lực lượng tấn công của họ cho cuộc hành quân vào ngày 20 tháng 1 năm 1974. Trong thời gian 10 ngày, khoảng hạ tuần tháng 12, 6 tàu đánh cá (loại tàu đánh cá NanYu mang số 401, 402, 405, 406, 407 và 408) đã được quan sát hoạt động từ hải cảng và cũng là căn cứ hải quân Bắc Hải (PeiHai). Những tàu đánh cá hoạt động từng cặp rời hải cảng vào mỗi buổi sáng và trở về vào mỗi buổi chiều.
– Những chứng cớ dưới đây cho thấy một cách rỏ ràng là hoạt động này dùng vào việc huấn luyện cho lực lượng đổ bộ:
a) Có ít nhất 100 người trên boong mỗi tàu. Thủy thủ đoàn của tàu đánh cá ít khi trên 15 người. Như vậy việc một chiếc tàu chở nhiều hơn 100 người là một chuyện bất thường.
b) Có ít nhất 2 trong số các tàu đánh cá này – chiếc mang số 402 đã được Việt Nam nhận dạng và chiếc mang số 407 đã được cả Kosh lẩn Việt Nam nhận dạng – được xử dụng làm tàu đổ quân cho ngày 20 tháng 1 tấn công đổ bộ.
c) Có ít nhất 4, mặc dù có thể là 6, tàu đánh cá dùng làm tàu đổ quân cho cuộc tấn công đổ bộ lên quần đảo Hoàng Sa và con số (ít nhất) 100 người trên mỗi tàu (tổng cộng: ít nhất 600 người) phù hợp gần đúng với tổng số lực lượng đổ bộ ước lượng là 6 đại đội.
d) Một số khu vực có lối vào, bãi biển rất giống với vùng bao quanh các đảo Vĩnh Lạc, Cam Tuyền và Hoàng Sa cách Bắc Hải khoảng 2 giờ hải hành. Sự thiếu kinh nghiệm của Hải quân TC với loại hành quân này cộng với sự nguy hiểm rỏ ràng khi hoạt động trong khu vực kế cận bãi đá ngầm khiến cho việc huấn luyện và tập dượt trong một khu vực với những địa thế tương tự là một điều tối cần.
e) Các tàu đánh cá quan sát ở Bắc Hải và những chiếc đã tham dự trong cuộc tấn công đổ bộ đã hoạt động từng đôi. Mặc dù hoạt động này được quan sát trong tháng 12 nhưng có thể là những chuẩn bị cho cuộc hành quân tháng 1 thật ra đã được khởi sự vài tháng trước đó. Trong tháng 9, TC đã ban hành các biện pháp an ninh trong căn cứ hải quân Bắc Hải. Những biện pháp này không những được áp dụng nghiêm ngặt hơn những biện pháp thông thường trong vùng mà nó còn khắt khe hơn tất cả các hải cảng khác của TC trong cùng thời gian. Lý do cho sự thận trọng bất thường này không được rỏ nhưng có lẻ là liên quan đến các sự chuẩn bị tấn công đang tiến hành ở căn cứ hải quân.
2) Thám sát đối tượng.
– Từ cách thức cuộc tấn công đổ bộ đã được thực hiện, điều có thể nhận rỏ ngay là TC đã nắm được tin tức tình báo chính xác về thành phần, sự bố trí và khả năng của lực lượng trú đóng VNCH trong nhóm Nguyệt Thiềm và địa thế trên từng đảo một. Sự thu thập dữ kiện thiết yếu phần lớn đạt được là do những ‘tàu đánh cá’ thi hành như là các điểm chính yếu cho việc dọ thám.
