Tháng 8 năm 1945, Nhật đầu hàng Đồng minh. Cách Mạng Tháng Tám thành công. Quân Tàu Tưởng được lệnh kéo vào giải giáp quân Nhật.

Lư Hán cho các cánh quân tiến vào Việt Nam.

Quân đoàn 52 Tưởng, do thiếu tướng Mã Vi Nhàn chỉ huy kéo vào Đồng Văn.
Cắm Sìn được lệnh trao vũ khí cho quân Tưởng, trở nên bơ vơ, không nơi nương tựa.
Hoàng mừng lắm, đây là dịp trả thù tên tình địch nguy hiểm. Mới đầu, hắn định cho Sùng
Vạn Lù trói Sìn lại, tùng xẻo hoặc để hổ xé trước bàn dân thiên hạ cho hả giận. Nhưng sợ Mỹ Thuận đau đớn, uất ức quá điên loạn, nổi khùng lên bênh Sìn trước mặt dân chúng thì thanh danh sẽ bị bôi nhọ, Hoàng liền cho Vạn Lù phục kích ở một hẻm núi, chờ khi Sìn rút qua thì hạ thủ.

Sìn biết trước ý đồ Hoàng, đang đêm, bí mật trốn thoát.

Trốn khỏi Sà Phìn rồi, hắn không biết đi đâu. Sang Mèo Vạc làm dưới trướng của Dương thì không được rồi. Bây giờ mình đang thất thế, Dương thiết gì đến mình. Mình lại là quân sư của Hoàng, Dương thù, nhân cơ hội giết thì uổng mạng.

Về Nhật ư? Mang danh là võ sĩ đạo, một sĩ quan tình báo “Hắc Long”, giờ về với tư cách một tên thất trận ư? Các sĩ quan khác tự tử để tỏ lòng trung thành với Nhật hoàng, mình về mang tiếng là hèn nhát ư? Mà nước mình giờ là nước thất trận, một sĩ quan như mình về còn có việc làm và uy quyền gì nữa?…

Các ngả đường công danh hầu như đã đóng trước mặt hắn. Cái tên Kim Tiền giờ thành mỉa mai. Hắn cảm thấy cô độc. Chỉ còn biết phó mặc số mệnh. Chà, tất cả những tên đi xâm lược, sống ở mảnh đất xa lạ, không phải tổ quốc mình, đều phải chịu cảnh lên voi xuống chó, không lối thoát như thế cả. Ta cứ đi, miễn là thoát khỏi mảnh đất hoang dại, man dợ này. Biết đâu lại một bước đường mới đến với ta? Nghĩ thế, hắn lên đường về hướng Cao Bằng…

Buổi sáng khi ngồi dậy, Thuận trang điểm kỹ càng, cố dùng phấn son xóa đi nét buồn bã, bơ phờ còn in lại trên mặt, để chạy đi tiễn chân người tình. Trang điểm xong, Thuận dắt ngựa ra chỗ hẹn, nhưng chờ mãi chẳng thấy Cắm Sìn đâu. Một lúc sau, Sùng Vạn Lù đến báo cho biết Cắm Sìn đã trốn đi mất rồi. Thuận rũ xuống như tàu lá héo, khóc sướt mướt, không hề ngượng với Lù. Thế là thị mất đi người tình nhân dũng mãnh, oai vệ.

Mã Vi Nhàn kéo quân vào Phó Bảng, Sà Phìn.

Mặc dù biết quân Tàu trắng là kẻ thù, vừa mới giúp Dương đánh mình, Hoàng cố nén hiềm thù, đưa quân ra nghênh đón trọng thể. 21 phát súng lớn được bắn lên rung chuyển khu rừng núi yên tĩnh, chào đón “quân đội Đại quốc anh em vào giải phóng cho Đồng Văn khỏi ách phát xít, đem lại ấm no và hạnh phúc cho dân nước nhược tiểu này”. Hoàng lập đàn làm lễ tuyên dương công trạng quân Đại quốc, hết lời ca ngợi “tình hữu nghị thân thiết như anh em giữa Đại quốc và Đồng Văn”.

Mã Vi Nhàn thay mặt chính phủ Tưởng, phong Hoàng chức “Hành chính chủ nhiệm” kiêm chức “Hà Giang dốc biện biên khu xứ sư trưởng”, cai quản đất Đồng Văn.

Nhàn còn cử Trương Kỳ Minh thay Cắm Sìn làm tham mưu cho Hoàng, thường được gọi là Trương tham mưu; Vàng Y Quán làm bác sĩ quân y coi sóc sức khỏe cho tướng lĩnh quân đội Mèo.

Trong khi ở Sà Phìn, Hoàng đón tiếp linh đình, hết lời ca ngợi quân đội anh em xuống cứu giúp Đồng Văn, thì các đoàn quân Tàu ô kéo vào các phố, các bản, càn quét, cướp phá, bắn giết dân chúng không gớm tay. Chúng ào vào các chợ cướp ngô, gạo, bánh trái ăn như ma đói. Chúng mò vào các bản bắt lợn, gà.

Dân chúng không chịu nổi, tự động tổ chức những đội du kích, dùng súng kíp, gậy gộc đánh trả.

Cả Đồng Văn trong tình trạng hỗn loạn. Tiếng súng bắn phá của quân Tàu cùng tiếng súng đánh trả của du kích các nơi nổ liên hồi ngày đêm.

Lính Hoàng theo lệnh bọn chỉ huy không dám động chạm đến quân Tàu, mặc chúng hoành hành.

Sau hiệp định sơ bộ ký kết giữa Chính phủ ta và Pháp, quân Tưởng phải rút.

