Vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh, “Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh” tổ chức trao giải cho một số công trình gọi là có giá trị về nhiều lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật. Để làm được việc này tất phải huy động nhiều công sức của không ít người có kiến thức về nhiều lĩnh vực. Nếu như sự đánh giá ấy có chất lượng thật sự thì còn gì tốt đẹp hơn thế nữa, vì nó chẳng những đã không mảy may tơ hào tới cái “túi ngân quỹ cỏn con” do toàn dân phải nín nhịn để dành, muối mặt đi vay mới có, mà nó lại có tác dụng khuyến khích động viên người tài phát huy trí tuệ, đóng góp cho sự chấn hưng đất nước lúc này. Tất nhiên khó ai có đủ tài năng đánh giá tổng quát các giải được trao. Thực tế là cái “dân trí” ta hiện nay đã khác xa lúc sinh thời của cụ Tây Hồ. Nhưng cái “dân khí” lại không xứng tầm với nó! Biểu hiện cụ thể trong cái “ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam” của ông Nguyên Ngọc khai trương vào dịp này. Bởi qua gần chục lần trao giải, tưởng đã tạo nên một “tục lệ văn hóa mới”, ông chủ tịch “Hội đồng khoa học” của cái Quỹ mượn danh ấy, đã dần tự lột ra tuốt tuột y phục che thân! Khốn nỗi mấy cô người mẫu làm việc ấy cũng còn có tí ti sự lạ để có người chịu bỏ tiền ra. Nhưng ông Nguyên Ngọc trong cơn mơ tưởng vĩ cuồng ngỡ như mình nõn nường tơ liễu lắm mà trưng ra, quả thật là… chẳng cái dại nào bằng! Nếu có ai đó chịu trút hầu bao ra tung hứng với ông thì không phải là để mua cái đẹp giải khuây, mà chỉ để thực hiện mưu đồ chính trị trong cái trò gọi là “nhẹ nhàng và giản dị, thân mật mà thâm trầm” là hạ nhục lịch sử dân tộc Việt Nam!


Chẳng biết cái “Quỹ” gọi là “Văn hóa” ấy “báu” tới mức nào nhưng người ta không khỏi giật mình khi nó dám trơ tráo rước hai vị chí sỹ đại ái quốc Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh được toàn thể người Việt Nam không phân biệt chính kiến và giai cấp, thế hệ nọ truyền thế hệ kia đều tỏ lòng ngưỡng mộ, ép ngồi chung cái bệ thờ với học giả Việt gian Trương Vĩnh Ký cam tâm bán rẻ quyền lợi quốc gia, làm tay sai đắc lực cho quân cướp nước! Làm sao có thể nén lại được sự bất bình trước việc làm ngang nhiên xúc phạm đạo lý truyền thống ấy? Cả thế kỷ nay, người Việt ai cũng biết hai vị chí sỹ họ Phan vì lòng yêu nước thương nòi đã gạt bỏ mọi cám dỗ hư vinh, dấn thân tranh đấu cho mục tiêu giải phóng giống nòi. Tuy biện pháp tranh đấu của mỗi vị khác nhau nhưng đều bị chính quyền thực dân và phong kiến tay sai ghép án tử hình. Sau để xoa dịu lòng dân bị trị, giới cầm quyền bày trò ân xá nhưng cách ly với dân chúng, mỗi người một kiểu, để các vị chết trong cảnh cơ hàn khốn khó! Trái ngược hẳn với Trương Vĩnh Ký được triều đình phong kiến thừa lệnh chính quyền bảo hộ trao cho mũ mão cân đai quyền cao chức trọng và mẫu quốc Pháp đặc biệt tin dùng, ưu ái cho hưởng nhiều ân sủng thưởng cho cái công lao cúc cung tận tụy phục vụ nhà nước thực dân.
Nhân thân và tư liệu về Trương Vĩnh Ký (1837 – 1898) còn lưu nhiều trong thư khố là bằng chứng hiển nhiên để so với những lời tôn vinh của ông Nguyên Ngọc lắt léo lộn sòng tô đen thành trắng tới mức độ nào.

PÉTRUS KÝ GIỎI CỠ NÀO?
Một quốc gia có được một công dân nổi danh “thiên hạ kỳ tài” tất nhiên là niềm tự hào cho cả dân tộc đó bất kể dưới thời đại nào hoặc thể chế nào. Hơn một thế kỷ nay, người Việt ta vẫn được nghe những lời ca tụng học giả họ Trương. Giáo hữu Kito Minh Vân tán dương không tiếc lời: “Hàng trí giả toàn cầu đã không còn xa lạ gì với tên tuổi đại danh nhân thế giới PETRUS KÝ (Trương Vĩnh Ký). Tiên sinh là một “đại học giả”, một nhà bác ngữ học kỳ tài đa năng, đa diện trên nhiều lãnh vực khoa học, khiến giới trí thức Âu châu lúc bấy giờ đã phải cúi đầu trước trình độ bác cổ thông kim của vị tiền bối nầy! Ngay cả các nhà văn hóa, nhà từ điển, nhà khoa học thời danh lúc bấy giờ cũng phải nghiêng mình nhường bước cho việc bầu chọn PETRUS KÝ vào hàng “thế giới thập bát văn hào” năm 1874, kể cả đại văn hào Pháp VICTOR HUGO (1802-1885), một nhân vật văn hóa đã được an táng trong Điện Panthéon nước Pháp, cũng phải lui sau nhường chỗ đứng. Bản thân các danh nhân Văn Hóa thế giới, không những tự nguyện xin đứng phía sau, nhưng còn để lại cho hậu thế ngày nay bao nhiêu tác phẩm đã viết, nội dung tôn vinh ca ngợi nhà tiền bối văn hóa PETRUS KÝ đến hết lời. Tiên sinh là một người dân bị trị không quyền chức duy nhất trên hành tinh được ghi tên vào bộ “đại từ điển bách khoa”(Larousse Illustré) rất danh giá của nước Pháp là điều hy hữu!”. Thấy chưa đủ “đô”, ông ta bốc lên: “Chính các giới trí thức thời danh nước Pháp đã xem PETRUS KÝ là hàng “sư phụ”, đã giới thiệu và đề cử bầu TRƯƠNG-VĨNH-KÝ vào danh sách “thế giới thập bát văn hào hiện đại”. Nhưng xét thấy tiên sinh đứng trong hàng ngũ 18 Danh nhân Thế giới đó như chưa thỏa đáng, chưa đủ trọng lượng như họ đã “tôn sùng”, họ còn xem tiên sinh như một bậc “siêu sư”, như một vĩ nhân văn hóa thế giới, nên đã đồng loạt tiếp tục đề nghị Hàn lâm viện Pháp phong tặng tiên sinh một danh xưng quốc tế rất danh giá là “toàn cầu bác học danh gia” – có nghĩa là một người thầy các bậc thầy của toàn nhân loại! Một sư phụ duy nhất của thế giới đương đại! Nhiều nhà trí thức quốc tế hiện nay, vẫn còn xác dịnh nhà thông thái đa năng đa diện “người Việt nô lệ” này, hầu như trên toàn thế giới, đến cả đệ tam thiên niên kỷ này, nhân loại vẫn chưa tìm được một ai ngang bằng có thể thay PETRUS KÝ”.

