Ngày 2/3, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của QH làm việc với TP.HCM về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Khi được báo cáo về tình hình lấy ý kiến nhân dân tại TPHCM, chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “14 ngàn ý kiến là thất bại, 40 ngàn là chưa đạt yêu cầu. Nếu chưa làm như thế thì phải triển khai sâu rộng đến nhân dân. 14 ngàn, 140 ngàn hay 3 triệu cũng chưa phải. Đợt này không phải từng người tham gia mà phải bao lược. Đây là sinh hoạt chính trị – pháp lý để mọi người cùng tham gia xây dựng đất nước. Làm sao đây để ta tuyên truyền, vận động, góp ý để bà con thẩm thấu và tham gia”.
Bốn ngày sau, ông Hùng ký ban hành Công thư khẩn số 250/UBDTSĐHP đề nghị các cấp ủy đảng, các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương, tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân tham gia đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Trong công văn có hướng dẫn Về công tác tổ chức lấy ý kiến như sau:
Ở các địa phương, trong tháng 3/2013 cần in, gửi Bảng so sánh giữa Hiến pháp năm 1992 với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 kèm theo Bản thuyết minh và Phiếu xin ý kiến đến từng hộ gia đình để từng người dân có điều kiện tham gia đóng góp ý kiến. Trong phiếu xin ý kiến ghi rõ: (1) ý kiến chung về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, (2) ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung về nội dung và kỹ thuật văn bản ở từng điều, khoản của dự thảo mà người dân quan tâm. Tổ chức tập hợp đầy đủ những ý kiến này.
Tuân thủ hướng dẫn trong công văn này, TP.HCM (cùng các địa phương khác) đã gấp rút tiến hành việc in tài liệu, phiếu xin ý kiến và phân phát đến từng hộ gia đình với nội dung như sau:

Và từ đó câu chuyện bắt đầu…
Công bằng mà nói thì đây là một chỉ thị mang tính tích cực, nhằm mục đích muốn phổ cập thông tin về Hiến pháp đến đông đảo quần chúng cũng như mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự đóng góp sâu rộng cho dự thảo hiến pháp hay nói một cách “chính quy” như ông Nguyễn Sinh Hùng là sự kiện “sinh hoạt chính trị – pháp lý để mọi người cùng tham gia xây dựng đất nước” nên “làm sao đây để ta tuyên truyền, vận động, góp ý để bà con thẩm thấu và tham gia”. Nhưng khổ nỗi, dân Việt ta vốn không mặn mà lắm với mấy vấn đề chính trị chính em này, nên bao nhiêu hội thảo, bài viết, chương trình đưa ra cũng không thu hút được bao nhiêu người quan tâm (tôi đồ rằng chủ yếu là các cụ hưu trí, các vị chức sắc, các nhà nghiên cứu, báo chí… chứ những người lao động bình thường khác hầu như vắng bóng). Ngay như việc đi bỏ phiếu bầu cử ấy, chính quyền cũng vận động đến tận nhà nhưng hầu như mọi người chỉ tham gia chiếu lệ cho “xong trách nhiệm” chứ tuyệt nhiên rất ít so đo, đong đếm về các ứng cử viên. Bởi vậy khi nhà nước chủ trương đưa bản dự thảo hiến pháp ra cho nhân dân đóng góp ý kiến thì gặp “trái đắng” là những “đóng góp” ồn ào và tích cực nhất lại đến từ những kẻ chống đối! Chính “trái đắng” này càng làm tăng áp lực phải có đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào việc góp ý cho dự thảo hiến pháp. Chuyện quốc gia đại sự, không thể nghiễm nhiên coi “im lặng là đồng ý” được! Do đó hơn ai hết, các địa phương phải hiểu được sự sốt ruột của ông chủ tịch quốc hội kiêm chủ nhiệm ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp. Nhưng ngay khi họ sốt sắng thực hiện theo tinh thần của công văn thì lại lộ ra cái vụng về cố hữu của chốn công quyền.

