Truyền thống hàng nghìn năm giữ nước và dựng nước, dân tộc ta luôn lấy sự hiếu hòa làm trọng. Ngay cả khi mối quan hệ với các quốc gia gần xa vượt qua những mối bất hòa gây nên những đau thương tang tóc nhưng khi một bên đã thực lòng hòa hiếu thì nhân dân ta vẫn biết “lấy toàn quân là hơn để nhân dân nghỉ sức”. Lịch sử những cuộc đối đầu khủng khiếp với người phương Bắc, phương Tây xưa nay đủ cơ sở để chứng minh điều đó. Huống chi lời dạy của tiền nhân “Bảo quốc túy, tuyết quốc sỷ” (Lương Văn Can) đã được các thế hệ cha ông “rửa sạch làu vết nhục nhã ngàn năm”, thì cớ sao lớp con cháu hôm nay không biết trân trọng lúc vận nước “càn khôn bỉ mà lại thái / nhật nguyệt hối mà lại minh” để giữ “nền thái bình muôn thuở”?
Chuyến thăm của Tổng thống Obama từ ngày 23/5 đến 25/5/2016 đã kết thúc theo chiều tích cực. Tuy nhiên nói là mọi trở ngại với cả hai bên đã được giải tỏa để có được mối quan hệ hoàn toàn bình thường là điều dù chúng ta rất mong mỏi nhưng con đường ấy còn nhiều thử thách chông gai. Trước hết bởi hai nước có quá trình lịch sử khác nhau và đặc biệt có một giai đoạn lịch sử khó khăn, nền tảng văn hóa khác nhau, thể chế chính trị khác nhau, trình độ dân trí khác nhau, vị trí địa chính trị khác nhau, sự ổn định xã hội khác nhau, hơn nữa Hoa Kỳ là một cường quốc hàng đầu với những tham vọng là cố tật của bất kỳ kẻ mạnh nào. Trong khi chúng ta vừa thoát ra khỏi chiến tranh, nền kinh tế chậm phát triển và đang lúng túng trong nhiều cơ chế ràng buộc, xã hội có hòa bình nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, quá trình hội nhập có tác động hai chiều thuận nghịch phân tâm lòng người, những biến động thời cuộc khó lường và áp lực của nhiều cường quốc tác động đa chiều tới mọi sinh hoạt xã hội và nhân tâm.
Qua chuyến đi công cán hơn 40 tiếng đồng hồ của ông Obama để lại nhiều điều suy nghĩ. Trước hết, một bộ phận không nhỏ đã tự phô bày ra điểm yếu của mình. Trước sự đón tiếp nồng hậu của nhân dân ta với nguyên thủ một quốc gia đã từng để lại bao nhiêu đau thương tang tóc trên đất nước này và những vết thương vẫn còn đang rỉ máu, ông Obama nói: “Tim tôi đã nhiều lần rung động bởi sự tử tế mà dường như đối với người Việt Nam là chuyện bình thường”, lại được những ai tráo từ đổi ý thành: “Bài phát biểu được đánh giá chạm tới trái tim của người Việt Nam!”. Bà Viện trưởng “Viện nghiên cứu phát triển xã hội Việt Nam”, xúc động quá thốt lên: “Bằng chuyến đi và lời phát biểu của mình, bằng việc ngồi ăn bún chả hay uống cà phê sữa hay bắt tay người dân, thì ông Obama đã tạo nên một thần tượng mà từ nay người Việt Nam luôn luôn hướng đến, mơ ước và mong mỏi rằng một ngày nào đó mình sẽ có những thần tượng như thế ở đất nước này”. Thưa bà, xây dựng hình ảnh một thần tượng không dễ có được trong ngày một ngày hai và nó rất khác nhau với mỗi người, mỗi giới, mỗi cộng đồng và mỗi quốc gia dân tộc. Nếu như ông Obama sang sống ở Việt Nam thì chưa hẳn đã làm nên đại sự, giống như nhà toán học Ngô Bảo Châu sinh ra ở Việt Nam, lớn lên ở Việt Nam, trở thành người làm toán giỏi ở môi trường khác, nhưng khi về Việt Nam thì tiếng nói của anh ta nghe khó lọt tai! Thần tượng Mỹ với người Việt Nam không phải là ông Obama, cũng không phải là ông Bill Clinton, mà là ở cách đào tạo và sử dụng nhân tài của họ. Như bà Hillary Clinton, bà Rice, bà Albright, ông Powel, ông Obama được trao cho những trọng trách quốc gia không phải từ yêu cầu của chính sách ưu tiên phụ nữ, ưu tiên người sắc tộc, ưu tiên giai cấp…, mà do người ta biết giao việc cho người có thực tài, và dù có tài mà không được việc cũng bị người ta thay thế tức thời. Nếu như Tiến sỹ Khuất Thu Hồng có cơ hội được qua ở Mỹ, liệu bà sẽ được nhận việc gì?!
