1. “Đại tướng quân”?
Sau khi ông Hải được Hoàng gia Campuchia tặng thưởng huân chương, một số báo Việt Nam với bản chất la liếm của mình thay nhau tung hô ông Hải thành một “Đại tướng quân” như thể ông thực sự là một quan chức cấp cao của quân đội Campuchia. Không rõ đây là sự ấu trĩ, thô thiển của người làm báo hay là một trò “hô phong hoán vũ” để câu khách và “xỏ mũi” dư luận như thói quen của họ?
Huân chương của cha con ông Hải nhận được thực chất là một loại huân chương hữu nghị của Hoàng gia Campuchia, có tên tiếng Anh là “The Royal Order of Sahametrei”. Huân chương này được dùng để trao tặng cho những cá nhân, tổ chức nước ngoài có những đóng góp nhất định cho vương quốc Campuchia, trên mọi lĩnh vực. Đây là một hệ thống khen thưởng có từ thời Pháp thuộc và “nhái” theo “Bắc đẩu bội tinh” của Pháp. Khởi thủy của Bắc Đẩu Bội Tinh là do Naponelon lập ra để tặng thưởng cho những cá nhân hoặc tổ chức (cả dân sự và quân sự) có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp. Những người được tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh sẽ trở thành một thành viên trong Légion d’honneur (đội quân danh dự). Vì theo hình thức một đội quân thời phong kiến ở phương tây và cho những người “có đóng góp”, những cấp bậc của hệ thống huân chương này tượng trưng cho các cấp bậc chỉ huy trong quân đội phong kiến & theo nghĩa là “đội quân hiệp sỹ” (nhưng là danh dự – “có tiếng mà không có miếng”). Huân chương này được chia làm 5 cấp như sau:
1. Grand croix / Grand cross (Moha Serivodho or Mohasereivadh) – Tạm dịch “đại thập tự”, hiểu là huân chương hữu nghị hạng nhất.
2. Grand officier / Grand officer (Vorsenea) – Tạm dịch “sỹ quan cao cấp”, hiểu là huân chương hữu nghị hạng nhì.
3. Commandeur / Commander (Thipden) – Tạm dịch “chỉ huy”, hiểu là huân chương hữu nghị hạng ba.
4. Officier / Officer (Senea) – Tạm dịch “sỹ quan”, hiểu là huân chương hữu nghị hạng tư.
5. Chevalier / Knight (Assarutti) – Tạm dịch “hiệp sỹ”, hiểu là huân chương hữu nghị hạng năm.
Cha con ông Hải được tặng thưởng loại thứ 2, chẳng hiểu sao được “chuyển ngữ” thành Đại tướng quân? Hãy xem những gì mà báo chí thổi phồng dưới đây có lố bịch không?
Và cha con ông Hải đã được Thủ tướng Campuchia Hun Sen trao tặng “Huân chương Đại tướng quân” – Huân chương cao quý nhất của Hoàng gia Campuchia (Lao Động – ngày 14/11/2014).
Ông Hải thật thà cho biết, số tiền đi kèm huân chương chỉ có vài ngàn USD. Tuy nhiên, sau khi phong tướng, cả gia đình ông được biệt đãi rất trịnh trọng. Cuộc sống, sinh hoạt của gia đình ông hưởng đúng tiêu chuẩn cấp tướng. (Một thế giới – ngày 13/11/2014).
Ngay cái tiêu chí đầu tiên của nghề làm báo là TRUNG THỰC, xem ra đã chẳng có báo nào thực hiện nổi!