Vụng về thứ nhất – nội dung của phiếu lấy ý kiến: như các bạn thấy, trong hình trên tôi đã tô hồng những chỗ cần phải xem xét lại. Tôi đã từng nghe người ta giảng qua về “nghệ thuật bán hàng”, trong đó có nói về tâm lý khách hàng thường có xu hướng trả lời “không” hơn là “có”, nhất là khi họ bị đặt trước một sự lựa chọn mà họ cảm thấy không chắc chắn. Do đó, người bán hàng cần có kỹ năng đặt những câu hỏi gợi mở chứ không phải câu hỏi “đóng”. Không biết có phải những người thiết kế ra cái phiếu lấy ý kiến này đã từng nghe qua “nghệ thuật bán hàng” trên hay họ muốn nhanh chóng có một kết quả thật mỹ mãn nên đã cố gắng đưa ra những câu hướng dẫn / gợi ý như thể muốn “mớm” cho người được xin ý kiến theo đúng “đáp án” đã đề ra. Phải chăng họ rất hiểu tâm lý của hầu hết người dân (như đã trình bày bên trên) nên cho rằng người dân sẽ nhanh chóng viết hai chữ “đồng ý” và ký tên cho xong việc (và cũng xong trách nhiệm của chính quyền địa phương) khi cái “đáp án” nửa kín nửa hở đập vào mắt họ: “Đồng ý với toàn văn dự thảo”, “Đồng ý với những nội dung khác …. và có ý kiến góp ý, đề nghị sửa đổi, bổ sung…”. Nói chung, đối với những người dân không có nhiều hứng thú với việc “sinh hoạt chính trị” hoặc những người có cái nhìn không định kiến về chính quyền và chế độ thì cái phiếu lấy ý kiến này cũng chẳng có vấn đề chi nhưng khổ nỗi, khi việc sửa đổi hiến pháp đang là một sự kiện hội tụ mọi ánh mắt săm soi không chỉ của đám “rận chủ” trong nước mà còn của các thế lực chống phá bên ngoài thì nội dung phiếu này chẳng khác gì món điểm tâm cho những cái mồm đang ngoác ra chờ đợi, hệt đám cá vồ đói ăn. Một “bài đồng ca” có thể dễ dàng hình dung ra là: chính quyền cộng sản đang ép buộc người dân phải đồng ý với bản dự thảo hiến pháp; chính quyền cộng sản “mớm cung” nhân dân…

Vụng về thứ hai – về thời gian: như chúng ta thấy, trong hơn 2 tháng triển khai rầm rộ nhưng “sản lượng” ý kiến đóng góp không được như mong muốn. Vậy thì chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, sự tích cực của các chính quyền địa phương trong việc đem cái “quyền và nghĩa vụ” đến gõ cửa từng hộ gia đình có thể như một liều thuốc tăng trưởng cực mạnh làm “sản lượng” vọt lên với tốc độ Thánh Gióng nhưng chắc chắn chất lượng sẽ khó lòng đảm bảo được. Tôi cá là hầu hết mọi lá phiếu đều chỉ  có vỏn vẹn vài chữ “đồng ý” chứ chẳng có mấy ý kiến cụ thể vì ngay cả những người có nhu cầu góp ý (đến giờ mới có điều kiện tiếp xúc những thông tin về dự thảo) cũng khó lòng “ngâm cứu” hết “cẩm nang” so sánh 2 bản hiến pháp trong khoảng thời gian ngắn đó. Đây có thể là một kết quả đẹp đối với chính quyền địa phương nhưng lại cũng là cơ sở cho những cái mõ “nhân quyền” BBC, VOA, RFA,.. và đám blog “rận” râu ria lu loa rằng nhận định trên kia của chúng là đúng.

