Tối 30-8-1969, khi chủ tịch Hồ Chí Minh vừa tỉnh dậy sau cơn đau, thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng đang đứng bên cạnh, Người hỏi ngay:

– Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm Quốc khánh đến đâu rồi?
Sau khi nghe Thủ tướng Phạm Văn Đồng báo cáo, Bác dặn:
– Các chú nhớ phải bắn pháo hoa để cho nhân dân và các cháu nhỏ vui mừng đón ngày độc lập của đất nước.

Gần nửa thế kỷ sau lời dặn dò trên giường bệnh của chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước đã hoàn toàn độc lập và an hưởng thái bình từ lâu, kinh tế xã hội đang ngày càng phát triển và khởi sắc, thì Ban bí thư trung ương Đảng lại bất ngờ yêu cầu các tỉnh thành không được bắn pháo hoa vào dịp Tết Đinh Dậu, tại thời điểm chỉ trước Tết khoảng một tháng, với lý do “dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách”.

Thoạt nghe thì yêu cầu này của Ban bí thư (BBT) có vẻ hợp tình hợp lý trong hoàn cảnh mà nước ta còn nhiều người nghèo, nhiều gia đình chính sách cần phải chăm lo và nhất là các tỉnh miền Trung mới trải qua những đợt bão lũ nặng nề. Nhưng nếu đối chiếu với lời dặn dò của Bác, trong hoàn cảnh đất nước đang trong giai đoạn cao điểm chiến tranh với những khó khăn cùng cực, thì chúng ta sẽ thấy có những điều bất cập trong yêu cầu của BBT.

Đầu tiên, tại sao lại phải là pháo hoa trong đêm giao thừa hay các lễ kỷ niệm lớn? Bởi bắn pháo hoa là một cách đánh dấu sự kiện với nhiều ưu điểm vượt trội như tính nghệ thuật, biểu trưng lễ hội, thu hút, đến được với đông đảo người xem, chi phí hợp lý và phù hợp với các hình thức kỷ niệm. Do đó, pháo hoa ngày càng phát triển, phổ biến và thậm chí là một ngành nghệ thuật không thể thiếu trong các dịp lễ hội trên toàn thế giới. Không nói đâu xa, tại Đà Nẵng những năm gần đây, các cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế cũng đã trở thành một thương hiệu du lịch của thành phố này. Hơn thế nữa, kể từ khi các loại pháo nổ bị nghiêm cấm sau quyết định đúng đắn của chính phủ từ hơn 20 năm trước, tại Việt Nam, các “bữa tiệc” pháo hoa mỗi đêm giao thừa không chỉ còn là một buổi trình diễn nghệ thuật ánh sáng mà còn là một tín hiệu báo hiệu sự giao thời của trời đất, thời khắc thiêng liêng nhất mỗi dịp Tết về. Tất nhiên không phải tất cả mọi người đều đi ngắm pháo hoa, không phải tất cả các địa phương đều bắn pháo hoa nhưng bên mâm cơm cúng đêm 30, cả nhà quây quần trước màn hình tivi, vui vầy chờ đón những vệt sáng đầu tiên vọt lên màn trời đêm thẫm đen cùng tiếng pháo nổ lộp độp, để rồi chúc nhau những lời may mắn trong thời khắc giao mùa, chính là một cảm xúc chung trong mỗi mái ấm riêng của đại đa số người dân Việt. Bởi vậy, pháo đã không còn chỉ là pháo, mà là một hiệu lệnh của mùa lễ hội Tết, quan trọng như phát súng xuất phát một cuộc thi chạy, một tiếng trống khai trường, một tiếng còi mở màn trận bóng,…

Thứ đến, trách nhiệm của người lãnh đạo là phải chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tức toàn bộ người dân nói chung chứ không phải chỉ đối với người nghèo, gia đình chính sách. Mà còn gì tốt hơn cho đời sống tinh thần của nhân dân mỗi dịp xuân về là một cái Tết đầm ấm, đầy đủ hương vị Tết, điều mà như đã nói ở trên, khó lòng thiếu được “món” pháo hoa đêm giao thừa? Ý thức được điều đó, từ nửa thế kỷ trước, trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn của đất nước, Bác Hồ và chính phủ vẫn luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để cho nhân dân và TRẺ EM được vui Tết, vui lễ. Đó là TRÁCH NHIỆM của người lãnh đạo và QUYỀN LỢI của nhân dân. Người lãnh đạo phải làm sao cho người dân có Tết sau vui hơn, đủ đầy hơn Tết trước nên việc Tết này không có pháo hoa, tức thua kém các Tết trước, dù với bất cứ lý do gì cũng là lỗi của người lãnh đạo. Hơn nữa, trong hoàn cảnh các địa phương có khả năng phục vụ pháo hoa cho nhân dân dịp Tết, mà người lãnh đạo lại tự ý tước bỏ quyền lợi đó của người dân thì lại càng không hợp lẽ.

