Ngày 12/02/2014, loạt bài Hoa đào biên viễn của nhà báo Đào Tuấn vừa được đăng trên báo mạng Một thế giới đã bị gỡ xuống chỉ vài tiếng sau đó. Rất nhiều kẻ đã nhân cơ hội này để khoác lên cái mặt nạ tử tế để tru tréo: “Đảng và nhà nước có thể quên, Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ 4T… không muốn nhớ, nhưng người dân không thể nào quên sự hy sinh của các anh”. Nguyên nhân của sự việc cũng đã được chúng tôi chứng minh trong bài viết “Chiến tranh biên giới phía bắc 1979: Lều báo tiếp tục đầu độc lịch sử”. Theo đó, bài viết của Đào Tuấn đã có những nhận định không đúng sự thật, khẳng định khi Trung Quốc nổ súng tấn công trên toàn tuyến biên giới vào ngày 17/2/1979 thì Việt Nam hoàn toàn bị bất ngờ; trên biên giới không có quân; chỉ có dân quân du kích nhưng có người nhưng không vũ khí… Bên cạnh đó cũng không loại trừ một giả thiết đáng suy ngẫm là bài viết của Đào Tuấn được đăng và tự gỡ bỏ rất nhanh không một lời giải thích từ tòa soạn nhằm mục đích tạo dư luận về việc “Đảng và nhà nước bưng bít chiến tranh biên giới phía Bắc 1979”.

Đồng hành cùng với Đào Tuấn, nhà báo Mai Thanh Hải (báo Thanh Niên, vâng, lại là báo Thanh Niên!), cũng đăng trên trang Facebook cá nhân bài “Biên giới phía Bắc 2/1979: Chết chóc, đổ nát trong bất ngờ…”. Bài viết có đoạn: “Một Đại tá Biên phòng-Cựu binh 1979 kể: Không thể ngờ là nó đánh mình, cả Đồn Công an Vũ trang chỉ có 2 khẩu AK và 5 khẩu K50 cũ, bắn xa… 25 mét. Anh em thay nhau bắn, cầm cự 30 phút thì hết nhẵn đạn. Phải cõng thương binh-tử sĩ rút trong uất ức…”. Bài này cũng đã được Mai Thanh Hải xóa đi sau vụ việc của Đào Tuấn.

Vậy đây là vụ việc tình cờ hay là sự sắp xếp có chủ ý, có hệ thống?

Mai Thanh Hải (áo xanh) và Đào Tuấn (áo tím)

Mai Thanh Hải từ lâu đã nổi tiếng trong thế giới blog với các bài viết về chủ đề biên giới, hải đảo mang âm hưởng “bài Hoa” một cách nhẹ nhàng, âm thầm với sức mạnh của một làn gió độc. “Độc” không phải bởi vì nó cổ vũ cho tư tưởng chống Trung Quốc vốn không ít thì nhiều vẫn lẩn quất trong máu mỗi người Việt hàng ngàn năm nay, dù rằng điều này có thể trái với đường lối ngoại giao mà nước ta đang theo đuổi. Một chút vắc-xin kháng Tàu không hề gì, thậm chí lại rất tốt cho cơ thể Việt. Nhưng Mai Thanh Hải không dừng ở đó mà lợi dụng điều này để lồng vào các bài viết của mình những thông tin mang tính xuyên tạc lịch sử để âm thầm truyền đi thông điệp chính trị kiểu như “Đảng CSVN không coi trọng lợi ích đất nước, chủ quyền quốc gia, sự an nguy của đồng bào. Đảng đã & đang xa rời vận mệnh dân tộc… xyz!”.

Cái luận điệu trên của Đào Tuấn và Mai Thanh Hải thật ra chẳng hề mới mẻ mà đã được Mai Thanh Hải đề cập nhiều lần trên blog của anh ta (http://maithanhhaiddk.blogspot.com – hiện không rõ vì sao đã khóa lại). Lấy ví dụ trong bài “Khiêu khích quân sự tháng 5-2011 và bài học 2-1979” (*) Mai Thanh Hải viết:
Chúng ta đã bị bất ngờ trước cuộc tấn công. Sự chống trả ngăn bước quân xâm lược, ngay những ngày đầu chỉ được thực hiện bằng những Đồn, Trạm, đơn vị Công an Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), bộ đội địa phương, dân quân – du kích – tự vệ và cả những người dân, với trang bị thiếu thốn, lạc hậu. Đến khi các đơn vị chủ lực cơ động từ các vùng miền, tỉnh khác về và đặc biệt là cấp tốc hành quân bằng máy bay, tàu hỏa từ miền Nam ra, chiến trường Campuchia về, thì số lượng không nhỏ cơ sở hạ tầng của ta đã bị lính Trung Quốc phá hủy tan nát, hàng vạn người dân bị thiệt hại và hàng triệu người mất nhà cửa, ruộng vườn, phải tay bị tay gậy, bồng bế nhau sơ tán về tuyến sau. Rất nhiều nhiều đơn vị chủ lực cơ động ra “chi viện cho biên giới phía Bắc” đã không kịp… nổ một phát súng, dù là chỉ thiên trên đầu quân bành trướng xâm lược, bởi lý do rất đơn giản: Quân Trung Quốc đã phá xong, giết xong, rút về từ… tám hoánh.

