Kỳ 4: Những chiếc mặt nạ của Trần Đĩnh
“Đọc “Đèn cù” tôi thấy phần nào ấm lòng vì số người biết xót xa cho phận người dân khốn khổ, hẩm hiu như tác giả còn rất nhiều. Chỉ có điều, những người tốt thường không quyết liệt, mạnh mẽ như những người hiếu chiến. Có lẽ do đặc tính này mà loài người còn nhiều đau khổ chăng?
“Với lượng thông tin phong phú chứa đựng trong 599 trang sách hẳn sẽ thỏa mãn nhiều mối quan tâm khác nhau của độc giả. Là một người tham gia tranh đấu cho quyền con người, đọc “Đèn cù” tôi thấy quyền tự do ngôn luận quí đến dường nào. Nếu ngày đó có tự do ngôn luận, hay có internet chắc chắn người dân miền Bắc sẽ không yêu nước đến cuồng nhiệt: lớp sống đói khổ, lớp chịu bom đạn, lớp đưa hàng triệu con em mình vào Nam chịu cảnh bi thảm: sinh Bắc tử Nam.
“Tôi cũng thật bất ngờ khi biết rằng ở miền Bắc cũng có phe phản chiến như ở Mỹ, chỉ có điều họ bị bịt miệng quá nhanh chứ không được tự do nói như bên Mỹ”.
(Tụng ca 4 – Một nhà rân trủ)

“Bỏ ra $25 USD để mua Đèn Cù Trần Đĩnh thà mua thức ăn nuôi chó mèo, nuôi thú cưng tốt hơn, hay tỉ như quyên góp từ thiện cho học khu cộng đồng còn được mang tiếng tốt, đem bố thí cho ăn xin hay người ốm đau còn được tiếng cám ơn. Có tay bác sĩ hải ngoại nọ chụp hình khoe trong nhà có 3 cuốn Đèn Cù, hóa ra ngu hơn người gấp ba lần”.

(Bỉ ca – Một nhà rân trủ khác)

——————–

1. “Con dê tế thần” hay con thú cưng (Pet)?
Trong Đèn Cù, Trần Đĩnh tự nhận mình là người viết tiểu sử cho Cụ Hồ và viết hồi ký cho nhiều lãnh đạo tiếng tăm khác. Tuy vậy, cho đến tận trước khi Đèn Cù xuất hiện (2014) thì hầu như không ai biết đến tên tuổi Trần Đĩnh. Rất nhiều người đã đọc “Bất khuất” (in 210.000 cuốn, xuất bản bằng 5 ngoại ngữ) chỉ biết đến tác giả tự truyện là ông Nguyễn Đức Thuận chứ hoàn toàn không biết đến một Trần Đĩnh “bồi bút” (như chính ông tự nhận trong Đèn Cù đến ba lần).

Vậy Trần Đĩnh là người như thế nào?

Vài chi tiết đã được Wikipedia tóm tắt như: sinh năm 1930, vào Đảng năm 1946, làm báo Sự Thật năm 1949, được cử đi học Đại học Bắc Kinh từ 1955 đến 1959. Trần Đĩnh có thời gian làm báo Nhân dân, dính vụ án xét lại chống Đảng, phải “khai cung”, bị kỷ luật lao động và năm 1976 bị khai trừ ra khỏi Đảng. Những sự kiện trên cho thấy dường như Trần Đĩnh có một số phận kém may mắn.
Bản thân Trần Đĩnh nói trên BBC: “Đèn Cù là tiếng kêu đau của tôi”.

Có thật vậy không?

Đèn Cù lại cho ta biết một Trần Đĩnh có một số phận không hề kém may mắn.
Vào đời, và cũng là vừa chân ướt chân ráo đi theo cách mạng, Trần Đĩnh đã được “vinh dự ở bên các vì sao sáng”.
Đến ATK, Trần Đĩnh được đưa về báo Sự Thật, thẻ phóng viên “được phép vượt qua bất cứ chặn giữ, kiểm soát nào”. Trần Đĩnh lại được đích thân cây bút lão luyện Trường Chinh dạy nghề.
Không biết Trần Đĩnh tài cán thế nào, cống hiến ra sao, viết được mấy bài báo (mà trong Đèn Cù đã có ít nhất ba bài “bịa”, “dựng”“pha phách thêm nếm”), vậy mà vẫn được cấp trên ưu ái cử sang Trung Quốc học tập.

Nói ưu ái là vì khi Trần Đĩnh vào ATK, thì bố đẻ ông theo Pháp và ở lại Hà Nội, và như ông nói “Biết lôi thôi ở cái khoản bố làm việc cho Pháp ở trong Hà Nội. Tôi vẫn đi là nhờ uy lực báo đảng. Và cá nhân tôi cũng có uy lực nào đó nên báo đảng mới bênh!”, (Chương 6). Trong khi đó hai nhà báo Chính Yên (báo Cứu Quốc) và V.T.D (Thông tấn xã) cũng có hoàn cảnh tương tự thì phải xách ba lô ra về.

Đến khi đi học ở Bắc Kinh, thì vi phạm quan hệ luyến ái, người khác thì hẳn sẽ bị đuổi về vì quan niệm hồi ấy khắt khe lắm, nhà nước chi tiền để sang nước bạn học tập, chứ không phải du hí. Nhưng Trần Đĩnh và người yêu Hồng Linh, sau này là vợ ông, thì vẫn được đoàn thể bỏ qua (Chương 7).
Sau Điện Biên phủ, ta lại biết bố ông Trần Đĩnh vào Sài Gòn theo chủ mới, nhưng ông vẫn được tin cậy, giao ngồi một chỗ viết tiểu sử Cụ Hồ, lĩnh nhuận bút nhiều nhất trong khi hai ông nhà văn là Nguyễn Huy Tưởng và Hoài Thanh lọ mọ vào tận Nghệ An sưu tầm tài liệu mà chẳng được đồng nào.
Trích Chương 14: “Tiểu sử Bác phát hành đầu tháng 5. Nhuận bút 900 đồng. Một món tiền rất to. Ai có một chỉ vàng khoảng mười sáu đồng đã ghê. Tôi được nhiều nhất: 400 đồng. Phạm Bình tìm tài liệu được 300 và Tố Hữu hiệu đính, thật ra là công đọc, 200. Huy Tưởng, Hoài Thanh chả tẹo nào. Trừ công tác phí đi Nghệ An chắc là lỗ”.

Kể cả khi đã dính vào “vụ án xét lại chống Đảng”, trong khi người khác đi tù không biết ngày nào ra, thì Trần Đĩnh vẫn ung dung ở ngoài, vẫn là đảng viên, vẫn chấp bút cho các “ngôi sao”, vẫn hưởng các chế độ ưu đãi cho mãi đến năm 1976 mới bị khai trừ.

Khi đọc đến đoạn Trần Đĩnh tự nhận trong Đèn Cù, rằng ông là “một con dê tế thần”, tôi cho rằng không phải thế. Sự thực, thì ông giống một “con vật cưng” hơn. (Pet: tiếng Anh, chỉ các loại chó, mèo, rắn, rùa, tắc kè … nuôi làm cảnh).

2. Trần Đĩnh “cộng sản đích thực, yêu hòa bình”?
Ấy thế mà khi bị xử lý về việc tham gia nhóm “xét lại chống Đảng” Trần Đĩnh luôn miệng kêu oan, rằng mình mới là “cộng sản đích thực, yêu hòa bình”, thậm chí bệ đâu về hai chữ “phản chiến” và tự dán nhãn cho mình.
Về chuyện “yêu hòa bình” thì đúng là như Trần Đĩnh nói, “người cộng sản đích thực” thì phải yêu hòa bình. Không chỉ người cộng sản, mà cả những người nông dân “việc cuốc việc cày việc bừa tay vốn quen làm” cũng có thích gì chiến tranh, nhưng bởi “bát cơm manh áo ở đời mắc mớ chi ông cha nó” mà phải “tập khiên tập giáo tập mác tập cờ” cho dù “mắt chưa từng ngó”. Nếu cứ nói theo kiểu ba láp của Trần Đĩnh thì hóa ra, những người nông dân Cần Giuộc đều là kẻ “yêu chiến tranh” cả, và vua quan nhà Nguyễn thì mới lại là người “yêu hòa bình” (!?).

Hồ Chí Minh lại càng mong muốn hòa bình lắm chứ, khi nhẫn nhịn chịu tiếng “Câu Tiễn” ký hiệp định 6-3-1946 để cứu vãn một nền hòa bình. Nhưng, “chúng ta muốn Hòa Bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng càng nhân nhượng, giặc Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.”
Trần Đĩnh cố tình không hiểu điều đó, ông đề cao tư tưởng chung sống hòa bình giữa hai phe do Tổng bí thư Đảng CS Liên Xô bấy giờ là Nikita Khrushchev đề xuất và tỏ thái độ không đồng ý với cuộc đấu tranh vũ trang, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xuất phát từ tư duy nô lệ, phụ thuộc vào quan điểm Khrushchev (và cả Mao), Trần Đĩnh gom hết tất cả những nhân vật chính trị hàng đầu trong Đảng (đặc biệt là hai ông họ Lê, là Lê Duẩn và Lê Đức Thọ) vào một cái rọ gọi là “mao-it” và đi đến kết luận (trong Đèn Cù), chính vì Đảng cộng sản Việt Nam theo Mao nên mới phát động chiến tranh giải phóng miền Nam chống Mỹ cứu nước.
Để đánh bóng và kêu oan cho mình, Trần Đĩnh đã cố tình lờ đi hiện thực đất nước Việt Nam giai đoạn đó, thậm chí mưu toan lộn ngược cả lịch sử.
Sự thực, phong trào Nam tiến (mà trong Đèn Cù, có chỗ Trần Đĩnh gọi là “nội chiến” với cái ý “miền Bắc xâm lược miền Nam”) đã bắt đầu ngay sau ngày thực dân Pháp tái chiếm Nam Bộ 23/9/1945.

Khí thế Nam Tiến của Thanh niên Hà Nội, 1945

Ga Hàng Cỏ, nơi xuất phát những đoàn quân Nam Tiến, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ, họa sĩ chạc tuổi Trần Đĩnh

Và cũng chẳng phải đợi đến năm 1960, với Lê Duẩn và Nghị quyết 15 ra đời thì mới có tư tưởng đấu tranh vũ trang thống nhất đất nước:
Ngay từ những năm đầu lập nước, Võ Nguyên Giáp, trong thư gửi cho Trung đoàn Thủ đô, ngày 18-2-1947, đã viết: “Các chiến sĩ đã chiến đấu hai tháng ròng rã để giữ vững ngọn cờ nước Việt giữa Thủ đô Hà Nội… Chúng ta sẽ chiến đấu 10 năm, hay lâu hơn nữa, nếu cần. Cho đến ngày tổ quốc độc lập, thống nhất. Cho đến ngày Thủ đô Hà Nội được làm thủ đô một nước độc lập, thống nhất”.
Rõ ràng ở thời điểm 1945 – 1947, chưa hề có cái gọi là “mao-it” để mà theo, thì vẫn phải đổ máu để giành độc lập và thống nhất đất nước.
Vì, như Hồ Chí Minh đã nói:
“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý đó không bao giờ thay đổi”.

Đến đây, ông Trần Đĩnh rất có thể sẽ cãi, rằng ông ấy không đề cập đến cuộc kháng chiến chống Pháp, mà chỉ “phản chiến” đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sau này, nó mới là do “mao-ít” đẻ ra.

Nhưng, một nhận định của Quốc hội Hoa Kỳ (Tài liệu lưu trữ BQP – 1973) đã chỉ rõ: “Chính phủ Nam Việt Nam đã trở thành nơi ẩn nấp của những người Việt Nam từng đi theo Pháp trong cuộc chiến đấu chống lại nền độc lập của đất nước họ. Chính phủ Nam Việt Nam không có cơ sở thành trì trong nhân dân. Nó đi theo hướng bóc lột dân chúng nông thôn và tầng lớp dưới ở thành thị, trên thực tế nó là sự tiếp tục chế độ thuộc địa của Pháp”. Và cũng chẳng cần tìm ở đâu xa, bản thân cái “sự nghiệp” của ông cụ thân sinh ông Trần Đĩnh, hết ở Hà Nội theo Pháp rồi lại vào Nam theo Mỹ Diệm đã là một minh chứng không thể phủ bác cho nhận định nói trên.

Thực ra, vẫn có cơ hội để đất nước thống nhất trong hòa bình, nếu ông chủ mới của bố ông Đĩnh, tức là ông Diệm, chấp nhận thực hiện tổng tuyển cử như hiệp định Genève quy định.
Ông Diệm có muốn thống nhất đất nước không? Có chứ, đây này. Nhưng, Diệm đặt ra một điều kiện cực kỳ lố bịch là: dứt khoát “phải có Tổng thống Ngô Đình Diệm”.

Đầu cầu Hiền Lương, phía bờ Nam sông Bến Hải

Trong khi đó, ở đầu cầu Hiền Lương, phía Bắc

Nhưng nếu thực hiện Tổng tuyển cử thì lại không thể có ông Diệm, vì chuyện tất yếu là ông Diệm sẽ thua trong cuộc bầu cử, như nhà sử học Mortimer T. Cohen cho biết: “Không ai có thể thắng cử trước Hồ Chí Minh, vì ông là một George Washington của Việt Nam”.
Ngay từ năm 1956, một nhân vật của CIA là Allen Dulles đã tiến hành điều tra và lập một bản báo cáo lên tổng thống Mỹ, bấy giờ là Eisenhower, dự đoán nếu bầu cử diễn ra thì có đến 80% dân số Việt Nam sẽ bầu cho Hồ Chí Minh, và “thắng lợi của Hồ Chí Minh sẽ như nước triều dâng không thể cản nổi”.
Không thể chấp nhận Tổng tuyển cử, (tức là giải pháp hòa bình), vì sợ thua, và chắc chắn sẽ thua. Vậy thì làm cách nào để ông Diệm vừa muốn “thống nhất lãnh thổ” lại vừa có ngôi vị “tổng thống”? Ông Diệm không thể có giải pháp nào khác để đạt được mục đích, ngoài việc huy động chiến tranh. Và chính ông mới là kẻ cầu đến sức mạnh quân sự, bằng cách “rước” các cố vấn quân sự Mỹ vào Việt Nam và đề ra quốc sách “Lấp sông Bến Hải, Bắc tiến”.

Những con tem phát động chiến tranh thời Ngô Đình Diệm, khẩu hiệu “Toàn dân đoàn kết, chuẩn bị Bắc tiến, với “mục tiêu cắm cờ” là vị trí Thủ đô Hà Nội trên bản đồ và hình ảnh chùa Một Cột.

 Trong khi đó, miền Bắc suốt từ 1955 đến năm 1959 vẫn đấu tranh đòi gìn giữ hòa bình, thống nhất đất nước bằng tuyển cử. Mọi chỉ thị mật của Trung ương gửi vào Nam thời kỳ này đều khẳng định: Chỉ đấu tranh chính trị, hợp pháp, không được đấu tranh bằng vũ trang, không được manh động. Mọi cán bộ, chiến sĩ còn ở lại miền Nam đều không được mang vũ khí. Vũ khí phải đem đi chôn giấu.
Thậm chí, tháng 8/1958, nhân khánh thành sân vận động Hàng Đẫy chính quyền Hà Nội vẫn gửi giấy mời chính quyền Saigon cử đội bóng đá của mình ra miền Bắc thi đấu, trong thư viết rất cảm động: “Phong trào thể dục, thể thao Bắc Nam cùng chung một lịch sử, cũng như nhân dân hai miền vốn chung một huyết thống dân tộc từ ngàn xưa”
Đáng tiếc, phía Saigon đã không hồi đáp.
Và, thay vì đưa đội bóng ra giao hữu thì rất nhiều các đội biệt kích đã được tung ra miền Bắc, cả đường bộ, đường không lẫn đường biển.

Còn ở ngay tại miền Nam, thì ông Diệm phát động những chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng”, thông qua “luật 10/59” “tiêu diệt cộng sản tận gốc”, “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”, tuyên bố “đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh”. Thử hỏi ông Đĩnh, người cộng sản miền Nam và người dân miền Nam làm sao “chung sống hòa bình” với những thứ “tố”, “diệt”, “tiêu diệt”, “giết” và thậm chí cả “giết nhầm” nữa của ông Diệm được đây.

Như vậy, chính Ngô Đình Diệm với sự giúp sức của quan thầy là đế quốc Mỹ, mới là người cần đến chiến tranh, và các nghiên cứu lịch sử đã chỉ ra chính họ là thủ phạm gây ra núi xương biển máu cho dân tộc Việt Nam, chứ không phải các ông “mao-it”. (Chính người Mỹ cũng đã thừa nhận điều này, xin xem Wikipedia về “chiến tranh Việt Nam”).

Mỹ – Diệm và tay sai (trong đó có cả bố ông Đĩnh) chính là những kẻ châm ngòi ngọn lửa chiến tranh, điều ấy đã quá rõ, vậy mà không thấy Trần Đĩnh chỉ mặt tố cáo họ là “mao-it”, theo âm mưu Trung quốc “khuấy lên cái chậu bùn thiên hạ để trục lợi”.
Do đó, lý luận như ông Trần Đĩnh, rằng “phe chủ chiến” là theo “mao- ít”, chẳng qua là tự bịt mắt mình trước sự thực lịch sử, thừa dịp tâm lý bài Hoa sùng Mỹ hiện nay để đánh bóng mình trước con mắt giới chống cộng hải ngoại và đám dân chủ giả cầy trong nước.

Thế còn các ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ có “mao ít mao nhiều” không? Vì ở chương 42, ông Đĩnh viết rõ “Duẩn theo Mao phát động chiến tranh”?

Là một người được Bắc Kinh đào tạo, nhưng Trần Đĩnh đã cố tình lờ đi sự thực là khi đó (1954 -1964) giới cầm quyền Bắc Kinh luôn luôn “thuyết phục” Việt Nam rằng công cuộc thống nhất là “một cuộc đấu tranh trường kỳ”, cần phải “trường kỳ mai phục” và không thể thực hiện được bằng lực lượng vũ trang. Tháng 11 năm 1956, Mao Trạch Đông nói với những người lãnh đạo Việt Nam: “Tình trạng nước Việt Nam bị chia cắt không thể giải quyết được trong một thời gian ngắn mà cần phải trường kỳ… nếu 10 năm chưa được thì phải 100 năm”.

Trước đó, tháng 7 năm 1955, Tổng bí thư ĐCS Trung Quốc Đặng Tiểu Bình doạ: “Dùng lực lượng vũ trang để thống nhất nước nhà sẽ có hai khả năng: một là thắng và một khả năng nữa là mất cả miền Bắc”.
Tháng 7 năm 1957, Mao lại nói: “Vấn đề là phải giữ biên giới hiện có. Phải giữ vĩ tuyến 17…Thời gian có lẽ dài đấy. Tôi mong thời gian dài thì sẽ tốt.”
Tháng 5 năm 1960, hội đàm với phía Việt Nam, họ nói về miền Nam Việt Nam như sau: “Không nên nói đấu tranh chính trị hay đấu tranh quân sự là chính…Đấu tranh chính trị hay đấu tranh quân sự không phải là cướp chính quyền ngay, mà cuộc đấu tranh vẫn là trường kỳ… . Dù Diệm có đổ cũng không thể thống nhất ngay được, vì đế quốc Mỹ không chịu để như vậy đâu…”

Nhưng, khi không cản được nhân dân miền Nam Việt Nam “đồng khởi” thì họ lại “khuyên” rằng việc đấu tranh vũ trang ở miền Nam chỉ nên tiến hành đánh du kích, đánh nhỏ cỡ đơn vị trung đội, đại đội.
Như vậy, thử hỏi hai ông lãnh đạo“họ Lê” (và cả những ông khác), đồng lòng quyết tâm giải phóng miền Nam bằng đấu tranh vũ trang (thực ra là kết hợp cả với đấu tranh chính trị và ngoại giao), có phải là “mao-it” như Trần Đĩnh “ngậm máu phun người” không? Và nếu đặt bên cạnh những “quan điểm” của Bắc Kinh về sự nghiệp thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam với những “diễn biến tư tưởng” của Trần Đĩnh trong Đèn Cù, thì ta thấy ngay, chính Trần Đĩnh mới đích thị là “mao-it”, vì cũng như Bắc Kinh, Trần Đĩnh đòi phải “trường kỳ mai phục”.

Thực tế lịch sử quan hệ ngoại giao của Việt Nam DCCH thời chống Mỹ cho thấy, bất chấp đường lối của “ông Liên xô” hay “bà Trung quốc” hay ai khác thế nào, họ lý luận ra sao, khuyên bảo cái gì, nếu chính sách của họ phù hợp với mục tiêu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, thì Việt Nam đều tranh thủ tối đa. Mặc dù Liên Xô và Trung Quốc có lúc bất hòa, nhưng mọi sự ủng hộ về vật chất và tinh thần của cộng đồng quốc tế (trong đó Liên xô và Trung Quốc chiếm phần lớn) và của cả những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đều có chung một đích đến là độc lập dân tộc và thống nhất đất nước Việt Nam.
Đó là một chính sách ngoại giao, khôn khéo, khi mềm dẻo khi cương quyết, có thể gọi là ứng biến, nhưng cái mục tiêu vẫn luôn “bất biến”. Khác hẳn với cái “sách lược hòa bình” của ông Đĩnh vốn chỉ dựa trên thứ tư duy nô lệ, phụ thuộc hoàn toàn vào “đường lối” của Mao hay Khrushchev. Mà ngay cả cái chính sách “chung sống hòa bình” của Khrushchev cũng chỉ tồn tại được vài năm (cho đến khi ông ta bị thay thế), do đó nếu Trần Đĩnh có thực sự không phải là “phần tử xét lại, theo phe Trọc” (chỉ Khrushchev), thì “sách lược” của ông Đĩnh chắc chắn cũng sẽ phải đổi màu theo.
Như vậy, ông Trần Đĩnh hoàn toàn không phải là một người “cộng sản đích thực, yêu hòa bình” như ông “nổ” với người đọc Đèn Cù. Thực chất, khi còn đứng trong hàng ngũ của Đảng, ông cũng chỉ là một kẻ có tư duy nô lệ, giáo điều, mơ hồ, hoang tưởng về sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất nước. Nhưng đến khi viết Đèn Cù thì ông còn tỏ ra là kẻ lấp liếm sự thật lịch sử và to mồm vu vạ.

3. Thế còn “người phản chiến” Trần Đĩnh?
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà chính ông là một thành viên tham gia trực tiếp với vai trò “phóng viên chiến tranh”, Trần Đĩnh thừa biết, ở miền Bắc hoàn toàn không có phong trào cũng như không có cá nhân “phản chiến” – như ở Mỹ.
Xin nhắc lại: không có “phản chiến”. Chỉ có “đào ngũ”, tức là trốn chiến đấu, và cũng là trốn nhà luôn, vì về nhà cũng vẫn phải trốn, trước hết là vì xấu hổ. Xấu hổ lắm, với cha mẹ, với anh em, với hàng xóm và với chính mình…
Tuy vậy, trong Đèn Cù, ông Trần Đĩnh bệ ngay hai chữ “phản chiến” về và tự dán lên ngực. Ông rất muốn được gọi là người “phản chiến”, vì nếu được gọi là “phản chiến”, thì nghĩa là ông “xót cho cả máu Mỹ”, nhờ đó mà ông được gặp “một tham tán văn hoá đại sứ quán Mỹ” và “Sau đó giới thiệu nhà báo Mỹ gặp phỏng vấn”, như ông khoe:
Chương 48: “Chắc thấy chúng tôi phản chiến là xót cho cả máu Mỹ – chứ không nghĩ chúng tôi là tay sai của Liên Xô, kẻ thù số một của Mỹ, một buổi sáng tháng chín gì đó năm 1998, một tham tán văn hoá đại sứ quán Mỹ – tức chính quyền Mỹ – đã lần đầu tiên thanh thiên bạch nhật tại trung tâm Hà Nội bất ngờ đến bắt tay một chàng xét lại Việt Nam – chàng ấy là tôi: “Chúng tôi biết ông là thế nào nhưng không tiện gặp, chắc ông hiểu…”. Sau đó giới thiệu nhà báo Mỹ gặp phỏng vấn”.

Cái sự “xót cho cả máu Mỹ” là ông Trần Đĩnh mới “vơ vào” gần đây thôi, chứ nói đến người thực sự “xót máu Mỹ”, thì phải nói đến người Mỹ trước hết và họ phản chiến từ những năm 1960.
Hãy thử so sánh một chút:

+ Ở Mỹ, tổng cộng có hơn 200 tổ chức chống chiến tranh Việt Nam ở trên khắp các bang, 16 triệu trong số 27 triệu thanh niên Mỹ đến tuổi quân dịch đã chống lệnh quân dịch, 2 triệu người Mỹ “gây thiệt hại bất hợp pháp” vì chống chiến tranh xâm lược Việt Nam, 75.000 người Mỹ bỏ ra nước ngoài vì không chịu nhập ngũ và đấu tranh chống chiến tranh xâm lược.
+ Ở Việt Nam, chả có một mống nào khác, ngoài ông Trần Đĩnh.

California, 1965
Washington, D.C. (1967)
Ngày 15/11/1969, hơn 50.000 người Mỹ xuống đường phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam trước tòa nhà Quốc hội. Một cựu binh đang ném quân phục và huân chương qua hàng rào.

+ Ở Mỹ, vì “xót máu Mỹ”, mà Norman Morrison đã tự thiêu ngay trước Lầu Năm góc ở thủ đô Washington để phản đối chiến tranh Việt Nam (1965), cũng vì “xót máu Mỹ” mà cả Bill Clinton và John Kerry chống lệnh quân dịch và tham gia biểu tình phản đối chiến tranh.

Khi John Kerry “phản chiến”, điều trần trước Quốc hội Mỹ thì Trần Đĩnh vẫn còn mê mẩn với hào quang “Bất Khuất”

+ Ở Việt Nam, Trần Đĩnh hoàn toàn chẳng có một hành vi nào để có thể gọi là “phản chiến”. Ngược lại là đằng khác, khi hàng vạn người dân Mỹ xuống đường phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam và đánh nhau với cảnh sát thì Trần Đĩnh “suốt 1966, tôi bận với Bất Khuất”. (chương 26).

Thử hỏi liệu có thuyết phục được ai rằng: vì “xót cho máu người Việt”“xót cho cả máu Mỹ” mà Trần Đĩnh chấp bút viết cuốn hồi ký “Bất Khuất” hay không?

Thực ra, với cái nhãn “phản chiến” tự dán lên ngực, ông Trần Đĩnh không thể lừa được người Mỹ, và ngay cả đám Cờ Vàng chống cộng, ông cũng không lừa nổi. Nhưng họ giả điếc, giả mù và giả ngu, khi có cơ hội lợi dụng được Trần Đĩnh vào mục đích “hạ bệ thần tượng” cộng sản Việt Nam của họ mà thôi. Đây là điều Trần Đĩnh dù thích hay không cũng phải đưa vào Đèn Cù, nếu muốn xuất bản và đong xèng tại cái lò từng đúc ra những “Bên thắng cuộc”“Thằng hèn”.

Nói gì thì nói, muốn được coi là người “phản chiến” trước mặt đám Cờ vàng chống cộng, Trần Đĩnh phải giải thích về Bất Khuất, cuốn sách đã được in đến 210.000 cuốn và dịch ra 5 ngôn ngữ khác và đem lại “vinh quang” cho ông. Mặc dù, ông bảo ông khiêm tốn “giấu tên” khi viết Bất Khuất, nhưng có vẻ như ông lại cố tình “chường mặt” ra, trên vỉa hè, vì trong Đèn Cù, ông khoe, : “Viết Bất Khuất tôi đã được hưởng không khí ca ngợi đặc biệt. Tôi đi đường vẫn thấy người ở trên hè thân thiện chỉ vào tôi cười nói gì với nhau. Kiểu như phụ nữ chân dài, vòng một khủng bây giờ” (chương 25).
Bất Khuất viết những gì, đây là lời giới thiệu tác phẩm:

“Theo dõi bước chân Nguyễn Đức Thuận trên từng trang, từng trang “Bất Khuất”, người đọc nhiều lúc nín thở, hồi hộp, xúc động đến trào nước mắt, trái tim căng lên, sôi sục máu căm thù. Tác giả dẫn chúng ta đi theo anh trên con đường đầy đau thương, khổ ải, trong hơn ba ngàn ngày, trải qua những lò giết người cực kỳ man rợ, man rợ hơn cả bọn đao phủ thời Trung cổ, hơn cả bọn phát xít Hítle.
Từ Pêcarăngđơ, nhà lao Gia Định, trung tâm Thủ Đức, Tổng pha đến Côn Đảo, sa vào những chuồng cọp, địa ngục trần gian đầy rẫy ác ôn quỷ dữ là tập đoàn đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai mổ bụng ăn gan, uống máu người không biết tanh, Nguyễn Đức Thuận cũng với biết bao chiến sĩ cộng sản kiên cường, biết bao người Việt Nam yêu nước, đã đối mặt với quân thù, chống chào cờ ba que, chống học tập “tố cộng”, chống “ly khai” tới cùng. Tám năm trời đằng đẵng, ba ngàn ngày mà mỗi phút, mỗi giây, mạng người bị treo bằng một sợi tóc mong manh, chơi vơi trên một vực thẳm kinh hồn. Hơn một ngàn đồng bào đồng chí chúng ta đã hy sinh. Nhưng Nguyễn Đức Thuận và những con người kiên cường như anh vẫn đứng vững trong chồng cọp, đánh bại lũ diêm vương quỷ sứ, đẩy lùi bàn tay thần chết, bắt lũ chúng phải quỳ lạy dưới chân mình.
Mỗi trang “Bất khuất” là một trang thấm máu và nước mắt, tràn đầy một sức sống mãnh liệt, vang lên tiếng hát yêu đời, yêu cuộc sống, yêu con người, vang lên bài ca chiến thắng không bao giờ tắt. Với trên bốn trăm trang hồi ký, Nguyễn Đức Thuận đã phản ánh sâu sắc cuộc sống anh hùng với tinh thần cách mạng tiến công của những con người có thực, vạch trần hiện thực đen tối trong những địa ngục của xã hội miền Nam dưới gót sắt của một lũ sói lang mặt người dạ thú. “Bất Khuất” toả ra một niềm tin bất diệt vào sự nghiệp cách mạng, vào lý tưởng cộng sản chủ nghĩa giải phóng con người, nêu cao phẩm giá của những con người nhận thức được quy luật và chân giá trị cuộc sống, biết sống và biết chết xứng đáng là Người”.

Chính ông Trần Đĩnh cũng cho biết, trong chương 25, cuốn Bất Khuất được “in rất nhiều và bắt thanh niên cùng quân đội cả nước học tập rộng rãi nữa… mua cho quân đội 160.000 quyển trong tổng số phát hành 210.000”.

Lạ chưa, Trần Đĩnh là người “phản chiến” mà “tác phẩm” có thể nói là duy nhất đem lại hào quang cho ông, (trước những Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ…), lại được “thanh niên cùng quân đội cả nước học tập rộng rãi, riêng quân đội mua tới 160.000 cuốn”. Học tập cái gì, Bất Khuất dạy họ “chống chiến tranh” ư?
Không hề, vì chính ông Trần Đĩnh đã trả lời câu hỏi: “Đảng đang chuẩn bị đánh Mỹ ở cả nước, cần ra Bất Khuất rồi phát động thanh niên, quân đội học tập để đề cao tinh thần hy sinh, chịu đựng gian khổ, hăng hái lên đường vào chiến trường”.(Chương 25).

Như vậy, chẳng làm gì có một Trần Đĩnh “phản chiến”. Sự thực là chỉ có một Trần Đĩnh vì hèn nhát mà thành “xét lại”. Ban đầu ông theo đuôi chính sách nước ngoài “chủ hòa” và sau đó, khi chính sách này thay đổi, năm 1965-1966, thì ông lại đổi màu thành “chủ chiến”. Điều này ông không thể chối cãi được vì nó thể hiện quá rõ qua việc ông chấp bút tác phẩm Bất Khuất.
Nhưng vì phải “làm lễ ra mắt” các bác chống Cộng Cờ vàng hải ngoại, Trần Đĩnh đành “chạy tội” bằng cách “thanh minh”, và không quên “báo công” rằng cuốn này (Bất Khuất) tuyệt không hề chửi “thày” các bác (vẫn chương 25):
“Thanh minh vì đó là sự thật. Và nay ở đây, tôi cũng muốn phơi trần ra một sự thật nữa tôi dần dà thấy: Tôi bồi bút thực thụ. Bồi bút nên biết là sai vẫn nghe theo! Thà nhận dốt khoa học còn hơn”.
“Viết Bất Khuất, tôi không một lời chửi Mỹ, trong khi đặc trưng của văn học cách mạng là phải tìm mọi dịp lên án nó, thằng đế quốc kẻ thù của loài người và nhân dân Việt Nam”.

Một điều cần nói nữa: 1965, viết Bất Khuất tôi ngỡ lên án việc đày đoạ con người.Thì hai năm sau nổ vụ án xét lại và tôi là nạn nhân.
Và tôi bắt đầu lờ mờ nhận thấy ngoài bồi bút, tôi mang hai bộ mặt lệch nhau: om xòm ở tư cách kẻ lên án và câm nín với vai tội phạm bị đàn áp man rợ của chính bản thân.
Cái chỗ tự nhận “Tôi bồi bút thực thụ”, là Trần Đĩnh học chiêu của đàn anh là nhạc sĩ Thằng Hèn, cốt để vừa kiếm được xèng lại vừa tránh việc mấy anh Cờ Vàng sớm nắng chiều mưa, khi biết ông là người chấp bút Bất Khuất sẽ chỉ mặt chửi ông là “văn nô Cộng sản khát máu”. Đã công khai tự nhận là “thằng hèn”, thằng “bồi bút thực thụ” rồi, thì có chửi mấy cũng như “nước đổ lá môn”. Vâng, thì đã bảo “tôi là một thằng hèn”, tôi “bồi bút thực thụ” rồi mà, được chưa?

Nhưng đọc những lời thanh minh và sám hối của ông, nhất là chỗ “tôi không một lời chửi Mỹ” và chỗ “xót cho cả máu Mỹ” tôi cứ thấy tồi tội cho ông Trần Đĩnh (chợt nhớ ra hai chữ “tồi tội” này là của bác Hòa Bình). Xưa “chửi” nhau, thậm chí “uýnh” nhau vì là kẻ thù, nay “chào” nhau, kể cả “bắt tay chính quyền Mỹ” đi nữa thì cũng vì đã “làm bạn”. Chuyện bình thường thôi mà, đến nguyên thủ quốc gia hai bên cũng đều vậy cả, Trần Đĩnh thân phận “bồi bút”, việc quái gì mà “ngượng”, mà phải kể lể “báo công lục súc”, xin các ông các bà “xét lại” cho tôi… theo cái kiểu hèn mạt như thế?

Hồi nhỏ, Lý tôi cứ Giôn với Ních mà đặt tên cho chó, nay vẫn lỳ, chưa chịu đấm ngực sám hối. (Ghi chú thêm: ảnh chụp lại này thiếu mất quả bom vẽ mặt Nixon ở phía trên )

Có thể nói, ngoài “thành tích” viết Bất Khuất mà không một lời chửi Mỹ” ra thì Trần Đĩnh không hề có một hành vi hay thái độ nào để có thể gọi là “phản chiến” như những Norman Morrison hay Bill Clinton hay John Kerry hoặc như bất kỳ người Mỹ phản chiến nào khác đã hành động hoặc bày tỏ thái độ.

Vì không hề có một hành vi “phản chiến” nào cả, cho nên thực chất Trần Đĩnh không thể là người “phản chiến”. Ông chỉ là một thằng “đào ngũ”, không hơn không kém. Điều tôi thắc mắc là, tại sao Trần Đĩnh lại chỉ “vơ vào” có một mình như vậy? Sao không rủ rê thêm một vài bác lính ta đã trót đào ngũ năm xưa và thêm một đống những bác lính Cộng hòa đã từng tan hàng rã ngũ, cùng nhau ra khai báo, nhận “thành tích phản chiến”, có phải là đã thành một “phong trào phản chiến” hai miền do Trần Đĩnh đứng đầu?.

4. Một Trần Đĩnh “bất khuất”?
Với việc viết Bất Khuất, trước mặt giới Cờ vàng chống Cộng Hải ngoại, Trần Đĩnh mặc dù đã có thanh minh thanh nga: thứ nhất khi ấy “tôi bồi bút thực thụ”, thứ hai là trong Bất Khuất, “không một lời chửi Mỹ”, nhưng rồi sau thì cũng phải rạp mình nhận đã “khích động chiến tranh”.

Ấy thế mà khi có người ở trong nước gọi Trần Đĩnh là “phóng viên chiến tranh”, ông không chịu, ông bảo ông “chỉ bất khuất” (ở trên vừa mới “bồi bút thực sự”, ở dưới đã lại thành “bất khuất”! Lạ chưa?):
Chương 37: “Ba chục năm sau, tháng 3 – 2006, ở hội nghị báo Nhân Dân – gồm cả các Tổng biên tập đã về hưu như Hoàng Tùng, Hồng Hà… – kỷ niệm cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi người ta giới thiệu tôi là “phóng viên chiến tranh”, tôi đứng lên nói rành từng tiếng:
-Tôi không chiến tranh, tôi chỉ bất khuất.
Tôi nhìn mặt các quan chức đồ sộ. Không một phản ứng.
Sự thật của tôi được chấp nhận. Đây không phải Bất Khuất của Nguyễn Đức Thuận mà là bất khuất viết thường của Trần Đĩnh. Trong khi không ít anh em đang làm việc vỗ tay hoan hô… Tôi có thể kể tên ra.”

Thế Trần Đĩnh có “bất khuất” không? Bất khuất với ai?

Đèn Cù lại cho ta biết:
Chương 32: “Cái hòm tôn hôm nay khiêng lên xe nặng quá. Thì mỗi người bạn một biên bản khai cung vài chục trang còn gì?”
Hóa ra Trần Đĩnh không chỉ viết báo, viết văn, viết thơ mà ông còn viết một thể loại rất nặng ký lô là “biên bản khai cung”, mỗi người bạn ông được ông ưu ái cho “vài chục trang”. Hãy thử so sánh với cuốn Bất Khuất lừng danh chỉ dày khoảng 400 trang, thì ta sẽ thấy ngay “Khai Cung” mới chính thật là tác phẩm “đồ sộ” nhất của Trần Đĩnh, nghĩa đen.
Đã vậy, Trần Đĩnh còn hăng hái và bất nhất trong việc khai cung, khai cung “vượt chỉ tiêu”, tệ hơn, còn vẽ (bịa) ra cả sơ đồ tổ chức. Đương nhiên như thế thì nghĩa là có chuyện tố cáo láo, làm liên lụy đến “bạn bè”, đến người khác:

Chương 31: “Nhưng nhiều khi bị vặn hỏi về hoạt động gián điệp của anh em, (“Anh đến Phạm Viết thấy trà uống nhiều thế mà không lạ ư? Liên Xô cho mới nhiều thế chứ!”) tôi không thể không sửng sốt. Nhưng tôi đã nói: “Nếu biết tiếng Nga thì tôi cũng làm gián điệp. Để làm gì à? Để cho bên ngoài biết thực trạng mà giúp ta thoát khỏi kìm kẹp của Mao”.
Người ta bảo vẽ sơ đồ tổ chức. Tôi vẽ. Hôm sau, Tuấn xem và nói thôi.

Chương 41: Các anh có lúc khai có tổ chức, có chống đảng. Cuối cùng vì sao tôi dám làm đơn gửi Bộ chính trị kết luận các anh vô tội? Chính là nhờ có cái chỗ dựa pháp lý vững như núi này của các anh. Đó là các anh đều phản cung hoặc khai mâu thuẫn lại với mình cả.

Trong Đèn Cù, Trần Đĩnh kể lại việc khai cung của mình khá là “nhàn nhã” so với các “bạn bè” cùng trong nhóm “xét lại chống Đảng”, thậm chí trong quá trình khai cung ông còn được đích thân Lê Đức Thọ gọi lên hỏi chuyện. Ông Nguyễn Đức Thuận thì “Bất Khuất” là phải, vì suốt 8 năm lao tù bị tra tấn bằng mọi cực hình tàn bạo mà vẫn không chiụ khuất phục, từ việc nhỏ tới việc lớn đều giữ trọn phẩm tiết và lý tưởng. Thế còn Trần Đĩnh thì “chưa đánh đã khai”, thực chất là mới chỉ uống trà đã khai, mà lại khai cả dây, khai “vượt chỉ tiêu”, khai oan cả cho người vô tội. Thế mà lại vỗ ngực “Tôi không chiến tranh, tôi chỉ bất khuất”, cho dù đó chỉ “là bất khuất viết thường của Trần Đĩnh”, thì thấy thật là mỉa mai cho nhân cách của ông. Bất khuất cái gì? Bất nhất và khuất tất thì có. Hay đây là lúc ông ” sáng tạo ngôn ngữ”, (như Ngô Nhân Dụng đã khen), bằng cách viết tắt mấy chữ “bất nhất” và “khuất tất” thành “bất – khuất”?.

Đến đây thì “bạn bè” cũ và mới của ông hẳn đã rõ, vì sao cùng tham gia “xét lại chống Đảng” mà kẻ thì “đi tù triền miên”, còn người thì lại được Sáu Búa (Lê Đức Thọ) gọi lên cho ăn kẹo, “bảo kê” cho khỏi đi tù, rồi còn “cầu cạnh” (!) mời chấp bút hồi ký, rồi suýt nữa lại được theo đoàn đàm phán đi Paris. Mà nếu được đi Paris, thì Trần Đĩnh bây giờ chắc hẳn sẽ còn “sáng tác” ra cả Đèn Trời nữa chứ không phải chỉ cái thứ đèn tù mù ma trơi này.

5. Một Trần Đĩnh không “xét lại chống Đảng”?
Và cuối cùng, thì cái tội “tham gia nhóm xét lại chống Đảng” của Trần Đĩnh là có “oan” hay không? Tất nhiên, theo ông là “oan”, vì ông kể chính những người kết tội ông năm xưa, sau này lại đề nghị minh “oan” cho ông.
Có voi đòi tiên, tiện dịp, ông không những không chịu nhận tiếng “xét lại” mà còn muốn “thiên hạ” “xét lại” cho ông được nhờ, rằng ông là “phản chiến”. Về chuyện Trần Đĩnh “phản – chủ”, (bắt chước Trần Đĩnh “bất khuất” tôi gọi tắt “phản chiến – chủ chiến thành “phản – chủ” cho gọn), thì như tôi đã trình bày ở trên, không phải nói lại ở đây nữa.

Nhưng còn chuyện “xét lại”.

“Xét lại” là gì? Đó là “những quan điểm lí luận chính trị “xét lại” những luận điểm của K. Marx và F.Engels về cương lĩnh, chiến lược và sách lược cách mạng… cho là nó không còn phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn trên thế giới và trong các điều kiện hiện có trong nước”.

Trong Đèn Cù, Trần Đĩnh bày tỏ quan điểm công khai về cuộc chiến tranh Giải phóng miền Nam theo chủ trương “chung sống hòa bình” của Khrushchev, tức là không muốn phát động chiến tranh vũ trang giải phóng miền Nam, trái với quan điểm dùng bạo lực lập chuyên chính vô sản trên toàn thế giới của Mác và Lê-nin đó thôi, không gọi là “xét lại” thì gọi là gì? Hay ông thích được gọi là “phản quốc” hơn, nếu xét trên quan điểm đi ngược lại ý chí của dân tộc?

Thực ra hai cái chữ “xét lại” của thời ấy nghĩa của nó chẳng khác gì mấy chữ “thoái hóa, biến chất” bây giờ. Cũng chẳng có gì là ghê gớm lắm.

A lúi! Nhân vụ Trần Đĩnh đòi “xét lại” cái sự “xét lại”, mới nhớ ra: các cụ Ích Tắc và Chiêu Thống không những đã từng “phản chiến” mà còn “có công” “rước” về “những nền văn minh của nhân loại” cơ đấy.

Thế còn ông Trần Đĩnh có “chống Đảng” không? Đèn Cù cho thấy là có.
Trong bản khai cung ông Trần Đĩnh đã tự nhận ở là “có tổ chức, có chống Đảng” tuy nhiên, sau này ông lại “phản cung” (chương 41).
Tạm chấp nhận là khi “khai cung” thì Trần Đĩnh có thể bị những áp lực nào đó: quyền lợi, gia đình, cơ quan, xã hội hay thậm chí cả về mặt tổ chức, thì thôi, ông khai “có tổ chức, có chống Đảng” là khai tầm bậy.
Nhưng, trước khi có chuyện “khai cung” vào năm 1967-1968, tức là khi không phải chịu một “sức ép” nào cả, thì ông Trần Đĩnh cũng đã “chống Đảng”.

Thực tế ông Trần Đĩnh “chống Đảng” sớm hơn, từ năm 1961 kia, như ở chương 24 ông “khoe”: “Về nước mới hai năm tôi sa ngay vào hãm địa tối tăm nhất không lối thoát: phần tử trong tổ chức chống đảng, lật đổ, tay sai nước ngoài. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn thấy le lói trong mình một ánh sáng của riêng tôi nó làm cho tôi đứng vững được”.

Thậm chí tư tưởng chống Đảng đến với Trần Đĩnh còn sớm hơn nữa, ngay từ khi ông được cử sang học tại Bắc Kinh năm 1955 – 1959, như ông hé lộ ở chương 37: “Ở Bắc Kinh đọc Nietzsche, tôi mới biết ý thức hệ là ma tuý, và chúa gây lắc là ý thức hệ cộng sản”.

Thế mà sau này ông “phản cung” rằng không chống Đảng, thì cái “phản cung” ấy cũng lại “ba xạo” nốt, ít nhất là đối với cá nhân ông, trước lương tâm ông. Trần Đĩnh ơi là Trần Đĩnh, làm sao biết lúc nào ông nói thật, lúc nào nói khoác đây.

Bực dọc thì nói thế thôi, chứ đọc đoạn dưới đây, thì ta biết thực ra ông Trần Đĩnh lại rất “yêu” Đảng và ngược lại, ông cũng đã được Đảng “quá yêu”. Bằng chứng là mãi đến năm 1976 ông mới bị khai trừ. Vì “yêu” và “được quá yêu” nên khi bị khai trừ thì ông “tiếc”. Mà ông “tiếc”cái quái gì, cứ xem đoạn sau sẽ rõ:
Trích chương 39: Trên kia tôi nói tôi dửng dưng, tênh tênh khi bị khai trừ. Đúng! Nhưng không phải không có lúc suy sụp. Vì tự ái, xấu hổ. Rồi vì tiếc những ngày tháng đã “chiến đấu” Trên dưới ngọn cờ đỏ. Rồi còn cả một chút tình ý bị mất quyền lợi.
Ít nhất sẽ không còn được nghe truyền đạt những thông tin quan trọng và bí mật của Đảng. Và rơi vào diện chờ mọt xác mới được tăng lương.

Kết
Như vậy, dưới thứ ánh sáng tù mù và nhập nhằng thật giả của Đèn Cù, Trần Đĩnh vác “Truyện Tôi” ra kể, trình ra cho độc giả bộ sưu tầm những chiếc mặt nạ của chính ông, gồm nhà báo lỗi lạc, nhà văn kỳ tài, nhà thơ sáng tạo, người “cộng sản đích thực, yêu hòa bình”, nạn nhân “vụ án oan” xét lại chống Đảng kiêm một Trần Đĩnh “bất khuất”. Trên hết và xuyên suốt, ông khăng khăng muốn người đọc, nhất là đám chống Cộng hải ngoại, biết cho ông là người “phản chiến”.

Loạt bài viết về Đèn Cù trên blog này tuy đã cố gắng khơi gợi, lần ra một bộ mặt đích thực của tác giả Đèn Cù, nhưng có lẽ sẽ không bao giờ tới đích bởi có quá nhiều những điều dối trá, thậm chí là lưu manh của Trần Đĩnh trong Đèn Cù và bởi cả những hạn chế của người viết blog, về thời gian, về sự hiểu biết và cả về năng lực cảm thụ cũng như kỹ năng viết.
Tuy vậy, vẫn mong, ít nhiều, bạn đọc ghé thăm blog này có thể nhận ra:
Một Trần Đĩnh “nhà báo”, chuyên “bịa”, “dựng”, “thêm nếm pha phách”… (kỳ 1).
Một Trần Đĩnh “nhà văn”, với thủ thuật đánh bả, trộn nháo nhào các sự kiện (thật và giả), thời gian, người kể và nhân chứng… (kỳ 2)
Một “thi sĩ” Trần Đĩnh, sở trường thơ “một tấc đến giời”, rồi lại tự nhận là “cây bút vệ sinh công cộng, chuyên quét lá soàn soạt” (kỳ 3).

Và không hề có một “Trần Đĩnh” phải la làng la xóm “kêu đau” vì oan, mà chỉ có một Trần Đĩnh như một “con vật cưng”, được số phận nuông chiều, thậm chí được Đảng, được các lãnh tụ ưu ái. Có lẽ chính những “ngôi sao” này mới là người cần “kêu đau, kêu oan” vì cái “thằng bán đèn cù” Trần Đĩnh (Kiều: Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ).

Cũng không hề có một Trần Đĩnh “phản chiến” mà chỉ có một Trần Đĩnh hèn nhát xoay sở đèn cù, khi “chủ hòa”, khi “chủ chiến” và nếu cần gọi đích danh, thì chỉ có một Trần Đĩnh “đảo ngũ” và bây giờ, đang ráo riết tận dụng cơ hội để “té nước theo mưa” theo xu hướng bài Hoa cuồng Mỹ của các nhà dân chủ giả cầy và đám chống Cộng Cờ Vàng hải ngoại hiện nay.

Cũng chẳng hề có một Trần Đĩnh “bất khuất” mà chỉ có một Trần Đĩnh luôn bất nhất và hèn hạ, sẵn sàng khai báo và phản cung lung tung, làm bạn bè phải hàm oan, để riêng mình vẫn được “ưu ái” lâu dài.
Và cuối cùng, cái tội “xét lại chống Đảng” của Trần Đĩnh thì lại chẳng hề “oan” chút nào, thậm chí còn là quá nhẹ, nếu xét trên quan điểm thời kỳ đó Trần Đĩnh đã đi ngược lại ý chí thống nhất đất nước của dân tộc ta.

Bây giờ, “tít mù nó lại vòng quanh”, xin trở lại với “chân tướng” của Trần Đĩnh như ông ta tự nhận xét về chính mình ở chương 17:
“Tôi chẳng qua chỉ là cây bút vệ sinh công cộng quét lá quét lẩu xì xằng sao cho nghe cứ là soàn soạt thật to ở bên tai một số người thế thôi… Thế mà tại sao không nghĩ tới chữ bồi bút? Nhận ra bản mặt không phải chuyện dễ”.
Tôi cho đây là câu viết cũng chẳng có mấy chút chân thành, vì thừa biết Trần Đĩnh viết câu này cốt lấy chút mủi lòng từ những độc giả thuộc “bên thua trận” mà thôi.

Nhưng cũng phải công nhận, với câu này, thì không ai có thể viết đúng về Trần Đĩnh như Trần Đĩnh.
© Thiên Lý

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