LỜI NÓI ĐẦU
Thực hiện chỉ thị số 98 – KB4 của Bộ về “Cuộc vận động viết hồi kỳ thường xuyên trong ngành”, Cục công tác chính trị cho lưu hàng trong nội bộ Lực lượng Công an “tủ sách truyền thống” giới thiệu những hồi ký, những kỷ niệm sâu sắc, những truyện ghi chép lại về người và vụ việc có tầm quan trọng nhất định, đã được biên soạn lại cho dễ hiểu, có hệ thống và có thể phổ biến được, nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ Công an có tài liệu tìm hiểu lịch sử và truyền thống đấu tranh của ngành để bồi dưỡng nhận thức nghiệp vụ và nhiệt tình công tác theo đúng các yêu cầu mà chỉ thị 98 đã đề ra.
Các truyện được phổ biến đều dựa trên tài liệu và lời kể của những người trong cuộc. Trừ một số tình tiết cá biệt, về cơ bản đó là những chuyện thật, phản ánh những hoạt động, suy nghĩ, những ưu điểm và khuyết điểm trong công tác mà Ban biên tập nhận thấy bổ ích cho việc học tập, tu dưỡng của người đọc. Tuy nhiên, dù cố gắng đến đâu thì người biên soạn lẫn những người trong cuộc cũng không thể nào dựng lại được chính xác trăm phần trăm những chuyện đã xảy ra cách đây hàng chục năm. Vì vậy, Ban biên tập mong các tập sách này được bạn đọc coi như tài liệu tham khảo, và vui lòng góp ý kiến, giúp đỡ tài liệu để chỉnh sửa ngày càng hoàn chỉnh hơn.
***
Quyển “Cuộc chiến đấu bảo vệ Đồng Văn” được giới thiệu với bạn đọc lần này ghi lại cuộc đấu tranh thắng lợi chống vụ phiến loạn ở Đồng Văn năm 1960.
Hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta được 5 năm. Cuối năm 1959, đầu năm 1960, sau thời kỳ khôi phục và cải tạo kinh tế, nhân dân ta bước vào công cuộc hợp tác hóa, đẩy mạnh cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa lên một bước mới thì ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, bọn phản động thuộc tầng lớp trên trong dân tộc người Mèo, cấu kết với bọn đặc vụ Tưởng đã nổi loạn. Dựa vào chiêu bài “tự trị”, bọn chúng toan giành lại địa vị chính trị, tách chính quyền khỏi sụ lãnh đạo của Đảng và Chính phủ ta, tiếp tục áp bức bóc lột nhân dân trong toàn huyện.
Chúng đã lôi kéo hàng vạn người dân Mèo, Tày, Lô Lố,.. (trong đó có 20 ủy viên Ủy ban xã, 9 xã đội trưởng, 3 công an xã, 34 ủy viên hội đồng nhân dân,…) nổi lên ở 16 xã, giết hàng trăm cán bộ và nhân dân, cướp phá các cửa hàng mậu dịch, làng bản. Chúng có những hành vi vô cùng dã man, mất hết nhân tính: mổ bụng, ăn gan, rán mỡ, uống máu người…
Đối với công cuộc trấn áp bọn phản cách mạng, bảo vệ an ninh chính trị trên miền Bắc, đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền núi, đây là một sự biến lớn cần giải quyết kịp thời. Bộ Chính trị đã họp, ra quyết định về việc giải quyết vụ phiến loạn này. Bộ Chính trị nhận định tính chất của vụ phiến loạn là: “Tính chất đấu tranh giai cấp gay go khi ta chuẩn bị bước vào cuộc vận động hợp tác hóa kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ” (1). Bộ Chính trị khẳng định vụ nổi loạn “không chỉ là vấn đề riêng biệt địa phương mà là vấn đề chính trị ở vùng dân tộc thiểu số” (2). Bộ chính trị cũng vạch ra phương hướng giải quyết vụ này.
Thi hành chủ trương của Bộ chính trị, các Bộ Quốc phòng, Công an và Khu ủy Khu tự trị Việt Bắc, Tỉnh ủy Hà Giang đã huy động các lực lượng lên Đồng Văn phát động quần chúng tiễu phỉ.
