Khu căn cứ, không khí xuân 1975 thật rộn rịp. Nghị quyết Trung ương “Quyết tâm giải phóng miền Nam trong thời gian ngắn nhất” được triển khai xuống toàn thể các cơ quan Quân-Dân-Chính-Đảng. Trong bối cảnh này ai cũng cảm thấy như là điều phải đến, không bất ngờ cập rập như dạo Tết Mậu thân. Trận đánh mở màn giải phóng Ban Mê Thuật làm cho địch choáng váng và tăng cường khí thế của Quân giải phóng. Toàn bộ Quân khu Tây nguyên bị đe dọa. Bộ chỉ huy đầu não ngụy quân hoang mang lúng túng ra lệnh “tùy nghi di tản”, rút về củng cố vùng đồng bằng ven biển miền Trung. Con lộ số Bảy từ Gia Lai về Phú Yên hiểm trở hoang phế bấy lâu nay thành thảm họa của một cuộc tháo chạy kinh hoàng mở đầu cho sự tan rã dây chuyền không cứu nổi của quân lực Việt Nam cộng hòa.


Con lộ 14 xuyên Đông Dương dẫn thẳng về lộ Một. Các đơn vị bộ binh Quân giải phóng tập kết ở mấy buôn căn cứ địa đầu này, học tập phối thuộc với binh chủng xe tăng thiết giáp ẩn trong rừng già, tiến hành trận đánh tổng lực giành thắng lợi cuối cùng. Sau khi triển khai phương án tác chiến cho cán bộ, Tư lệnh Quân đoàn trực tiếp xuống từng đơn vị trực thuộc kiểm tra và động viên chiến sỹ:

– Lần này ta tổ chức chiến đấu trong đội hình các binh chủng hợp thành hành tiến với quy mô lớn. Chiến trường rộng lại đòi hỏi vận động khẩn trương và hợp đồng chặt chẽ nhịp nhàng, khi cần phải kịp thời tạo thành những mũi nhọn chọc thẳng vào sào huyệt trung tâm của giặc. Lực lượng ta về quân số và hỏa lực được tăng cường đủ mạnh nhưng cán bộ chiến sỹ phải có quyết tâm cao và tinh thần dũng cảm chiến đấu, dám hy sinh giành thắng lợi trong từng trận đánh. Ưu thế của giặc là phi pháo nhưng lúc này bị hạn chế nhiều. Nhà trắng và Lầu Năm Góc đã giở hết bài rồi mới chịu xua tay tháo khoán thì lũ hiếu chiến vong bản theo đóm ăn tàn dù có hung hăng cũng không thể nào cản được bước ta đi. Người cách mạng phải biết quý trọng từng giọt máu của chiến sỹ và đồng bào mình. Nhưng chúng ta cũng không có quyền từ chối một thắng lợi toàn diện khi đã nắm chắc thời cơ chiến thắng trong tay!

– Thời cơ đó cụ thể là gì? – Một sư trưởng từng là cán bộ tiểu đoàn sinh tử khi đánh vào thành phố trong chiến dịch Tết Mậu Thân hỏi.

– Là Mỹ hoàn toàn không có khả năng quay lại miền Nam ta nữa! Là khí thế tiến công của toàn quân và dân ta đang dâng lên như nước vỡ bờ! Là tinh thần sỹ quan và binh lính địch đang trong trạng thái hoàn toàn tan rã! Là sự sụp đổ của ngụy quyền các cấp từ trên xuống dưới như trong thế trận liên hoàn đôminô! Tình hình chiến sự cực kỳ có lợi cho ta. Thời cơ do ta tích lũy và tạo thế từ bao lâu nay đã đến và chỉ có một dịp này. Như hồi Cách mạng Tháng Tám tương quan ta-địch khác nhau nhiều mà Bác Hồ vẫn quyết tâm chỉ đạo “dù đốt cháy cả dãy Trường sơn cũng phải làm”. Người cách mạng chân chính phải chấp nhận một sự hy sinh cần thiết cho thắng lợi trọn vẹn của sự nghiệp chung.

