Có nhiều bài báo tiếng Việt ca ngợi huyền thoại nông nghiệp phi thường của Israel trên sa mạc, ví dụ bài báo sau trên cafebiz.vn, tuy vậy người Palestine đã làm “nở hoa” sa mạc từ trước người Israel rất lâu, với sản lượng nông nghiệp đáng nể. Sau đây là bản dịch bài báo Israel is stealing Palestinian and Arab Water của Sawsan Ramahi, đăng ngày 23/3/2010. Bài báo chỉ ra Israel dùng quân sự để cướp bóc tài nguyên nước của người Palestine và Arab; đồng thời sử dụng hết sức lãng phí tài nguyên nước, trái ngược với các huyền thoại hay gặp về Israel mà báo chí doanh nghiệp vẫn thường xuyên ca ngợi. Một mặt khác, bài báo cũng chỉ ra sự vô nhân đạo của chính quyền Israel khi cố tình đẩy dân tộc Palestine tới con đường diệt vong.

***
Ngày Nước Thế Giới đang tới gần chúng ta. Được sáng lập bởi Liên hợp quốc năm 1992 trong hội nghị ở Liên hợp quốc về môi trường và phát triển, ngày 22/3/1993 được chọn là ngày quốc tế đầu tiên cho nước nhằm kêu gọi sự chú ý tới tầm quan trọng của nước sạch và tính khả dụng của nó. Từ đó, lễ kỷ niệm của ngày đặt trọng tâm hàng năm lên một khía cạnh khác nhau của các khó khăn mà người dân đối mặt trong việc nhận nguồn nước sạch.
Không có gì nghi ngờ về chuyện lợi ích của Liên hợp quốc trong vấn đề này là rất quan trọng, mặc dù toàn thế giới cần phải làm nhiều hơn, chứ không chỉ đơn thuần có một ngày kỷ niệm hàng năm về vấn đề này. Điều cần phải làm đối với Liên hợp quốc là cần phải chấm dứt sự độc quyền nước bởi bất kỳ quốc gia nào có các nguồn nước trong phạm vi biên giới của nó và chấm dứt việc làm chệch dòng và ăn cắp nước từ các vùng đất bị chiếm đóng.
Khi một nước xâm lược khai thác các tài nguyên của vùng đất bị chiếm đóng gây hại cho người bản địa, nó xây dựng bản thân nó trên sự đổ nát của cái nó đã phá hủy, và việc ăn cắp các tài nguyên như thế là rõ ràng, thậm chí ngay cả khi kẻ chiếm đóng tìm cách che giấu hành động của họ đằng sau các nguyên lý cao quý. Hành động bất lương này trở nên tồi tệ hơn khi khẳng định vùng đất đang xét là một món quà từ Chúa và các huyền thoại có động cơ chính trị như nó là “một vùng đất không dân tộc cho một dân tộc không có đất”. Khi điều sai trái đó được pha chế thậm chí xa hơn bởi các hành động diệt chủng chống lại người bản địa, giết chết hàng nghìn và trục xuất hàng trăm nghìn người trong các hành vi thanh lọc sắc tộc, tình hình là thực sự rất nghiêm trọng. Sau những cố gắng phá hủy những thứ thiết yếu cho cuộc sống của những người dưới sự chiếm đóng, kẻ xâm lược tìm cách khống chế thứ thiết yếu chính, đó là các nguồn nước. Sự thôn tính và kiểm soát nước trong lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng luôn luôn song hành với việc thuộc địa hóa vùng đất, một trong những ưu tiên của Israel.
Mục tiêu lâu dài này của nhà nước Do Thái được xác nhận bởi các tài liệu tin cậy công bố bởi Văn phòng Đối ngoại nước Anh (British Foreign Office), trong đó, David Ben-Gurion viết năm 1941 rằng “Chúng ta phải nhớ rằng để cho nhà nước Do Thái có thể sống sót, cần phải có bên trong đường biên giới của nó nguồn nước của [các sông] Jordan và Litani.”
