Báo chí và dư luận mấy ngày nay đang nhốn nháo về vấn đề “Made in Vietnam” của 2 doanh nghiệp Việt là Vinfast và Asanzo. Trong khi sản phẩm Fadil của Vinfast được báo chí tung hô như là một đứa con trai hiếm muộn của nền công nghiệp xe hơi với sự tự hào “Made in Vietnam” vô bờ bến thì cùng lúc đó, Asanzo bị báo Tuổi Trẻ đánh tơi bời vì cho rằng doanh nghiệp này đã “mạo xưng Made in Vietnam” khi chỉ lắp ráp sản phẩm từ các linh kiện nhập từ Trung Quốc.
Vậy thực hư thế nào?

“Hàng VN chất lượng cao” xuất xứ Trung Quốc

Made in là gì?

Trước hết, ta cần xác định “Made in” là gì? Đây là cụm từ tiếng Anh, có nghĩa là “Sản xuất tại…” thường thấy xuất hiện trên các nhãn hiệu của các sản phẩm hàng hóa để chỉ xuất xứ sản phẩm.
“Made in Vietnam” nghĩa là hàng hóa đó được “sản xuất tại Việt Nam”. Hiện nay, xác định xuất xứ hàng hóa được quy định tại nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8-3-2018 quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Khoản 1 điều 3 quy định: “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”.

Theo đó, có 2 dạng sản phẩm có thể “Made in Vietnam”: sản phẩm hoàn toàn địa phương (VD: bún, gạo, hoa quả, thủy sản,…) và sản phẩm lắp ráp (VD: điện tử, xe hơi, thời trang,…).
Cả Vinfast và Asanzo đều sản xuất sản phẩm theo dạng thứ 2.
Vậy tại sao người được tung hô kẻ bị đánh?

Vinfast – “đứa con trai” hiếm muộn

Báo chí thường tung hô các sản phẩm của Vinfast như là những chiếc xe “Made in Vietnam” hiếm muộn nhưng điều đó không đúng vì xe ô tô “Made in Vietnam” có rất nhiều. Đó là những chiếc xe của các hãng xe Nhật (Toyota, Honda, Mitsubishi, Isuzu, Suzuki, Nissan), Hàn Quốc (Kia, Hyundai), Mỹ (Chevrolet, Ford), Pháp (Peugeot), Đức (Mercedes-Benz),. được lắp ráp trong các nhà máy ở khắp Việt Nam.

Sự tung hô dành cho Vinfast, một phần đến từ sự marketing và tiềm lực tài chính của Vingroup, một phần đến từ khát vọng có chiếc xe mang thương hiệu Việt của dân ta. Còn về thực chất, một chiếc xe Vinfast cũng chỉ là sản phẩm lắp ráp từ các cấu kiện có nguồn gốc khác nhau, từ các nhà cung ứng được chuyên môn hóa và rất ít trong đó “Made in Vietnam”. Tức là về hình thức, nó cũng giống như những Asanzo, Bphone,…

Định mức cho “Made in Vietnam”?

Không có định mức cụ thể phần nội địa hóa cho sản phẩm “Made in Vietnam” vì điều này là bất khả thi (mỗi chủng loại sản phẩm có nguồn cung cấp linh kiện, cấu kiện nội tại và ngoại quốc khác nhau) mà chỉ cần “nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó”. Do đó việc Asanzo lắp ráp các linh kiện (cho dù là toàn bộ nhập tại Trung Quốc) để trở thành một cái ti vi hoàn chỉnh cũng thỏa mãn “công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng” để được đóng mác “Made in Vietnam”.

Samsung, nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, mỗi năm xuất khẩu hàng chục tỷ USD sản phẩm “Made in Vietnam” nhưng giá trị nội địa đóng góp vào trong đó là rất khiêm tốn, chỉ khoảng 30%. Một ngành xuất khẩu tỷ đô truyền thống nữa là da giày, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc, thì tỷ lệ nội địa hóa cũng chỉ khoảng 50%.