Sau hai tháng các lực lượng đã giải phóng được các mục tiêu quân sự phỉ chiếm đóng. Nhưng bọn chỉ huy cùng số khá đông phỉ vẫn lẩn trống trong rừng sâu, ngày ngày chống cự ta, tàn phá làng bản, giết chóc nhân dân. Lực lượng Công an từ trên xuống dưới tiếp tục lăn lộn ở các địa bàn, tìm đủ mọi biện pháp bắt chúng. Sau một năm, ta bắt được toàn bộ bọn chỉ huy.
Thắng lợi về mặt Công an trong chiến dịch là một thắng lợi có tính chất tổng hợp về vận dụng đường lối đấu tranh chống phản cách mạng trong công tác tiễu phỉ.
Đường lối đấu tranh đó thể hiện ở sự lãnh đạo sáng suốt, sát sao của Đảng, từ Trung Ương đến địa phương (Bộ Chính trị, Đảng đoàn Bộ Công an, Khu ủy khu tự trị Việt Bắc, Tỉnh ủy Hà Giang, huyện ủy Đồng Văn). Sau đó là sự phát động tính tích cực của quần chúng kết hợp với các biện pháp chuyên môn. Đi sâu vào địa bàn công tác, các chiến sĩ Công an đã phát động tinh thần những người dân lao động nghèo khổ thuộc các dân tộc Mèo, Tày, Lô-lố, Hoa,.. để họ sẵn sàng phát hiện các đối tượng; che giấu, bảo vệ cán bộ. Cả những người là vợ, con, anh em bọn chỉ huy cũng đã cộng tác chặt chẽ với các chiến sĩ ta.
Việc xây dựng cơ sở của chiến sĩ rất sinh động, đa dạng và sáng tạo. Từ chỗ nắm được quá khứ, tội lỗi và tâm lý đối tượng, các chiễn sĩ đã dần phân hóa, lôi kéo được những phần tử có thể sử dụng về phía ta, nhận nhiệm vụ của ta.
Qua vụ này, ta còn thấy mặt thắng lợi về sự trưởng thành của các chiến sĩ Công an trên lập trường chính trị, phẩm chất cách mạng, tinh thần tận tụy hy sinh, “trung với Đảng, hiếu với dân”.
Có những chiến sĩ đã dũng cảm đi thẳng vào sào huyệt của bọn trùm phỉ, mưu trí bắt chúng. Có những chiến sĩ đã kiên trì, chịu đựng gian khổ, lăn lộn ở vùng hẻo lánh, xa xôi, ba cùng với nhân dân, tìm tung tích bọn phỉ, cảm hóa và lôi kéo chúng đầu hàng, trở về lương thiện làm ăn. Có những chiến sĩ đã đặt nhiệm vụ của Tổ quốc, của Ngành lên trên tình cảm gia đình, hy sinh thầm lặng để đem cuộc sống yên vui, đầm ấm về cho nhân dân. Có những chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất xa xôi, tô điểm cho trang sử đấu tranh anh dũng của Ngành.
Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc ta hoàn toàn thống nhất. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhân dân cả nước ta đang hăng hái đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Qua thực tiễn cách mạng, ta thấy bọn phản động trong các tầng lớp trên thuộc các dân tộc ít người, do bản chất giai cấp của chúng, nhất là khi còn có liên hệ với đế quốc, chúng luôn tìm cách chống phá ta đến cùng. Vấn đề trừng trị bọn phản động trong các dân tộc ít người, vận động đồng bào các dân tộc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội là vấn đề cấp thiết đòi hỏi ngành ta phải giải quyết kịp thời. Bọn phản động trong các dân tộc ít người ở miền Bắc, bọn FULRO ở miền Nam đang ngoan cố chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của ta. Các chiến sĩ Công an đang âm thầm chiến đấu với bọn chúng trên các miền rừng núi xa xôi.
Chúng tôi cho xuất bản tập sách này ghi chép lại sự thật về cuộc chiến đấu dẹp tan một vụ phiến loạn điển hình ở miền núi để chúng ta, một lần nữa, thấy rõ bản chất giai cấp xấu xa, ngoan cố của bọn phản động trong các dân tộc ít người; khẳng định tính chất đấu tranh gay gắt với chúng; phần nào rút ra những bài học kinh nghiệm nhất định về tư tưởng và nghiệp vụ trong công tác đấu tranh chống bọn phản động miền núi.
