Cho đến nay không ai phải chịu trách nhiệm cho việc hãm hiếp và giết người tại trại Brothers, Busan, Hàn Quốc. Ảnh: Trẻ em tại trại Brothers Home. |
Ngay cả bây giờ, hơn 30 năm sau, Choi Seung-woo vẫn khóc khi ông kể lại tất cả những gì đã xảy ra sau đó.
Một trung tâm cưỡng bức và hành hạ trẻ em “hợp pháp”
Viên cảnh sát giật cái quần của cậu bé xuống liên tục dí bật lửa vào gần bộ phận sinh dục của Choi, ép cậu thú nhận cái tội mà cậu chưa từng làm.
Sau đó, hai người đàn ông trang bị dùi cui đến và đưa cậu vào trại dành cho người cơ nhỡ Brothers Home (Ngôi nhà Anh em), nơi diễn ra các hoạt động vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất trong lịch sử Hàn Quốc hiện đại.
Một bảo vệ ký túc xá đã hãm hiếp Choi vào cái đêm năm 1982 đó, và liên tục lặp lại. Cậu bắt đầu kiếp sống nô lệ trong 5 năm, bị đánh đập mỗi ngày, nhìn thấy không biết bao nhiêu đàn ông và đàn bà bị đánh tới chết, xác bị ném lên xe bò như đống rác.
Choi là một trong hàng nghìn người vô gia cư, nghiện rượu, không may mắn, nhưng chủ yếu là trẻ em và người khuyết tật bị đưa vào các cơ sở dành cho người cơ nhỡ trong thập niên 70 và 80 ở Hàn Quốc. Chính quyền lúc đó đang muốn cải thiện bộ mặt đất nước thành một quốc gia tiên tiến để giành quyền đăng cai Thế vận hội Seoul năm 1988, vì thế đã ra lệnh cho cảnh sát và quan chức địa phương “làm sạch” đường phố.
Bảo vệ đưa trẻ em từ một xe tải xuống cơ sở ở Busan, Hàn Quốc (không rõ ngày tháng). Ảnh: AP |
Được che giấu từ cấp chính phủ
Một cuộc điều tra Associated Press cho thấy sự lạm dụng tại những cái gọi là cơ sở cho người lang thang cơ nhỡ mà Brothers là cái lớn nhất trong hàng chục cơ sở như vậy, có nhiều uẩn khuất và trên quy mô rộng hơn nhiều so với những gì được biết trước đây, dựa trên hàng trăm tài liệu độc quyền và hàng chục cuộc phỏng vấn với các quan chức và các cựu tù nhân.
Tuy nhiên, cho đến nay, không ai phải chịu trách nhiệm đối với các vụ hãm hiếp và sát hại tại cơ sở Brothers vì sự che đậy ở cấp cao nhất của chính phủ, như những gì AP tìm thấy.
Hai nỗ lực điều tra ban đầu từng bị các quan chức cấp cao đàn áp, hai người này sau đó còn tiến xa hơn trên con đường chính trị, một người vẫn đang là cố vấn cấp cao của đảng cầm quyền Saenuri hiện nay.
Hàng hóa do lao động ở Brothers làm ra được chuyển tới châu Âu, Nhật Bản và có thể xa hơn. Những gia tộc quản lý Brothers Home vẫn tiếp tục điều hành các cơ sở phúc lơi xã hội và trường học, cho đến hai năm trước.
Ngay cả khi Hàn Quốc đang chuẩn bị cho việc tổ chức Thế vận hội lần thứ hai, vào năm 2018, hàng ngàn nạn nhân cũ vẫn không nhận được bồi thường, một sự thừa nhận công khai hay một lời xin lỗi. Hiện giờ mới chỉ có một vài nạn nhân lên tiếng, yêu cầu mở cuộc điều tra.
Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc đang cố ngăn cản các nghị sĩ đảng đối lập yêu cầu mở lại vụ việc, với lý do bằng chứng đã quá cũ.