Huân chương cha con ông Hải nhận được là loại Grand officier |
2. Giá trị của “Đại tướng quân”
Vì là huân chương hữu nghị nên mục đích chính của nó là ghi nhận sự đóng góp của người được tặng thưởng đối với hoàng gia, chính phủ hoặc nhân dân Campuchia. Giá trị tiền thưởng khoảng “vài ngàn USD” (như ông Hải thổ lộ). Và không chỉ cha con ông Hải mà trước đó có rất nhiều người Việt Nam đã từng được tặng thưởng loại huân chương này (nhưng có lẽ không đủ “thơm” để các “lều báo” la liếm!). Ví dụ:
– Gần đây nhất, tháng 9/2014, huân chương này được trao cho các ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam; ông Vũ Mão, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia; ông Đào Xuân Cần, Chủ nhiệm Liên minh hợp tác xã Việt Nam; ông Nguyễn Hải Giang, Phó Chủ nhiệm Liên minh hợp tác xã Việt Nam; Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Tổng Thư ký Giáo hội phật giáo Việt Nam và ông Lý Quang Bích, Phó Tổng Thư ký Hội hữu nghị Việt Nam-Campuchia. (http://www.vietnamplus.vn/don-nhan-huan-chuong-do-vuong-quoc-campuchia-trao-tang/279738.vnp)
– Tháng 7/2012, 5 cá nhân và tập thể ở Kon Tum được trao tặng huân chương này “vì đã có những đóng góp quan trọng trong việc củng cố, xây dựng và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện láng giềng tốt đẹp Việt Nam và Campuchia, giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Rattanakiri”. (http://dantri.com.vn/chinh-tri/campuchia-trao-tang-huan-chuong-huu-nghi-cho-5-ca-nhan-tap-the-tinh-kon-tum-618460.htm).
– Doanh nhân, cựu chiến binh Phạm Đức Quảng đã có nhiều đóng góp về kinh tế cho Campuchia nên “là một trong số các doanh nhân đầu tiên của Việt Nam được nhà Vua và Chính phủ Hoàng gia Campuchia trao tặng phần thưởng cao quý: Huân chương Đại Hiệp Sĩ và tên anh được đặt cho một con đường khu vực Bộ Tư lệnh cảnh vệ, tại Phnôm Pênh” (http://www.cuuchienbinhtphcm.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=212:nho-cau-giup-ban-la-tu-giup-minh&catid=82:gng-ngi-tt-vic-tt&Itemid=192).
……
Và theo thông tin “bên lề” của một số người có kinh nghiệm về Campuchia thì bạn chỉ cần một khoản tiền kha khá là có thể “mua” được một cái danh “tướng quân” bên Campuchia để được “hai bên có lính hầu đi dẹp đường” rồi đó. Các “lều báo” Việt ta lắm tiền, thử một lần xem sao?! 😀
3. Giá trị sử dụng của “xe thiếp giáp ông Hải”
Đã có nhiều bài trên các mạng xã hội phân tích về khía cạnh tính khả dụng của các xe mà ông Hải sửa chữa, “chế tạo” trong quân sự. Một trong những bài đó, bạn có thể tham khảo tại đây. Tuy nhiên, dù không phải là người có chuyên môn về quân giới, cơ khí nhưng tôi cũng xin nói thêm vài lời về những điều mà chỉ cần “nhìn ảnh, đọc báo” cũng biết. Trước hết, cần lưu ý rằng thông tin về việc cha con ông Hải sửa chữa, “chế tạo” xe thiết giáp tại Campuchia chỉ đến từ phía ông Hải và báo chí Việt Nam và được một số trang tiếng Anh đăng tải lại, nên chúng ta không có được sự đánh giá cụ thể, nghiêm túc và khoa học từ những người có chuyên môn.
Thứ nhất, ông Hải nói “nhiều xe bọc thép của họ hư hỏng, không khởi động được”, “rất nhiều chuyên gia, kỹ sư từ Ukraina, Nga và cả Việt Nam sang sửa chữa cũng không được”. Tôi không phải là không muốn tin vào những điều ông nói nhưng quả thực tôi rất thắc mắc là ở Nga, ở Ukraina họ sản xuất ra loại xe này và hàng ngày vẫn sản xuất ra các loại chiến xa tân tiến hơn, nhẽ nào họ không làm nổi cái việc cho động cơ khởi động? Về Việt Nam, xin mời ai nghi ngờ thì cứ lên google, gõ từ khóa về “nâng cấp tăng thiết giáp” thì thấy các đơn vị quốc phòng VN đang làm những gì (mà chỉ là “bề nổi” thôi nhé!).