Ông Trần Chung Ngọc, Tiến sỹ Vật lý, làm việc tại ĐH Wisconsin-Madison (Mỹ), đồng thời cũng là nhà nghiên cứu lịch sử và tôn giáo được dư luận cảm mến, bình: “Trong thời buổi này, không có ai viết huênh hoang và vu vơ như vậy. Mọi luận cứ đều phải có tài liệu chứng minh. Bảo rằng Pétrus Ký là “nhà bác ngữ học kỳ tài đa năng, đa diện trên nhiều lãnh vực khoa học” nhưng không đưa ra bất cứ một tác phẩm khoa học nào của Pétrus Ký. Tại sao? Mặt khác, giới trí thức Âu châu là những ai? Các nhà văn hóa, từ điển và khoa học thời danh nào và cơ quan nào, tổ chức nào đã bầu chọn Pétrus Ký vào hàng “thế giới thập bát văn hào”, dựa trên những công trình biên soạn hay tác phẩm văn chương nào của Pétrus Ký? Văn kiện nào đã ghi cuộc bầu chọn như vậy? Những tác phẩm nào của các danh nhân văn hóa thế giới nào đã tôn vinh ca ngợi Pétrus Ký? Minh Vân không đưa ra bất cứ tài liệu nào chứng minh những điều ông ta viết là có cơ sở. Tôi (TCN) cố gắng qua Internet chỉ thấy trên http://vietsciences.free.fr/vietnam/danhnhan/tacgia/truongvinhky.htm của Huỳnh Ái Tông viết về Pétrus Ký nhưng cũng không cho biết tài liệu xuất xứ, như sau: “Trong khoảng năm 1873-1874, ông (TVK) được liệt vào hàng “thế giới thập bát văn hào”, xếp theo mẫu tự như sau: Bác sĩ Allemand, Banadona d” Ambrum, Bonhomme (Honoré), Cazot (Jules), Đại tướng Chambron, Bá tước Chambord, Christophie (Albert), Conte (Casimir), Desmaze (Charles), Duprat (Pascal), Dupuy (Charles), Garnier-Pages, Guizot, Lafayette (Oscar de), Lefèvre-Pontalis (Amédée), Marcon, Pétrus Ký, Thống chế Saldonha Oliveirae Daun”. Nhưng 18 tên tuổi trên có phải là những văn hào thế giới không? Dupuy, Guizot là những chính trị gia. Bác sĩ, Đại tướng, Thống chế, Bá tước… là những đại văn hào của nước Pháp thời kỳ nào? Tôi cho là danh sách trên là một danh sách dỏm, do một tổ chức ma nào đó đưa ra, nếu có thật. Tại sao không thấy điểm danh những đại văn hào của Pháp trong thế kỷ XIX quen thuộc nhất như: Henri Beyle Stendhal (1783-1842); Alphonse de Lamartine (1790-1869); Honoré de Balzac (1799-1850); Alexandre Dumas (1802-1870); Victor Hugo (1802-1885); Prosper Mérimée (1803-1870); George Sand (Aurore Dupin) (1804-1876); Alfred de Musset (1810-1857); Théophile Gautier (1811-1872); Charles Baudelaire (1821-1967); Gustave Flaubert (1821-1880); Alphonse Daudet (1840-1897); Émile Zola (1840-1902); Guy de Maupassant (1850-1893)? Tác phẩm của những đại văn hào này đều có trong mọi thư viện của các đại học lớn, nổi tiếng nhất trên thế giới và được dùng trong học trình đại học. Những tác phẩm nào của Pétrus Ký có trong số đó”? Và ông kết luận: “Pétrus Ký chỉ được các quan thầy thực dân Pháp và Vatican biết đến mà thôi”! Cho nên tôi (TCN) chẳng muốn phê bình tiếp Minh Vân về những lời mê sảng viết về Pétrus Ký một cách điên khùng, lố bịch, không biết ngượng”.

Trong cuốn “Ngàn năm soi mặt” (Văn Hóa – 2002), góp phần nghiên cứu về Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Tiến sỹ Sử học Nguyên Vũ (Vũ Ngự Chiêu) đặt ra nhiều vấn đề: Có thật là Trương Vĩnh Ký biết tới 26 thứ tiếng không? Giá trị nội dung các tác phẩm của ông?… và kết luận: “Các công trình sáng tác và trước tác khá đồ sộ, lại có cả sách bằng Pháp ngữ, nhưng chưa ai thực sự kiểm kê và lượng giá toàn bộ công trình của ông… Petrus Key, tôi nghĩ, chỉ là một thông ngôn giỏi trong thời ông, hơn một nhà ngôn ngữ học. Riêng tác phẩm khá dày của Petrus Key về “bài giảng sử” bằng Pháp ngữ, khó thể gọi là một công trình sử học. Đa số chi tiết đều là tin đồn, ngày tháng hỗn loạn. Khoảng thời gian từ nhà Tây Sơn đến Vua Tự Đức – vì sử dụng truyền khẩu sử của các nhà truyền giáo Pháp và trên quan điểm hợp thức hóa tân trào – đầy rẫy sai lầm kỹ thuật cũng như sai lầm có tư tâm, bất chấp sự thực lịch sử”. Sau này học giả Nguyễn Văn Vĩnh là người hăng hái tiên phong trong việc Quốc ngữ hóa chữ Nôm ở Bắc kỳ, nói lên sự thật dù không hẳn nhằm vào một ai nhưng mà chua chát: “Các đại huynh đã qua nước Đại Pháp, chắc cũng đã biết là dân xứ ấy, những người như anh em ta có rất nhiều, đã hơn gì con kiến chưa? Nếu anh em mình ở đó, chỉ vào bậc đánh giầy, thế mà về đến đây đã là người biết tên, biết tuổi, có danh, có tiếng, đã cực chưa?”. Và học giả Phạm Quỳnh nhận xét: “Sách của Trương Vĩnh Ký viết chỉ để trẻ con xem”!

HÃY XEM XÉT ĐỘNG CƠ VIẾT RA NHỮNG CÁI GỌI LÀ TRƯỚC TÁC CỦA VỊ HỌC GIẢ NÀY:
Ngày 12/01/1882, từ Chợ Quán, để xin tiền ra sách, Baptixta Trương Vĩnh Ký gửi thư cho Hội đồng thuộc địa khoe: “Tôi hân hạnh gởi đến quí vị một bản trình bày từng tác phẩm xuất bản mà tôi đã biên soạn. Làm như vậy, ý định của tôi là để chứng tỏ với quý vị rằng trong 13 cuốn sách tôi đã xuất bản cho đến nay do tiền tôi bỏ ra, tôi chưa bao giờ đi lệch mục tiêu chính và trực tiếp mà tôi đã trình bày trước đây trong các thư tôi viết vừa cho nhà cầm quyền, vừa cho Ủy ban phụ trách cứu xét những tác phẩm của tôi. Mục tiêu đó là sự biến đổi và đồng hóa dân tộc An Nam”. Ông ta nói thẳng ruột ngựa: “Về phương diện chính trị và kinh tế, người Pháp là kẻ đi đồng hóa, còn người An Nam là kẻ chịu đồng hóa. Người yếu cần dựa vào người mạnh để đưa mình lên bằng người khỏe. Đó chính là mục đích cần phải theo đuổi và đạt tới. Bằng cách nào? Bằng cách đồng hóa. Và đồng hóa chỉ có thể thực hiện được bằng giáo dục và học vấn”.