Ahn Jeong-tae, một quan chức Bộ Nội vụ của Seoul, cho biết nếu chỉ tập trung vào một sự cố về nhân quyền sẽ là gánh nặng tài chính của chính phủ và thiết lập một tiền lệ xấu.
Ông ta cho biết những nạn nhân của Brothers nên tạm thời đệ trình trường hợp của họ cho một ủy ban tìm kiếm sự việc đã được thành lập vào giữa những năm 2000 để điều tra những tội ác trong quá khứ.
“Chúng tôi không thể đưa ra từng đạo luật riêng cho mỗi vụ và đã có rất nhiều sự cố kể từ chiến tranh Triều Tiên” – Ahn nói.
“Làm sạch đường phố”
Tất nhiên, những cựu tù nhân không thể quên. Một người đã lặng lẽ đứng hàng tháng trời phía trước tòa nhà Quốc hội với một bảng hiệu đòi công lý. Choi đã cố gắng tự tử nhiều lần và bây giờ tham dự các buổi trị liệu hàng tuần.
“Chính phủ luôn cố gắng che giấu chuyện đã xảy ra. Chúng tôi còn cách nào khác?” – Choi nói. “Hãy nhìn tôi đây này. Tôi đang khóc, tuyệt vọng kể cho các anh nghe chuyện đời mình. Xin hãy lắng nghe chúng tôi”.
Khi là một trại trẻ mồ côi, Brothers ở thời đỉnh cao của nó đã có hơn 20 nhà máy sản xuất ra các sản phẩm đồ gỗ, kim loại, quần áo, giày dép và hàng hóa khác được thực hiện bởi các tù nhân mà chủ yếu là làm không công.
Khu phức hợp với các tòa nhà bê tông rực rỡ sắc màu mọc lên trên thành phố cảng miền nam Busan, đã che giấu các tù nhân của nó khỏi mọi ánh nhìn bằng những bức tường cao và được canh giữ bởi những lính canh với dùi cui và tuần tra với chó.
Những điều kinh hoàng xảy ra đằng sau những bức tường đó được gắn bó chặt chẽ với lịch sử hiện đại của Hàn Quốc.
Hàn Quốc vào thời điểm đó vẫn còn trong quá trình hồi phục sau sự tàn phá gần như toàn diện của cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, tiếp sau gần bốn thập kỷ dưới chế độ thực dân tàn bạo của Nhật Bản
Từ năm 1960 cho đến những năm 1980, trước khi nền dân chủ, nó được cai trị bởi các nhà độc tài quân sự và tập trung quá nhiều vào việc cải thiện nền kinh tế.
Năm 1975, tổng thống độc tài Park Chung-hee, cha của đương kim Tổng thống Park Geun-hye, đã ban hành một chỉ thị cho cảnh sát và quan chức địa phương để ‘làm sạch’ đường phố khỏi những kẻ lang thang.
Nhân viên cảnh sát, với sự hỗ trợ của các chủ cửa hàng, đã thu gom ăn mày, hàng rong bán kẹo cao su và đồ trang sức rẻ tiền, các trẻ em khuyết tật, mồ côi hoặc không nơi nương tựa, và cả những người bất đồng chính kiến, trong đó có một sinh viên đại học người đang cầm những tờ rơi chống chính phủ.
Những người này cuối cùng bị giam giữ như tù nhân tại 36 cơ sở trên toàn quốc. Tới năm 1986, số lượng tù nhân sau hơn năm năm đã tăng từ 8.600 đến hơn 16.000 người, theo những tài liệu của chính phủ mà AP thu thập được.
Gần 4.000 người bị đưa vào cơ sở chính Brothers Home. Nhưng khoảng 90 phần trăm trong số họ thậm chí không đáp ứng định nghĩa của chính phủ về ‘người lang thang’ và vì vậy lẽ ra không bị đưa vào đó, cựu công tố viên Kim Yong Won nói với AP, dựa trên hồ sơ và các cuộc phỏng vấn về Brothers được ghi chép lại trước khi các quan chức chính phủ đóng lại cuộc điều tra của Kim.
