Vào những ngày này 34 năm trước (1979), bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh bất ngờ xua hơn 50 vạn quân vượt biên cương, hùng hổ xua quân đánh thẳng vào 6 tỉnh miền Bắc Việt Nam, mở màn cuộc chiến tranh xâm lược nước ta.
Đất nước Việt Nam lúc bấy giờ đang là một đất nước mang đầy thương tích chiến tranh, chịu nhiều hậu quả chiến tranh tàn khốc, chịu đựng 9 triệu tấn bom và chất độc hóa học, nhiều gần gấp 3 lần tổng số bom cả thế giới rải vào nhau trong 2 cuộc Thế chiến. Việt Nam vừa trải qua thời kỳ chiến tranh dài nhất trong Việt sử và một trong các thời kỳ chiến tranh dài nhất trong lịch sử thế giới.
Quân đội Nhân dân Việt Nam lúc đó đang là một quân đội mang đầy vết thương chiến tranh chưa lành, đang vướng chân và chịu gánh nặng Campuchia, phải bổ sung nhiều lính mới cho chiến trường ở cả hai đầu đất nước, phía Nam và phía Bắc.
Song quân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng, TBT Lê Duẩn, và sự tham mưu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã đánh bại và đẩy lùi hơn 50 vạn quân Trung Quốc xâm lược, gây cho chúng những tổn thất vô cùng lớn lao. Kết quả là chúng phải đơn phương lui binh về nước sau những thiệt hại nặng nề. Nhục nhã chuồn nhanh trước khi quân chủ lực Việt Nam ra Bắc.
Sau 1 tháng thử lửa, Bắc Kinh thừa biết rằng nếu ngay cả những tân binh địa phương, bạch đầu quân, nữ du kích, dân quân, tự vệ mà họ còn không vượt qua nổi, thì chắc chắn họ không có cơ hội nào cầm cự nổi với lực lượng đại quân, tinh binh, các lực lượng chủ lực, thiện chiến, nhiều kinh nghiệm chiến đấu, nhiều chiến công của Việt Nam, những sư đoàn vừa mới giao chiến và đánh bại đội quân vô địch Hoa Kỳ cách đây không lâu.
Đó là lý do Trung Quốc phải bắt đầu rút quân từ ngày 5 tháng 3. Việt Nam nói rằng sẽ thả cho Trung Quốc rút về, nhưng sau đó bất ngờ đón đánh, truy kích, phục kích nhiều nơi để răn đe, trả đũa. Do đó mà chiến sự tiếp diễn nhiều nơi. Và phải đến ngày 18 tháng 3 năm 1979 thì Trung Quốc mới hoàn thành việc rút quân sau 13 ngày lui binh “trầy da tróc vẩy”.
Giáo dục lịch sử bảo vệ đất nước giai đoạn 1975-1979 trong sách giáo khoa Việt Nam |
Các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh luôn tạo ra niềm cảm hứng viết bài trong tôi, đặc biệt là cuộc chiến này. Tôi nghĩ đây là một sự kiện lịch sử lớn, là một cuộc chiến tranh lớn, đến nỗi có học giả nước ngoài còn gọi đây là “Chiến tranh Đông Dương 3”, cho nên cần có sự ghi nhớ, kỷ niệm về nó không nhiều thì ít. Nếu chưa tiện trên các báo chí chính thống thì vẫn nên tuyên truyền rộng rãi trên blog, diễn đàn, để làm rõ chiến công của quân dân ta. Nhân dịp này tôi xin được bày tỏ, chia sẻ một số cảm nghĩ, nhận xét, thông tin về đề tài này và mấy vấn đề liên quan.
Nên xác định đúng ngày kỷ niệm chiến thắng biên giới phía Bắc 1979
Bắt đầu từ ngày 17/2/2013, cùng với sự kiện Trung Quốc kéo quân sang xâm lược Việt Nam vào ngày này 34 năm trước, BBC Việt ngữ và nhiều blogs đăng nhiều bài về cuộc chiến này. Nhiều người còn gọi đó là để “kỷ niệm” cuộc chiến tranh này. Lúc đầu tôi cũng không nghĩ nhiều, thấy ừ thì cũng đúng, định hòa theo những người đó viết bài “kỷ niệm ngày 17/2”. Nhưng giật mình nghĩ lại thì thấy có vấn đề rất lớn, chúng ta đã lệch lạc ngay từ đầu.
Từ mấy ngàn năm trước đến ngày nay, ở nước Việt cũng như các nơi khác trên thế giới, người ta thường chỉ kỷ niệm những sự kiện tích cực, những sự kiện đem đến niềm vui. Về chiến sử thì đó là những chiến công, những gương chiến thắng. Không ai đi kỷ niệm ngày người ta đánh mình cả.
Cha ông, cha anh chúng ta không đi kỷ niệm ngày giặc Nguyên, giặc Thanh vào đánh ta. Dân ta không kỷ niệm ngày quân Pháp – Tây Ban Nha (1858) và Mỹ (1965) đổ bộ vào cảng Đà Nẵng. Dân ta kỷ niệm chiến thắng Bạch Đằng, Đống Đa, Điện Biên, Điện Biên Phủ trên không, sự kiện ký hiệp định Paris, Đại thắng mùa xuân. Tức là những chiến công hoặc những sự kiện quan trọng mang tính bước ngoặt dẫn đến chiến thắng và thằng giặc phải cút khỏi nước ta. Không ai đi “kỷ niệm” ngày thằng giặc đánh mình cả.
