Mới đây, tôi có đọc bài viết “Trớ trêu ốc bươu vàng giá trị hơn lúa!” của GS Nguyễn Văn Tuấn, một giáo sư thỉnh giảng cao cấp tại Đại học New South Wales, Việt kiều Úc. Đây có thể nói là một ví dụ điển hình về “tật xấu” của một số trí thức nước nhà: phê phán chính sách, than thở sự tình nhưng lại chẳng có được ý kiến, giải pháp gì để hạn chế sự bất cập đó. Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, theo các thông tin trên internet, là một nhà khoa học Việt kiều, có nhiều đóng góp cho nền y học nước nhà. Ông thường xuyên có các bài viết trên blog, báo mạng về các vấn đề ông quan tâm, nên có thể bài viết này của ông cũng chỉ xuất phát từ sự trăn trở của ông với quê hương. Tuy nhiên, tôi thấy nó quá phù hợp để làm ví dụ về đề tài của bài viết này nên xin lấy ra để làm đối tượng mổ xẻ.

Tác giả mở đầu bài viết bằng vụ việc “Bộ trưởng thương mại Thái Lan, Boonsong Teriyapirom, bị Thủ tướng Yingluck Shinawatra cách chức, vì ông là tác giả của một chương trình nông nghiệp dẫn đến giá gạo Thái cao hơn giá gạo Ấn Độ và Việt Nam, và làm giảm lượng xuất khẩu của gạo Thái”. Ông ngậm ngùi vì ở nước mình thì giá lúa xuống thấp, không ai chịu trách nhiệm. Ngay từ mở đầu, tác giả đã hiểu sai vấn đề.
– Tạm trữ lúa gạo bằng ngân sách nhà nước là một chính sách của chính phủ thủ tướng Yingluck Shinawatra đưa ra khi tranh cử thủ tướng (để thu hút cử tri nông thôn). Chương trình này rất đơn giản: Chính phủ mua gạo của nông dân với mức giá hào phóng, trên giá thị trường khoảng 50%, sau đó trữ gạo trong kho, giảm xuất khẩu. Thái Lan dự kiến sự thiếu hụt bất ngờ từ nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới sẽ đẩy giá tăng đột biến trên toàn cầu, sau đó, nước này bán ra với mức giá cao hơn bình thường, nông dân và Chính phủ Thái Lan hưởng lợi, chỉ có người tiêu dùng thế giới bị thiệt. Chương trình này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ cả phe đối lập, giới kinh tế và chuyên gia tài chính. Thực tế, nó đã gây thiệt hại cho ngân sách chính phủ khoảng 4.5 – 7 tỷ USD và hiện thời vẫn chưa có cách khắc phục. Ông Boonsong Teriyapirom, người chịu trách nhiệm trực tiếp của chương trình này đương nhiên phải trở thành “vật tế thần” để xoa dịu dư luận, phe phái đối lập,…
– Rõ ràng trong trường hợp của Thái Lan, thoạt nhìn thì có vẻ người nông dân sẽ được hưởng lợi vì giá tăng nhưng thực chất đất nước Thái Lan gặp thiệt hại. Ngân sách nhà nước, tức tiền thuế của toàn dân bị thất thoát trong quá trình chuyển từ ngân sách đến túi nông dân do tham nhũng, gạo bị tồn kho không bán được, bị xuống cấp … Trên thực tế, đây giống như trò múc nước từ ngăn này sang ngăn khác trong cùng một cái bể.

Tác giả lại so sánh giá thóc với giá ốc bươu vàng, là thứ “rác sinh học” để minh chứng cho sự bèo bọt của thóc. Ông than thở: “Tôi không biết có nơi nào mà người ta có thể ăn ốc bươu vàng thay cho gạo”. Là một nhà khoa học, một trí thức lớn, thật lạ là tác giả lại hiểu vấn đề một cách “chân chất” như vậy. Ốc bươu vàng có thể là “rác sinh học” theo quan điểm của những người trồng lúa khi nó phá hoại mùa màng nhưng đối với các nhà chăn nuôi gia súc thì nó lại là nguồn thực phẩm chăn nuôi dồi dào, chi phí phải chăng. Nói cách khác, ra thị trường thì lúa hay ốc bươu vàng thì cùng đều là hàng hóa, và chịu sự chi phối của các mối quan hệ thị trường. Có nơi nào mà người ta ăn vàng thay gạo được không mà sao vàng lại đắt thế?!