Ông kết thúc bài nói bằng lời thơ ứng khẩu:
Ta dù hy sinh sẽ thành bất tử
Khi Tổ quốc ta về lại một nhà

Từ cuộc họp tại trụ sở Hạ nghị viện, dân biểu nhà giáo Phan An Phú bước ra thầm nghĩ: Chắc đây là buổi họp cuối cùng của lưỡng viện vì như buổi chợ chiều rã đám. Chỉ lơ thơ còn chừng phân nửa, ai cũng nhấp nhổm như ngồi trên đống lửa nghe mấy ông tướng kể nỗi tuyệt vọng về chiến sự. Đám tàn quân như hổ vô đầu, chắc có làm được chuyện gì không? Tàn cuộc rồi mới nặn ra cái nghị quyết trao quyền Tổng Thống cho ông Minh lớn, dù trong bụng ai cũng thấy đã là qúa muộn. Không chỉ lưỡng viện mà cả tòa Đại sứ Mỹ đều bị bất ngờ với Thiệu! Thằng này gian hùng, mưu mẹo không thua gì Tào Tháo. Nó lấy cớ hợp hiến, giao lại quyền cho một lão phó già tài không hơn viên “thượng sỹ” thì làm sao xoay chuyển được tình thế lúc này? Không ăn được thì đạp đổ! Nó vừa chửi thằng thầy vừa hù dọa lão già kế nhiệm: “Các ông bỏ chạy để mặc chúng tôi làm cái việc mà các ông làm không xong. Chúng tôi không có gì hết thế mà các ông lại muốn chúng tôi hoàn thành cái điều mà các ông không hoàn thành nổi! Các ông bắt chúng tôi làm một việc như lấp biển Đông!”. Cuộc bàn giao này càng thêm buồn tẻ, chán phèo. Lão già bất lực nói suông vài câu kèm theo lời mai mỉa: “Nhiệm vụ của Đại tướng rất nặng nề”! Người nhận là ôm vào cả một cơ đồ đổ nát thảm thương mà không biết phải làm gì vì phía bên kia coi chính quyền này đã là một con số không thật sự.

Ra khỏi phòng họp, lại một loạt tướng lãnh với nghị viên âm thầm theo kế tẩu vi thượng sách! Một ngày sau khi nhậm chức, viên đại sứ Pháp gợi ý làm trung gian nhờ một quốc gia lớn có nhiều ảnh hưởng gỡ ra thế bí, vị Đại tướng chán chường từ chối: “Suốt đời tôi đã làm tay sai cho Pháp rồi cho Mỹ đều chuốc lấy thất bại. Bây giờ tôi không thể làm tay sai cho ai nữa để chống lại nhân dân và tổ quốc của tôi”! Tân Tổng Thống chỉ có thể chủ động làm được một việc có ý nghĩa lịch sử là gửi thông điệp cho đại sứ Mỹ cùng lúc với tân Thủ tướng công báo trên đài phát thanh, chính thức yêu cầu toàn bộ người Mỹ còn lại phải rời khỏi Sài Gòn trong 24 tiếng đồng hồ! Một đội quân viễn chinh bị những người yêu nước đuổi đi là chuyện thường tình. Nhưng chuyện có một không hai trong lịch sử mà không ai nghĩ tới là một đội quân xâm lược nhà nghề hùng hậu đến thế vào giờ phút chót phải rời khỏi Việt Nam trong tình cảnh trớ trêu bị chính người cùng hội cùng thuyền xua đuổi vỗ mặt quyết liệt vội vàng như thế!