– Các ‘tàu đánh cá’ TC đã được tự do ra vào trong hải phận của nhóm Nguyệt Thiềm từ nhiền năm qua. Vì các tàu đánh cá này bề ngoài có vẻ chú tâm vào hoạt động đánh cá thương mại nên những sự hiện diện thường xuyên của họ trong hải phận của VNCH không bị cản trở. Ngoài các hoạt động đánh cá thực sự, những tàu đánh cá này còn phục vụ như là nền tảng cho việc thu thập tin tức tình báo. Với sự ra vào hoàn toàn không bị giới hạn đến các khu vực được lựa chọn là mục tiêu tối hậu, thủy thủ đoàn của các ‘tàu đánh cá’ đã có cơ hội chụp hình mỗi đảo, cập nhật hóa trên hải đồ những vùng nước cạn, theo dỏi các hoạt động của VNCH và thám sát các bãi đổ bộ xử dụng sau này. Ông Kosh đã được người Việt Nam trú đóng trên đảo Hoàng Sa cho biết là nhiều lần trong khoảng mùa Thu năm 1973, một phái đoàn thiện chí TC đổ bộ lên đảo. Mỗi lần như vậy, một toán đổ bộ từ tàu đánh cá lên đảo và tặng quà ‘như thực phẩm và nước uống’ cho toán lính VNCH trú đóng trên đảo. Mặc dù bày tỏ mục đích thân thiện qua những lần thăm viếng nhưng qua sự quen thuộc với địa hình của đảo Hoàng Sa mà lực lượng tấn công đã chứng tỏ cho thấy một cách hùng hồn là những phái đoàn ‘thiên chí’ này thật ra chỉ là những toán thu thập tình báo.
– Khi mà dữ kiện tình báo đã có đầy đủ để cho phép việc sửa soạn kế hoạch chi tiết cho cuộc tấn công đổ bộ. Các ‘tàu đánh cá’ vẫn duy trì sự quan sát chặt chẻ các đảo được chọn làm mục tiêu. Qua sự theo dỏi này, TC đã có thể phát giác và báo cáo những sự thay đổi lực lượng bộ binh VNCH và sau nữa là sự điều động chiến hạm của VNCH. Nhờ thế sau khi VNCH đổ quân lên đảo Cam Tuyền vào ngày 16 và đảo Vĩnh Lạc vào ngày 17 tháng 1, TC đã có thể điều chỉnh lại kế hoạch của họ thêm vào yếu tố có lực lượng chống trả lại cuộc tấn công đổ bộ của họ lên 2 đảo này.
– Thêm vào những hoạt động thám sát và theo dỏi bằng cớ cho thấy là những đơn vị thám sát tiền phương thuộc lực lượng tấn công TC đã dò lại các mục tiêu trong ngày 14 tháng 1 (3). Vào lúc 09.00 giờ sáng ngày hôm đó, khi chiến hạm đầu tiên của VNCH đến nhóm Nguyệt Thiềm, thủy thủ đoàn của chiến hạm này đã quan sát thấy ‘tàu đánh cá’ TC mang số 402 và 407 bỏ neo cách đảo Cam Tuyền 300m về hương Đông. Sự hiện diện vào lúc bấy giờ của 2 chiếc tàu đánh cá TC đặc biệt này – cả 2 đã tham dự huấn luyện ở Bắc Hải và sau cùng trong cuộc đổ bộ tấn công vào ngày 20 tháng 1 – cho thấy là các đơn vị dẫn đầu của TC đang thăm dò mục tiêu của họ. Sự liên quan này đã được củng cố thêm qua sự kiện là trong ngày 20 tháng 1, tàu đánh cá số 407 (và có thể luôn cả chiếc 402) đã chuyển các bè cao su tấn công lên đảo Cam Tuyền từ đúng vị trí mà tàu này đã bỏ neo vào ngày 14 tháng 1.
3) Tổ chức các lực lượng tấn công.
Danh xưng và sự thống thuộc của đơn vị bộ binh tham dự cuộc tấn công đổ bộ vẫn chưa được xác định rõ. Trong khi tin tức được loan tải từ Bắc Kinh cho là cả lực lượng dân quân và lực lượng bộ binh TC tham dự vào những cuộc đổ bộ nhưng sự hiệu quả và kỷ luật mà lực lượng tấn công đã chứng tỏ đưa đến một kết luận chắc chắn là lực lượng này chính yếu phần lớn bao gồm quân lính từ các đơn vị thuộc chính qui hay từ lực lượng địa phương.