Ngoài trường hợp những sự kiện quân sự diễn ra trong 1 ngày (ví dụ Trân Châu Cảng, hải chiến Trường Sa….), ngày đánh lui, đánh thắng địch cũng là ngày địch đánh ta, thì không ai ở Việt Nam và trên thế giới này kỷ niệm ngày địch đánh ta, mà họ chọn ngày đánh lui địch để làm ngày kỷ niệm. Các cụ ta không kỷ niệm ngày quân Pháp đổ bộ nổ súng đánh Đà Nẵng, thay vào đó là kỷ niệm ngày giành được độc lập, ngày thắng giặc, ngày đánh đuổi quân giặc về nước, ngày mở đường cho quân Pháp, quân Mỹ về nước, ngày giải phóng, ngày thống nhất. Cũng như người Mỹ không kỷ niệm ngày thực dân Anh đưa quân vào đánh. Họ kỷ niệm ngày đánh đuổi quân Anh và lấy đó làm lễ Độc Lập (Independence day). Kể cả các lễ hội dân gian cũng không ai đi kỷ niệm những ngày như vậy.
Tôi nghĩ hiện tượng đó là hợp tình hợp lý, bởi vì nếu kỷ niệm ngày giặc đánh mình thì nó nói lên điều gì, nó gởi lên thông điệp gì, nó gởi thông điệp gì cho giới trẻ và con cháu đời sau? Nó có nghĩa là ta lấy thằng giặc làm trung tâm và nhân vật chính. Ta kỷ niệm ngày thằng giặc đánh ta. Ta kỷ niệm một hành động của giặc, kỷ niệm hành động đánh ta của giặc. Thay vì kỷ niệm ngày vui chiến thắng của ta. Kỷ niệm hành động của ta, kỷ niệm hành động đuổi giặc của ta. Kỷ niệm sự thắng lợi của ta. Lấy ta làm trung tâm và nhân vật chính.
Như vậy, theo tình lý trên, theo truyền thống cha ông, thì ngày cần kỷ niệm là ngày chiến thắng biên giới phía Bắc, chính là ngày 18/3, là ngày mà đoàn quân xâm lược sứt mẻ của Trung Quốc hoàn thành việc rút đại quân ra khỏi Việt Nam, để lại hàng vạn xác đồng đội xâm lăng. Chứ tuyệt đối không phải là ngày 17/2. Đó là tư tưởng của nạn nhân giơ đầu chịu đánh, chứ không phải là tư tưởng của một dân tộc quật cường chống xâm lược và quyết chiến quyết thắng bọn giặc xâm lược. Chúng ta nên kỷ niệm ngày ta đuổi giặc, ngày ta thắng giặc. Không nên kỷ niệm ngày giặc đánh ta, ngày ta bị đánh, ngày ta bị giặc đánh.
Tôi không biết đây là tư tưởng thuộc địa hay “văn hóa buồn bã”, tinh thần tiêu cực, hay “ai đó” cố ý kích thích lòng căm thù nước Trung Quốc và tinh thần bài Hoa (nếu nhớ không lầm thì chính BBC Việt ngữ là kênh đầu tiên khởi sự đăng bài dồn dập về ngày 17/2 hàng năm), nhưng nói chung đây là một tư duy không đúng và mâu thuẫn với chủ đạo dân tộc Việt Nam, đi ngược với những truyền thống mà cha ông, cha anh ta hay làm.
Muốn kỷ niệm, ca ngợi, biết ơn chiến công đánh bại giặc Tàu xâm lược, để làm gương chiến đấu cho con cháu, để cho con cháu ngày sau tiếp tục noi theo đánh giặc bảo vệ làng xóm đất nước quê hương thì cần kỷ niệm ngày thắng giặc, ngày mà chúng nó cút về nước, chứ tuyệt đối không phải là ngày mà chúng nó đánh ta. Đó là ngày của nạn nhân bị ăn đòn, không phải là ngày chiến thắng, ngày đánh bại kẻ thù. Chúng ta nên làm theo phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của ông cha, không nên làm theo BBC Việt ngữ.
Chiến tranh năm 1979 giống cuộc chiến chống ngoại xâm nào trong Việt sử?
Theo kiến thức cơ bản nhất về lịch sử nước mình, tôi nghĩ cuộc chiến năm 1979, nhất là kết cục của nó, có nét giống với cuộc chiến Lê Đại Hành đánh Tống trong thời Tiền Lê, Lý Thường Kiệt đánh Tống trong thời nhà Lý, Trần Hưng Đạo đánh Nguyên Mông trong thời nhà Trần, và 2 cuộc kháng chiến quy mô lớn gần đây nhất; chống Pháp và Mỹ.
Lê Đại Hành và Lý Thường Kiệt đều phải đánh Chiêm Thành trước để rảnh tay kháng Tống, tránh không để rơi vào bẫy gọng kìm “lưỡng đầu thọ địch” (hai đầu gặp địch). Tướng Lê Khả Phiêu, Lê Trọng Tấn và quân đội CHXHCN Việt Nam phải đánh Khmer Đỏ trước để ổn định mặt trận phía Nam. Nhưng khác xưa là chưa bình định hết thì quân phương Bắc đã kéo tới cửa.