Người Mỹ đã thực hiện kế hoạch di tản gấp hơn sáu ngàn người còn lại từ ngày Thiệu nhả ra cái ngai quyền lực được họ ấn ngồi vào. Quốc hội Mỹ bác bỏ đề nghị viện trợ thêm cho chính phủ Việt Nam cộng hòa chỉ đồng ý chi 200 triệu Dollar để khẩn trương xúc tiến kế hoạch di tản toàn bộ người Mỹ kể cả quân sự lẫn dân sự nhanh chóng ra khỏi miền Nam Việt Nam. Coi như cuộc chiến tranh do người Mỹ tự làm điêu đứng chính mình đến đây chấm dứt. Ngày đêm, những chuyến máy bay vận tải chở đầy người di tản nối nhau cất cánh rời sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng họ cũng không ngờ tình hình diễn ra xấu nhanh như thế. Trong khi sân bay thành vô dụng thì cái trát tống khứ cấp thời của người bạn từng đầu gối tay ấp thật qúa phũ phàng! Toà Bạch Ốc lập tức ra lệnh thiết lập một cầu hàng không đặc biệt từ các bãi đậu dã chiến kín đáo là những khoảng trống hoặc sân thượng của mấy dinh thự công sở ngay giữa lòng thành phố tới hạm đội Bảy áp sát ngoài khơi. Khắp Sài Gòn vang lên những tín hiệu đặc biệt riêng khẩn cấp cho những người Mỹ và một số nhân vật cộm cán ở Sài Gòn có mặt ngay tại các điểm tập trung ngầm giao hẹn trước để kịp thời được bốc đi bằng những chuyến máy bay trực thăng Chinook khổng lồ.

Phóng viên hãng AFP ở Campuchia mới di tản khẩn cấp bằng trực thăng Mỹ về cho biết quân Khmer đỏ đã tràn ngập Phnompênh và tàn sát không thương tiếc những ai liên quan tới chính quyền cũ. Cựu thủ tướng Sirik Matak không chịu di tản theo lời mời của Mỹ. Nhiều cái đầu chụm lại trên mảnh giấy phôtô bức thư của Sirik Matak gửi cho viên đại sứ Mỹ ở Phnompênh vào giờ phút chót:
“… Tôi hết sức thành thật cảm ơn ông về đề nghị đưa tôi đến tự do. Tôi không bao giờ tin rằng vào lúc này, ông cũng như đất nước vĩ đại của ông lại có cái cảm nghĩ rằng mình đã bỏ rơi một dân tộc đã chọn tự do! Chúng tôi cần sự bảo vệ của các ông nhưng các ông đã từ chối! Chúng tôi không thể làm gì trước tình thế này! Rất tiếc thay, tôi không thể rời nơi đây một cách hèn nhát. Nhưng hãy khắc ghi rằng nếu tôi chết ngay ở nơi này, tại đất nước mà tôi yêu dấu thì cũng chẳng thành vấn đề vì rằng tất cả chúng ta sinh ra đều tử biệt. Tôi chỉ mắc mỗi sai lầm là đã tin các ông”! Nghe cùng một giọng với Nguyễn Văn Thiệu trước khi rời khỏi cái ngai Tổng Thống: “… Họ đã bỏ rơi chúng tôi. Họ bán rẻ chúng tôi. Thật vậy, họ đã phản bội chúng tôi. Một nước đồng minh lớn đã không làm tròn lời hứa với một nước đồng minh nhỏ. Đó là một hành động vô nhân đạo của một đồng minh vô nhân đạo”!

Matak đã từng học ở Sài Gòn nhiều năm và có không ít bạn bè ở đây mà cũng trong đám đầu sỏ tàn sát Việt kiều. Nhưng nói thật vô tư, cũng là kẻ lừa thầy phản bạn nhưng y còn biết giữ chút liêm sỷ cuối cùng hơn vị nguyên thủ cái quốc gia Việt Nam cộng hòa này!

Đêm trước ngày nội các ra mắt quốc dân, ông giáo Phú lẫn trong số dân biểu không di tản, theo tướng Minh vào trú tại dinh Tổng Thống. Mọi người tản ra các phòng, từng nhóm ngồi, nằm tạm bợ, không ai ngủ được.

Một đám lính mặc đồ dã chiến, đạn quấn cùng mình, lăm lăm tay súng như sẵn sàng nhả đạn, xông thẳng vào dinh mà không ai dám cản. Viên sỹ quan tiến đến trước Tổng Thống, dậm chân chào theo đúng phép nhà binh, giọng đầy bức xúc:
– Trình Đại tướng Tổng tư lệnh quân lực Việt Nam cộng hòa. Xin ngài cho chúng tôi được tử thủ bảo vệ Sài Gòn!
Hàng trăm con mắt dồn vào ngài tân Tổng Thống. Không ngờ vị Đại tướng cao to thường ngày oai vệ là thế mà trong giờ phút định mệnh này lại tỏ ra xúc động tưởng như là mềm yếu. Ông bước tới đặt tay lên vai viên sỹ quan vẫn trong tư thế nghiêm chờ lệnh. Giọng ông nhỏ nhẹ thân tình như muốn trên dưới cùng chia sẻ với nhau nỗi khó lúc này:
– Cảm ơn các em! Là người lính, qua biết thế nào là thắng là bại. Nhưng muộn quá rồi! Phải làm gì để anh em binh sỹ và nhân dân không phải đổ thêm máu ra vô ích và giữ cho thành phố Sài Gòn này không đổ nát!

