GSTS. Mạch Quang Thắng
GSTS. Mạch Quang Thắng

Trong số những công trình nghiên cứu nước ngoài được công bố, các nhà Hồ Chí Minh học đều biết đến tác phẩm “Hồ Chí Minh – The Missing Years”, tạm dịch là “Hồ Chí Minh – Những năm tháng chưa được biết đến” của nữ tác giả Sophie Quinn Judge, tiến sỹ triết học – lịch sử, hiện là Phó giám đốc Trung tâm Triết học, Văn hóa và Xã hội Việt Nam – Đại học Temple – Mỹ. Quyển sách này được bà tổng hợp các nguồn tài liệu được bạch hóa của Liên Xô, Anh, Pháp, Mỹ trong khoảng thời gian 10 năm, từ khi Liên bang Xô Viết tan rã (1992). GSTS Mạch Quang Thắng (một nhà nghiên cứu Hồ Chí Minh lâu năm và có uy tín, hiện đang công tác tại Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) đã có những nhận định về tác phẩm này trong bài viết Ý KIẾN VỀ TÁC PHẨM “HO CHI MINH: THE MISSING YEARS 1919 – 1941” (Hồ Chí Minh – Những năm tháng bị lãng quên 1919 – 1941) CỦA TÁC GIẢ SOPHIE QUINN – JUDGE, đăng trên trang web http://thehehochiminh.wordpress.com. Mời các bạn tham khảo.

Ý KIẾN VỀ TÁC PHẨM “HO CHI MINH: THE MISSING YEARS 1919 – 1941” (Hồ Chí Minh – Những năm tháng bị lãng quên 1919 – 1941) CỦA TÁC GIẢ SOPHIE QUINN – JUDGE – Tác giả: GSTS Mạch Quang Thắng

1. Một số điểm chú ý đầu tiên

Đây là tác phẩm đã được xuất bản tại Mỹ năm 2002 (University of California Press). Có thể nói rằng, cho đến nay, những nhà Hồ Chí Minh học (thực thụ) cả ở trong và ngoài nước Việt Nam không ai là không biết tác phẩm này. Có người biết qua những bài phân tích, những lời giới thiệu, những lời bình phẩm của đồng nghiệp. Có người đọc trực tiếp tác phẩm đó bằng tiếng Anh. Trên nhiều website, tác phẩm này của nữ tác giả Sophie Quinn – Judge đã được giới thiệu, bình luận không ít. Trong nhiều bài báo nghiên cứu Hồ Chí Minh của một số tác giả trong và ngoài nước ta, một số người đã tham khảo, nêu lại ý kiến hoặc trích dẫn nội dung của cuốn sách trên.

Tôi cho rằng, tác phẩm này đã được xuất bản công khai, được bày bán ở các cửa hàng sách, được đặt lên các giá sách thư viện, được đưa vào thư viện điện tử, v.v. Sự hiện diện của tác phẩm này ở Mỹ cũng như ở trên thế giới là điều bình thường khi có ai đó nghiên cứu về Hồ Chí Minh – một nhân vật đặc biệt không những trong lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn cả trong tiến trình lịch sử thế giới thế kỷ XX.

Tôi chia những tác phẩm của các tác giả nước ngoài (kể cả người gốc Việt Nam) viết về Hồ Chí Minh thành hai loại chủ yếu: (i) loại nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc, tuy quan điểm và phương pháp nghiên cứu có khác với những nhà Hồ Chí Minh học của Việt Nam; (ii) loại có cái tâm không lành, có thái độ hằn học, thâm thù, chống cộng, chống sự nghiệp cách mạng Việt Nam, và đương nhiên chống cả Hồ Chí Minh, muốn “hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh” như họ đã tuyên bố công khai trên diễn đàn của cái gọi là “Khối 8406”.

Tôi cho rằng, tác phẩm của bà Sophie Quinn – Judge Ho Chi Minh: The Missing Years 1919 – 1941 (và nếu kể thêm một người Mỹ nữa có công trình khoa học về Hồ Chí Minh gần đây nhất là William J.Duiker với tác phẩm Ho Chi Minh: A Life, Hyperion, New York, 2000) là thuộc loại (i) theo sự phân loại trên đây. Năm 2005, trong một lần đến làm việc tại Trường Quản lý nhà nước Kennedy thuộc Đại học Harvard (Mỹ), khi tôi trao đổi ý kiến về hai tác phẩm này với một số giáo sư ở đó thì người ta khen tác phẩm Ho Chi Minh: The Missing Years 1919 – 1941 của bà Sophie Quinn – Judge hơn là tác phẩm Ho Chi Minh: A Life của ông William J.Duiker. Bà Sophie Quinn – Judge là nhà nghiên cứu triết học, lịch sử đã có nhiều công trình khoa học liên quan đến Việt Nam (cũng có thể gọi bà là nhà Việt Nam học). Bà đã nhiều lần sang Việt Nam dự hội thảo, trong đó năm 2009 đến Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh dự hội thảo khoa học trong khuôn khổ hợp tác với Viện Triết học của Học viện.