Đã từ lâu, nhiều cán bộ chiến sĩ công an nghe nói đến “vấn đề người Mèo ở Đồng Văn” nhưng ít đồng chí hiểu được một cách đầy đủ toàn diện.
Vì vậy, khi viết lại vụ phiến loạn này, tác giả đã cố gắng đặt vụ phiến loạn vào quá trình và bối cảnh chính trị, xã hội của địa phương, mong giúp bạn đọc có tài liệu hiểu rõ thêm nguyên nhân sâu xa, tính chất phức tạp của vụ nổi loạn, đồng thời có cơ hội hiểu thêm “vấn đề người Mèo ở Đồng Văn” một cách toàn diện và đầy đủ hơn.
Với mục đích như vậy, tập hồi ký này mong góp phần nhỏ để ghi nhận một chiến công trong truyền thống của ngành và cung cấp ít nhiều tư liệu cho anh chị em trong ngành nghiên cứu.
***
Hiện nay, rất nhiều đồng chí hoạt động Công an lâu năm tha thiết muốn góp phần mình vào việc thực hiện chỉ thị 98 của Bộ nhưng còn băn khoăn chưa biết viết như thế nào.
Giới thiệu cuốn sách này, chúng tôi cũng chỉ mới giới thiệu một trong rất nhiều cách viết khác nhau. Vì vậy, hình thức truyện ký dùng ở đây không hề có nghĩa là các hình thức khác – ví dụ hình thức tự thuật của một người trong cuộc, hình thức tổng hợp có hệ thống các tài liệu, tư liệu,… – là không thể phản ánh được một chuyện có tầm vóc.
Cuộc vận động viết hồi ký trong ngành vẫn tiếp tục, thường xuyên và lâu dài. Mong các đồng chí có nhiệt tình, có cuộc sống và sự việc, mạnh dạn tìm cách viết sở trường nhất để gấp rút góp phần mình làm cho “Tủ sách truyền thống” của ngành ngày càng thêm phong phú, bổ ích và hấp dẫn.
BAN THƯỜNG TRỰC CUỘC VẪN ĐỘNG
VIẾT HỒI KÝ TRONG NGÀNH
CUỘC CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ ĐỒNG VĂN – NGÔN VĨNH
BIÊN SOẠN THEO KÝ ỨC CỦA CÁC ĐỒNG CHÍ
– LÊ ĐÌNH THẢO: Cục trưởng Cục bảo vệ chính trị II; nguyên giám đốc Công an khu Việt Bắc
– TRẦN TẤN NGHĨA: Cán bộ trường bồi dưỡng nghiệp vụ Công an, nguyên trinh sát Công an khu Việt Bắc.
– HOÀNG TRỌNG KIM: Phó trưởng ty công an Hà Tuyên; nguyên cán bộ Ty Công an Hà Giang
– VŨ ĐỨC LẠC: Trưởng phòng bảo vệ chính trị, Ty Công an Hà Tuyên; nguyên cán bộ Ty công an Hà Giang
– PHẠM MINH ĐĂNG: Bí thư huyện ủy huyện Mèo Vạc; nguyên Trưởng huyện công an Đồng Văn
– MAI XUÂN HÙNG: Cán bộ, ban tuyên giáo Hà Tuyên; nguyên Thượng sĩ công an vũ trang Hà Giang
– MÃ CHÍNH LÂM: Phó tư lệnh Bộ chỉ huy quân sự Hà Tuyên; nguyên huyện đội trưởng huyện Đồng Văn
– TIẾN MINH: Cán bộ Sở Công an Hà Nội; nguyên tham mưu trưởng trung đoàn 246
– Một số đồng báo ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
– Một số nhân chứng.
NGHIÊN CỨU TÀI LIỆU CỦA:
– Cục Quản lý hồ sơ
– Phòng hồ sơ, Ty công an Hà Giang
– Công an huyện Đồng Văn
– Ban nghiên cứu lịch sử Đảng, tỉnh ủy Hà Giang
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