Trả lời câu hỏi của một phóng viên VietNamnet: “Vì sao một Tổng thống Mỹ như ông Obama lại nhắc tới tư tưởng Phan Châu Trinh như một tinh hoa của tri thức Việt Nam, gợi mở cho chúng ta điều gì trong bối cảnh hiện nay?”. Ông giáo sư ngữ văn trường Đại học Quốc gia Hà Nội Trần Ngọc Vương trả lời đại ý như sau: “Phan Châu Trinh với tất cả trải nghiệm cá nhân, bi kịch gia đình cũng như truyền thống học vấn và khát vọng cá nhân, ông sớm nhận ra cái khó khăn của công cuộc cải tạo xã hội và những chặng đường gập ghềnh của tiến bộ xã hội. Vì vậy ông không chủ trương dùng bạo lực mà đi theo con đường khai sáng với tư tưởng: Khai dân trí–Chấn dân khí–Hậu dân sinh. Mọi hoạt động của ông đều minh bạch và công khai. Bên cạnh đó, Phan Châu Trinh chủ trương “Ỷ Pháp cầu tiến bộ”. Ở đây, Phan Châu Trinh đã nhận ra mặt thứ hai của chủ nghĩa thực dân, ấy là mặt xây dựng chứ không chỉ là mặt phá hoại. Đó là cái nhìn tiến bộ và xa hơn rất nhiều so với Phan Bội Châu. Chúng ta chứng kiến một thực tế về sau này là chính hệ thống giáo dục của nước Pháp đã đào tạo ra một đội ngũ trí thức mà chúng ta vẫn gọi là “thế hệ vàng” của trí thức Việt Nam. Và chính những trí thức này sau đó đã góp một phần rất lớn trong việc loại bỏ Chủ nghĩa thực dân và tạo nền móng cho một xã hội hiện đại tại Việt Nam. Có nhìn như thế thì mới thấy hết cái viễn kiến, tầm nhìn của Phan Châu Trinh lúc bấy giờ. Khoảng vài chục năm trở lại đây, khi ta nhìn lại mối quan hệ với những cựu thù như Pháp, Nhật, Mỹ thì ta lại thấy rằng, bản thân thực thể ấy trong quá trình phát triển của nó cũng tồn tại những mâu thuẫn. Và người ta cũng bắt đầu đánh giá lại tư tưởng của Phan Châu Trinh. Từ chỗ được coi là một nhà cải lương, thiếu “sắt và máu”, Phan Châu Trinh được đánh giá như một nhà yêu nước, nhà tư tưởng có chủ trương đường lối sáng suốt. Bằng chứng cho quá trình phản tư này chính là việc tên ông được lấy đặt cho một quỹ văn hóa đang ngày càng có uy tín và một trường đại học mang tinh thần khai phóng rất cao. Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh được rất nhiều trí thức trong và ngoài nước cộng hưởng”.
