Để tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa CIA và đời cha (Al-Qeada), đời ông (Taliban) của ISIL, xin giới thiệu với các bạn bài viết “CIA đã tạo ra Osama bin Laden như thế nào?” của Norm Dixon, do Diehard cat dịch. Qua đó, chúng ta sẽ thấy phần nào mối quan hệ chằng chịt giữa chủ nghĩa đế quốc với các thế lực cực đoan mà chúng đã “gián tiếp đẻ ra một cách cố tình” vì lợi ích sâu xa của chúng.
LGT: Các bạn có lấy làm lạ tại sao Mỹ rất rõ ràng về mạng lưới Al Qeada và Osama bin Laden? Vì chính CIA và cơ quan tình báo ISI của Pakistan đã đào tạo, giúp đỡ tổ chức và tài trợ, cung cấp vũ khí cho phong trào “Mujaheddin”, mà Al Qeada là một phần sau này của nó. Khi những người Hồi giáo cực đoan làm một cuộc “thánh chiến” chống quân “ngoại đạo” LB Xô Viết và chính quyền Afghanistan ở thập niên 80 bằng những hành động khủng bố thì họ được Mỹ cho tiền và TT Mỹ Reagan ca ngợi là “những chiến sĩ tự do”. Nhưng khi cũng chính những người này muốn đuổi lính Mỹ ra khỏi Saudi Arabia bằng những hành động tấn công lính Mỹ trong vùng những nước Hồi giáo thì họ bị Mỹ gọi là “bọn khủng bố”!
Thêm một thí dụ nữa về lối suy nghĩ của đế quốc: Thánh chiến đuổi LBXV ra khỏi đất Hồi là “anh hùng”. Thánh chiến đuổi Mỹ ra khỏi đất Hồi là “khủng bố”!
‘Đi đêm sẽ có ngày gặp ma’. Những mưu ma chước quỉ mà chính quyền Mỹ nghĩ ra để hại người và phục vụ những ý đồ chiến lược giữ chặt thế giới trong lòng bàn tay của đại tư bản Mỹ – Anh sẽ có ngày trở ngược lại tấn công nước Mỹ. Nhưng những người chịu hậu quả lại là dân thường và tiền thuế của họ. Họ phải nai lưng ra làm để trả nợ cho những cuộc chiến tranh, và những chiến binh đổ máu là con cái của họ chứ không phải của những nhà tư bản đã quyết định đưa họ vào những cuộc phiêu lưu quân sự đẫm máu đó.
Bài sau đây sẽ cho thấy đầu đuôi việc Mỹ giúp tạo dựng thế lực và hợp tác với tổ chức của bin Laden như thế nào. Chú ý, trong phần trích dẫn phát biểu của TT Mỹ ngay đầu bài, ông ta cũng gọi Khơ-me Đỏ là “những chiến sĩ tự do” luôn. Vì sao? Vì lúc đó Mỹ, Anh và Trung Quốc cũng đang ủng hộ Khơ-me Đỏ chống lại quân đội Việt Nam trên đất Kampuchea, SAU KHI cả thế giới đã biết được những hành động diệt chủng dã man của Khơ-me Đỏ.
————————————————————-
CIA đã tạo ra Osama bin Laden như thế nào
19/9/2001
Bời Norm Dixon
“Trên khắp thế giới … những kẻ cộng tác, chư hầu và vệ tinh của nó đang ở trong tư thế bị động — bị động về đạo đức, bị động về trí tuệ, bị động về chính trị và kinh tế. Những phong trào tự do đã được dấy lên và tự khẳng định. Họ đang làm như vậy trên hầu hết những lục địa có người ở — trên những ngọn đồi ở Afghanistan, ở Angola, ở Kampuchea, và ở Trung Mỹ … [Họ là] những chiến sĩ tự do.”
Đây có phải là lời kêu gọi jihad (thánh chiến) được trích ra từ một trong những fatwa (bản văn chỉ thị của tu sĩ Hồi giáo) nổi tiếng của người theo Hồi giáo giáo điều Osama bin Laden? Hay có thể là một thông điệp của chế độ áp bức của Taliban ở Kabul?