2. Một tác phẩm nhìn chung có giá trị khoa học tốt

2.1. Tốt về nguồn tài liệu được sử dụng

Cái khó nhất trong nghiên cứu Hồ Chí Minh là các nguồn tài liệu liên quan đến bản thân Hồ Chí Minh. Trong cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh, có rất nhiều “khoảng trống” chưa được biết đến do chưa có tài liệu thật sự xác đáng để minh chứng. Ngay cả một số tác phẩm, tài liệu đã được công bố có liên quan rất nhiều đến tiểu sử Hồ Chí Minh thì cho đến nay nhiều người mới nghi là do Hồ Chí Minh viết chứ chưa chính thức được coi là của Hồ Chí Minh. Chẳng hạn, đó là các tác phẩm Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (Tác giả Trần Dân Tiên, năm 1948); Báo cáo về Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ (Chưa rõ tác giả, năm 1924. Trong lần bổ sung Hồ Chí Minh Toàn tập sắp tới, những người sưu tầm đang định đưa vào toàn văn, coi như là văn bản chính thức do Hồ Chí Minh viết, không để phần Phụ lục như bộ Hồ Chí Minh Toàn tập hiện thời nữa); Vừa đi đường vừa kể chuyện (Tác giả T.Lan), v.v.

Vì thế, hiện có không ít “câu chuyện” về Hồ Chí Minh không biết đâu mà lần; và tôi cho rằng, nhiều chứng cứ người viết đưa ra chưa xác đáng, cho nên chưa thể tin cậy được. Trong số đó là ý kiến của Phó giáo sư Hoàng Tranh (Học viện Khoa học xã hội tỉnh Quảng Tây – Trung Quốc hiện đã nghỉ hưu) với bài viết tương đối dài đăng trong Tạp chí Đông Nam Á tung hoành (Có người dịch là Vòng quanh Đông Nam Á) số 11-2001 (Trung Quốc) đề cập về mối quan hệ “vợ chồng” Hồ Chí Minh – Tăng Tuyết Minh. Chính từ bài viết này của Hoàng Tranh mà rất nhiều người nghiên cứu trên thế giới đã viết theo và dần dần cứ loang ra theo kiểu “vết dầu loang”. Trong tác phẩm này của mình, có vẻ cẩn trọng hơn, bà Sophie Quinn – Judge đề cập thoáng qua, và dường như “câu chuyện” này không phải là chủ đề ưu tiên[1].

Nhìn chung, Ho Chi Minh: The Missing Years 1919 – 1941 (Hồ Chí Minh: Những năm tháng bị lãng quên 1919 – 1941; có người dịch là Hồ Chí Minh: Những năm bị mất tích 1919 – 1941 hoặc Hồ Chí Minh: Những năm tháng chưa được biết đến 1919 – 1941) có điểm mạnh nhất là dựa trên rất nhiều tài liệu khai thác được từ nhiều nguồn lưu trữ, đặc biệt là lưu trữ tại Pháp và Nga. Tài liệu nhiều ở Pháp là vì Hồ Chí Minh đã có một thời gian sống và hoạt động yêu nước, cách mạng ở Pháp (gần 10 năm – không liên tục). Khối lượng tài liệu từ các báo cáo của mật thám Pháp theo dõi Nguyễn Ái Quốc khá nhiều và rất tỷ mỉ. Những tài liệu liên quan đến Hồ Chí Minh cũng có rất nhiều ở kho lưu trữ của Đảng Cộng sản Liên Xô (đặt tại thủ đô Mátxcơva), phông Quốc tế Cộng sản. Sau này, khi Liên Xô không còn thì kho lưu trữ đó được mở cửa rộng hơn cho bạn đọc; phông Quốc tế Cộng sản liên quan đến các tài liệu về Hồ Chí Minh được đặt tên mới là phông Lịch sử Chính trị-xã hội. Hồ Chí Minh đã hoạt động ở Liên Xô từ mùa hạ năm 1923 và gần một năm sau đó chính thức trở thành một cán bộ của Ban phương Đông Quốc tế Cộng sản. Đảng Cộng sản Việt Nam là một phân bộ độc lập của Quốc tế Cộng sản từ tháng 4 năm 1931. Do đó, các báo cáo, thư từ, các tài liệu khác liên quan đến Đảng Cộng sản Việt Nam và liên quan đến Hồ Chí Minh được lưu trữ khá nhiều ở đấy. Hơn nữa, công tác lưu trữ ở Liên Xô có từ khá sớm, được bảo đảm tốt trên một cơ sở khoa học.

Tác giả của cuốn sách không những chủ yếu dựa vào tài liệu lưu trữ mà còn đối chiếu với nhiều tài liệu khác, trong đó có cả các sách, bài báo nghiên cứu của Việt Nam.

Công bằng mà nói, toàn bộ những tài liệu mà tác giả Sophie Quinn – Judge sử dụng, biểu lộ ra trong tác phẩm Ho Chi Minh: The Missing Years 1919 – 1941 theo tôi và nhiều người nghiên cứu Hồ Chí Minh ở Việt Nam thì không có gì mới. Không ít lần, trong khuôn khổ quan hệ giữa hai Đảng và hai Nhà nước của Liên Xô và Việt Nam, nhiều cán bộ của Việt Nam đã sang khai thác nguồn tài liệu này. Nhưng, trước đây, do cơ chế gần như “đóng” từ phía Liên Xô đã không cho phép các cán bộ Việt Nam khai thác được gì nhiều trong kho tư liệu đó. Không riêng gì đối với Việt Nam mà Liên Xô còn áp dụng chung cái cơ chế “đóng” này cho tất cả những ai đến khai thác tài liệu lưu trữ ở đây.