Nhà nghiên cứu Phạm Long Điền viết: “Mới đây chúng tôi phát hiện tập tài liệu thứ hai gồm các biên lai của Nha Nội Trị nhận mua sách của Trương Vĩnh Ký. Đây là bằng chứng cho thấy các sách của Trương Vĩnh Ký đều phục vụ cho chính sách đồng hóa bằng văn hóa của thực dân Pháp vì nhà cầm quyền đều đặt mua sách của Trương Vĩnh Ký… Ngoài ra, chúng tôi được cái may mắn tìm gần đủ toàn bộ tác phẩm của Trương tiên sinh. Nhờ đó chúng ta mới xác định rõ hành trình tư tưởng của Trương Vĩnh Ký trong tiến trình xâm lăng văn hóa của thực dân Pháp”, và ông kết luận: “Trong suốt 28 năm sáng tác, Trương Vĩnh Ký cho ra đời 121 tác phẩm Việt có, Pháp có. Hầu hết các tác phẩm của ông đều phục vụ cho quyền lợi của nhà nước thuộc địa và chính ông cũng đã công khai nhìn nhận chủ đích này”. Tựu chung, nhìn lại toàn bộ sự nghiệp trứ thuật của Trương Vĩnh Ký từ khi cầm bút đến những năm cuối đời kết thúc thế kỷ XIX, không đi ra ngoài chủ đích “nghiên cứu để cai trị”. Nguyễn Sinh Duy mất nhiều công phân tách các tác phẩm của Trương thành ba loại: – Một là sách “cẩm nang giao dịch” giữa người Pháp và người Việt. – Hai là sách nghiên cứu truyền thống bản xứ mà cho tới thời điểm đó không ai ngoài Trương có đủ tư thế cung cấp cho kẻ ngoại nhân phương Tây mới đặt chân lên một xứ sở lạ lẫm viễn Đông này. – Ba là sách phổ biến chữ Quốc ngữ, góp phần tích cực làm thui chột chữ Nho và chữ Nôm là phương tiện chuyên chở và nuôi dưỡng tinh thần dân tộc thấm nhuần từ các hệ tư tưởng truyền thống lâu đời. Thế cũng đủ để bà con ta biết học giả Trương Vĩnh Ký là người thế nào!

XÉT VỀ NHỮNG VIỆC LÀM CỤ THỂ CỦA TRƯƠNG VĨNH KÝ TRONG BỐI CẢNH NƯỚC NON TA HỒI ẤY:
Trương Vĩnh Ký, được giáo hội Kito đào tạo căn bản từ tuổi ấu thơ, vốn thông minh sắc sảo, với sự khát khao cầu học, đã trở thành một học giả tiếng tăm trong lúc nền văn hóa Đông-Tây mới tiếp cận nhau. Đồng thời ông cũng là một con chiên đắc lực trong việc mở mang nước Chúa, phù hợp với nhu cầu bành trướng thuộc địa của chủ nghĩa tư bản phương Tây. Tất nhiên những lời đồn có khuyếch đại thổi phồng lên nhằm phục vụ ý đồ chính trị và tôn giáo. 19 tuổi (1856) được thụ phong linh mục tại giáo chủng Pinang (Malaxia). Về Sài Gòn, thầy dòng 22 tuổi kịp gửi thư tới viên đô đốc Rigault de Genouilly và các sỹ quan hải quân Pháp trước khi đem quân tiến ra đánh chiếm Đà Nẵng lần thứ hai (17/2/1859), như sau: “… Xin ngài mở rộng vòng tay giải phóng để chấm dứt những nỗi cơ cực của chúng tôi. Danh dự và vinh quang đòi hỏi ngài phải làm. Ngài sẽ xứng đáng sống trên cõi Thiên Đàng bất diệt, điều mà một người thường như chúng tôi khó bề đạt được” (Văn khố Hải quân Pháp, Paris: SUM Vincennes). Phải chăng giáo sỹ họ Trương đã tỏ ra đắc dụng với bài học khai tâm: Để mở mang nước Chúa và bành trướng thuộc địa, phải kết hợp: “Cây Thánh giá đi trước và quân đội theo sau”?

Giáo hội Kito tại Việt Nam đã tỏ ra rất sáng suốt khuyên Trương hãy xếp lại chiếc áo linh mục, chuyển sang ngạch thông ngôn cho quân đội Pháp, tức là dấn thân vào con đường chính trị. Là tín đồ ngoan đạo, với vốn ngoại ngữ giỏi giang, lại thông minh, tháo vát, nắm bắt nhanh thời cuộc, viên chức trẻ họ Trương, trong công việc đã kịp bày tỏ lòng trung thành sẵn có với mẫu quốc Pháp, và thuận lòng giáo hội làm mối se duyên với con gái ông Hương chủ giàu có nhất Chợ Quán – hậu cứ của đội quân viễn chinh lúc bấy giờ. Trên đà thăng tiến, Trương mau chóng được nhà nước thực dân nâng lên bậc “thông ngôn hạng nhất”. Tất nhiên phải có mặt trong hầu hết các hội nghị quan trọng giữa Bộ Tham mưu quân đội Pháp với triều đình An Nam lúc đó. Một sự tình cờ lịch sử, Phan Thanh Giản và Trương Vĩnh Ký mau cặp kè nhau trong mối quan hệ buổi đầu giữa Nam triều với Pháp. Trương tuy thuộc lớp hậu sinh nhưng cùng quê Vĩnh Long, và lãnh binh Trương Chánh Thi (thân phụ TVK) với Phan lại là đồng liêu, dù phẩm trật khác xa nhau. Một đội quân viễn chinh dày dạn đi xâm lược làm sao không nhận ra điều đó. Một trí thức trẻ tân học tháo vát giỏi giang đã hiến mình cho Chúa và một lòng trung thành với mẫu quốc kè bên viên quan già gian xảo và bạc nhược. Hẳn không là sự sắp xếp vô tình khi Trương từng được chọn làm thông ngôn cho phái bộ Phan-Lâm để đi đến sự ra đời của hàng ước Nhâm Tuất 1862 tại Sài Gòn, và sau đó lại tháp tùng phái đoàn An Nam cũng do Phan làm Chánh sứ sang Paris và Rhoma để xin lại đất! Phan, Trương thành đôi bạn vong niên mà như cặp bài trùng. Cả hai đều là ân nhân của nước Pháp vào buổi đầu chinh phục Việt Nam mà người già thì kín đáo thâm trầm, và người trẻ thì công khai lộ liễu. Trần Chung Ngọc đánh giá Trương được coi như “đại công thần của tân trào Pháp quốc, còn vượt trên Nguyễn Trường Tộ về mặt làm tay sai cho thực dân Pháp”.

