Tuần báo Văn nghệ TPHCM số 368 (Thứ năm ngày 27/8/2015), tác giả Nguyễn Văn Toàn đưa ra một clip cho một số học sinh với câu hỏi: “Quang Trung và Nguyễn Huệ có quan hệ gì với nhau?” và nhận được những câu trả lời cười ra nước mắt: Hai người là anh em! là bố con! là bạn bè cùng chiến đấu! Có em còn liên hệ xa hơn: Nguyễn Du là ông của Quang Trung! Càng ngạc nhiên hơn khi ông thầy hiệu trưởng một trường đưa ra sự so sánh rất chi là thời sự: Cùng ở thành phố ta mà giá đất ở hai đường Nguyễn Huệ và Quang Trung lại khác nhau một trời một vực? Vậy hai ông ấy khác nhau ở chỗ nào?


Nhân danh đổi mới nhận thức về sử học, lâu nay người ta ra sức đặt lại nhiều vấn đề lịch sử khiến người lớn cũng phải rối lòng huống chi lớp con trẻ chưa từng trải nghiệm thì làm sao phân biệt nổi những gì là sai đúng. Chưa cần nói chuyện lịch sử xa xưa, ngay những sự kiện lịch sử nhiều người từng biết và tư liệu rành rành đầy ra đó cũng bị người ta trắng trợn xuyên tạc nhằm những ý đồ riêng. Một trong những sự kiện nổi bật nhất là ông Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đứng ra hô hào xây dựng “Khu tưởng niệm Hoàng sa ở tỉnh Khánh Hòa như một công viên sinh thái mang tính cộng đồng nhằm mục đích tri ân tổ tiên đã giong thuyền vươn ra vùng biển Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, những ngư dân nằm lại ở Hoàng Sa và đặc biệt cả 74 chiến sỹ quân lực Việt Nam Cộng hòa, như những anh hùng tử thủ giữ gìn biển đảo quê hương khi quân Trung cộng tiến đánh xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng sa vào năm 1974”! Thực ra đó chỉ là cái cớ mị dân của người làm chính trị chớ ở nhiều nơi trên đất liền dọc miền duyên hải nước ta đâu thiếu gì biểu trưng nhắc tới hai quần đảo giữa trùng khơi phía đông nam của tổ quốc để người dân luôn canh cánh trong lòng. Tiêu biểu là bức tượng đài “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” cao 4,5m, nặng 10 tấn ở đảo Lý Sơn – Quảng Ngãi hoành tráng sừng sững hướng ra mặt biển Đông với dòng chữ về cột mốc chủ quyền “Vạn lý Hoàng Sa”; Nằm ngay sau nó là nhà trưng bày “Đội Hoàng Sa Bắc Hải” với hàng trăm tư liệu, hiện vật như ghe câu, dụng cụ nấu ăn của người lính, bản đồ chủ quyền về hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Cần chi phải làm một việc phân tâm lòng người đến thế!

Tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, phía sau là bảo tàng

Sự thật thế nào? Đầy rẫy trên các trang mạng hải ngoại có những bài viết của chính những người trong cuộc. Tất nhiên tùy theo chính kiến của người viết nên có sự “ông nói gà bà nói vịt” là điều chẳng lạ. Xin lưu ý bạn đọc hai bài “Tường thuật trận hải chiến lịch sử Hoàng sa”, một của Đại tá Hải quân Hà Văn Ngạc, người được Bộ Tư lệnh HQVNCH giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy trận hải chiến Hoàng Sa ngày đó và đích thân có mặt trên soái hạm HQ–5 Trần Bình Trọng; và một của Trung tá Hải quân Lê Văn Thự, chỉ huy Tuần dương hạm Lý thường Kiệt HQ–16 dưới quyền điều hành của Đại tá Ngạc. Ngoài ra là bài viết của một cố vấn Mỹ có mặt tại đảo Hoàng Sa vào thời điểm lịch sử ấy.