Mã Vi Nhàn kéo đến rồi rút đi như một cơn gió độc. Trương Kỳ Minh và Vàng Y Quán ở lại giúp Hoàng.

Cách mạng sôi sục khắp nước, nhưng Đồng Văn vẫn như hòn đảo yên tĩnh, xa lạ.

Mãi cho đến một hôm, Hoàng, mụ Síu, Mỹ Thuận đang xoa mà chược trên chiếc bàn tròn thì Thào Sè Na chạy vào báo:

– Thưa Lão quan, ông Lý Ban, đại diện của Chính phủ Việt Nam cần gặp lão quan!

Hoàng quay sang mụ Síu hỏi:

– Thưa bà, bà thấy có nên tiếp ông ta không?

Mụ Síu thu dọn bàn mà chược, vội nói:

– Đây là chuyện đại sự, phải bàn cẩn thận.

Hoàng vời thêm một số tên thân tín cùng Síu, Thuận bàn bạc.

Sau khi nghe Hầu Vạn Quả trình bày về tình hình Việt Nam, mụ Síu cao giọng nói:

– Tôi nghe nói, Chính phủ nước Nam bây giờ có nhiều thanh thế lắm. Họ đã giành được độc lập, lật đổ triều đình của vua Bảo Đại, lập chính phủ mới do Cụ Hồ làm Chủ tịch. Cụ Hồ thì cả thế giới đều biết. Cụ chèo chống thế nào mà Pháp thua, Nhật đổ, quân Tưởng phải rút, dân lên nắm chính quyền. Ngay ở Hà Giang, phía cách mạng cũng đang tràn đi như nước lũ. Mình mà không thức thời, cứ khư khư ôm mảnh đất này thì sẽ bị cách mạng nó lật nhào.

– Thế bà bảo đi theo chúng, cho phía cách mạng tức là phía dân đen lên cầm quyền à? Ta cho chúng chiếm nương, không nộp thuế, không đi phu nữa à? Thế thì còn gì? Mất hết, mất hết! Không thể được! Ta giữ đến cùng!

Mụ Síu cười vì Hoàng không hiểu hết ý mình, thủng thẳng:

– Ông chưa cạn nhẽ, trước sau, dù có phải rơi xương đổ máu mình cũng phải giữ mảnh đất, kỷ cương của mình. Ai lại cho hết bọn dân đen? Hiềm một nỗi, ta không thể đối địch được với chính phủ mới. Dầu sao Đồng Văn cũng là một mảnh đất của toàn đất nước, họ sẽ cai quản. Vì thế theo thiển kiến của già này thì bên ngoài ta vờ theo họ, họ bảo gì ta tỏ ra nghe theo, ta chỉ xin nhận tiếp tục cai quản đất Đồng Văn này dưới quyền của họ. Nhưng bên trong, ta cứ tiếp tục chính sách của ta. Ta vẫn thu thuế, vẫn bắt lính bắt phu, tổ chức quân đội riêng. Chuyện ấy ai mà biết được.

Hoàng nghe nói trúng ý mình, mừng quá, đập tay lên mặt bàn:

– Lời chỉ giáo thật cao sâu. Địa thế ta hiểm trở, đất ta xa xôi, không giao ta tự trị, quân Cộng sản lấy đâu ra người lên mà cai trị? Rồi đâu sẽ vào đấy. Đường đi là như thế, còn cách thực hành thế nào ta sẽ liệu sau.

Ông Lý Ban vào Sà Phìn, Hoàng, Síu cùng các tướng bàn bạc. Hoàng chưa hứa hẹn gì.

Mấy hôm sau, một chiếc kiệu với tám người khiêng đưa Hoàng theo con đường ngựa từ Sà Phìn, qua Cổng Trời về thị xã Hà Giang. Đi theo, một lũ lính hầu. Đứa thì chờ thay phiên khiêng kiệu, đứa thì cắp tráp thuốc phiện, mang rượu thịt,

Lúc này ở Hà Giang, phong trào cách mạng đang dâng lên ồ ạt, thế như chẻ tre. Quân cách mạng vừa giải phóng các đồn Quản Bạ, Bạch Đích. Đoàn lính khố đỏ do quan ba Nguyễn Duy Viên (người ta thường gọi là ông Ba Viên) chỉ huy, theo cách mạng, kéo quân đi bắt bọn Quốc dân đảng Hoàng Quốc Chính, Bùi Nguyên Phách, Vũ Quang Phẩm ở ngay thị xã. Bọn này hạ vũ khí đầu hàng.

Chính quyền cách mạng được thành lập. Buổi mít tinh lớn được tổ chức đón mừng Hà Giang giải phóng và Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh ra đời.

Hoàng thấy khiếp sợ trước khí thế cách mạng sôi sục, lo cho số phận của mình. Giữa lúc đó, hai chiến sĩ cách mạng hoạt động lâu năm ở Hà Giang là Mai Trung Lâm và Thanh Phong nói cho Hoàng biết tình hình cách mạng, cục diện toàn quốc, khuyên hắn theo Chính phủ cách mạng. Hắn nhận lời. Chiếc xe si-tờ-rô-en màu đen đưa Hoàng về Hà Nội.

Hà Nội càng sôi sục. Những cuộc biểu tình lớn của quần chúng chào đón đất nước độc lập, biểu dương sức mạnh vô địch ngày ngày diễn ra trước mắt Hoàng. Hắn càng thấy rõ hơn, không thể chống lại được cách mạng, có vờ theo cách mạng thì mới hòng giữ được “ngai vàng”.