Bao nhiêu tiếng thở dài do bị dồn nén lại cùng trút ra như một luồng gió làm dịu đi bầu không khí căng thẳng trong phòng dù không ai kịp nghĩ là điềm lành hay dữ nữa. Mấy người lính chúi nòng súng xuống cúi đầu lầm lũi bước ra.

Vào lúc khuya, một đám người nhốn nháo chạy ra sân cỏ trước dinh có đỗ hai chiếc phi cơ trực thăng dành riêng cho Tổng Thống. Họ vội vã mà kín đáo, rồi tiếng động cơ gầm lên, hai chiếc chuyên cơ lao thẳng vào đêm tối. Mọi người nhìn nhau muốn hỏi một điều gì. Viên sỹ quan tùy tùng trong dinh giải thích:
– Tổng Thống cho phép phi công di tản. Còn ổng thì ở lại!
Có người mừng vì hy vọng vẫn còn được người che chở. Có người tỏ ra nuối tiếc vì không biết trước nên chậm chân lỡ cuộc.

Lúc hừng đông ngày cuối tháng Chúa Phục sinh, viên Toàn quyền Martin tay ôm chiếc cặp chứa lá cờ quốc thể, tay ôm con chó cưng buồn bã và cay đắng leo lên chiếc trực thăng riêng trên sân thượng tòa sứ quán, có đám Thủy quân lục chiến súng trên tay sẵn sàng loại bỏ bất kỳ ai liều mạng bám theo. Cuộc rút chạy của những tên xâm lược Mỹ cuối cùng ra khỏi Việt Nam diễn ra như thế, mặc xác hàng ngàn người Việt Nam bán mình cho họ dù được ưu tiên lọt vào khuôn viên tòa đại sứ với lời hứa sẽ không bỏ lại một ai! Và ngoài bến cảng Bạch Đằng, quang cảnh còn thảm thiết hơn: cơ man nào người chìm trong những tiếng kêu la, khóc lóc, chửi thề, nguyền rủa… với những bộ mặt hoang mang, thất vọng, oán hờn nhìn theo những con tàu oằn lưng rẽ sóng chạy tít ra khơi như chiếc lá trôi mau về phía chân trời!

Ông giáo Phú chợt nhớ tới câu nói lịch sử của Napoléon Bonaparte bên bờ sông Vistule năm nào: “Từ vinh quang đến lố bịch chỉ một bước thôi”! Ấy là sau trận Borodino trước cửa ngõ Moscow, mặc dù Cutudốp phải rút quân về Tula nhưng Bonaparte vẫn phải vội vàng kéo đám hùng binh hổ tướng tháo chạy khỏi nước Nga giữa mùa đông tuyết giá hoang tàn, để diễn ra bao cảnh thảm thương!
Qua phút xúc cảm xuất thần, ông giáo giật mình trở về thực tại: Đã không còn náo loạn tiếng máy bay trên trời nhưng trên đường phố Sài Gòn những tiếng thắng xe ghê rợn rít lên đây đó trước những người bị bỏ rơi thất thần, hốt hoảng trong bước đường cùng lẫn với một đội quân thừa cơ cướp bóc và đi hôi của ở các tiệm vàng, cửa hàng, các nhà giàu, các công sở, các dinh thự của người nước ngoài bỏ trống. Trong lúc hỗn loạn như thế mà không thấy bóng dáng viên cảnh sát nào. Đám lính bị bỏ rơi đã nhanh chóng biến thành lũ nặc nô hung hăng công khai cướp bóc. Người thành phố càng hoang mang rối loạn nghe đủ các tin đồn về một cuộc tắm máu trả thù sắp tới.