Theo bài viết của Đại tá Ngạc với cương vị người chỉ huy toàn bộ trận chiến thì HQVNCH đã chiến đấu rất dũng cảm với tương quan lực lượng rất không cân sức nghiêng về phía địch, sau đó “được vinh danh nhờ trận chiến đấu đã nêu cao nối tiếp được tinh thần chiến đấu chống Bắc xâm của dân tộc”;
Trong khi Trung tá Thự lại nhận xét: “Bài viết của Đại tá Hà Văn Ngạc hoàn toàn sai sự thật”“Trận chiến Hoàng Sa rất giản dị, chẳng có chiến thuật gì rắc rối phức tạp cả! Không có gì là anh hùng đáng để tự hào”!
Trung tá Thự đặt vấn đề:

“Sau chiến trận, BTLHQ hay ít nữa là BTL hạm đội cần có một buổi hội gồm các cấp chỉ huy các đơn vị tham dự trận chiến để mỗi người trình bày những hoạt động của đơn vị mình, nói lên những nhận xét để rút kinh nghiệm học hỏi, mọi người cùng thảo luận, cùng đưa ra những đề nghị nếu được áp dụng thì trận chiến sẽ có kết quả tốt hơn. Đằng này mọi chuyện đều cho trôi xuôi luôn”?! Dù cố tình lảng tránh sự thật thì Đại tá Ngạc lại thòi cái đuôi ra: “Trong thời gian tại căn cứ, Tư lệnh phó HQ ít nhất đã hai lần tập hợp nhân viên tất cả các chiến hạm có mặt tại chỗ để chỉ thị không được có hành động kiêu ngạo về chiến tích của HQVNCH. Để làm gương cho tất cả nhân viên thuộc quyền, tôi đã giữ một thái độ rất khiêm nhường và im lặng. Tôi chưa bao giờ thảo luận hoặc trình bày chi tiết với bất cứ một ai hay một tổ chức nào về những yếu tố đã đưa đến các quyết định chiến thuật của tôi trong trận đánh. Nhưng ít lâu sau tôi phải theo học khóa Chỉ huy tham mưu đặc biệt tại Long Bình. Khi Phó Đề đốc phụ tá hành quân biển của TLHQ đến thuyết trình tại trường về tổ chức HQVN, thì một câu hỏi đầu tiên của khóa sinh là về trận hải chiến Hoàng Sa. Đô đốc đã chuyển câu hỏi này cho tôi đang ngồi trong hội trường. Quả thật vị này đã trao cho tôi một trái banh khó đỡ. Tôi đáp lại câu hỏi vỏn vẹn ngay là: “Các quý vị đã nghiên cứu về trận đánh Ấp Bắc thì trận hải chiến Hoàng Sa cũng gần tương tự!”. Sau câu trả lời của tôi thì không một câu hỏi nào về Hoàng Sa được nêu ra thêm. Xin ghi thêm vào nơi này: Trận Ấp Bắc đã làm cho quân lực bị bất ngờ về chiến thuật của địch, có sự sai lầm về ước tính tình báo và nhầm lẫn về chiến thuật hành quân”. Hẳn bạn đọc đã hiểu rõ lý do vì sao mà buổi lễ kỷ niệm lần thứ nhất hải chiến Hoàng Sa đã được tổ chức vào ngày 19/1/1975 do TLHQ, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh chủ tọa nhưng Đại tá Ngạc không được thông báo để đến tham dự”!