Quân nhà Lê và quân nhà Lý đều cầm chân địch tại phòng tuyến Bình Lỗ và Như Nguyệt. Trường hợp chiến tranh Lê – Tống là giặc tự tháo lui sau khi thấy không chọc thủng nổi phòng tuyến Bình Lỗ. Trường hợp chiến tranh Lý – Tống là quân nhà Lý sau khi gây thiệt hại, thương vong nặng nề cho địch thì đã chủ động nghị hòa trước. Rồi tướng giặc mới rút quân về sau khi thấy đánh mãi mà vẫn không xuyên qua nổi phòng tuyến Như Nguyệt, trong khi ngày càng hao binh tổn tướng.
Trong chiến tranh Đại Việt – Nguyên Mông, ta cũng gây cho chúng những thiệt hại to lớn bằng du kích chiến và chiến tranh nhân dân, quấy rối, phá hoại, đánh tiêu hao, giết dần giết mòn sinh lực địch, đến khi địch không chịu nổi nữa phải rút quân, thì triển khai phục kích tiêu diệt. Thiên tài quân sự Trần Hưng Đạo đã thành công ém quân phục kích ở cả hai đường thủy – bộ, đánh tan giặc trong lúc chúng đang rút về.
Năm 1979, ta đặt phục binh ở ngả Chi Mã. Nhưng sau đó do sự phối hợp thiếu ăn ý nhịp nhàng giữa sư đoàn 337 và 338, cũng như sự rút kinh nghiệm các chế độ trước của CHND Trung Hoa nên họ đã đề phòng và không lạc sâu vào trận địa mai phục. Do đó hai cánh quân 337 và 338 tuy có gây tổn thương lớn cho giặc, nhưng mưu kế phục kích đã không đem lại kết quả thắng lớn như mong đợi. Như vậy, trong kháng chiến chống Nguyên Mông thì quân ta phục kích trúng. Trong chiến tranh biên giới chống CHND Trung Hoa thì quân ta phục kích hụt. Thế nên cuộc chiến chống Nguyên Mông mới có trận quyết chiến chiến lược Bạch Đằng Giang lưu danh muôn thuở. Còn cuộc chiến chống Trung Quốc năm 1979 không có trận đại thắng quyết chiến chiến lược nào tương tự.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giặc đều phải rút quân về nước. Chỉ khác nhau ở chỗ Pháp và Mỹ ký hiệp định rồi mới rút quân. Trung Quốc năm 1979 thì phải đơn phương rút quân do bị thương vong quá nhiều và không thể tiến thêm bước nào, không thể chọc thủng phòng tuyến của Việt Nam.
Thần uy và lòng nhân ái bao la của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trước cuộc xâm lấn của quân đội phương Bắc trên toàn tuyến biên giới Việt – Trung. Trong không khí cả nước ra trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã noi gương chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đứng lên đánh đuổi quân bành trướng Bắc Kinh. Bài viết có tựa đề rất giản dị và minh bạch: NHÂN DÂN VIỆT NAM NHẤT ĐỊNH THẮNG LỢI, GIẶC TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC NHẤT ĐỊNH THẤT BẠI.
Bài kêu gọi này như những bài hịch truyền, lời hiệu triệu của Bác Hồ năm xưa kêu gọi toàn quốc đứng lên đánh Pháp đuổi Mỹ, giành lấy độc lập chủ quyền, thống nhất bờ cõi.
“Bài hịch truyền” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu bằng đoạn:
Cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh chống giặc Trung Quốc xâm lược, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang diễn ra quyết liệt ở các tỉnh biên giới phía bắc của nước ta.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, bọn cầm quyền phản động Bắc Kinh đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn chống nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Từ những ngày đầu, quân và dân ta ở các tỉnh biên giới, từ Lai Châu, Hoàng Liên Sơn, đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh đã nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, chiến đấu cực kỳ anh dũng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc, gây cho quân giặc những tổn thất nặng nề.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta từ Bắc chí Nam, ức triệu người như một, nhất tề đứng lên, chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Cả nước ta đang hướng về tiền tuyến phía bắc, sôi sục căm thù, tăng cường sẵn sàng chiến đấu, ra sức lao động quên mình, quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Trung Quốc xâm lược.
Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã công bố lệnh tổng động viên trong cả nước, để bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: chủ trương quân sự hóa toàn dân, vũ trang toàn dân đang được khẩn trương thực hiện để đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của bọn bành trướng và bá quyền Trung Quốc.
Và kết thúc bài bằng đoạn:
Cả nước lên đường ra trận.
Giương cao ngọn cờ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh đứng đầu là đồng chí Lê Duẩn kính mến, với quyết tâm cao, với niềm tin lớn, quân và dân ta kiên quyết tiến lên, đánh thắng cuộc chiến tranh phi nghĩa của giặc Trung Quốc xâm lược, đưa sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam đến toàn thắng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Bọn phản động Trung Quốc xâm lược nhất định sẽ thất bại !
Nhân dân Việt Nam nhất định thắng lợi !
Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa muôn năm !
Phần đầu mở bài thể hiện sự uy dũng của Thánh Gióng. Phần cuối kết bài cũng thể hiện sự uy vũ đó, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự bao dung, vị tha, bác ái của Trần Hưng Đạo.
Một số giai thoại “thâm cung bí sử” cho biết lúc đó Đại tướng Võ Nguyên Giáp và TBT Lê Duẩn đang có nhiều bất đồng chính kiến, có nhiều khác biệt và mâu thuẫn không nhỏ. Song khi giặc đến nhà thì gạt sang hết qua một bên.