Hoạt động của một “trung tâm thiện nguyện”
Các hoạt động bên trong của Brothers được vạch trần bởi cựu tù nhân Lee Chae-sik, người có đặc quyền đi lại vì là trợ lý riêng của người phụ trách an ninh nơi đây. AP đã đối chiếu và xác minh nhiều chi tiết được cung cấp bởi Lee, giờ đã 46 tuổi, thông qua các tài liệu của chính phủ.
Cơ sở của Brothers Home tại Busan. Ảnh: AP |
Lee bị đưa đến Brothers năm 13 tuổi sau khi gặp rắc rối ở trường. Công việc đầu tiên của ông là trong một phòng y tế. Hai lần một ngày, Lee và bốn người khác, không ai trong số họ đã được đào tạo y tế, sẽ cố gắng chăm sóc cho bệnh nhân, thường là ngăn các vết thương hở của họ với chất khử trùng hoặc loại bỏ giòi với nhíp.
“Mọi người hét lên trong đau đớn, nhưng chúng tôi không thể làm được gì nhiều,” – Lee nói. “Đó là một địa ngục trong địa ngục. Nhiều bệnh nhân đã bị bỏ lại ở đó cho đến chết.”
Ông cho biết, những tù nhân mạnh hơn thì hãm hiếp, đánh đập kẻ yếu hơn và lấy trộm thức ăn của họ. Lee đã từng cố tự sát sau khi bị một bảo vệ tại phòng y tế hãm hiếp.
Một năm sau, ông được cho làm trợ lý riêng của chấp hành viên trưởng Kim Kwang-seok, người giống như các lính canh khác ở Brothers là một tù nhân được chủ nhân trao quyền lực vì lòng trung thành của họ. Nhiều cựu tù nhân nhớ Kim như là kẻ đáng sợ nhất của cơ sở. AP nhiều lần thử truy dấu Kim nhưng không thành.
Lee cho biết ông thường chứng kiến khi Kim, một người đàn ông thấp, chắc nịch với làn da bị cháy nắng, là người cầm đầu các cuộc đánh đập gây tử vong mỗi ngày trong “phòng sửa sai”. Lee thường hỗ trợ Kim khi ông ta, ngày 2 lần, làm báo cáo cho chủ về những người bệnh và chết; thường khoảng bốn hoặc năm người chết mỗi ngày.
Lee kể lại cảnh mà ông chứng kiến lần đầu cách thức thủ tiêu nạn nhân hữu hiệu và độc ác của trung tâm này.
Đó là một buổi sáng, Kim đến gặp ông chủ Park In-keun khi ông ta đang chạy bộ để báo cáo rằng có thêm một tù nhân đã bị đánh chết vào đêm hôm trước. Cậu bé Lee nghe Park bảo Kim chôn cái xác trong những mô đất phía sau bức tường của trung tâm.
Bạo lực tại Brothers đã xảy ra trong bóng tối của một hoạt động kiếm tiền khổng lồ dựa trên lao động nô lệ.
Mười một nhà máy trên danh nghĩa là nơi dạy nghề cho tù nhân, thực tế có khoản lợi nhuận lớn vào cuối năm 1986, theo những tài liệu độc quyền của chính quyền Busan mà AP có được.
Theo đó, Brothers đáng lẽ phải trả số tiền theo tỷ giá hiện tại là 1,7 triệu USD cho hơn 1.000 người, làm việc từ sáng sớm đến tối mịt. Tuy nhiên, theo công tố viên Kim, dựa trên tài liệu ông có, không người nào được trả lương và đều bị cưỡng bức lao động.
Một cuộc điều tra vào thời điểm đó, nhanh chóng bị hủy bỏ bởi chính phủ, cho thấy gần như không có ai trong khoảng 100 tù nhân được phỏng vấn được trả công cho công việc của họ. Cũng không ai trong số 20 cựu tù nhân được phỏng vấn bởi AP được trả công khi lao động tại Brothers, mặc dù có ba người được nhận một khoản tiền nhỏ sau đó.
Người lớn phải làm việc trên các công trình xây dựng, cả ở Brothers và các cơ sở phụ cận. Trẻ em đôi khi phải dọn xà bần và xây tường, nhưng công việc chủ yếu là lắp ráp bút bi và móc câu cá.