Về số tử sỹ tại trận, chúng tôi đọc hàng trăm trang tư liệu của những người tham chiến tường thuật lại, chỉ phát hiện được chục người, cụ thể là: Chiều 18/1, chết 1 Thiếu úy hải kích từ HQ–16 đổ xuống, báo cáo Đại tá Ngạc, cho rút về tàu; Sớm hôm sau 19/1, đổ toán người nhái từ HQ–5, chiến sỹ Đỗ Văn Long là người chết đầu tiên (?) của trận chiến, tiếp đến Trung úy Lê Văn Đơn tiến vào để thâu hồi tử thi cũng bị bắn chết ngay gần xuồng cao su, xác kịp kéo lên xuồng quay ngay về tàu, bỏ lại tử sỹ! (Việc này xem ra mâu thuẫn vì chẳng lẽ tại đảo Quang Hòa cùng một điểm đã bị lộ mà đổ 2 toán hải kích chỉ cách nhau mấy tiếng đồng hồ)? Tàu Nhựt Tảo HQ–10 bị bắn chìm giữa biển, Hạm trưởng Ngụy Văn ThàHạm phó (Lê Văn Tây? Đinh Hoàng Mai?) đều chết. Trung tá Thự nói nhìn thấy nhiều người trong số 80 thủy thủ đoàn (chỉ là khả năng dung chứa chớ quân số hiện hữu thì không rõ) ngoi ngóp trên biển để đào thoát! (Điều này còn nghi vấn vì tháng 7/1979, một người trên thuyền vượt biên có nickname là hoangkybactien, gửi một lá thư ngỏ cho vợ Ngụy Văn Thà đăng trên blog Dân làm báo rằng tàu ông gặp nạn, buộc phải ghé sát bờ Hoàng Sa tìm nước, tình cờ cách chừng 100 thước trên vùng san hô rộng lớn, tận mắt thấy tàu HQ–10, giống như mắc cạn, bị đứt khoảng giữa thành hai khúc, hàng chữ còn rất rõ chưa bị trầy xước, có nghĩa là nó không bị chết chìm giữa biển)! Sau đó HQ–16 bị trọng thương, sớm loại ra khỏi vòng chiến! Theo tường trình của Đại tá Ngạc thì soái hạm HQ–5 cũng bị trúng nhiều đạn, một sỹ quan trưởng khẩu 127 ly bị tử thương (không nêu danh tính nhưng theo tường trình của Trung tá Thự thì trong suốt trận chiến ông không thấy hai chiến hạm lớn nhất Hải đoàn đặc nhiệm là HQ–4 và HQ–5 ở đâu và thực sự thì họ bỏ mặc đồng đội, chạy trước rõ xa về phía Subic Bay của Philippin); Trong nhóm 8 người mới được HQ–16 đổ lên tăng cường giữ đảo Hoàng Sa cũng đã kịp đào thoát nhưng có một Hạ sỹ quản kho Nguyễn Văn Duyên chết vì kiệt sức trên biển Qui Nhơn. Trung tá Thự kể tiếp: Khoảng 7-8 giờ sáng ngày 20/1/1974, tàu vào vịnh Tiên Sa. Ngày hôm sau Bộ Tư lệnh hải quân Vùng I Duyên hải cho người sang để tháo gỡ viên đạn còn nằm lại trên tàu. Viên đạn bắn cầu vồng, khi rơi xuống gặp sức cản của nước bị lệch hướng đâm xuyên lườn tàu HQ–16, xướt qua một góc máy điện, xuyên đứt cánh tay gây nên cái chết của Trung sỹ điện máy Xuân, chui vào kho điện khí ở một góc hầm máy và nằm tại đó. May là viên đạn không nổ tránh cho HQ–16 bị chìm tại chỗ. Toán tháo gỡ cho biết viên đạn mang nhãn “made in USA” cỡ 127ly! Sau này truy cứu, ông còn nghi vấn HQ–10 bị chìm tại chỗ là do trúng đạn từ tàu Trung cộng hay cũng từ tàu HQ–4, HQ–5 được trang bị tối tân hơn mà không xung trận, chỉ từ sau bắn tới?!