Đọc tới đoạn cuối bài viết đó tôi liên tưởng ngay tới giai thoại thời Trần, khi lúc đó Trần Hưng Đạo và Trần Quang Khải đang có mâu thuẫn lớn, hai người bằng mặt không bằng lòng. Nhưng đến khi giặc Nguyên Mông đến cửa thì lập tức gạt hết mọi ân oán sang bên. Đức Thánh Trần đã mời Trần Quang Khải đến tắm chung để giảng hòa.
Xưa và nay, dù trong nội bộ chính trị có bất hòa gì đi nữa thì khi có giặc đều lập tức thuận hòa, gạt bỏ việc riêng, gác lại mọi vấn đề cá nhân, hiềm khích, để bắt tay nhau chống ngoại địch, bảo vệ sơn hà.
Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc
Sự “nói 1 đàng làm 1 nẻo” và tiền hậu bất nhất, thiếu nhất quán trong các tuyên bố và hành động của Đặng Tiểu Bình và chính phủ Trung Quốc khi đó đã cho thấy họ không chỉ có một mục tiêu duy nhất, mà họ có những mục tiêu không giống nhau, có mục tiêu ưu tiên, có mục tiêu dự phòng. Những mục tiêu thật sự của Trung Quốc trong cuộc chiến này có lẽ phải chờ rất lâu để có thể được giải mật. Còn hiện tại căn cứ trên nhiều tài liệu Việt Nam và nước ngoài, qua phân tích, theo nhận xét riêng thì tựu trung mục tiêu của Trung Quốc là như sau:
Thượng sách – Xâm chiếm thủ đô Hà Nội và miền Bắc Việt Nam. Biến miền Bắc VN thành một thuộc địa kiểu mới, chia cắt lâu dài Việt Nam. Vì mục tiêu cao nhất này nên quân Tàu đã tìm đủ cách để kéo tới Hà Nội nhưng bất lực bởi không vượt qua được các hàng phòng thủ của VN và thủ đô Hà Nội được bảo vệ bởi Quân đoàn 1. Trước đó Quân đoàn 1 đã xây dựng một phòng tuyến, bao gồm nhiều hàng rào phòng ngự dày đặc đóng quanh bảo vệ thủ đô Hà Nội, ngăn giặc tiến sâu vào vùng trung châu. Phòng tuyến này kiên cố hơn phòng tuyến Như Nguyệt của nhà Lý trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược.
Trước cuộc Nam xâm, tướng Dương Đắc Chí, một trong hai tướng chỉ huy của Tàu, đã ngạo mạn nói với thuộc cấp và binh lính đại ý: Chúng ta sẽ ăn Phở Việt Nam ở Hà Nội! Và nếu thích thì chúng ta cũng thừa khả năng tiến thẳng đến Hà Nội buổi sáng, đến Huế buổi trưa, và Thành phố Hồ Chí Minh buổi chiều.
Để chuẩn bị cho kế hoạch đó, Trung Quốc đã thủ sẵn quân bài Hoàng Văn Hoan và đồng bọn, đến lúc chín muồi sẽ đưa Hoan về làm “thủ lĩnh anh minh” và thiết lập ngụy quyền, bắt lính, từng bước xây dựng ngụy quân. Thành lập “quốc gia”, sau đó thỏa thuận cho các đồng minh, đàn em công nhận sự chính danh của “quốc gia” đó và thiết lập ngoại giao với “quốc gia” đó.
Nói chung, đây là mục tiêu nằm trong phần kế hoạch bành trướng xuống Nam của chủ nghĩa bá quyền đại dân tộc, là một phần trong âm mưu Nam xâm, cướp nước, lấy miền Bắc VN làm bàn đạp để từng bước thôn tính khu vực Đông Dương và Đông Nam Á, hay ít nhất là khống chế khu vực này để cướp tài nguyên và trục lợi. Nối tiếp chuỗi dài “truyền thống” chủ nghĩa nước lớn, chủ nghĩa Đại Hán của phong kiến Trung Hoa.
Mục tiêu này ngay từ những ngày đầu chiến cuộc đã tỏ ra khó khả thi. Sau này thực tiễn chiến trường cũng cho thấy Trung Quốc ngay cả một tia hy vọng nhỏ đến được thủ đô Hà Nội cũng không có. Mục tiêu này do đó đã phá sản ngay từ thời gian đầu.
Trung sách – Xâm lấn đất đai lãnh thổ. Lấn chiếm vùng biên giới Việt – Hoa, đặc biệt là các thị xã then chốt bao gồm Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai. Vùng chiếm đóng dự kiến với bề sâu chừng vài chục km sẽ được Trung Quốc sử dụng làm bàn đạp cho các cuộc tấn công vào sâu nội địa Việt Nam. Trước là chiếm lợi về đất đai, tài nguyên. Sau là tạo tiền đề thuận lợi cho việc xâm lược lâu dài.
Kế này nhằm làm tiêu hao lực lượng chủ lực và làm suy yếu khả năng phòng ngự của Việt Nam, xóa sổ các đồn biên phòng và một phần lực lượng vũ trang địa phương và các đơn vị vũ trang khác của Việt Nam.