Thứ hai, ông Hải nói về việc thay động cơ xăng bằng động cơ dầu diezel. Như vậy, ông Hải đã làm cái việc mà “rất nhiều chuyên gia, kỹ sư từ Ukraina, Nga và cả Việt Nam sang sửa chữa cũng không được”, tức làm cho xe chạy được, bằng cách “thay động cơ” của xe (!). Quả thật là các vị “chuyên gia, kỹ sư” kia quá kém thật, có vậy mà không nghĩ ra!!! Còn chuyện “chỉ tốn 25 lít dầu diesel cho 100 km thay vì phải mất 45 lít xăng như trước kia” thì xin miễn bàn vì không có thông tin cụ thể (chẳng hạn như “công suất máy”). Nhưng xin trích ra đây một phần bài viết của ông Thanh Huy gửi cho báo BBC Việt ngữ về vấn đề này để cùng tham khảo: “Khách quan mà nhìn lại việc ông Hải sửa chữa xe bọc thép BRDM 2 với trọng lượng 7,7 tấn là một việc hết sức bình thường khi mà ở Việt Nam số lượng người làm nghề sửa chữa thiết bị khá đông và đa số họ hoàn toàn làm được. Việc thay động cơ xăng với kỹ thuật, công nghệ chế tạo từ thập niên 60 bằng một động cơ diezel tương đồng với công nghệ hiện đại là việc làm đơn giản. Hiệu quả tăng công suất thiết bị, lượng tiêu hao nhiên liệu giảm đi khoảng 1,5 lần là mặc định.”.
Thứ ba, về chiếc xe mới mà ông Hải “chế tạo” thì ngoài các bất cập về kỹ thuật quân sự như các bài viết khác đã nói, cần phải xác định rằng đây là một chiếc xe ông Hải lắp ráp lại từ các linh kiện mà ông ấy mua được và công sức lớn nhất của ông là tạo ra bộ khung, vỏ cho nó từ thiết kế của mình (theo mẫu thiết giáp V300 của Mỹ). Điều đó có quá khó khăn với các anh thợ cơ khí khéo tay Việt Nam hay không?! Vậy ta bàn về cái phần “của ông Hải” trong chiếc xe này, tức “bộ giáp”. Dù không có đủ các thông số cần thiết để đánh giá nhưng nhìn độ dày của lớp lá chắn cho xạ thủ và nắp tháp súng thì quả thật cũng rất đáng lo ngại về khả năng chống đạn của nó. Hãy tham khảo ảnh dưới để thấy một viên đạn AK có thể xuyên qua tấm thép 10mm dễ dàng thế nào.
Đây là một tấm thép dày 10 mm, có 2 vết đạn súng ngắn K59 và súng trường tiến công AK-47. Vết đạn súng AK-47 đã xuyên từ bên này qua bên kia tấm thép. |
Chiếc xe do ông Hải “chế tạo” |
Thứ tư, về giá cả: theo Vnexpress, ông Hải được trả công 25.000USD cho mỗi chiếc xe được sửa chữa (chưa kể phụ tùng, trang thiết bị) và mất 200.000USD cho “tổng chi phí mua sắm thiết bị, trả tiền nhân công” (tức chưa kể phần “tiền lời” của ông ấy) đối với xe mới. Như vậy là đắt hay rẻ? Tham khảo một trang chuyên bán các loại tăng thiết giáp cũ thời Liên Xô ở Ukraina, giá của các xe “đời mới” hơn loại BRDM-2 mà ông Hải “nâng cấp”, chẳng có cái nào quá 30.000USD (!). Tất nhiên, những xe này đã bị gỡ bỏ các trang bị quân sự nhưng các bộ phận quan trọng nhất của nó là giáp, động cơ,… thì còn nguyên vẹn. Nếu các bạn có nhu cầu thì chọn loại nào: mua một chiếc BRDM-2 (từ 1962) không chạy được và bỏ ít nhất 50.000USD ra sửa chữa, nâng cấp (ông Hải bỏ 25.000USD ra sửa cái xe đầu tiên và được thưởng công 25.000USD cho mỗi xe sửa) hay bỏ khoảng 40.000USD – 50.000USD (gồm vận chuyển và các phí khác – bỏ qua thuế má vì mua cho quân đội) mua các xe thiết giáp đời 7x và gắn thêm súng ống?