Thực ra, lời đề cao sáng giá này là cho những kẻ lạm sát hôm nay đang ủng hộ trùm khủng bố tinh quái Bin Laden và những đồng phạm trong Taliban, và cuộc thánh chiến của họ chống lại “đế quốc ma quỉ”, được tuyên bố bởi TT Mỹ Ronald Reagan vào 8/3/1985. “Đế quốc ma quỉ” đó là LB Xô Viết, cùng với những phong trào trong Thế giới Thứ III đánh đuổi chủ nghĩa thực dân do Mỹ chống lưng, chế độ kỳ thị chủng tộc, và độc tài.
Mọi thứ đã thay đổi đến kinh ngạc. Sau hàng loạt những vụ thảm sát do khủng bố — vụ hèn hạ nhất là vụ giết tập thể 6000 người đang làm việc ở New York và Washington vào ngày 11/9, “chiến sĩ tự do” Bin Laden đã bị lãnh đạo Mỹ và truyền thông chính thức phương Tây đưa xuống làm “tên đầu sỏ khủng bố” và “tên làm việc cho ma quỉ”. (vì bài này tác giả viết vào ngày 19/9/2001, 8 ngày sau vụ khủng bố nên con số thiệt hại nhân mạng chính thức được công bố lúc đó là 6000 người).
Chính quyền Mỹ đã từ chối không chịu nhìn nhận vai trò trung tâm của họ trong việc gầy dựng ra cái phong trào ác độc đã tạo ra Bin Laden, Taliban, và đám khủng bố theo Hồi giáo giáo điều, gieo rắc tai họa ở Algeria, Egypt — và có lẽ là cả cái thảm họa làm sụp đổ New York.
Truyền thông chính thức cũng đã phớt lờ nguồn gốc của Bin Laden và nhãn hiện Hồi giáo giáo điều độc hại của ông ta.
Một bài báo năm 1993 trên tờ Independent ca ngợi Bin Laden là chiến binh chống Liên Xô và ông đang đưa quân đội của mình đến với hòa bình. |
Mujaheddin
Tháng 4, 1978, Đảng Dân Chủ Nhân Dân của Afghanistan (PDPA) cướp chính quyền ở Afghanistan. Đó là hành động phản ứng trước sự đàn áp thẳng tay của chính quyền hà khắc nước này đối với họ.
PDPA đã quyết tâm theo đuổi một chính sách cải cách ruộng đất triệt để có lợi cho nông dân, quyền lợi công đoàn, mở rộng giáo dục và dịch vụ xã hội, bình đẳng cho phụ nữ và sự tách biệt giữa tôn giáo và chính quyền. PDPA cũng ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Afghanistan và LBXV.
Những chính sách như trên đã làm cho các chủ đất nửa phong kiến giàu có giận dữ, những người thuộc hệ thống tổ chức Hồi giáo (nhiều giáo sĩ cũng là chủ đất lớn), và thủ lĩnh các bộ lạc. Họ ngay lập tức bắt đầu tổ chức hoạt động chống lại những chính sách tiến bộ đó của chính quyền, dưới hình thức bảo vệ Hồi giáo.
Washington, lo sợ ảnh hưởng của LBXV lan truyền (và tệ hơn nữa là thí dụ cấp tiến của chính quyền mới) đến đồng minh của họ ở Pakistan, Iran, và những nước vùng Vịnh, nên đã ngay lập tức lên tiếng ủng hộ mujaheddin ở Afghanistan, tổ chức chống đối đã được biết đến với cái tên như vậy.
Theo sau một cuộc tranh giành quyền lực bên trong PDPA vào tháng 12/1979 đã lật đổ lãnh đạo Afghanistan, hàng ngàn quân Xô Viết đã tiến vào nước này để ngăn chặn sự sụp đổ của chính quyền mới. Việc này càng kích động thêm cho những nhóm giáo điều ô hợp. Cuộc thánh chiến phản động bây giờ đạt được chính danh là một cuộc đấu tranh “giải phóng quốc gia” trong mắt của nhiều người Afghanistan.
