Tất nhiên, được như vậy, trước hết phải là do công lao của các thế hệ đi trước đã kiên cường bảo vệ tổ quốc, đã khôn khéo hóa giải can qua sau này…
Thế mà giờ đây, trong lúc bình yên lại cảm thấy những hiểm họa khôn lường đang nhăm nhe trỗi dậy, đe dọa hất đổ lon bia hữu nghị của người Trung Quốc để hòng thay thế bằng những vũng máu của 2 dân tộc như trong quá khứ. Hiểm họa không phải đến từ sự cuồng vọng bá quyền của chính phủ Trung Quốc những năm gần đây, vì đó là 1 yếu tố dễ thấy và cũng dễ đối phó (như nước ta đã làm và thành công trong thời gian vừa qua).
Hiểm họa đến từ bên trong chính chúng ta, những “nhân sỹ trí thức”, “nhà nghiên cứu”, giới truyền thông thông tin, học sinh sinh viên, ông nông dân bà buôn thúng, cổ cồn trắng hay giới áo xanh,.., những người đang chủ động “dắt mũi” người khác hoặc không biết mình đang bị “dắt mũi”. Tại sao lại như vậy? Bởi những năm gần đây, chúng ta “lên gân” thể hiện “lòng yêu nước” một cách thái quá và mù quáng mà không biết rằng chính điều đó lại giúp cho người hơn là giúp cho mình.
Một ví dụ điển hình nhất là tình hình bạo loạn ở Bình Dương – Vũng Áng trong năm vừa qua. Rõ ràng là “lợi thì có lợi (chẳng biết to nhỏ thế nào), nhưng răng không còn”. Những kẻ gây hấn ở biển khơi chưa bị tổn hại cọng lông nào thì ngay trong đất ta, tự tay ta đập phá đi bát cơm của hàng ngàn người lao động, chính quyền thì phải bằng cách này hay cách khác móc hầu bao ra để ổn định tình hình, úy lạo doanh nghiệp ngoại; hình ảnh Việt Nam trong sáng, thanh bình, mến khách bỗng chốc bị vẩy vào những giọt mực đen chẳng biết khi nào mới bôi hết được…
Những người công nhân đang bảo vệ “bát cơm” của mình trong vụ bạo động ở Bình Dương |
Để xảy ra tình trạng như vậy, “công đầu” thuộc về một bộ phận trong hệ thống báo chí truyền thông của nước ta, những kẻ hàng ngày đã không ngần ngại nhỏ những giọt thuốc độc “bài Hoa”, được ngụy trang bởi vị ngọt ngào của thứ đường hóa học mạo danh “lòng yêu nước”, vào tâm tưởng người dân. Người ta lùng sục từng ngõ ngách của cuộc sống, từ những món hàng lẻ đến cả nền kinh tế, từ con sư tử đá đến cái đèn lồng,.. để chỉ ra sự “thuộc Trung” của người Việt đặng kêu gọi một sự phá hoại mới, nhân danh “thoát Trung”. (Tất nhiên, chúng ta chưa thấy được bằng chứng nào về việc một ông “nhân sỹ chí thức” nào hay ông nhà báo nào tự tay đập bỏ những món hàng điện tử “made in China” của họ vì “yêu nước” cả!). “Vạch lá tìm sâu”, “bới bèo ra bọ” để hòng phân biệt rạch ròi “của anh, của tôi” trong văn hóa, nhất là giữa 2 quốc gia “sông liền sông, núi liền núi”, có sự giao thoa về mọi lĩnh vực trong hàng ngàn năm qua, thực sự là một việc làm ngu xuẩn, đặc biệt lại đến từ những người “nhiều chữ”. Con sông Nguyên Giang bắt nguồn từ Vân Nam hay sông Mê Kông bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải, trải qua hàng ngàn kilômét trên đất Trung Quốc rồi đổ vào Việt Nam với đủ thứ “hầm bà lằng xắng cấu” của Trung Hoa, hình thành nên 2 dòng sông Hồng và Cửu Long. Từ đó những gì màu mỡ của phù sa được đất Việt giữ lại để làm nên cuộc sống cho mình. Thử hỏi, có ông bà nào dám vỗ ngực xưng tên tuyên bố từ bỏ mọi thứ có nguồn gốc từ nguồn nước phương Bắc, phù sa phương Bắc? Văn hóa thì cũng thế thôi. Nó là kết tinh của sự bồi đắp, đấu tranh giữa các nền văn hóa trong suốt một thời gian dài. Văn hóa của người phương Bắc có được như bây giờ cũng là có một phần hòa hợp văn hóa của người phương Nam và ngược lại.
Đèn lồng được người dân dán cờ đỏ sao vàng ở khu dân cư Quán Toan, quận Hồng Bàng, Hải Phòng. Ảnh: Internet |
Ấy vậy mà cái bộ phận “trí thức” và “truyền thông” ấy lại lơ là, thậm chí cổ vũ cho sự “xâm lăng” của văn hóa phương Tây như là điều “tân tiến” dù mới chỉ sau hai mươi năm mở cửa đã tràn vào với đủ thứ độc hại nhãn tiền. Không lẽ lại có sự khác biệt giữa việc bị thôn tính bởi văn hóa nước này hay văn hóa nước khác? Vũ khí mạnh nhất của một dân tộc là sự vững chắc của nền văn hóa. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng văn hóa là một yếu tố bất biến. Ngược lại, nó như một cơ thể sống, hút vào nó tất cả những gì trên đường đi của mình và cũng tự nó, đào thải ra những gì không phù hợp với nó, sau những cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ. Một nền văn hóa mạnh là phải biết dung nạp thứ phù hợp và biến nó thành cái của mình chứ không phải đi tìm cái đã là của mình để nhổ bỏ nó đi như những vị “trí thức” nào đó đã kêu gào.
Nhưng điều nguy hại nhất của việc “bài Hoa” một cách vô lối này lại chính là chúng ta đang tự làm suy yếu chính chúng ta. Nó cũng như việc nhà ta có cô vợ đẹp, tay hàng xóm to con lại cứ thích ghẹo chòng, đưa đẩy; chúng ta sẽ chọn việc nào: (1) tức giận về gây chuyện với cô vợ, rồi gây nên cảnh xào xáo gia đình để hắn “ngư ông đắc lợi” hay (2) thủ thỉ bảo nhau cùng giữ thái độ cương quyết với tay hàng xóm, đặng vừa yên nhà yên cửa lại thêm vững hạnh phúc gia đình?
Sức mạnh vô biên của con người nằm ở sự điềm tĩnh. Sức mạnh vô biên của đất nước nằm ở sự ổn định, nhất trí đồng lòng. Như Tô Đông Pha từng nói: “Nhưng nhân tình có chỗ không thể nhịn được. Bởi vậy, kẻ thất phu, gặp nhục, tuốt gươm đứng dậy, vươn mình xốc đánh. Cái đó chưa đủ gọi là dũng. Kẻ đại dũng trong thiên hạ, trái lại thình lình gặp những việc phi thường cũng không kinh, vô cớ bị những điều ngang trái cũng không giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chỗ lập chí của họ rất xa vậy”.
Hay như người xưa cũng đã khéo ngụ tả sức mạnh của sự điềm tĩnh qua chuyện Phật tổ Như Lai đắc đạo dưới gốc cây bồ đề như sau:
“Phật khi ngồi dưới gốc cây bồ đề, giác nhiên ngộ đạo, tâm trí sáng suốt, hào quang tủa khắp bốn phương… làm rung động cả vạn vật chung quanh.
Thần Mara, chúa tể các lực lượng của vật chất, của tội lỗi, của tối tăm… không thể chịu nổi có người đã thoát khỏi được cái vòng nô lệ của mình, bèn đem cả đạo binh ma tướng quỉ đi kiếm Phật.
Thần Cây, thần Đất cùng các vị thần của lực lượng tự nhiên đều nói với Mara: “Người ấy đã đắc đạo rồi. Ấy là người sáng suốt nhất, không còn một sự tối tăm nào ẩn được bên người. Đi làm gì đó? Ngươi sẽ phải thất bại ngay. Người ấy là người không còn ai trong trời đất này thắng nổi nữa…”.
Thần Mara tức giận, bèn hoá phép, nổi dông gió, làm cho phi sa tẩy thạch, đất nẻ núi nghiêng… để khiếp hoảng Phật.
Thản nhiên, Phật ngồi như khúc gỗ, trong tâm lặng lẽ như không có việc gì.
Túng thế, Mara bèn nghĩ qua lấy Danh, Lợi, Nữ sắc cùng những cái mà lòng người dễ xiêu, dễ động nhất để lay chuyển lòng Phật.
Lấy Danh để khêu gợi lòng tự ái; Lợi để gợi lòng tham muốn; lấy Sắc để gợi lòng dục vọng…
Nhưng cũng không làm cho Phật động lòng mảy may nào cả.
Bây giờ là lúc dùng đến oai vũ; Mara bèn ra lệnh cho binh ma tướng quỉ cầm gươm giáo xông vào, lấy tên lửa bắn vào mình Phật. Phật cũng vẫn thản nhiên, trong lòng bất động. Tên, giáo vô gần tới là đã biến thành những đóa hoa thơm rớt chung quanh mình Phật.
Bây giờ, Mara xấu hổ nổi trận cuồng phong bay về động phủ.
Văng vẳng nghe hai bên đường các vị thần của các lực lượng tự nhiên bàn bạc với nhau: Người ấy là người không còn một sức mạnh nào trong đời thắng được nữa. Người ấy đã làm chủ cả sự vật trong trời đất rồi.”
Chúng ta cũng có thể hình dung ra sức mạnh của sự điềm tĩnh thông qua hình ảnh của các võ sỹ Nhu thuật, dùng tĩnh chế động, có thể tạo nên sức mạnh vô địch như thế nào trước những đòn thù sấm sét. Thiên hạ múa may thế nào kệ họ, ta cứ giữ lấy tâm bình yên, lo thu vén xây dựng bên trong. Ấy cũng là phép “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong mối quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam thì cái “bất biến” là sự độc lập của Việt Nam trước mộng bá vương của Trung Quốc. Còn cái “vạn biến” là những biến động chính trị – kinh tế, lúc bạn lúc thù, lúc hợp tác lúc cạnh tranh,… biến đổi không ngừng. Ta đứng ở thế “bất biến”, tức sự độc lập, để đưa ra các phương thức hợp lý đối phó với “vạn biến”, tại từng thời điểm, từng hành động của đối phương. Trung Quốc tăng cường tiềm lực quân sự trên biển thì ta cũng tích cực đầu tư cho Hải quân, CSB, Kiểm ngư,…, trong thì kêu gọi tinh thần toàn dân (đặc biệt là các cách thức hỗ trợ ngư dân bám biển), ngoài thì mở rộng các mối quan hệ chính trị, quân sự cũng như tranh thủ dư luận quốc tế… Nhưng việc giao thương buôn bán, hợp tác phát triển kinh tế với Trung Quốc thì ta vẫn cứ tiến hành bình thường. Các hoạt động ngoại giao cũng cắt đặt “việc nào ra việc đó”. Đặc biệt là cần phải giữ gìn tình cảm láng giềng, trong sáng đối với nhân dân Trung Quốc. Đó là một số mặt “vạn biến”.
Ấy vậy mà, những người “nhiều chữ” có vẻ “thông kim bác cổ” lại ra sức khuấy động lòng người dân Việt vì những thứ vụn vặt, để mà họ có thể dễ dàng hướng lái tình cảm yêu nước trong sáng của nhân dân xoay lòng vòng trong cái mớ hỗn độn ấy vì mục đích riêng của mình. Họ đưa nhân tâm chạy theo cái “vạn biến” mà không biết rằng điều đó làm nước ta tiêu hao sức lực, nguyên khí, làm suy yếu đi việc nắm giữ cái mục tiêu “bất biến” của ta. Khi chúng ta phẫn nộ với người dân Camphuchia bị kích động “bài Việt” một cách vô lý thì có thấy hình bóng của mình trong đó hay không? thấy người dân Camphuchia bị những kẻ lưu manh chính trị như Sam Rainsy mang ra làm trò thì có thấy mình cũng đang bị như vậy hay không? Chỉ cần thay đổi cặp phạm trù “Việt Nam – Trung Quốc” mà thôi.
Vậy mà chúng ta đang để cho những kẻ như thế hàng ngày, hàng giờ gieo mầm tai hại trong tư tưởng chúng ta. Chúng ta nghe theo họ để rồi chúng ta nhận được cái gì ngoài nỗi sợ? Sợ đồ ăn Trung Quốc, hàng hóa Trung Quốc, sợ buôn bán với Trung Quốc, sợ cả con sư tử đá và cái lồng đèn,… Nhưng, (nghe nói) lại … không sợ tàu bay, tên lửa, chiến hạm của Trung Quốc!? Lạ lùng không?! Nỗi sợ đó từ đâu ra? Là do họ đã lây truyền cho chúng ta mà thôi. Họ sợ hãi tất cả và họ không muốn đó là sự sợ hãi của riêng họ. Nếu họ tài giỏi và có tâm thực sự, họ sẽ hướng dẫn cho chúng ta biết đâu là hàng Trung Quốc tốt, đâu là hàng rởm (hàng VN thì cũng có hàng thật hàng giả đó thôi), biết thuyết phục người dân không vì cái lợi trước mắt của cá nhân mà buôn gian bán lận cho gian thương Trung Quốc,… Chính họ, chứ chẳng phải ai khác, đang làm dân ta, nước ta tự suy yếu trước khi có kẻ giặc thực sự từ bên ngoài. Họ thực sự là nguy hiểm!
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