Chuyến công du qua trời Tây một công đôi việc. Ở Ý, Trương đã làm một việc rất khôn ngoan là tới thăm viếng nơi lưu giữ hài cốt các cố đạo tử nạn khi đi giao giảng kinh phúc âm tại hải ngoại. Và danh tiếng của ông lại được đề cao bởi được Giáo hoàng tiếp đón. Trương có dịp làm quen với chính giới văn hóa Pháp. Đặc biệt là Paul Bert, vừa là nhà khoa học tiếng tăm, vừa là chính khách thực dân cực tả. Tất nhiên chàng trí thức trẻ vừa ham học vừa muốn tỏ lòng hết mình cho nước mẹ Đại Pháp, buổi đầu đã tạo được mối thiện cảm và không để mối quan hệ ấy bị gián đoạn bởi trùng dương xa cách. Năm 1864, trở về Nam kỳ đã là thuộc địa của Pháp, Trương được giao nhiều trọng trách đúng theo tinh thần “đồng hóa chỉ có thể thực hiện được bằng giáo dục và học vấn”. Điều khiển trường Thông ngôn, trường Sư phạm. Rồi được trao toàn quyền tờ “Gia Định báo” – tờ báo chữ Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam. Giám mục Puginier, là người có sự hiểu biết rộng lớn về đất nước này, là kẻ hợp tác mà giới chức Pháp luôn tôn trọng và nghe theo, từng nói: “Sau khi đạo Thiên Chúa được thiết lập, tôi xem việc tiêu diệt chữ Nho và thay thế dần dần ban đầu bằng tiếng An Nam, rồi bằng tiếng Pháp như là phương tiện rất chính trị, rất tiện lợi và rất hiệu nghiệm để lập nên tại Bắc Kỳ một nước Pháp nhỏ ở Viễn Đông. Khi chúng ta đạt được thành quả lớn lao đó, chúng ta xóa đi của nước Trung Hoa một phần lớn ảnh hưởng tại An nam và phe trí thức An nam là phe rất căm ghét sự thiết lập thế lực Pháp, cũng sẽ bị tiêu diệt dần dần”. Mặc cho có vài tiếng nói lẻ loi bênh vực, như ông G.Dumoutier, một nhà giáo dục học người Pháp có lương tâm từng trăn trở: “Nếu những đứa trẻ An Nam xuất thân từ các trường học của ta (Pháp), mà không biết đọc và viết chữ Hán-Nôm thông dụng, thì chúng sẽ trở thành người ngoại quốc trên chính đất nước của chúng”! Nhưng thâm ý của ông trùm cố đạo đầy quyền uy này là: “Khi thay thế chữ Nho bằng chữ Quốc ngữ, Hội Thừa sai nhằm cô lập các giáo hữu. Những người này sẽ không còn có thể đọc được những tác phẩm dễ đọc nhất của Trung Hoa và cũng không thể thư từ gì được với bất cứ sỹ phu Tàu hay Ta nào. Được giáo dục như thế, các thầy giảng người bản xứ sẽ chỉ có thể đọc một số hiếm những sách do các thừa sai viết bằng Quốc ngữ cho họ dùng và trong đó chỉ bàn đến những vấn đề thuần túy tôn giáo”. Với cả bộ máy thực dân thống trị trên mọi lĩnh vực và bằng nhiều hình thức, giới sỹ phu Việt Nam không thể bảo vệ được văn tự truyền thống của mình. Chữ Hán-Nôm bị bức tử thay vì chữ Quốc ngữ, văn hóa Việt bị mất nhiều hơn được! Hỏi người Tàu, người Nhật, người Triều Tiên, người Ấn Độ, người Ả Rập… có hủy bỏ văn tự truyền thống của mình chăng? Thơ văn Hán-Nôm của những nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Nguyễn Hữu Huân… dần trở nên “lép vế” và mai một giữa cuộc chiến đấu ngày càng không cân sức. Năm 1873, Trương lại được giao đào tạo lớp cai trị người Pháp và tay sai bản xứ tại Trường Cai trị (Collège des Stagiaires) mở ra tại Sài Gòn; Từ đó bước chân vào “Hội đồng học chính cao cấp” để giúp người Pháp lo liệu lâu dài sau cuộc chinh phục xứ này bằng vũ lực.

CHUYẾN CÔNG DU BẮC KỲ:
Năm 1872, tên lái buôn Jean Dupuis ngược ngạo đưa tàu theo sông Hồng mở đường lên Vân Nam bất chấp chủ quyền của nhà nước Việt Nam. Quân Pháp được lực lượng giáo dân giúp sức, mở rộng ra đánh chiếm Bắc kỳ, buộc triều đình Huế phải ký hòa ước Giáp Tuất 1874. Cục diện chống Pháp trở nên quyết liệt, tiêu biểu là phong trào Văn Thân với hịch “Bình tây sát tả”. Nam triều chủ trương nhờ vả Thanh triều đưa quân Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc vào giúp sức. Quân Pháp thiệt hại nặng. Chính quốc không muốn “sinh sự ở Bắc kỳ”. Năm 1876, theo lệnh của Đô đốc Duperré, Trương Vĩnh Ký được ứng trước ba tháng lương, dưới danh một chuyến đi du lịch tại Bắc kỳ mà thực chất là đi do thám, tìm hiểu toàn bộ các vấn đề lịch sử, địa lý, thổ nhưỡng và dân tình trước khi quân Pháp có quyết định tiếp theo. Mời bà con đọc thư báo cáo của Trương từ Tonquin (Bắc kỳ) gởi về cho các quan cai trị Cochichine (Nam kỳ):
“Người ta quả quyết rằng những núi này (Tam Điệp) có chứa mỏ kẽm trong vùng lân cận tôi đã đi ngang qua… Tôi chưa nói tới ở đây những tài nguyên khoáng chất, người ta bảo là bao la… Và tất nhiên, xứ sở này chẳng thiếu tài nguyên, đất đai mà tôi dám quyết rằng có thể sánh với thổ nhưỡng của nước Pháp, ít ra là đối với Algérie, chất chứa nhiều của cải đủ để làm nên tài sản cho một quốc gia. Đất này tiện lợi cho những vụ trồng trọt các mùa thay đổi khác nhau… Và tôi xin được phép nói rằng dân của xứ này đã chết đói trên một chiếc giường đầy vàng”… “Tôi thiết tưởng có bổn phận, cũng nhân dịp này, cống hiến cho ngài: Tư tưởng của những người phiến loạn An Nam mà tôi đã có thể tìm hiểu trên những nơi có tàu đi qua. Những kẻ phiến loạn, như tôi đã từng nhiều dịp trình với ngài, họ có lý do cho chủ nghĩa ái quốc của họ: Sự hận thù đối với các con chiên (công giáo) mà họ cáo buộc là những hàng ngũ bên cạnh người Pháp, được dùng như những kẻ đưa đường chỉ lối”… “Các quan lại Nam triều thường nói với tôi rằng nước Pháp cố ý xâm chiếm xứ này. Tôi trả lời là không!… Tất cả qúy vị đều phải thấy rằng nếu nhà cầm quyền Pháp có ý muốn xâm chiếm xứ này, họ đã có thể làm việc đó từ lâu một cách dễ dàng, không cần bàn cãi gì cả. Qúy vị phải hiểu rằng qúy vị là những kẻ yếu, thật sự quá yếu, cần sự giúp đỡ của ai đó để gượng dậy. Và tốt hơn, qúy vị chỉ nên tin vào người bạn đồng minh tiếng tăm và phải dựa vào họ một cách thành thật để đứng lên, nhưng phải thẳng thắn, không hậu ý, không mưu tính kín đáo, dang cả hai tay ra với họ chứ không phải một cái chìa ra còn bàn kia thì giữ lại. Bằng ngược lại, mệt trí vì những do dự, những điều nói nửa lời đầy âm mưu của qúy vị, nước Pháp buộc lòng phải ngưng che chở và bỏ mặc qúy vị với số phận. Nói rõ hơn đây là hình ảnh tương tự tôi dùng để ví: Nếu một bàn tay tựa vào cánh tay của một người, còn bàn tay kia quý vị dùng để cù họ, tất nhiên cánh tay của người đó tự nó phải tuột ra, quý vị sẽ phải đón nhận một sức phản động nào đó, quý vị sẽ rơi xuống rất thấp và hầu như mãi mãi không có cơ gượng dậy được nữa!”… “Tôi tìm ra sự giải thích theo đó, các ảnh hưởng của lòng tham lam và táo bạo dễ dàng thu dụng đồ đảng, kết nạp thành đoàn và cổ võ chiến tranh phe phái v.v… và như vậy dân chúng khát khao một cuộc sống lành mạnh hơn là luôn luôn phải thất vọng, với hy vọng cuối cùng tìm thấy sự che chở để khỏi sự đói khát. Hơn thế, không thể không có một cái nhìn ham muốn, một đôi khi họ đã so sánh thân phận của họ với cuộc sống của những người dân Nam-kỳ”… “Tổng quát, tất cả đều tin chắc rằng không thể chống lại người Pháp và nếu nước Pháp muốn lấy xứ này, có thể làm mà không phải mất nhiều khó khăn và tốn kém”.