Hạ sách – Cướp bóc, phá hoại, hủy diệt! Gây tổn thương nguyên khí và sinh lực Việt Nam, gây sốc cho tinh thần Việt Nam. Gây sức ép, áp lực Việt Nam phải bỏ dở kế hoạch tiêu diệt Pol Pot và Khmer Đỏ, tái thiết nước bạn Campuchia. Ép Việt Nam phải thay đổi chính sách đối ngoại với Trung Quốc, Liên Xô, Khmer Đỏ và chính sách đối nội với các tầng lớp tư sản mại bản Hoa kiều. Hủy hoại cơ sở hạ tầng và nền kinh tế để đưa nền kinh tế Việt Nam tới chỗ kiệt quệ, sụp đổ. Tạo tiền đề đưa chế độ tới chỗ suy vong, sụp đổ, tìm cơ hội đưa tay sai bù nhìn Hoàng Văn Hoan về nước làm “thủ lĩnh anh minh”.
Tất cả các thông tin về cuộc chiến này đều cho thấy: Cuối cùng Trung Quốc không đạt được điều nào trong 3 “sách” trên, trái lại bị thương vong quá nhiều phải chạy dài về nước. Họ không đến được Hà Nội, không có cơ hội nào đem Hoàng Văn Hoan về Việt Nam. Họ không thiết lập được một bàn đạp nào để xâm lược lâu dài, vài chục km đất địch cố giữ đều bị ta lần lượt giành lại trong các trận chiến sau này. Họ không tiêu diệt được sư đoàn nào hay lực lượng lớn nào của VN. Họ không buộc nổi VN từ bỏ nghĩa vụ ở Campuchia. Họ không ép buộc nổi VN thay đổi 1 chính sách nhỏ nhoi nào.
Những ngọn lửa hòa bình giữa Bắc Kinh
Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc chưa đủ bề dày thời gian như cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ (1 tháng so với 21 năm), do đó nó chưa tích tụ đủ sự phẫn nộ để hình thành một cuộc chiến như cuộc chiến trong lòng nước Mỹ.
Nhưng từ khi thế lực cuồng chiến Trung Nam Hải tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược vào quốc gia mà trước đó họ còn gọi là “huynh đệ”, “đồng chí”, “đồng minh”, tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh đã tự vạch mặt là kẻ thù nguy hiểm của Việt Nam, Đông Dương và Đông Nam Á, là đối lập với các giá trị độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, và của hòa bình, ổn định trong khu vực. Đồng thời họ bỗng dưng trở nên lạ lẫm, khác thường đối với chính nhân dân Trung Quốc, đặc biệt là các bộ phận quý trọng hòa bình, tôn trọng công lý trong nhân dân Trung Hoa.
Người dân Trung Quốc sẽ nghĩ gì, tin gì, khi chỉ 10 năm trước đó (1969), thống soái Mao Trạch Đông của họ đã gởi 2 câu đối miêu tả chủ tịch Hồ Chí Minh:
“Chí khí tráng sơn hà, kim cổ anh hùng duy hữu nhất
Minh tinh quang nhật nguyệt, Á Âu hào kiệt thị vô song”
(“Chí khí trải núi sông, anh hùng xưa nay chỉ có một
Sao sáng chiếu mặt trời và mặt trăng, hào kiệt Á – Âu không có hai”)
Rồi bây giờ Đặng Tiểu Bình lại làm chuyện này? Người dân TQ sẽ nghĩ gì, tin gì, khi trong thời chống Pháp, Mao Trạch Đông gởi đoàn chuyên gia Trung Quốc sang giúp Việt Nam chống thực dân Pháp đã dặn đoàn: “Tổ tiên chúng ta trước đây đã làm một số việc không phải với nhân dân Việt Nam, các anh sang giúp nước bạn lần này là để trả nợ cho cha ông.” Trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau khi Việt Nam thắng Pháp, Thủ tướng Chu Ân Lai đã tới dâng hương tại đền thờ Hai Bà Trưng.
Vậy mà, bỗng dưng đùng một cái, Đặng Tiểu Bình và Trung Quốc trở mặt nhanh chưa từng thấy. Báo chí nhà nước Trung Quốc và cả Đặng Tiểu Bình đùng đùng chửi bới Việt Nam. Chưa ai kịp định thần để hiểu đầu cua tai nheo gì thì họ đã đưa quân tổng tấn công Việt Nam. Một sự phản phé, trở mặt nhanh không thể nào ngờ. Trong lịch sử đối ngoại, ngoại giao thế giới, có lẽ chưa có chính phủ nào tráo trở, bội phản nhanh chớp nhoáng đến mức độ đó. Hoàn toàn trở mặt, quay ngược 180 độ, từ minh hữu thành cừu địch chỉ trong tích tắc.
Sự thay đổi quá nhanh và quá bất ngờ, không cho thời gian để dân chúng chuẩn bị tâm lý đó đã tạo ra phản ứng trái chiều. Và cũng ngay từ lúc tập đoàn bành trướng bá quyền trong giới cầm quyền Trung Nam Hải vừa mới phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thì ngay ở thủ đô Bắc Kinh đã dấy lên một cao trào phản chiến mạnh mẽ. Do cuộc chiến ngắn nên phong trào phản chiến của nhân dân Trung Quốc chưa đủ thời gian để chín muồi và phát triển lớn mạnh, sâu rộng như phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ trước đây, nhưng nó cũng đủ làm cho bọn cuồng chiến bá quyền ở Bắc Kinh và Đặng Tiểu Bình phải chột dạ.