LBXV cuối cùng phải rút khỏi Afghanistan năm 1989 và mujaheddin chiếm lại thủ đô Kabul năm 1992.
Từ 1978 tới 1992, chính phủ Mỹ đã đổ vào ít nhất 6 tỉ USD (có vài ước tính lên đến 20 tỉ USD) giá trị vũ khí, huấn luyện và tài trợ để đưa những nhóm mujaheddin lên. Các chính phủ phương Tây khác, cùng với Saudi Arabia, cũng đóng góp vào đó. Những người Arab cực đoan giàu có, như Osama bin Laden, cũng ủng hộ hàng triệu USD nữa.
Chính sách của Washington ở Afghanistan được thành hình bởi cố vấn an ninh quốc gia, Zbigniew Brzezinski, dưới thời TT Mỹ Jimmy Carter, và được tiếp tục bởi những người kế nhiệm của ông ta. Kế hoạch của ông ta đi quá mức độ đơn giản là buộc quân Xô Viết rút lui; nó nhắm vào việc nuôi dưỡng một phong trào quốc tế làm lan rộng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan vào những nước cộng hòa Xô Viết Hồi giáo Trung Á để làm suy yếu LBXV.
Kế hoạch vĩ đại đó của Brzezinski trùng hợp với tham vọng của nhà độc tài quân sự Pakistan, Tướng Zia ul-Haq, muốn khống chế khu vực đó. Đài Radio Liberty ở Mỹ và Radio Free Europe phát thanh những đả kích của Hồi giáo giáo điều khắp Trung Á (trong khi lại lên án “cuộc cách mạng Hồi giáo” lật đổ vương quyền Shah thân Mỹ ở Iran năm 1979).
Mujaheddin, tổ chức được Washington yêu mến, là một trong những nhóm cực đoan nhất, cầm đầu bởi Gulbuddin Hekmatyar. Sự chán ghét của phương Tây đối với khủng bố không áp dụng cho người “chiến sĩ tự do” ghê tởm này. Hekmatyar nổi tiếng trong thập niên 70 về hành động tạt acid vào mặt của những phụ nữ từ chối không đeo mạng che mặt.
Sau khi mujaheddin lấy Kabul năm 1992, lực lượng của Hekmatyar bắn tên lửa do Mỹ cung cấp vào thành phố này — làm chết ít nhất 2000 thường dân — cho tới khi chính phủ mới đồng ý nhường ông ta chiếc ghế thủ tướng. Osama bin Laden là một cộng tác gần gũi với Hekyatmar và nhóm của ông ta.
Hekmatyar cũng nổi tiếng với nghề tay trái là trồng trọt và vận chuyển thuốc phiện. Sự ủng hộ mujaheddin trùng hợp với sự bùng phát buôn bán ma túy. Trong vòng hai năm, khu vực biên giới Afghanistan và Pakistan là nguồn cung cấp đơn độc lớn nhất về heroin, cung cấp cho 60% người dùng ma túy ở Mỹ.
Năm 1995, cựu chỉ huy kế hoạch ở Afghanistan của CIA đã không ân hận nói về sự bùng nổ của dòng chảy ma túy: “Nhiệm vụ chính của chúng ta là gây thiệt hại càng nhiều càng tốt cho quân Xô Viết… Có hậu quả phụ là ma túy, đúng. Nhưng mục tiêu chính đã hoàn thành. Quân Xô Viết đã rời Afghanistan.”
Chế tạo tại nước Mỹ
Theo Ahmed Rashid, một phóng viên của tờ Far Eastern Economic Review, vào năm 1986 chỉ huy CIA William Casey cam kết sự ủng hộ của CIA cho một dự án từ lâu của ISI về việc tuyển mộ người trên khắp thế giới để gia nhập jihad ở Afghanistan. Ít nhất có 100.000 người vũ trang Hồi giáo tụ tập về Pakistan từ 1982 đến 1992 (khoảng 60.000 vào học những trường giáo điều ở Pakistan mà không cần thiết tham gia đánh nhau).