Khẩu khí ấy là của hạng người nào, có xứng là của vị “đại danh nhân văn hóa Việt Nam”, thưa ông Nguyên Ngọc? Trương bị giới nho sỹ Bắc Hà tẩy chay, nhạo báng thẳng thừng: “Hay tám vạn tư mặc kệ / Không Quân–Thần–Phụ–Tử đếch ra người” (!), phải bỏ dở chuyến công du. Để thưởng công lao chuyến đi do thám ấy, năm 1877, Trương là người Việt Nam đầu tiên duy nhất được vào ngồi trên một trong 10 cái ghế danh giá của Hội đồng cai trị thành phố Sài Gòn!

HỢP TÁC VỚI PAUL BERT:
Sau chiến tranh Pháp-Phổ (1870), nước Pháp tuy thắng trận nhưng cũng lao đao. Cuộc bình định xứ viễn đông xa xôi gặp nhiều trắc trở và tốn kém. Chính giới Pháp nản lòng. Hạ nghị viện đòi rút quân về. Trong số 33 ủy viên đặc trách bàn thảo vụ Bắc kỳ, chỉ có 6-7 người khăng khăng đòi duy trì sự chiếm cứ, trong đó có Paul Bert. Y hô hào vì danh dự, quyền lợi thương mại và chính trị… buộc nước Pháp phải ở lại đây! Đầu năm 1886, Paul Bert được cử sang làm Thống đốc thay viên tướng De Courcy võ biền, thô bạo gây căm phẫn cho cả dân chúng lẫn triều đình. Đặt chân đến Sài Gòn, Paul Bert móc nối ngay với Trương Vĩnh Ký, bởi dưới con mắt của tên thực dân cáo già lọc lõi này, Trương rõ là người luôn trung thành với nước Pháp. Paul gửi thư cho Trương: “Tôi cần ở ông danh sách những người An Nam trong khắp nước có thể làm những thông ngôn tốt bên cạnh các trú sứ của chúng tôi, vì hơn ai hết ông là người thích hợp nhất để đảm nhận việc chỉ điểm này. Thứ đến ông có thể theo ông Pène đến Huế để chọn lựa những người bạn có kiến thức và bảo đảm ngõ hầu sau này đặt họ dưới quyền điều khiển của ông những ủy nhiệm hữu ích mà chúng ta đã bàn thảo với nhau (?) trong cuộc hội kiến đầu tiên”. Trương nhanh nhảu đáp ứng yêu cầu của quan thầy mới rất hữu hiệu.

Trên đường ra Bắc kỳ, Paul đưa Trương ra Huế, “khéo léo rấm vào Cơ mật viện và Hội đồng nội các của nhà vua”. Nhiệm vụ cụ thể được chủ giao là: 1- Bãi bỏ phụ ước của tướng De Courcy bức ép triều đình An Nam. 2- Thi hành hòa ước Patenôtre. 3- Thêm một điều khoản phụ là cho nước Pháp quyền kiểm soát và điều khiển nền hành chính Bắc Kỳ, không có sự can thiệp của nhà cầm quyền An Nam. Chính sách cai trị “lạt mềm buộc chặt” chứng tỏ tài điều hành của một kẻ thực dân học thức. Vua Đồng Khánh vốn được coi như một “sản phẩm Pháp của Việt Nam” rộng lòng trao cho Trương chức danh Hàn lâm viện thị giảng học sỹ. Tiến sỹ sử học Nguyên Vũ nhận xét: “Dù muốn dù không, Petrus Key đã thủ vai một tác nhân lịch sử, gắn liền với cuộc xâm lăng Việt Nam của Pháp. Khởi đầu sự nghiệp bằng nghề thông ngôn cho quân viễn chinh Pháp, 26 năm sau, Petrus Key xuất hiện tại Huế như một “ẩn sĩ” (gián điệp) đặc phái viên tin cẩn của Tổng Trú sứ Paul Bert, giữa lúc ngọn lửa Cần Vương (rebelles, theo lối diễn tả của Petrus Key) đang hừng hực từ Bình Thuận ra tới Hà Nội”.

Mời bà con xem vài đoạn thư Trương gửi cho Paul Bert để biết thực chất mối quan hệ giữa hai “nhà bác học Pháp-Nam” ấy là gì: “Trong cái nhìn đặc biệt về lợi ích của nước Pháp, việc Đồng Khánh lên ngôi quả là may mắn”… “… Về phần tôi, xâm nhập vào Cơ Mật Viện của nhà vua, vai trò của tôi là làm cho nhà vua và triều thần hiểu được các ý tốt của chính phủ Pháp cũng như điều động chính sách của chính phủ An Nam đi gần với chính sách của nước Pháp”… “Tôi sẽ trấn áp những hãnh thần (là những người có tư tưởng chống Pháp) và sẽ bao vây lấy nhà vua (Đồng Khánh). Tôi cũng sẽ gom những người thật sự có khả năng (?!) cho Viện Cơ mật”… “Tôi cũng đang lo tiếp xúc để cung cấp cho ngài những tin tức chính trị hữu ích. Tôi hết lòng tán đồng dự án hoàn mỹ của ông Pène về công cuộc bình định thi hành bởi những yếu nhân bản xứ và ở đây, tôi đang bám sát nhà vua cùng Viện Cơ Mật. Như sứ giả tiên khu của Chúa, tôi tìm cách dọn đường cho ngài; tôi tán dương cái uy danh mà tôi ra sức vây bọc quanh con người cũng như tên tuổi của ngài”… “Tuy nhiên, tất cả những điều đó thúc đẩy tôi nhất quyết lo liệu cho cái hiệp ước mà ngài muốn chính phủ An Nam sớm chính thức đưa ra để minh định, ngõ hầu chấm dứt sự trạng và quyết định chính sách sau này phải theo. Vì thế tôi xin nhắc lại ngài cái dự án bình định với những phương tiện hành động đã được mật ước (?), để tiến tới thành quả mà chúng ta có thể phô trương. Về phần tôi, ngài có thể luôn luôn cậy vào sự giúp sức nhỏ yếu của tôi, vì dù sao những cảm tình của giờ phút đầu tiên đã trở thành một mối nhiệt tâm chân thành đối với ngài”.

Trương một mặt hối vua Đồng Khánh kịp đào kinh biệt sở Mang Cá để giữ an toàn nơi đồn trú của binh lính Pháp; thúc đẩy nhà vua hãy bắt thật nhiều “xâu” mở nhanh con đường ra Quảng Bình, vào Quảng Nam nhằm mục đích cho quân lính Pháp hành binh đi tiễu trừ nghĩa sỹ Cần vương ở những vùng xa xôi hẻo lánh; xúi hoàng thượng “làm ra năm mười khoản ước đưa ông Paul Bert nghị lại mà tính với nhau” định rõ quyền hạn của Nam triều và Bảo hộ (Bắc kỳ) nhằm hoàn thành nghị trình thâu tóm Việt Nam theo hòa ước 1884 nhưng ôn hòa hơn viên tướng De Courcy trước đó; Trương cũng khéo giấu mặt trong việc giúp vua Đồng Khánh ra “Dụ chiêu hồi” những thủ lĩnh nghĩa quân từ vua Hàm Nghi đến các thủ lĩnh như Phan Đình phùng, Trần Xuân Soạn, Nguyễn Phạm Tuân, Nguyễn Xuân Ôn… với những lời dụ dỗ ngon ngọt và lời răn đe nghiêm khắc, không quên nhắc tới quan thầy mẫu quốc: “… Những mấy khoản nói trên, Quan Toàn quyền Công pha (Paul Bert) tới kinh vào yết, Ta thương miệng, ông ấy cũng đã bằng lòng”. Kết quả là Phò mã Hoàng Kế Viêm, một thời nổi danh chống Pháp ở mặt trận phía Bắc, trở thành “hồi chánh viên”, được khai phục hàm Đông các đại học sỹ, giúp việc rất đắc lực cho việc bình định ở Trung kỳ. Một mặt Trương tham mưu cho Toàn quyền Paul Bert: “Hãy nhanh chóng thành lập các đoàn lạp binh (đặc nhiệm cơ động) và võ trang cho họ. Ngài không có điều gì phải quan ngại vì những quân khí do ngài cung cấp, cho mượn hoặc bán, đều thuộc trách nhiệm trực tiếp của nhà vua, và chính phủ Nam triều sau vụ bạo hành tháng 7/1885 (tức ngày 24/5/Ất dậu – ngày thất thủ kinh thành Huế), nay chỉ còn cách thần phục nước Pháp. Xứ Trung-kỳ mà ngài vừa ban cho nền tự trị sẽ phải bắt buộc ở dưới sự giám hộ của Người Bảo hộ nó. Với hai thế đứng của Pháp tại Bắc và Nam-kỳ , những nghĩa cử rồi ra sẽ được củng cố và hiệu nghiệm”.