Chúng ta thấy được thông điệp gì từ đoạn viết này của Mai Thanh Hải nếu không phải là: Nhà nước VN đã chẳng có 1 sự chuẩn bị gì để chống lại sự xâm lược của Trung Quốcsự thực thì quân Trung Quốc cũng chỉ sang tàn phá Việt Nam cho sướng tay rồi tự động rút về?

Báo Quân đội nhân dân ngày 15/02/1979

Như sợ người đọc không hiểu rõ thâm ý của mình, Mai Thanh Hải, sau khi kể lể về một số hành động khiêu khích của lính Trung Quốc tại biên giới mà cao trào là việc gây ra cái chết của liệt sỹ Nguyễn Đình Chinh, đã kể cả phán rằng: “Trước những hành động khiêu khích như vậy, rất nhiều người đoán chắc sẽ có xung đột – chiến tranh, thế nhưng một số người lại không nghĩ vậy và đến khi súng đã nổ rền trên biên giới, người ta mới “à!” vỡ lẽ và cuống cuồng điều quân chủ lực về chi viện cho những Đồn Công an vũ trang chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, ngọn lê cuối cùng, chiến sĩ cuối cùng; những tiểu đội dân quân – du kích tắc bụp bắn lính Trung Quốc đen đặc bằng súng trường K44, tiểu liên K50 từ hồi đánh Pháp…”.

Phải chăng ở bài viết 3 năm về trước đã thấp thoáng bóng hình vị “đại tá biên phòng – cựu binh 1979” của bài viết năm 2014!? Việc Việt Nam có bất ngờ hay không trước âm mưu xâm lược của Trung Quốc, và đã chuẩn bị thế nào trước tình huống ngặt nghèo “lưỡng đầu thọ địch” bấy giờ đã được phân tích rõ ràng trong nhiều bài viết với đầy đủ dẫn chứng tư liệu lịch sử như trong một số bài viết: Chiến tranh biên giới phía bắc 1979: Lều báo tiếp tục đầu độc lịch sử hay Gửi Mai Thanh Hải, Đào Tuấn: bất ngờ?
Một số người có thể bào chữa cho Mai Thanh Hải, Đào Tuấn là họ nói về sự “bất ngờ về thời điểm Trung Quốc tấn công” nhưng nào đâu phải vậy?! Ai là “người ta mới “à!” vỡ lẽ và cuống cuồng điều quân chủ lực về chi viện”? Mai Thanh Hải khéo léo đổ vấy trách nhiệm của những hy sinh, mất mát trong cuộc chiến sang vai những người lãnh đạo đất nước, những người đã nỗ lực với bản lĩnh kiên cường và tài năng đã giúp đất nước trụ vững qua thời điểm vô cùng gian khó bấy giờ.

Một toa tầu được hàn chết trên đường ray của cầu Kiều trước 17/02/1979 nhằm mục đích cản hướng tiến quân của Trung Quốc. Nguồn ảnh: Thắng Arch Nguyễn Xuân

Đáng giá về thái độ xấc xược này của Mai Thanh Hải, thật không gì rõ ràng hơn nhận xét dưới đây của blogger Lê Vũ, một cựu chiến binh chiến trường K, nhân chứng của thời lịch sử “Lụt bắc lụt nam. Máu đầm biên giới / Tay chống trời. Tay giữ nước. Căng gân…”:

Đ. biết hồi 78 – 79, MTH ở đâu, làm gì.. nhưng y tán phét tựa binh nhì bình đại tướng, chê tư lệnh, dè sư trưởng.. Chiến dịch CPC bắt đầu từ 12/1978 không là chiến thắng dễ dàng (“chẻ tre” như lắm kẻ nổ). Sức đề kháng chống trả điên cuồng quyết liệt của Polpot khiến ta phải đưa lực lượng dự bị chiến lược cuối cùng xung trận. QĐ 2, 3, 4 cùng 7 sư của QK 5, 7, 9 đánh ròng rã cả tháng trời, có lúc địch phản công quật ngược hàng chục km. Nguyên tắc chiến trường: Tương quan lực lượng tối thiểu tấn công/phòng ngự là 3/1, như vậy, để đánh tan 19 sư Polpot cần phải có 60 sư thì QĐNDVN đã lập nên kỳ tích quân sự khi chỉ với 19 sư (kể cả 3 sư tăng cường) mà hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đến nỗi phương Tây sững sờ kinh ngạc. Cả miền Bắc mênh mông chỉ còn QĐ 1 căng ra bảo vệ (chủ yếu là Hà Nội, Hải Phòng & các mục tiêu chiến lược). Mai Thanh Hải là cái thá gì mà dám nỏ mồm phê TW chủ quan? Chê quân đội bị bất ngờ trước âm mưu “Dạy cho VN 1 bài học” của Đặng Tiểu Bình? Nếu bị bất ngờ thì Hà Nội đã rơi vào tay Trung Quốc ngày 27/02/1979 (theo kế hoạch tác chiến của chúng). 25.000 bộ đội địa phương, dân quân tự vệ & công an vũ trang đã giăng sẵn thế trận chiến tranh nhân dân tại chỗ kìm bước tiến, tiêu hao tiêu diệt phần lớn binh lực địch khi chúng vượt khỏi biên giới 17 km. Tất cả nằm trong sự tính toán sắp xếp chu đáo, cẩn trọng kín kẽ & với trách nhiệm cao nhất của BCHTW Đảng, BCT & quân ủy TW (sau này khi là sĩ quan trung cấp được làm trợ lí tham mưu cho cấp tướng tôi mới nhận biết 1 phần nhỏ về tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo, càng tìm tòi học hỏi càng khâm phục trí tuệ cực kì sáng suốt, khôn ngoan, táo bạo & chu toàn của những bậc cầm cân nảy mực). Mai Thanh Hải muốn lấy lòng đám nhẹ dạ cả tin hay vỗ về ve vuốt lũ Vichoco đang thèm khát những lời chửi rủa Đảng CSVN hèn hạ, bạc nhược, ngu dốt?
Nếu gặp Mai Thanh Hải ngoài đời chắc tôi vả nó rớt răng. Lính 303 khi hấp hối còn trối: “Thủ trưởng ơi, chúng ta chỉ đi tăng cường 3 ngày thôi đấy nhé, mục tiêu của sư mình là bảo vệ Hoàng Liên Sơn phải không ạ?” Sư 303 hành quân đường hàng không bổ sung cho hướng tấn công Đông Bắc, chỉ sau 1 tuần, họ hy sinh > 3.000 người. Hầu hết là dân Hà Nam Ninh. f303 là sư đoàn dự bị cuối cùng của ta thời điểm đó.

Xuyên tạc lịch sử chưa hết, Mai Thanh Hải còn xuyên tạc cả hiện tại, điều mà bất kỳ học sinh phổ thông nghiêm túc nào cũng biết là không đúng: “Hôm nay, cho dù một số người cầm quyền đã ký Hiệp định không nhắc lại sự kiện 17-2-1979 cùng quãng thời gian 10 năm sau đó, ròng rã bảo vệ biên giới Tổ quốc; người ta cũng “tế nhị” không ghi lại trong sách Lịch sử trong các cấp học dạy học sinh và cũng muốn lãng quên quá khứ máu xương – nước mắt cả chục năm liền trên biên cương…. Cái luận điệu không lừa nổi con nít này cho đến tận bây giờ vẫn được người khả kính như thiếu tướng Lê Văn Cương và ông nghị kiêm “nhà sử học” Dương Trung Quốc hùng hồn tuyên bố trên mặt báo(!).