Israel kiểm soát nước của người Arab
Từ năm 1948, các nhà cầm quyền Israel đã tìm cách kiểm soát phần lớn các tài nguyên nước ở Palestine. Sau chiến tranh 1967, Israel chiếm được sự kiểm soát các nguồn nước chính của người Arab ở Trung Đông:
1. Lưu vực Sông Jordan thượng, bắt nguồn từ Lebanon và Syria:
Israel chiếm đoạt Sông Jordan và trữ nước của nó ở hồ Tiberius (biển hồ Galilee), sau đó vận chuyển nước từ phía bắc về phía nam để cung cấp cho các khu vực khác nhau của Israel. Israel lấy 60% lượng nước này , trong khi Jordan lấy 25% và Syria 15%, mặc dù nguồn nước nằm trong biên giới Syria. Đồng thời nó cũng ngăn cản người Palestine tiếp cận Sông Jordan, phá hủy tất cả các máy bơm của họ trên sông và đuổi nông dân.
2. Hệ quả của việc làm chệch dòng nước của Israel là đất ở hai bên bờ bị ảnh hưởng, khi lượng muối trong nước tăng đáng kể.
3. Lưu vực Sông Yarmouk được chia sẻ giữa Jordan và Syria:
Khi Israel chiếm đóng Cao nguyên Golan, họ ngăn cản Syria hưởng lợi từ nguồn nước của chính Syria; ngày nay, 30% nước của Israel đến từ Cao nguyên Golan. Đồng thời họ chiếm đoạt nguồn nước của Syria ở lưu vực Sông Yarmouk. Cao nguyên Golan là nguồn nước chính chảy vào Sông Jordan và biển hồ Tiberius, cung cấp nước cho Syria, Jordan và Palestine; đó là lý do vì sao Israel từ chối từ bỏ các nguồn nước này trong bất kỳ đàm phán nào với Syria.
4. Các tầng chứa nước ngầm rộng lớn ở Bờ Tây, được biết tới là Tầng chứa của Núi và Mountain-Well; những người Palestine đã không thể tiếp cận tới chúng từ năm 1967.

  • · Khi Israel xâm lược Lebanon năm 1978, nó kiểm soát gần 30% Sông Litani, và trong suốt quá trình chiếm đóng Lebanon năm 1982, người Israel hưởng lợi từ nguồn nước của sông Wazzani và Litani, chuyển nước từ đó về Israel, đồng thời tống cổ các nông dân Lebanon phụ thuộc vào nguồn nước này.
  • · Năm 1989, người Israel lợi dụng nguồn nước sông Wazzani và Hasbani bằng cách lắp đặt ống dẫn nước cho chính họ, mặc dù rút quân khỏi Lebanon năm 2000, nhưng vẫn còn nhiều giếng phun Israel ở trên biên giới làm giảm nguồn nước ngầm ở lãnh thổ Lebanon.
  • · Israel sử dụng nhiều phương tiện kiểm soát nước ở Sông Nile, dài 6825km và có hai nguồn chính; Khu vực các hồ xích đạo Nam Sudan và cao nguyên Ethiopia. Israel thi thoảng cố gắng hợp tác với Ethiopia để xây đập và các phương tiện khác để kiểm soát nguồn nước sông Nile, tìm cách hạn chế việc chia sẻ nước của Ai Cập và gây áp lực nhằm bảo đảm việc chia sẻ nguồn nước sông Nile. Điều này đã bị vạch trần bởi các quan chức cấp cao.
Kiểm soát nước ở Bờ Tây và Gaza, khủng hoảng nước đe dọa người dân ở đó
Từ khi Israel bắt đầu chiếm đóng Bờ Tây và Dải Gaza, nó cố gắng tiếp tục giữ kiểm soát tài nguyên nước và nước bị nắn dòng từ lãnh thổ Palestine tới các thành phố và khu vực chiếm đóng dựng lên từ đống đổ nát của các thành phố Palestine bị phá hủy năm 1948.
Abdel-Rahman Tamimi, một chuyên gia về nước, nói rằng cuộc chiến về nước với sự chiếm đóng bắt đầu từ rất sớm, cùng với các lệnh quân sự và kiểm soát có hệ thống các lưu vực nước, giếng và suối, kể từ khi sự chiếm đóng Bờ Tây bắt đầu năm 1967. Theo ông Tamimi, các nguồn nước được đặt dưới sự kiểm soát của Chính quyền dân sự Israel (Israel Civil Administration) trong những năm 1970, và thậm chí sau hiệp định Oslo, chúng vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Israel, “làm trầm trọng thêm các vấn đề về nước ở Bờ Tây.”
