Cựu Bí thư Thành uỷ TPHCM trao giấy chứng nhận đầu tư xây trường ĐH Fulbright cho ông Thomas Vallely, Chủ tịch Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học Việt Nam.
Những năm 1950 – 1970, khu vực “Nón phương Nam” Mỹ La Tinh ngày càng phát triển nhờ vào Chính Sách Mới theo chủ nghĩa dân tộc, kết hợp trường phái kinh tế Keynes (CNTB có điều tiết của nhà nước). Điều này khiến cho lợi nhuận của các nhà tư bản bị hạn chế, phong trào công nhân và quyền lợi người lao động tăng cao. Phái diều hâu Mỹ đưa ra cảnh báo: Chủ nghĩa dân tộc của thế giới thứ 3 là bước đầu tiên trên con đường dẫn đến CNCS toàn trị và cần phải được chặn đứng ngay từ khi mới manh nha! Lịch sử cho thấy, sau đó Mỹ đã tiến hành lật đổ hàng loạt chính phủ của các quốc gia Nam Mỹ như Brazil, Guatemala,.. và đặc biệt là ở Chile.

Mười mấy năm trước khi cuộc đảo chính quân sự của Pinochet diễn ra, người Mỹ đã cho ra đời “Dự án Chile”. Từ 1957 đến 1970, chính phủ Mỹ chi tiền để đào tạo kinh tế cho rất nhiều trí thức người Chile tại trường đại học Chicago. Những người này, được gọi là “los Chicago Boys”, sau đó trở thành hạt nhân để đào tạo cho hàng ngàn sinh viên khác tại quê nhà, biến ĐH Công giáo Chile thành 1 trường Chicago thu nhỏ trong lòng Santiago. Tất cả các chính sách của Chile được đem ra soi dưới kính hiển vi và bị đánh giá là không hiệu quả. Học viên được dạy coi khinh những nỗ lực xóa đói giảm nghèo của đất nước. Hệ thống giáo dục, y tế của Chile- thuộc hàng tốt nhất lục địa bấy giờ – được xem là “nỗ lực xuẩn ngốc”.

Khi Allende, một người cánh tả, được bầu làm tổng thống Chile, tổng thống Mỹ bấy giờ là Nixon đã lệnh cho giám đốc CIA Richard Helms rằng: “Hãy làm cho nền kinh tế này khóc thét lên”. Các tập đoàn Mỹ đang chiếm lĩnh thị trường ở Chile sau khi thất bại trong việc cản trở Allende lên làm tổng thống đã chuyển sang chiến lược mới nhằm bảo đảm Allende “không thể điều hành đất nước quá 6 tháng”. Một kế hoạch đảo chính quân sự được triển khai cùng lúc theo 2 hướng: quân đội âm mưu thủ tiêu Allende và những người ủng hộ ông còn các kinh tế gia âm mưu tận diệt tư tưởng của họ. Letelier, đại sứ Chile tại Mỹ thời đó, cho biết: “Các chàng trai Chicago” đã thuyết phục các vị tướng rằng họ sẵn sàng bổ sung cho sự bạo tàn của quân đội bằng tài sản tri thức họ còn thiếu.