Một chiếc xe BRT-60MTD, sản xuất năm 1979, được giới thiệu là trong “tình trạng tuyệt hảo” được rao bán giá 25.000USD |
Như vậy, có thể đánh giá sơ bộ, những chiếc xe của ông Hải có lẽ được lữ đoàn 70, một lữ đoàn cảnh vệ, chống khủng bố – bạo động,.. sử dụng như một công cụ trấn áp biểu tình (và “duyệt binh”) chứ còn xét về tính năng quân sự thực sự thì e rằng còn nhiều điều phải nói. Và như những điều đã phân tích ở trên, có lẽ nhận xét dưới đây của một bạn trên internet về vấn đề này khá là hợp lý và thú vị:
“Mấy ông bạn K thừa biết trang bị chơi vậy thôi, chứ làm gì có đánh nhau trong thời gian này mà lo bại lộ chuyện áp phe làm hàng dỏm kiếm tiền. Một thời gian sau,về hưu rồi thì xe cũng thanh lý theo , tạo điều kiện cho đàn em sau này mua sắm cái khác kiếm ăn. Còn chuyện cải tiến tầm bắn 7m là do lo sợ dân biểu tình tiếp cận chiếm xe giống ở Ucraina, trong khi xe thiết giáp ở K chủ yếu là dùng thị uy trấn áp biểu tình. Mai mốt lỡ như có dân biểu tình ở K mà bị chết vì sự cải tiến này thì mối thù Youn càng nặng hơn! Giả sử có đánh nhau với VN, mấy chiếc xe kiểng này tiêu tùng nhanh chóng, ông Hải sẽ bị truy lùng tội làm gián điệp phá hoại quân lực hoàng gia. Xem ra hòa bình hay chiến tranh gì thì ông Hải cũng gặp nguy trong nay mai ! lợi bất cập hại rồi ông ơi!”
4. Chuyện “làm khoa học”
Ông Hải có vẻ như rất mê cái danh xưng “nhà khoa học”. Ông và các báo la liếm ăn theo, liên tục giật gân về việc “được gọi là nhà khoa học” để từ đó kết luận là “ở đó làm khoa học sướng lắm, không cần bằng cấp gì cả”. Trên cơ sở đó, ông Hải và các báo cũng không quên tranh thủ “đá giò lái” về phía Việt Nam cứ như thể đất nước này, thể chế này thực sự không biết “trọng tài” của ông vậy.
Ngay cả việc nói nên những điều này đã chứng tỏ rằng ông Hải và các báo đang làm những việc phi khoa học.
Thứ nhất, cần làm rõ thế nào là một nhà khoa học. Theo tổng hợp của trang tự điển mở Wikipedia thì:
“Nhà khoa học, theo nghĩa rộng, là người tham gia vào những hoạt động mang tính hệ thống nhằm thu được tri thức trong một lĩnh vực nào đó. Theo nghĩa hẹp hơn, một nhà khoa học là người áp dụng các phương pháp khoa học trong nghề nghiệp của họ”.
Mà “phương pháp khoa học” là gì?
“Phương pháp khoa học là một bộ các kỹ thuật nhằm nghiên cứu các hiện tượng, mục đích là để thu được kiến thức mới, hoặc chỉnh sửa và gắn kết với các kiến thức trước. Để được coi là khoa học, phương pháp điều tra phải được dựa vào việc thu thập chứng cứ thực nghiệm hoặc chứng cứ đo lường được, tuân thủ theo những nguyên tắc lý luận cụ thể.”.
Vậy việc “thay động cơ”, “độ” lại xe hay thậm chí là lắp ráp một chiếc xe mới từ những linh kiện có sẵn và “tấm áo” mới thì có phải là một công việc của một nhà khoa học? Việc được một người nào đó, trong một lúc nào đó gọi là nhà khoa học thì nghiễm nhiên ông Hải là một nhà khoa học?!