Tưởng là ngày hoàng đạo thì mọi chuyện đều êm đẹp nhưng ngay từ buổi sớm, trước tình thế vô phương cứu vãn, nội các mới hình thành dở dang, chỉ còn cách ra tuyên bố sẵn sàng bàn giao chính quyền cho Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đồng thời, tướng đại diện Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn ra lệnh cho các sỹ quan và binh sỹ chấp hành lệnh ngưng bắn ngay tại chỗ. Một nội các rã rời lèo tèo không quân, không tướng, không ai công nhận, ngồi chờ một biến cố phi thường đang ập tới mà chưa biết họa phúc thế nào!

Ngày 26 tháng Tư, các đơn vị Quân giải phóng được phổ biến lệnh mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh – trận đánh cuối cùng tiến thẳng vào trung tâm sào huyệt của Mỹ-ngụy, hoàn thành nhiệm vụ lịch sử giải phóng miền Nam.
Bộ đội trong đội hình hành tiến.
Năm mũi tiến của Quân giải phóng đã hợp quân ở các điểm địa đầu. Những dòng xe, dòng người ào ào nhằm vào các mục tiêu trọng yếu giữa nội đô. Đoàn tăng hòa vào đoàn xe dằng dặc nối nhau trên Quốc lộ Một đổ vào thành phố.

Yên Thịnh trong tư thế nửa ngồi nửa nằm, tay ôm chặt chiếc túi cứu thương. Trong thùng xe tăng, chịu cái xóc lộn và hơi nóng hầm hập lẫn với tiếng đạn réo, người hét dường như thân xác, tâm trí không là của cô nữa. Yên Thịnh ngồi xốc dậy khi nghe tiếng anh trưởng xe hét thật to lên:
– Đây là thị trấn Hố Nai. Dân hay địch mà đông thế?

Xe rú ga thật lớn mà vẫn đứng yên tại chỗ. Cô ngồi lên, nghển cồ nhìn theo người lái. Phía ngoài người ta đông lắm đứng cản mũi xe. Đàn ông, đàn bà, người già, trẻ con, lẫn vào số mặc áo lính, đầu trần, tay chỉ trỏ la hét những gì dáng vẻ hung hăng lắm. Tiểu đội trưởng Thành chen tới trước mũi xe, nói những gì nhưng đám đông càng lấn tới xô đẩy khiến anh ngã dúi dụi. Anh giơ cao khẩu súng AK lên bắn chỉ thiên. Trong khói súng, Yên Thịnh thấy anh Thành ôm ngực ngã ngửa ra, chiếc áo đẫm máu. Cô gào lên và gục xuống! Tiếng quát tháo của những chiến sỹ trong xe, tiếng người ta náo loạn ngoài kia, tiếng rú ga khủng khiếp mà chiếc xe không chuyển động càng rung mạnh lên, lay thức cô tỉnh lại. Cô nghe rõ tiếng ai đó thét to lên ngay trên tháp xe, vừa kêu gọi răn đe vừa ra mệnh lệnh:

– Đồng bào chú ý! Quân giải phóng chỉ đánh đuổi giặc Mỹ xâm lược và bọn tay sai phản dân hại nước. Ai cản đường Quân giải phóng là chống lại tổ quốc và nhân dân, sẽ bị trừng trị. Các đồng chí! Hãy phân biệt rõ địch ta. Quyết không để bị cản bước tiến quân về giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước!

Những chiếc xe tăng như thoát ra khỏi cơn dao động, rọi đèn thật sáng và rú ga thật lớn cùng nhích dần tiến lên, đồng thời những nòng súng đại liên, đại bác hạ tầm bắn thị uy. Đám đông chạy tán loạn, tiếng la khóc chìm trong tiếng súng. Bộ binh tản khai, trừng trị thẳng thừng những kẻ ngoan cố cản bước đường tiến quân. Đám người nháo nhào chạy lẩn đi khắp chốn. Những tiếng ồn lắng xuống, tan đi nhanh chóng. Vất vả lắm các chiến sỹ bộ binh mới theo kịp xe tiến lên.