Nhà độc tài quân sự Pinochet

Ngày 11/9/1973, xe tăng quân đội tiến vào phủ tổng thống, nơi Allende cùng 36 cộng sự của mình bị vùi dập bằng 24 quả rocket. Một cuộc khủng bố được tiến hành với hậu quả là hơn 3.200 người bị giết, ít nhất 80.000 người bị cầm tù, tra tấn và hơn 200.000 người phải tỵ nạn sang nước khác. Chỉ một ngày sau vụ đảo chính, bản kế hoạch tái thiết kinh tế của “Các chàng trai Chicago” đã có mặt trên bàn làm việc của chính phủ mới. Những đề xuất trình bày trong bản tài liệu được rút ra từ cuốn “Chủ nghĩa tư bản và tự do” của Milton Friedman, người khởi xướng chủ thuyết “tân tự do” và là thầy của “các chàng trai Chicago” tại ĐH Chicago, với các mục tiêu: tư hữu hóa, bỏ điều tiết và cắt giảm chi tiêu công – bộ ba thần thánh của thị trường tự do. “Các chàng trai Chicago” được bổ nhiệm vào các chức danh chủ chốt về kinh tế trong chính phủ mới. Chile mở tung biên giới để nhập khẩu hàng hóa, các hàng rào bảo hộ nhà sản xuất trong nước bị gỡ bỏ, chi tiêu công bị cắt giảm đến 27%, chủ yếu là trong 2 lĩnh vực y tế và giáo dục và thậm chí là tư hữu hóa cả hệ thống an sinh xã hội. Kết quả là nền kinh tế Chile tụt dốc không phanh với siêu lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Cho đến năm 1982, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 30%, gấp 10 lần dưới thời Allende. Những kẻ duy nhất được hưởng lợi là các công ty nước ngoài và một nhóm nhỏ các nhà tài phiệt được biết đến với tên gọi “cá Piranha”, những công ty tài chính theo phong cách Enron mà “Các chàng trai Chicago” cho hưởng tự do không bị chính sách nào ràng buộc, đã mua sạch tài sản đất nước bằng tiền vay nợ và khoản nợ cộng dồn đã tích thành con số khổng lồ 14 tỷ đô-la.

Pinochet và “Các chàng trai Chicago”

Ngược lại thời gian trước cuộc đảo chính của Pinochet gần chục năm, tại đất nước ngay gần nước ta là Indonesia cũng diễn ra một sự kiện tương tự nhưng với mức độ thảm khốc hơn nhiều ở Chile, đồng thời chính là “kiểu mẫu” cho những gì xảy ra ở Chile. Từ sau thế chiến thứ 2, lãnh đạo của Indonesia là tổng thống Sukarno, người đã lãnh đạo nhân dân Indonesia giành lại độc lập từ thực dân Hà Lan. Sukarno chọc giận các nước giàu khi tiến hành bảo hộ nền kinh tế Indonesia, tái phân phối tài sản và gạt phăng sự can thiệp của Quỹ tiền tệ quốc tế cũng như Ngân hàng thế giới, hai tổ chức mà ông cho là thực chất vì quyền lợi của các tập đoàn đa quốc gia phương Tây. Chính phủ Mỹ và Anh đã kiên quyết đặt dấu chấm hết cho thời gian nắm quyền của Sukarno và những tài liệu giải mật cho thấy CIA đã nhận được chỉ thị phải “kết thúc chế độ của tổng thống Sukarno, tùy theo tình hình và cơ hội hiện có”.

Tướng Suharto

Tháng 10 năm 1965, Mỹ chống lưng cho tướng Suharto làm đảo chính và tiêu diệt phe cánh tả. Trong khi Lầu Năm Góc cung cấp vũ khí và điện đàm thì CIA âm thầm lên một danh sách các thủ lĩnh phe cánh tả để cung cấp cho Suharto. Suharto lập tức cho lính đi săn tìm 4.000 – 5.000 người theo cánh tả có tên trong “danh sách cần bắn” (theo cách gọi của CIA) và báo cáo đều đặn về tiến độ thực hiện cho đại sứ quán Mỹ ở nước này. Quân đội huấn luyện cấp tốc cho các sinh viên sung đạo rồi điều động họ tới các làng quê thực hiện mệnh lệnh: “quét” thật sạch vùng nông thôn. Một phóng viên đã viết: “Với sự thích thú, họ kêu gọi những người đi theo mình, giắt dao và sung vào thắt lưng, tung tẩy dùi cui trên vai và dấn mình vào nhiệm vụ mà họ mong chờ từ lâu”. Theo Time, chỉ trong vòng hơn một tháng, có ít nhất 500.000 người và có thể lên đến khoảng gần một triệu người đã bị giết hại, “bị giết cả nghìn người mỗi lần”. Ở Đông Java, “những người đến từ các khu vực này kể về những dòng sông dòng suối tắc lại vì xác chết; vận tải đường sông ở nhiều nơi bị cản trở”.

