Từ năm 1990 đến năm 1993, tại bãi đá ngầm Gaven thuộc quần đảo Trường Sa đã xảy ra ít nhất 2 vụ tập kích làm tổng cộng 31 lính Trung Quốc thiệt mạng. Trên các diễn đàn của Trung Quốc có nhiều câu chuyện đề cập đến vấn đề này. Chúng tôi xin giới thiệu một vài trong số đó như dưới đây để bạn đọc cùng tham khảo.

Từ một lá thư tìm người…

Từ năm 2009, trên một số trang mạng Trung Quốc như blog.sina.cn lan truyền một vài bức thư ngỏ của một người tên Chu Khải, tìm người anh là Chu Chí Hoành, lính hải quân Trung Quốc tại Trường Sa. Bức thư có những đoạn như sau:

“… Tôi tên là Chu Khải, là em trai một chiến sỹ bị mất tích suốt 18 năm nay. Anh tôi tên Chu Chí Hoành, nguyên là y tá tải thương phục vụ trong Hạm đội Nam Hải, phiên hiệu đơn vị 3.8.9.0.1, nay đổi thành 9.2.0.5.7. Mất tích ngày 7/11/1990 khi làm nhiệm vụ tại bãi đá Nam Huân, quần đảo Nam Sa. Toàn bộ 11 cán bộ chiến sỹ trên đảo đều hy sinh, trong đó 5 người mất tích trong đó có anh tôi Chu Chí Hoành….
….mẹ già tôi đã gần 70 tuổi vẫn hàng ngày mong ngóng anh tôi trở về. Kính mong mọi người tốt bụng và các cơ quan hữu quan giúp đỡ. Email của tôi zhoukai7590@163.com số điện thoại: 13798202770 /.”

….

“…Tôi còn nhớ hồi đó mình còn nhỏ, mới 7 tuổi. Hôm đó vào mùa hè, mấy người mặc quân phục hải quân tìm đến nhà tôi. Họ nói chuyện một lúc với ba mẹ thì cả hai đều khóc. Khi đó tôi chưa biết gì và cũng không chú ý. Họ đi rồi, ba mẹ mới bảo anh bị mất tích rồi, có lẽ chả bao giờ trở về nữa. Nghe xong, tôi thấy lòng buốt giá.

Anh tôi tên Chu Chí Hoành, năm 1990 anh đi làm nhiệm vụ ở bãi đa Nam Huân phía bãi ngầm Tăng Mẫu ở Nam Sa. Hồi đó đi giữ bãi đá ngoài đảo được số tiền cao hơn nhiều so với đi lính bình thường. Vì muốn kiếm được nhiều tiền để sau về cưới vợ nên anh mới đi. Người yêu của anh vẫn còn đang đợi anh về. Bây giờ giở lại những lá thư anh viết về nhà khi đó mới biết tình hình ở đó khi ấy thật nguy hiểm. Anh nói bọn anh ngủ súng đều lên đạn sẵn để bên cạnh. Ban ngày súng không rời người, không dám hoạt động riêng lẻ. Hôm đó người ở đơn vị nói, trên bãi đá có 11 người thì thấy 6 xác chết, còn 5 người mất tích. Những người mất tích gồm có đảo trưởng, đảo phó, nhân viên thông tin và y tá (là anh tôi) còn 1 người nữa họ không nhớ là ai. Mò ở phía dưới bãi thì thấy mấy khẩu súng, đều là của quân ta, còn những thứ khác thì họ nói không rõ.