Vụng về thứ ba – cách thức lấy ý kiến: Phiếu lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ được tổ trưởng tổ dân phố, hoặc tổ trưởng tổ nhân dân nơi cư trú phân phối và thu lại tại các hộ dân. Tôi không rõ ở các địa phương khác nhau thì việc tổ chức thế nào nhưng một số tình huống như được đề cập trên blog Đông A là hoàn toàn có khả năng xảy ra:

Lam gia trang: Ông tổ trưởng dân phố có phát có tôi 1 cuốn dự thảo dày 80 trang + 1 phiếu góp ý (trong khi gia đình tôi có 6 công dân) và yêu cầu phải nộp lại phiếu sau 2 ngày.
Chưa nói đến góp ý, liệu 2 ngày có đủ thời gian để cả gia đình tôi mỗi người đọc được hết 80 trang dự thảo ấy không?

Rồi ở các blog khác, người ta đưa ra những trường hợp như: cán bộ phường yêu cầu ông trưởng ban khu phố phải “đánh dấu” những “đối tượng” có biểu hiện lợi dụng góp ý để chống đối chế độ … Chưa rõ thực hư thế nào nhưng như vậy cũng đủ để cho người ta tô vẽ và sáng tác ra đủ loại tình huống (chẳng ai kiểm chứng) để biến nỗ lực của chính quyền trong việc tạo điều kiện tốt nhất cho người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình thành một trò “phi dân chủ” vì ngay cả một blogger lão làng và tiếng tăm như Đông A cũng nhận định thế này:

Tôi đọc thấy thông tin TP Hồ Chí Minh đang phát phiếu lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tới tận từng hộ gia đình, trong đấy bắt buộc từng gia đình phải ghi ý kiến đồng ý hay có đóng góp ý kiến gì không với bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp với chữ ký thân nhân chủ hộ gia đình. Tôi thấy rằng hình thức lấy ý kiến như vậy là một hình thức ép buộc phi dân chủ. Người dân không có điều kiện để bảo vệ mình khi nêu ý kiến của mình mà không lo sợ bị chính quyền làm khó dễ hay thậm chí là trù úm, trả thù. Ngay cả quyền tối thiểu nhất là từ chối đóng góp ý kiến cũng không có chỗ trong hình thức lấy ý kiến như vậy. Hơn nữa, trong mỗi gia đình, mỗi thành viên gia đình có thể có ý kiến khác nhau, không thống nhất được, và cách lấy ý kiến như vậy là một hình thức tước đoạt quyền công dân, sử dụng mối quan hệ trong gia đình để tước đoạt ý kiến hay quan điểm của công dân. Tôi nghĩ rằng công luận cần phải kiên quyết phản đối mạnh mẽ hình thức lấy ý kiến như vậy.

Tôi thì cho rằng nhận định của ông Đông A là không chính xác vì:
– Thứ nhất, không có chỗ nào trong phiếu lấy ý kiến là “bắt buộc” cả mà chỉ là “kính mong ông / bà tham gia góp ý“.
– Thứ hai, không có chuyện cả gia đình chỉ được dùng chung 1 lá phiếu để ông Đông A cho rằng “trong mỗi gia đình, mỗi thành viên gia đình có thể có ý kiến khác nhau, không thống nhất được, và cách lấy ý kiến như vậy là một hình thức tước đoạt quyền công dân, sử dụng mối quan hệ trong gia đình để tước đoạt ý kiến hay quan điểm của công dân”. Thực tế thì nếu mỗi công dân trong một gia đình đóng góp 1 phiếu thì chính quyền càng hoan nghênh (tăng lượng phiếu góp ý).
– Thứ ba, ông ấy hơi bị hồ đồ khi kêu gọi: “công luận cần phải kiên quyết phản đối mạnh mẽ hình thức lấy ý kiến như vậy” khi mà ông ấy mới chỉ “đọc thấy thông tin TP Hồ Chí Minh đang phát phiếu lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tới tận từng hộ gia đình” chứ chưa tìm hiểu ngọn ngành gì cả.
Ngoài ra, khi độc giả Vũ Béo nhận xét rằng “gửi cho nhưng ghi hay không ghi góp ý thì có chế tài nào đâu , vứt sọt rác cũng được mà bác đông a. em thấy cái này cũng ok mà” thì ông Đông A lại nói thế này:
“Không vứt được đơn giản như vậy đâu. Tổ trưởng dân phố sẽ tới giục cho đến khi phát chán mà ký vào đồng ý bản Hiến pháp. Họ viện dẫn rất nhiều lý do, trong đó có lý do thi đua giữa các khu dân cư. Tôi đã từng bị ép đi bỏ biếu bầu cử nên tôi biết những chuyện đưa xuống tận hộ gia đình là như thế nào.”
Rõ ràng như vậy là ông ấy đã thú nhận rằng ông ấy đi bầu cử và góp ý hiến pháp chỉ vì ngại bị các ông dân phố làm phiền chứ chẳng phải vì nghĩa vụ công dân của ông ấy. Ông Đông A sao không nghĩ rằng sở dĩ do ông ta không muốn thực hiện cái nghĩa vụ công dân kia nên khu dân phố mới phải đi nhắc nhở, động viên ông ta chứ có ai muốn vẽ việc ra cho mình vậy đâu? Đấy, đến một blogger tiếng tăm, nhiều bạn đọc mà còn đưa ra những suy nghĩ chủ quan dẫn đến sai lệch đến vậy thì thử hình dung các “rận chủ” còn xuyên tạc đến cỡ nào?