Thời đó, một loạt những tên ký dưới các truyền đơn và báo tường được người dân Bắc Kinh dán dày đặc trên khắp đường phố, người ta cũng đủ thấy trong lòng của thủ đô Trung Quốc đang tiềm ẩn mầm mống chống chiến tranh không hề nhỏ. Nguy cơ nổ ra biểu tình, bạo loạn, bất ổn đường phố, là có.
Nhiều tổ chức, hội kín hoạt động như: Đồng minh công nhân trẻ đấu tranh cho dân chủ và phồn vinh, Phản đế Liên hiệp hội, Giác Ngộ hội, Ủy ban hoạt động cho công lý, Liên minh nhân dân đấu tranh cho chân lý…. họ đều lên tiếng phản đối chiến tranh, và một loạt tập san phát hành bí mật như: Giác ngộ, Đấu tranh, Thức tỉnh, Chân lý, Diễn đàn nhân dân…. được lưu hành ở nhiều nơi, liên tục vạch mặt chính sách diều hâu cuồng chiến của Trung Nam Hải.
Có nhiều tờ truyền đơn đã lên án bọn cuồng chiến ở Trung Quốc bằng những lời lẽ đanh thép. Tờ truyền đơn của tổ chức Công nhân trẻ Đồng minh dán trên tường đã nghiêm khắc lên án:
“Hỡi bọn phản bội ở Trung Nam Hải! Nhân dân Trung Quốc không tin những lời giả dối của các ngươi nữa. Các người xúi giục nhân dân Trung Quốc để chống lại những người anh em Việt Nam, mưu đồ đó sẽ không bao giờ thành công. Tất cả những người Trung Quốc thật sự yêu nước sẽ hô to khẩu hiệu “Không được đụng đến Việt Nam” như trong thời kỳ đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam”.
Tờ truyền đơn của Phản đế Liên Hiệp hội kêu gọi:
“Hỡi đồng bào! Hỡi những người Trung Quốc chân chính!
Bọn hắc bang đã xé toang mặt nạ của chúng. Sự tán tụng và xúi giục của chủ nghĩa đế quốc Mỹ đã làm cho đầu óc chúng mê nuội. Chúng đã đưa quân tiến đánh Việt Nam. Ngày 17 tháng 2 năm 1979 là ngày sỉ nhục mà những người lao động Trung Quốc vĩnh viễn không bao giờ quên! Phải thanh toán con quỷ khát máu Đặng Tiểu Bình đã đẩy nước ta vào một cuộc chiến tranh tàn sát giữa những người anh em với nhau. Trong ngày đó, Đặng chẳng những đã giương lên ngọn cờ đen gây chiến tranh xâm lược chống nước láng giềng Việt Nam mà còn giương cả ngọn cờ đen nội chiến chống lại nhân dân Trung Quốc. Đả đảo bọn hắc bang Đặng Tiểu Bình, những tên đại lý của chủ nghĩa đế quốc đã bán rẻ linh hồn cho đế quốc Mỹ!”.
Trong những ngày Trung Hoa kéo quân đi xâm lăng Việt Nam, nhiều tổ chức chống chiến tranh xâm lược và nhiều tầng lớp nhân dân Trung Quốc phẫn nộ lên án tội ác bọn cuồng chiến Trung Nam Hải rất sôi nổi và rộng khắp tới mức chính quyền Bắc Kinh đã phải mặt dày ra lệnh cấm viết báo chữ to và cấm phát biểu ý kiến về cuộc chiến. Họ càng phơi bày bộ mặt thật và sự lúng túng, bị động của mình.
Nhân dân Trung Quốc không phải là xấu, nhiều bộ phận dân Trung Quốc quả thật có thiện cảm, có cảm tình, và gắn bó mật thiết với Việt Nam, thật sự xem Việt Nam là bằng hữu, thậm chí còn là thân hữu, huynh đệ. Năm 1977, nhà máy dệt Vĩnh Phúc do Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam, sau một hồi chạy thử vẫn không hiện đúng màu nhuộm cần thiết, một kỹ sư Trung Quốc đã bí mật cung cấp cho VN bí quyết. Sau đó sự việc bị lộ, bọn phản động bá quyền đã tra tấn người kỹ sư đó tới chết. Khi đoàn chuyên gia Trung Quốc thi công cầu Thăng Long bị cấp trên của họ tráo trở điều về nước, một số đồng chí đã để lại nhiều bản vẽ, tài liệu kỹ thuật về chiếc cầu này cho Việt Nam.
Do đó xưa nay Việt Nam luôn xác định chống bọn phản động bành trướng bá quyền Bắc Kinh chứ không chống toàn Trung Quốc hay nhân dân Trung Quốc. Chống thực dân Pháp chứ không chống cả nước Pháp hay nhân dân Pháp. Chống phát xít Nhật chứ không chống cả nước Nhật hay nhân dân Nhật. Chống đế quốc Mỹ (chủ nghĩa đế quốc của Mỹ) chứ không chống cả nước Mỹ hay nhân dân Mỹ. Những thành phần chống Việt, hiếu chiến, cực đoan, lái buôn chiến tranh, theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, quá khích, diều hâu, có những chủ trương đường lối, quan điểm, lợi ích trái ngược với nguyên tắc độc lập tự do và lợi ích của ta thì những kẻ đó mới chính là đối tượng đấu tranh. Còn nhân dân là vô tội, vô can. Như Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn xác định lâu nay: Việt Nam mong muốn làm bạn, làm đối tác tốt của tất cả các dân tộc, nhân dân trên thế giới. Hiến pháp và luật pháp VN cũng không cho phép sự kỳ thị, phân biệt chủng tộc.