John Cooley, một nhà báo từng làm việc cho hệ thống truyền hình ABC của Mỹ và tác giả của cuốn sách Unholy Wars: Afghanistan, America and International Terrorism, đã từng cho biết người Hồi giáo được tuyển mộ ở Mỹ cho mujaheddin được gửi tới Trại Peary, trại huấn luyện gián điệp của CIA ở Virginia, nơi mà thanh niên Afghanistan, Arab từ Egypt và Jordan, và ngay cả vài người Mỹ gốc Phi “người Hồi giáo da đen” được dạy “kỹ năng phá hoại”.
Tờ báo Anh Independent số 1/11/1998 cho biết một trong những bị can trong vụ đánh bom tòa đại sứ Mỹ ở Kenya và Tanzania, Ali Mohammed, đã huấn luyện “đặc vụ của bin Laden” vào năm 1989.
Những “đặc vụ” này được tuyển mộ tại Trung tâm Tị nạn al Kifah ở Brooklyn, New York, được huấn luyện bán quân sự ở vùng New York và gửi tới Afghanistan với sự giúp đỡ của Mỹ để gia nhập lực lượng của Hekmatyar. Mohammed là thành viên của lực lượng tinh nhuệ Green Berets của lục quân Mỹ.
Chương trình này, theo báo Independent, nằm trong một kế hoạch được Washington chấp thuận gọi là “Chiến dịch Cyclone”.
Ở Pakistan, lính mới, tiền và trang bị được chia cho những nhóm mujaheddin bởi một tổ chức với cái tên Maktab al Khidamar (Văn phòng Phục vụ — MAK).
MAK là một cơ quan thuộc chi nhánh CIA ở Pakistan, và Ban Giám đốc Liên Cục Tình báo [Inter-Service Intelligence Directorate (ISI) của Pakistan]. ISI là nơi nhận đầu tiên khối lượng rất lớn viện trợ bí mật cho lực lượng chống đối Afghanistan. Bin Laden là một trong ba người điều hành MAK. Đến 1989, ông ta nhận lãnh toàn bộ quyền kiểm soát MAK.
Trong số những người được huấn luyện bởi Mohammed có El Sayyid Nosair, người đã bị bắt giam năm 1995 vì tội giết Rabbi (giáo sĩ Do thái giáo) cánh hữu Meir Kahane và tội cùng với người khác lên kế hoạch đánh bom những công trình biểu tượng ở New York, trong đó có Trung tâm Thương mại Thế giới năm 1993.
Báo Independent cũng cho rằng Shiekh Omar Abdel-Rahman, một lãnh đạo tôn giáo người Ai-Cập bị giam vì vụ đánh bom Trung tâm Thương mại TG 1993, cũng là một phần tử cũ của Chiến dịch Cyclone. Ông này vào Mỹ năm 1990 với sự chấp thuận của CIA. Một báo cáo mật của CIA kết luận rằng cơ quan này “có một phần lỗi” trong vụ nổ WTC năm 1993, cũng theo tờ Independent.
Bin Laden
Osama bin Laden, một trong 20 con trai của một trùm tư bản ngành xây dựng Saudi Arabia, đến Afghanistan để tham gia jihad (thánh chiến) năm 1980. Một người theo tôn giáo cực đoan nghiêm khắc và nhà tư bản lớn, bin Laden chuyên về việc tuyển mộ, tài trợ và huấn luyện khoảng 35.000 lính đánh thuê người nước ngoài vào Afghanistan tham gia mujaheddin.
Bin Laden |
Gia đình bin Laden là một cột trụ chính của tầng lớp thống trị ở Saudi Arabia, có quan hệ gần gũi về cá nhân, tài chính, và chính trị với hoàng gia thân Mỹ ở nước đó.
Cha bin Laden là bộ trưởng trông coi công trình công cộng được chỉ định và quí mến bởi Vua Faisal. Bộ trưởng khi mới nhận việc đã giao cho chính công ty xây dựng của ông ta những hợp đồng béo bở trùng tu các đền thờ Hồi giáo quan trọng nhất ở Mecca và Medina. Trong tiến trình đó, công ty của gia đình bin Laden vào năm 1966 đã trở thành công ty xây dựng riêng (không thuộc tập đoàn, không phát hành chứng khoán) lớn nhất thế giới.