Thứ hai, nếu thực sự ở Campuchia, người ta có thể “thích làm gì thì làm, không cần bằng cấp, giấp phép gì cả” thì ông Hải và các ông “lều báo” nên lấy làm tiếc cho dân Campuchia vì họ đang được bảo hộ bởi một chính quyền không quan tâm gì đến lợi ích của họ và nên mừng vì những gì nhà nước Việt Nam đang lo lắng cho họ. Tại sao ư? Cứ thử tưởng tượng một “khoa học gia tự phong” nào đó nổi hứng nghiên cứu về bom, chất nổ,… trong một khu dân cư, hay một vị nổi hứng chế xe thiết giáp để bán cho các phe phái chống chính quyền thì sẽ thế nào? Chắc hẳn là chính quyền Campuchia sẽ mặc kệ vì “anh làm được gì thì cứ làm” nhỉ?
Có thể ở Campuchia, người ta có chính sách thông thoáng hơn về việc “làm khoa học” nhưng cần phải hiểu rằng, đó chưa chắc đã là thế mạnh mà rất có thể là những lỗ hổng về việc quản lý. Chẳng có một chính quyền nghiêm túc nào cũng như chẳng có hiệp hội khoa học nào mà dễ dãi trong việc “làm khoa học” cả!
Ông Hải và báo chí “xỏ xiên” về những trở ngại của phía chính sách nhà nước khi “làm khoa học” thì tôi cũng cảm thấy không được thuyết phục vì rõ ràng, nếu gọi cách tạo ra các sản phẩm của ông Hải là “làm khoa học” thì hàng ngày, hàng giờ vẫn có hàng trăm, hàng ngàn người trên khắp Việt Nam đang tự do thực hiện sự sáng tạo đó đấy thôi. Thậm chí, đài truyền hình quốc gia có hẳn chương trình Nhà sáng chế để dành riêng phục vụ nhu cầu sáng tạo của người dân Việt.
Không biết là ông Hải có từng đăng ký chương trình này hay không nhưng tôi nghĩ là cho dù ông ấy có đăng ký thì cũng chẳng gặt hái được kết quả gì nhiều vì các sản phẩm của ông ấy rõ ràng chỉ là mô phỏng lại những gì có sẵn (thêm chút cải tiến như … đẩy xạ thủ nhô cao lên khỏi tháp súng làm mồi cho đạn đối phương!) chứ không thỏa mãn các tiêu chí của sáng chế, là “một giải pháp kỹ thuật mang tính mới về nguyên lý kỹ thuật, tính sáng tạo và áp dụng được”.
5. Về những “trực thăng ông Hải”
Nhân chuyện những chiếc xe này, ông Hải và báo chí lại khơi gợi lại chuyện những chiếc máy bay trực thăng mà ông Hải đã chế tạo. Để thấy những gì ông Hải đã làm được đối với sản phẩm của mình và “trở ngại” từ phía cơ quan chức năng như thế nào, mời các bạn tham khảo bài viết của nhà báo Thu Uyên (VTV), người có mối liên hệ trực tiếp với sự kiện này:
Chuyện anh Hải chế máy bay trực thăng: (Xe bọc thép là chuyện khác, tôi không biết nên không ý kiến)
Cuối 2005 đầu 2006, khi anh Hải và anh Danh lắp xong 1 chiếc trực thăng nữa (cả 2 chiếc đều chưa thể bay), báo chí viết: “Hai Lúa chế tạo máy bay!” rất phấn khích. Lúc đó tôi vừa làm “Tại sao không?”, liền cùng bạn biên tập Thủy Trà về ngay Suối Dây, Tây Ninh xem thực hư ra sao. Nhà anh Hải nghèo, 2 mô hình máy bay nằm ở 2 gian lợp tôn. Máy bay thứ nhất động cơ xe Zin, ghế nhựa buộc dây thép, ống sắt. Mô hình thứ hai gắn Honda hay Kole gì đó, bộ phanh ga cũng là của động cơ trên, tôi không còn nhớ, phủ sắt gò sơn trắng gồ ghề. Cánh quạt kiếm từ phế liệu chiến tranh. Riêng cửa kính trước anh Hải kể phải đi lùng ở chợ Dân Sinh rất lâu. Gia đình rất thân thiện và lúc đó anh Hải anh Danh chỉ mong làm sao được các nhà khoa học chứng nhận cho sáng chế này. Mặc dù trước đó, mô hình trực thăng đầu tiên không bay được, khi mang ra đồng thử nghiệm thì không thể cất cánh, địa phương phải yêu cầu dừng vì sợ chết người, nhưng anh Hải vẫn được địa phương cử đi dự Hội nghị tôn vinh những Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới toàn quốc, điều đó chứng tỏ chính quyền ủng hộ anh đến thế nào. Và anh đã nói, nhờ vinh dự đó mà anh quyết chế chiếc thứ hai!