Hoàng được vào phủ Chủ tịch gặp Bác.

Bác biết rằng dân Mèo còn quá lạc hậu, tôn sùng vua của họ, nghe theo Hoàng, cách mạng chưa thể phát triển ở Đồng Văn một cách dễ dàng. Muốn cách mạng ở đó thành công, trước hết phải nắm người thủ lĩnh của họ. Bác khuyên Hoàng theo Chính phủ cách mạng. Hoàng tỏ ra nghe lời Bác, xin theo cách mạng, tự đổi tên là Hồ Chí Trung. Nhưng trong bụng, Hoàng nghĩ ngay đến cách lợi dụng danh nghĩa cách mạng để bảo vệ quyền lợi của mình.

Cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta được tổ chức. Toàn dân nô nức cầm lá phiếu đầu tiên đi bầu đại biểu xứng đáng vào quốc hội. Ta muốn Hoàng có chân trong quốc hội. Nhưng nhân dân Hà Giang, Đồng Văn làm sao có thể bầu tên vua vào chính thể mới? Ta phải vận động nhân dân Hà Giang, Đồng Văn bỏ phiếu cho Hoàng, Hoàng trúng cứ thành đại biểu Quốc hội khóa 1.

Hoàng được cử làm Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Đồng Văn.

Về tới Đồng Văn, Hoàng giữ nguyên bộ máy chính quyền cũ, chỉ thay đổi cái tên cho phù hợp với tình hình mới và che đậy hành động xấu xa bên trong.

Các tổng giáp được gọi là chủ tịch xã. Các mã phài gọi là trưởng thôn.
Các tổng dõng gọi là xã đội trưởng.

Mỹ Thuận cũng muốn tham gia chính quyền, nắm chị em phụ nữ. Hoàng cử vợ làm Hội trưởng hội phụ nữ huyện.

Sùng Mí Chiu được cử phụ trách kinh tế, chuyên buôn bán thuốc phiện, muối, dầu với hãng kinh tế Bắc Hưng của ta do cụ Chắt phụ trách.

Mụ Síu vẫn là cố vấn tối cao của Hoàng. Trương Kỳ Minh vẫn là quân sư.
Về quân đội, có phiên chế mới. Hoàng thành lập tiểu đoàn Đồng Văn. Hoàng Chí Song làm tiểu đoàn trưởng. Hoàng Chí Ân làm tiểu đoàn phó. Mã Chính Minh, đại đội trưởng đại đội 1, Mã Chính Lâm đại đội trưởng đại đội 2…

Mọi chế độ thuế khóa không có gì thay đổi. Hoàng còn đặt nặng thêm. Người dân không hề được hưởng quyền lợi dân chủ nào mà còn bị bóc lột hơn trước. Hàng trăm thứ thuế: thuế nương rẫy, thuế bếp lửa, thuế sinh tử, thuế xây dựng trường học cho con em thổ ty, thuế thực phẩm…

Lợi dụng chức chủ tịch, Hoàng không cho cán bộ ta lên Đồng Văn, ráo riết ngăn chặn phong trào cách mạng.

Đồng Văn vẫn như hòn đảo xa xôi. Phong trào cách mạng bị chặn đứng không thâm nhập được vào mảnh đất hẻo lánh này.

Chẳng bao lâu, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, tiến lên phía Bắc đánh chiếm Lạng Sơn, Cao Bằng. Phía tây, chúng chiếm Lào Cai, Hoàng Xu Phì, bao vây Hà Giang. Nhưng Hà Giang vẫn là một trong những tỉnh tự do, nối liền với căn cứ cách mạng. Toàn dân dồn sức chống Pháp. Hoàng càng rảnh tay bóc lột nhân dân, củng cố lực lượng.

*

Một ngày đầu xuân 1947.

Thào Sè Na ngồi trong lô cốt, tay cầm súng, miệng ngậm vòi cao su, rít thuốc phiện. Sau một tuần thuốc, Na nằm ngả người ra chiếc đệm, lim dim mắt, sung sướng nghĩ về một điều may mắn vừa đến với hắn.

Sau khi Hoàng Đình Phủ chết, vợ Phủ là Sùng Thị Hỷ trở thành món hàng trong tay các tướng lĩnh của Hoàng. Hết tướng này đến tướng khác chuyền nhau chim chuột, tằng tịu với thị.

Người ta đồn rằng thị có mang, không biết với ai. Hoàng lo lắm. Con dâu mình hư đốn, chuyện vỡ lở ra thì thanh danh bị tổn thương. Hoàng liền bàn với bà mẹ vợ. Mụ Síu sẽ rỉ tai, hiến một kế nhỏ.

Mấy hôm sau, Thào Sè Na được gọi lên gặp Hoàng. Bị gọi đột ngột, Na vừa mừng vừa lo. Mừng là vì, biết đâu Hoàng lại chẳng ban cho chút lợi lộc gì đó. Lo vì, biết đâu sấm sét vô cớ lại đổ xuống đầu kẻ gác cổng trung thành, hèn kém này? Na cứ nghĩ xem mình có sơ xuất, để cho kẻ gian phi nào lọt vào dinh không?