-Tổng số lực lượng tấn công được ước tính có khoảng 2 tiểu đoàn bộ binh. Lực lượng này được tổ chức thành 4 thành phần tấn công, mỗi thành phần được chọn lựa và tập dượt cho một đảo được chọn làm mục tiêu. Ngày chiếm đoạt và thành phần của lực lượng tấn công được xử dụng trên mỗi đảo như sau:
Đảo | Ngày cưỡng chiếm | Lực lượng tấn công TC | Lực lượng trú phòng VNCH |
---|---|---|---|
Quang Hòa (Duncan) và Duy Mộng (Drummond) | 11 hay 17-18 tháng 1/74 (các báo cáo tương phản) | 1 đại đội | Không |
Cam Tuyền (Robert) | 20 tháng 1 năm 1974 | 2 Đại đội | 14 hải kích (1) |
Hoàng Sa (Pattle) | 20 tháng 1 năm 1974 | 2 Đại đội | 20 địa phương quân có võ trang và 28 người không võ trang (4) |
Vĩnh Lạc (Money) | 20 tháng 1 năm 1974 | 1 Đại đội | 15 hải kích (5) |
Ta thấy rỏ ràng là mỗi Đại đội gồm có 3 Trung đội, mỗi Trung đội được chia thành 6 toán từ 5 đến 8 người, mỗi toán có nhiệm vụ riêng thay vì theo thông lệ có 3 Tiểu đội. Điều này cho thấy TC đã nhận ra và đã điều chỉnh để kiểm soát khoảng thời gian khống chế (span of control) thường hay đi đôi với loại hành quân này. Loại vũ khí cộng đồng cơ hửu của Đại đội Bộ binh đã không được đưa lên bờ cho đến khi hoàn tất việc củng cố. Ông Kosh đã lưu ý đến việc không thấy súng đại liên (thông thường cơ hữu của Tiểu đội) và máy truyền tin đơn vị (thường cơ hữu của Trung đội). Điều này cho thấy là TC tin tuyệt đối vào sự chính xác về tình báo của họ và đã thấy trước là sẽ không có thể xảy ra sự kháng cự đáng kể nào từ phía VNCH.
– Nói chung, cuộc hành quân của TC trong nhón Nguyệt Thiềm đã được dựa trên ước đoán rất chính xác về khả năng của VNCH. Sau khi Hải quân TC đã dành được sự kiểm soát không thể chối cải được vùng biển quanh vùng trong ngày 19 tháng 1, VNCH không thể nào ngăn chận được TC chiếm trọn hết cả nhóm Nguyệt Thiềm.
– Ngày 20 tháng 1, TC đã mang đội quân tác chiến hùng hậu với mục đích làm khiếp sợ lính phòng thủ trên các đảo Vĩnh Lạc, Cam Tuyền và Hoàng Sa.
– Được sự yểm trợ bởi hải pháo và quân số đông hơn với tỷ lệ 10 chọi 1, lực lượng tấn công đổ bộ đã lần lượt chiếm đảo Cam Tuyền tiếp đến đảo Hoàng Sa và sau hết là đảo Vĩnh Lạc mà phải chỉ đụng độ với một lực lượng không đáng kể.
– Sự kiện phía VNCH chịu tổn thất rất ít về nhân mạng cho thấy là quân đồn trú đã bị áp đảo và họ chỉ kháng cự yếu ớt, ngoài ra mặc dù TC quyết tâm dùng vũ lực để chiếm lấy Hoàng Sa nhưng họ chỉ sử dụng một lực lượng vừa đủ để đạt mục tiêu của họ mà thôi.
IV. Kết Luận
Dựa vào dữ kiện đã được trình bày, xin đưa ra những kết luận sau đây:
1) Lực lượng TC đổ bộ tấn công chiếm đoạt nhóm Nguyệt Thiềm thuộc quần đảo Hoàng Sa trong ngày 20 tháng 1 năm 1974 rất có kỷ luật, được huấn luyện chu đáo, tập dượt thuần thục và đã được xử dụng đúng mức.