Khi đoàn xe vượt qua dãy phố xá thì tản ra, dừng lại. Vẻ mặt mỗi cán bộ chiến sỹ đều tỏ ra căng thẳng. Họ đau đớn đi gom xác đồng đội đã hy sinh trong thế tiến công mà sức đề kháng của kẻ địch đã tan rã hoàn toàn. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời chiến đấu những người lính dù từng trải và dày dạn mới trải qua. Họ đóng dã chiến bên ngoài thị trấn. Không ai muốn ăn mặc dù trong bụng rỗng không. Họ chỉ khát nước thôi. Nhưng trong tình cảnh này nước lã trong chum vại và giếng nước nhà dân cũng không ai dám uống.

Cùng lúc với chi khu Dầu Tiếng và thị xã An Lộc ở phía tây-bắc Sài Gòn. Các lộ 13, 14, 20, 22 tiến thẳng về Sài Gòn đã bỏ ngỏ. Trong khi Thiệu ra lệnh cho Sư 18 quyết tử thủ bảo vệ “lá chắn thép” Xuân Lộc thì Quân giải phóng đột ngột thay đổi ý đồ chiến thuật, một mặt giữ vững trận địa kìm chân đối phương, cùng lúc các mũi tiến công chuyển hướng đánh bọc ra phía sau, chiếm ngã ba Dầu Giây, uy hiếp yếu khu Long Thành – Trảng Bom và thành phố Biên Hòa.
Lá chắn Xuân Lộc chơ vơ ngoài vòng đai phòng thủ Sài Gòn!

Chiến sự diễn ra giằng co quyết liệt ở ngã ba Tam Hiệp và đơn vị mau chóng vượt qua thị xã Biên Hòa. Hình ảnh các đồng đội hy sinh vừa qua thoáng hiện ra. Ở tuyến phòng thủ vành đai mà địch đã phản ứng dữ dội, liệu vào tận sào huyệt phản ứng của chúng sẽ thế nào? Hiểu được tâm trạng của bộ đội, Chính trị viên Trung đoàn xuống từng Đại đội động viên:
– Quân Mỹ đã rút chạy. Quân ngụy hoang mang cực độ và tan rã nhanh chóng. Giờ chiến thắng đã đến gần. Các gọng kìm đã xiết chặt và sẽ bóp nát hang ổ cuối cùng của địch. Các đồng chí! Vì thắng lợi cuối cùng, chúng ta sẵn sàng hy sinh tất cả! Không sức mạnh nào cản được bước tiến của đại quân ta.

Lúc này, trên lộ Một nườm nượp xe của các mũi hội quân dồn về, vừa vui náo nức vừa hồi hộp. Hai chiếc xe tăng M41 của địch bị bắn cháy nằm cản giữa đường, trung đội của Nhân Trí được lệnh ủi gạt chúng sang một bên để lấy đường tiến quân.
Phía trước là một chiếc cầu, mặt đường bị cày xới, chỗ đỏ quạch, chỗ nám đen khói đạn. Một cô gái bận bộ đồ bà ba đen, khăn rằn, nón tai bèo, khoác súng AK, tay đeo băng đỏ, tay giơ ngang ra lá cờ Mặt trận vẫy vẫy. Nhân Trí ra hiệu cho xe dừng lại, hét to lên:
– Đây là đâu?
– Cầu Rạch Chiếc!… Kế là cầu Sài Gòn… vừa ngơi tiếng súng!… Chạy tới ngã tư lớn, quẹo trái… qua cầu Thị Nghè… thẳng miết tới dinh Độc Lập!
Nhân Trí chỉ những người đang lúi húi trên bờ, lặn ngụp dưới sông, cảnh giác:
– Những ai đang làm gì dưới hai bên chân cầu kia?
Giọng cô gái lạc đi:
– Mấy anh giải phóng và du kích đang tìm tử sỹ… Hai hôm rồi ở đây đánh lớn. Sớm nay nó mới bỏ chạy đi!