Thậm chí, việc không bắn pháo hoa để “chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn” có thể là một quyết định “lợi bất cập hại” đối với chính những đối tượng đó. Bởi lẽ, thông thường, chính những người yếu thế trong xã hội như người nghèo và trẻ em lại là những người quan tâm đến món ăn tinh thần này hơn cả. Đối với những người khó khăn, sắc màu pháo hoa đêm giao thừa chính là cơn gió mát để trong phút chốc tạm xua tan đi những nhọc nhằn của cả một năm lao động vất vả và đem đến những hy vọng tươi sáng trong năm mới. Còn niềm vui thích của trẻ em đối với môn nghệ thuật ánh sáng này là không cần bàn cãi. Có cháu bé nào là không háo hức thức đợi đến nửa đêm để chờ đón những sắc màu rực rỡ ấy? Và thông qua niềm vui thích đó của các em, chính là bài học của người lớn truyền đạt lại cho các thế hệ tương lai về bản sắc của cái Tết cổ truyền.

Thứ ba, chính sách chăm lo Tết cho người nghèo, người khó khăn, gia đình chính sách là một chính sách nhân văn của nhà nước ta bấy lâu nay. Nhưng như vậy, chính quyền phải có sự chuẩn bị và nguồn ngân sách riêng cho những đối tượng này, riêng biệt với việc bắn pháo hoa hay các chương trình tổ chức lễ hội công cộng khác. Và việc lấy tiền chi cho pháo hoa để đưa vào khoản chi “vì người nghèo”, ngay trước Tết chỉ 1 tháng, có vẻ là một việc sai quy tắc quản lý tài chính (chưa nói đến việc có ảnh hưởng đến các hợp đồng cung cấp, sản xuất pháo của các địa phương với các doanh nghiệp trước đó). Câu hỏi đặt ra ở đây là chính quyền đã “hy sinh” quyền lợi của đại đa số người dân để hỗ trợ một nhóm thiểu số, vậy thì số tiền đó đã được chi tiêu cụ thể thế nào, hiệu quả ra sao là điều cần phải minh bạch. Tất nhiên, với việc “xã hội hóa” tiền bắn pháo hoa như những năm gần đây, nguồn tiền từ ngân sách của các địa phương giành cho công việc này hẳn là không đáng kể và vì thế, khoản hỗ trợ thêm cho người nghèo cũng chẳng là bao. Vậy là chúng ta lại có phép so sánh khập khiễng giữa niềm vui của một gia đình nghèo có thêm hộp bánh mứt với niềm hân hoan chung của toàn dân (bao gồm những gia đình ấy) khi đón giao thừa trong màn trình diễn pháo hoa quen thuộc.

Thứ tư, mặc dù trên các bài báo thường khẳng định rằng quyết định không bắn pháo hoa dịp Tết được “đông đảo nhân dân ủng hộ” nhưng thực tế, ít ra là trên các diễn đàn mạng xã hội, đang bùng phát sự tranh cãi và chia rẽ trong dư luận về việc ủng hộ và phản đối chủ trương này. Rõ ràng, chưa nói đến hiệu quả thực sự của quyết định này đối với người dân nghèo, thì nó cũng đã thổi một luồng không khí gay gắt, tiêu cực không đáng có vào tư tưởng người dân ngay trước thềm năm mới. Hàng loạt các vấn đề tồn tại của bộ máy nhà nước như tham nhũng, như lãng phí với con số thất thoát khổng lồ lại được lôi ra để so sánh với việc “tiết kiệm” một số tiền nhỏ bằng cách bóp nghẹt niềm vui, quyền lợi chính đáng của người dân, đặc biệt là của trẻ em, một đối tượng được ưu tiên đặc biệt của xã hội, được trân trọng nhắc đến trong lời căn dặn của Hồ chủ tịch. Phải chăng các nhà quản lý dường như đang “bỏ hình bắt bóng”, tự “lấy đá ghè chân mình”?

Từ những điều trên đây, có thể thấy rằng, mặc dù xuất phát từ chủ trương nhân văn nhưng nếu không có sự cân nhắc, tính toán cụ thể, chi tiết thì quyết định không bắn pháo hoa PHỤC VỤ nhân dân trong dịp Tết nguyên đán này là hoàn toàn cảm tính, ảnh hưởng không tốt đến tâm tư và quyền lợi của người dân và gây tác dụng ngược về trách nhiệm của những người lãnh đạo chính quyền. Thiết nghĩ, những người lãnh đạo hoàn toàn có thể cẩn trọng hơn để điều chỉnh lại quyết định của mình phù hợp với trách nhiệm của chính phủ, quyền lợi của nhân dân. Chẳng hạn như yêu cầu các địa phương phải tự chủ động về kinh phí bắn pháo hoa, đặc biệt là đối với những nơi còn nhiều khó khăn, hạn chế bớt các điểm bắn tại các địa phương có quá nhiều (Hà Nội ban đầu dự kiến có 30 điểm bắn!), xây dựng kế hoạch hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách một cách cụ thể, chi tiết,… Được như vậy, người viết tin rằng, Tết năm nay sẽ thực sự vẹn toàn, ý nghĩa hơn hẳn một cái Tết không pháo hoa “vì người nghèo”!
—-
Nguyễn Thanh Tùng
TpHCM, 12/2016

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