2) Soạn thảo kế hoạch và những sự chuẩn bị cho cuộc hành quân đổ bộ đã được bắt đầu ít nhất là vào tháng 12 và có thể sớm hơn vào tháng 9 năm 1973. Huấn luyện đi vào chi tiết và các cuộc tập dượt cho những cuộc đổ bộ đã được thực hiện trong khu vực Bắc Hải thuộc vùng quân sự Quảng Châu trong tháng 12 năm 1973.
3) Kế hoạch tấn công đổ bộ đã dựa trên tin tức tình báo cực kỳ chính xác. Từ tin tức thâu thập được bởi các ‘tàu đánh cá’ của TC hoạt động trong vùng biển thuộc nhóm Nguyệt Thiềm, TC đã ước định chính xác thành phần, sự phối trí và thực lực của các lực lượng VNCH trong vùng.
4) TC đã đưa vào nhóm Nguyệt Thiềm một khả năng tác chiến hùng hậu nhưng chỉ xử dụng vũ lực cần thiết để làm tê liệt sự kháng cự của VNCH.
Chú Thích
(1) Tuyển tập Hải Sử (TTHS) ấn hành năm 2004, trang 310: Toán 14 người này là nhân viên của Khu trục Hạm Trần Khánh Dư (HQ4) đã được đưa lên đảo Cam Tuyền vào sáng ngày 18 tháng 1 để thay thế toán Biệt hải do HQ/Trung Úy Lê Văn Dũng làm Trưởng toán.
(2) TTHS trang 310: Không ghi nhận tổn thất nhân mạng về phía toán 14 người trên đảo Cam Tuyền.
(3) TTHS-trang 298: Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt (HQ16) đến Hoàng Sa và phát giác tàu đánh cá TC hoạt động gần đảo Cam Tuyền vào ngày 15 tháng 1 năm 1974.
(4) TTHS – trang 310 và tài liệu ‘Thế giới lên Án TC xâm Lăng Hoàng Sa của VNCH’ do TC/CTCT/Cục TLC ấn hành năm 1974 – trang 11: Tổng số quân nhân và nhân viên Đài Khí Tượng trên đảo Hoàng Sa trong ngày 20 tháng 1 năm 1974 là 34 người.
(5) TTHS – trang 299, 277 và TC/CTCT – trang 10: Đây là toán 15 nhân viên của HQ16 do HQ/Trung Úy Lâm Trí Liêm làm Trưởng toán đã đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc trong ngày 17 tháng 1 năm 1974. Ngày 19 tháng 1 trên đường trở về Đà Nẵng, Hạm trưởng HQ16 đã liên lạc với Trung Úy Liêm và sau đó toán này xuống bè đào thoát. Sau 10 ngày gian khổ trên biển khơi, toán người này đã được ngư phủ vớt ở vị trí cách Qui Nhơn khoảng 55 cây số.
Một số thông tin khác về Gerald E.Kosh và trận đánh chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc
Trong bài Bí ẩn trận Hoàng Sa, đăng trên báo Viễn Đông Daily, ông “Thiếu tá Phạm Văn Hồng, Sĩ Quan Lãnh Thổ Phòng 3, Quân Đoàn I, người bị Trung cộng bắt làm tù binh trong trận hải chiến Hoàng Sa giữa Hải quân VNCH và Hải quân Trung Cộng vào ngày 19-1-1974” đã kể về Kosh như sau:
“Tôi lên phòng chỉ huy, Đại tá Hà Văn Ngạc vỗ vai tôi và nói: “Toa à, cái thằng Kosh này là bạn moa, nó nhát gan, nó sợ và muốn lên đảo, nó bảo ở trên tàu nguy hiểm quá, vậy toa đi với nó lên đảo trở lại”. Rồi ông ra lệnh lấy dzu dzu đưa chúng tôi vào đảo”.
Rồi sau đó ông kể rằng ông đã nghi ngờ ông Kosh này đóng “vai trò” gì đó “trong âm mưu của Mỹ” tại Hoàng Sa.