Chiếc xe hồng hộc phun làn khói đen đặc giận giữ lao đi, thoáng đã nhập vào dòng xe hối hả.
Cầu Sài Gòn còn vương khói súng. Xác xe tăng trên cầu. Xác tàu chiến dưới sông. Mấy chiến sỹ đặc công có người còn băng trắng trên đầu, trên mình… nằm phục hai bên đường giương súng trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đoàn xe. Mấy chiến sỹ đánh đu dưới thành cầu kiểm tra xem có mìn gài. Mặt đường đầy những súng bộ binh Mỹ, mũ nón, áo quần, giày dép lính ngụy tung tóe. Thấp thoáng những bóng người mình trần, quần cụt, chân đất hớt hải chạy tụt vào những bụi cây, con hẻm và những ngôi nhà… Những trận ác chiến hôm trước, hôm nay quyết liệt giành giật từng chiếc cầu, điểm yếu. Dù sao đó cũng chỉ là sự chống trả của lũ rắn mất đầu, rã rời trước sức tiến công ào ạt của Quân giải phóng trên mọi nẻo đường tiến vào thành phố.

Khi ổ đề kháng cuối cùng trên cầu Thị Nghè bị đập tan, xe của các đơn vị đan xen nhau chiếm lĩnh các vị trí được giao.
Đường phố vắng tanh. Nhà nhà đóng cửa. Những người lính ngồi trong tháp xe hay bám bên thành xe trong tư thế chiến đấu với tâm trạng vừa căng thẳng vừa hồi hộp, không hiểu phản ứng của dân chúng thế nào.

Trong khuôn viên dinh Độc lập người ta hỗn độn không ai kiểm soát được ai. Lính tráng đã được lệnh tập trung vũ khí, đề phòng một sự phản ứng cùng đường có thể gây nguy hại cho biết bao sinh mạng. Người bồn chồn, bứt rứt. Người rũ rượi ủ ê. Đám lính cởi trần nằm ngồi ngổn ngang ở các gốc cây không biết phải làm gì. Đám chính khách mặt mày sầu não, quần áo dù cố kéo cho thẳng nhưng vẫn nhàu nhĩ sau cả một đêm không ngủ và từ chiều hôm qua chưa có chút gì vào bụng. Có một số người lăng xăng vào ra như đang trông đợi. Ông giáo Phú nghĩ trong số những người hiện diện ở đây chắc chắn có không ít người đàng mình. Nhưng họ là ai? Ông lẳng lặng theo dõi, vẫn không bộc lộ mình ra. Lúc này, mỗi người nghĩ tới thân phận mình sẽ sao đây chứ không ai nghĩ tới anh này đối lập hay anh kia trung lập. Có người tỏ ra ân hận sao trù trừ trong khi trước đó có thể lo thoát sớm đi. Chính ông giáo Phú cũng thấy phập phồng, không hiểu rõ tâm trạng của mình ra sao nữa. Mừng thì có mừng. Nhưng vẫn có chút gì gờn gợn.

Khi tốp xe tăng lạ có in hình ngôi sao năm cánh lao tới ủi sập cánh cổng tiến vào sân. Có mấy người cầm súng, giương lá cờ nửa xanh, nửa đỏ có ngôi sao vàng ở giữa chạy vào thì ông giáo như một cậu học trò không kìm được mình nữa, nhảy tưng lên, chạy ùa ra đón những chiến sỹ Quân giải phóng. Ông không biết từ đâu mình lại có lá cờ như thế trên tay và ông chạy ngược ra phía cổng. Một chàng thanh niên xịch đỗ chiếc xe gắn máy sát lại. Ông nhảy vội ngồi sau xe và giơ cao ngọn cờ lên vẫy vẫy trong khi người thanh niên vừa phóng vù vù, vừa hét thật to:
– Quân giải phóng chiếm dinh Độc Lập rồi!
Một già, một trẻ cứ như bay trên đường phố thông báo tin thắng lợi cuối cùng.

Cùng lúc các mũi tiến quân đã lao vào nhanh chóng chiếm lĩnh sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Tổng Nha cảnh sát… Phố xá nhốn nháo lên. Người chạy bộ, người chạy xe tấp nập và mỗi lúc một đông hơn. Đoàn xe Quân giải phóng hành tiến chậm dần, có chỗ dồn lại. Bộ đội đứng trên xe, nhảy xuống đường cũng hét vang lên:
– Giải phóng Sài Gòn! Giải phóng miền Nam!
Các tiếng súng lớn, súng nhỏ nổ liên hồi. Lúc đầu có người sợ qúa chạy ngược vào nhà. Nhưng sau rồi nghe vui như pháo tết. Người ta lại túa ra đường đông hơn.