Thưa ông giáo sư, cụ Phan Châu Trinh là một nhà yêu nước lớn, được nhân dân cả nước tôn kính và không ít người trong thế hệ thanh niên thời ấy bị hệ lụy kẻ nhiều người ít bởi lòng yêu kính cụ. Người viết đã ở tuổi “cổ lai hy”, có cha nằm trong số đó. Mong được giáo sư làm rõ để minh bạch công khai điều mà hậu thế lâu nay lòng tự hỏi lòng: Từ cuối thế kỷ XIX, người Việt Nam đã thành dân vong quốc. Những cuộc nổi dậy chống ách nô dịch thực dân với nhiều hình thức khác nhau, kể cả hình thức đấu tranh ôn hòa nhằm phục hồi và canh tân văn hóa truyền thống của giới sỹ phu đều bị nhà nước thực dân đàn áp dã man tàn bạo. Đầu thế kỷ XX, liên tục xảy ra ba cái chết oan khiên mờ ám của các ông vua Dục Đức, Kiến Phúc, Hiệp Hòa. Kế đến là ba ông vua khí phách Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân bị đày đi biệt xứ. Đồng thời là những vụ án xử hàng loạt các sỹ phu chí sỹ danh tiếng gây chấn động lòng người: Các cụ Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Ngô Đức Kế, Phan Thúc Duyện, Lê Văn Huân, Đặng Nguyên Cẩn, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Phan Tuấn Phong… đều bị đi đày, có người biệt tích. Trong nhóm “tam hùng” của đất Quảng Nam thì Tiến sỹ Trần Quý Cáp bị chém xả ngang mình, Tiến sỹ Huỳnh Thúc Kháng bị đày 11 năm ngoài Côn đảo. Riêng Phó bảng Tây Hồ thì giặc Pháp có nương tay chứ không phải chúng sợ cái Ủy ban nhân quyền quốc tế. Từ án tử hình giảm xuống trảm giam hậu, đày ra Côn Lôn. Được hai năm, Toàn quyền Pháp lệnh cho Thống đốc Nam kỳ đích thân ra đảo làm cuộc thẩm vấn riêng. Quân chiếm đóng không thể không biết về cái chết của ông Quản cơ nghĩa quân Phan Văn Bình. Trong lúc đất nước đau thương khốn khổ và bốn bể năm châu mịt mù tăm tối thì những người tâm huyết với đất nước có những cách nhìn, lối đi khác nhau, là lẽ tự nhiên. Bọn thực dân cáo già hiểu ra đường lối chủ trương của cụ chẳng thể làm rụng một cái lông chân của kẻ cầm quyền. Trong khi tiếng tăm cụ vang lừng khắp nước, chúng nhân nhượng để tỏ ra nhà nước bảo hộ có nhân quyền, dân chủ, văn minh và rước cụ về đất liền, mời cụ qua Paris dạy chữ Hán, lại cho cả người con trai cùng đi theo để mở mang sự học. Là dân nô lệ mang trọng án chống lại chính quốc mà “Ở Pháp ông được các chính khách lớn đón tiếp như một ông vua” (Nguyễn An Ninh–Nước Pháp ở Đông Dương). Cụ được tha hồ viết sách truyền bá tư tưởng khai phóng, cầu thân với Pháp, viết thư vạch mặt xấu xa của vua Khải Định. Với trình độ học vấn hiếm hoi thời ấy mà cụ khăng khăng không chịu nhận đồng tiền trợ cấp của nhà nước Pháp, chấp nhận cuộc sống của người cần lao thanh bần, khiến những người an phận kính phục vô cùng. Tuy nhiên nhà nước thực dân lúc thấy cần phải răn đe thì nó cũng cho cụ vào tù.
Cụ Tây Hồ đứng đầu nhóm “Ngũ long” nổi tiếng, được bà con Việt kiều ở Pháp đặt vào nhiều hy vọng, mà cụ không ưng ý ai: “Tôi xem anh Nguyễn Ái Quốc, anh Nguyễn Thế Truyền và ông Phan Văn Trường, rất là người thông minh bực nhứt xứ ta, nhưng xem ra ông nào cũng bị một chứng bệnh nặng cả, chẳng biết ngày sau có làm ra công hiệu gì cho nòi giống ta được nhờ chăng? Hay là trước học tàu là ông đồ hủ nho, nay học Tây là anh đồ hủ Âu mà thôi!”. Mỏi mòn chờ đợi mà mặt thứ hai của chủ nghĩa thực dân là xây dựng chứ không chỉ là phá hoại vẫn chưa thấy đâu, trong khi nước vẫn mất, dân tình vẫn lầm than. Cụ cô đơn, bất lực và kiệt sức, đòi về xứ thì nhà nước thực dân cũng chiều theo. Nguyễn An Ninh được coi như người thân thích, sang đón cụ về Sài Gòn. Cụ vẫn được tự do diễn thuyết trước công chúng về các chủ đề “Luân lý và đạo đức Đông Tây”, “Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa” thì vô sự. Ông Nguyễn An Ninh diễn thuyết về “Quyền tự do dân chủ của nhân dân”, về “Lý tưởng của thanh niên” thì bị nó bắt bỏ tù! Chúng bắn một mũi tên nhằm hai mục đích: Răn đe một nhà cách mạng trẻ tiềm ẩn nhiều mối nguy, cùng lúc triệt hạ chỗ dựa vật chất và tinh thần của một nhà nho yêu nước nghèo túng và ngang bướng. Chúng nham hiểm giết người không dao! Khi cụ Phan nằm xuống, người bạn tâm giao Huỳnh Thúc Kháng gởi lời ai điếu: “Thôi, đất vàng một nắm, giấc mộng ngàn thu, sự nghiệp anh hùng, ngày nay hết cuộc. Chúng tôi chỉ mong mai sau này những người kế chí tiên sinh, làm cho vẻ vang dân tộc Việt Nam ta. Thì linh hồn tiên sinh sẽ được yên ổn mà ngậm cười nơi suối vàng”. Hẳn là linh hồn cụ Tây Hồ đã được yên ổn mà ngậm cười nơi chín suối thì mấy người tự nhận là “kế chí tiên sinh” lại làm động giấc vị tiền nhân khả kính!