Để quan thầy yên tâm, Trương mách: “Bọn phiến loạn (nghĩa quân Cần vương) không đáng sợ; họ chỉ có những khí giới cổ lổ của chính quyền An Nam và vài võ khí mới mua lại được của bọn buôn lậu Trung Hoa”. Và kế hiến ấy đã tỏ ra hữu hiệu trong việc đàn áp và truy sát những nghĩa sỹ Cần vương! Trương còn bày cách chiếm dụng những mảnh đất đẹp của các chùa chiền ở Huế giao cho nhà thờ mà chính quyền thực dân từng làm ở những đô thị từ Bắc vào Nam, ngay cả ở Hà Nội, Sài Gòn. Tất nhiên chính quyền bù nhìn sở tại phải cúi đầu làm lơ! Thật không quá đáng khi người dân Huế bấy giờ coi Trương Vĩnh Ký là con người phản phúc! Công luận đương thời gọi là “ông người Pháp Pétrus Ký”! Nhà sử học Chailley nhận định: “Paul Bert dùng Trương Vĩnh Ký không phải ở tài năng của ông này, cũng không phải vì ông là người Thiên chúa giáo, mà chỉ vì những công tác đã thể hiện rất được việc và nhất là sự trung thành kiên định của Trương đối với nước Pháp”. Trong khi Trương hăng hái bộc lộ ruột gan ra với quân cướp nước thì với đồng bào mình, ông ta luôn viện dẫn câu cách ngôn La tinh “Ở với họ mà không theo họ”! (Sic vos non vobis)! Cũng như ông ta thanh minh thời gian đội mũ mặc áo đại quan triều đình: “Tôi chỉ được dùng như một trung gian giữa hai dân tộc vừa gặp nhau tại Nam kỳ. Tôi chỉ giúp họ hiểu nhau và thương nhau!”. Xin hãy đọc mấy dòng các quan thuộc địa đánh giá kẻ tay sai có học này: “Rút cục, đó là người An Nam Pháp hóa và gương mẫu duy nhất mà chúng ta có. Sự trợ giúp của ông thật đã rất ích lợi cho ảnh hưởng của chúng ta và cho nền học chính nói chung” (Luro, Thanh tra và Giám đốc trường Sư Phạm Thuộc Địa Pháp tại Việt Nam). Toàn quyền Paul Bert, trong thư ngày 20.5.1886, gởi Thiếu tướng Thống đốc Nam kỳ viết: “…Tôi nhận thấy ở Huế, ông Trương Vĩnh Ký đã tận lực làm tròn sứ mạng công việc trong triều đình và ít nhiều ảnh hưởng trên nhà vua. Trong những điều kiện đó, tôi tin rằng sẽ có lợi cho người Pháp hiện thời nếu giữ ông ta ở lại Huế trong một thời gian tôi không dám xác định, nhưng chắc chắc cũng khá lâu”.

Nhưng trời bất dung gian, Paul Bert lăn đùng ra chết! Lúc sống, để được việc, viên trùm thực dân dùng quyền uy tối thượng của mình đã qua mặt những thuộc cấp khác, cất nhắc một kẻ tay sai hợp ý mình, tất không khỏi phật lòng những đồng sự Pháp dưới quyền với kẻ “dưỡng tử hãnh tiến” này; Cũng như lũ người tay sai bản xứ đều muốn lập công với chủ, không thể không có sự kèn cựa bon chen; Ngay cả triều đình An Nam dù là lệ thuộc nhưng cũng chẳng ưa gì viên đại quan công giáo cậy quyền ỷ thế ngạo mạn hãnh tiến với cái vốn tây học tỏ ý khinh thị nền học vấn cổ lỗ Đông phương. Thượng cấp mới thay đổi liên tục, từ Thống đốc Bihourd, tiếp đến là Tổng đốc Toàn quyền (coi toàn xứ Đông Dương) đầu tiên là Constant. “Phận hồng nhan có mong manh, nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”! Bỗng nhiên Trương bị hẫng bởi không còn chỗ dựa, trở nên lạc lõng cô đơn giữa những ông chủ mới và đám quan lại Nam triều. Mặc dù Trương rất tự hào khoe công tích với nước mẹ Đại Pháp: “Vị vua trẻ (Đồng Khánh) hoàn toàn bị chinh phục bởi nước Pháp mà tôi đã dạy cho nhà vua biết và yêu thích tiếng Pháp. Cần phải lợi dụng những bản chất tuyệt hảo (?) và trung thành của nhà vua”. Nhưng quả báo nhãn tiền, trước hết “những cú đá của con lừa” từ các ông chủ thực dân dành cho viên đại quan Cơ mật viện do chính họ cài vào, dù quá biết rằng con người này đã: “đóng góp một phần tích cực vào sự bành trướng nền thống trị Pháp”. Trong khi các quan lại Nam triều thì coi ông là người nguy hiểm. Đặc vụ bị lộ mặt còn chi tác dụng! Trương từng phàn nàn trong thư gửi Toàn quyền Paul Bert: “Tôi bị nhiều kẻ đố kỵ, ngu ngốc và gian ác; họ có thể hành động và hiểu cách để phá hại tôi…” và chính Trương cũng nhận ra rằng: “Trong con mắt của đồng bào tôi, tôi đã bị lên án nặng nề!” Đúng là người dân Nam kỳ cũng rất tiếc một đứa con có tài mà “đi hoang” theo quan thầy Pháp. Một con người đa tài, lại đang có dịp đua tài giữa “hội phong vân” mà bị cú vấp đau đớn như vậy, có bất mãn hay không thì người viết không dám đặt điều ra nhưng buồn bã và chán nản hẳn là điều tất nhiên. Trương nại lý xin về Sài Gòn dưỡng bệnh. Nhưng trong thư gửi Bác sỹ Chavanne nói bóng gió là để “xa lánh sao Mộc cùng các vì sao lân cận”! Sau đó, nhà đương cuộc Pháp vẫn biết tài chính trị khôn ngoan xảo quyệt của Trương, có lần mời ông hợp tác. Nhưng một con người thông minh từng trải như Trương cũng học được như con chim biết sợ cành cong: “Về danh vọng bây giờ nó không còn cám dỗ con sư tử này đã già và mất hết sức mạnh rồi!” (Thư gửi Bác sỹ Chavanne)!