Một số hàng hóa có liên hệ với các nước khác. Ví dụ, váy áo gia công tại xưởng may của Brothers được gửi sang châu Âu và các tù nhân được đào tạo bởi nhân viên tại Daewoo, nhà xuất khẩu quần áo lớn đến Hoa Kỳ và các thị trường khác trong những năm 1980, theo cuốn tự truyện của ông chủ cơ sở này.
Park, ông chủ của Brothers, nói rằng các lãnh đạo của Daewoo đã đi tham quan cơ sở của Brothers trước khi thiết lập quan hệ đối tác. Phát ngôn viên quốc tế của Daewoo, Kim Jin-ho cho biết họ không thể xác nhận những chi tiết như vậy vì thiếu hồ sơ từ thời điểm đó.
Các tù nhân trong những năm 1970 thuật lại rằng họ đã mất nhiều thời gian để nối dây vào lưỡi câu, đóng gói vào những thùng hàng tiếng Nhật, để xuất khẩu sang Nhật Bản.
Kim Hee-gon, một tù nhân tại Brothers trong tám năm, cho biết ông và những người đồng cảnh ngộ đã bị đánh đập nặng nề trong những năm đầu thập kỷ 70 sau khi hàng ngàn kiện hàng vận chuyển đến Nhật Bản bị trả lại vì bị lỗi hoặc thiếu lưỡi câu.
Park Gyeong-bo, người bị giam giữ tại Brothers trong những năm 1975-1980, nhớ những chiếc đế giày được sản xuất với logo của Kukje Songsa, một công ty hiện nay không còn tồn tại chuyên sản xuất giày cho Hoa Kỳ và châu Âu trong thập niên 1970 và thập niên 80.
Sự tiếp tay của chính quyền
Hoạt động của trung tâm Brothers phát triển mạnh vì tất cả mọi người được hưởng lợi, trừ các tù nhân.
Các quan chức địa phương cần nơi nào đó để đưa những người lang thang bị buộc tội vào trông giữ, vì vậy họ ký hợp đồng hàng năm với Brothers chỉ với yêu cầu về một cuộc thanh tra xem các tù nhân được đối xử thế nào và trung tâm này quản lý tài chính thế nào.
Cuộc điều tra ban đầu cho thấy Brothers có trợ cấp của chính phủ dựa trên số lượng các tù nhân, vì vậy nó thúc đẩy cảnh sát vây bắt nhiều người lang thang. Và các sĩ quan cảnh sát thường được khen thưởng tùy thuộc vào số lượng người lang thang mà họ thu gom được.
Hai quan chức thành phố Busan chỉ nói rằng khó lòng để xác nhận sự việc này bây giờ bởi vì trung tâm này đã đóng cửa ba thập kỷ trước đây. Heo Gwi-yong, một phát ngôn viên của Cơ quan Cảnh sát Metropolitan Busan, nói rằng ông không thể xác nhận bất kỳ chi tiết nào vì các lý do tương tự.
Ông chủ Park nhận được hai huy chương nhà nước vì những thành tựu phúc lợi xã hội và được ngồi vào một ban cố vấn của chính phủ. Câu chuyện của ông ta thậm chí còn tạo cảm hứng cho một bộ phim truyền hình năm 1985 ca tụng người anh hùng đã chăm sóc cho những người “dưới đáy xã hội’.
Park sau đó bị quản thúc một thời gian ngắn cho tội biển thủ và các tội liên quan nhỏ nhặt khác, nhưng không phải cho việc lộng hành tại Brothers. Khi khám xét trung tâm Brothers lần cuối cùng vào năm 1987, các nhà điều tra tìm thấy một kho tiền trong văn phòng của Park có giá trị khoảng 5.000.000 đô-la bằng tiền Mỹ, tiền Nhật Bản và chứng chỉ tiền gửi.