Với cái mớ kiến thức lịch sử nhìn bằng lăng kính xuyên tạc ấy, Mai Thanh Hải không ngần ngại thể hiện sự “trẻ trâu” của mình khi bình luận về tình hình thời sự trên biển Đông thời điểm bấy giờ (2011) như sau:
“Tháng 5/2011, hành động khiêu khích quân sự của Trung Quốc lại được tái diễn bằng việc 3 tàu tuần tra biển Trung Quốc phăm phăm chạy vào sâu trong lãnh hải Việt Nam 84 hải lý để uy hiếp, tấn công tàu địa chấn Bình Minh 02 của Tạp đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) ngay trên vùng biển Phú Yên – Khánh Hòa suốt 4 tiếng đồng hồ. Điều lạ ở đây là suốt thời gian tàu Bình Minh 02 và 4 tàu bảo vệ phải chơi trò “đâm, ủi” giằng co với các tàu Trung Quốc hiện đại trên biển, trong phía bờ không có bất cứ hành động trợ giúp, cứu viện nào, cho dù Quân cảng Cam Ranh (nơi đậu đỗ của các tàu chiến đấu hiện đại nhất thuộc Quân chủng Hải Quân) và sân bay Thành Chơn (hay còn gọi là căn cứ không quân Phan Rang, nơi lúc nào cũng sẵn sàng cất cánh những biên đội máy bay chiến đấu SU30 bảo vệ Trường Sa), nằm gần ngay đó, với tổng thời gian ra tới nơi, chắc chỉ khoảng 15-20 phút”.
Cũng giống như cuối năm 1978, khi hành động khiêu khích của Trung Quốc xảy ra, quá mức chịu đựng, hệ thống các cơ quan truyền thông lại có dịp lên tiếng xả láng, phản đối (điều mà lâu lắm rồi mới được phép, từ sau sự kiện 14/3/1988) và cũng ý chang cuối năm 1978, những phát ngôn của Nhà nước mới dừng ở cấp Bộ Ngoại giao, chưa thấy cấp cao hơn tỏ bày, động đậy…

Cuộc chiến tranh biên giới 1979 kéo dài trong cả chục năm, với không biết máu xương đã đổ xuống, cũng có 1 phần lý do bất ngờ, chủ quan không lường trước mưu đồ của kẻ xâm lấn. Thế nhưng sau hơn 32 năm, chẳng lẽ cái bài học xương máu, cực kỳ quan trọng với mỗi chính thể, lại không rút ra được?..

Là một nhà báo, lại thường xuyên được tiếp xúc với những người lính biển, vậy mà Mai Thanh Hải lại có thể có những phát ngôn không thể ấu trĩ hơn về vấn đề ngoại giao và thông lệ giải quyết mâu thuẫn quốc tế như vậy. Kêu gào đòi đẩy cao đối đầu, leo thang nguy cơ chiến tranh không phải là mong muốn của bất cứ người Việt Nam chân chính nào mà đó là giọng điệu của những kẻ mong muốn phá hoại đất nước, phá hoại sự bình yên của nhân dân vì lợi ích của các thế lực bên ngoài. Thôi thì tôi lại mượn lời của blogger Lê Vũ để gửi đến Mai Thanh Hải và những kẻ tương tự lời nhắn nhủ như sau:

Ngẫm nghĩ thấy vui buồn lẫn lộn, tâm tư nặng trĩu vì 1 số người quá mơ hồ, nông cạn, hời hợt trước những thủ đoạn tuyên truyền xuyên tạc của bọn phản động & lũ cơ hội (như Mai Thanh Hải). Bạn tôi bảo: “Su 30 chỉ cần 17′ bay là nhấn chìm mấy chiếc tàu hải giám Trung Quốc, bộ đội tên lửa đã đặt ngón tay lên nút bắn sẵn sàng khai hỏa nếu tàu Trung Quốc dám lao vào hoặc bắn ta. Nhưng cố nhịn được chút nào tốt chút nấy, vũ lực giáng trả là cần thiết nhưng chỉ là lựa chọn cuối cùng..”

Những người lính căng mắt trên màn hình ra đa, mặc sẵn bộ đồ bay, phơi mình trên trận địa tên lửa, túc trực trên tàu phóng ngư lôi trong mấy ngày qua hẳn sẽ buồn lòng khi biết có những người là đồng bào mà mắng chửi họ: “Quân đội VN chả thấy động tĩnh gì, chắc sợ bọn Tàu khựa xón đái..”. Rất có thể những kẻ ăn nói hồ đồ ấy là đám bụi đời đi dạt, tối ngày vật vờ lang thang trên net hoặc lũ háo danh mượn sự kiện này để tự đánh bóng tên tuổi/hình ảnh cá nhân hoặc những kẻ hoài nghi bất mãn nhân cơ hội này chửi Đảng & CP. Chắc chắn, nếu Tổ Quốc nguy biến sẽ không bao giờ có mặt những kẻ như vậy trong hàng ngũ bảo vệ đất nước, họ sẽ luồn lủi tránh né chui rúc vào 1 xó xỉnh nào đó để tiếp tục rủa sả những người lính ngoài mặt trận, chê bai lãnh đạo nọ kia.

