Nguyễn Hữu Giộc là người ở Cần Đước, Long An, tham gia cách mạng thời chống Pháp. Năm 1948, Mười Giộc gia nhập vào công an xã Long Định thuộc tỉnh Chợ Lớn lúc bấy giờ. Thời kỳ 1948-1949 huyện Cần Đước tình hình khó khăn, phức tạp. Các cơ quan lãnh đạo của huyện phải chia thành hai khu: khu A đóng tại kinh Bo Bo huyện Thủ Thừa – Tân An. Khu B đóng tại Lý Nhơn – rừng Sác, Nhà Bè. Trưởng công an huyện Trương Văn Tư phụ trách khu A, còn Mười Giộc làm phó phụ trách khu B. Chính trong thời kỳ này, Mười Giộc đã làm mưa làm gió giết hại rất nhiều người trong đó có lãnh đạo huyện đội trưởng và vu cáo vào tội theo “Đại Việt quốc dân đảng”.
Năm 1954, Mười Giộc tập kết ra Bắc và được cử làm Phó phòng cảnh sát trị an Ty Công an Hòa Bình. Trong một lần đi săn bắn, Mười Giộc nổ súng bắn chết đồng chí Trưởng phòng. Sau đó vợ người này làm đơn bãi nại cho Giộc vì chỉ là bắn nhầm. Thoát khỏi tội danh “ngộ sát” nên năm 1962 Mười Giộc được bố trí về miền Nam chiến đấu. Đến đây thì mọi người mới “vỡ lẽ” ra, đồng chí Giộc có quan hệ bất chính với vợ Trưởng phòng, thậm chí có con chung. Nhưng thời chiến tranh, không phải việc gì cũng được điều tra tường tận, tất cả tập trung cho tiền tuyến, tập trung cho đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và giải phóng miền Nam.
Sau ngày 30/4/1975, không rõ bằng cách nào, Giộc “leo cao luồn sâu” lên đến chức Trưởng ty công an (tương đương Giám đốc công an tỉnh hiện nay) tỉnh Đồng Nai (lúc đó bao gồm tỉnh Bà Rịa hiện nay). Khi đã có quyền hành nắm trong tay, với bản chất nham hiểm và độc ác, Mười Giộc dùng nhiều thủ đoạn để triệt hạ và hãm hại đồng chí, đồng đội. Giộc cho thả tên Nguyễn Văn Sang là cảnh sát đặc biệt Miền Đông đang bị giam giữ tại trại giam Tam Hiệp, đặt cho bí số H.20 khống chế tên này khai khống, lập hồ sơ giả tố cáo các cán bộ cao cấp của tỉnh như Năm Trang (Thường vụ tỉnh ủy, Bí thư thành ủy Biên Hòa) và Ba Lan (Tỉnh ủy viên, Bí thư thành ủy Vũng Tàu) là người của CIA cài lại rồi đem bắt giam, tra tấn bức cung dã man. Tiếp theo đó là hàng loạt cán bộ khác không cùng ekip với Giộc lần lượt bị bắt bỏ tù mà không biết lý do gì.
Với quyền lực một tay che trời, Giộc ngang nhiên “cặp bồ” với ả hồ ly Trần Kim Anh (Kim Anh Cyrnos), một nữ gián điệp CIA và là vợ bé của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã bị lực lượng an ninh miền Đông bắt giam cải tạo. Không chỉ phóng thích Kim Anh, Mười Giộc còn câu kết với cô ả tổ chức hàng chục chuyến tàu vượt biên mua bãi tại Hồ Cốc, Bình Châu, Lộc An thu lợi bất chính cả nửa tấn vàng. Sau đó, Mười Vân bố trí cho Kim Anh và số tài sản kếch sù lên tàu lớn vượt biên sang Mỹ trước, mua nhà cửa, sắm điền sản chờ ngày Mười Vân bỏ trốn sang đoàn tụ, an hưởng đến già nơi “thiên đường tình ái”.
Nguyễn Văn Thiệu và người tình Kim Anh |
Trớ trêu thay, sự si tình của gã giám đốc công an biến chất lại không đủ để chinh phục người đàn bà quỷ quyệt ấy. Sau khi yên vị tại Mỹ quốc cùng đống của, Kim Anh tìm cách liên hệ ngay với Nguyễn Văn Thiệu đang sống lưu vong tại Anh và lên kế hoạch “phản kèo” viết đơn thư, gửi hình ảnh, phim quay những cảnh ái ân mặn nồng và thu tiền vàng cho người vượt biên gửi về Việt Nam tố cáo tội ác của Mười Vân.
Mười Vân bị bắt với một kế hoạch chuẩn bị rất chu đáo, bất ngờ làm không kịp trở tay hay kháng cự nhỏ nào. Nhưng để đủ chứng cứ buộc tội y không phải là chuyện dễ dàng. Trong trại giam, bản chất ngoan cố, gian trá và lưu manh của y vẫn không chừa mà càng bộc lộ rõ hơn. Nhưng điều mà Mười Giộc không thể ngờ là việc tên Sang (H. 20) của y dựng lên không kịp vượt biên sang Mỹ mà đã sa vào lưới của an ninh cách mạng.
Năm 1983, phiên tòa đặc biệt sơ chung thẩm xét xử Nguyễn Hữu Giộc và đồng bọn đã diễn ra ba ngày tại hội trường lớn tỉnh Đồng Nai do Thẩm phán Phạm Như Phấn – Phó Chánh án Tòa phúc thẩm TAND tối cao làm chủ tọa. Hàng vạn đồng bào từ Long An, Vũng Tàu, TP. HCM kéo về dự khán hồi hộp chờ đợi phán quyết của công lý trừng trị tội ác mà Nguyễn Hữu Giộc đã gây ra từ năm 1950 đến giờ. Công lý đã thực thi, Nguyễn Hữu Giộc và tên Thanh đồng bọn bị tuyên án tử hình.
Tưởng đâu sau khi Giộc và đồng bọn phải đền tội là hết nhưng hệ lụy của nó còn kéo dài cả gần chục năm sau. Lần theo vụ án của Giộc, đến cuối những năm 80, cơ quan chức năng mở rộng điều tra và khởi tố 19 bị can, trong đó có: Nguyễn Văn Hiệp, nguyên Trưởng phòng bảo vệ chính trị Công an Đồng Nai; Phạm Tấn Hưng, Mai Khắc Thanh, nguyên Phó Phòng Bảo vệ chính trị Công an Đồng Nai, truy thu hàng ngàn lượng vàng.
Đạo Sĩ Chăn Gà
😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