Dải Gaza phụ thuộc vào tầng dự trữ nước ngầm ven biển nằm dưới Biển Địa Trung Hải, giữa Rafah ở phía Nam và Bắc của Núi Carmel, với tổng diện tích là 2200km2, trong đó 400 km2 nằm ở mặt dưới Dải Gaza. Nguồn nước ngầm này độc lập trên quy mô lớn với nguồn nước ngầm trong Israel bởi dòng nước chảy theo hướng Đông-Tây vào trong tầng chứa; vì vậy, lượng nước khả dụng cho người Palestine trong Dải Gaza là đủ dùng nếu Israel không tịch thu hơn 80% lượng nước ngầm của người Palestine để cấu thành 20% tổng lượng nước tiêu thụ, 2 tỷ mét khối/năm, của người Israel. Do điều này, ước tính rằng nguồn nước ngầm sạch sẽ khô kiệt trong vòng 8 năm tới.
Nhà chức trách về nước của Palestine đã giải thích rằng Dải Gaza chịu đựng sự thiếu hụt nước hàng năm lên tới 70 triệu mét khối, đồng thời ghi chú rằng do gia tăng dân số tự nhiên ở trong Dải, bây giờ có hơn 1 triệu rưỡi người phụ thuộc vào một nguồn nước duy nhất, đó là tầng ngậm nước ven biển, để đáp ứng nhu cầu. Nhà chức trách cũng đề cập tới tác động tiêu cực lên chất lượng nước ngầm, do nước biển xâm nhập, gây ra độ mặn cao và thêm vào sự tập trung cao nitrát trong nước, gây ra bởi sự rò rỉ nước cống và ngầm trở lại của nước tưới nông nghiệp.
Báo cáo của nhà chức trách nói rằng 90-95% nước ngầm được sử dụng cho mục đích gia đình không phù hợp cho tiêu dùng của con người, và không đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức y tế thế giới WHO về nước uống, về cả chất lượng và số lượng, điều này cấu thành một sự đe dọa thực sự đối với sức khỏe và là nguyên nhân của nhiều bệnh tật ảnh hưởng tới người dân ở Dải Gaza.
Nhà chức trách nói rằng tỷ lệ nước khả dụng cho một người một ngày là khoảng 80 lít, tương đương với một nửa theo khuyến cáo của WHO.
Bờ Tây phụ thuộc vào các giếng phun cho mục đích ăn uống và nông nghiệp. Dung tích nước chảy và các suối nước ở bờ Tây lên xuống trong khoảng 30-50 triệu mét khối hàng năm, theo ước lượng của nhiều chuyên gia. Các suối ở Bờ Tây được ước lượng có dung tích chừng 75-115 triệu mét khối. Điều này là trước khi Israel bắt đầu sử dụng 730 giếng ở Bờ Tây cho các mục đích khác nhau. Bây giờ là 214 giếng, trong đó chỉ có 20 giếng được dùng cho mục đích hộ gia đình, vận hành với dung tích sản xuất được thiết lập bởi chính quyền Israel vào khoảng 37,9 triệu mét khối/năm. Các giếng còn lại đã khô cạn do việc bơm từ các giếng sâu được đào bởi các cơ quan quân sự Israel, hoặc do bị bỏ hoang.
Tỷ lệ nước tiêu thụ của các công dân Israel là 344 triệu mét khối/năm, trong khi lượng tiêu thụ của người Palestine là 93 triệu mét khối/năm. Lượng tiêu thụ nội địa của người Israel lên đến 98 triệu mét khối, trong khi với người Palestine, nó chỉ là 56 triệu mét khối/năm. Rõ ràng là người Israel sử dụng và lãng phí nhiều nước hơn bất kỳ ai khác trong khu vực.
Một nghiên cứu về vấn đề này được thực hiện bởi viện Palestine về Nghiên cứu Chính sách Kinh tế (MAS), soạn bởi Anna Yayyousi, một giảng viên ở khoa Kỹ sư ở đại học Al-Najah, chuyên gia về vấn đề nước, và Fathi Srougi, một chuyên gia về các vấn đề địa chính trị liên quan tới nước.