Còn đối với xe hơi, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), ô tô sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nếu đạt tỉ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% nhưng ngay tại THACO, nơi có khu Liên hợp sản xuất và lắp ráp ô tô lớn nhất cả nước thì tỷ lệ này cũng chỉ được hơn 20%. Lưu ý, cụm từ “tỉ lệ nội địa hóa nội khối” tức là tính trên tổng những thứ linh kiện, giá trị tạo ra trong nội khối ASEAN (11 quốc gia) chứ không phải chỉ là tại Việt Nam. Tỷ lệ nội địa hóa đối với dòng xe cá nhân (9 chỗ trở xuống) ngồi mới đạt bình quân khoảng 7 – 10% mặc dù mục tiêu đề ra trước đó là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010!

Còn trong trường hợp Asanzo, theo lời CEO Tam, họ đang nhập khoảng 70% linh kiện từ Trung Quốc, và người ta đang kêu giời về điều này trong lúc tung hô Vinfast!

“Made in” và “Made by”

Như đã phân tích ở trên, “Made in” là nơi mà sản phẩm được hoàn thiện (thỏa mãn “công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng”) trước khi đưa đến tay người tiêu dùng trong và ngoài nước. Bất kỳ sản phẩm “Made in Vietnam” nào cũng đáng trân trọng, dù nó được cấu thành từ bao nhiêu % tỷ lệ nội địa hóa, vì nó cũng góp phần đem lại công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp thuế xây dựng quốc gia (linh kiện nhập khẩu thì có các loại thuế tương ứng),…

Thế nhưng, trong những sản phẩm “Made in Vietnam” thì có những cái là niềm tự hào (như Vinfast) nhưng cũng có những thứ chỉ là “bình thường thôi” (như giày Nike, Adidas, Coca Cola,… chẳng hạn). Sự khác biệt không phải nằm ở “Made in” mà chính là ở “Made by” (Tạo ra bởi).
Một chiếc Iphone “Made in China” từ những cấu kiện có nguồn gốc “Liên Hợp Quốc” (Cảm biến gia tốc của Đức (Bosch), Pin của TQ & Hàn Quốc (Samsung), Camera của Nhật (Sony), Chip của Mỹ (Qualcomm), màn hình LCD của Nhật (Sharp) và Hàn (LG),…) nhưng chả ai dám tranh niềm tự hào với người Mỹ bởi nó được tạo ra bởi một công ty Mỹ, Apple, và thậm chí Apple không sản xuất ra bất cứ linh kiện nào trong 1 chiếc iphone nhưng chẳng ai dám cãi rằng Iphone không phải của Apple!
Tương tự cho những sản phẩm của Nike, Adidas, Toyota, Honda,… và Vinfast.

Như vậy, trong thời đại sản xuất chuyên môn hóa, toàn cầu hóa hiện nay, khi mà cả thế giới có thể tham gia vào việc tạo ra một sản phẩm, người ta chỉ nhớ đến người sở hữu thương hiệu, nhãn hiệu của sản phẩm. Vinfast tạo ra thương hiệu và các sản phẩm của mình bằng cách mua tất tần tật từ thiết kế đến công nghệ của khắp nơi trên thế giới, nhưng nếu thành công, Vinfast sẽ là niềm tự hào của người Việt vì đó là một thương hiệu “Made by Vietnam”. Để “Made by” là một niềm tự hào, không có cách gì khác là phải tạo dựng và phát triển được thương hiệu. Phải chăng Asanzo cũng đã và đang làm tốt điều đó trước khi bị báo Tuổi trẻ “vùi dập”?

Asanzo: “Hàng sở hữu bởi công ty VN nhưng không phải hàng VN”

Những ngày vừa qua, báo Tuổi Trẻ đăng Loạt bài điều tra, tìm mọi cách để chứng minh rằng sản phẩm của Asanzo là “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam” với nhiều lý lẽ rất buồn cười. Chẳng hạn như họ lấy Quy trình lắp ráp tivi của Asanzo trong 30 phút ra để làm minh chứng cho việc “đội lốt” này. Họ không biết rằng, chính Samsung đã từng bị chính quyền Brazil cáo buộc về việc ép uổng người lao động xứ này khi ép người lao động tại các nhà máy của Samsung ở khu vực Amazon phải ráp một chiếc điện thoại chỉ 32 giây và 65 giây để ráp một TV! Còn nhà máy Iphone ở Trung Quốc, với 94 dây chuyền sản xuất cùng khoảng 400 công đoạn bao gồm đánh bóng, hàn, khoan, lắp ốc vít,… người ta có thể sản xuất 350 chiếc iphone mỗi phút! Nhìn sang lĩnh vực xe hơi, như tại Toyota, quy trình để hoàn thành một chiếc xe bao gồm các công đoạn dập, hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra chỉ mất khoảng 17-18 giờ.