Liên Xô tan rã đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Một cơ chế “mở” đối với kho lưu trữ Quốc tế Cộng sản đã được thực thi. Nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới (trong đó có bà Sophie Quinn – Judge) phần thì nhanh chân hơn, phần thì nhạy cảm thông tin hơn, phần thì nhiều tiền hơn đã đến kho lưu trữ Mátxcơva trước những cán bộ Việt Nam để khai thác những tài liệu, trong đó có những tài liệu về Hồ Chí Minh mà chưa từng được ai công bố.

Năm 1993, theo tôi được biết, có ít nhất hai đoàn Việt Nam sang khai thác những tài liệu liên quan đến Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chí Minh tại kho lưu trữ Mátxcơva. Một đoàn của Cục lưu trữ thuộc Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, một đoàn của Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp nhà nước giai đoạn 1991-1995 Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, mã số KX.02 (Chương trình này do Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là cơ quan chủ trì, Giáo sư Viện trưởng Đặng Xuân Kỳ làm Chủ nhiệm).

Năm 2006, trong một lần đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Hà Nội, ông S.V.Xtépashin (Tổng Kiểm toán Liên bang Nga) đã có ấn tượng rất sâu sắc về những tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng. Theo đề nghị của S.V.Xtépashin, trong dịp Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn châu Á – Thái Bình Dương (APEC) từ ngày 12 đến ngày 19-11-2006 ở Hà Nội và nhân đó thăm chính thức Việt Nam, Tổng thống Liên bang Nga Vlađimia Vlađimirôvích Putin đã trao cho Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Minh Triết bộ phim tài liệu “Tên Người là Hồ Chí Minh”, nhiều bản sao tài liệu về Đảng Cộng sản Việt Nam và về Hồ Chí Minh từ kho lưu trữ của Liên bang Nga.

Gần đây nhất là vào năm 2006, Đoàn cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh thuộc Bộ Văn hoá – Thông tin Việt Nam (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) đã dành ra một tháng sang sưu tầm tài liệu tại Kho lưu trữ Lịch sử Chính trị-xã hội Liên bang Nga. Đoàn đã sưu tầm được khoảng 1000 trang tài liệu về Hồ Chí Minh. Đó là những bức thư, các bản báo cáo, bản thảo, bút tích, nhiều bài viết của Hồ Chí Minh những năm 1923 – 1952 chủ yếu bằng các thứ tiếng Pháp, Anh, Nga; những bài phát biểu của Hồ Chí Minh trên nhiều diễn đàn quốc tế; không ít giấy tờ cá nhân liên quan đến hoạt động của Hồ Chí Minh những năm 1922 – 1938 (thẻ dự các Đại hội Đảng Cộng sản Pháp, Đại hội Quốc tế Cộng sản, Đại hội Quốc tế Thanh niên, thị thực nhập cảnh nước Nga, hộ chiếu, một số bản khai lý lịch, v.v.). Có cả những đoạn phim tư liệu ghi dấu ấn của Hồ Chí Minh dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản, Hội nghị Quốc tế nông dân… Trong số những tài liệu sưu tầm được lần này, có cả những tài liệu đã có được từ những lần trước của những Đoàn sưu tầm các lần trước.

Nhưng, có tài liệu trong tay là một chuyện, còn bình luận về chúng, viết sách, viết bài nghiên cứu rồi công bố những tài liệu liên quan đến Hồ Chí Minh thì lại là một chuyện khác. Do nhiều nguyên nhân, các nhà Hồ Chí Minh học của Việt Nam không làm được cái việc như bà Sophie Quinn – Judge đã làm là đưa những vấn đề của Hồ Chí Minh trong những năm tháng còn ít được nhiều người biết đến 1919 – 1941 (phần được phản ánh trong tài liệu lưu trữ) lên từng trang giấy và cho xuất bản một cách công khai như trong cuốn sách này.

2.2. Tốt về cái tâm và một số nội dung nêu ra của người nghiên cứu

Đọc cuốn sách này, tôi thấy được phần nào cái tâm của tác giả Sophie Quinn – Judge, không như một số tác phẩm khác, nhất là các tác phẩm của một số người gốc Việt Nam với lời lẽ hằn học, chửi bới, bịa đặt, cố tình xuyên tạc Hồ Chí Minh (Gần đây nhất, những kẻ hằn học gốc Việt Nam ở ngoài nước do Nguyễn Hữu Lễ đứng đầu còn dựng phim DVD Sự thật về Hồ Chí Minh với dụng ý không tốt). Toàn bộ cuốn sách đã theo đúng lời tác giả viết: “Mục đích của nghiên cứu này không phải là để huỷ hoại thanh danh Hồ Chí Minh, mà chỉ là để làm rõ sự thực những gì ông đã làm trong thời kỳ ông làm việc cho Quốc tế III” (tr. 7 của bản dịch). Ở đây, tôi chưa bàn đến phương pháp nghiên cứu của bà Sophie Quinn – Judge và tôi không bàn đến tình cảm của người nghiên cứu đối với dân tộc, con người Việt Nam, trong đó có Hồ Chí Minh. Tác giả của cuốn sách đã cố gắng giữ một thái độ khách quan (cái đầu lạnh) khi trải những ý kiến của mình ra những trang viết. Đương nhiên, ở đây không phải là không có hạn chế mà tôi sẽ viết ở mục dưới.