Không được đụng đến Việt Nam!
Trong thời đại Hồ Chí Minh, quân đội của Việt Nam được xem là một trong những đội quân tinh nhuệ, thiện chiến hàng đầu thế giới, với tư cách là một quân đội đã chiến thắng đội quân vô địch Hoa Kỳ. Hình ảnh của quân đội Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh luôn là một đội quân chân trần – chí thép, đối với dân luôn khoan hòa, lễ phép, còn đối với giặc thì “đạp lên đầu thù, dẫm lên cờ địch” mà từng bước đi qua xác quân giặc. Câu “Đường vinh quang xây xác quân thù” trong quốc ca Việt Nam đã nói lên phần nào ý nghĩa đó.
Một đội quân mà dù dính bao nhiêu vết thương trên mình thì vẫn đánh đâu thắng đó, dù thua trận chiến nhưng vẫn sẽ thắng cuộc chiến. Người đầy thương tích, vũ khí lạc hậu cũ kỹ thô sơ nhưng đánh thắng hết giặc này đến giặc khác. Bọn giặc nào phải kẻ tầm thường, họ là 3 trong 5 siêu cường thuộc Hội đồng bảo an của Liên hiệp quốc (Pháp, Mỹ, CHND Trung Hoa). Trong quân sử Việt Nam và thế giới, khó kiếm một đội quân nào anh hùng hơn, chưa thấy một đội quân nào đánh bại nhiều giặc hơn, đánh bại những loại giặc mạnh hơn.
Một quân đội anh hùng như vậy, với một tư cách như vậy, với một “thương hiệu” như vậy thì sẽ làm gì khi có quân giặc dám xâm lược Việt Nam? Những tên giặc ở quá xa như Pháp, Mỹ thì Việt Nam không thể phản công trả đũa vào nhà họ để tiêu diệt hậu cần và nguồn gốc xâm lược. Việt Nam chỉ có thể giáng cho họ những tổn thất, thương vong tột cùng, gieo rắc vào đầu họ những hội chứng, ám ảnh không thể nào quên, trở thành những vết thương không bao giờ lành. Số lượng quân nhân Mỹ bị mắc bệnh tâm thần trong và sau thời gian chiến đấu ở Việt Nam là nhiều nhất trong tất cả các cuộc chiến mà quân đội nước này tham gia trong lịch sử.
Biểu tính chống Trung Quốc xâm lược Việt Nam năm 1979 tại Đức |
Lần đầu tiên, vào năm 1988, chính phủ Mỹ buộc phải thừa nhận có khoảng 50.000, tức là 15% trong số lính Mỹ chiến đấu tại Việt Nam trở về vẫn còn bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Cựu binh Jim Doyle và David Curry chỉ là 2 trong số gần 60 vạn quân Mỹ bị chính phủ họ đẩy vào vũng lầy Việt Nam. Jim Doyle đã bị đẩy tới chiến trường Việt Nam khi mới 18 tuổi, mặc dù may mắn sống sót trở về, nhưng đến giờ người cựu binh này vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh: “Chiến tranh là địa ngục. Nó tác động ghê gớm đến con người như một vết thương không thể hàn gắn” và “Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, chiến tranh không chỉ lấy cắp thời thanh niên của tôi mà còn đeo đuổi, ám ảnh suốt cuộc đời tôi”. Các nhà xã hội học Mỹ cũng xác nhận: Kể từ sau năm 1975 đến nay, năm nào cũng có những cựu binh Mỹ đã từng chiến đấu ở Việt Nam bị tinh thần bất ổn, trầm cảm rồi tự tử bằng những cách thức ghê rợn.
Khi Khmer Đỏ, đàn em được Trung Quốc chống lưng và chỉ đạo, xâm lược biên giới Việt Nam thì Quân đội Nhân dân Việt Nam đã phản công trả đũa vào tận thủ đô của địch và bứng đi nguồn gốc tội ác, mầm mống xâm lược.
Huyện Hà Khẩu thuộc tỉnh Vân Nam, TQ. Nhìn từ phía Việt Nam. |
Cuối tháng 2 năm 1979, QĐNDVN đã tiếp nối chiến công Bắc phạt của Lý Thường Kiệt và những tấm gương phản công trả đũa và tiêu diệt những căn cứ nội địa mà giặc xâm lược dùng để tấn công nước ta trong cuộc tổng phản công biên giới Tây Nam chống Pol Pot. Quân ta đã đồng loạt phản công mạnh mẽ vào đất Bắc.
Trước khi quân đội Trung Quốc tấn công Việt Nam thì huyện Ninh Minh (tỉnh Quảng Tây, giáp tỉnh Lạng Sơn của VN), huyện Ma Lật Pha (tỉnh Vân Nam, giáp tỉnh Hà Giang của VN), huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, giáp tỉnh Lào Cai của VN), huyện Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, giáp tỉnh Quảng Ninh của VN), thị xã Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, giáp tỉnh Lạng Sơn của VN) được địch dùng làm căn cứ hậu cần, dự trữ lương thực, nhưng trong những ngày cuối tháng 2 năm ấy những căn cứ hậu cần, những kho chứa lương thực của Trung Quốc đã bị Quân đội Nhân dân Việt Nam phản đòn tràn sang đánh thẳng vào các nơi ấy và phá hủy san bằng.