Trên một chiếc xe tăng, anh lính trẻ măng, mặt tươi rói, giơ cao khẩu AK khua khua trên đầu. Anh ta hét lớn lên những lời thơ ứng khẩu:
Ôi Tổ quốc giang sơn hùng vĩ
Đất anh hùng của thế kỷ hai mươi
Đứng hiên ngang trên tuyến đầu chống Mỹ
Có Việt Nam anh dũng tuyệt vời
Việt Nam ta độc lập thống nhất rồi !

Bao nhiêu người bu lại quanh xe. Họ vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Nhiều chàng trai, cô gái đề nghị anh nói đi nói lại nhiều lần để họ nhập tâm vì trong lúc bất thần thế này không có gì để ghi chép lại. Lần đầu tiên người dân thành phố được nghe những lời ngợi ca hào tráng về một tổ quốc Việt Nam mà trước đây họ chỉ nghĩ tới những khốn khổ tang thương. Và cũng lần đầu tiên không ít người nhận ra mình là một bộ phận của dân tộc ấy, của tổ quốc ấy đáng tự hào đến thế.
Đang lúc phấn chấn, anh lính trẻ vươn người, ưỡn ngực, giơ cao hai tay lên, ngửa mặt nhìn trời và hét thật to:
Hòa bình – Hạnh phúc – Ấm no
Cho CON NGƯỜI sung sướng – tự do!

Tiếng súng các loại cứ vang lên trong nỗi hân hoan chiến thắng để một phút người ta quên đi lẫn trong đó có cả những tiếng súng hận thù. Anh lính trẻ bỗng buông rơi cây súng, tay ôm ngực ngã chúi xuống đường.
Mọi người lại xô nhau bỏ chạy. Bộ đội tản ra trên đường. Nòng súng tăng hạ xuống nhắm về các ngôi nhà chung quanh. Trung đội trưởng Nhân Trí hét lên:
– Các đồng chí! Phải nhằm đúng đối tượng mà bắn. Đừng bắn lầm chết dân!
Nhưng đối tượng ở đâu? Nó đang lẩn khuất đâu đây? Mấy nòng súng đại bác, đại liên quay vòng như điên mà không dám phát hỏa. Mấy tay súng bộ binh chỉ dám giận dữ bắn chỉ thiên. Yên Thịnh từ trong tháp xe nhảy xuống ôm xác nhà thơ trẻ khóc oà lên từng hồi.

Lệnh hành tiến tiếp.
Một chiếc xe com măng ca trờ tới. Mấy chiến sỹ khiêng xác đồng đội lên xe. Yên Thịnh không chịu rời xa người bạn hồn nhiên thân thiết ấy. Chiếc xe phải vất vả lắm mới tách ra khỏi đám đông người bùi ngùi, xụt xịt trước cái chết của người chiến sỹ trong giờ chiến thắng.
Chiếc xe chở tử sỹ về đến trạm quân y dã chiến đúng lúc mọi người đang túm tụm nghe đài Sài Gòn phát lời của Tổng Thống Dương Văn Minh kêu gọi “quân đội cộng hòa” hạ vũ khí đầu hàng. Tiếp ngay đó, lời vị đại diện Quân giải phóng đanh thép, long trọng tuyên bố thành phố Sài Gòn đã được giải phóng, chấp nhận sự đầu hàng vô điều kiện của đội quân tay sai và giải thể chính quyền do ngoại bang ngụy tạo kể từ giờ phút lịch sử này.
Trong khi mọi người nhảy lên vỗ tay reo mừng hoặc ôm nhau khóc khóc cười cười thì Yên Thịnh hai tay bưng mặt, càng khóc nức nở hơn.
Lúc đó vào buổi trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975.
———–
Ký sự của Nguyễn Văn Thịnh
CẢM XÚC THÁNG TƯ
(Tập truyện in chung – NXB Văn hóa-Văn nghệ – 4/2015)

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