Trong cuốn tự truyện của mình, trong các phiên tòa xét xử và trong các cuộc nói chuyện với các cộng sự gần gũi, Park đã phủ nhận việc làm sai trái và khẳng định rằng ông chỉ đơn giản là theo lệnh của chính phủ. Mọi nỗ lực liên lạc với ông Park thông qua bạn bè, gia đình và các nhà hoạt động đều bất thành.
Tuy nhiên, báo AP đã lần theo người từng giữ vị trí lãnh đạo thứ hai tại Brothers, Lim Young-soon, người nổi giận trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại khi được hỏi về sự tham nhũng, bạo lực và chế độ nô lệ tại trung tâm Brothers.
Lim hiện là một mục sư Tin Lành tại ở Úc và là anh trai của vợ Park, cho biết Park là một người làm công tác xã hội “tận tâm”, đã làm cho Busan trở nên tốt hơn bằng cách làm sạch đường phố khỏi những kẻ gây rối. Ông ta nói Brothers “đóng cửa” là “sự thiệt hại đối với lợi ích quốc gia”.
Lim thừa nhận về những người chết vì bị đánh tại Brothers, nhưng cho rằng đó là vì các cuộc đụng độ giữa các tù nhân. Ông ta giải thích lý do tỷ lệ người chết cao trong các cơ sở vì khi đưa vào trại, họ đều trong tình trạng sức khỏe và tinh thần kém.
“Họ đã có thể chết ngoài đường bất kỳ lúc nào” – Lim nói.
Hàng trăm người đã bị giết
Vào ngày thứ hai của mình tại Brothers, vẫn còn choáng váng vì bị hãm hiếp tàn bạo tối hôm trước, Choi đang chờ đến lượt lột đồ và tắm rửa cùng những đứa trẻ khác.
Choi nói ông đã thấy một người bảo vệ túm tóc và kéo một người phụ nữ và đánh bà ta bằng dùi cui vào đầu cho đến khi máu phụt ra.
“Tôi chỉ đứng đó, run rẩy như một chiếc lá” – Choi, giờ đã 46 tuổi, cho biết. “Tôi thậm chí không thể hét lên khi tay trưởng nhóm sau đó hãm hiếp tôi một lần nữa.”
Một lần khác, Choi nhớ lại, ông thấy bảy lính gác quật ngã một người đàn ông đang la hét, quấn ông ta bằng một tấm chăn màu xanh và dẫm đạp và đánh ông ta. Máu thấm qua tấm chăn. Khi tấm chăn được gỡ ra, đôi mắt của người chết đã ám ảnh mãi vào tâm trí Choi.
Số người chết trên sổ sách do Brothers công bố là 513 người trong khoảng thời gian từ năm 1975 đến 1986, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Công tố viên Kim đã phỏng vấn nhiều tù nhân và họ cho biết các cán bộ của trung tâm từ chối đưa người bị thương đến bệnh viện cho đến khi họ đã gần như chết vì sợ họ bỏ trốn.
“Các cơ sở là vương quốc của Park, và bạo lực là cách ông ta cai trị,” – Kim nói về người chủ của trung tâm Brothers. “Khi bạn bị nhốt ở một nơi mà mọi người đang bị đánh đập đến chết mỗi ngày, bạn không có khả năng để phàn nàn quá nhiều về việc bị cưỡng bức lao động, bị lạm dụng hoặc bị hãm hiếp.”
Hầu hết những người mới vào Brothers có sức khỏe tốt, theo hồ sơ của chính phủ. Tuy nhiên, trong vòng một tháng đầu đến Brothers, có ít nhất 15 người chết trong năm 1985, và 22 người trong năm 1986.
Trong số hơn 180 trường hợp tử vong được ghi nhận tại Brothers vào năm 1985 và 1986, 55 giấy chứng tử đã được phát hành bởi một bác sĩ duy nhất, Chung Myung-kuk, theo tài liệu nội bộ cơ sở, các cuộc phỏng vấn và biên bản thực hiện bởi công tố viên Kim. Chung, bây giờ đã chết, chủ yếu liệt kê các nguyên nhân gây ra cái chết như là “suy tim” và “yếu kém nói chung.”