Đặc biệt huyện Ninh Minh (宁明县) và huyện Ma Lật Pha (Malipo – 麻栗坡县) là 2 nơi bị quân ta phản kích vào dữ dội nhất. Thông tin này còn được ghi nhận trong tài liệu “China’s War With Vietnam, 1979: Issues, Decisions, and Implications” (Hoover Press xuất bản năm 1987) của giáo sư chính trị học Mỹ King C. Chen, chuyên môn về chính trị châu Á.
Thị xã Bằng Tường thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, giáp tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam |
Đó chỉ là lần thứ hai trong chiến sử Việt Nam mà một quân đội người Việt đánh vào lãnh thổ chính thức của Trung Quốc. Lần thứ nhất là cuộc “tấn công để phòng thủ” của Lý Thường Kiệt. Danh tướng Lý Thường Kiệt và Tôn Đản tấn công trước vào đất Tống là để tiêu diệt kho hậu cần, lương thảo mà giặc Tống chuẩn bị để tiến đánh Đại Việt.
Quân đội Nhân dân Việt Nam trả đòn, phản công vào lãnh thổ Trung Quốc cũng với mục tiêu đó, đồng thời còn là để trả đũa và răn đe. Sự phản công vào Ninh Minh, Ma Lật Pha, Hà Khẩu, Đông Hưng, Bằng Tường của quân đội Việt Nam cuối tháng 2 đã góp phần không nhỏ vào quyết định lui quân toàn bộ của Trung Quốc vào ngày 5/3/1979. Mở đường cho một loạt tập kích 13 ngày đêm, đẩy lui hơn 50 vạn đại quân Trung Quốc về nước vào ngày 18/3/1979.
Thiếu Long Texas
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍
hay quá
bài viết mang đậm tính chất anh hùng và lòng yêu nước
Vậy thì lấy ngày 18/3 làm ngày chiến thắng kẻ thù,giống 30/4 vậy.
Xin lưu ý:
Hôm nay mình tình cờ thấy 1 bài báo Tuổi trẻ của nhà báo Thu Hà phỏng vấn Ts. Nguyễn Mạnh Hà về cuộc kháng chiến đánh trả Trung Quốc năm 1979. Bài viết dẫn lại lời ông Nguyễn Mạnh Hà rằng chiến tranh biên giới chính thức kết thúc vào ngày 5/3 rồi nhà báo Thu Hà ghi chú lại ở trên như là một sự thật khách quan đã được đồng thuận. Đây là một sai sót nghiêm trọng.
Sau ngày 5/3 chiến sự vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi. Nhiều chiến sĩ và thường dân của Việt Nam đã hy sinh sau ngày 5, và đến ngày 16 mới hết chiến sự, hết các sự kiện quân sự.
Tất cả các tài liệu trong và ngòai nước đều ghi rõ cuộc chiến biên giới kết thúc vào ngày 16 hoặc ngày 18, không có bất cứ 1 tài liệu nào bảo rằng cuộc chiến kết thúc vào ngày 5.
Sở dĩ có sự bất đồng về ngày 16 và ngày 18 là vì, theo một số học giả, tài liệu (nhất là của phương Tây) thời điểm kết thúc cuộc chiến là thời điểm hòan tòan không còn xung đột, không còn đổ máu, không còn tiếng súng, nói chung là không còn các động thái và sự kiện quân sự, không còn hành động bắn nhau trong cuộc chiến này. Và người lính Tàu đầu tiên bước chân qua biên giới trở về. Từ đó họ cho rằng ngày kết thúc cuộc chiến là ngày 16/3. Điều này thể hiện trong nhiều trang Wikipedia các ngôn ngữ khác nhau.
Còn ngày 18 là ngày có sự đồng thuận, nhất trí, nhất quán, thống nhất cao trong hầu hết các tài liệu quân sử, lịch sử chính thống của Việt Nam từ năm 1979 đến nay. Vì ngày 18 là ngày mà người lính cuối cùng của TQ rút khỏi, về nước.
Ví dụ sách giáo khoa Lịch sử lớp 12 của Bộ Giáo dục Đào tạo (NXB Giáo dục Việt Nam) hay các sách chính thống mới nhất như Tiến trình lịch sử Việt Nam do NXB Giáo Dục xuất bản năm 2006, đều ghi rõ ngày này.
Không 1 ai, không 1 nguồn nào, dù trong hay ngòai nước, tài liệu Ta Tây Tàu Mỹ bảo rằng cuộc chiến kết thúc chính thức vào ngày 5/3. Đó chỉ là ngày Trung Quốc đơn phương bắt đầu rục rịch lui quân và chiến sự vẫn tiếp tục rộng khắp ở nhiều nơi.
Do đó nên xác định lại cho đúng. Cuộc chiến biên giới phía Bắc là cuộc chiến kéo dài từ ngày 17/2/1979 đến ngày 18/3/1979.
Cám ơn chị.Bài này do Thiếu Long, một bạn trẻ ở Mỹ viết đó chị. Bạn ấy đúng là "nhà nghiên cứu lịch sử nghiệp dư" đấy. 🙂
Bài viết của em rất lý thú.Chắc em đã tốn khá nhiều công tìm tòi tài liệu để biên soạn bài này.Chị thấy rất vui và tự hào khi thấy lớp trẻ hiện nay biết yêu quý,trân trọng lich sử nước nhà,biết yêu quê hương đất nước.:))(h)