Na bước vào hậu cung, hồi hộp lo lắng. Hoàng khẽ nghển cổ, vẫy Na lại gần. Giữa lúc đó, Mỹ Thuận đi vào ngồi xuống sập, nói với Na, giọng ngọt xớt:

– Lâu nay, Lão quan nghĩ nhiều về anh. Có đêm cụ không ngủ băn khoăn nghĩ đến công lao bao năm hầu hạ, bảo vệ dinh cơ này, đến lòng trung thành rất mực của anh. Giờ anh lại góa vợ, gà trống nuôi con. Cụ động lòng trắc ẩn, muốn gia ân cho anh. Có cô Hỷ nết na, đức hạnh, người mà lão quan đã chọn làm con dâu mình thì khỏi phải bàn rồi. Của hồi môn như thế nào thì khỏi phải nói rồi. Cô cũng đang kén chồng. Lão quan không muốn lọt vào tay những người bất tín. Cụ muốn gả cho anh, gọi là trả ơn anh lâu nay tận tụy với cụ đấy.

Sè Na thấy được nương bóng cây tùng, cảm động quá, ấp úng:

– Con đội ơn Lão quan và bà! Nhưng…

Mỹ Thuận tưởng Na biết chuyện chửa hoang của thị Hỷ, chột dạ, nói ngay:

– Cưới xong, Lão quan sẽ phong anh lên chức trung đội trưởng, để có chức, có quyền, xứng đáng với con dâu cụ! Anh nên ngẫm kỹ, đây là dịp may hiếm có, công thành danh toại mà gia thất cũng yên bề.

Sè Na run run:

– Con đội ơn…

Lễ cưới được tổ chức ngay. Tuy rằng “rổ rá cạp lại”, nhưng Hoàng muốn tỏ ra có tình có nghĩa với con dâu, cho làm lễ cưới khá lớn. Na lên chức trung đội trưởng, từ đó càng tận tụy với người ân nhân của mình…

Sè Na vừa kéo vòi cao su khỏi miệng chợt thấy từ xa một người đi lại cổng dinh. Khi gần đến nơi, Na nhận ra là Cắm Sìn. Sìn ăn mặc khác hẳn. Trên người hắn không còn bộ quần áo sĩ quan Nhật trước kia. Thanh kiếm dài quét đất cũng bay đâu mất. Khẩu súng “Chiêu hòa” không còn trễ bên hông. Hắn mặc thường phục: áo sơ mi trắng, quần âu ka-ki, đội mũ cát và đi giầy vải trắng.

Cắm Sìn đến cổng lễ phép chào Thào Sè Na, xin được yết kiến Hoàng. Thào Sè Na vội vã vào báo.

Hoàng, Mỹ Thuận và mụ Síu đang xoa mà chược, nghe Na báo Cắm Sìn đến, sững người ngạc nhiên. Hoàng nhìn mụ Síu:

– Lạ thật, quân Nhật đã rút khỏi nước Nam mà tên này còn về đây nhỉ? Hay là hắn đào ngũ trốn về đây? Nếu thế thì khử hắn đi!

Mụ Síu vội can:

– Hiện nay Pháp đã trở lại Việt Nam. Cắm Sìn lên đây chắc có việc quan trọng. Ta không nên hấp tấp, cứ cho hắn gặp và hỏi han hắn ngọn ngành xem sao?

Mỹ Thuận cũng xin để Sìn gặp. Hoàng lệnh cho Na mở cổng dẫn Sìn vào. Cắm Sìn mừng rỡ bước vào dinh.
Sau khi chào hỏi mọi người một lượt, Sìn trình bày:

– Hiện nay người Pháp đã đánh chiếm hết cả Việt Nam, chỉ còn có Hà Giang là chưa chiếm thôi. Tôi đã được người Pháp trọng dụng. Tôi làm việc ở Phòng Nhì quân đội Pháp!

Cắm Sìn dừng lại, lấy dao rạch lượt áo, rút ra giấy chứng nhận và giới thiệu của Phòng Nhì Pháp gửi Hoàng, rồi tiếp:

– Tướng Sa-lăng cử tôi lên đây liên lạc với ngài. Quân đội Pháp sẽ cộng tác với ngài giải phóng Đồng Văn khỏi sự bao vây của Cộng sản!

Hoàng gật gù:

– Thế thì hay quá! Ta vẫn mong đợi ngày đêm!

Cắm Sìn hăng hái hẳn lên:

– Chẳng bao lâu nữa, quân đội Pháp sẽ lên đến đây. Tôi cũng xin nói để ngài biết rằng, Pháp có cử Sần Hỏi lên giúp Dương. Nếu ngài chần chừ, họ Dương có thể nhờ sức mạnh của Pháp, tiêu diệt ngài. Mong ngài suy nghĩ kỹ cho!

– Được, ta sẽ nhận ngài làm tham mưu cho ta! Ngài sẽ lo việc liên lạc giữa ta với Pháp, càng sớm càng tốt!

Mụ Síu đăm đăm suy nghĩ. Mọi việc cứ rối như mớ bòng bong. Quân Tàu trắng là kẻ thù của Hoàng, Trương Kỳ Minh làm tham mưu cho hắn. Cắm Sìn cũng là kẻ thù của Hoàng, lại là kẻ thù của Kỳ Minh. Hai tên ngoại bang, lại là hai tên thâm thù nhau, cùng làm tham mưu cho Hoàng. Rồi đến cắn xé nhau, tranh giành quyền làm bá chủ. Không khéo rồi chúng làm hại đến nghiệp lớn của ông Hoàng và hất ta ra rìa.

Bà mẹ vợ tâm sự với con rể:

– Tôi lo chúng lục đục, ghen ăn, bè nọ bối kia rồi hỏng cơ nghiệp của ta!

Hoàng mỉm cười, chuyện này không hiểu vì sao vị cố vấn của ta lại lo xa quá thế? Hoàng nói để mẹ yên tâm:

– Tôi chỉ lo sau khi đuổi Cộng sản đi rồi, chúng mới công thần, bắt ta này nọ, cấu xé nhau, chứ hiện giờ, còn Cộng sản, kẻ thù chung cả của ta, Tàu và Pháp, ta không lo!