Một ngày tại Brothers bắt đầu trước khi bình minh, khi tù nhân vệ sinh cá nhân và đã sẵn sàng cho những lời cầu nguyện bắt buộc lúc 5:30, được truyền qua loa phóng thanh từ nhà thờ Presbyterian của trung tâm. Sau khi chạy bộ buổi sáng, họ dùng bữa sáng và sau đó tiến thẳng đến nhà máy hoặc công trường xây dựng.
Khi các quan chức thành phố, các nhà truyền giáo nước ngoài hoặc nhân viên cứu trợ đã đến thăm, một nhóm các tù nhân khỏe mạnh được chuẩn bị trong nhiều giờ để cho khách thấy bộ mặt sạch sẽ của Brothers. Bảo vệ nhốt tất cả mọi người khác trong các phòng của họ. Choi bảo các tù nhân chỉ biết vô vọng nhìn khi những người thanh tra đi qua.
“Chúng tôi đã bị mắc kẹt trong một nhà tù. Nhưng ai có thể giúp chúng tôi? Không một ai” – Choi nói.
Choi kể, khi tất cả các cánh cửa bị khóa sau 6:00 giờ chiều, các bảo vệ thường thực hiện các hành vi “bạo lực vô tội vạ” vào những đứa trẻ (khoảng 60 đến 100 em) trong khu nuôi nhốt, các vụ hiếp dâm thường xuyên xảy ra.
Một hiệu trưởng của một trường học tại Busan đã từng giảng dạy tại Brothers thừa nhận rằng các tù nhân đã bị giam giữ trái với ý muốn của họ, và thậm chí trung tâm này còn được gọi là một trại tập trung khổng lồ.
Tuy nhiên, người hiệu trưởng giấu tên vì lo lắng cho danh tiếng của mình lại kiên quyết bảo vệ sự thực tiễn của Brothers.
Ông nói bạo lực khắt khe và kỷ luật kiểu quân đội là những cách duy nhất để điều hành một nơi với hàng ngàn kẻ ngang bướng, những người không muốn ở đó.
Park Sun-yi, người đã bị bắt cóc bởi cảnh sát lúc chín tuổi từ một nhà ga xe lửa Busan vào năm 1980, là một trong số ít những người trốn thoát được.
Cô đã từng chứng kiến những lính canh đã dành riêng những đòn đánh tàn nhẫn nhất, những đòn đánh khiến cho các tù nhân đôi khi không thể phục hồi, để đối phó với những người muốn bỏ trốn. Nhưng rồi, sau năm năm ở đây, cô đã trở nên “héo mòn với ý nghĩ rằng cuộc sống của tôi có lẽ sẽ như thế này mãi mãi và tôi có thể chết ở đây.”
Cô và năm cô gái khác sử dụng một cái cưa gãy lấy từ xưởng đồ sắt để nhẫn nại cưa từng thanh song cửa của một cửa sổ ở tầng hai vào ban đêm và gắn lại chúng bằng kẹo cao su vào mỗi buổi sáng. Cuối cùng, họ hóp người lại để chui ra, trèo qua một bức tường gắn găm thủy tinh vỡ và chạy trốn về phía những ngọn đồi.
Cô kể, khi cô bước qua cánh cửa của ngôi nhà mình tại Munsan, cha cô đã ngất đi.
Phát hiện tình cờ
Trong một lần đi săn gà lôi, Kim, lúc đó là công tố viên mới được bổ nhiệm ở thành phố Ulsan, nghe người dẫn đường của ông kể về những người đàn ông trang bị những cây dùi cui gỗ và những con chó lớn đang canh gác những tù nhân rách rưới trên một ngọn núi gần đó.
Khi họ lái xe tới đó, những người đàn ông cho biết họ đang xây dựng một trang trại cho người chủ của Brothers ở vùng lân cận thành phố Busan. Kim kể, ngay lúc đó ông biết mình đã gặp phải “một tội ác rất nghiêm trọng”.