“Kể khổ” giùm nông dân xong, ông chuyển sang chỉ trích chính sách nhà nước:
“Chính phủ có Nghị quyết “Về đảm bảo an ninh lương thực quốc gia” và “đảm bảo người sản xuất lúa gạo có lãi trên 30% so với giá thành sản xuất.” Con số lời 30% có lẽ ru ngủ nhiều người và đẹp trên trang giấy, nhưng trong thực tế thì giá lúa tính chung giảm 30% từ năm 2011 đến 2012. “
Chính sách đưa ra là thể hiện ý chí, nguyện vọng của chính phủ, định hướng hoạt động cho các cơ quan chuyên trách. Nhưng từ mong muốn đến hiện thực thì phải trải qua nhiều “trắc trở” nữa. Thay vì phê phán cái mong muốn tốt đẹp của chính phủ thì tác giả nên chỉ ra những khó khăn, giải pháp khắc phục để góp phần đưa mục tiêu đó sớm trở thành hiện thực. Ông giáo sư đã không làm được điều đó, mà chỉ đưa ra cái lý do muôn thuở rằng “thương lái ép giá”. Thậm chí ông lại tiếp tục phê phán “chính sách tạm trữ lúa gạo của Nhà nước”“vô hình chung tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mua lúa và tạm trữ”. Ở trên thì ông ngầm ca ngợi Thái Lan (vì tăng giá gạo cho nông dân), dưới thì ông chê bai nhà nước, dù mục đích chính sách của 2 nước là tương tự nhau. Có lẽ tác giả cũng chưa hiểu rõ về chính sách này vì mục tiêu của nó là “buộc” các doanh nghiệp phải mua thóc, gạo trong 1 thời điểm nhất định để giải quyết phần nào đầu ra cho nông dân, kích thích tăng giá,.. chứ chẳng phải “vô hình chung” đâu. Chính sách của Việt Nam khác Thái Lan là nhà nước giao chỉ tiêu mua gạo cho các doanh nghiệp và hỗ trợ 100% lãi suất để doanh nghiệp thu mua. Nhờ vậy, ngân sách nhà nước không phải bỏ ra nhiều và rủi ro như Thái Lan, đồng thời tránh được nguy cơ bị điều tra chống trợ giá xuất khẩu. Chính sách này thực chất lại là “gánh nặng” đối với các doanh nghiệp vì họ bị buộc phải mua khi chưa có nhu cầu, theo giá sàn do VFA quy định chứ không phải tự do. Tất nhiên, vì nhiều lý do, giải pháp này của chính phủ chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, dù đã có tác động phần nào đến giá gạo. Nó chỉ là một cách giải quyết phần ngọn của vấn đề. Cái gốc của nó tôi sẽ phân tích trong bài viết khác.

Từ chuyện khó khăn của đầu ra hạt thóc, ông giáo sư đưa đến kết luận rằng đó là nguồn cơn của mọi vấn đề nông thôn miền Tây hiện tại:
“Với tình trạng như thế thì chẳng ai ngạc nhiên khi thấy cha mẹ “quyết không để con làm ruộng”. Thu nhập của nông dân nếu tính ra còn thấp hơn thu nhập của công nhân trong các hãng xưởng. Do đó, không ai ngạc nhiên khi phụ nữ xếp hàng đi lấy chồng Tàu, Hàn (một số thì bị chết thảm), và vấn nạn này là một quốc nhục.
Trong khi đó, nam thanh niên thì đi lang bạt làm thuê ở các khu kĩ nghệ khắp nước. Có nơi (như Thới Bình, Cà Mau) chỉ trong vòng 6 tháng có hàng ngàn thanh niên bỏ huyện đi làm ở các tỉnh khác. Ngày nay, đến mùa gặt lúa nông thôn rất khó tìm nhân công. Thêm vào đó là sự tăng trưởng dân số cộng với sự thiếu qui hoạch đã gây nên sức ép môi trường ghê gớm. Hệ quả là môi trường sống và môi trường canh tác càng ngày càng xấu đi một cách nghiêm trọng. Ở quê tôi, không ai dám tắm sông. Có thể nói không ngoa rằng nền tảng nông thôn vùng ĐBSCL đã và đang lung lay.”.

Chuyện nhà nông đầu tắt mặt tối thì đâu phải là chuyện gì mới lạ. Đó là điều hiển nhiên hàng ngàn năm nay. Dù theo thời gian, cùng với sự phát triển của Khoa học kỹ thuật, điều kiện làm nông ngày càng được cải thiện nhưng so với các ngành nghề khác, nó vẫn là vất vả, dùng sức nhiều. Do đó, chuyện nhiều bậc cha mẹ mong con cái thoát ly cái khổ của nghề chân tay là hoàn toàn dễ hiểu, và nó diễn ra trên khắp mọi miền nông thôn cả nước, từ bao đời nay. Tác giả lại so sánh một cách rất khập khiễng “thu nhập của nông dân” với “thu nhập của công nhân”. Nếu người nông thôn đổ ra thành thị để làm công nhân với một thu nhập thấp hơn khi ở quê làm ruộng thì người ta lên thành phố làm gì? Tuy nhiên, theo quan sát của tôi thì mặc dù xét về khoản thu nhập tiền mặt, người công nhân có vẻ kiếm được nhiều hơn nông dân nhưng ngoài áp lực công việc, họ còn phải chịu rất nhiều chi phí khác từ tiền thuê nhà đến các nhu yếu phẩm hàng ngày. Mặt khác, trong quá trình công nghiệp hóa đất nước, việc cơ cấu lao động chuyển dần từ nông nghiệp sang công nghiệp là hoàn toàn dễ hiểu, thậm chí ở nước ta, sự chuyển đổi còn có vẻ hơi chậm (70% dân số ở nông thôn, làm nông nghiệp). Tác giả than thở rằng nông thôn thiếu nhân công nhưng lại bị áp lực về dân số gia tăng! Nghe có vẻ phi lô gíc! Về việc các cô gái đua nhau lấy chồng Tàu, chồng Hàn lại là một vấn nạn xã hội, tập hợp của nhiều yếu tố như sự thiếu hiểu biết, tâm lý lười lao động mà thích sớm hưởng thụ,.. Là một trí thức lớn, lý ra tác giả phải hiểu rằng cái nghèo không phải là nguyên nhân chính yếu của vấn nạn này. Nói về khó khăn, trên đất nước ta không đâu hơn được khu vực miền núi Tây Bắc và miền Trung cát sỏi, nhưng họ ít đối mặt với vấn nạn này.