Từ cái tâm đó cộng với nguồn tài liệu lưu trữ phong phú (nguồn chủ yếu) có đối chiếu với các nguồn khác, trong tác phẩm của mình, tác giả đã đúng khi nêu rõ những vấn đề sau đây của Hồ Chí Minh trong quãng thời gian từ năm 1919 đến năm 1941:

– Khẳng định Hồ Chí Minh[2] ra đi năm 1911 và hoạt động ở nước ngoài là vì mục đích yêu nước, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam. Đạt được kết quả như thế này trong nghiên cứu là phản ánh đúng sự thật và là đáng quý lắm, vì vẫn còn không ít người cho rằng, Hồ Chí Minh ra đi không phải là để tìm con đường cứu nước; rằng, Hồ Chí Minh đi theo con đường cách mạng vô sản, theo Quốc tế Cộng sản là vì ngẫu nhiên hoặc vì bất mãn khi bị bác đơn vào học ở Trường Thuộc địa…

– Nêu lên được những sự kiện lịch sử qua đó phản ánh đúng một cách cơ bản và tương đối đầy đủ quãng đời đầy gian khổ, hoạt động tích cực của Hồ Chí Minh trong phong trào cộng sản, phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc quốc tế từ năm 1919 đến khi Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc đầu năm 1941.

– Nêu lên một bức tranh với những nét cơ bản, đúng sự thật về mối quan hệ của Hồ Chí Minh với Quốc tế Cộng sản (rõ nhất là trong quan hệ với các đồng chí ở Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản). Đây là mối quan hệ không mấy suôn sẻ, nhưng phản ánh được bản lĩnh, sự khéo léo của Hồ Chí Minh trong quãng thời gian đặc biệt trong cuộc đời của Hồ Chí Minh, nhất là quãng thời gian 1934 – 1938 mà trong một bức thư ký tên là Лин, gửi cho một đồng chí cấp cao của Quốc tế Cộng sản đề ngày 6-6-1938, Hồ Chí Minh gọi những năm đó là những năm Người ở vào “tình cảnh đau buồn”.

– Nêu lên được mối quan hệ giữa Hồ Chí Minh với các đồng chí trong tổ chức mà Hồ Chí Minh tham gia, qua đó người đọc cũng thấy được phần nào nhân cách cao đẹp của Hồ Chí Minh (đối với Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, đối với các đồng chí ở Pháp, ở Liên Xô và các nước khác, v.v.).

– Nêu lên các sự kiện, qua đó người đọc thấy rõ công lao và những đóng góp thực sự tích cực của Hồ Chí Minh trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đầu năm 1930, các phong trào cách mạng ở Việt Nam và đối với một số phong trào cách mạng thế giới.

– Với các tài liệu có trong tay, tác phẩm này ken dày, ngồn ngộn những sự kiện lịch sử liên quan đến Hồ Chí Minh đã được phản ánh. Điều này là quan trọng và thật sự có giá trị đối với những người nghiên cứu để tham khảo. Trừ một số không nhiều những sự kiện còn chưa chính xác và một số sự kiện còn chưa chắc chắn, cần được xác minh thêm, còn tuyệt đại đa số các sự kiện được đưa vào cuốn sách là đáng tin cậy.

3. Một số hạn chế

3.1. Có một số nhận định không đúng

Hồ Chí Minh là người hoạt động bí mật nhiều năm trời, cho nên không phải những gì mà tài liệu phản ánh về Hồ Chí Minh đều đúng sự thật, mặc dù đó là những tài liệu báo cáo chính thức, tài liệu lưu trữ. Những tài liệu ở các kho lưu trữ thật đáng quý. Nhưng, dù chúng đáng quý như thế nào đi chăng nữa thì cũng cần được thẩm định, được nhận thức một cách đúng đắn qua tư duy của người nghiên cứu. Những tài liệu lưu trữ là những chứng cứ, song những chứng cứ ấy bao giờ cũng bị chế định bởi hoàn cảnh lịch sử và muôn vàn yếu tố khác nữa. Nó chưa hoàn toàn là sự thật. Do vậy, mới có tình trạng là tài liệu cùng một nguồn nhưng nhận thức, đánh giá của một số người lại trái ngược nhau.

Vì một số người, trong đó có tác giả cuốn sách này – bà Sophie Quinn – Judge – không đặt vào hoàn cảnh đó khi nghiên cứu, sa vào “khách quan phiệt”, cho nên mới dựa vào tài liệu báo cáo của Đại hội I Đảng Cộng sản Đông Dương và tài liệu lưu trữ ở Liên bang Nga để nhận định không đúng rằng, Hồ Chí Minh với Nguyễn Thị Minh Khai là vợ chồng (Trong hồ sơ tài liệu Đại hội I Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1935, có ghi Nguyễn Thị Minh Khai rồi mở ngoặc đơn là “Vợ Quốc”. Thực ra, nghiên cứu chung về hoàn cảnh lúc đó và theo lời kể của một số nhân chứng lịch sử, thì đây chỉ đơn thuần là một sự gán ghép, nhiều người muốn “làm mối” cho hai người. Giữa Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đã sắp đi đến hôn nhân rồi mà những người dự Đại hội không biết. Cả Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Phong và Nguyễn Thị Minh Khai đều không dự Đại hội I ở Macao).