Mong các bạn trẻ tỉnh táo sáng suốt trước những lời lẽ ồn ào trên mạng, hãy cố gắng học tập, tu dưỡng, rèn luyện thật tốt để cống hiến tài trí, nhiệt huyết & sinh mạng cho Tổ Quốc sau này.

Mai Thanh Hải có được cuộc sống yên bình, được học hành tử tế trong những ngày tháng gian khó đó (Tháng 2-1979: 8 tuổi, học lớp 2. Tháng 3-1988: học lớp 11) là nhờ biết bao xương máu của người lính và nỗ lực giữ gìn độc lập, hòa bình, tự chủ cho đất nước của các thế hệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước bấy giờ. Ấy vậy mà, với cái giọng điệu “binh nhì bình tướng”, Mai Thanh Hải xấc xược phán rằng:
“Bảo vệ đất nước, không chỉ đơn giản là chuyện gọi điện mời báo chí đến họp, phát biểu mấy câu vô hồn như máy khâu chạy lạch xạch quen thuộc, chiếm mấy phút thời lượng trên Truyền hình Quốc gia phản đối, yêu cầu này khác; Bảo vệ đất nước, càng không thể là thi thoảng gặp gỡ – hội đàm cấp này khác và tranh thủ “gài” chuyện chủ quyền lãnh thổ để đối tác “lưu ý giúp đỡ”; Bảo vệ đất nước, lại không thể chơi trò “nói như rồng leo, làm như mèo mửa”: Tuyên bố trên Báo đài, trước Hội trường, Cử tri thì hùng hồn, nhưng khi xảy ra sự việc thì im thin thít, thậm chí không thấy có mặt trên bản tin VTV, như thường lệ; bảo vệ đất nước, tuyệt đối không thể bịt mồm người khác muốn sát cánh hô câu “Bảo vệ đất nước”…”
Bảo vệ đất nước, điều đầu tiên là phải tâm niệm “đất nước phải được bảo vệ”, giữ gìn uy danh, phát huy truyền thống quật cường vốn có và phát huy, khơi gợi tinh thần dân tộc trong mỗi công dân. Bảo vệ đất nước – Việc này càng quan trọng hơn khi tư thế của người bảo vệ hiên ngang, ngẩng đầu chứ không dúm dó, sợ sệt và chấp nhận “Trạng chết, Chúa cũng băng hà”…
.

Nghe thì rất hay, rất hùng hồn nhưng là cái hùng hồn của những kẻ ngu muội hoặc âm mưu kích động những kẻ ngu muội lao đầu vào tường. Nó chẳng khác gì những trò lên gân lên cốt, nhồi sọ của đám khủng bố lợi dụng tôn giáo để đẩy những kẻ u mê vào cảnh “lưỡng bại câu thương” với thường dân nước kẻ thù. Vậy mà, đáng lo ngại thay, những câu chữ đó lại được phát ra từ những “nhà báo quốc doanh”. Và còn đáng lo ngại hơn nữa là những trò xuyên tạc lịch sử, kích động hằn thù dân tộc mới hôm nào còn dật dờ trên các trang blog, diễn đàn chống phá chế độ thì ngày nay, chúng đã chễm chệ ngoi lên mặt “báo Đảng”, dưới nhiều hình thức, như loạt bài về Hoàng Sa mới đây và về chiến tranh biên giới phía Bắc hiện nay.
Vậy, xin nhắc lại câu hỏi “đây là vụ việc tình cờ hay là sự sắp xếp có chủ ý, có hệ thống?” để các bạn cùng suy ngẫm.

Hưởng ứng câu khẩu hiệu “ngu muội một cách hùng hồn” của Mai Thanh Hải, “Bảo vệ đất nước”, với tôi, điều đầu tiên là vạch mặt những kẻ phá hoại đất nước âm thầm bằng những trò xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng CSVN trong quá khứ và hiện tại, kích động hằn thù dân tộc và ru ngủ nhân dân bằng thứ thuốc phiện của lũ tâm lý chiến thù địch (diễn biến hòa bình)./.
———
(*) Do blog Mai Thanh Hải đang khóa, các bạn có thể xem bài viết này tại đây: http://hoangsa.org/forum/showthread.php?t=57171

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