Ông Nguyễn An Ninh hiểu biết sâu rộng văn hóa và luật pháp chính quốc. Bằng những hoạt động ôn hòa thận trọng thức tỉnh đồng bào hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân mà thấy dân mình cần đoàn kết lại để làm gì. Ông giao du rộng, không quản những việc nhọc nhằn tầm thường như đi bán dầu cù là với mục đích tuyên truyền và gây dựng cơ sở, “chỉ có một mong ước làm cơn gió thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước của dân tộc mình”. Làm sao qua được con mắt cú vọ của chính quyền thực dân. Chúng không mua chuộc được thì kiếm cớ bắt bớ tù đày, ba lần năm lượt, quyết hại cho phải chết vì là nguy cơ với nhà nước bảo hộ.
Trong khi ông Nguyễn Ái Quốc sớm nhận ra rằng: “Cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương là sai lầm, chẳng khác gì xin giặc rủ lòng thương”, đã tìm một lối đi riêng. Bằng sự nhạy cảm và sáng suốt của người cách mạng, bền gan vững chí vượt mọi gian khó hy sinh, với tài tổ chức và vận động của người lãnh đạo, ông đã khôn khéo tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các bạn đồng minh, tập hợp và vận động quần chúng nhân dân, tạo thời dựng thế và không bỏ lỡ thời cơ giành lại độc lập chủ quyền cho tổ quốc.
Có độc lập tự do rồi thì “Dân trí– Dân khí–Dân sinh” mới được khai phóng. Phải chăng tư tưởng Hồ Chí Minh là cái gốc và tư tưởng Phan Châu Trinh là cái ngọn? Ấy thế mà cái “Giải thưởng văn hóa Phan Châu Trinh” của các nhà dân chủ mới lại chê rằng: Thắng lợi mà thí mạng người nhiều thế thì được cái gì?! Các ông đều đầy bụng chữ và được đi nhiều hiểu rộng, hẳn biết mỗi khi tổ quốc bị lâm nguy, thì ở đâu cũng vang lên lời thề: “Tổ quốc trên hết”! “Tổ quốc hay là chết”? Chớ đâu chỉ một dân Việt Nam mình dại dột. Ở thế kỷ XIII, ba lần nhà Trần dám chống giặc Nguyên-Mông và ở thế kỷ XV, trải 20 năm đánh đuổi quân cuồng Minh gây hấn, thì dân ta tổn thất bao nhiêu? 80 năm dưới ách đô hộ thực dân, bao nhiêu người yêu nước bị giết hại? bao nhiêu của cải tài nguyên bị vơ vét? bao nhiêu người bị bắt đi làm phu phen tạp địch? đẩy bao nhiêu thanh niên ra làm bia đỡ đạn trong cuộc chiến tranh Pháp-Xiêm và ở ngay chính quốc? Cuối Đại chiến thế giới II, giặc Pháp manh tâm bán nước ta cho Nhật, chỉ trong một năm có tới hai triệu người chết đói! Và qua lịch sử nước Mỹ, trong cuộc nội chiến Bắc-Nam, quân đội hai bên đánh nhau bằng những loại vũ khí thông thường mà chỉ trong 4 năm, có hơn nửa triệu binh lính bỏ mạng. Các ông hãy chỉ ra trong bốn ngàn năm dựng nước, hàng chục lần nước ta bị cường quốc xâm lăng, có lúc nào một ai khoanh tay cúi đầu cầu xin giặc rủ lòng thương mà nó tha cho?