Cũng như thế, tác giả cuốn sách đã nhận định rằng: “Sự thực là mặc dù cuộc đời ông trong giai đoạn này đầy rẫy những sự nguy hiểm, thì một trong những công việc mà ông cũng thường xuyên phải làm là ngồi gõ thật nhiều các bản báo cáo với mục đích thuyết phục người Nga cung cấp thêm nhiều tiền cho các hoạt động của ông” (tr. 7 của bản dịch); “Việc thiếu tính không kiên định về lý tưởng mà một số người có thể cho là xảo quyệt là một đặc điểm đã giúp Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh sống sót trong những năm tháng ở Quốc tế Cộng sản” (tr. 34 của bản dịch), v.v.

Tác giả của cuốn sách nhận định không đúng về cái gọi là “chi nhánh của Đảng Cộng sản Trung Quốc” và cho rằng, tổ chức này “đã hiện hữu tại miền nam Việt Nam trong những năm 1927 – 1928. Vai trò của tổ chức này đối với sự phát triển của cộng sản Việt Nam vẫn chưa được tìm hiểu, nhưng căn cứ theo tên gọi của nó – Uỷ ban Nam Kỳ – Cambốt (trong bản dịch tiếng Việt Nam của Hoài An, có một số trang gọi là “Uỷ ban Nam Dương” – MQT lưu ý) – chúng ta có thể đoán được rằng, nó đã có ảnh hưởng ngay từ đầu trong việc đưa ra khái niệm của một phong trào cộng sản Đông Dương thống nhất chứ không phải là một Đảng Cộng sản Việt Nam thuần tuý” (Tổ chức này được bà Sophie Quinn – Judge viết ở nhiều trang, nhưng điển hình là ở tr. 182 của bản dịch). Sự thực là trong lịch sử hiện đại Việt Nam, không có tổ chức này. Tôi cho rằng, rất có thể là tác giả đã lầm tổ chức An Nam Cộng sản đảng ở Nam Kỳ lúc bấy giờ – có quan hệ với bộ phận An Nam Cộng sản đảng ở Trung Quốc – rồi cho rằng tổ chức này là chi nhánh của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Như vậy, tôi thấy đây là lầm lẫn lớn và rất tai hại đối với bạn đọc.

Có không ít những đoạn viết toát lên ý cho rằng Hồ Chí Minh là nhà hoạt động thực tiễn chứ không phải là nhà lý luận.

Những nhận định không chính xác trong cuốn sách, xét theo quan điểm của tôi, là không ít, đặc biệt là ở phần Tổng kết. Phần này ngắn, chỉ hơn 4 trang trong tổng số 186 trang của bản dịch, nhưng ken dày những nhận định không đúng.

Xin nêu một số đoạn.

Tác giả viết: “Sự thất bại trong chiến dịch của người Việt tại Hội nghị hoà bình Pari năm 1919 đã chuyển sự chú ý của những người quốc gia về phía nước Nga” (tr. 182 của bản dịch); “Những mâu thuẫn ban đầu về hệ tư tưởng bên trong tổ chức cộng sản Việt Nam đã tiếp tục diễn ra trong suốt sự nghiệp chính trị của Hồ. Trong khi đối với phương Tây, những nỗ lực của Hồ sau Thế chiến thứ hai nhằm tạo ra hình ảnh của mình như một người theo chủ nghĩa quốc gia đã gặp phải những nghi ngờ thì bên trong nội bộ Đảng Cộng sản Đông Dương thái độ thiếu thành tâm với “chủ nghĩa cộng sản vô sản” đã tiếp tục bị xem như là một nhược điểm của ông” (tr. 183 của bản dịch).

Ở đây, tác giả của cuốn sách này lại dựa vào những tài liệu do Trần Ngọc Danh viết, mà Trần Ngọc Danh là người như thế nào thì những người nghiên cứu lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam đều biết khá rõ.

Tác giả viết tiếp: Hồ Chí Minh “đã ăn ở với những phụ nữ trong nhiều giai đoạn, thoả hiệp và lũng đoạn những đảng phái quốc gia khác. Ông đã không luôn là người thẳng thắn. Trong rất nhiều trường hợp, ông đã cho rằng, thành thật về lập trường chính trị là một việc dại dột. Lòng tin của ông về chủ nghĩa cộng sản thì khó mà lường được bao sâu” (tr. 185 của bản dịch); “Điều trớ trêu là trong những năm 1990, sau khi những đảng cộng sản tại Đông Âu đã bị hất khỏi quyền lực, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí chính thống của mình bằng cách nhận rằng, họ đại diện cho “Tư tưởng Hồ Chí Minh”. Một tài liệu xuất bản năm 1995 về Tư tưởng Hồ Chí Minh của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh định nghĩa đấy như là một tiến triển mới của học thuyết Mác – Lênin. Nhưng khẳng định này đã gặp phải một số ý kiến diễu cợt vì rất nhiều người Việt Nam thừa hiểu rằng Hồ Chí Minh đã không để lại bất cứ một học thuyết nào trên giấy tờ” (tr. 185 của bản dịch).

Vân vân và vân vân.