Một nhân chứng sống rất có giá trị là viên cố vấn Mỹ Gerald E.Kosh không rõ tông tích và ra đảo không rõ mục đích, được Đại tá Ngạc cho quá giang HQ–16 lên đảo Hoàng Sa đúng vào thời điểm đó để 2 ngày sau bị bắt và 10 ngày sau được TC trao trả cho Mỹ tại Hồng Kông. Sự có mặt của con người này còn là điều bí ẩn. Lưu ý bạn đọc về những lời kể của ông ta về việc Trung cộng chiếm đảo đại ý như sau: Trong số 5 đảo còn lại tại quần đảo Hoàng Sa thì lực lượng quân TC tấn công so với lực lượng trú phòng của VNCH cụ thể là: 2 đảo Quang Hòa và Duy Mộng: 1 đại đội quân TC/0 lính VNCH. Đảo Cam Tuyền: 2 đại đội quân TC/14 lính hải kích VNCH. Đảo Hoàng Sa: 2 đại đội quân TC/20 địa phương quân VNCH + 28 người không có võ trang. Đảo Vĩnh Lạc: 1 đại đội quân TC/15 lính hải kích VNCH. Ngày 20/1/1974 chiến sự xảy ra. Lúc 10.00 giờ, quân TC đánh chiếm đảo Cam Tuyền sau những đợt pháo kích rồi dùng bè mảng chuyển quân từ tàu đậu ngoài xa để tránh bãi san hô. Theo lời kể của E.Kosh, qua máy truyền tin được biết có 1 lính hải kích chết (?) và 3 lính bị thương khi quân TC pháo kích dọn đường. Lúc 11.30 giờ, đảo Hoàng Sa là nơi E.Kosh tạm trú chịu những loạt đại bác 105ly mức độ vừa phải trong gần một tiếng đồng hồ, tuy nhiên không gây ra tổn thất nhân mạng nào cũng như sự phá hủy các công trình xây dựng, mặc dù việc tổ chức phòng ngự khá sơ sài. 12.30 giờ, lính TC từ dưới tàu thuyền tràn lên tấn công, chỉ trạm chán với những tràng đạn súng trường M16 lẻ tẻ của lính VNCH phòng thủ. Lính TC chiếm đảo rất nhanh, chia nhau từng nhóm 5-8 người đi lục soát. Kosh bị bắt bởi một nhóm 7 người và gom vô khu vực BCH giam chung với 48 tù nhân (đầy đủ quân số từ khi chưa nổ ra chiến sự) bị canh chừng bởi khoảng từ 35 – 40 lính TC mang súng trên vai (cuối tháng 2/1974 đều được TC trao trả cho chính quyền Sài Gòn). 13.30 giờ, quân TC hoàn toàn kiểm soát đảo, chiếm lĩnh các vị trí xung yếu và đào các công sự trú ẩn cá nhân quanh đảo ngay sau các bụi cây rậm rạp. Sự củng cố phòng thủ hoàn tất thật nhanh. Phía VNCH chịu tổn thất rất ít về nhân mạng (?) cho thấy quân đồn trú bị áp đảo và họ chỉ kháng cự yếu ớt. Đại đội phó công binh Vũ Hà kể lại: “Tôi xác nhận có người chết và bị bắt bên phía Việt Nam trên đảo nhưng không rõ số lượng vì tôi là người trực tiếp trên đảo cho tới khi bị bắt”! Ngoài ra mặc dù quân TC quyết tâm dùng vũ lực để chiếm lấy Hoàng Sa, đã được họ chuẩn bị chu đáo về mặt tình báo, soạn thảo kế hoạch chính xác và họ chỉ sử dụng một lực lượng vừa đủ để đạt mục tiêu của họ. Không có đợt oanh kích nào của không quân yểm trợ cho quân TC hay VNCH. Vậy ngoài chục tử sỹ liệt kê danh tính cụ thể và một số mơ hồ, liệu 74 liệt sỹ quân lực VNCH có phải là con số ma để được lĩnh món tiền tử tuất hậu hĩnh cho ai hưởng?! Trong khi quân giữ đảo chỉ kháng cự yếu ớt thì các chiến sỹ hải quân trên mặt biển chiến đấu thế nào?