Bất kỳ một thực thể nào tồn tại cũng luôn hàm chứa những mâu thuẫn. Việc hình thành khối Eurozone không chỉ thể hiện mối mâu thuẫn giữa các nước phát triển, nhưng sự bành trướng của khối NATO sang phía Đông lại được sự yểm trợ tích cực của Hoa Kỳ, có là sự thống nhất với nhau chăng? Theo báo cáo “Chỉ số nô lệ toàn cầu 2016″, thì số lượng nô lệ hiện đại là 45 triệu người, xảy ra ở 167 quốc gia trên thế giới, trong đó Châu Á – Thái Bình Dương chiếm 2/3. So với thời xưa, nô lệ thời hiện đại đã biến tướng dưới nhiều hình thức, tồn tại trong nhiều lĩnh vực cuộc sống, bị lạm dụng về thể xác cũng như tinh thần mà không thể thoát ra được, vì bị đe dọa, ép buộc hoặc lừa dối”. Không dưng tỷ phú Mỹ Soros nói: “Marx có cái nhìn chính xác nhất về chủ nghĩa tư bản”. Thực tế là tới nay, Marx vẫn được chọn là nhà tư tưởng hàng đầu của nhân loại.
Ông giáo sư Vương nói tới một “thế hệ vàng” của trí thức Việt Nam thì cần hiểu rõ “thế hệ vàng” ấy hình thành như thế nào? Xin trích ra một đoạn trong bức thư của nhà triết học trẻ Trần Đức Thảo lúc bấy giờ đang dạy học ở Paris gửi về Hà Nội sau ngày cách mạng tháng Tám thành công: “Khi nhà cầm quyền Pháp cho phép những thanh niên Việt Nam gia đình khá giả vào theo trung học và đại học là hy vọng rằng họ theo học Pháp mà quên đi những ý niệm yêu nước của các nhà nho thời xưa và sẽ đứng về phía người Pháp ở thuộc địa hợp thành một giai cấp thống trị mới Pháp-Nam, có học vấn như nhau, quyền lợi cũng giống nhau. Nhờ đó người Pháp sẽ có thể đứng vững ở nước này”. Tất nhiên tầng lớp trí thức tay sai ấy được bình đẳng trong hệ thống cai trị của nhà nước thực dân. Hệ thống giáo dục của nhà nước bảo hộ đào tạo được bao nhiêu trí thức? Chỉ những trí thức chân chính tự nguyện gắn mình với sự mất còn của tổ quốc và dân tộc, đấu tranh cho một nước Việt Nam thống nhất, hòa bình, hưng thịnh như Mai Văn Ngọc, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Thái Văn Lung, Nguyễn Ngọc Nhựt, Phạm Ngọc Thảo, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đác Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Ngụy Như Kontum, Phạm Đình Hòe… dù đứng trong hay ngoài Đảng cộng sản họ xứng đáng được gọi là “thế hệ vàng” của trí thức Việt Nam thời hiện đại. Cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm tạo điều kiện để họ tự trui rèn thành vàng luyện, khác nào lò luyện linh đan biến vàng thô thành vàng ròng, là một quá trình đãi sạn tìm vàng nhọc nhằn mà quý giá.