3.2. Vẫn còn nhiều “khoảng trống”, còn có sự phân tích chưa sâu, chưa đủ minh chứng lịch sử

Có nhiều vấn đề chưa được tác giả cuốn sách tập trung phân tích kỹ, phân tích sâu. Những vấn đề đó, theo tôi, là những điểm nhấn trong cuộc đời của Hồ Chí Minh trong những năm hoạt động ở Quốc tế Cộng sản. Đó là những sự kiện mà Hồ Chí Minh đã chứng tỏ tài năng và bản lĩnh chính trị của mình, đặc biệt là hoạt động của Hồ Chí Minh trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin và tích cực chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam; phân tích những quan điểm của Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam so với những quan điểm sai lầm, tả khuynh, biệt phái có tính chất chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội VI Quốc tế Cộng sản cuối năm 1928 đối với phong trào cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, trong đó có những văn bản chỉ đạo cụ thể đối với cách mạng Việt Nam, v.v.

Tác giả của cuốn sách, như tôi đã đề cập ở trên, chủ yếu dựa vào tài liệu lưu trữ, triệt để dùng phương pháp mà tôi tạm gọi là “khách quan phiệt” (hay chủ nghĩa khách quan), ngoài mặt tốt, còn có mặt thứ hai của nó là chưa hiểu rõ bề sâu văn hoá, đặc tính con người, đặc biệt là con người Hồ Chí Minh, con người đặt trong muôn vàn cái chế định của hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong hoàn cảnh hoạt động bí mật, con người phương Đông, con người Việt Nam, do đó có một số hạn chế vừa chưa “lấp đầy” khoảng trống để hiểu cuộc đời Hồ Chí Minh vừa có lập luận chưa có sức thuyết phục về một số sự kiện có liên quan đến đời tư của Hồ Chí Minh, đặc biệt là đối với hai người phụ nữ mà tác giả cuốn sách cho là vợ của Hồ Chí Minh: Tăng Tuyết Minh, Nguyễn Thị Minh Khai.

Nhân dịp bày tỏ ý kiến về cuốn sách Ho Chi Minh: The Missing Years 1914 – 1941 của tác giả Sophie Quinn – Judge, tôi muốn đề cập thêm về vấn đề này. Hiện đang có một số người có thể do vô tình hay cố ý, “gây nhiễu thông tin” về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh[3]. Hồ Chí Minh có vợ có con hay không là câu chuyện bị gây nhiễu nhiều nhất.

Ngày 3-11-1946, ông Nguyễn Sinh Khiêm, anh trai của Hồ Chí Minh đến thăm em, nhân lúc vui vẻ có hỏi em mình: “Tôi muốn hỏi riêng chú, việc gia đình riêng của chú ra sao?”. Hồ Chí Minh trả lời hóm hỉnh: “Cảm ơn anh, em chưa bao giờ dám nghĩ đến việc này, đến nay đã tu, tu trót, qua thì thì thôi. Em không phải là người tu hành nhưng vì việc nước quên việc nhà”[4].

Tháng 1 năm 1947, Hồ Chí Minh viết trong bức thư­ chia buồn khi được tin con trai bác sĩ Vũ Đình Tụng, người theo đạo Thiên Chúa, oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nư­ớc Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam. Họ là con thảo của Đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc”[5].

Ngày 16-7-1947, trả lời câu hỏi thứ mư­ời của một nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh nói: “Ngài đã hỏi, tôi xin dẹp sự khiêm tốn lại một bên mà đáp một cách thực thà: tôi không nhà cửa, không vợ, không con, nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Phụ lão Việt Nam là thân thích của tôi. Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi. Tôi chỉ có một điều ham muốn là làm cho Tổ quốc tôi được độc lập, thống nhất, dân chủ. Bao giờ đạt đư­ợc mục đích đó, tôi sẽ trở về làm một người công dân du sơn ngoạn thủy, đọc sách làm vườn”[6].

Năm 1948, cũng trong thời kháng Pháp, trong cơ quan Phủ Chủ tịch ở chiến khu Việt Bắc, Hồ Chí Minh là người hay khơi các trò chơi sau giờ làm việc. Có khi đó là một buổi tối lửa trại, tự diễn tuồng, chèo, kịch tại chỗ, có cả hoạt náo viên, có khi là họa thơ, đối thơ, v.v. Trong những buổi vui vẻ như vậy, nhiều người đề nghị Hồ Chí Minh lấy vợ. Có lần Hồ Chí Minh nói: “Các chú hỏi bao giờ Bác lấy vợ, phải không? Có hỏi thì có trả lời nhé: Không lâu nữa đâu! Bao giờ dân ta toàn thắng, Bắc – Nam sum họp một nhà!”[7]. Còn Phan Anh, khi thấy sức khoẻ của Hồ Chí Minh có phần giảm sút trong những ngày gian khổ tại An toàn khu (ATK) năm 1948 lúc Hồ Chí Minh 58 tuổi, có đề nghị Hồ Chí Minh lập gia đình để có người thân thương hằng ngày săn sóc, thì Hồ Chí Minh thủng thẳng nói: “Ông bảo thế tôi không phải là con người à? Tôi sống như mọi người mà. Có phải thần, thánh gì đâu Nhưng ông thấy đấy: việc nước bề bộn như vậy!”[8].

Người ta có quyền không tin những điều trên đây do chính bản thân Hồ Chí Minh viết và nói. Nhưng, ai và những tài liệu nào xác đáng để chứng minh rằng Hồ Chí Minh có vợ, có con? Chưa, chưa có tài liệu nào thuyết phục người đọc được cả.