Thế nhưng về nhân vật Kosh, trong bài trả lời phỏng vấn Oscar P. Fitzgerald ngày 20/09/1975, nguyên phó đề đốcVNCH Hồ Văn Kỳ Thoại cho biết ông ta thậm chí chẳng nhớ tên anh chàng người Mỹ này và Kosh chỉ muốn đi thăm đảo cho vui (He just went for fun; not for fun exactly, but just to go out to see the island)!
Còn thông tin về Kosh trên trang Cựu chiến binh Mỹ thì như sau:
Về việc Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa thì ông Hồng kể như sau:
Để nắm vững tình hình trên đảo về quân số cũng như cách bố phòng của ta, vào khoảng đầu tháng 10 năm 1973, thời điểm tháng 10 thường hay có mưa bão xảy ra ở vùng biển Đà Nẵng, nên Trung cộng cho một chiếc tàu giả dạng tàu đánh cá vào đảo xin tránh bão. Việt Nam Cộng Hòa mình vốn có tính nhân đạo và thật thà, thấy họ xin núp bão thì đồng ý ngay, lại còn tiếp tế cho họ nước uống nữa, chúng làm bộ thân thiện với ta, tặng cho anh em quân nhân những bộ bài có hình khỏa thân, và rủ lính của ta chơi trò “trốn tìm”, mục đích là dò xem mình có hầm hố gì không, nhưng các anh em Địa Phương Quân của ta đâu có ngờ, đó là mưu mô “thám sát” của lính Tàu. Vì thế khi chúng tấn công lên đảo, chúng đã nắm rõ quân số của ta có bao nhiêu người, vũ khí ra sao, có hầm hố chiến đấu hay không, còn ta, ta không biết gì về địch. Lực lượng hai bên quá chênh lệch như thế nên chúng ta bị thất bại là lẽ đương nhiên.
Tin vào lời hứa, tìm cách ẩn trốn và bị bắt
Khi tôi liên lạc bằng máy Motorola của Đài Khí Tượng trên đảo về Đà Nẵng, tôi được bên Hải Quân cho biết, Thiếu tá Hồng cứ yên trí, sẽ có máy bay ra yểm trợ. Vì tin lời hứa đó, tôi nghĩ trong lòng rằng không bao giờ tôi đầu hàng, giả sử nếu cùng lắm bên Không quân ta phải thả bom trên đầu, tôi cũng chịu vì đó là chuyện bình thường của quân đội; vì tôi và anh em trên đảo sẽ được cứu nên tôi tìm cách ẩn trốn vào một bụi cây rậm rạp trên đảo, do đó khi chúng đã bắt hết các anh em, chúng kiểm soát danh sách và biết rằng còn thiếu một viên Thiếu tá là tôi, cả một Tiểu đoàn lính Trung Cộng dàn hàng ngang lùng sục làm sao mà tôi thoát được, và tôi bị chúng bắt sống lúc xế trưa.
Qua đây ta cũng thấy được khả năng và tinh thần chiến đấu của lính giữ đảo như thế nào! Và cứ nhìn những gì các “anh hùng” này chém gió cuối đời thì cũng hiểu cái đội quân đó đã “sống mái với quân thù” thế nào. Ba hòn đảo được Trung Quốc chiếm chóng vánh và phía VNCH hầu như chẳng có thương vong gì đáng kể! Theo tài liệu trên của Mỹ thì có 2 đại đội lính Trung Quốc đánh chiếm đảo Hoàng Sa nhưng theo ông thiếu tá quân lực VNCH Phạm Văn Hồng thì “cả một tiểu đoàn lính Trung Cộng dàn hàng ngang lùng sục” ông ta!!! Nhưng với một số báo chí hiện nay, đó vẫn là những người anh hùng!
Tất cả nhóm tù binh do Trung Cộng trao trả, đã về tâp trung tại trại dưỡng quân Lê Văn Duyệt, Sài Gòn – ảnh do Thiếu tá Phạm Văn Hồng cung cấp. |
Thiếu tá Phạm Văn Hồng và bức tranh “Gấu Trúc” do nhà cầm quyền Trung cộng tặng cho ông lúc trao trả tù binh |
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