Vào năm 1995, trong tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, để an lòng một bộ phận không nhỏ dân chúng Mỹ chưa quên mối hận 1975, Tổng thống Bill Clinton phải nói: “Tôi tin rằng việc bình thường hóa và tăng cường các cuộc tiếp xúc giữa người Mỹ và người Việt Nam sẽ thúc đẩy sự nghiệp tự do ở Việt Nam như đã từng diễn ra ở Đông Âu và Liên Xô trước đây” khiến nhiều người Việt Nam nghi ngại. Và 20 năm sau, Tổng Thống Barac Obama nói những lời mà người Việt Nam thấy mát lòng: “Tôi đến đây với lòng tôn trọng sâu sắc đối với di sản cổ xưa của VN. Hàng thiên niên kỷ Văn Miếu đứng đó tượng trưng cho lòng hiếu học của dân tộc các bạn. Nhưng trong nhiều thế kỷ, số phận của các bạn thường do người khác áp đặt, mảnh đất yêu thương của các bạn không phải lúc nào cũng nằm trong tay các bạn. Nhưng tinh thần không thể bẻ gãy của các bạn như những cây tre. Cuối cùng thì người Việt Nam sẽ quyết định tương lai của mình. Mỹ sẽ không tìm cách áp đặt lên Việt Nam nhưng tập trung vào tương lai, vào sự thịnh vượng, an ninh và phẩm giá con người mà chúng ta có thể cùng nhau thúc đẩy”, và ông không quên để lại đây một món quà: “Chúng tôi rất hào hứng khi mùa thu này Đại học Fulbright (FUV) sẽ khai trương ở TP.HCM, trường đại học độc lập phi lợi nhuận đầu tiên ở Việt Nam, nơi sẽ có tự do học thuật hoàn toàn và học bổng cho sinh viên khó khăn”, khiến không ít người vội sướng cuồng lên. Chưa biết món quà ấy quý giá mức nào, nhưng khi máy bay của ông vừa cất cánh, thì công luận ở Việt Nam đã chia thành hai phe xem ra khó dung hợp được. Truy cứu lại, bà con ta vỡ ra mấy điều:
Một là, người được chỉ định làm Chủ tịch Hội đồng tín thác (như chức Chủ tịch HĐQT) của ngôi trường hữu nghị này là ông Bob Kerrey bị tố cáo phạm tội diệt chủng khi cầm đầu một nhóm biệt kích SEAL ở Thạnh Phong (Bến Tre) vào năm 1969, đã giết hại 21 thường dân gồm toàn người già, trẻ con và phụ nữ, trong đó có người đang mang thai! Chính Bob đã tự tay cắt cổ một cụ già trước binh lính của mình để làm gương!
Hai là, bà Tôn Nữ Thị Ninh truy ra nguồn gốc “20 triệu USD vốn ban đầu cho việc xây dựng FUV thực tế là món tiền chính quyền Sài Gòn nợ chính quyền Hoa Kỳ trước 1975 cho chương trình học bổng từ Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF), mà nhà nước CHXHCN Việt Nam thống nhất nhận trả phía Mỹ theo thông lệ quốc tế chứ không phải do Bob Kerrey gây được quỹ đặc biệt cho FUV”. Theo ông Nguyễn Mạnh Hòa (Bộ Tài chính) thì: “Chính phủ Hoa Kỳ đã tạo sức ép khiến phía Việt Nam đành nuốt lòng tự tôn nhằm tiếp tục cải thiện mối quan hệ kinh tế giữa hai nước”.
Ba là, Hiệu trưởng (như chức GĐ) của FUV dự kiến là bà Đàm Bích Thủy, từng du học ở Mỹ với học bổng Fulbright và hiện có tên trong danh sách “Hồ sơ Panama”. Theo Hoàng Hữu Phước thì số người được học bổng Fulbright về nước, không ít người tham gia các hoạt động chống đối nhà nước Việt Nam dưới chiêu bài dân chủ.
Những người không tán thành vị trí của Bob dựa vào cơ sở đạo đức, nhân cách của người thầy là điều nhậy cảm trong việc trồng người, nhất là ở một xứ có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Những người tán thành thì dựa trên lý lẽ xóa bỏ hận thù, tha thứ để người gây tội ác có cơ hội phục thiện. Điển hình là ông Chu Hảo viết trên Google Tiên Lãng như sau: “Chúng ta hiểu về cuộc chiến tranh đã qua, cách chúng ta nhìn nhận quá khứ và hướng tới tương lai là một câu chuyện rất dài và rất phức tạp. Phức tạp đến nỗi sau 50 năm mà rất ít người có lương tri, hiểu biết và nghiêm túc ở cả hai phía, dám tự nhận là mình có thể trả lời một cách rõ ràng và đầy đủ các câu hỏi: Cuộc chiến tranh tàn khốc và đau đớn ấy thực chất là cuộc chiến tranh gì? Là “ý thức hệ ủy nhiệm”? “xâm lược”? hay “giải phóng”? Trách nhiệm của từng người trong cuộc (người dân, người lính đến các tướng lĩnh và các nhà lãnh đạo quốc gia) đến đâu?”. Thật uổng công nhân dân đổ mồ hôi xương máu ưu ái nuôi ông ăn học, giao việc lớn tưởng để thành người! Thế mà lại được huynh trưởng Nguyễn Ngọc Báu phụ họa vào bằng những lời kinh tởm táng tận lương tâm: “Không thể diệt Việt cộng mà không giết dân, đàn bà và trẻ con”! Những ai lâu nay còn giữ chút cảm tình, quý mến nhà văn Nguyên Ngọc tức Nguyễn Trung Thành, giờ thì rũ bỏ hết không còn luyến tiếc. Vì không chịu “đội trời chung với cộng sản” mà anh tráo trở táo tợn bênh vực kẻ diệt chủng đồng bào mình như thế, thì còn gì là tình, là nghĩa, là nước, là dân mà nói chuyện nhân văn, nhân bản!