Mụ Síu khen ông con rể thông minh, hiểu lẽ đời.

Từ đó, Cắm Sìn, Kỳ Minh thay nhau huấn luyện quân Mèo, . Sìn thường liên lạc với Pháp định đoạt số phận Đồng Văn.

“Bao năm xa cách, giờ gặp lại tình nhân cũ, Mỹ Thuận lao vào tình yêu một cách man dại, không cần ý tứ gì nữa. Những lúc Thuận gặp Cắm Sìn, Hoàng nằm bên bàn đèn thở dài. Mụ Síu thay con tiêm thuốc, vuốt ve, an ủi ông con rể. Mỗi lần Hoàng bực hội, bà mẹ vợ lại lựa lời khuyên bảo, vạch ra tương lai huy hoàng cho đất nước Đồng Văn khi hoàn toàn không còn bị lệ thuộc; “không còn bị lực lượng Việt Minh o ép”, khi Pháp tràn lên “giải phóng”. Hoàng sẽ gây dựng lại quyền lực ngày xưa, tự do áp bức dân Mèo. Mụ luôn luôn gợi ra mối thù hai họ Hoàng, Dương, kích động làm ông con rể quên đi nỗi xót xa trong lòng.

*

Hoàng Chí Đạo chết, Hoàng giết 100 con bò, làm ma một tháng. Một đại đội lính bồng súng đứng canh quanh mộ suốt thời gian làm ma.

Sau khi cha chết, Hoàng định cất quân đi đánh Dương Thụ Nghĩa. Hoàng Chí Ân can:

– Bây giờ cất quân sang đó, chưa chắc ta đã đánh thắng chúng. Chi bằng nghĩ kế hại Nghĩa là
hơn.

Ít lâu sau, nhân ngày giỗ Chí Đạo, Dương Thụ Nghĩa được mời sang Sà Phìn ăn giỗ.

Tưởng rằng anh vợ đã xóa thù hằn xưa, Nghĩa cưỡi ngựa cùng đoàn quân lính hộ vệ sang Sà Phìn.

Hoàng Chí Ân thấy bác sang, mừng lắm bày kế cho Hoàng.

Trong tiệc, Hoàng sai người bí mật rót rượu pha thuốc độc vào chén Nghĩa. Nghĩa không biết, uống phải, về đến nhà, lăn đùng ra chết.

Dương Trung Nhân lên nắm quyền thay cha, cử Dương Mí Sàng chỉ huy quân đội.

Hai anh em Trung Nhân toan cắt quân sang Sà Phìn hỏi tội Hoàng. Sần Hỏi – tham mưu của Họ Dương – thưa với Trung Nhân:

– Lực lượng Hoàng mạnh. Đem quân sang, tất ta thua. Các ngài phải nằm gai nếm mật chờ thời. Một mặt ta tìm cách nhờ người Pháp cho quân lên giúp, tôi xin cáng đáng việc đó, mặt khác, ta liên hệ với Việt Minh, ép Hoàng phía Nam. Làm được điều đó, không đánh Hoàng cũng tan.

Trung Nhân thấy phải, nén uất ức, chờ dịp trả thù.

*

Năm Đinh Hợi – mùa thu – tháng 8, Sùng Mí Chiu, Hầu Vạn Quả được lệnh của Hoàng và Cắm Sìn đưa Mỹ Thuận sang Côn Minh gặp Voòng Diu Số. Khác với những lần trước, thị có mang với Cắm Sìn sang Côn Minh đẻ để tránh tiếng lần này thị sang vì việc quốc gia.

Thị mang theo vàng lá, thuốc phiện, một cặp nhung, nhiều quà quý để biếu Diu Số và mua sắm vũ khí.

Nhìn xong tấm danh thiếp của Thuận. Diu Số vui vẻ nhận lời tiếp thị trong dinh tỉnh trưởng.

Mỹ Thuận đĩnh đạc bước vào dinh. Hai cố vấn Chiu, Quả ngồi hai bên. Khi bàn vấn đề ngoại giao, Quả lo. Khi bàn về kinh tế, Chiu lo.

Sau mấy câu chúc tụng, cuộc hội đàm bắt đầu. Mỹ Thuận xin Diu Số bán cho điện đài, vũ
khí.

Diu Số nhận lời bán cho Mỹ Thuận 3 điện đài, nhiều súng máy, súng trường. Ngoài ra, để tỏ tình hữu hảo, ngài tỉnh trưởng còn tặng Hoàng chiếc máy nổ. Sau đó, hắn cử Dịp Chí Tường, một nhân viên cơ quan gián điệp “Hoa – Pháp” về giúp Hoàng.

Dịp Chí Tường là một thanh niên to lớn, khỏe mạnh, đẹp trai. Hắn biết rất nhiều nghề: chữa máy điện, chữa súng. Được người như thế giúp đỡ, Thuận nhận lời ngay.

Từ Côn Minh, Thuận đáp máy bay về Hà Nội. Sùng Mí Chiu về Lạng Sơn còn Hầu Vạn Quả ở lại chờ người liên lạc với Đồng Văn. Trong khi ấy Cắm Sìn đã bí mật từ Đồng Văn về Hà Nội.

Vào một buổi sáng đẹp trời, ở trụ sở “Khu Thái Mèo tự trị: phố Ha Le(1) có chiếc xe Pơ-jô chở Cắm Sìn và Mỹ Thuận dừng trước cửa. Cắm Sìn nhanh nhẹn đi vào.