Jayyousi đề cập tới thể tích các nguồn nước ở Palestine lịch sử, được ước tính bởi những nhà thủy học Israel là vào khoảng 2250 triệu mét khối nước có thể thay mới, và bao gồm 3 tầng dự trữ ở khu vực Bờ Tây, sản xuất ra 679 triệu mét khối nước. Theo luật quốc tế, lượng nước này thuộc về người Palestine, nhưng họ chỉ lấy được 118 triệu mét khối. Hay nói cách khác, người Palestine chỉ lấy được có 15% lượng nước của chính họ, trong khi đó, phần còn lại được tiêu thụ bởi người Israel.
Liên quan tới việc sử dụng nước cho mục đích nội địa, Jayussi đã nói, “Lượng cung cấp ước tính vào khoảng 130 triệu mét khối ở Bờ Tây và Dải Gaza; nghĩa là lượng nước cung cấp cho một người trung bình là vào khoảng 97 lít/ngày. Tuy nhiên, thực tế lượng tiêu thụ thực sự không tới 70 lít/ngày, do tỷ lệ cao của nước bị lãng phí.” Điều này là do việc bảo trì quá chậm trên mạng lưới đường ống, trong nhiều lý do khác nhau. Jayussi ước lượng việc sử dụng bởi khu vực công nghiệp là vào khoảng 9 triệu mét khối nước hàng năm.
Trong khu vực nông nghiệp, nghiên cứu cho thấy lượng đất trung bình được tưới cho một cá nhân là chỉ 0,071 dunam (tức 1000 mét vuông). Hơn nữa, việc sử dụng nước cho tưới tiêu không vượt quá 45 mét khối một người, ít hơn tỷ lệ hiện hành ở Jordan và Israel.
Cần phải chú ý rằng Israel không cho phép người Palestine kiểm soát nước của họ theo nhu cầu của họ, mà trói buộc họ vào những nghị quyết, thông qua đó, nhà nước Do Thái:
1. Hạn chế lượng rút nước tới không quá 100 mét khối một giờ.
2. Hạn chế độ sâu của các giếng khoan tới 140 mét, yêu cầu các loại máy bơm cũ được cho phép ở Bờ Tây, cốt là để hạn chế dung tích hút nước khỏi các giếng này.
3. Đã đào các giếng lớn trong các khu vực chiến lược nơi nước tích tụ ngang qua Bờ Tây và Dải Gaza nhằm ăn cắp nước của người Palestine (60 giếng ở Bờ Tây, 43 ở Dải Gaza, và 26 dọc ranh giới đình chiến giữa Gaza và Israel).
4. Đã thông qua một chiến lược xây dựng những đập nhỏ để ngăn dòng chảy nước mặt tự nhiên vào các khu vực Palestine, do đó cho phép chuyển nước có chất lượng cao từ khu vực Israel chiếm đóng trong lãnh thổ Palestine vào các thành phố Israel, hoặc bán chỗ nước này cho người Palestine.
5. Xây khu định cư để cho họ ở trong các khu vực với các tầng dự trữ nước ngầm có chất lượng cao nhất, cho phép Israel cướp lấy nước một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, một chính sách dẫn tới sự cạn kiệt nước ngầm ở Dải Gaza.

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Thông Tin Palestine, 150 cộng đồng Palestine ở Bờ Tây không thuộc vào mạng lưới phân phối nước. Phần lớn cư dân ở những cộng đồng này chịu đựng việc thiếu nước.
Hebron là một hình mẫu
Thành phố Hebron ở phia Nam của Bờ Tây được coi là thành phố Palestine túng quẫn nhất xét về độ thiếu nước, ở đây một người Palestine trung bình tiêu thụ khoảng 10 lít nước một ngày cho những chu kỳ dài.
Vấn đề nước ở Hebron chủ yếu là hệ quả của việc kiểm soát các lưu vực nước bởi chính quyền chiếm đóng Israel; người Palestine không được phép đào giếng và người Israel không cung cấp lượng nước tối thiểu cho nhu cầu hàng ngày. Một ví dụ minh hoạt các biện pháp mà Israel sẵn sàng sử dụng: quân đội Israel đột kích 4 công dân từ làng Soba, phía tây Hebron khi họ đang khoan giếng để lấy nước mưa; họ bị bao vây và bị bắt, thiết bị của họ bị tịch thu; họ bị phạt và cuối cùng được thả với lệnh nghiêm khắc cấm khoan trở lại.