Anh Hải là người tâm huyết và lắm sáng kiến, lại khéo tay. Lúc đó chúng tôi hỏi anh làm gì để sinh sống và có tiền chế máy bay, thì anh chỉ những chiếc xe tải nhẹ chở mía chạy qua, bảo chúng đều do anh độ, để tăng hiệu suất chở mía. Nông dân quanh vùng đều đến anh để cải tiến xe của họ. Ngoài ra, anh còn đang chế một vài loại công cụ làm ruộng khác, và anh chỉ cho chúng tôi xem 1 cái máy bừa.
Đúng kiểu “Tại sao không?”, chúng tôi đam mê cái đam mê của anh, và quan tâm xem điều gì đã thúc đẩy anh nghĩ tới máy bay trực thăng, anh mở máy tính, cho xem khoảng 30 tấm ảnh download từ internet về các loại máy bay trực thăng từ thời ban đầu của chúng. Bản vẽ hai chiếc máy bay rất sơ sài và thuần túy là mô hình, ngay từ đầu chúng tôi đã thấy không mang yếu tố cơ khí chính xác.
Tôi giới thiệu các anh với ba tôi, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuyên, khoa Cơ khí, bộ môn Cơ học chất lỏng và Kỹ thuật Hàng không Đại học Bách khoa Hà Nội. Các anh rất phấn khởi và trong tháng đó đã ra ngay Hà Nội để gặp ba tôi. Nhận xét của ba tôi là: Anh Hải và anh Danh không nắm kiến thức cơ bản, cụ thể nhất là trọng tâm máy bay ở đâu thì không xác định được. Các kiến thức như khí động lực, cơ học các vật thể bay lại càng không có. Do đó, 2 vật thể được tạo ra chỉ mang tính chất mô phỏng, chỉ là mô hình máy bay trực thăng. Cả nhà tôi yêu mến sự nhiệt tình của các anh, Ba tôi tặng 2 anh quyển “Mục đích cuộc sống”, hồi ký của Công trình sư Yakovlev, cha đẻ của máy bay trực thăng YAK. Và ông giới thiệu hai anh với Bộ môn Cơ học chất lỏng và Kỹ thuật Hàng không ĐHBK Hà Nội, lúc đó Phó tiến sĩ Nguyễn Thế Mịch, phụ trách về Kỹ thuật hàng không đã sẵn sàng lập 1 nhóm vào Tây Ninh giúp 2 anh nghiên cứu và điều chỉnh lại, trước nhất là tìm trọng tâm của máy bay, mọi chi phí do Bộ môn chịu. Tôi nhớ hai anh phấn khởi lắm, lên ngay kế hoạch và điện thoại qua lại, gửi ảnh gia đình rất vui.
Nhưng chỉ sau độ nửa tháng, anh Hải có “báo tin vui” với ba tôi, là hội Cựu chiến binh với 1 ông tướng bộ binh về hưu nào đó vừa tới thăm và cam kết sẽ yêu cầu các cấp chính quyền công nhận sáng chế của các anh. Rồi anh được một số người quân sư viết thư lên Chủ tịch nước. Rồi, diễn ra 1 chương trình Người đương thời về 2 anh, trong đó có nhà khoa học phản biện rằng máy bay như thế không thể bay được. Nhưng có lẽ anh Hải chỉ cần được công nhận.