Một lúc sau, hắn cùng ra với một người Pháp trạc 40 tuổi, mặc bộ com-lê trắng, nét mặt trầm tĩnh như một người phương Đông. Người đó nói bằng tiếng Kinh rất sõi:

– Tôi rất hân hạnh được đón tiếp bà!

Người Pháp lịch sự bắt tay Thuận.

– Xin giới thiệu với bà, đây là ngài chỉ huy cơ quan “Seh”! Cắm Sìn giới thiệu.

Mỹ Thuận tươi tỉnh, phấn chấn hẳn lên. Từ trước, Cắm Sìn đã nói cho mụ biết tên quan này có uy thế rất lớn.

Ngày ngày, người ta thấy hắn trầm tư bên đống sách báo về tình hình các dân tộc bản xứ, về phong tục, tập quán Việt Nam. Vì thế, hắn được phụ trách cơ quan Seh, (cơ quan tình báo chiến dịch). Chỉ với hàm đại úy, nhưng các quan tư, quan năm Pháp phải kiêng nể.

Từ lâu hắn được lệnh của Cao ủy Pháp nghiên cứu lịch sử, phong tục, tập quán dân tộc Mèo Đồng Văn, để lôi kéo Hoàng.

Chính hắn cử Cắm Sìn về Đồng Văn.

Gặp đúng người uy tín trong tổ chức hệ thống tình báo, Thuận mừng vui, tin tưởng. Vào trụ sở Thuận nói:
– Xung quanh chúng tôi bị Cộng sản bao vây, ngay trên mảnh đất Đồng Văn của chúng tôi, bọn chúng cũng đang tràn lên o ép. Chúng tôi muốn các ngài giúp đỡ chúng tôi giải phóng quê hương khỏi bàn tay Cộng sản.

Tên sĩ quan đăm chiêu suy nghĩ, điềm tĩnh trả lời:

– Người Pháp chúng tôi sẵn sàng giúp đỡ dân tộc nhược tiểu vùng lên tự vệ và giải phóng, thoát khỏi họa Cộng sản. Tôi sẽ đệ trình lên tướng Sa-lăng việc này. Bà hãy chờ cho vài hôm để ngài xét và có biện pháp giúp đỡ.

Thuận yên tâm. Tướng Sa- lăng như bà biết, được các quan chức Pháp tặng cho cái biệt hiệu “Le chinois”(1) vì tính thâm hiểm kiểu phương Đông, có nhiều kinh nghiệm trong chính sách các dân tộc thuộc địa.

– Trong khi chờ tướng Sa-lăng trả lời, tôi muốn nhờ ngài một việc. Về Hà Nội, tôi chỉ có vàng, tôi muốn đổi lấy tiền Đông Dương, nhờ ngài nói giúp với nhà băng để được đổi nhanh chóng!

Tên chỉ huy cười:

– Tôi sẽ thỏa mãn yêu cầu của bà!

Nói xong, hắn rút một tờ giấy, viết mấy chữ gửi tên giám đốc ngân hàng Đông Dương, trao cho Thuận.

Thuận cầm tờ giấy đó ra gặp tên giám đốc và được đổi ngay số tiền lớn, mua máy móc, vũ khí. Thị tung thuốc phiện ra mua chuộc các quan chức; mua những chiếc nhẫn kim cương, những dây chuyền vàng, biếu xén các phu nhân. Thông qua các phu nhân thị nhờ cậy sự che chở và giúp đỡ của các quan Pháp. Bằng con đường đó, chỉ có mấy hôm ở Hà Nội, thị đã làm quen và được nhiều quan chức Pháp bảo trợ.

Mấy hôm sau, cũng tại trụ sở “Khu tự trị Thái Mèo” sang trọng và yên tĩnh, thị được gặp tướng Sa-lăng.

Sa-lăng thân mật hỏi thăm tình hình Đồng Văn, mừng vui khi được biết Đồng Văn vẫn ngày đêm chờ đợi sự bảo trợ của Pháp. Hắn phác ngay một chương trình viện trợ và cộng tác, nối đường dây liên lạc giữa Hà Nội và Đồng Văn. Mỹ Thuận thấy hắn quan tâm nên đề nghị ngay:

– Xin ngài hãy cho ngay một đội quân nhảy dù xuống Đồng Văn, trợ lực cho chúng tôi nổi lên!

Sa-lăng trầm tĩnh:

– Trước sau rồi chúng tôi cũng đưa một đội quân lên quê hương bà, nhưng đưa vào lúc nào thuận tiện nhất, có lợi nhất thì mong bà cho chúng tôi được nghiên cứu kỹ, tự định liệu.

Xong những cuộc gặp gỡ các quan chức Pháp, Mỹ Thuận về nghỉ ngơi ở biệt thự riêng. Những cuộc khiêu vũ, những bữa tiệc diễn ra liên miên.

Sau khi Mỹ Thuận đi khỏi Côn Minh về Hà Nội, Sùng Mí Chiu tới Lạng Sơn thực hiện nhiệm vụ Hoàng giao. Hắn không khỏi lo lắng. Liệu chuyến đi này có kết quả hay không? Len vào hàng ngũ những người Pháp có dễ dàng như vào hàng ngũ người Mèo hay không? Trong đầu óc Chiu cứ quanh quẩn câu hỏi đó.

Sùng Mí Chiu vốn là người Hán ở Trung Quốc. Anh em Chiu sang bản Tà Kha sinh sống làm ăn. Lúc đầu, Chiu nghèo, bị những người Mèo khinh rẻ; thỉnh thoảng Hoàng lại dọa đuổi khỏi đất Đồng Văn. Từ xưa đến nay người Hán vẫn bị người Mèo căm thù, khinh rẻ. Chiu cũng chịu chung số phận đó.