Còn về như vấn đề Asanzo nhập linh kiện của Trung Quốc về lắp ráp ti vi thì họ gắn mác “Made in Vietnam” cũng không trái pháp luật, như đã phân tích ở trên. Một số trường hợp các sản phẩm phụ như ấm nước, bếp,.. thì là sai khi gắn mác “Made in Vietnam” nếu đúng là nhập nguyên chiếc về dán lại mác như báo nói. Việc khai báo không chính xác về linh kiện để hưởng ưu đãi thuế, nếu có, lại là một vấn đề khác chứ khó lòng là một minh chứng chính xác để cho rằng hàng hóa được lắp ráp ra không phải là “Made in Vietnam”.

Trước những đòn tấn công tới tấp từ báo Tuổi Trẻ và làn sóng cộng đồng mạng, Asanzo tỏ ra lúng túng khi chống đỡ lại. Mới đây nhất, chủ tịch Phạm Văn Tam của Asanzo khi được hỏi rằng “ông có khẳng định sản phẩm của Asanzo là hàng Việt, do người Việt làm ra hay không?” đã trả lời báo giới rằng “Tôi nghĩ nó là hàng lắp ráp tại Việt Nam thì đúng hơn. Nó là sản phẩm được sở hữu từ công ty Việt Nam nhưng nó không phải là hàng Việt Nam”. Rõ ràng ông Tam rất lúng túng đối với vấn đề này. “Hàng Việt Nam” là một khái niệm rất mơ hồ vì không rõ nó đề cập đến việc “Made in Vietnam” hay “Made by Vietnam”. Nếu thực sự “một trong những giá trị cốt lõi của sản phẩm TV mang thương hiệu Asanzo là hệ điều hành TV và thiết kế mẫu mã sản phẩm được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo” thì thiết nghĩ, ông Tam nên tự tin khẳng định TV Asanzo là một sản phẩm của Việt Nam, như Steve Job, Tim Cook của Apple hay bất kỳ người Mỹ nào cũng có thể hiên ngang tự hào rằng Iphone là sản phẩm của Mỹ (nhưng rõ ràng chưa từng có tờ báo, phóng viên nào dám hỏi câu hỏi “Iphone có phải là sản phẩm của Mỹ không?”).

Còn về phía người tiêu dùng Việt, điều quan trọng không phải là việc Asanzo gắn mác “Made in Vietnam” là đúng hay sai (vì điều đó chỉ có cơ quan hữu quan mới đủ thẩm quyền tuyên bố) mà họ nên xác định xem chất lượng sản phẩm – dịch vụ họ mua có tốt không, có tương xứng với đồng tiền họ bỏ ra không. “Đao to búa lớn” hơn chút là nếu cùng số tiền, hoặc cùng định mức khuây khỏa (giá trị sử dụng / giá trị sản phẩm) thì họ có sẵn sàng ủng hộ một thương hiệu, một sản phẩm, một doanh nghiệp Việt hay không thay vì bị ám ảnh bởi “bóng ma hàng Trung Quốc” – một sản phẩm lỗi thời của truyền thông thời chiến tranh thương mại hay những bài báo sặc mùi “đánh đấm” nào đó.

Bài viết này không có tham vọng khẳng định sự đúng hay sai của Asanzo (họ có thể đúng ở điểm này nhưng sai ở điểm khác) vì như đã nói ở trên, chỉ có cơ quan hữu quan mới đủ thẩm quyền tuyên bố, và quan trọng là nếu chính bản thân Asanzo còn không đủ tự tin để khẳng định mình thì chả ai có thể làm thay họ được. Thông qua những gì đã nêu trên, tác giả chỉ mong làm rõ thêm về những khái niệm “hàng Việt Nam” vốn rất mơ hồ, nhất là trong thời đại hiện nay cũng như giúp người đọc hiểu rõ hơn, sâu hơn vấn đề liên quan để có được sự nhìn nhận đúng đắn, chí ít là đa chiều.

6/2019
Đạo sĩ chăn gà

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