Nguyễn Thanh Tùng so sánh tương quan lực lượng hai bên thì các chiến hạm của HQVNCH chiếm ưu thế về hỏa lực, chưa kể các yếu tố công nghệ hiện đại hơn, đảm bảo độ chính xác tốt hơn, trọng tải và độ giãn nước lớn hơn nhiều lần, có thể chỉ cần dùng sức mà ủi cũng đánh chìm được tàu TC chứ chẳng cần phải khai hỏa. Đặc biệt về lực lượng không quân Sài Gòn lúc ấy đứng hàng thứ ba thế giới chỉ sau Mỹ và Liên Xô, đóng vai trò quyết định trong hải chiến mà sao không sử dụng?! Trận chiến được mô tả là quyết liệt nhưng diễn ra rất nhanh chỉ chừng 15-20 phút! Mời quý độc giả đọc mấy dòng hồi ức của Trung úy Đào Dân, sỹ quan Chiến tranh chính trị có mặt trên tàu HQ–5 ngay thời điểm đó, đăng trên đặc san “Lướt sóng” (số 52/2004): “Tôi bỗng nhìn lại về phía trước, khẩu đại bác 40ly đôi đang chĩa mũi lên trời mà nhả đạn liên tiếp. Trường Hải quân nào dạy hải pháo bắn cầu vồng? Rồi như một phản ứng kỳ diệu, tôi chạy xuống hai lần cầu thang ngoài trời, hấp tấp leo lên cạnh xạ thủ chiều cao: Anh ta đang chúi đầu xuống như để tránh đạn nhưng chân phải thì đạp liên hồi, trông chẳng khác gì một người điên”! Không tìm ra một dòng tư liệu nói về tổn thất của quân Trung cộng! Đến nay, ngoài một số kẻ cuồng hận đánh võ mồm trơ trẽn vẫn gào lên đó là cuộc chiến đấu vô cùng dũng cảm, làm rạng rỡ truyền thống quân lực VNCH thì vẫn còn không ít người có lương tâm, thở dài hạ nhiệt: “Xin các chiến hữu đừng nói phét nữa! Đấy là trận thua thảm hại, chẳng có gì đáng để tự hào và tôn vinh cả”!

25 năm sau, mở đầu bản “Tường thuật trận hải chiến Hoàng Sa”, viên Đại tá thất trận lưu vong Hà Văn Ngạc viết: “Một hãnh diện cho Hải quân VNCH lúc bấy giờ là đã không những phải sát cánh với lực lượng bạn (là quân lực Mỹ) chống lại kẻ nội thù là cộng sản miền Bắc trong nội địa, lại vừa phải bảo vệ những hải đảo xa xôi…”. Trung tá Vũ Hữu San, hạm trưởng tàu HQ–4 viết: “Chúng ta phục vụ trên HQ–4 ngày đó đều biết rằng sau hải chiến, chúng ta vẫn tiếp tục công tác tại vùng duyên hải Đà Nẵng không hề hấn gì”! Sưu tra lịch sử “Đoàn tàu không số” của HQNDVN tường thuật một cuộc hải trình: “Theo kế hoạch, ngày 12/2/1972, tàu 653 thuộc Đoàn 125, xuất phát nhằm thẳng hướng 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, hướng về phía nam Côn Đảo. Ngày 18/2/1972, nhận được điện từ Sở chỉ huy cho biết tàu HQ–5 của HQSG đang tuần tra tuyến Hòn Khoai-Côn Sơn. Tàu chuyển hướng quay ra phía Bắc, các loại súng đều lên đạn sẵn sàng chiến đấu. Tàu địch bám sát, tiếp cận mục tiêu, o ép, dọa dùng vũ lực bắt ta phải đầu hàng. Chúng không dám tấn công vì biết tàu của ta là tàu nguy hiểm, nếu tấn công tàu sẽ nổ. Chúng đổi hướng chặn đầu ép tàu ta liên tục trong 5 ngày. Nhưng nhờ ý chí với kinh nghiệm và sự quyết tâm, tàu ta khôn khéo luồn lách hướng ra phía Bắc, cặp bến an toàn”.