Với đầu óc làm ăn khôn ngoan, Chiu tìm cách len vào triều đình Hoàng. Nhưng vốn văn dốt, vũ dát, Chiu không thể tiến thân như Mã Học Văn, Hầu Vạn Quả, Giàng Vạn Sùng. Chiu nghĩ,

hắn chỉ có cách tận dụng sức mạnh của đồng tiền. Sau một thời gian buôn lậu thuốc phiện vùng biên giới, Chiu đã có số vốn kha khá. Thông qua Hầu Vạn Quả và một vài người thân tín của Hoàng, Chiu xin đi với Hoàng đứng ra làm chủ sòng tài sỉu của Hoàng ở Phó Bảng, nộp tiền lãi cho Hoàng. Hoàng cho phép Chiu đứng coi sòng tài sỉu.

Sòng tài sỉu thu những món lợi kếch xù. Chiu bớt xén mỗi ngày một phần. Cứ như thế, chẳng bao lâu Chiu trở thành tên tài phú.

Tất cả tướng lĩnh của Hoàng, các tổng giáp, mã phài, trong cơn đỏ đen, khi hết tiền đều vay Chiu. Từ chỗ khinh rẻ Chiu, khi trở thành con nợ của Chiu, bọn này đều tôn trọng, quỵ lụy, tâng bốc và ca ngợi Chiu.

Thế là tự nhiên Chiu trở thành người có đức có tài. Mỗi tên ca ngợi một câu, nịnh nọt một câu, nâng Chiu lên địa vị cao.

Từ chỗ không thèm để mắt đến Chiu, Hoàng cũng bắt đầu chú ý đến hắn. Càng chú ý, Hoàng càng thấy Chiu có uy tín lớn trong các tướng lĩnh và chức dịch của mình. Ngay Hoàng cũng có lần không tránh khỏi sự ràng buộc của Chiu. Đó là những lần Hoàng cử người sang Trung Quốc mua vũ khí, thiếu tiền phải vay Chiu. Chiu không tiếc tiền cho Hoàng vay. Hoàng cần bao nhiêu Chiu có bấy nhiêu. Cứ như thế, Chiu dần dần leo lên những bậc thang danh vị, trở thành một sủng thần của Hoàng.

Hoàng gả con gái, đưa Chiu vào triều và cử hắn phụ trách việc kinh doanh, buôn bán của mình. Chiu trở thành “thượng thư” của Hoàng.

Có địa vị rồi, Chiu mới tìm cách đưa dần anh em, họ hàng mình vào trong hàng ngũ triều đình Hoàng. Sùng Dỉ Sèng, anh ruột Chiu, được phong đại đội trưởng đóng ở Săm Pun.

“Thế giới cũng có thể mua được, chỉ có giá cao hay thấp mà thôi”! Chiu luôn luôn lấy câu danh ngôn của một “hiền triết” nào đó làm phương châm cho con đường tiến thân của mình.

Nhưng dục vọng của con người là cái thùng không đáy. Có được địa vị cao như thế, nhưng Chiu vẫn chưa bằng lòng, muốn len vào con đường chính trị, có địa vị cao hơn. Được Hoàng cử liên lạc và làm

cộng tác viên với Pháp, Chiu sung sướng nhận lời ngay. Vừa có thêm uy thế, vừa củng cố địa vị và cơ nghiệp của mình. Chiu lo nhất là Hoàng bị đổ, thì cơ nghiệp bạc triệu của Chiu cũng đổ theo.

Tới Lạng Sơn, Chiu đến ngay quân khu Đông Bắc của Pháp. Với bức thư của Cắm Sìn gửi, hắn được dẫn đến gặp đại úy Ta-rô.

Ta-rô vui mừng, nhận Chiu làm nhân viên mật vụ. Sau khi chúc tụng tình đoàn kết, sức mạnh tất thắng của quân đội Pháp – Mèo, Ta-rô cấp cho Mi Chiu giấy chứng nhận:

 

Phòng nhì

Quân khu Đông Bắc

Cứ điểm Lạng Sơn

—o—

 

GIẤY CHỨNG MINH

————

Ông Kim Ki Dôn, con rể ông Hoàng Chí Trung, thủ lĩnh dân tộc Mèo vùng Đồng Văn, có việc liên hệ với ban chỉ huy.

 

Sau khi xuất trình giấy này, đương sự được hưởng mọi sự dễ dàng và dưới sự điều khiển của quân khu.

 

Lạng Sơn ngày 04 tháng 10 năm 1947.

Trưởng Phòng nhì Quân khu Đông Bắc,

Đại úy Ta-rô.

*

Hầu Vạn Quả ở lại Côn Minh đã hơn một tuần. Ngày ngày hắn giao thiệp với các quan chức ở Côn Minh, nghe ngóng tình hình thế giới và Việt Nam. Quả hoang mang khi biết rằng cách mạng đang trào lên Hà Giang, có nguy cơ xâm nhập sâu vào Đồng Văn. Dương đang tìm cách liên hệ ráo riết với Pháp và Việt Minh, thanh thế đang bành trướng.

Thời gian còn lại, Quả la cà hỏi giá cả thị trường ở các chợ, các nhà buôn lớn. Quả hy vọng, sau chuyến đi sẽ tìm thêm những nguồn lợi lớn trong việc buôn bán giữa Đồng Văn và Trung Quốc.