Abdel-Rahman Rajoub bình luận về việc này: “Điều lạ lùng là một trong những người bị giam đã nói rằng họ đã nói với điều tra viên trong suốt 8 ngày họ bị giam là việc khoan chỉ là với mục đích thu nước mưa. Viên sĩ quan buộc tội họ ‘ăn cắp nước ngầm’ và nói với họ là việc thu lại nước mưa là ‘bị cấm’.”
Các hồ nước ở Hebron bị phá hủy
Ở phía đông của Hebron, quân đội Israel phá hủy bốn hồ nước lớn tập trung nước và cướp đoạt một diện tích lớn đất đai nông nghiệp nước tưới, gây ra sự mất mát lớn cho nhiều nông dân. Một vài người đã nói điều này là “nhằm quấy rầy người Palestine và ép buộc họ rời khỏi khu vực, nhằm dọn dẹp cho việc xây dựng khu định cư.
Cư dân ở vùng đất màu mỡ này đã dùng tới việc đục lỗ trên ống nước để lấy nước cần thiết cho việc tưới tiêu mùa màng của họ, mặc dù điều này gây hại cho nước uống của họ.
Ảnh hưởng của việc xây dựng bức tường trên các nguồn nước ở Bờ Tây
Ngoài các chiến thuật đã nói ở trên về việc người Israel chiếm đoạt nguồn nước của người Palestine, chính quyền chiếm đóng đã sử dụng “bức tường phân chia” bất hợp pháp để đảm bảo nó kiểm soát được 3 trong các lưu vực nước quan trọng nhất của người Palestine, tước đoạt của người Palestine quyền tiếp cận nguồn nước, nhằm gửi chỗ nước này tới khu chiếm đóng. Khi việc xây dựng của cái cơ bản được gọi là bức tường apartheid tiếp tục diễn ra ở Bờ Tây, các nguồn chính thức của Palestine xác nhận rằng nó sẽ sáp nhập vào Israel khoảng 95% lượng nước có thể tiếp cận được ở lưu vực phía tây, ước lượng khoảng 362 triệu mét khối.
Khu vực bị cô lập ở sau phần phía tây của bức tường nằm ở trên hai lưu vực; lưu vực phía tây và lưu vực phía đông bắc, có dung tích hàng năm ước lượng vào khoảng 507 triệu mét khối. Khu vực bị cô lập ở phía đông nằm hoàn toàn trên lưu vực phía đông có dung tích vào khoảng 172 triệu mét khối hàng năm. Nước được rút từ các tầng ngậm nước này bằng cách bơm từ giếng hoặc từ suối tự nhiên. Số lượng ước tính các giếng ngầm ở khu vực là 165 với dung tích bơm 33 triệu mét khối/năm; số suối được ước tính là 53 với dung tích 22 triệu mét khối/năm.
Ở các tỉnh Jenin, Qalqilya và Tulkarem, vùng đất bị sáp nhập bởi bức tường là tương ứng với các vị trí nước ngầm, nghĩa là tất cả các tầng dự trữ nước ngầm nằm ở mặt trái của bức tường, tức phía Israel của bức tường. Nó vô hiệu hóa cố gắng của người Palestine trong việc rút nước từ các tầng dự trữ đó; như vậy, bức tường đe dọa dẫn tới diệt vong nền nông nghiệp tưới tiêu ở phía bắc Bờ Tây.
Theo báo cáo của Cơ quan nước Palestine, bức tường đã dẫn tới mất khả năng tiếp cận 36 giếng của người Palestine, bao gồm 23 cái được đặt ngay trên tuyến đường của bức tường, và 13 cái khác gần đó đã được dùng cho nông nghiệp và ăn uống; các giếng này nằm giữa bức tường và “Tuyến Xanh” cũ (ranh giới đình chiến 1967). Các giếng trước thường bơm khoảng 55 triệu mét khối nước hàng năm, khoảng 25% tổng lượng nước rút ra từ tầng dự trữ phía tây. Chính quyền chiếm đóng cũng đang tìm kiếm xuyên tuyến đường của bức tường để chiếm đoạt hơn 400 mét khối cấu thành dung tích toàn bộ nước ngầm làm mới lưu vực phía Tây, trong đó phần lớn được tích tụ ở trong biên giới Bờ Tây Palestine.