Trớ trêu thay, trên công luận chính thống của nhà nước CHXHCNVN, người ta đang lớn giọng hô hào đồng bào cả nước ủng hộ chương trình Nghĩa tình Hoàng Sa-Trường Sa như sau: “Ngày 14/3/1988, TQ đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của VN. Trong cuộc chiến không cân sức, 64 cán bộ, chiến sỹ QĐNDVN đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng và anh dũng hy sinh. 40 năm trước, ngày 19/1/1974, TQ dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, 74 sỹ quan thủy thủ quân lực VNCH đã kiên cường chiến đấu bảo vệ đảo và hy sinh, vĩnh viễn nằm lại ở Hoàng Sa. Máu của những người con đất Việt dù trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam yêu dấu. Ghi nhận công lao to lớn đó, chia sẻ nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con có người thân đã hy sinh bảo vệ Hoàng Sa (1974) và Trường Sa (1988) là việc làm rất cần thiết của cả cộng động xã hội”! Có là điều xúc phạm tới anh linh các liệt sỹ hy sinh ở Trường Sa? Người thân của các liệt sỹ còn nằm sâu dưới đáy đại dương dọc Đường Hồ Chí Minh trên biển ngày ấy nghĩ gì?

Lịch sử giữ nước của dân tộc ta luôn phải chống lại những thế lực xâm lược hung bạo nhất của mọi thời đại. Từ đó sản sinh ra đội quân yêu nước phát huy tinh thần quật cường bất khuất của dân tộc, đồng thời cũng sản sinh ra một đội quân bản sứ đánh thuê phản lại tổ quốc mình. Đành rằng đội quân nào cũng có người dũng kẻ hèn. Sự dũng cảm chỉ có ở người chiến đấu vì mục tiêu cao cả. Nó khác hẳn sự liều lĩnh của kẻ phẫn chí cùng đường. Một đội quân được giác ngộ, tự nguyện chiến đấu vì tổ quốc vì nhân dân thì sự yếu hèn chỉ là hiện tượng cá biệt, mới đủ sức nhấn chìm mọi đội quân xâm lược, bảo vệ được giang sơn nòi giống; Không như đội quân đánh thuê chỉ vì mấy đồng tiền “viện trợ nhiều thì đánh nhiều, viện trợ ít thì đánh ít” mà đang tâm dẫn giặc vào nhà giày xéo quê hương, giết hại đồng bào, nên mới liên tục chuốc vào thảm bại ê chề nhục nhã và số phận của nó cũng bị chôn vùi theo chủ! Điều này cần phân biệt rõ ràng: Số đông người vì hoàn cảnh éo le bất đắc dĩ phải làm tay sai cho giặc thì sự thiệt thòi mất mát của họ được coi là nạn nhân của cuộc chiến tranh do các thế lực xâm lược gây nên. Nếu cần có sự bù đắp là trên tinh thần tình thương đồng bào tương thân tương ái hỗ trợ với nhau, chớ không thể coi như một sự đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sỹ hy sinh vì tổ quốc như lâu nay cả xã hội đang làm. “Châu về Hợp phố” là điều không dễ. Lịch sử loài người cho nhiều bài học: Thiên hạ tan rồi lại hợp, hợp rồi lại tan là lẽ thường tình. Mạnh thì hợp. Yếu sẽ tan. Yên hay loạn bởi tự thân mình. Ai ngờ một Liên bang xô viết vĩ đại vậy mà đổ cái rầm! Một nước Đức tan hoang chia năm sẻ bảy lại thành cường quốc dẫn dắt cả châu Âu? Bài học Đại vương Trần Quốc Tuấn dạy còn đó: “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, trên dưới một nhà, tướng sỹ một lòng phụ tử, cả nước đấu sức lại mà đánh, không giặc nào thắng nổi”! Lòng tin của Bác Hồ vào truyền thống quý báu là tinh thần nồng nàn yêu nước đã tạo nên sức mạnh cho cả dân tộc Việt Nam “lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Thắng giặc rồi mà vẫn bàng hoàng!