Tháng 12/1986, “tù nhân” trong cơ sở Brothers Home làm việc tại một công trường xây dựng ở Ulsan. Ảnh: Văn phòng Công tố Ulsan/AP |
Vào một buổi tối lạnh giá tháng một năm 1987, Kim dẫn đầu 10 cảnh sát trong một cuộc đột kích bất ngờ qua những bức tường cao của trung tâm Brothers, khống chế bảo vệ tại cánh cổng bằng thép và bịt miệng họ bằng băng keo. Khi vào trong, ông thấy những tù nhân bị đánh đập và suy nhược đang bị nhốt trong các căn phòng đông đúc. Các tù nhân nhanh chóng đón chào những người khách không mời bằng một kiểu chào quân sự.
“Tôi nhớ mình đã nghĩ, ” Đây không phải là một cơ sở phúc lợi xã hội, đó là một trại tập trung”,” Kim, bây giờ đã 61 tuổi và một đối tác quản lý tại một công ty luật Seoul, cho biết. Người nằm la liệt khùng khục ho và rên rỉ trong một khu vực bẩn thỉu và bệnh tật “chỉ chờ để chết.”
Chính phủ bao che
Sau khi ông chủ Brothers bị bắt, ông ta yêu cầu được gặp sếp của Kim, trưởng công tố viên Busan, những người lúc đó giám sát Ulsan.
Một ngày sau đó, Thị trưởng Busan Kim Joo-ho, người đã qua đời vào năm 2014, gọi Kim đến để thuyết phục thả tự do cho Park. Kim cho biết ông đã từ chối một cách lịch sự và treo hồ sơ lại.
Kim kể, cứ mỗi lần tiếp theo, lại có quan chức cấp cao muốn bịt miệng ông, một phần vì sợ tiếng xấu trước kỳ thế vận hội.
Tổng thống Chun Doo-hwan, người lên nắm quyền trong một cuộc đảo chính sau khi Park Chung-hee bị ám sát, không cần một scandal khác khi ông ta đang cố gắng để chống lại các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ lớn đang nổ ra.
Kim Yong Won, cựu công tố viên, người chịu trách nhiệm điều tra Brothers Home, trong một cuộc phỏng vấn tại văn phòng của mình ở Seoul. Ảnh: AP |
Các hồ sơ điều tra nội bộ cho thấy một số trường hợp ông Kim phải chịu sức ép đáng kể từ văn phòng của Chun để hạn chế cuộc điều tra và áp dụng mức hình phạt nhẹ cho người chủ của Brothers. Kim đã phải thường xuyên và trực tiếp trấn an các quan chức phủ tổng thống rằng cuộc điều tra của ông sẽ không mở rộng.
Kim cho biết, Park Hee-tae, khi đó là trưởng công tố viên của Busan và sau này là bộ trưởng tư pháp, không ngừng gây áp lực để giảm thiểu phạm vi cuộc điều tra, kể cả buộc ông phải dừng phỏng vấn các nạn nhân của Brothers.
Park hiện là cố vấn cấp cao cho đảng cầm quyền, từ chối lời mời phỏng vấn của AP. Thư ký của ông ta cho biết, Park không nhớ nội dung cụ thể cuộc điều tra.
Mặc dù bị cản trở, Kim cuối cùng cũng thu thập được các hồ sơ ngân hàng và các giao dịch tài chính trong đó chỉ ra rằng, chỉ riêng trong năm 1985 và 1986, ông chủ của Brothers đã biển thủ số tiền khoảng 3 triệu đô-la Mỹ thời giá bấy giờ.
Số tiền đó đến từ khoảng 10 triệu đô-la trợ cấp của chính phủ dùng để trang trải tiền ăn và mặc cho các tù nhân và duy trì các cơ sở.
Tuy nhiên, Kim cho biết, trưởng công tố viên Busan ép Kim chỉ liệt kê gần một nửa số tiền tham nhũng mà ông thực sự tìm thấy vì thế một phán quyết nghiêm khắc đã không được áp dụng theo quy định của pháp luật tại thời điểm đó.