Chuyện xảy ra cách nay đã 18 năm. Mẹ tôi năm lần bảy lượt lên Bắc Kinh rồi xuống Trạm Giang, là căn cứ Hạm đội Nam Hải – tìm đến các cơ quan hữu quan hy vọng biết tin tức anh và mong được chính quyền giúp đỡ, nhưng đều chả kết quả gì, lần nào cũng về không. Nay mẹ tôi ngày một già, sức khỏe cũng không còn như trước. Tôi chả còn cách nào khác, hy vọng được các bạn trên Forum giúp đỡ. Về chuyện sống chết của anh tôi, mong mọi người đừng nghĩ là tôi đem ra làm trò đùa để lừa gạt. Tôi là Chu Khải, là con út của bà Trương Nghiệp Anh, số ĐT là 13798202770.”

Trong thư ngỏ này, Chu Khải cho biết dù gia đình ông này có đầy đủ giấy tờ quân nhân cũng như giấy báo tử của người thân ông ấy nhưng phía chính quyền vẫn khất lần từ chối chứng nhận em ông ấy là liệt sỹ. Theo luật của Trung Quốc thì một quân nhân bị mất tích khi làm nhiệm vụ tại vùng biên cương thì sau 3 năm mà không tìm được thì được coi là đã hy sinh, trong khi người thân ông này mất tích đã 19 năm.

Bãi đá mà ông này nhắc đến là bãi đá Ga-ven, tên Trung Quốc: 南熏礁 (đá Khói Nam).

Đá Gaven (gồm Gaven Bắc bị Trung Quốc chiếm đóng đầu năm 1988 , và Gaven Nam bị Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng năm 1992), nằm gần đảo Nam Yết của Việt Nam về phía Tây (cùng thuộc một vòng san hô).

Hồi ký một cựu chiến binh Trung Quốc (http://blog.sina.com.cn/s/blog_4bc965f90100f44l.html)

Từ tháng 1 năm 1988, quân đội của chúng ta bắt đầu đóng giữ 7 rạn san hô thuộc quần đảo Nam Sa tại biển Nam Trung Hoa….

Vào ngày 07.11.1990 , hạm đội Nam Hải nhận được báo cáo là các rạn san hô Đá Khói Nam (đá Gaven) đã mất liên lạc vô tuyến điện. Hạm đội Hải Nam cử người đến đá Gaven thì phát hiện thấy tổ chốt có : 6 chết, 1 bị thương , 5 mất tích.

Kiểm tra thấy trong lô cốt có chi chít vết đạn chứng tỏ đã diễn ra một cuộc chiến đấu ác liệt ở đây. Vớt được từ dưới đá san hô là các súng trường tiêu chuẩn đã được trang bị cho tổ chốt của đá Khói Nam.

Sự kiện này đã làm rung động toàn bộ ban lãnh đạo của Hạm đội Nam Hải, nhiều sĩ quan đã bị kỉ luật. Một cuộc điều tra đã được tiến hành rầm rộ.

Tôi phân tích có một số khả năng sau đây :

1. Nhiều khả năng là quân đội Việt Nam đã tấn công để trả thù vụ xung đột tại đá Gạc Ma ngày 14.03.1988. Tuy nhiên kiểm tra kĩ hiện trường thì không thấy để lại bất cứ một vết tích nào để quy kết trách nhiệm về phía Việt Nam. Chúng tôi đã đánh giá vụ đánh úp này là rất thành công. Khả năng quân đội các nước khác như: Đài, Phi, Mã là rất ít vì quan hệ rất thân thiện của Trung Quốc với họ trên vùng biển Nam Trung Hoa.

2. Khả năng nữa là chúng ta đã bị tấn công bởi lực lượng quân đội nước ngoài đang đóng ở các đảo xung quanh. Đá Khói Nam tứ bề là đảo và bãi đá có quân nước ngoài đóng giữ, nên ở vào một địa thế rất nguy hiểm, và có thể bị tấn công chiếm giữ chớp nhoáng bất cứ lúc nào. Về phía bắc là đảo Ba Bình do Đài Loan đóng giữ . Phía Tây là dải Đá Lớn do Việt Nam đóng giữ. Cách Đá Khói Nam 5 dặm về phía đông là đảo Nam Yết do Việt Nam đóng giữ với trên 100 binh sĩ được trang bị mạnh. Trong bất kì trường hợp nào, ta hoàn toàn có thể loại trừ khả năng người Trung Quốc tấn công người Trung Quốc.