Tuy nhiên, thời đại mới nảy sinh ra vấn đề mới của thời hậu chiến. Chưa bao giờ đội quân xâm lược tháo chạy đã lôi cuốn theo nó hàng triệu người nhập cư vào nước họ. Dù thua trận nhưng họ vẫn là nước lớn. Những người di tản dù đa phần vì nhiều lý do khác nhau nhưng rồi sự chênh lệch về vật chất và an sinh xã hội giữa một quốc gia chậm tiến lại bị kìm hãm bởi cuộc chiến kéo dài, với một quốc gia phát triển trên quá trình hoàn thiện, đã thật sự hấp dẫn khối dân nhập cư mới để họ trở thành cư dân chính thống của quốc gia đang cư ngụ khi những khó khăn buổi đầu đã qua đi. Tất nhiên họ nhận được sự bảo hộ của nó, gắn bó với lợi ích và lâu dần có nghĩa tình sâu đậm với nơi ở mới. Ngoài một số người còn nặng tình với quê hương đất nước và một số người đặc biệt tâm huyết về truyền thống dân tộc, giống nòi; còn đa phần trong họ nhìn về cố quốc, ngoài những sự hận thù luôn bị kích động và mặc cảm tha hương bị phóng đại lên, cùng với sự thích hợp và hòa nhập với cư dân sở tại để trở thành một bộ phận sắc tộc của quốc gia đa chủng tộc. Trách nhiệm công dân với tân quốc gia là gánh nặng đè lên vai họ đồng thời nảy sinh con mắt kỳ thị chủng tộc của người nước lớn với người nước nhỏ là điều khó tránh! Các tổ chức văn hóa, xã hội và truyền thông trong nước có trách nhiệm để số đồng bào đã rứt dây rốn khỏi quê hương hiểu rõ sự thật lịch sử để họ ứng sử đúng với tinh thần tôn trọng công lý và yêu chuộng hòa bình hữu nghị của nhân loại tiến bộ văn minh.

Trong hoàn cảnh thế giới phức tạp hiện nay, quan hệ giữa các quốc gia trên cơ sở “Tự do-Bình đẳng-Bác ái” chỉ ở trên đầu môi chót lưỡi. Quyền lợi quốc gia là tối thượng. Cái gọi là “tự do-dân chủ” dán nhãn hiệu “nhân quyền” là cơ hội để giặc ngoại xâm với lũ nội phản kết hợp với nhau, là đòn lợi hại phân hóa các quốc gia đang phát triển muốn giữ vững nền độc lập tự chủ. Nhân quyền thúc đẩy sự tiến bộ xã hội nhưng nó có yêu cầu cụ thể ở mỗi hoàn cảnh xã hội khác nhau. Xã hội nào cũng có vấn đề nhân quyền cần phải đặt ra, đòi hỏi giới cầm quyền phải giải quyết nghiêm túc trên cơ sở thực tế mỗi nước. Tuy nhiên lấy mục tiêu nhân quyền làm công cụ để quấy rối chỉ càng làm cho xã hội thêm rối rắm, thậm chí là hỗn loạn.

Trên bình diện toàn cầu đang nổi lên mâu thuẫn lớn giữa Chủ nghĩa dân tộc nhân văn với Chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Giải quyết mâu thẫn này phải dựa vào nền tảng văn hóa truyền thống. Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc cho ta bài học: Nước mất có thể lấy lại nhưng mất văn hóa sẽ vĩnh viễn mất hết. Cốt lõi văn hóa là lịch sử dân tộc. Lịch sử dân tộc dù hay dở phải rõ ràng trung thực. Không vì mục tiêu hòa hợp-hòa giải mà để vàng thau, trắng đen lẫn lộn. Đó là công việc của các nhà hoạt động xã hội, các nhà giáo dục, các nhà sử học cần phải có thái độ công minh chính trực, không để xảy ra những điều như đang diễn ra. Sự thật chỉ có một, tuy nhiên cần có thời gian để mọi người bình tâm suy nghĩ. Đừng vì các mục tiêu thiển cận mà biến đổi lịch sử, biến chính thành tà, đảo tà thành chính sẽ là tai họa cho xã hội, mang tội với tiền nhân và các thế hệ mai sau.
TP. Hồ Chí Minh
Ngày 12/9/2015
Nguyễn Văn Thịnh
** Tư liệu sử dụng:
Hoàng sa 1974: Kim giấu trong bọc
(Blog dlv.vn)

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