Người dân miền Tây vốn được thiên nhiên ưu đãi nên hình thành tính cách phóng khoáng, chân chất, giản đơn. Nét đẹp tính cách ấy của người Nam Bộ lại kéo theo mặt trái là tâm lý thích an nhàn, hưởng thụ mà ít chịu khó, chịu khổ, không trọng việc học hành (nhất là đối với phụ nữ) như cư dân các miền Bắc, Trung. Về mặt khách quan, vùng đất Nam Bộ gặp nhiều khó khăn về giao thông do có quá nhiều sông ngòi, kênh rạch. Điều đó gây khó khăn rất nhiều cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng nơi đây. Vai trò của những người trí thức chân chính là phải đào xới những khó khăn chủ quan và khách quan đó để đưa ra những kiến nghị, giải pháp khắc phục hiệu quả chứ không phải ngồi kể lể lại khó khăn này, khó khăn nọ, quy chụp lung tung để rối thêm tình hình. Điều đó cũng chẳng khác gì thái độ “bán cái” của ông “quan chức cao cấp thuộc vùng ĐBSCL” nào đó mà tác giả trích dẫn: “ĐBSCL ở xa trung ương quá, lâu lâu Bộ mới vào một lần. Trung ương mà không sớm thay đổi chánh sách, bỏ rơi thì miền Tây không thoát nghèo được”.

Cả bài viết của vị giáo sư Việt kiều dù có thể mang theo sự trăn trở của ông với quê hương mình nhưng thật tiếc là nó không những chẳng đưa ra được tia sáng tri thức gì khả dĩ có thể đem lại lợi ích cho người nông dân quê nhà mà thậm chí còn mang đến những thông điệp tiêu cực không đáng có. Tôi cho rằng người nông dân không cần các vị trí thức “khóc” giùm cho mình mà họ cần các vị ấy chỉ cho họ cách để không phải “khóc” nữa. Đất nước, người dân cần những bài viết mang hàm lượng tri thức và khả dụng cao từ các vị trí thức chứ không phải “món gỏi xã hội chấm mù tạt”. Hãy để việc lấy nước mắt thiên hạ cho các vị “phóng viên trồng cải”.

QUYẾT ĐỊNH SỐ 311/QĐ-TTg CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ MUA TẠM TRỮ THÓC, GẠO VỤ ĐÔNG XUÂN NĂM 2012 – 2013 (NGÀY 07/02/2013)

—————————
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của các Bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tại công văn số 442/BNN-CB ngày 01 tháng 02 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Mua tạm trữ 1.000.000 tấn (một triệu tấn) quy gạo theo tỷ lệ quy đổi thóc:gạo là 2:1 trong vụ Đông Xuân năm 2012 – 2013 ở đồng bằng sông Cửu Long; loại thóc, gạo mua tạm trữ gồm thóc, gạo thường và thóc, gạo thơm.

Điều 2. Thời hạn mua tạm trữ từ ngày 20 tháng 2 năm 2013 đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2013.

Điều 3. Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức việc phân giao cho các thương nhân trực tiếp có kho chứa thóc, gạo đúng quy chuẩn mua số thóc, gạo tạm trữ trên. Các thương nhân thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh.

Điều 4. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ; thời gian tạm trữ được hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 tháng, từ ngày 20 tháng 2 năm 2013 đến ngày 20 tháng 5 năm 2013.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cụ thể việc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Quyết định này; bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện việc hỗ trợ lãi suất nêu trên.

Điều 5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định một số ngân hàng thương mại thực hiện việc cho vay mua thóc, gạo tạm trữ.

Điều 6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở đồng bằng sông Cửu Long và Hiệp hội Lương thực Việt Nam xây dựng quy chế giám sát, kiểm tra việc thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ theo đúng quy định tại Quyết định này.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 8. Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân được giao thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

© Đạo Sĩ Chăn Gà

😍😍Nếu bạn thấy nội dung này có giá trị, hãy mời bần đạo một ly cà phê nhé!😍😍