3. Khả năng cướp biển đột kích vào đá Khói Nam để cướp nước uống, lương thực …

4. Quân đồn trú của Trung Quốc trên đá Khói Nam chủ trương giúp đỡ các ngư dân và tàu bè qua lại khu vực, không phân biệt quốc gia nào. Khi ngư dân hoặc thuyền buôn gặp bão thì họ cho trú nhờ, cho lương thực, nước uống, nên không loại trừ khả năng xảy ra một vụ cướp, hoặc là quân đội nước ngoài trà trộn vào để đánh úp.

5. Cuộc sống trên đảo khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tình cảm, binh sĩ trên đảo lại được tin tức không hay về bạn gái, vợ con, gia đình, rồi lũ lụt thiên tai dịch bệnh ở quê nhà v.v… nên dễ dẫn đến những hoảng loạn về tâm lý, gây ra cảnh bắn giết lẫn nhau điên cuồng.

Một bình luận của một người tên Vương Duy Quốc: “… ngộ làm trong cơ quan X của hạm đội Nam Hải ngày đó, cuối năm 1990 ngộ tham gia họp tổng kết cuối năm, chủ trì là đ/c Chính uỷ Mặt trận Tổ Quốc, trực tiếp tham gia điều tra vụ ở bãi Nam Huân và tổng hợp các tin tức tềnh báo. Uy tín đ/c Chính uỷ Mặt trận Tổ Quốc rất lớn. Tại cuộc họp, đ/c lên án và yêu cầu tự kiểm điểm gay gắt qua vụ ở bãi Nam Huân, rằng Việt Nam nó đại thắng lợi toàn diện. Cuối năm đó giao thông liên lạc vô tuyến điện của nó cao đột biến, nghi ngờ cho nó là rất lớn …!

***

Ngoài ra còn một số thông tin liên quan về những vu tương tự trên đá Khói Nam, cũng có thể là những dị bản của câu truyện trên. Chẳng hạn như trên trang mạng Club.china.com cũng có một bài viết về chủ đề này, trong đó nói năm 1993 cũng tại Gaven, toàn bộ 20 binh sĩ Trung Quốc chốt đảo bị giết và mất tích.

Liên lạc với đá Gaven lại bị cắt đứt, khi tàu của Trung Quốc đến kiểm tra thì các xác chết đang trong tình trạng thối rữa: 1 bị chết vì bị bắn vào đầu, số còn lại chết vị bị đạn bắn, bị dìm xuống nước, cổ tím bầm, mặt méo mó, dấu hiệu cho thấy chết vì bị người khác dìm cho ngạt thở… Trong phòng thông tin liên lạc, lính thông tin Trung Quốc chết gục trên bàn máy.

Dù các xác chết đang thối rữa nhưng mùi trong phòng thì không hôi lắm vì gió rất mạnh thốc vào. Bài viết đưa ra nhận định: Cuộc tấn công xảy ra vào ban đêm, đếm xác thấy 19 chết, 1 người mất tích, có khả năng người bị mất tích này đã giết chính đồng đội của mình để cướp thuyền vượt biên.

Ở Việt Nam, trên một số diễn đàn và các buổi “trà dư tửu hậu” cũng có xì xào về việc Hải quân VN từ sau vụ 14.03.1988 đã bí mật tấn công nhỏ lẻ để trả thù và dằn mặt lính TQ. Tất nhiên về những chuyện này thì chẳng thể có nguồn nào để kiểm chứng vì đó là những vấn đề cực kỳ nhạy cảm đối với chính trị đại cục nhất là sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ.

<Sưu tầm và tổng hợp – Cám ơn tư liệu của bạn Chu Thành Long>

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