Báo chí sau đó thỉnh thoảng lại xới lên là Hai Lúa còn chế được máy bay, coi đó là “cái tát nhẹ” đối với các trường, viện, các kỹ sư nói chung. Ngay như thông tin là chiếc máy bay thứ hai được trưng bày ở Viện bảo tàng Nghệ thuật hiện đại New York trong mấy tháng, không ai chú ý rằng đó là do 1 nghệ sĩ gốc Việt giới thiệu như một tác phẩm nghệ thuật đương đại trong Project Gallery. Một mô hình.
Năm 2007, sau khi khảo nghiệm nhiều lần, Bộ Quốc phòng đã kết luận: máy bay này không có bản vẽ, không tiêu chuẩn kỹ thuật về khí động học, độ bền kết cấu, dung sai các phần tử, nhất là phần tử chuyển động quay, lắp ráp cũng sai nguyên lý điều khiển của máy bay trực thăng. Động cơ chế chỉ có khả năng nâng một nửa trọng lượng của vật thể. Cần lái không điều khiển được theo ý của người lái, nếu có nhấc lên khỏi mặt đất sẽ vô cùng nguy hiểm. Bộ Quốc phòng khuyến cáo dừng ngay việc thử nghiệm máy bay. Như vậy là chính quyền và quân đội mất nhiều công để bảo vệ tính mạng cho anh và những người xung quanh.
Một điều chắc chắn rằng, có những sáng chế đơn giản, sáng ý là làm ra được, như cái phin cà phê bằng giấy, hay cái máy bừa. Nhưng trực thăng không phải là cái có thể sáng chế ra kiểu nhanh trí như thế. Nhiều bài báo về anh Hải cũng mắc tội nhanh trí khôn, nghe – chép, nhìn – mô phỏng. PV Việt ngữ BBC sang bên Tây rồi cũng không khá gì hơn. Cái ý “Ở Campuchia, nếu anh làm được một công trình nào đó, đánh giá xong họ công nhận anh là nhà khoa học” làm tôi thấy phì cười. Và chủ ý của bài viết, “Đam mê của tôi không được khuyến khích ở VN” thật thô thiển. Anh Trần Quốc Hải có lẽ là người nông dân được ưu ái nhất trong số những người cần cù lao động và tự chế tạo những công cụ cho mình.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuyên đang hướng dẫn ông Hải các kiến thức về trực thăng |
Như vậy việc ông Hải và báo chí kêu gào về cái gọi là “bằng sáng chế” cho những chiếc trực thăng KHÔNG BAY ĐƯỢC đó và ta thán trên báo ngoại quốc là “Đam mê của tôi không được khuyến khích ở Việt Nam” thực sự là một trò hề vì áp dụng theo tiêu chí của “sáng chế” nêu trên thì không rõ những sản phẩm này đã đạt được điều gì và quan trọng nhất, đã được thẩm định và xác nhận như thế nào? Khi kêu gào những điều này, ông Hải và báo chí có đưa ra được bất kỳ bằng chứng gì về sự thành công của các sản phẩm này không? Hay họ nghĩ việc những chiếc “trực thăng không biết bay” này được mua, đưa ra nước ngoài và trưng bày như một MÔ HÌNH là một thành công của sự SÁNG CHẾ? Nếu vậy thì có được mấy sự khác biệt về giá trị sử dụng giữa “sáng chế” này và các mô hình máy bay từ phế liệu khác?