Thật ra, nếu suy xét kỹ thì ta có thể thấy nhiều cách để tăng “sản lượng” ý kiến đóng góp của nhân dân mà tránh được những cái vụng về như đã nêu ở trên nhưng chắc chắn hiệu quả nhất vẫn là phổ biến rộng rãi việc lấy ý kiến xuống các hộ gia đình. Vấn đề là làm sao để việc này được thực hiện một cách hợp lý. Chẳng hạn thế này:
Ai cũng biết là việc “xin ý kiến nhân dân” đã được triển khai rầm rộ trên báo đài, các phương tiện thông tin đại chúng, các hội thảo, các băng rôn kêu gọi và kéo theo các “cuộc chiến” trên các diễn đàn, blog, web,.. Thông tin sai lệch, tư tưởng chống đối được đưa ra nhiều và các bài phản bác lý luận sai trái ấy cũng chẳng ít. Ấy nhưng đâu phải người dân nào cũng có điều kiện để tiếp xúc những thông tin đấy? Người ta tranh luận với nhau trên báo, trên mạng, trong hội thảo chứ có phải trên đồng ruộng, trong nhà máy, giữa công trường đâu? Vậy thì cái mấu chốt để nhà nước thu được ý kiến của nhân dân vừa “chất” vừa “lượng” là phải làm sao đưa được những vấn đề nổi bật đang “nóng” trên “luận trường” tới từng hộ gia đình chứ không chỉ có cái phiếu lấy ý kiến thôi. Chuyện này không hề khó mà chỉ cần các vị có trách nhiệm chịu khó thu thập các bài viết chất lượng đã bẻ gãy các luận điệu sai trái (phổ biến), những bài phát biểu hay, những thay đổi tích cực trong bản dự thảo hiến pháp, diễn giải cụ thể những vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống của người dân trong bản hiến pháp,… rồi in thành tài liệu hoặc chép vào các đĩa VCD. Sau đó, thay vì ban điều hành dân phố đến từng nhà để phát phiếu thì triệu tập các cuộc họp dân phố để phổ biến những thông tin đã thu thập kia cho mọi người: xem video, các vị có trách nhiệm phát biểu dựa trên tài liệu thu thập được, phát tài liệu cho mọi người tham khảo, giải đáp các thắc mắc của bà con,… Khi người dân đã hiểu vấn đề thì họ ngại gì việc góp ý vào phiếu đề nghị ngay trong cuộc họp đấy hoặc đem về nhà cho người nhà nghiên cứu, đóng góp tiếp. Đấy mới thực sự là “sinh hoạt chính trị” chứ không thể bị động trông chờ vào sự “tự giác yêu chính trị” của người dân được.
Hy vọng lần sau các bác chính quyền có khéo thì khéo vừa vừa thôi, kẻo lại “khéo quá hóa vụng”!

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