Chính là ông Chu Hảo cố tình làm phức tạp lịch sử! “Ý thức hệ ủy nhiệm” là thế nào? Năm 1848, khi “Tuyên ngôn đảng cộng sản” ra đời ở mãi trời tây, thì từ lâu trước đó, người Việt đã thấy những kẻ mắt xanh mũi lõ vác cây thánh giá đến truyền đạo Chúa. Rồi sau là kéo theo những tàu đồng chở đầy lính với những súng to súng nhỏ bắn rầm rầm gây bao nhiêu đau thương tang tóc. Từ giửa thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, trong các trào lưu chống ngoại xâm, lúc nào cũng có người trí thức tham gia không nhiều thì ít. Mỗi giai đoạn lại nổi lên một tầng lớp lãnh đạo khác nhau theo sự biến thiên của lịch sử, mà nước mất vẫn không giành lại được! Những người trí thức thiết tha với vận mệnh của tổ quốc đi tiên phong trong việc tìm đến với chủ nghĩa Marx như một phương tiện cứu cánh dân tộc mình, trong đó hầu như gần cả nhóm “Ngũ long”. “Tuyên ngôn đảng cộng sản” lần đầu tiên xuất hiện ở Sài Gòn vào ngày 29/3/1926, trên báo Pháp ngữ La Close Fêlée (Tiếng chuông rè) của ông Nguyễn An Ninh, đăng liền mấy số, có cả “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền”, ai thích gì thì đọc.
Ông Chu Hảo không phân biệt được cuộc chiến đấu ấy là “xâm lược” hay là “giải phóng”! Mời quý vị lắng nghe lời nói từ phía bên kia. Trong hồi ký “Nhìn lại quá khứ–Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam”, Mc.Namara – bộ óc điện tử của nước Mỹ, một trong số người hoạch định cuộc chiến tranh đó, viết: “Chúng ta đã sai lầm, sai lầm một cách tồi tệ. Chúng ta mắc nợ các thế hệ tương lai câu giải thích tại sao lại sai lầm như vậy? Đến khi người lính Mỹ cuối cúng rút khỏi Nam Việt Nam năm 1973, chúng ta đã mất 58.315 người cả nam lẫn nữ, nền kinh tế chúng ta bị tàn phá bởi những chi phí cao và bất hợp lý cho cuộc chiến tranh trong nhiều năm liền, và sự thống nhất chính trị của xã hội chúng ta bị tan nát vài thập kỷ sau vẫn không khôi phục được”. Trung tá James G. Zumwalt, xuất thân từ một dòng tộc có truyền thống binh nghiệp, ba cha con ông đều có thời gian trực tiếp tham chiến ở Việt Nam và gia đình ông là một bi kịch về hậu quả của cuộc chiến tranh ấy, trong cuốn sách tựa đề “Chân trần chí thép”, ông dẫn lời của Cụ Hồ – linh hồn của cuộc chiến tranh giải phóng Việt Nam, nói với một nhà báo khi cuộc chiến ở lúc gay go nhất: “Chúng tôi không muốn là người chiến thắng. Chúng tôi không muốn là anh hùng. Chúng tôi chỉ muốn điều duy nhất là họ (quân xâm lược Mỹ) cút ngay khỏi đây thôi”! Và ông ta kết luận: “Thật không may cho người Việt Nam, đất nước họ đã bị nước Mỹ chọn để dựng chiến tuyến chống cộng sản! Bất chấp khác biệt về văn hóa và chính trị, chúng ta đáng phải nhìn nhận nỗi đau khổ của họ, đáng phải khâm phục quyết tâm của họ. Lịch sử cho thấy chúng ta phạm nhiều sai lầm trong chính sách về Việt Nam và sai lầm lớn nhất là đã không nhận ra được rằng chúng ta đang chiến đấu với “Thế hệ vĩ đại nhất” của đất nước này”!