Cha của Osama bin Laden mất năm 1968. Cho đến năm 1994, ông ta vẫn có tiền chia từ lợi nhuận của đế quốc thương mại đang đi xuống đó.
(Tài sản thường được ước tính của bin Laden khoảng 200-300 triệu USD bởi Bộ Ngoại Giao Mỹ là dùng trị giá tài sản của gia đình bin Laden — khoảng 5 tỉ USD — chia cho số con trai của bin Laden cha. Một sự thật ít khi được nhắc đến là vào 1994, gia đình bin Laden từ Osama đã không thừa nhận Bin Laden giành kiểm soát phần của ông ta.)
Hoạt động quân sự và thương mại của Osama ở Afghanistan được sự phò trợ của đại gia đình bin Laden và chính quyền phản động Saudi Arabia. Quan hệ làm việc gần gũi với MAK cũng có nghĩa là CIA biết rõ những hoạt động của ông ta.
Milt Bearden, trưởng trạm của CIA ở Pakistan từ 1986 đến 1989, thừa nhận với tờ New Yorker số ra ngày 24/1/2000 rằng trong khi ông ta chưa bao giờ gặp tận mặt bin Laden, “Tôi có biết sự hiện hữu của ông ta không? Có, tôi biết … [Người như] bin Laden lúc đó đem vào khoảng 20-25 triệu USD một tháng từ những người Saudi và Arab vùng Vịnh để tài trợ cuộc chiến. Và đó là số tiền rất lớn. Khoảng 200-300 triệu thêm cho một năm. Và đây là những việc bin Laden làm.”
Năm 1986, bin Laden đem thiết bị xây dựng hạng nặng từ Saudi Arabia đến Afghanistan. Dùng kiến thức dồi dào của mình về kỹ thuật xây dựng (ông ta có bằng cấp về kỹ sư công chính), đã xây dựng những “trại huấn luyện”, một số đào sâu vào sườn núi, và làm đường dẫn vào đó.
Những trại này, bây giờ được gọi là “những trường đại học khủng bố” bởi Washington, đã được xây dựng với sự hợp tác của ISI và CIA. Lực lượng kháng chiến Afghanistan, bao gồm cả hàng chục ngàn lính đánh thuê được tuyển mộ và trả lương bởi bin Laden, đã được CIA, Pakistan, Mỹ và Anh trang bị vũ khí và cung cấp huấn luyện viên quân sự.
Tom Carew, cựu quân nhân trong lực lượng đặc biệt SAS của Anh, người từng chiến đấu một cách bí mật cho mujaheddin nói với tờ báo Anh Observer, số ra ngày 13/8/2000 rằng, “Người Mỹ tỉ mỉ khi dạy người Afghanistan kỹ thuật khủng bố thành thị — đánh bom bằng xe và v.v…— để họ có thể đánh người Nga ở trong những phố thị chính … Nhiều người trong số họ bây giờ đã dùng những kiến thức và chuyên môn đó để gây chiến tranh với bất cứ những gì họ ghét”.
Al Qaeda (nền tảng), tổ chức của bin Laden, được thành lập vào 1987-88 để điều hành các trại và những cộng việc làm ăn khác. Nó là một công ty cổ phần tư bản điều hành chặt chẽ — mặc dù nó kết hợp những hoạt động của một lực lượng lính đánh thuê và những dịch vụ hỗ trợ có liên quan với những hoạt động thương mại “chính đáng”.
Sau khi quân Xô Viết rút lui, bin Laden vẫn tiếp tục làm những công việc mà ông ta đã làm trong thời những năm 1980 — tài trợ, nuôi dưỡng và huấn luyện lính đánh thuê. Cái khác biệt là khách hàng của ông ta không còn là ISI, đứng sau lưng là CIA, mà là chính quyền phản động Taliban.