Nạn nhân các vụ thảm sát ở Indonesia năm 1965

Tương tự như ở Chile, trong sự kiện chính biến ở Indonesia, bên cạnh bạo lực của quân đội là mặt trận kinh tế do một nhóm kinh tế gia Indonesia, những người theo học ĐH California – Berkeley, nổi tiếng với danh xưng “Mafia Berkeley”. Cũng như “Các chàng trai Chicago”, nhóm này học ở Mỹ theo một chương trình bắt đầu từ năm 1956, do quỹ Ford tài trợ. Họ cũng quay trở về nước và xây dựng khoa kinh tế theo phiên bản trung thành với phong cách Tây Phương tại ĐH Indonesia, với sự giúp đỡ của quỹ Ford. John Howard, khi đó là giám đốc của Chương trình Nghiên cứu và đào tạo Quốc tế của quỹ Ford nói thẳng: “Ford cảm thấy mình đang đào tạo những người sẽ lãnh đạo đất nước khi Sukarno rời chính trường”. Các sinh viên được Ford cấp học bổng trở thành người đứng đầu khối trường đại học tham gia lật đổ Sukarno và nhóm Mafia Berkeley cộng tác mật thiết với quân đội trong thời kỳ trước khi có cuộc đảo chính.

Suharto đã trao cho nhóm Mafia Berkeley những vị trí tài chính chủ chốt trong chính phủ của mình, bao gồm ghế bộ trưởng thương mại và đại sứ tại Mỹ. Các Mafia Berkeley tỏ ra đặc biệt “hiếu khách” với các nhà đầu tư nước ngoài đang mong muốn khai thác các mỏ dầu và khoáng sản giàu có của Indonesia. Họ thông qua điều luật cho phép doanh nghiệp nước ngoài sở hữu 100% nguồn tài nguyên, tiến hành những đợt miễn thuế dài hạn mang tên “kỳ nghỉ thuế”. Trong vòng hai năm, các nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của Indonesia như đồng, nickel, gỗ cứng, cao su và dầu, đã bị các công ty năng lượng và khai khoáng lớn nhất thế giới nhảy vào xâu xé, chia chác.

***

Phát biểu trên facebook của một tiến sĩ có tiếng của trường ĐH Ngoại Thương.

Ở Việt Nam, những năm gần đây chúng ta không lạ gì với những phát biểu, bài viết, ngày càng nhiều, của những người trí thức được đào tạo ở nước ngoài, trong các lĩnh vực giáo dục, truyền thông và kinh tế, có xu hướng khoét sâu vào những lỗ hổng của chính sách kinh tế, “vùi dập” các doanh nghiệp trong nước, kêu gọi sự “mở cửa” kinh tế hết mức, thúc giục sự tư nhân hóa mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, đòi hỏi “phi chính trị hóa quân đội”, thậm chí là xuyên tạc, bóp méo lịch sử. Liệu đó là chỉ những ý kiến cá nhân đơn lẻ hay chính là sự đầu độc tư tưởng một cách bài bản như những gì mà Mafia Berkeley và Los Chicago Boys đã thực hiện ở Indonesia và Chile mấy chục năm về trước? Thiết nghĩ, bài học từ Indonesia và Chile là đã quá đủ cho những người làm chính sách ở nước ta tỉnh táo và lựa chọn những con người, những đề xuất đúng đắn và phù hợp. Đặc biệt, nhân dịp đại học Fulbright sắp được mở ra ở Việt Nam, cần thiết phải xem lại lịch sử về mối liên hệ giữa các trường đào tạo kinh tế của Mỹ với chính trị các nước được Mỹ và các tập đoàn quốc tế “nhăm nhe”.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