Từ năm 1887, gọi là về “ở ẩn” nhưng đã như là cái “nghiệp” với những người “chữ nghĩa”, Trương vẫn tiếp tục cầm bút và cho ra đời hàng chục đầu sách nhưng tựu chung không ngoài ba mục đích như đã nêu ở phần trên, nghĩa là nội dung của nó đều không đi ra ngoài chủ đích “nghiên cứu để cai trị” của người Pháp. Trước sau ông ta vẫn giữ đúng lời hứa mà có lúc vì lý do nào đó Trương đã từng xin từ chức: “Khi trở lại đời sống tư, lòng tôi luôn luôn thuộc về nước Pháp, và những công việc phục vụ nhỏ mọn của tôi cũng thuộc về nước Pháp… Người bề tôi tận tâm và vâng lời”. Trung thành là thế mà sao Trương không gia nhập quốc tịch Pháp? Ông đã chẳng giấu diếm gì mưu sâu ấy: “… Lúc đã gia nhập quốc tịch Pháp, tôi sẽ mất hết uy tín, mất thế lực, chẳng còn được vua, triều đình và dân chúng An Nam tín nhiệm nữa”! Và chính ông đã tự nhận: “Tôi không thể nào quên được lòng biết ơn với chính phủ chẳng những đã chiếu cố đến đứa con dưỡng tử, mà lại đem đến nguồn hạnh phúc tràn trề, nhất là lòng tin cẩn”. Cụ Phan Châu Trinh là người khảng khái, không đội trời chung với những kẻ ăn ở hai lòng: “Người có lòng với nước chẳng khi nào bắt cá hai tay được cả công lẫn lợi, và cả danh tiếng nữa. Nếu thế thì là quân giả dối cả”!

Trong cuốn “Pétrus Trương Vĩnh Ký nhìn từ những khía cạnh và nhận thức khác nhau” của nhiều nhà nghiên cứu đều chung nhận định. Mẫn Quốc: “Cái học vấn của Trương càng uyên bác bao nhiêu thì cái tác hại của Trương càng lớn bấy nhiêu, Trương đã tác động tinh thần đám quan lại và đám sĩ phu Việt Nam hãy đừng cưỡng lại người Pháp, nhằm mục đích gì? Đã bao phen Trương tận tụy trung thành, đem hết tâm tư, bầy mưu lập kế, hiến sách lược nọ, dâng đề nghị kia, chỉ vì giặc Pháp… Chúng tôi đặt ra câu hỏi: vì cớ gì mà Trương lại phản quốc, lại làm đặc vụ, tay sai, tình báo cho địch như vậy”? Phải chăng ông ta được nhà Dòng nuôi từ tấm bé và lời dạy trong Kinh phúc âm đã thấm vào máu thịt:“Nếu người nào vì ta (Giê-su) mà từ bỏ nhà cửa, bỏ anh em, bỏ chị em, bỏ cha mẹ, bỏ vợ con, bỏ ruộng vườn, bỏ đất nước thì sẽ được cứu rỗi trăm phần hơn và sẽ sống đời đời trên Thiên Đàng”. Chưa ai từng ở Thiên Đàng trở về thế gian này. Nhưng qua sơ tiếp buổi đầu, thấy mọi sự lạ ở mấy nước tư bản đang phát triển phương tây, cùng với những binh hùng, tướng mạnh, vũ khí tối tân, coi như bất khả kháng, làm khớp hồn những con chiên mới nhập đàn. La Mã, Paris, Barcélone có khác chi thiên đàng hạ giới! Việc mở mang nước Chúa với việc bành trướng thuộc địa chỉ đem lại sự thoát khỏi mọi bần cùng bế tắc của những kẻ khốn khổ nơi cùng trời cuối biển này! Trương Vĩnh Ký rất nóng lòng muốn Pháp đồng hóa dân tộc Việt Nam nhanh hơn và toàn diện hơn. Ngoài lương bổng hậu hĩnh, bên cạnh đó ông cũng sẽ kiếm được lợi nhuận do việc chính phủ thực dân Pháp bỏ tiền tài trợ và mua sách, ông sẽ phấn khởi và hăng hái hơn trong việc viết thêm các tác phẩm khác trong tương lai cho mục đích “đồng hóa” nói trên. Bùi Kha: “Từ những ý đồ và hành động chính trị, cho đến các công trình mang tính văn hóa nói chung của họ Trương, tất cả chỉ xoáy vào một mục đích duy nhất là phục vụ cho chính sách thực dân Pháp để nô lệ và đồng hóa dân tộc ta”. Nguyễn Đắc Xuân hạ bút: “Nếu lấy tiêu chí Việt gian dành để xếp những tên phản quốc Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải, Lê Hoan… vận dụng vào Trương Vĩnh Ký thì ta thấy Trương Vĩnh Ký vượt xa những nhà nho nêu trên. Lịch sử Việt Nam cận đại luôn luôn phải nhắc đến Trương Vĩnh Ký như một nhân vật phản diện điển hình. Đây là trường hợp có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Chúng ta cần phải nghiên cứu một cách nghiêm túc, đầy đủ để có một sự đánh giá đúng đắn về tội làm tay sai cho giặc của nhà bác học siêu hình, siêu Việt gian Trương Vĩnh Ký”. Nguyễn Sinh Duy giận mà thương: “Dù sao thì Trương vĩnh Ký cũng là một tài năng thực sự của đất nước cũng như của Nam kỳ nói riêng. Ông sống vào thời buổi cực kỳ gay cấn của nước nhà nhưng suy cho cùng thì không phải kiến thức định đoạt giá trị một con người mà chính là ở hành động của người ta”“Chỗ đứng của Trương vẻ vang và đồ sộ không phải trên văn đàn dân tộc Việt Nam, mà chính ở trong nền văn chương thuộc địa của người chính quốc”. Thiếu tướng hải quân P. Réveillère đã tham chiến ở Nam kỳ thời điểm ấy, từng đối đầu với các thủ lĩnh của nghĩa quân và triều đình, vô tư nhận xét: “Lấy công bình mà nói, chúng ta quý trọng một người bởi giá trị tinh thần nhiều hơn những kiến thức”.

Ông bà ta xưa, ngay từ buổi đầu cho con cháu cắp sách tới trường, không quên lời căn dặn: “Cho bay đi học chữ, học nghĩa”. Chữ và nghĩa phải tương xứng với nhau. Có nghĩa mà vô học là đồ vô dụng. Có chữ mà bất nghĩa cũng là đồ bỏ đi! Không điều nghĩa nào lớn hơn trách nhiệm với dân, với nước, nhất là lúc quốc gia vong biến. Những người được coi là “nguyên khí quốc gia” càng không thể quên điều ấy. Là kẻ sỹ phải thấm lời thầy Mạnh: “Phú quý bất năng dâm/ Bần tiện bất năng di/ Uy vũ bất năng khuất” (Giàu sang không làm siêu lòng/ Nghèo khó không làm nản chí/ Oai vũ không làm sờn gan). Học giả Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh kết câu ngắn gọn mà chính xác về con người này: “Nhân tài thất đức thờ bạo chúa”!

Sách Trương viết tràng giang đại hải như thế mà có một cuốn nào để đời truyền tụng?! Chỉ số ít người cần nghiên cứu mới đi tìm. Suốt một đời danh vọng, quyền quý mà cuối đời không được sống trong yên ổn, đau đáu trong lòng. Nhà “đại trí thức” họ Trương phô bày niềm u uẩn trong bài thơ tuyệt mệnh: 
“Quanh quanh quẩn quẩn lối đường quai
 Xô đẩy người vô giữa cuộc đời
Học thức giữ tên: con sách nát
Công danh rút cục: cái quan tài
Dạo hòn lũ kiến men chân bước
Bò xối con trùng chắc lưỡi hoài
Cuốn sổ bình sanh công với tội
Tìm nơi thẩm phán để thưa khai”!

Con người học rộng biết nhiều, sâu xa sắc sảo, những việc ông làm vì đấng Kito và vì Nhà nước bảo hộ rành rành được việc mà vẫn bị ông chủ lúc tin dùng, khi hắt hủi, lại không tránh được lời chê bai khắc nghiệt của người đời. Đến khi nằm xuống đúng theo cái luật tử sinh, dù cũng được người Pháp tưởng công bằng nghi thức tống biệt uy nghi: có lính tiêu binh, thổi kèn, bắn súng như người lính ngã xuống nơi chiến trận. Chẳng lẽ đã “trải qua một cuộc đời đẹp đẽ mà cũng lại có éo le bi tráng” (NN) mà “nhà đại văn hóa” chỉ để lại gọn lỏn một dòng: “Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi!” trên mộ chí?! Than ôi! Nỗi niềm tưởng đến mà đau! Hóa công sao nỡ phũ phàng? Những người “phượng chạ loan chung”, những người “tích lục tham hồng” của ông giờ đều xéo hết ráo về xứ trời Tây! Chỉ còn lại đồng bào khốn khổ của ông trên nước non nghìn xưa ông bà để lại, sẵn lòng hỷ-xả-từ-bi, thắp cho ông vài nén hương nhớ đến những ngày xanh ông mòn mỏi. Hẳn người dưới suối vàng đã hiểu ra: “Phận hồng nhan tự ngàn xưa, cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”!

Người viết chia sẻ với suy nghĩ của nhà giáo lão thành Trần Thanh Đạm: “Phản bội, phản quốc là tội danh chẳng kẻ náo dám nhận. Càng là người có học vấn, có tri thức mà sa vào con đường ấy thì càng có nhiều luận điệu bào chữa xảo trá, tinh vi. Đối với những nhân vật này lúc đương thời thì ranh giới phải trái thường khá rõ ràng. Song về sau do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là với những người cùng não trạng, sự đánh giá có khi lại trở nên phức tạp, rối rắm, gây nhiều tranh cãi. Như con người này, vào thời buổi ấy, với tài năng ấy, thân phận ấy, tâm tư ấy, để lại cho đời sau nhiều bài học. Như một tấm gương để tôn vinh cảm phục thì không, song để cảm thông xót thương thì có”.

VĨ THANH:
Ông Phan Thiệu Cơ – Đại tá QĐNDVN, cháu nội cụ Phan Bội Châu, cũng là đồng đội lớp đàn anh tôi. Có lúc anh em gặp mặt, chợt nhớ về tuổi thơ, ông trầm ngâm thuật lại: “Lúc chừng mười tuổi, được sống ở ngôi nhà Bến Ngự với ông nội. Cụ tuổi già, mắt mờ, chân chậm, tay run vậy mà vẫn có những người đáo quanh ngoài rào, láo liêng dòm dỏ cả ngày lẫn đêm. Một hôm, trời vừa nhập nhoạng, ông nội gọi thằng cháu ra vườn sau. Ông già, cháu dại hì hụi đào một cái hố bên bụi chuối gần mộ hai con chó rồi lễ mễ khiêng cái thùng sắt tây phủ kín, vùi xuống đấy. Thằng cháu nhăn nhó làm theo ông mà một tay bịt mũi, miệng nhổ phì phì… Mới sớm hôm sau, chưa tỏ mặt người đã thấy một lũ đầu trâu mặt ngựa tay mai tay cuốc ào ào nhâng nháo xăm xăm xông xáo vào vườn hầm hè tự nhiên đào bới… Lúc sau bọn người ấy la tóang lên, khạc nhổ bừa bãi om sòm rồi kéo nhau cun cút cắm đầu tháo lui trong khi ông nội ung dung ngồi trên phản uống trà và thằng cháu chổng mông bên bếp lửa. Thì ra chúng khui lên được một thùng chất… thải của người chứ không phải là thứ gì quốc cấm! Trong bọn họ có mấy người tay bưng mũi miệng, chúi đầu tò mò trố mắt đọc những dòng chữ khắc ghi trên bia mộ hai con chó nằm bên:
Khuyển Vá: Vì có dũng nên liều chết phấn đấu,
vì có nghĩa nên trung thành với chủ!
Khuyển Ky: Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trong giống súc mà người,
e đến mày mới thấy!
Trung-Dũng-Trí-Nghĩa-Nhân là những đức tính đấng đại trượng phu không thể thiếu. Bây giờ “nhà văn hóa” Nguyên Ngọc và chúng bạn hè nhau hân hoan “rước vào ngôi đền Panthéon của chúng ta ba vị Trương Vĩnh Ký, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh” để tôn vinh! Thêm một nhân vật lịch sử xứng đáng là thêm một niềm tự hào cho dân tộc. Nhưng lẫn lộn trong những danh nhân một con người bất chính bất minh sẽ làm giảm đi giá trị truyền thống dựng nước và giữ nước đầy gian truân cùng với niềm tự hào dân tộc, thậm chí làm giảm đi tính giáo dục cho những lớp hậu sinh. Trương Vĩnh Ký là nhân vật có diện mạo khá đặc biệt trong lịch sử Việt Nam cận đại. Sự đặc biệt ấy không phải do đương sự tạo nên mà do giới cầm quyền thực dân đô hộ kết hợp với giáo hội Thiên chúa tô vẽ cho ông nhằm đánh lạc hướng tinh thần yêu nước của người bản xứ. Sau này, các thế lực chính trị đủ màu sắc lại dựa vào đấy nhằm phụ họa cho những ý đồ riêng của họ. Chẳng lẽ trước “nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc” như tuyên ngôn của Văn đoàn độc lập, mà nay ông chủ tịch làm một cú “phục hưng thất nhân tâm” như thế?! Thực ra thì tại Điện Panthéon hay còn gọi là Temple de la Gloire (Đền vinh danh), nhiều danh nhân văn hóa và công thần lớn của nước Pháp cũng không nằm trong đó, như: Napoléon Bonapart, Decartes, Galois, A. Dumas, A. Daudet, A. Musset, Charles de Gaul, Francois Mitterrand… Ông Nguyên Ngọc chỉ vin cớ đó để thực hiên mưu đồ chính trị hiểm độc mà thôi.

Cụ Tây Hồ và cụ Sào Nam suốt đời quên mình vì nghĩa lớn, một lòng quý trọng lẫn nhau. Dù sao thì chủ thuyết “đề huề khai dân trí” với chủ thuyết “bạo lực giành độc lập”, chẳng thể dung được với nhau. Ví như thịt gà chấm với mù tạt. Sách ẩm thực ghi: “Thịt gà vị ngọt tính ôn mà dùng chung với mù tạt là thứ bột cay, tính nhiệt mạnh, làm chảy nước mắt, sẽ gây tổn thương nguyên khí”! Hai thứ đã kỵ nhau, lại thêm thứ mắm tôm vào! Ông nhà văn già trổ tài đầu bếp cho ra cái món lẩu “tạp pí lù” này liệu có làm bất ổn tỳ vị những quý thực khách quá tin ông?!

Nguyễn Văn Thịnh
Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Số đặc biệt 30 Tháng 4 năm 2015

Tư liệu trong bài viết được dùng theo:
– Trương Vĩnh Ký, cuốn sổ bình sinh
(Nguyễn Sinh Duy-NXB Nam Sơn–
Sài Gòn–Tháng 3/1975).
– Pétrus Ký từ những nhận thức khác nhau
(Nhiều tác giả – Giao điểm 2002)
– Bài lấy trên Sách hiếm net của Trần Chung Ngọc,
Bùi Kha, Vũ Ngự Chiêu…

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