Một hôm, quả đang ngồi trong một khách sạn, bỗng thấy Lình Sẹt đi vào:

– Mày sang đây có việc gì? – Quả hỏi. Lình Sẹt nói khẽ:
– Hoàng sai tôi sang đây ám sát Dương Mí Sàng!

Hầu Vạn Quả ngạc nhiên:

– Nó có ở đây đâu? Mà việc gì phải ám sát nó?

– Nó sắp sang điều đình, nhờ Diu Số bán và cung cấp vũ khí. Tên Diu Số thì ông còn lạ gì, ai có tiền là nó bán súng, ai làm lợi cho nó là nó giúp. Nó sẽ giúp cả ta lẫn Dương. Vì thế, cần khử thằng Sàng trước đi, ta mới có thể mua vũ khí và Số hỗ trợ hoàn toàn cho ta. Lệnh Lão quan là như thế. Tôi phải sang đây đón trước nó. Ông phải giúp tôi một tay.

– Tao biết giúp mày cái gì?

– Tiền nong chẳng hạn!

– Được, để tao còn phải xem xét! Có điều mày nên biết rằng, đây không phải cái đất Đồng Văn ta, muốn làm gì thì làm. Tên Sàng võ nghệ cao cường, nhiều mưu thâm kế độc lắm. Không cẩn thận, kẻ ngã xuống chưa chắc là nó mà là mày đấy!

Lình Sẹt cười nhạt:

– Tôi không sợ, nhiệm vụ của Tổ quốc giao, tôi phải thực hiện, dù… Quả xua tay:
– Thôi im đi. Tổ quốc cái gì. Món tiền thưởng to đấy thôi!

Bị đánh trúng tim đen, Lình Sẹt cười khanh khách rồi xích gần lại phía Quả:

– Chỗ thân tình, tôi xin nói với ông một điều tối mật. Ông lộ ra thì tôi mất đầu. Sau khi ông đi, ở nhà Hoàng cho người điều tra lại vụ thuốc phiện, chuyện ông giết Mý Cảy để bịt đầu mối. Chuyện này Hoàng đã biết đích xác nhưng vẫn giữ kín, chưa cho ai biết. Hoàng định sẽ trị tội ông đấy.

Hầu Vạn Quả tròn xoe mắt, đấm tay xuống mặt bàn:

– À, thằng già chó đểu. Lợi dụng lúc ta đi ra nước ngoài làm việc cho nó, nó lật ta. Chưa biết chừng, trong khi cử ta đi, nó đã có âm mưu từ trước. Ta chịu gian nan vất vả, xin vũ khí về cho nó mà nó hại ta! À, được rồi. Xem nó làm gì được ta nào?

Quả phác ngay một kế hoạch. Chỉ còn có cách theo Dương thôi. Trở về, nhất định mất đầu. Quả biết Hoàng chẳng kính nể gì mình. Dù là anh rể, Hoàng cũng chẳng e gì mà không trừng trị. Nhưng theo Dương rồi mà Hoàng thắng, Dương thua thì nguy khốn, biết chạy đi đâu, còn vợ con ở nhà. Phải chạy theo Dương giúp cho Dương thắng Hoàng. Đồng thời phải đánh lừa lão già.

Nghĩ thế, Quả nói với Lình Sẹt:

– Được, tao sẽ thưởng cho mày món tiền về công báo cho tao biết chuyện này.

Mấy hôm sau Sàng sang tới Côn Minh. Hầu Vạn Quả bí mật gặp Sàng. Sau khi báo cho Sàng biết, Hoàng cử Lình Sẹt sang ám sát hắn, Quả bàn:

– Tôi sẽ theo anh, cùng anh chống lại Hoàng, thằng em vợ phản bội, tàn ác kia. Nhưng để cho chúng không hại được vợ con tôi, anh hãy vờ bắt tôi khi về đến biên giới. Tôi sẽ giúp anh. Nội tình bên Hoàng, tôi nắm cả!

Được Hầu Vạn Quả theo, Sàng mừng. Hai người bàn bạc kế hoạch khi về biên giới. Một hôm Lình Sẹt phục kích, toan bắn Sàng. Biết trước, Sàng đã tránh được.

Sùng Mí Chiu từ Lạng Sơn về Côn Minh.

Quả và Chiu chở điện đài, súng máy, súng trường về Đồng Văn. Dịp Chí Tường về sau với Thuận.
Trong khi đó, Diu Số cung cấp cho Dương số súng máy, súng trường tương đương với Hoàng. Mí Sàng thông báo trước cho Dương Trung Nhân ngày về và đường đi của đoàn sứ giả Hoàng.
Trung Nhân cho quân mai phục sẵn ở biên giới, chờ đoàn sứ giả đi qua.

Chiu, Quả cùng đoàn ngựa chở vũ khí nhắm biên giới thẳng tiến. Về đến bờ sông Nho Quế, bỗng nhiên đoàn nghe tiếng tù và nổi lên. Từ hai bên đường quân Dương kéo ra, bắt Quả, Chiu, đoàn tùy tùng, tịch thu súng đạn mang về Mèo Vạc.

Trong đoàn chỉ còn sót một vài tên lính. Chúng vội chạy về báo với Hoàng.

Sùng Mí Chiu vét túi còn số vàng và bạc già, đem đút lót cho Trung Nhân. Nhân tha tội chém đầu, giam lại làm con tin, chờ đối phó với Hoàng. Hầu Vạn Quả vờ như người bị bắt, cũng bị đưa vào giam trong ngục tối nhưng mỗi ngày hai lần, hắn được “gọi” lên phòng riêng ăn uống ngon lành.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍

Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn