Trong bài “Đã tìm thấy Trần Dân Tiên?”, tôi đã chứng minh (1) Trần Dân Tiên không phải là một bút danh của Hồ Chủ tịch đồng thời đưa ra (2) giả thuyết về các tác giả của cuốn sách này. Cho đến nay, tôi chưa thấy có một phản biện nào chứng minh được quan điểm (1) của tôi là sai. Như vậy, có thể thấy các bạn đọc nghiêm túc đều đồng ý với luận điểm đó của tôi. Nhưng câu hỏi “ai là Trần Dân Tiên?” thì chưa có được câu trả lời xác đáng. Bên cạnh ý kiến của độc giả Lee, cho rằng ông Hoàng Văn Hoan có thể là một nghi vấn, gần đây tác giả Thái Doãn Hiểu trên trang web Văn hóa Nghệ An có nói về một tiết lộ của ông Nguyễn Khôi, nguyên phó vụ trưởng Văn phòng Quốc Hội, rằng các ông Trần Huy Liệu, Vũ Đình Huỳnh,… là người trực tiếp viết cuốn sách này. Như vậy, dù có sự khác biệt về sự suy đoán tác giả thực sự của tác phẩm “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” giữa ông Nguyễn Khôi, độc giả Lee và tôi nhưng tất cả đều cho rằng tác giả là một tập thể và là những người làm việc chung quanh Bác Hồ. Xin đăng lại dưới đây để các bạn tham khảo.

1. Hoàng Văn Hoan có phải Trần Dân Tiên?

Lee:

Thanh Tùng đã rất hay khi làm được việc mà nhiều người làm công tác nghiên cứu không hoặc chưa làm được, đó là đối chiếu các chi tiết khác biệt giữa “Vừa đi đường vừa kể chuyện” (Hồ Chí Minh) và “Những mẩu chuyện … ” (Trần Dân Tiên). Điều này, bước đầu khẳng định chính xác rằng Hồ Chí Minh (TL) và tác giả Trần Dân Tiên không thể là một.

Những người cho rằng hai tác giả trên là một, phần lớn chỉ dựa vào văn phong hai cuốn khá giống nhau, kể cả các nhà nghiên cứu chính thống, cả trong một vài văn kiện Đảng (tất nhiên không xét đến bọn té nước theo mưa chỉ nhằm mục đích hạ bệ tượng đài lịch sử)

Một chi tiết khá đặc biệt là bản in đầu tiên lại là bản tiếng Hoa với tựa đề “Hồ Chí Minh truyện”, do Trương Niệm Thức dịch, xuất bản tại Thượng Hải tháng 06/1949, như Tùng đã viết.

1. Tại sao? Vì cần thiết phải giới thiệu cụ với quốc tế (cụ thể ở đây là Trung Quốc) trước ư? Nhưng thời 06/1949 thì nước Trung Hoa đỏ chưa ra đời. Và tại sao không có các bản tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh, nếu thực sự mục đích của tác phẩm nhằm quảng bá hình ảnh lãnh tụ ra quốc tế.

2. Và Trương Niệm Thức, người dịch từ tiếng Việt sang tiếng Hoa, là ai, là người Việt hay người Hoa?

Mình thắc mắc hai điều này cách đây vài năm khi có dự luận cho rằng hai tác giả HCM và TDT là một và với câu hỏi (2), mình phỏng đoán (đoán mò) rằng người dịch có thể là cụ Hoàng Văn Hoan, (thời gian ấy rất gần gũi cụ Hồ và rất giỏi tiếng Tàu), từ đó đi tìm tài liệu về niên biểu Hoàng Văn Hoan, xem vào thời điểm đó, ông làm những việc gì trong chính phủ . Nhưng ở ta rất thiếu thông tin về cụ Hoan do cụ đã chạy sang TQ từ 1979.

Đồng cảm và rất khâm phục khả năng viết của Tùng!

Đôi Mắt:
Giả thiết về Hoàng Văn Hoan của bác cũng rất có lý. Nhưng GS Đặng Thai Mai cũng là người giỏi tiếng Hán.

Lee:

Ý của mình, là mình phỏng đoán Hòang Văn Hoan có thể là người trực tiếp dịch ra tiếng Tàu và quảng bá tác phẩm ra nước ngoài mà thôi, còn người viết có thể là (nhóm) Đặng Thai Mai (như Tùng đã viết) lắm chứ, nhưng trong nhóm này có thể có Hoàng Văn Hoan, với vai trò chỉ đạo hoặc tham gia trực tiếp, thậm chí còn có thể là nguồn cung cấp tư liệu cho nhóm vì ông Hoan cùng hoạt động (học trò) với Bác những năm 2x ~ 28 ở Thái từ những năm (ông ấy nói rõ là năm ấy) Bác 38 tuổi, và ở TQ sau này, vậy chắc thường được Bác kể lai rai cho nghe “những mẩu chuyện….” theo kiểu “vừa đi đường vừa kể chuyện”.

Vì, như sau đây, thêm một vài ý để Tùng xét thêm:

Những năm 2X cùng ở Thái, khi dịch sách cho kiều bào từ tiếng Tàu sang tiếng Việt hay Thái (chưa rõ) Bác thường rủ ông Hoan cùng dịch, Bác thường đọc trực tiếp còn ông Hoan ghi.

Năm 1946, ông Hoàng Văn Hoan là cục trưởng cục chính trị, tức là phụ trách công tác tuyên truyền.

Công tác dịch thuật các tuyên bố của chính phủ hồi ấy thì ông Hoan trực tiếp dịch sang tiếng TQ còn cụ Đồng dịch tiếng Anh, Pháp gửi cho TASS của LX và các nước Âu tây…

Năm 1948, ông Hoan được Bác ký giấy ủy nhiệm làm đặc phái viên chính phủ VNDCCH tại hải ngoại (từa tựa như Đại sứ ngày nay), nghĩa là có trách nhiệm tuyên truyền quảng bá về đất nước, chính phủ VNDCCH ra nhiều nước trên thế giới.

Năm 1948, 1949 ông Hoan sang Thái Lan với vai trò Đặc phái viên chính phủ tại Hải ngoại, thời gian ở đây, ông cho biết: “Năm 1949, các đồng chí dịch cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch ra tiếng Thái, vận động người Thái viết lời tựa và xuất bản, để giới thiệu lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta với nhân dân Thái Lan” (trích Hồi ký …), như vậy có thể thấy chính ông Hoan là người đưa cuốn sách này sang Thái Lan. Thế thì ông Hoan cũng có thể dịch và gửi cuốn sách sang TQ xuất bản lắm chứ.

Cuối năm 1949, ông Hoan sang TQ là Đại biểu chính phủ VNDCCH tại TQ, sau ủy nhiệm thêm cả Mông Cổ và Triều Tiên).

Các ý trên được lấy từ cuốn “Giọt nước trong biển cả”, hồi ký của “tên phản động” HVH, mình đọc cuốn này, những đoạn viết về các hoạt động của Bác Hồ ở Xiêm và TQ, thấy văn phong cũng chả khác mấy cuốn ” Những mẩu chuyện ….”, cũng xưng chúng tôi, gọi Bác….

Và cuối cùng với vai trò như kể trên, cũng không loại trừ, kể cả trong trường hợp Trần Dân Tiên là bất kỳ ai thì ông Hoan cũng vẫn có thể là người biên tập, có thể thêm, bớt (thêm những đoạn bình luận so sánh cụ Hồ với các bậc tiền nhân mà bọn rận vẫn rêu rao chẳng hạn)???

2. Trần Huy Liệu, Vũ Đình Huỳnh là Trần Dân Tiên? 

Theo Nguyễn Khôi – 75 tuổi nguyên chuyên viên cao cấp – phó vụ trưởng Văn phòng Quốc Hội, có thời gian làm Bí thư chi bộ có các bác Trường Chinh, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Hữu Thọ cùng sinh hoạt, là Nhà văn Hà Nội, tác giả bộ Cổ pháp cố sự, Chuyện làng Đình Bảng xưa, 4 tập- 920 trang viết về cội nguồn nhà Lý, giải thưởng VHNT Thủ Đô 2008- (xem Nguyễn Khôi– Wikipedia tiếng Việt).

Cuốn ” Những mẩu chuyện hoạt động của Hồ Chủ tịch” ra đời là do lúc đó (1945-1946) kể cả trong và ngoài nước, địch – ta …ít ai biết về Hồ Chí Minh, mà chỉ biết có Nguyễn Ái Quốc, vì thế theo sáng kiến của ông Hoàng Quốc Việt (thường vụ Trung ương Đảng) gợi ý cho Trần Huy Liệu (Bộ trưởng bộ Tuyên truyền) viết giới thiệu về Bác, Trần Huy Liệu không viết mà giao cho Vũ Đình Huỳnh, thư ký trợ lý của Bác chấp bút, xong khởi thảo thì Trần Huy Liệu sửa, viết bổ sung (thêm bớt) rồi qua Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh đọc “duyệt” cho ý kiến để hoàn thiện đem xuất bản. Ở thời điểm ấy bận trăm công nghìn việc, thù trong giặc ngoài như thế thì Bác làm sao mà ngồi chấp bút viết về mình được ? Hơn nữa, Hồ Chủ tịch là người bình sinh khiêm tốn không khi nào nói về mình.

Tên bút danh “Trần Dân Tiên” có ý nghĩa : người công dân đầu tiên họ Trần của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Họ Trần có ý ngầm: mấy người chấp bút này (Vũ Đình Huỳnh, Trần Huy Liệu, Trường Chinh) đều là người quê Vua Trần – Trần Hưng Đạo (Nam Định) đều nêu cao tinh thần “Sát Thát”- chống ngoại xâm, chả thế mà khu rừng ở Cao Bằng nơi ra đời Giải phóng quân của Võ Nguyên Giáp cũng gọi là “Khu rừng Trần Hưng Đạo” ?

Cuốn sách viết về Hồ Chủ tịch với các chi tiết rất trung thực, sống động, từ khi ra đời không hề có ai phản bác, chỉ có cái tên Trần Dân Tiên bị gán cho Bác, đã làm cho những kẻ thù địch xuyên tạc nói xấu mà thôi.

Trên đây là những cái mà Nguyễn Khôi nghe được ở các vị Thủ trưởng, các bậc đàn anh nói chuyện với nhau qua những lần tiếp xúc trong những câu chuyện dọc đường công tác kể chuyện về Bác, vì không phải là “giấy trắng mực đen”, ghi âm, chứng cứ rõ ràng, mà chỉ là “chuyện kể” của nhiều người (không phát ngôn chính thức) Nguyễn Khôi nghe lỏm được, thấy không có hại, nên trước khi từ biệt thế giới này (vì đã ở tuổi 75) thử đưa ra để mọi người tham khảo, tìm tòi thêm để đi đến kết luận chính xác ” Trần Dân Tiên thực là ai?”. (Hà Nội 31-7-2013 Nguyễn Khôi cẩn bút…)

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