Kim kể các sếp của mình cũng ngăn cản ông buộc tội ông chủ Park hoặc bất cứ ai khác về sự lạm dụng tình nghi diễn ra trên quy mô lớn tại các cơ sở của Brothers, đồng thời hạn chế công tố viên để chỉ có thể theo đuổi ở quy mô hẹp hơn rất nhiều sự lạm dụng có liên quan đến trang trại đang xây dựng mà Kim tìm thấy trong khi đi săn.
Kim đã yêu cầu mức án 15 năm tù cho Park. Sau một cuộc tranh luận kéo dài, Tòa án Tối cao vào năm 1989 đã tuyên Park 2 năm tù vì biển thủ và các vi phạm về xây dựng, quản lý đồng cỏ và ngoại tệ.
Park được tuyên vô tội với những cáo buộc lạm dụng tại các cơ sở. Chỉ có hai bảo vệ của Park lãnh án, một người bị 1 năm tù và một người tám tháng.
Sau khi ra tù, Park tiếp tục kiếm tiền từ các cơ sở phúc lợi xã hội và buôn bán đất đai. Lô đất của Brothers đã được bán cho một công ty xây dựng năm 2001 với giá tương đương khoảng 27 triệu USD theo thời giá hiện nay, theo một bản sao của hợp đồng bán đất mà AP có được.
Một người con gái của Park điều hành một trường học dành cho trẻ em gặp khó khăn đã đóng cửa vào năm 2013. Gia đình ông ta đã bán căn nhà của mình năm 2014.
Ông chủ của Brothers Home, Park In-keun (phải) bắt tay với cựu tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan. |
“Ám ảnh đến khi chết”
Brothers cuối cùng cũng đóng cửa năm 1988. Trong những năm 1990, các công nhân xây dựng phát hiện khoảng 100 bộ xương dưới khoảng đất của quả núi ngay bên ngoài trung tâm Brothers, theo lời kể của Lee Jin-seob, một trong những công nhân đã tìm thấy xương.
Lee cho rằng những tấm chăn quấn quanh các bộ xương và việc thiếu các gò đất cho thấy những cái xác đã được chôn xuống một cách bất thường và vội vã. Hiện chưa rõ về những phần sau của câu chuyện này.
Trong một chuyến đi gần đây tới khu vực cũ của Brother, mà bây giờ được bao phủ bởi các tòa nhà chung cư cao tầng, cựu tù nhân Choi và Lee Chae-sik đứng trên một hồ chứa nước bằng bê tông cũ bao phủ mà họ nghĩ là các dấu vết hữu hình duy nhất còn lại của Brothers. Cả hai nhớ lại cảnh tượng những tay bảo vệ chở xác chết vào rừng.
“Có thể có hàng trăm xác chết vẫn còn đó” – Lee nói, chỉ tay về phía những sườn dốc.
Choi Seung-woo (sau) và Lee Chae-sik (trước) đang kể lại ký ức kinh hoàng ở Brothers Home. Ảnh: AP |
Những tù nhân được giải thoát khỏi Brothers cuối cùng trở thành những người vô gia cư sống trong những túp lều tạm hoặc trong bệnh viện tâm thần; vật lộn với chứng nghiện rượu, trầm cảm, giận dữ, sự xấu hổ và nghèo đói.
Choi, với cái lưng phủ kín một hình xăm lớn có từ khi ông gia nhập một băng đảng sau khi thoát khỏi Brothers, đã bị bỏ tù vì tấn công một cảnh sát.
Một số ít cựu tù nhân đã bắt đầu lên tiếng đòi công lý: một lời xin lỗi và một sự thừa nhận rằng chính phủ đã khuyến khích cảnh sát bắt cóc và nhốt người trái phép.
“Làm thế nào mà chúng tôi quên nổi nỗi đau thể xác khi bị đánh đập, những xác chết, công việc lao động chân tay nặng nhọc, nỗi sợ hãi… tất cả những hồi ức tồi tệ”, Lee nói. Ông đang là quản lý một khách sạn ven hồ. “Nó sẽ ám ảnh chúng tôi đến lúc chết”.
—–
Người dịch: Nguyễn Thanh Tùng
(Tiêu đề và đề mục do người dịch tự đặt)
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