Cùng chung giá trị … trưng bày |
6. Kết luận
Như đã nói ở phần mở đầu, tôi không hề có ý định phủ nhận tài năng và tâm huyết của cha con ông Hải nhưng việc thổi phồng một cách quá lố về những gì ông Hải làm được và từ đó “đâm bị thóc, chọc bị gạo” về các chính sách, chế độ đãi ngộ nhân tài của Việt Nam của báo chí (đặc biệt là các bài trên báo Một thế giới) là một việc làm đáng lên án. Trong những ngày vừa qua, dư luận xã hội, đặc biệt là các “cư dân mạng” đã sôi sục, bức xúc theo những gì mà các báo đăng tải, định hướng. Không chỉ là trên mạng, trong hội thảo “Tự hào Việt Nam” của báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 16/11/2014, có sự tham dự của ông Dương Trung Quốc (ĐBQH) và bà Phạm Phương Thảo (cựu chủ tịch HĐND TPHCM), một cử tọa đứng tuổi đã rất bức xúc phát biểu về vấn đề này (theo những gì được báo chí “định hướng”) trong sự đồng tình của đám đông cử tọa. Tất nhiên, khó có thể trách dư luận được vì thực tế họ cũng chẳng phải là những người có chuyên môn, không được mục sở thị các sản phẩm của ông Hải, lại tin tưởng vào những gì “báo chí cách mạng” đăng tải nên tự “nuốt thuốc độc” mà không biết. Nhưng xin thưa với “dư luận” là các bạn cũng nên chịu khó sờ lên đầu mình mỗi khi đọc các tin tức giật gân trên báo chí, truyền thông để xem mình có vô tình mọc thêm đôi tai dài nào không. Hãy tự trau dồi mình trở thành những “người tiêu dùng (thông tin) thông thái” nếu không muốn trở thành “lừa” cho “lều báo” nó chăn.
Nói đi thì phải nói lại, các nhà quản lý của các cơ quan của các cơ quan có liên quan đến việc phát triển khoa học – công nghệ nước nhà cũng cần phải xem xét lại các quy trình làm việc của mình đã tốt chưa, cần thêm bớt những gì để tạo sự thông thoáng trong quy trình hành chính cho những người ham thích sáng tạo của Việt Nam cũng như tích cực tìm cách để khuyến khích họ. Các vị cũng nên nghĩ đến việc cần có người đại diện đứng ra để phản bác những thông tin sai trái của báo chí đối với lĩnh vực của mình, thậm chí kiện những tờ báo cố tình làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan mình, tránh cảnh “một mình một chợ” của giới truyền thông như hiện nay. Làm được như thế, các vị cũng đóng góp không nhỏ vào việc làm trong sạch môi trường thông tin truyền thông tại Việt Nam đó.
Nguyễn Thanh Tùng
Tài liệu tham khảo:
http://en.hanoi.vietnamplus.vn/Home/Six-Vietnamese-receive-Cambodias-Royal-Order-of-Sahametrei/20149/3884.vnplus
http://www.indochinamedals.com/cambodia/cm04_royal_order_of_sahametrei.html
http://motthegioi.vn/xa-hoi/phat-ngon/dai-tuong-quan-hai-lua-viet-duoc-campuchia-cap-xe-hoi-biet-thu-hoanh-trang-121059.html
http://dantri.com.vn/chinh-tri/campuchia-trao-tang-huan-chuong-huu-nghi-cho-5-ca-nhan-tap-the-tinh-kon-tum-618460.htm
http://www.cuuchienbinhtphcm.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=212:nho-cau-giup-ban-la-tu-giup-minh&catid=82:gng-ngi-tt-vic-tt&Itemid=192
http://www.vietnamplus.vn/don-nhan-huan-chuong-do-vuong-quoc-campuchia-trao-tang/279738.vnp
http://www.moma.org/explore/inside_out/2010/10/18/a-different-kind-of-helicopter-projects-93-dinh-q-le/
http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20141111/huan-chuong-dai-tuong-quan-campuchia-tang-hai-cha-con-nguoi-viet/670134.html
http://motthegioi.vn/tieu-diem/dai-tuong-quan-hai-lua-che-tao-xe-boc-thep-lam-khoa-hoc-xu-minh-buon-lam-120598.html
http://m.laodong.com.vn/vu-khi/cha-con-hai-lua-che-tao-xe-thiet-giap-cho-campuchia-phan-2-268155.bld
http://chuyentrang.tuoitre.vn/TTC/Index.aspx?ArticleID=447147&ChannelID=10
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/hanh-trinh-che-xe-boc-thep-cho-campuchia-cua-nong-dan-tay-ninh-3106233.html
https://www.facebook.com/beloved.mamacat/posts/10152754468769718
http://www.sovietarmor.com/catalog/armored/btr_60.html
http://nguoidongbang.blogspot.com/2014/11/xe-thiet-giap-ong-hai-co-gi-ma-am-i.html
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/199320/-sieu-pham–truc-thang-cua-nong-dan-binh-duong.html
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