Ông Nguyễn Mạnh Quang, thời chính quyền Sài gòn được nhận học bổng Mỹ đi du học. Ông dạy về xã hội học nhiều năm ở trường Trung học thực nghiệm Thủ Đức nổi tiếng. Năm 1975, ông tự nhận thuộc lớp người đầu tiên tị nạn chính trị ở Hoa Kỳ. Từ đó ông tập trung nghiên cứu lịch sử Việt Nam, đã viết như sau: “Đưa ra luận điệu “Không cần phải phát động chiến tranh, Pháp-Mỹ cũng phải trao trả độc lập cho Việt Nam”, là luận điệu vong ân bội nghĩa đối với hàng triệu các nhà ái quốc của hàng chục lực lượng nghĩa quân kháng chiến của nhân dân từ cuối thập niên 1850 cho đến ngày 30/4/1975. Các tổ chức nghĩa quân kháng chiến của các nhà ái quốc và các chính đảng cách mạng trong gần một thế kỷ từ cuối thâp nhiên 1850 cho đến năm 1945 và hàng triệu nam nữ thanh niên, tráng niên cũng như các cụ gỉà trên 60 tuổi đã lăn xả vào cuộc chiến 1945-1954 đánh đuổi liên minh xâm lược Pháp–Vatican để đòi lại chủ quyền độc lập cho dân tộc, và cuộc chiến 1954-1975 đánh đuổi liên minh xâm lược Mỹ–Vatican để đòi lại miền Nam đem lại thống nhất cho đất nước”.
Ông Hảo vừa kích vừa tâng ông Bob: “Riêng tôi nghĩ rằng: Ông tuyệt đối không nên rút lui vào lúc này, không phải chỉ vì lợi ích riêng của FUV mà những người quyết định lựa chọn ông đã cân nhắc, mà còn vì một điều gì đó cao cả hơn trong quan hệ giữa hai dân tộc chúng ta”!
Đại sứ Ted Osius khá rành con người Việt Nam cả về góc độ văn hóa và chính trị. Bằng lời lẽ mềm mỏng và khôn khéo, ông nói: “Quả thực Tổng Thống thất vọng vì đã không thể ngồi trò chuyện cùng tất cả số đại diện xã hội dân sự mà tôi tham vấn gặp ngài. Tuy nhiên phía Mỹ cho rằng đây là đất nước của họ và là quyết định của họ”. Hẳn là bài học cay đắng cho các nhà dân chủ ôm nhiều hy vọng vào chuyến đi này. Những người lãnh đạo quốc gia không ai ngây thơ tới mức không hiểu bản chất hai mặt của các mối quan hệ quốc tế hiện nay. Bị chi phối tới mức độ nào là do nội lực của mỗi nước. Sự tồn tại và phát triển của Tổ quốc mình là mục tiêu tối thượng. Độc lập-Chủ quyền là “dĩ bất biến”, là “lửa thử vàng” với người Việt Nam mọi thời. “Không có đâu hướng tới tương lai và tha thứ hơn Việt Nam” là lời nhận xét của ngài Đại sứ. Trước khi coi đó là một lời khen thành thật để cảm ơn ông, cần xem có sự đúng đắn trong ứng xử và lòng tự trọng dân tộc của người trong cuộc?
Trong lịch sử, không chỉ một lần người Việt Nam đã vượt lên mọi hận thù và đứng vững được bằng bản lĩnh của mình. Giờ đây, liệu có thể “vượt lên thù hận, sẽ chỉ càng cho thấy chúng ta mạnh mẽ và cao lớn về tầm vóc văn hóa”? Nếu đủ bản lĩnh thì thật là hay. Bằng không, “lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”!
Nguyễn Văn Thịnh
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10/6/2016
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