Tôi bày tỏ quan điểm của tôi rằng: việc Hồ Chí Minh có vợ, có con hay không có vợ, không có con thì chẳng ảnh hưởng gì đến tư cách, đạo đức cả. Nếu Hồ Chí Minh có vợ, có con, nghĩa là có gia đình riêng, thì với những gì Hồ Chí Minh đã cống hiến cho đất nước, tôi vẫn nhận định được rằng: Hồ Chí Minh đã hy sinh lợi ích riêng tư để dâng hiến cho Tổ quốc của mình. Không phải không có vợ con mới là hy sinh chuyện riêng tư. Chỉ có điều là nếu Hồ Chí Minh có vợ thì đấy mới là chính là một con người hoàn chỉnh, không phải là phản tự nhiên. Cũng chính vì thế mà chúng ta hay nói người vợ hay người chồng chính là một nửa bên kia của nhau. Hồ Chí Minh cũng không ít lần nói về cái khiếm khuyết của chính cuộc đời mình, và một trong những khiếm khuyết đó là không có vợ; do vậy có lúc Hồ Chí Minh khuyên thanh niên Việt Nam đừng nên học mình về điều đó.

Nếu Hồ Chí Minh có vợ con thật thì Hồ Chí Minh không thể giấu được trong ngần ấy năm. Giấu làm sao được trong con mắt của hàng triệu, hàng triệu con người giữa thế gian, ở đất nước Việt Nam và cả ở trên thế giới. Người bình thường đã khó giấu, huống hồ Hồ Chí Minh lại là một người nổi tiếng, Hồ Chí Minh là con người của công chúng, thì lại càng khó giấu hơn. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Cái kim trong bọc lâu ngày rồi sẽ lòi ra”. Đã rất lâu ngày, nhưng cái bọc không thấy lòi ra một cái kim nào cả.

Đã có không ít người cho rằng, Hồ Chí Minh có một người vợ là người Pháp, một là người Đức, một là người Nga, hai bà là người Trung Quốc, hai người vợ Việt Nam, v.v. Và, đương nhiên câu chuyện và danh sách vợ con của Hồ Chí Minh, theo họ, chưa dừng lại ở đó. Ngay cả ông Hoàng Tranh (người Trung Quốc), một chuyên gia nghiên cứu Hồ Chí Minh trong mối quan hệ với Trung Quốc, trong một bài viết của mình, đã đề cập về cuộc sống vợ chồng Hồ Chí Minh – Tăng Tuyết Minh, nhưng tôi đã đọc rất kỹ bài viết này thì thấy rằng, lập luận và những chứng cớ mà Hoàng Tranh nêu ra không có sức thuyết phục. Mấy cuốn sách, bài báo của một số người ngoài nước chẳng rõ thật hư ra sao về vấn đề này, lại viết theo Hoàng Tranh.

Hồ Chí Minh là người hoạt động bí mật nhiều năm trời, cho nên không phải những gì mà tài liệu viết về Hồ Chí Minh đều là đúng sự thật, mặc dù đó là những tài liệu báo cáo chính thức, tài liệu lưu trữ trong kho lưu trữ Lịch sử Chính trị-xã hội của Liên bang Nga. Vì một số người không đặt vào hoàn cảnh đó khi nghiên cứu, cho nên mới dựa vào tài liệu báo cáo của Đại hội I Đảng Cộng sản Đông Dương và tài liệu lưu trữ ở Liên bang Nga để nhận định không đúng rằng, Hồ Chí Minh với Nguyễn Thị Minh Khai là vợ chồng.

Đấy là chưa kể có những người cố tình xuyên tạc, thêu dệt ly kỳ mặt “tình ái” của Hồ Chí Minh với mục đích bôi xấu, cho rằng Hồ Chí Minh chính là người bội bạc; rằng không phải Hồ Chí Minh là người đấu tranh giải phóng con người, đặc biệt là đấu tranh giải phóng phụ nữ, mà Hồ Chí Minh chỉ coi phụ nữ chỉ là đồ chơi; rằng, Hồ Chí Minh là con người nói dối, v.v. Tôi nghĩ rằng, nếu Hồ Chí Minh có đến 7 bà vợ và nhiều con như thế thì khi Việt Nam đang có chiến tranh ác liệt như vậy thì nhiều bà vợ chưa đến đất nước chồng mình đã đành, nhưng khi Việt Nam đã hoà bình rồi, khi Hồ Chí Minh đã nằm yên bình trong Lăng ở Ba Đình – Hà Nội rồi nhưng vẫn không có bà vợ nào (nếu còn sống), con cái nào của Hồ Chí Minh đến thăm. Thật sự không có. Tăng Tuyết Minh chỉ là một người phụ nữ đóng giả vợ của Hồ Chí Minh khi Hồ Chí Minh hoạt động ở Trung Quốc quãng thời gian cuối năm 1924 – 1927 mà thôi.

Tuy tác giả Sophie Quinn – Judge, như tôi đã viết ở trên, chỉ đề cập thoáng qua hai người “vợ” của Hồ Chí Minh trong tác phẩm Ho Chi Minh: The Missing Years 1914 – 1941, đối với tâm lý của người nước khác, đặc biệt là người châu Âu thì không có vấn đề gì lớn, nhưng điều này đối với tâm lý người Việt Nam là quá nhạy cảm, cho nên tôi xin đôi điều đề cập lại cho rõ hơn mà thôi.