Bin Laden chỉ trở thành một “tên khủng bố” trong mắt của Mỹ khi ông ta không đồng thuận với hoàng gia Saudi Arabia về việc họ cho phép hơn 540.000 lính Mỹ đóng quân trên đất Saudi theo sau cuộc xâm lược của Iraq vào Kuwait.
Sau khi Cuộc chiến vùng Vịnh đó kết thúc, hàng ngàn quân Mỹ đã không rời khỏi Saudi Arabia, sự tức giận của bin Laden trở thành việc chống đối ra mặt. Ông ta tuyên bố rằng Saudi Arabia và những chế độ khác — như là Ai Cập — trong vùng Trung Đông là bù nhìn của Mỹ, cũng giống như chính quyền PDPA của Afghanistan đã từng là bù nhìn của LBXV.
Ông ta kêu gọi lật đổ những chế độ chư hầu đó và tuyên bố trách nhiệm của toàn thể người Hồi giáo là đuổi Mỹ ra khỏi những quốc gia vùng Vịnh. Năm 1994, ông ta bị tước quốc tịch Saudi và buộc phải rời khỏi nước này. Tài sản của ông ta ở đó bị đóng băng.
Sau một thời gian ở Sudan, ông ta trở lại Afghanistan vào tháng 5/1996. Ông ta cho sửa chữa lại những trại mình đã giúp xây dựng trong thời chiến tranh với Nga và muốn đóng góp cơ sở, dịch vụ, và hàng ngàn lính đánh thuê cho lực lượng Taliban, nhóm lên nắm chính quyền vào tháng 9.
Hôm nay, quân đội riêng của bin Laden, gồm những người ngoài quốc tịch Afghanistan theo tôn giáo cực đoan, là một cột trụ chính của chế độ Taliban [vào thời điểm tác giả viết bài này].
Trước cuộc tấn công thảm khốc 11/9 vào tháp đôi của WTC, giới lãnh đạo Mỹ vẫn không tỏ ra hối hận gì về hậu quả của những giao dịch bẩn thỉu của họ với loại như bin Laden, Hekmatyar, và lực lượng Taliban. Từ sau cuộc tấn công tệ hại đó, họ lại tỏ ra hết sức là đạo đức giả.
Trong một báo cáo ngày 28/8/1998, được đăng tải trên đài MSNBC, Michael Moran trích lời Thượng nghị sĩ Orrin Hatch, một thành viên cao cấp của Ủy ban Tình báo Thượng viện, nơi đã chấp thuận những giao dịch với mujaheddin, nói rằng ông ta sẽ “quyết định giống như vậy một lần nữa”, ngay cả khi biết rằng bin Laden sẽ trở thành như vậy.
“Nó đáng như vậy. Đó là những việc làm rất quan trọng, then chốt đã đóng một vai trò quan trọng trong sự sụp đổ của LBXV.”
Ông Hatch hôm nay là một trong những tiếng nói hăng hái nhất đòi trả thù quân sự.
Một bộ mặt khác thường xuất hiện trên TV sau vụ tấn công là Vincent Cannistrano, được giới thiệu là một cựu chỉ huy CIA chuyên trách về “những hoạt động chống khủng bố”.
Cannistrano dĩ nhiên là một chuyên gia về những nhân vật khủng bố như bin Laden, bởi vì ông ta đã từng chỉ đạo “công việc” của họ. Ông ta đã từng dẫn dắt lực lượng kháng chiến Nicaragua hậu thuẫn bởi CIA những năm đầu thập niên 1980. Vào 1984, ông ta trở thành người giám sát viện trợ bí mật của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa kỳ cho mujaheddin ở Afghanistan.
Để thay lời kết bài viết là phát biểu của Zbigniew Brzezinski: “Chuyện gì quan trọng hơn trong cách nhìn của thế giới về lịch sử? Taliban hay là sự sụp đổ của Liên Bang Xô Viết? Một vài bất ổn từ người Hồi giáo hay sự giải phóng Trung Âu và kết thúc Chiến tranh Lạnh?”
Nguồn: blog Meo Meo
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