Sự ô nhiễm các tầng dự trữ nước ngầm ở Bờ Tây và Dải Gaza
Israel bòn rút nước ngầm của người Palestine, dẫn tới tăng mức độ muối, nitrat, và chloride, cũng như nhiễm các kim loại nặng như đồng và chì, cho thấy nó không phù hợp với việc ăn uống hoặc nông nghiệp. Việc vắt kiệt các giếng nước cũng gây ra rò rỉ nước mặn vào trong nước ngầm sạch ở Bờ Tây; ở Dải Gaza, nước biển đã lọt vào lưu vực nước ngầm để lấp khoảng rỗng.
Lan truyền bệnh tật
Bộ Y tế Palestine xác nhận kết quả kiểm tra cho thấy nước ở mạng lưới đã bị ô nhiễm thường xuyên, dẫn tới sự lan tỏa bệnh tật trong dân chúng. Phân tích đã cho thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm nước và lan tỏa bệnh tật, ví dụ như sốt thương hàn, viêm màng não, bệnh dịch tả. Một viên chức ở ủy ban giam sát Bộ Y tế đã xác nhận rằng họ đang kiểm tra các nguồn nước liên tục, xem có dùng để ăn uống, làm nông nghiệp hay mục đích khác được không. Ông nói, “Hiện đang có một quá trình lọc và làm sạch nước ở các giếng, nhằm làm giảm bớt sự ô nhiễm và mức độ muối ở trong nước.” Ông nói thêm, các lực lượng an ninh Israel cản trở hoặc ngăn chặn việc thực thi nhiều dự án có khả năng giải quyết vấn đề này.
Kết luận
Từ những điều trên, ta thấy rằng Israel là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nước cho người Palestine nói riêng và người Arab nói chung, một sự kiện mà nhà nước Do Thái từ chối thừa nhận. Israel sẽ tiếp tục kiểm soát các nguồn tài nguyên nước với các kế hoạch của nó, đặc biệt là nó tìm cách thu hút một số lượng người nhập cư Do Thái lớn chưa từng có.
Tiếc là hiệp định Oslo đã trì hoãn các đàm phán về vấn đề nước cho tới hiệp định “ở trạng thái cuối cùng” được mong đợi, một sai lầm trong nhiều sai lầm về phía đàm phán Palestine. Bằng việc đồng ý trì hoãn xem xét các vấn đề quan trọng nhất cho tới các buổi nói chuyện “ở trạng thái cuối cùng” (bao gồm tình trạng của Jerusalem, sự trở lại của người tị nạn cũng như vấn đề nước), họ đã cho phép Israel đưa vào nhiều sự thay đổi và “sự kiện trên mặt đất” mà người Palestine chỉ có thể chấp nhận.
Nhà nước Do Thái tránh thảo luận các vấn đề cốt lõi như vấn đề nước của người Palestine và cố gắng loanh quanh tránh trọng tâm cho các giải pháp dài hạn như việc tìm các nguồn nước thay thế, cây trồng khử muối, và giảm lượng nước dùng cho nông nghiệp.
Điều đáng nhớ là trừ những đề nghị bao gồm sự kiểm soát của Palestine đối với các tài nguyên nước của chính họ, hoàn toàn vô ích khi nói chuyện về một nhà nước Palestine độc lập, với chủ quyền thực sự đối với không phận, đất liền và biển của nó. Cũng vô ích khi xem xét đạt được hòa bình thực sự.
Liên hợp quốc nên giữ lấy trách nhiệm một cách nghiêm túc và bắt buộc Israel chấm dứt việc chiếm đóng bất hợp pháp lãnh thổ Palestine, trả lại cho người Palestine những quyền không thể xâm phạm của họ, bao gồm việc kiểm soát các tài nguyên tự nhiên của Palestine. Chừng nào Israel được thết đãi một cách tử tế và cẩn trọng như là một nhà nước đứng trên luật, các cuộc nói chuyện về hòa bình, gần hay trực tiếp, sẽ tiếp tục là những phương tiện ngoại giao cho Israel thêm thời gian để tạo thêm các sự kiện trên mặt đất; và hòa bình thực sự và công lý sẽ mãi mãi là điều viển vông.


Dịch: Trần Đức Anh

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