Cuốn sách Ho Chi Minh: The Missing Years 1914 – 1941 của tác giả Sophie Quinn – Judge thực sự bổ ích cho những ai quan tâm nghiên cứu Hồ Chí Minh, đặc biệt là đối với những học viên cao học và nghiên cứu sinh chuyên ngành Hồ Chí Minh học ở Việt Nam.

Những ý kiến của tôi trên đây về cuốn sách có thể đúng, có thể không đúng, nhưng tôi cứ mạnh dạn nêu lên, mong được thông cảm.

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2009
Người viết
MẠCH QUANG THẮNG
===================
[1] Trong Chương 0 của cuốn sách này với cái tên là Giới thiệu, tác giả Sophie Quinn-Judge viết: “Ông Hồ thực sự không có cuộc sống của nhà tu hành, ông có hai mối quan hệ với phụ nữ được chứng minh bằng các tài liệu chúng tôi tìm được trong khoảng thời gian hoạt động mà cuốn sách này đề cập đến”. Bà Sophie Quinn-Judge viết chú thích số 24 cho rõ thêm đoạn nội dung này như sau: “Người phụ nữ thứ nhất là “Tuyết Minh”, một cô gái sinh viên hộ lý người Quảng Châu, người bắt đầu cuộc sống vợ chồng với Hồ Chí Minh từ tháng 10 năm 1926. Bà không được đề cập trong Chương ba của cuốn sách này vì mối quan hệ đã chấm dứt ngay khi Hồ Chí Minh trốn khỏi Trung Quốc năm 1927 (Xem AOM, SPCE 367, Renseignements fournis par Lesquendieu au sujet de Tuyet Minh, femme chinoise, maitresse de Nguyen Ai Quoc, Hanoi, 28/10/1931). Người phụ nữ thứ hai là Nguyễn Thị Minh Khai, có tầm quan trọng chính trị lớn hơn người trước”.

[2] Hồ Chí Minh có nhiều tên gọi. Trong bài này, để cho thuận tiện, tôi xin dùng một tên chung cho tất cả các thời kỳ, giai đoạn là Hồ Chí Minh.

[3] Năm 2005, có một đồng nghiệp ở Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng) nói với tôi rằng, trên mạng internet có rất nhiều bài viết xuyên tạc cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh. Tôi nói lại rằng, việc xuyên tạc cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh không phải đến bây giờ người ta mới làm, mà đã diễn ra từ lâu rồi.

Để làm cho người ta hiểu một cách đúng đắn về Hồ Chí Minh, tôi nói với đồng nghiệp của tôi rằng, cách tốt nhất là nên xuất bản cuốn sách viết về tiểu sử Hồ Chí Minh.

Tôi biết rằng, vào các năm 1995, 1996, Chương trình khoa học cấp nhà nước giai đoạn 1991 – 1995 KX.02 “Nghiên cứu Hồ Chí Minh” do Giáo sư Đặng Xuân Kỳ lúc đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm Chủ nhiệm đã có một đề tài nghiên cứu, biên soạn tiểu sử Hồ Chí Minh do Giáo sư Song Thành làm Chủ nhiệm. Sản phẩm chính của đề tài này là bản “Hồ Chí Minh – Tiểu sử” đã được nghiệm thu; nhưng vì nhiều lý do, mãi cho tới lúc đó, năm 2005, chưa được xuất bản.

Ý kiến của tôi là như vậy. Sau đó một thời gian, Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khoá IX cho thẩm định lại bản thảo công trình này để xuất bản thành sách. Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khoá IX giao cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (nay là Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cùng với Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương giải quyết vấn đề này. Sở dĩ như vậy là vì đây là công trình khoa học thuộc Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh quản lý mà Viện này sau đó đã sáp nhập cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Theo đề nghị của Ban Tư tưởng-Văn hoá Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, ngày 19-1-2006, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Khoá IX đã ra Quyết định số 156-QĐ/TW thành lập Hội đồng thẩm định và xuất bản tác phẩm “Hồ Chí Minh – Tiểu sử”.

Cuốn sách “Hồ Chí Minh – Tiểu sử” do Nhà xuất bản Lý luận chính trị (nay là Nhà xuất bản Chính trị – Hành chính) xuất bản đầu tiên theo Giấy phép xuất bản số 48-2006/CXB 01-01/LLCT ngày 12-1-2006 với số lượng 3 000 cuốn, 758 trang khổ 15 cm x 22 cm, bìa cứng, nộp lưu chiểu tháng 4 năm 2006. Đây là cuốn sách mới nhất về tiểu sử Hồ Chí Minh được viết một cách công phu, tương đối chi tiết tiếp nối cuốn tiểu sử tóm tắt về Hồ Chí Minh trước đây do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương biên soạn và được Nhà xuất bản Sự Thật xuất bản lần đầu tiên năm 1970.

[4] Theo Bá Ngọc, Trần Minh Siêu: Chuyện kể bên mộ bà Hoàng Thị Loan, Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2007, tr. 74.

[5] Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 40.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, T. 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 171-172.

[7] Theo Vũ Đình Hoè: Pháp quyền nhân nghĩa Hồ Chí Minh, Nxb Văn hoá Thông tin, Trung tâm Văn hoá Đông Tây, Hà Nội, 2001, tr. 151.

[8] Như trên.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